Menu ngang

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Tâm tính "Hộp đen"




TÂM TÍNH “HỘP ĐEN”

            Tin tức thu hút sự quan tâm của dư luận là việc Bộ Giao thông vận tải đã và đang tổ chức lắp đặt thiết bị hành trình (theo cách gọi dân gian là "hộp đen") trên các xe vận tải hành khách và hàng hóa để kiểm tra hành trình của từng chiếc xe. Đáng mừng là chúng ta có thêm một biện pháp công nghệ hiện đại được áp dụng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tổ chức, quản lý, điều hành giao thông, ngăn chặn sự vi phạm luật giao thông đường bộ, tăng thêm khả năng bảo đảm an toàn. Mừng là vậy nhưng không phải không có những băn khoăn.


Người lái xe, người chủ phương tiện vận tải sẽ ứng xử thế nào với "hộp đen"? Lâu nay họ đã quen chở thêm hành khách, thêm hàng hóa, phóng nhanh, quay vòng nhanh để người lái xe có thêm thu nhập, chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp có thêm lợi nhuận. Thứ "thêm" này là "phần mềm" nhưng không ít đâu, nhiều khi còn ngang hoặc cao hơn "lương cứng" của người làm và là phần phụ trội đáng kể của người chủ.
Vậy thì họ sẽ chịu "bó tay" trước "hộp đen" khách quan, chính xác hay sẽ tìm cách đối phó? "Vỏ quýt dày" có chắc chắn chống được "móng tay nhọn"? Chuyện đã từng xảy ra ở những chiếc xe tắc-xi hay các cây xăng khi người ta cài những kỹ thuật điều chỉnh số ki-lô-mét hành trình hay dung lượng xăng bán ra. Ấy là chuyện dùng kỹ thuật, còn ngón nghề lái xe thì chẳng bao giờ thiếu. Họ tinh lắm để biết từng đoạn đường, từng khoảng thời gian sẽ có cảnh sát hay máy đo (bắn) tốc độ…
Chuyện thường ở đời cứ có "quản" là có "lách", có biện pháp mới là lại có cách đối phó mới, có giải pháp kỹ thuật thì có cách khắc chế, vô hiệu hóa. Vấn đề là phía những người sử dụng có vô tư, công tâm, có cách phát huy hiệu quả của các biện pháp, công cụ kỹ thuật hay không? Khi các camera được lắp đặt thử nghiệm ở một số đoạn đường người ta đã từng hy vọng khá nhiều nhưng rồi vì khối lượng đầu tư quá lớn, Nhà nước chưa thể đưa công cụ này thành phổ biến cùng với việc thiếu đồng bộ trong vận hành, kiểm tra, xử lý nên câu chuyện camera xem như tạm dừng. Cũng lại biết rằng đã từng có trạm cân kiểm tra tải trọng xe tải bị "làm lệch cán cân" về phía có lợi cho người chủ xe và chính những người làm phận sự công bằng khi vận hành trạm cân.
Vậy thì "hộp đen" có phát huy hiệu quả không hoàn toàn phụ thuộc tâm tính, biện pháp của người sử dụng. Xin nhắc lại chuyện của những chiếc điện thoại di động từng làm rối tinh rối mù các cảnh sát giao thông cùng nhiều mối quan hệ công tác, quan hệ xã hội. Chỉ mới đây thôi, ai đi đường cũng cám cho cái cảnh người vi phạm luật lệ nối máy với ông bác, ông anh nào đấy để chạy lỗi, ép cảnh sát phải nghe qua điện thoại những "chỉ thị", những yêu cầu của cấp trên hay của ai đó. Cảnh tượng này chỉ bớt hẳn đi khi Bộ Công an không cho phép cảnh sát giao thông nghe điện thoại của người vi phạm. Kết quả tích cực ấy là từ biện pháp quản lý con người.
Chuyện "hộp đen" mới chỉ bắt đầu, chưa biết sẽ có những điều gì chẳng lành xảy ra tiếp theo với thứ máy móc vô tội này nhưng thật may là những người có trách nhiệm liên quan đã bày tỏ thái độ quan tâm thực tế. Có thông tin chính xác và tức thì từ "hộp đen" cơ quan có trách nhiệm sẽ xử lý không chỉ các lái xe đơn lẻ mà cả các chủ doanh nghiệp. Sự kiên quyết ngay từ đầu đó chính là bộ não, là trái tim-tâm tính của "hộp đen". Mong mỏi sao cho sự kiên quyết ấy sẽ được truyền đến toàn bộ guồng máy thực thi để "hộp đen" thực sự góp sức cùng xã hội vượt qua mọi toan tính, thủ đoạn đối phó.
Cũng mừng cho "hộp đen" khi nó được vào đời trong bầu không khí xã hội thuận lợi với sự đồng lòng, cam kết mạnh mẽ của các ngành, các địa phương sẽ cố gắng cao nhất với các biện pháp đồng bộ, các sáng kiến thiết thực để giảm thiểu tai nạn giao thông. Điển hình cho quyết tâm trách nhiệm này là tuyên bố của một vị chủ tịch tỉnh: "Tôi sẽ xin từ chức nếu để tai nạn giao thông tăng".


                                 Nguồn :  MẠNH HÙNG  /  QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét