Menu ngang

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Nghỉ hưu & làm việc khi nghỉ hưu



Suy ngẫm - Trao đổi


                       Nghỉ hưu & làm việc khi nghỉ hưu


         I - Nghỉ hưu

Theo Bộ luật lao động, thì nghỉ hưu là một trong các chế độ đối với người lao động sau khi có đủ điều kiện qui định về tuổi tác và thời gian công tác có đóng Bảo hiểm xã hội. Như vậy, nói chung là, sau một thời gian cống hiến bằng sức lao động cho xã hội, con người “được” nghỉ hưu, chứ không phải “bắt” nghỉ hưu.
Có thể khái quát, về hưu là việc thực hiện đúng qui luật, đúng quyền lợi và đúng nghĩa vụ trách nhiệm của mọi người lao động, không ai là ngoại lệ.


Về hưu là qui luật:  Qui luật tự nhiên của một đời người là: có trẻ có già, có lên có xuống, có khỏe có yếu, có làm có nghỉ - đó là những điều tất yếu khách quan. Qui luật khách quan đó được nhà nước nghiên cứu vận dụng ban hành thành văn bản pháp qui về các chế độ chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động . Hưu trí là một trong các chế độ qui định  bằng văn bản đó. Nói hợp qui luật là thế.
Về hưu là quyền lợi: Sau mấy chục năm bền bỉ lao động, chiến đấu, công tác, nay được hưởng chế độ hưu trí là quyền lợi chính đáng, hợp pháp, hợp lý của người lao động. Cùng trang lứa như nhau khi bước vào đời, có phải ai cũng được cập bến đến ngày hưu trí. 
  Biết bao người đã hy sinh trong chiến đấu không có ngày trở về - Trong số đó, mãi đến nay, sau mấy chục năm, còn rất nhiều người vẫn nằm lại trên các chiến trường, mặc dù gia đình và các cấp đã thực hành nhiều biện pháp mà chưa tìm được hài cốt - Với họ là mãi mãi tuổi thanh xuân. Chắc chắn rằng, họ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện hưu trí. Và cũng biết bao người ra đi từ ruộng đồng, sau nhiều năm chiến trận trên mình mang đầy thương tích, bệnh tật, đến ngày toàn thắng lại trở về ruộng đồng. Họ thanh thản, tự nguyện theo triết lý sống từ ngàn xưa của người Việt : "Tĩnh vi nông, động vi binh". Ngày trở về, họ đối mặt với cuộc sống muôn vàn khó khăn, thời bao cấp hay thời kinh tế thị trường cũng đều vậy. 
            Nhiều công nhân viên chức sau nhiều năm công tác, đến khi do Nhà nước tinh giản biên chế, do cơ quan, đơn vị giải thể, do doanh nghiệp phá sản,…mà đành đứt gánh nửa chừng, ngậm ngùi ra về theo chế độ “một cục” không đáng được là bao; sau đó bươn trải tự kiếm sống cho phần đời còn lại. 
              Rồi nữa, rất nhiều người trải qua mấy chục năm hăng hái, miệt mài, chăm chỉ làm việc, đã đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, ngấp nghé tuổi mãn chiều xế bóng, chuẩn bị hạ cánh an toàn. Nhưng đùng một cái, do một căn bệnh hiểm nghèo, thế là họ lặng lẽ đi về cõi vĩnh hằng mà chưa kịp biết đến đoạn đời hưu trí.
Về hưu là trách nhiệm: Giả thiết có tính ước lệ rằng, mỗi một tổ chức, cơ quan, doanh nhiệp - nói rộng hơn là cả bộ máy trong hệ thống chính trị - được coi như là một đội bóng đá. Trong đội bóng đá thường có 3 lớp: cựu danh thủ, danh thủ và cầu thủ trẻ còn sung mãn sức xuân mới vào sân cỏ. Cả ba lớp đó bù trừ cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Không thể có một câu lạc bộ duy trì lâu dài trong đội bóng đá của mình toàn danh thủ cùng lớp lứa. Dù đó có là tập hợp các danh thủ cỡ như Pêlê, Maradona, CR7 …đi nữa. Vì như thế, đến một lúc nào đó, đội bóng sẽ lão hóa, không thi đấu được. Gánh nặng tuổi tác trĩu nặng lên đôi chân cầu thủ. Trên sân cỏ họ chỉ còn chạy theo cái bóng của mình. Hoặc cứ coi xã hội như một dòng sông đang đêm ngày chảy xiết. Dòng sông chảy là dòng sông sống. Dòng sông không chảy, ngưng đọng là dòng sông chết. Luận điểm bất hủ trong phát biểu của Heralit, Triết gia vĩ đại của Hy Lạp cổ đại là: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” để nói lên sự vận động, đổi mới và phát triển không ngừng. Có thể nói, đây là luận điểm thể hiện quan diểm Duy vật biện chứng đầu tiên trong lịch sử Triết học. Ông cha ta từ ngàn xưa đã có câu thành ngữ: “Tre già măng mọc” cũng là nói lên qui luật tự nhiên.
Đến tuổi nghỉ hưu mà tự nguyện, thanh thản bàn giao cho người kế tiếp là nghĩa vụ trách nhiệm của lớp người đi trước đối với lớp sau, và là trách nhiệm chính trị của mình trước tổ chức. Khi mới tiếp nhận, lớp sau có thể còn mặt này, mặt khác thua kém các bậc đàn anh. Nhưng chắc chắn rằng, sau một thời gian nỗ lực vươn lên, họ sẽ hơn lớp trước. Đó là điềm mừng, vì nó hợp qui luật.

Dĩ nhiên, sau mấy chục năm công tác đã thành nếp trong tư duy, trong nếp sống hằng ngày, nay trở về cuộc đời thường có sự chống chếnh theo quán tính, theo cảm tính, là đương nhiên, là điều dễ hiểu, rất đáng cảm thông.  Mỗi chiếc xe khi “cua” rẽ sang con đường khác có sự chao đảo ngả nghiêng (một chút thôi) theo quán tính là đúng theo qui luật chuyển động cơ học. Mỗi con người cũng vậy thôi, khi rẽ sang một đoạn đời khác, có sự chao chạnh trong tâm lý, trong cảm xúc là điều bình thường. Những con người cả đời có nhịp sống cần mẫn, nghiêm túc, có kỷ luật, đúng giờ giấc, sau mấy chục năm làm việc đã thành nền nếp ăn sâu vào thói quen, tiềm thức. Bây giờ thay đổi nên chưa kịp điều chỉnh, thích nghi. Và như thế mới là con người.             
Được biết, do đời sống khá giả, lại thiếu sức lao động, một số nước phát triển, nhà nước muốn kéo thời gian làm việc của người lao động, mãi đến thật già mới cho nghỉ hưu. Và ở đó, người lao động luôn luôn trong tâm thế đòi được nghỉ hưu sớm hơn. Còn như ở ta, do đời sống vất vả, công việc làm khó khăn và có thể do nhiều nguyên nhân khác nữa, dẫn đến tình trạng nhiều người lao động - nhất là trong khu vực gián tiếp - chưa  muốn nghỉ hưu. Nhiều người coi về hưu là sự  “bắt buộc”, nên họ muốn “bám trụ” ở nơi công tác bằng mọi giá. Thậm chí có người coi việc cơ quan đơn vị cho mình nghỉ hưu như một hình thức kỷ luật.
   Tóm lại, về hưu là công đoạn cuối trong một đời của người lao động. Đó là điều bình thường, tất yếu khách quan, diễn ra muôn thuở.

II - Làm việc khi nghỉ hưu

Hưu trí vốn là từ Hán được dùng lâu ngày thành Việt hóa. Gốc nghĩa của hưu trí là sự nghỉ ngơi tốt lành. Phép nhà Đường quan lại cứ làm việc 10 ngày thì có 1 ngày nghỉ, gọi là tuần hưu. Thời gian xen giữa các cuộc giao tranh trong lịch sử gọi là hưu chiến.
Xét trên một bình diện chung, với một cách nhìn tổng thể thì, về cơ bản, người nghỉ hưu là nghỉ lao động để an hưởng tuổi già, thụ hưởng lương hưu dù là rất khiêm nhường của mình. Điều quan tâm nhất của mọi người nghỉ hưu là sức khỏe. Gánh nặng thời gian, tuổi già ập đến, cơ thể xuống cấp, sức đề kháng giảm dần, bệnh mãn tinh trỗi dậy. Con người ta, lúc còn trẻ khỏe thì bán sức kiếm tiền, đến khi về già lại dùng tiền để mua lại sức khỏe. Luyện tập và thuốc thang là hai giải pháp hữu hiệu để được sống khỏe, sống vui.
Thú vui của người nghỉ hưu thì diễn ra muôn vẻ, tùy theo sở thích, gia cảnh và môi trường nơi cư trú. Nhiều người tham gia các câu lạc bộ. Người thì chọn cách đọc sách và viết lách. Người thì bám bàn lướt ván trên mạng đọc đông, tây, kim cổ, vô thiên lủng. Với họ, nếu không có máy tính và Internet thì sẽ không biết là thế nào. Phần đông người nghỉ hưu là vui với cháu con. Hàng ngày, được dắt cháu ngày hai buổi tới trường (mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học) và bi bô với cháu bé là một niềm vui lớn, là hạnh phúc của một đời người. Có người chọn 5 C (cây, chim, cá, chó, cảnh) làm thứ lao động lý liệu và thư giãn, xả stress,…
Cuộc sống khó khăn, đồng lương hưu không đủ trang trải. Trong nhiều trường hợp, lương hưu chỉ đủ ăn, dù còn rất đạm bạc, nhưng rõ ràng là không đủ sống. Cuộc sống còn nhiều nhu cầu khác, đâu chỉ có ăn! Để góp phần giải quyết khó khăn, nhiều người nghỉ hưu tìm việc làm thêm. Trong số này phần đông là người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp. Điều đó là hoàn toàn chính đáng, hợp lý, rất đáng khích lệ, hoan nghênh. Con người ta, bất kể là ai, đều có quyền làm những việc mà pháp luật không cấm để cải thiện đời sống cho mình, đồng thời từ đó tăng thêm hàng hóa và dịch vụ cho xã hội.
 Nhiều người thực sự có năng lực và uy tín, khi về hưu được bầu vào các chức sắc đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương hoặc địa phương. Và rất nhiều người có tâm huyết, trách nhiệm và uy tín được bầu là Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể (Hội cựu chiến binh; Hội người cao tuổi,…) ở cơ sở. 
        Nhiều người bằng khả năng, sở trường, lập công ty riêng hoặc được doanh nghiệp mời làm việc. Họ đã cùng công ty hoặc doanh nghiệp gặt hái được nhiều thành công trong sản xuất kinh doanh. Với mặt hàng sản phẩm có chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng, chiếm lĩnh được một thị phần rộng lớn, khẳng định được thương hiệu trên thương trường đầy thử thách khắc nghiệt. 
          Lại được biết, có ông Đại tá quân đội khi bắt đầu nghỉ hưu đã ngót 60 tuổi vẫn dành thời gian “đèn sách” đi học nghề đông y. Sau hơn 14 năm hành nghề, với y đức, y lý và y thuật khá cao, ông trở thành một lương y giỏi ở một thành phố lớn, đã khám chữa bệnh thành công cho rất nhiều người. Thêm nữa, gần đây ông ấy đã viết cuốn Hồi ký "Trung đoàn - một thời chiến trận" vừa có nội dung tư tưởng, giá trị lịch sử và chất văn học cao - được đồng đội và độc giả hoan nghênh.
Tuy nhiên, việc làm của người nghỉ hưu cũng lắm chuyện đáng suy ngẫm - trao đổi.
Có người là quan chức, trước khi hạ cánh đã chọn cho mình một cái sân sau để khi hưu mà chưa nghỉ. Gọi là “hậu hưu”. Điều đó cũng đúng. Nhưng có điều là, theo qui luật thuận, thì: Từ nhu cầu cuộc sống, đòi hỏi hình thành tổ chức. Từ yêu cầu tổ chưc mà sắp xếp bố trí con người. Nhưng ở ta thì, trong nhiều trường hợp là thực hiện qui trình ngược lại. Bởi thế, có người sau khi nghỉ hưu đảm trách một tổ chức rõ to mà sự đào tạo, năng lực, kinh nghiệm sở trường vốn có của người chủ trì chẳng ăn nhập gì với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mà họ đang quản lý điều hành. Họ như những con dao pha hễ ném vào làm việc gì cũng được. Và cuối cùng rồi mọi việc cũng xong. Lấy cái gì làm thước đo chất lượng, hiệu quả. Mọi cái đều đã có dân lo.
 Nghe nói, có cán bộ cao cấp khi về hưu tham gia làm việc trong một công ty. Có lần khi “chạy” một dự án (lobby), ông cựu quan chức "than" rằng, hồi tôi làm việc đã ký duyệt hàng trăm dự án mà có bao giờ nhận “lót tay” kiểu như thế ấy đâu. Người môi giới nói, thời ông khác, bây giờ khác. Mà ai dám chắc là thời ông trong sạch. Ông không nhận gì - nghĩa là ông tự cho mình là thanh liêm - nhưng thực tế là, ông không nhận “lót tay” thì cấp dưới ông nhận.
Có người kể rằng, có ông là cán bộ cấp vụ hẳn hoi, khi về hưu làm nhân viên cho một công ty. Có lần, theo phận sự, ông ấy đưa ô tô ra sân bay đón sếp lúc nửa đêm. Vì theo qui định, không thể đưa xe ra đón tận chân cầu thang máy bay, mà ông đã bị vị giám đốc đáng bậc con cháu đã cáu tiết xẵng dọng phê bình gay gắt. Thật ái ngại!
Có trường hợp khác, một ông nguyên là chỉ huy trưởng một đơn vị lớn, khi nghỉ hưu xin đi làm cho một công ty thuộc đơn vị của ông ấy trước đây. Trong một buổi giao ban công ty, ông cựu chỉ huy trưởng giơ tay xin được phát biểu đề đạt một vấn đề, thì vị giám đốc công ty (vốn là cấp dưới rất xa của vị chi huy đó) ngồi ở ghế chủ tọa, gạt phắt đi, hãy khoan, chưa đến lượt ông. Lần khác, công ty tổ chức lễ kỷ niệm, ông chỉ huy trưởng vẫn nghĩ mình là người quan trọng, xăng xái lên sân khấu chụp ảnh lưu niệm. Thấy thế, vị giám đốc kéo xuống nói, chưa đến lượt ông đâu nhé. Thật ngao ngán! 
Lại có người trước đây đã từng đảm trách một cương vị rất lớn, có tài năng, có nhiều công lao trên lĩnh vực ngành trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế, được nhiều người kính trọng. Nhưng rồi khi nghỉ hưu làm Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn. Và trên cương vị đó, không biết, do vô tình hay cố ý, hay do chỉ quen điều hành kinh tế tầm “vĩ mô”, chưa quen ở tầm “vi mô”, lơ là, cả tin vào hệ thống cấp dưới,…để rồi được coi là tòng phạm trong việc làm trái qui định, lách luật, gây hậu quả đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, và ông ấy đã bị khởi tố. Vẫn biết rằng, với bất kỳ ai, có công thì thưởng, có tội thì phạt - như vậy kỷ cương phép nước mới công minh - nhưng thật cũng buồn!

Nói chung, đã về hưu là nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, ngoài bổn phận công dân, không tham gia gì cả nữa, chẳng sao. Và người nghỉ hưu theo khả năng, sở trường, sở thích của mình có thể  tham gia việc này việc khác, vừa góp phần cải thiện đời sống, vừa có ích cho cộng đồng, rất đáng khuyến khích. Trừ một số ít người rất cá biệt vô tình hay cố ý vi phạm pháp luật, còn lại mọi người về hưu đều có ích cho xã hội trong phần đời còn lại trên từng khía cạnh khác nhau ./.


                                                               NMĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét