Menu ngang

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Nhiễm bệnh nghề nghiệp



Suy ngẫm - Trao đổi


                       NHIỄM  BỆNH  NGHỀ  NGHIỆP
                                                     N M Đ
 
          Xin thưa trước, đây không phải bàn về những bệnh nghề nghiệp phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động tới người lao động - những căn bệnh trong danh mục Bệnh nghề nghiệp theo Thông tư liên tịch Bộ Y tế - Bộ LĐTBXH ban hành hướng dẫn  thực hiện chính sách đối với người lao động theo qui định hiện hành của Bộ luật Lao động.
“Bệnh nghề nghiệp” được đề cập và lạm bàn ở đây là những “căn bệnh” về thói quen, tính cách, phong cách không hay, dễ “ bị lây nhiễm”, phát sinh ở các loại ngành nghề, lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Bệnh nghề nghiệp trong lao động sản xuất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động (từ từ hoặc cấp tính), thì có thể được ngành y tế giám định một cách chính xác bằng các phương tiện lâm sàng, cận lâm sàng. Nhờ đó, đo đếm, kết luận được tỷ lệ suy giảm khả năng lao động của từng con người cụ thể, để thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
Còn “bệnh nghề nghiệp” do thói quen hình thành tính cách, phong cách không hay, thì có cái hữu hình và có cái vô hình, tác động đến xung quanh, được kiểm chứng qua “con mắt” đám đông, của dư luận xã hội.
Theo quan điểm triết học, người ta vẫn nói, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. Con người là sản phẩm của hoàn cảnh sống. Con người chịu sự chi phối của môi trường (tự nhiên, xã hội) và đi liền theo đó, hình thành nên thói quen, tính cách, phong cách sống.
Nói ra thì to tát thế, nhưng thực tế là: Mỗi ngành nghề, lĩnh vực tạo ra những con người có một phong cách sống đặc trưng. Từ đó tạo ra sự đa dạng phong phú của xã hội.
Mọi sự vật, hiện tượng đều có tính hai mặt. Tấm huân chương nào cũng có mặt trái. Mặt tích cực thì phải tôn vinh, khuếch trương, cổ vũ. Mặt tiêu cực cần luôn phải chđộng phòng tránh, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất.
         Mặt tích cực do tác động ảnh hưởng từ nghề nghiệp, từ kỹ năng kỹ xảo trong hoạt động nghề nghiệp, tạo nên tính cách, phong cách, phương pháp nền nếp, chính qui, khoa học, chuẩn xác, mẫu mực trong cuộc sống thì rất đáng trân trọng và cần được phát huy.
        Vấn đề ở đây là, cần chỉ ra trúng diện mạo, hình hài biểu hiện của mặt trái - mặt được coi là "bệnh" - để chủ động hạn chế đến mức thấp nhất. Khi có người nhiễm “bệnh nghề nghiệp”, bộc lộ bằng các triệu chứng của nó, thông thường thì người ngoài mới nhìn thấy rõ hơn người trong cuộc.
Có thể nói, xã hội có bao nhiêu ngành nghề, bao nhiêu lĩnh vực, tất yếu có bấy nhiêu “bệnh nghề nghiệp”. Xin được lấy ra mấy mẫu cụ thể để cùng tham khảo, suy ngẫm, lạm bàn:
Đối với những người hành nghề trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật: tư pháp, kiểm sát, tòa án, thanh tra, kiểm tra, điều tra hình sự, bảo vệ an ninh,… đối tượng làm việc là các tệ nạn, các vụ việc tiêu cực liên quan đến pháp đình,  hình sự; gần như  phần lớn thời gian làm việc là tiếp xúc với mặt trái xã hội. Một số người nhìn đời toàn một màu xám, bởi vậy, dễ bị nhiễm căn “bệnh nghề nghiệp” là: Hầu như ở đâu và lúc nào cũng vậy, trong tiếp xúc với xung quanh, họ thường mang thái độ hoài nghi, cảnh giác cao độ, lạnh lùng, khô khan. Ngay trong quan hệ của họ đối với người thân, bạn bè…cũng không là ngoại lệ. Ví dụ: Hễ ai gọi điện đến, cho dù chỉ là thăm hỏi, câu đầu tiên họ đáp lại thường nhát gừng vô cảm là:  Nghe đây, ai đấy, có việc gì? Trong giao lưu quan hệ, thường ít khi họ trải lòng một cách thông thoáng, cởi mở. Cũng vậy, khi đành giá người khác, một số người thường suy nghĩ nhiều hơn đến mặt trái. Thậm chí có những việc rất bình thường trong đời sống, nhưng qua lăng kính, qua nhãn quan của mình, họ thường suy luận, suy diễn hoặc qui chụp dưới dạng hình sự hóa, chính trị hóa mọi vấn đề.
   Những người hành nghề trong ngành y tế trực tiếp khám, chữa bệnh - suốt ngày tiếp xúc với đủ loại bệnh nhân. Mọi người đến khám, chữa bệnh đều cho rằng mình lâm trọng bệnh, cần được quan tâm. Một người kêu nặng, nhiều người kêu nặng - ai ai cũng kêu nặng. Bởi vậy, một số bác sĩ nghe mãi thành nhàm, thành chán, thật mệt mỏi, cuối cùng xem ra không ai nặng nữa. Ngày này qua ngày khác, lặp đi lặp lại mãi, làm cho họ dễ nhiễm một hội chứng “ bệnh nghề nghiệp”: cữa quyền, thái độ phong cách dửng dưng, lạnh lùng - dù muốn hay không, y đức trong họ ít nhiều cũng bị suy giảm, xói mòn.
Kế đến, “bệnh nghề nghiệp” dễ bị nhiễm của một số người đảm trách các mặt công tác: nhân sự, tài chính, kế hoạch, đầu tư, qui hoạch, nhà đất,…Theo cơ chế xin cho và cơ chế thị trường, vô hình trung một số người nghiễm nhiên cho phép biến cái quyền của cấp có thẩm quyền thành quyền riêng của mình. Ở họ nhận được sự “ưu đãi chăm sóc” của khách hàng - tức là những người phải chịu sự chi phối qua công việc của họ. Lâu ngày được hưởng những đặc ân mà họ cho là đương nhiên đó, rồi một số người tự "huyễn hoặc" mình, từng bước hình thành nên tính cách mang thái độ lạnh lùng trong tâm thế trịch thượng, cữa quyền, ban phát ân huệ cho người khác. Ai đến gặp, họ cũng cứ ngỡ như người ta đến để xin xỏ. Cơ chế đó làm hỏng con người. Có người từ ngộ nhận mà vênh vang hơn và có người do nhu cầu cuộc sống mà hèn đi, xẹp xuống. Nhiều khi người ngoài nhìn vào thật vô lối, tội nghiệp.
Với một số người giữ cương vị lãnh đạo chỉ huy thường bị nhiễm “Bệnh nghề nghiệp” là: Trên chỗ đứng của mình, họ thường có thói quen nhìn cấp dưới thuộc quyền đều là “thần dân”. Trong nhiều năm, họ tự cho mình là người độc thoại giáo huấn, độc tôn chân lý trước đám đông. Họ có mấy khi nghe lời phản biện bắt nguồn từ hơi thở của cuộc sống. Mà cuộc sống thì phong phú, đa dạng và luôn luôn vận động phát triển. Họ thường ngộ nhận rằng, những điều mình “phát ra” đều là khuôn vàng, thước ngọc - những điều bắt buộc cấp dưới phải thực thi. Ai nói hoặc làm khác đi, tức khắc bị họ phản ứng quyết liệt - thậm chí gây hậu quả lớn đối với những người được coi là chống đối họ. Trong số họ, nhiều người thỏa mãn với năng lực, kinh nghiệm vốn có, ít dành thời gian nghiên cứu học hỏi, bám sát thực tiễn, để nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu của cương vị đảm trách. Có người là cán bộ lãnh đạo chỉ huy khi đã nghỉ hưu - đã rời chốn quan trường, về với đời thường với tư cách là "phó thường dân" - nhưng vẫn hành xử theo thói quen cũ, tiếp đà quán tình cũ. Lắm lúc thật nực cười. Đã xuống tàu, xuống xe rồi mà còn nhớ mãi số ghế chỗ ngồi!
Mọi căn “bệnh nghề nghiệp” còn tăng nặng hơn trong cơ chế thị trường bởi che đậy trong “cái phong bì” được gọi là “vui vẻ phí”, làm “bôi trơn” các mối quan hệ. Từ lâu nay, “cái phong bì” đã trở thành sứ giả, là cầu nối, len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, là phương tiện "lobby" can dự vào các quan hệ xã hội. Có người nói, "cái phong bì" càng dày, càng "xúc động" lòng người tiếp nhận. Chính những "cái phong bì" đó đã xô lệch, méo mó nhân cách của biết bao người!
 Mấy thí dụ trên chỉ là rất ít ỏi giữa biết bao biểu hiện của muôn vàn ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội. Nhận biết “bệnh nghề nghiệp” để chủ động rèn giũa, khắc phục, điều chỉnh, không ngừng hoàn thiện, hoàn mỹ - Âu cũng là điều cần thiết nên làm chăng !




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét