Menu ngang

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Cha tôi



                                             CHA TÔI


                              Chín lăm tuổi cha về theo tiên tổ
                             Ngót trăm năm phúc để lại đời sau

10 giờ 13 phút ngày 20 - 6 - 2008, chú Nguyễn Cảnh Dương, Giám đốc Công ty Du lịch Trường Sơn - Quân khu 4 điện cho tôi: “Anh ơi, được tin ông lâm bệnh trọng, em đến nhà thăm. Thấy ông nặng lắm rồi, anh ạ”. Hai phút sau, chú Dương điện tiếp: “ Anh ơi, ông đi rồi! ”. Tôi bàng hoàng đau đớn. Vậy là, lúc cha tôi lâm chung tôi không kề bên. Tôi ân hận vô cùng.
           Cha tôi là Nguyễn Văn Được, sinh năm Giáp Dần trong một gia đình nông dân nghèo Xứ Nghệ - một miền quê giàu truyền thống lịch sử văn hóa; nhưng bao đời lam lũ, nghèo khó. Khi tôi lớn lên được cha tôi kể lại, bà nội sinh hạ cha tôi vào một ngày trời chang nắng, khi đó bà đang trên đường đi chợ cách nhà hơn hai cây số. Bởi thế, các cụ đặt tên ông là Được để làm kỷ niệm.
Ông nội tôi là người có vốn hiểu biết rộng. Như bao người cùng thời, tuy không được đi học, nhưng ông nội tôi lại thuộc nhiều câu thành ngữ, danh ngôn, ca dao, tục ngữ vốn là những tinh hoa ngôn từ đã được cô đọng, chưng cất, đúc kết qua nhiều thế hệ, thành triết lý nhân sinh, có ý nghĩa giáo dục rất bổ ích, sâu sắc - nhất là trong gia đình. Ông cũng thuộc lòng nhiều truyện thơ nôm, nhiều điển tích lịch sử, cả ta lẫn Tàu. Những điều đó là cẩm nang rất thiết thực, phong phú, hữu ích cho đời sống, người dân quê tôi đã truyền khẩu, chiêm nghiệm từ đời này sang đời khác, mà dựa theo đó, bằng vốn sống của mình, các bậc cha mẹ truyền dạy cho con cái cách làm ăn và dạy con biết làm người.
Bà nội tôi sinh ra trong một gia đình không giàu nhưng gia giáo. Bà là người tu thân, tề gia rất mực thước. Siêng năng, chu toàn việc nhà, việc họ, việc làng. Bà cắt đặt việc nhà một cách rành mạch, dứt khoát cho con cái, dâu rể và hai người cháu họ mồ côi bố mẹ được ông bà nuôi trong nhà từ bé. Vừa làm ruộng, làm muối, bà còn làm thêm nghề tráng bánh đa đem bán ở các chợ trong vùng - nhất là chợ Sơn - nơi bà có quầy riêng.
Gia đình ông tôi là kiểu gia đình truyền thống nông dân Việt Nam thuở đó. Nhiều cặp vợ chồng, nhiều thế hệ ở chung trong một mái nhà. Quan niệm tam đại, tứ đại đồng đường mới là nhà có phúc lớn. Ba người con trai đã lấy vợ, sinh con nhưng vẫn làm chung, ăn chung và ở chung với ông bà. Mọi việc trong gia đình đều do bà nội tôi điều hành, xoay xở. Hàng ngày, trong bữa cơm tối quây quần cả nhà, bà nhận xét công việc của từng người trong ngày và cắt cử  công việc ngày hôm sau. Cứ thế diễn ra theo nền nếp thường xuyên, cứ như các buổi giao ban ở các cơ quan, đơn vị. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, bà tôi là một người quản lý, lãnh đạo, chỉ huy giỏi. Một gia đình có hơn mười người, nhiều thế hệ với nhu cầu và tính cách khác nhau, mấy gian nhà tranh chật chội, công việc bộn bề, đời sống khó khăn, vất vả, nhưng chung sống với nhau thuận hòa. Ông bà mẫu mực, công bằng, nghiêm khắc, tình cảm. Con cái đoàn kết gắn bó, chịu khó, chịu thương, kính trên nhường dưới. Khi lớn lên, tôi thường được cha tôi nói lại lời ông nội vẫn dùng những câu thành ngữ, châm ngôn kiểu như : Phụ từ, tử hiếu; Huynh lương, Đệ đễ, và rất nhiều câu khác nữa để truyền dạy con cháu trong gia đình. Nghĩ lại, thật sâu sắc và hiệu nghiệm.
Nhờ đoàn kết, siêng năng, tằn tiện, tháo vát, biết lo liệu, nên kinh tế gia đình từ chỗ nghèo khó đến khi có bát ăn, bát để; tậu ruộng vườn, mua trâu bò ; rồi đến việc dựng vợ, gả chồng và làm nhà, chia ruộng cho các con khi ra ở riêng.
Nếp nhà được như vậy có vai trò rất lớn từ sự tần tảo, lo toan, điều hành của bà nội tôi. Như người xưa từng nói: Phúc đức tại mẫu. Hạnh phúc của một gia đình, nhất là sự thành đạt của các người con, trước hết tùy thuộc vào vai trò của người mẹ. Trong gia đình, ảnh hưởng của người mẹ đối với các con thường là chủ yếu.
Vì nhà nghèo, ông nội tôi chỉ cho người con trai út là chú Nguyễn Văn Cát đi học từ trường làng đến trường xã, cả chữ Nho và Quốc ngữ - những mong có người đọc được khế ước, văn tự. Cha tôi chỉ học mót qua em trai. Là người sáng dạ và có trí nhớ tốt nên cha tôi thuộc nhiều thành ngữ, danh ngôn, thơ ca,...từ ông nội truyền dạy và một số ít kiến thức qua sách vở của chú Cát. Sau này, nhiều người nói rằng, giá như ngày còn nhỏ cha tôi được đi học thì cuộc sống và số phận sẽ khác nhiều.
       Đến tuổi trưởng thành cha tôi là người rất khỏe mạnh. Có một chuyện lmà sau này, nhiều người trong làng kể lại rằng, hồi đó có một ông thầy cúng (có thể là thầy phù thủy) đi cả vùng mới chọn được một người ngồi đồng. Khi lên đồng, chẳng biết phép thuật của thầy cách nào mà cha tôi chân trần có thể bước lên giàn than lửa, lưỡi cày, lưỡi dao nung đỏ, rồi nhảy phắt lên một cái bàn cao mấy mét, miệng đọc sớ, tay cầm bút lông kê đơn thuốc chữa bệnh. Mặc dù không biết chữ Nho, cũng không hề biết nghề thuốc, mà cha tôi lại kê đơn thuốc chữa khỏi bệnh cho nhiều người. Việc này cả người kể, người nghe và kể cả cha tôi nữa đều không giải thích được. Chỉ biết đó là một việc có thật, trước sự chứng kiến nhiều lần của nhiều người dân làng tôi. Dù không biết vì sao, nhưng để làm được việc đó phải là một người khỏe mạnh, có một tố chất (một năng lực) nào đó, mà không phải ai cũng làm được.
Cha tôi kể, khoảng năm 1935, thực dân Pháp tuyển lính lê dương đi Ma- rốc, An-giê-ri, Tuy-ni-di. Cả xã Thượng Xá lúc bấy giờ bắt thanh niên trai tráng đi khám tuyển rất đông mà chỉ trúng được 2 người: cha tôi và ông Nguyễn Văn Lưu con trai cố Cu Trường người cùng làng.
 Ông bà nội tôi phần vì sợ con chết trận, phần vì không muốn con đi lính cho Pháp, nên đã bố trí cho cha tôi trốn lính.
 Ông Nguyến Gia Khánh (Thựu) là hương bản của làng cho người truy bắt người trốn lính không được, đã mắng te tát bà nội tôi:
            - Bà đẻ ra con trai. Phận nam nhi hoặc là học lên để sau này đỗ đạt làm quan, hoặc đi lính sau này có thể lập nên công trạng để làm tướng. Con bà đã không đi học để làm quan, chỉ còn mỗi con đường đi lính để may ra làm tướng. Tại sao bà không cho con trai đi lính?
             Bà nội tôi điềm tĩnh trả lời:
            - Không! Tôi không hề mong con làm quan, làm tướng gì cả, chỉ mong được làm dân thường sống yên lành thôi. Đi lính để làm tướng đâu chẳng thấy, nhưng dễ phải chết trận lắm!
Nhân nói chuyện làm tướng. Trước đây, có lần tôi nghe một người cháu trong họ tên là Nguyễn Công Hoan kể rằng anh có nghe anh Lê Văn Lân (người bà con cùng xóm) nói về một câu chuyện mà bố anh Lân (ông Lê Văn Ngợi) khi còn sống kể với con cháu trong nhà là: Lúc còn thanh niên, khoảng trước năm 1935, có một lần ông Ngợi và ông Được lên Vinh chơi. Khi vào vãn cảnh chùa Diệc, thấy có nhiều người đến xem bói tại một ông thầy ở sân chùa. Hai người vào đặt tiền, nhờ thầy bói xem thử. Cả hai cùng ngồi nghe thầy phán về từng người. Về ông Ngợi thì thầy phán rằng: Anh là một người nhân đức, lương thiện, tiền vận, hậu vận đều tốt, không có gì đặc biệt và cũng không có điều gì đáng lo ngại. Đến lượt cha tôi, thầy hỏi giờ, ngày, tháng, năm sinh và xem rất kỹ về tướng qua mặt, bàn tay,…Cuối cùng thầy phán là: "Anh được cả số lẫn tướng. Đúng ra theo bản mệnh, anh phải là tướng. Nhưng có một điều là anh không được đi học, nên không làm tướng được. Anh không được làm tướng. Nhưng, cũng theo tướng số của anh, thì chắc chắn rằng, sau này anh sẽ có con trai làm tướng đấy. Hãy tin đi, đó là điều khẳng định của tôi”. Tôi hỏi Hoan: “Có thật thế không. Lâu nay có bao giờ bác nghe thế đâu”. Hoan khẳng định: “Đó là chuyện anh Lân kể với cháu. Nhiều người cũng nghe thế mà”.
Câu chuyện trên đây, sinh thời, cả một đời chưa bao giờ ông nói với chúng tôi. Nếu có thật, chắc không phải ông quên, mà vì những lý do khác:  Có thể ông cho đó là một điều mê tín dị đoan, nghe cho vui; hồn nhiên kể lại rồi chẳng được thế (khó được thế lắm) e thành chuyện cười, đàm tiếu cho mọi người. Hoặc là, ông sợ nói ra với con cái khi chúng chưa trưởng thành sẽ chẳng hay ho gì, lợi bất cấp hại.
Đến bây giờ ngẫm kỹ lại việc này (nếu có), tôi cho rằng, có thể do một trong các khả năng: Hoặc là, trên đời này, tướng số là điều có thật. Số phận mỗi con người được diễn ra theo một lập trình định sẵn của trục quan hệ Thiên - Địa - Nhân, điều mà cho đến nay với trình độ khoa học hiện có, loài người chưa giải thích được, nên cứ tạm gọi là lực lượng siêu nhiên huyền bí. Nói cách khác, số phận cuả một con người là tuần tự của quá trình thi công theo bản thiết kế của đấng siêu nhiên. Hoặc là, tướng số là một lĩnh vực khoa học thực nghiệm. Đây là kết quả từ sự tổng kết kinh nghiệm qua trắc nghiệm từng mẫu người (nhân tướng học), qua tử vi từng mẫu người của nhiều thế hệ mà đúc kết nên. Quá trình được không ngừng bổ sung, điều chỉnh và hoàn chỉnh, ngay khi đã thành sách vở. Thế nhưng vẫn có người cho rằng đây chẳng qua là sự trùng hợp ngẫu nhiên của sự dự đoán trước và thực tế diễn ra sau đó - thậm chí đó là một điều vô cùng nhảm nhí… Ai hiểu thế nào cũng được. Nhưng câu chuyện trên đây của cháu Hoan kể với tôi quả thật là một sự trùng hợp thú vị.
 Có một chuyện vui khác, ngày 6 tháng Giêng âm lịch năm 2003, gia đình chúng tôi tổ chức mừng thọ cha tôi tròn 90 tuổi. Buổi lễ tổ chức rất trang trọng và tình cảm. Cha tôi vui và cảm động lắm. Khách đến chúc mừng và chung vui rất đông. Có cả đại diện của địa phương, của Cục Chính sách - TCCT, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Tỉnh ủy Nghệ An ,…và bà con họ hàng nội ngoại. Trong chương trình chúc mừng có phát biểu và ca hát, ngâm thơ. Có nhiều người tặng thơ vui lắm. Lại có gia đình, vợ có một bài, chồng cũng có một bài. Quê tôi nhiều người thích làm thơ và đọc thơ trong những ngày vui. Trong những người làm thơ tặng, có thím Lê Thị Liễu, giáo viên, là cháu dâu của ông, có một bài khá hay. Trong đó có mấy câu: “Trời cho bác làm tướng / Ghế tướng bác chẳng ngồi / Bác để dành trong đời /  Nhường trao lại cho con…”. Tôi chưa hiểu tứ thơ của thím Liễu là do cảm xúc tự nhiên hay được hình thành từ  ý tứ dư luận lâu nay trong một số người. Khi nghe những câu thơ đó, cha tôi chỉ mỉm cười, không nói gì. Có thể, ông cho đó là điều tán thêm cho vui trong ngày mừng thọ.
Vào đầu những năm 40 thế kỉ trước, thực dân Pháp và cường hào ác bá ở địa phương hà hiếp bóc lột dân mình ghê lắm. Sưu cao, thuế nặng, phu phen tạp dịch triền miên, cha tôi đã cùng thanh niên trai tráng đấu tranh quyết liệt chống đi phu. Một lần trong cuộc đấu tranh, cha tôi cùng ông Nguyễn Đình Phát và ông Lê Văn Tửu là 3 người hăng hái, trung kiên nhất, bị lính lệ bắt trói và giải lên huyện đường, đánh đập tra tấn. Xót con bị đòn đau, ông nội tôi cùng ông Nguyễn Đình Chía (Vị) và ông Lê Văn Tế lên tận huyện xin tha.  Huyện đường cách nhà 7 cây số. Tới nơi gặp cả ông hương bản Nguyễn Gia Khánh (Thựu) đang khúm núm tấu trình tri huyện. Rồi ông Khánh quay sang quát mắng ông nội tôi và các bô lão:
- Các người là phụ bất năng giáo tử (cha không dạy được con). Chúng nó làm loạn phải nghiêm trị. Không trị để chúng nó làm giặc à?
Cha tôi và mấy thanh niên bị giam ở nhà lao huyện mất một thời gian thì được tha.
Cũng thật lạ, ông Nguyễn Gia Khánh làm hương bản cho chế độ cũ bao nhiêu năm, vậy mà không hiểu sao đến ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông Khánh lại là Đảng viên Cộng sản quay sang giữ chức Phó chủ tịch xã Xá Lệnh (gồm 3 xã ngày nay: Nghi Hợp, Nghi Xá, Nghi Quang). Còn cha tôi được Đoàn thể cử giữ chức Đội phó Đội Tự vệ của xã. Đội tự vệ ngày đó có chức năng bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, với nhiệm vụ như công an và xã đội bây giờ gộp lại. Tôi biết, mấy chục năm sau này cha tôi không bao giờ tỏ thái độ trách cứ hoặc thậm chí thù oán đối địch với ông Nguyễn Gia Khánh. Ông chỉ kể lại những điều đã xẩy ra cho con cháu biết mà không kèm theo một lời bình nào.
Mãi đến bây giờ tôi vẫn băn khoăn và chưa kịp hỏi cha tôi, phong trào đấu tranh ngày đó do quần chúng tự phát hay do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu do quần chúng tự phát, thì thật đáng kính trọng và cũng thuận theo qui luật: Có áp bức là có đấu tranh. Còn nếu do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thì nghiễm nhiên theo chính sách hiện hành, cha tôi phải được suy tôn là lão thành cách mạng, hưởng chính sách ưu đãi người có công.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cha tôi đi Giải phóng quân. Ông là một trong những người nhập ngũ sớm nhất của làng tôi. Mới đầu ông được biên chế vào Trung đoàn Nghệ An, còn gọi là Trung đoàn Đội Cung (sau này đổi tên là Trung đoàn 57). Cùng tòng quân, trong làng còn có ông Lê Văn Chưu và ông Lê Văn Lẫm. Gọi là trong làng, nhưng thực ra ba nhà cách nhau trong vòng 50 mét. Ông Chưu sau giải phóng Miền Bắc chuyển ngành làm Bí thư Đảng ủy Nông trường Quyết Thắng ở Vĩnh Linh rồi về hưu, mất năm 2000. Ông Lê Văn Lẫm ở bộ đội liên tục. Trong chống Mỹ, ông Lẫm làm Trung đoàn trưởng pháo cao xạ ở Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559), hy sinh năm 1972, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Ngày lên đường cả ba gia đình đều đưa tiễn ở ga Cầu Cấm (bây giờ không còn ga này nữa). Bà Lẫm lúc đó 19 tuổi, mới cưới mấy tháng, chưa có con. Bà Chưu đã có hai con, anh Trân và anh Minh. Mẹ tôi mới có chị gái đầu của tôi là chị Hòe.
Giữa một trưa nắng nóng oi nồng, mọi người chia tay nhau trong bịn rịn, lưu luyến. Tàu chuyển bánh, mỗi người đưa tiễn cầm một cành thông để vẫy cho đến khi đoàn tầu khuất bóng.
Trên đường quay về, bà Lẫm nói:
          - Khổ thân chị Hoe Được! Từ nay anh ấy đi rồi, chị phải tự đi cày.
          Lúc ấy mẹ tôi mới 27 tuổi, tủi thân, òa lên khóc nức nở.
(Quê tôi trước đây có tục, phụ nữ khi lập gia đình thì gọi theo tên chồng. Nếu sinh con trai đầu lòng gọi bằng Cu, sinh con gái đầu lòng gọi bằng Hoe, đặt trước tên người chồng. Mẹ tôi lúc đó gọi là chị Hoe Được).
Huấn luyện xong, cha tôi được điều động vào Bộ đội Tiếp phòng quân đóng ở Hải Phòng do ông Lê Thiết Hùng làm Chỉ huy trưởng, ông Trần Văn Quang làm Chính ủy.
Tiếp phòng quân được tổ chức sau Hiệp đinh Sơ bộ 6-3-1946 giữa Chính phủ ta và Chính phủ Pháp, có nhiệm vụ canh gác đối xứng với quân Pháp ở các căn cứ, các công sở ở các thành phố, thị xã. Đây là loại hình tổ chức duy nhất tại một thời điểm lịch sử của Quân đội ta.
Sau một thời gian ngắn, Pháp trở mặt không thi hành Hiệp định, bắt đầu quay lại xâm lược nước ta. Các đơn vị Tiếp phòng quân đánh nhau với quân Pháp ngay từ đầu.
Sau này, có dịp trở lại Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Nam Định, cha tôi đã suy tư hồi tưởng kể lại cho chúng tôi nghe những ngày chiến đấu cam go oanh liệt đó. Quân Pháp có binh hỏa lực vượt trội áp đảo, dồn dập tiến công. Bộ đội ta mặc dù dũng cảm, nhưng chưa có kinh nghiệm trận mạc, vũ khí lại ít ỏi, nên bị thương vong nhiều, buộc phải rút dần về sau. Khi thất thủ ở Hải Phòng, các đơn vị của ta lùi dần qua cầu Rào, về Kiến An, Đồ Sơn rồi Thái Bình. Thời gian trụ lại chiến đấu ở Thái Bình là lâu nhất. Chính thời gian đó, cha tôi được Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thái Bình tặng Bằng khen về thành tích chiến đấu dũng cảm bắn cháy ca nô địch trên sông Thái Bình.
Cha tôi thuộc lòng từng địa danh vùng Đông Hưng, Vũ Thư cho đến tận cầu Tân Đệ. Có sự trùng hợp ngẫu nhiên, sau này con gái tôi, cháu Nguyễn Trần Thùy Vinh lấy chồng quê ở Thái Bình. Năm 2002, ông cùng vợ chồng tôi về thăm nhà thông gia lại đúng làng Ký Con, xã Đông Xuân - cái làng mà từ năm 1946 - 1947  cha tôi đã từng chiến đấu. Gần 60 năm trở lại, mặc dù cảnh vật đã có nhiều thay đổi, nhưng cha tôi vẫn nhận được những mốc chính từ cầu Tân Đệ đến ngã ba Gia Lễ. Hỏi lại người xưa, lớp cũ chẳng ai còn. Lớp sau, những cụ già 70 - 80 tuổi, khi nghe cha tôi nhắc lại những sự kiện, tên người, tên đất đều gật gù chia sẻ, mừng mừng, tủi tủi. Cha tôi về lại Thái Bình, về làng Ký Con được 3 lần.
Gần 2 năm chiến đấu, vì sức khỏe yếu (bị sốt rét, bị chấn thương đau lưng sau một lần vượt tường), ngày 6 - 12 âm lịch năm 1947, cha tôi được đơn vị cho về nhà chữa bệnh, dưỡng thương. Mẹ tôi mang thai và sinh ra tôi trong dịp đó.  Khi lớn lên đi học, rồi vào bộ đội, trong lý lịch của tôi đều ghi là sinh năm 1948, mà có cha đi bộ đội từ  năm 1946. Thấy thế, bạn bè, đồng đội thường tếu táo trêu đùa, không chừng có khi mày là con dân quân du kích đấy, Đẩu ạ. Tôi cười giải thích rằng, tớ là kết quả của một lần tạt qua nhà của cha tớ, giống như biết bao con bộ đội được sinh ra trong thời chiến.
 Sau một thời gian, sức khỏe hồi phục, theo hẹn, cha tôi tìm đường trở lại đơn vị khi đó đang chiến đấu trên chiến trường Bắc Bộ. Mẹ tôi kể rằng, khi cha tôi ra đi, tôi còn ẵm ngửa, chị Hòe mới lên 5 tuổi. Mấy gian nhà tranh trống trếnh, thường bị dột lúc trời mưa to, tốc mái khi gió bão. Một mình mẹ tôi lo việc cấy cày đồng áng.
      Thời kỳ đầu trở li đơn vị, ông được biên chế vào lực lượng xung kích tham gia chiến đấu nhiều trận. Theo ông kể, lực lượng xung kích ngày đó mỗi tiểu đội 7 người chỉ có 1 khẩu súng tuyn, 3 khẩu súng trường, còn lại là mã tấu, kiếm, giáo mác. Khi đánh nhau giáp la cà, thì mã tấu, kiếm, giáo mác mới phát huy tác dụng như các cuộc chiến tranh trong lịch sử. Còn khi địch đang ở xa chỉ nằm giương mắt nhìn các loại súng bắn.
Mấy năm sau, ông được điều về Đại đội 164 thông tin của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Ông nói, làm Tiểu đội trưởng thông tin điện thoại là người đầu binh cuối cán vất vả, ác liệt và nguy hiểm lắm. Thông tin điện thoại là người luôn đi trước về sau trong mỗi trận đánh. Trận đánh thắng lợi giòn giã, kết thúc thuận lợi thì không sao. Trận đánh lùng nhùng hoặc thất bại, thì lính thông tin đi thu lại đường dây rất dễ thương vong - thậm chí có khi bị địch bắt. Cha tôi kể, có một lần, cha tôi đi thu hồi đường dây trong trận địa, bị địch phát hiện và đuổi bắt. Ông chạy dọc bờ đê, may sau đó chui xuống một cống ngầm mới thoát.
 Năm 1950, ông được kết nạp vào Đảng. Ông tham gia các chiến dịch lớn: Hòa Bình, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Thượng Lào và đến đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông giữ chức Trung đội phó, Chi ủy viên Đại đội 164, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Trung đoàn 57 vây đánh cứ điểm Hồng Cúm giành thắng lợi lớn, nhưng thương vong nhiều.
Trong trận đánh vào cứ điểm Hồng Cúm, cha tôi bị thương vào bắp đùi chân phải, có vết thương thành sẹo khá to. Nhiều năm sau này, khi Nhà nước và Quân đội chủ trương giải quyết các tồn đọng về chính sách sau chiến tranh. Trong đó có việc tiến hành xác minh những quân nhân bị thương trong chiến đấu nhưng chưa được giám định để hưởng quyền lợi thương binh. Biết chắc là ông có bị thương, cán bộ chính sách ở địa phương và nhiều người bà con khuyên cha tôi lục tìm lại hồ sơ để báo cáo lên trên giải quyết. Ông nói, thôi, lâu nay không phải là thương binh cũng chẳng sao. Vả lại, vết thương sau mấy chục năm đã ổn định, tuổi già lắm rồi, đừng làm thêm gì nữa. Hơn nữa, để cho con nó làm việc. Nhỡ ra, có người không biết cụ thể, lại cho rằng hay là vì tôi có con trai là Cục trưởng Cục Chính sách Bộ Quốc phòng mà người ta nể làm chính sách cho cha, thì oan uổng lắm, gây ảnh hưởng không tốt cho con. Lợi bất cập hại. Ai đi giải thích được hết với thiên hạ.
Ông có kể lại việc này với tôi. Tôi cho ông nghĩ như thế là cẩn trọng. Nhưng thật ra, dù vì bất cứ điều gì đi nữa, với những cống hiến cả một thời tuổi trẻ của ông như vậy mà ông chịu thiệt thòi, thì con cháu cũng đều cảm thấy xót.
Nhiều năm cha tôi ra ở chơi khá lâu với gia đình tôi ở Khu tập thể 1A- Hoàng Văn Thụ- Hà Nội. Gần nhà tôi có ông Hoàng Như Ấm công tác ở Cục Khoa học Quân sự - Bộ Tổng Tham mưu. Tình cờ, một buổi sáng trông thấy cha tôi đi dạo bộ ở Quảng trường Lăng Bác Hồ, ông Ấm reo lên:
- Ôi! Anh Được! Có phải anh Được không? Anh đi mô đó?
- Ôi! Hoàng Như Ấm! Đúng Hoàng Như Ấm thật rồi! Ông ở đây à? Mình ra chơi nhà con trai trong Khu tập thể gia đình quân nhân 1A- Hoàng Văn Thụ. Cha tôi xúc động, vồn vã trả lời.
- Trời ơi! Tôi cũng ở trong Khu tập thể đó. Ở đây bao nhiêu năm, biết Nguyễn Mạnh Đẩu lâu rồi mà đâu biết là con anh - Ông Ấm trầm ngâm, cảm động nói.
Thật xúc động nhìn cảnh tượng hai người bạn già từng chiến đấu bên nhau trong những ngày đạn bom khói lửa, sau mấy chục năm gặp lại, ôm choàng lấy nhau, tay ghì chặt, miệng nghẹn ngào, ríu rít.
Cha tôi kể, ông Ấm là người Huế, ngày đó gầy gò bé nhỏ. Khi ông Ấm bị thương ở Điện Biên Phủ, cha tôi cõng ông từ trong trận địa ra bê bết máu trộn bùn. Năm 1995, có lần ông Ấm bị tái phát vết thương phải đi điều trị ở Viện Quân y 108. Cha con tôi vào thăm, ông Ấm trầm ngâm kể lại những kỷ niệm cùng cha tôi. Ông nói, cùng chiến đấu, sinh hoạt bên nhau nhiều năm, cha tôi là người dũng cảm, thẳng thắn, chân tình - được mọi người trong đơn vị quí trọng.
Cuối năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cha tôi về phép. Tôi nhớ một buổi chiều tháng mười, trên cánh đồng Nạy, cách nhà tôi khoảng 300 mét, đã gặt và cắt rạ xong, lũ chúng tôi trần truồng như nhộng khoảng dăm bảy đứa, mặt bê bết bùn, đang bốc đất be bờ, ngăn ruộng để tát cá. Chơi là chính chứ thực ra chỉ bắt được mấy con cá rô, cá diếc bé tí tẹo để nướng chấm muối ăn tại chỗ. Đang say sưa vừa tát cá, vừa đùa nghịch, thì có một chú bộ đội vai khoác ba lô đi qua, nửa như hỏi đường, nửa như xem xét:
           - Các cháu là con cháu làng Đại Xá phải không?
         Một đứa lớn nhất bọn, hình như là anh Dần con bác Thuần, trả lời:
          - Đúng đấy ạ. Nhưng mà chú hỏi về nhà ai?
          - Chú hỏi về nhà chị Hoe Được.
Tự nhiên nghe có người nói tên mẹ mình, tôi nhanh nhẩu nói:
         - Thế thì là nhà cháu.
Chú bộ đội giật mình, với ánh mắt vừa phảng phất đăm chiêu, cảm động, vừa thẫn thờ, mừng rỡ:
         - Thế ra, con là Đẩu đây à.
Rồi cha tôi ôm choàng lấy tôi:
          - Ôi! Con trai tôi đây rồi!
Tôi ngơ ngác lóng ngóng trong vòng tay của ông.
Rồi cứ thế, cả bọn trẻ trần truồng lục tục dắt díu nhau cùng cha con tôi kéo về nhà tôi.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi biết mặt cha. Một người trung niên đen xạm, quắc thước, khỏe mạnh, chân đi dép lốp, đầu đội mũ nan lợp vải, phía trước có quân hiệu. Năm đó cha tôi tròn 40 tuổi, tôi lên 6 tuổi.
Về tới nhà, cha tôi đưa tôi ra giếng múc nước kỳ cọ, tắm gội. Ông xát xà phòng tắm lên khắp cả người tôi thơm phức Đó là loại xà phòng tắm của Pháp, chiến lợi phẩm thu được ở trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là lần đầu tiên tôi được tắm xà phòng, điều mà cả làng tôi chưa từng có. Mãi đến bây giờ tôi vẫn nhớ mùi thơm đặc trưng của loại xà phòng đó. Cảm giác ban đầu trong đời người là lưu giữ mãi.
Cha tôi mang về nhiều thứ: ba lô, võng, màn tuyn, ca uống nước, đèn pin, khăn mặt, máy lửa, dây dù các loại. Tất cả đều là chiến lợi phẩm. Với bọn trẻ chúng tôi cái gì cũng lạ. Mấy đứa giành nhau mở nắp máy lửa để hít mùi xăng, cho là thơm, tỏ ra thích lắm.
Ông nói:
- Đây là hàng tiếp tế của Mỹ, thả dù cho lính Pháp bị vây hãm ở Điện Biên Phủ. Dù theo gió bay sang trận địa ta, bộ đội thu được.
  Sau mấy bữa quan sát tôi thấy cứ mỗi buổi sáng ngủ dậy, cha tôi đánh răng. Mà quê tôi thuở đó cả làng có ai biết đánh răng là thế nào đâu. Một lần tôi tò mò mở ra xem, đưa lên mũi ngửi thấy thơm, thè lưỡi liếm thấy ngọt, tôi đậy nắp lại chạy sang nhà đứa bạn thân tên là Phan Ngọc Năm khoe:
 - Cha tao mang về có loại kẹo gì vừa ngọt, vừa thơm, vừa cay. Mày sang hai đứa ta cùng ăn.
Năm và tôi chui tắt qua mấy vạt vườn để quay về nhà tôi. Tôi mang hộp thuốc đánh răng ra bóp cho mỗi đứa một khúc, giục Năm ăn ngay đi. Năm đòi ăn thêm, tôi bảo không được đâu, lộ đấy. Ôi thôi! Cả hai đứa ăn phải xà phòng đánh răng bị đau bụng và đi lỏng suốt một ngày.
Hiện, Phan Ngọc Năm là bác sĩ đã nghỉ hưu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây, cứ mỗi lần chúng tôi gặp nhau, ôn lại chuyện ăn thuốc đánh răng, vừa buồn cười vừa thấy tủi, thấy thương cho một thời thơ trẻ.
Mấy ngày đầu cha tôi mới về, bà con làng xóm thường tụ tập ở nhà tôi vừa ăn kẹo, ăn lạc rang, uống nước chè, vừa nghe cha tôi kể chuyện trong bộ đội, chuyện chiến đấu. Có bữa ngồi nói chuyện tới tận khuya, tôi ngồi hóng chuyện rồi ngủ quên trên chiếc chõng tre. Hồi đó, quê tôi là vậy. Hễ có một người đi thoát ly về phép là bà con đến thăm hỏi, chuyện trò rôm rả suốt mấy đêm liền. Âu đó cũng là một nhu cầu sẻ chia tình cảm và trao đổi thông tin. Thuở ấy, làm gì có báo, loa, đài, ti vi như bây giờ đâu.
  Khi trả phép trở lại đơn vị, cha tôi quyết định mang tôi đi theo để trực tiếp dạy dỗ chăm sóc. Lúc đầu mẹ tôi không đồng ý vì sợ phải xa con trai. Cha tôi thuyết phục mẹ mãi mới được. Mẹ và chị Hòe đưa tiễn hai cha con. Cả nhà đi bộ vào Vinh, gần 20 cây số. Tôi chỉ đi được một vài quãng ngắn, còn lại được cha mẹ thay nhau cõng. Chị Hòe lon ton đi sau.
Đây là lần đầu tiên được đến thành phố Vinh, tôi thích lắm. Đường nhựa, ô tô, xe ngựa, phố xá, nhà lầu, đèn điện, nước máy - với tôi cái gì cũng mới lạ. Cha tôi thuê nhà trọ cạnh bến xe nghỉ qua đêm để sáng mai hai cha con đi ô tô ra Bắc. Nhưng khi bước vào nhà trọ, chắc vì lạ nhà, chị Hòe không chịu ở, nằng nặc đòi trở về nhà ngay. Chị kêu toáng lên, nếu mẹ không về, con sẽ tự bỏ về một mình. Cha mẹ tôi đành chịu thua, tần ngần, bịn rịn, lưu luyến chia tay nhau. Mẹ ôm lấy tôi, khóc òa lên.
Như hàng loạt nông dân mặc áo lính, cuối năm 1957, cha tôi được Quân đội cho giải ngũ theo chế độ phục viên. Thực ra, là cán bộ, cha tôi thuộc diện được chuyển ngành. Nhưng ông cho rằng, chuyển sang Nông trường Quân đội cũng là làm ruộng, khai hoang, phục hóa, chẳng khác gì nông dân; phục viên về nhà với vợ con là hơn. Cha tôi phục viên trong đợt 8 vạn quân chuyển ra sau kháng chiến chống Pháp, năm 1957- 1958. Đó là lớp người có công lớn mà chính sách đãi ngộ dành cho họ rất ít ỏi. Nhưng thời buổi ấy đất nước mới thoát ra khỏi chiến tranh. Kinh tế tài chính còn trăm bề khó khăn. Người nông dân tòng quân đánh giặc. Giặc tan họ lại trở về ruộng đồng. “Tĩnh vi nông, động vi binh”. Thanh thản, tự nguyện. Triết lý sống của người Việt Nam ta từ ngàn xưa là vậy. Ngày ấy cha tôi đã 43 tuổi, văn hóa chưa hết lớp 4, mắt đã phải đeo kính lão,…Không còn đáp ứng được yêu cầu xây dựng quân đội chính qui trong thời bình. Ông trở về là phải. Ông lưu luyến chia tay đồng đội, rồi tự nguyện hăng hái trở về như ngày nào ông hăm hở tình nguyện tòng quân giết giặc, dẫu biết rằng, rất có thể bỏ mình nơi chiến trận. Ngày tôi còn nhỏ, ông hay đọc cho tôi nghe câu thơ cổ : "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”( từ xưa đến nay đi chiến đấu mấy ai trở lại). Có nhiều người thuộc câu thơ này, có lẽ do nó phản ánh đúng thực tế diễn ra qua mấy cuộc chiến tranh - có biết bao người ra đi chiến đấu không trở v. Tôi cũng thuộc một câu thơ của ai đó: “Nếu tất cả những người đi trở lại / Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn”.
           Ngày khoác ba lô về làng, thuở đó, chưa có hợp tác xã - nghĩa là mọi người còn tự do làm ăn trên mảnh đất của mình. Với sức khỏe tốt, siêng năng, cần cù, tiết kiệm, làm ăn có kế hoạch lại có lưng vốn khá là mấy trăm nghìn đồng tiền trợ cấp phục viên, cha tôi nuôi chí làm giàu. Nhưng sự thể cuộc đời không như ông dự liệu. Năm 1958, quê tôi mọi nông dân phải vào hợp tác xã nông nghiệp. Tất cả ruộng vườn, trâu bò, nông cụ đều đưa vào hợp tác xã. Là gia đình đảng viên, cha mẹ tôi rất tin tưởng vào chủ trương của trên, hăng hái làm đơn vào hợp tác xã ngay từ đợt đầu tiên.
Lúc mới về quê, việc đầu tiên là ông lo cho tôi được vào học ở Trường Phổ thông của xã. Trước khi theo ông vào đơn vị quân đội, tôi mới biết đọc biết viết. Đơn vị ông mấy lần di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Bởi vậy, trong suốt thời gian ở cùng ông, tôi chỉ được ông và mấy chú bộ đội dạy cho học một cách lõm bõm. Hôm đưa tôi vào Trường Cấp 1 xã Nghi Hợp để xin nhập học, gặp cô giáo Nguyễn Thị Hiệp, ông đề nghị cho tôi bỏ qua lớp 1, vào học thẳng lớp 2. Ban đầu cô Hiệp không đồng ý, vì chưa có tiền lệ. Ông năn nỉ giải thích mãi thì được cô Hiệp đồng ý nhưng kèm một điều kiện: Nếu trong vòng 2 tháng, cháu không theo được, dứt khoát phải đưa xuống lớp 1. Ông mừng lắm. Trên dường trở về nhà, ông nói với tôi: Hãy gắng lên con. Ngày còn nhỏ, cha đã không được cắp sách tới trường, nay con phải chăm chỉ học. Học cho con và học cho cả cha nữa đấy. Con người ta không học thì không biết mọi điều. Lúc còn nhỏ mà không được học, lớn lên thiệt thòi lắm. Nghe lời ông, tôi đã cố gắng học qua lớp 2 một cách khá suôn sẻ. Hơn 40 năm sau, cô giáo Hiệp nghỉ hưu ở Hà Nội (tại khu tập thể Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc). Có lần vào năm 1999, cô Hiệp đến nhà tôi chơi. Cha tôi và cô cùng vui vẻ kể lại chuyện này.
Hợp tác xã thành lập, cha tôi được bà con xã viên tín nhiệm bầu làm cán bộ đội sản xuất nông nhiệp; đồng thời ông được Đảng ủy xã cử là Chính trị viên dân quân của làng. Ông hăng hái nhiệt tình sớm chiều lo lắng công việc; miệng nói tay làm, được mọi người tin tưởng, quí trọng.
 Quả thật, những năm đầu mới vào hợp tác xã, quê tôi vui lắm. Làm ăn tập thể, sáng, trưa, chiều, tối đều có kẻng ra đồng và về làng. Cứ như bộ đội đi tập quân sự ở thao trường vậy. Từ chỗ làm ăn riêng lẻ, lặng lẽ, tùy nghi đi sớm, về khuya mặc lòng. Nay đi về có giờ giấc, làm tập thể, chuyện trạng, chuyện tiếu lâm ồn ào, vui vẻ. Vui thì có vui nhưng vẫn nghèo. Thậm chí nghèo hơn. Cái nghèo được chia đều cho mọi nhà. Động lực lợi ích không được phát huy. Kỹ thuật canh tác không có gì mới. Năng suất lao động rất thấp. Thêm vào đó, tệ quan liêu và nạn tham nhũng bắt đầu xuất hiện trong sản xuất và phân phối sản phẩm. Khi động lực lợi ích không được kích thích, việc chây lười, làm ẩu, làm dối nổi lên. Dân số ngày càng tăng theo qui luật sau chiến tranh. Ngày đó chưa có chính sách kế hoạch hóa gia đình. Ở nông thôn, nhà có hai con là ít, dăm con là bình thường. Có nhà có đến hơn mười người con. Đất đai canh tác phải thu hẹp vì phải dành cho đất ở, đất giao thông, thủy lợi và các công trình khác…Tất cả những điều đó tác động trực tiếp đến miếng cơm, manh áo người nông dân.
Điều đáng tiếc là, sau năm 1954, hầu như quê tôi không còn đền, chùa, miếu mạo. Tất cả đều đã bị dỡ bỏ. Theo đó, mọi tục lệ từ ngàn xưa đều bị xóa dần. Thật cũng lạ lùng. Chống mê tín dị đoan là đúng. Nhưng lại chống cả tín ngưỡng, phong tục văn hóa đã trở thành truyền thống tốt đẹp từ bao đời, thì thật là sai lầm. Không niềm tin, không ước mơ, thì con người dễ phân tâm, đời sống tâm linh dần bị nghèo kiệt, tâm hồn khô cứng, tình cảm chai sạn. Đặc biệt là, con người sẽ không biết sợ trước sức mạnh siêu hình của trời đất, của thần linh, thì dễ làm càn, làm ẩu, bất chấp qui luật, gây hậu họa cho mình và xung quanh. Rồi nữa, từ chỗ xóa bỏ sạch trơn mọi đền chùa, đến nay Nhà nước và nhân dân phải nai lưng làm lại. Việc này tốn kém không biết bao nhiêu công sức tiền của. Mất mát về vật chất là thế, nhưng phần mất mát vô hình không đo đếm được còn lớn hơn nhiều.
 Còn may, trước những biến cố dữ dội gây ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất, mọi người bấy giờ vẫn trong cảnh nghèo khó - thậm chí nghèo hơn- nhưng đời sống tinh thần trên nền tảng văn hóa truyền thống vốn có vẫn được giữ vững. Tình làng nghĩa xóm vẫn bền chặt, tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên được duy trì. Nhờ đó mà luân thường đạo lý, thuần phong, mỹ tục còn được giữ gìn và phát huy trong điều kiện mới.
   Mẹ tôi là Trần Thị Tuấn, thua cha tôi 5 tuổi, người tầm thước, gương mặt đẹp, nhân từ, da trắng, tóc dài, tính tình hồn hậu.Trong họ hàng cũng như khắp làng trên, xóm dưới, cả một đời mẹ tôi không làm mất lòng ai. Sinh thời, ông ngoại tôi vừa là thầy đồ, vừa là thầy thuốc Bắc, đi làm ở nhiều vùng xa - cả trong Nam, ngoài Bắc. Nhiều lần mẹ tôi được ông ngoại cho đi theo. Được biết, kinh tế nhà ngoại cũng thuộc loại khá trong vùng. Nhưng sau khi ông từ trần (năm 1938), kinh tế gia đình sa sút. Hồi kháng chiến chống Pháp và những năm sau hòa bình lập lại, mẹ tôi là cán bộ phụ nữ xã.
Năm 1955, Cải cách ruộng đất như một cơn bão bất thần tràn đến quê tôi. Mặc dù nhà nghèo nhưng nhiều năm mẹ tôi là cán bộ phụ nữ xã nên bị qui là đảng viên Quốc Dân đảng. Thực tế thì chẳng riêng gì mẹ tôi. Không hiểu sao ngày đó hầu hết cán bộ chủ chốt ở địa phương đều bị bắt giữ. Còn nhớ, hồi đó bác Thuần cạnh nhà tôi có con chó mực to tự nhiên lăn đùng ra chết. Chó đã chôn ở vườn được hai ngày rồi nhưng chẳng biết ai vu cáo, Đội Cải cách bắt đào bới lên, giao cho y tế mổ ra khám nghiệm. Kết quả khám nghiệm là, chó chết do thuốc độc (sau này, khi đã lớn, tôi nghĩ chắc là nó ăn phải bả chuột). Đội Cải cách cho rằng, mẹ tôi cùng mấy đảng viên khác tính chuyện dùng thứ thuốc độc đó để mưu sát cán bộ, nhưng chưa thành. Và thế là họ cộng thêm tội cho mẹ tôi. Bà bị bắt giam giữ, xét hỏi mất mấy ngày. Sau đó, khi sửa sai, được giải oan, mẹ tôi cũng chẳng trách cứ, oán hận gì. Tôi cũng chẳng biết người ta xét hỏi cái gì và mẹ tôi khai báo thế nào cả. Vì mãi về sau không thấy bà nói về chuyện đó. Hồi Cải cách ruộng đất quê tôi có nhiều trường hợp bị qui sai oan uổng. Nhiều gia đình bị tịch thu hết gia sản ruộng vườn. Trong xã có hai người bị xử bắn và có người vì quá căng thẳng bức bối mà tự vẫn. 
        Sau đó, trong một lần cha tôi về thăm nhà, mẹ tôi đã kể lại việc bị qui sai trong Cải cách ruộng đất. Nghe xong, cha tôi trả lời sau một tiếng thở dài: Thôi qua rồi. Đắng lắm! Đây cũng là cái sai chung. Nhưng nếu so với nhiều người khác bị vong gia bại sản, nhà mình vẫn còn may mắn chán.

                   Sau “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân vào Miền Bắc nước ta. Tháng 10 năm 1964, tôi tự động khai thêm một tuổi để tòng quân. Thực chất là tôi đã trốn cha tôi để đi bộ đội. Vì ngày đó ông đi làm xa, không ở nhà. Sau này tôi được kể lại, khi biết tin tôi trốn nhà đi bộ đội, ông bực lắm, mấy đêm liền không ngủ. Ông nói với mọi người rằng: Việc hệ trọng trong đời người như vậy, sao con có quyền dấu cha. Mà thôi. Chiến tranh đã xẩy ra. Dù chưa đủ tuổi nhưng nó cũng đã lớn. Phận nam nhi thời chiến, trước sau rồi cũng đi chiến đấu ở chiến trường. Tiếc là, ngày nó lên đường tôi không được gặp để dặn dò dăm ba điều.
 Năm 1966 mẹ tôi từ trần. Tôi đang chiến đấu ở chiến trường. Chị Hòe đang làm việc ở Nông trường Bãi Phủ. Mẹ tôi mất mấy tháng rồi tôi mới nhận được tin. Trong chiến tranh, thư gửi từ Miền Bắc vào chiến trường lâu lắm. Tại trận địa, mở thư cha được tin mẹ mất, tôi đau xót vô cùng, khóc òa lên. Trong thư cha tôi cho tôi hay về việc mẹ tôi khi sinh đứa em gái út, phải ngủ trong hầm tránh bom đạn, bị bệnh hậu sản nặng mà từ trần. Sau đó, ông sống trong cảnh gà trống nuôi con. Trong nghèo khó, trong cuộc chiến tranh phá hoại căng thẳng, ác liệt của không quân, hải quân Mỹ, một mình ông bươn trải nuôi 3 em Đào, Loan, Phượng còn thơ dại. Ông vừa lao động sản xuất, vừa là cha, là mẹ và là thầy của 3 em nhỏ… Ông an ủi động viên tôi, vượt qua đau khổ, cố vươn lên cho bằng anh, bằng em trong đơn vị. Mong ngày con trở về, cha con đoàn tụ…. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên những dòng chữ ngay ngắn của cha tôi trên lá thư bị nhòa đi vì nước mắt của tôi ngày đó.
Cũng may, sau chiến tranh tôi trở về, các em tôi ngày một trưởng thành, lại được sự quan tâm đầy tình nghĩa của bà mẹ kế tên là Lê Thị Ngãi (Phượng), cuộc sống cha tôi đỡ vất vả hơn trước nhiều. Chị em chúng tôi chung lòng chăm sóc  ông. Coi đây là sự đền đáp công lao sinh thành, dưỡng dục. Điều làm chúng tôi xót thương cả một đời là: Mẹ tôi sinh ra 9 người con, nuôi  được 5 người bằng sự tảo tần trong nghèo nàn túng bấn, nhưng do bà mất sớm không hề được hưởng một chút gì từ những đứa con mình rứt ruột sinh ra.
Chặng cuối đời, cha tôi thường ra ở với chúng tôi. Ở Hà Nội chúng tôi có 3 anh em ruột. Có lúc ông ở nhà chú Loan. Có lúc ở nhà cô Phượng. Chủ yếu là ở với vợ chồng tôi. Cả mấy anh em dồn lòng chăm sóc ông hết mình, như để bù lại chưa bao giờ được chăm sóc mẹ.
Cha tôi là người cần kiệm, nhưng ông ăn mặc luôn chỉnh tề, lịch sự và ông thích đẹp. Dù đã là một cụ  già, lại là “nông dân chính hiệu”, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông mặc quần đùi, áo lót khi tiếp khách. Ông vẫn nói, đừng để bề ngoài luộm thuộm, cẩu thả mà người ta hiểu sai về mình. Ăn mặc tử tế là biểu thị sự hiếu khách, tôn trọng khách.
Hàng năm, vào dịp hè, chúng tôi đưa ông đi nghỉ mát. Khi thì Đồ Sơn, khi thì Bãi Cháy, nhiều hơn cả là Cửa Lò. Năm 1998, nhà tôi đưa ông vào thăm Sài Gòn, Vũng Tàu, Biên Hòa, Vĩnh Long. Ngày đó đã 85 tuổi mà ông vẫn khỏe. Đi nhiều, cả máy bay, tàu hỏa, ô tô nhưng ông không bị mệt. Còn nhớ, bữa ở Miền Nam ra, từ sân bay Nội Bài về nhà ở phố Hoàng Quốc Việt cất đồ xong, ông còn đi dạo bộ mấy cây số mới về nghỉ. Trước đó, năm 1997, đã 84 tuổi, ông xuống tắm biển Đồ Sơn. Mọi người trên bãi tắm trầm trồ, một cụ già, râu tóc bạc phơ mà còn bơi ngoài biển như thanh niên ( ông bơi cùng chú Lê Văn Đát là lái xe của tôi).
Khi gia đình tôi còn ở phố Hoàng Quốc Việt, sáng chủ nhật tôi thường rủ ông đi xe buýt số 14 lên Bờ Hồ. Ăn phở ở phố Hàng Dầu, vào Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền, đến tháp Báo Thiên, qua câu Thê Húc, vào đền Ngọc Sơn, dạo quanh Bờ Hồ. Có lần khi ngồi chơi ở ghế đá ven hồ, có mấy bà cụ đã đi qua dăm bảy mét, còn quay lại. Một cụ bà hỏi:
         - Thưa cụ! Cụ đẹp lắm. Thế năm nay cụ bao nhiêu tuổi rồi ?
Cha tôi mỉm cười hỏi lại:
        - Cụ cũng rất đẹp. Thế cụ năm nay bao nhiêu tuổi?
        - Tôi tám hai tuổi - Cụ bà vui vẻ đáp.
        Cha tôi đùa:
        - Cụ tám hai, còn tôi hai tám.
        Các cụ bà ngơ ngẩn nét mặt, tỏ vẻ khó hiểu.
        Thấy thế, cha tôi niềm nở, từ tốn giải thích:
       - Tôi nói hai tám có nghĩa là hai con số tám đấy. Năm nay tôi đã tám tám tuổi rồi. Tôi nói vui chứ không có ý trêu đùa các cụ đâu ạ.
        Nghe xong, cụ bà cười vui vẻ nói:
       - Vậy thì, chúng tôi xin chúc cụ đạt được hai chín đấy nhé!
          Cha tôi gật đầu cười:
       - Xin cám ơn các cụ! Trời cho thế nào chúng ta được thế.

        Dáng người cha tôi tầm thước, đậm chắc. Gương  mặt ông đẹp, da dẻ hồng hào, đường nét phương phi, quắc thước mà lại tươi hiền. Có người nói vui là, nên mời ông lên TV quảng cáo cho các hãng thuốc bổ.
         Trong sinh hoạt, kể cả sau này đã già yếu, cha tôi luôn đàng hoàng, ngăn nắp, đúng giờ, sách sẽ. Ông thích tự làm lấy mọi việc, không muốn phiền ai. Ông ăn uống điều độ, chừng mực. Hàng ngày, trong bữa ăn, kể cả giỗ Tết, liên hoan, ông không uống đến chén rượu, cốc bia thứ hai. Tết trung Thu, con cháu mời ông loại bánh nướng, bánh dẻo ngon. Dẫu rất thích, nhưng ông chỉ ăn mỗi thứ một miếng nhỏ. Ông hay nói lại câu của một danh y: “ Nên ăn uống vừa đủ. Chọn đói trong no còn hơn chọn  no trong đói”. Sáng nào ông cũng dậy sớm đi bộ. Ở Hà Nội hay ở quê đều vậy. Ngày đi bộ 2 lần sáng, chiều. Ngày nào ông không đi bộ tức là ông bị mệt.
 Trong suốt thời gian dài chung sống với gia đình mấy người con ở quê hoặc ở Hà Nội, không phải không có lúc con cháu có sơ suất trong nói năng hoặc trong sinh hoạt. Ông cho đó là điều bình thường, luôn vui vẻ thuận hòa, không bao giờ phàn nàn về bất cứ việc gì. Tuyệt nhiên không bao giờ ông đưa việc không hay của nhà này sang nhà khác. Ông không thích nghe ai cố tình nói xấu, xuyên tạc về một người khác sau lưng họ. 
Tôi có nhược điểm hay bức xúc khi thấy có việc bất bình, nhất là trong gia đình. Với tôi, hễ thấy điều gì chướng là tôi nói, nhưng lời tôi nói ra lại còn chướng hơn. Khi các em trai và các con tôi có điều sai trái, thì tôi thường tỏ thái độ trách cứ nặng nề, gay gắt. Những lần như thế, cha tôi thường từ tốn khuyên bảo: Con ơi, người xưa dạy rằng: tiên trách kỷ, hậu trách nhân; kiến dị, tác nan; kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân,… Con cần phải bình tĩnh lại, trước hết hãy tự trách mình; có nhiều việc thoạt nhìn thì dễ, nhưng làm thì khó; ở đời, cái gì mình không muốn thì đừng bắt người khác phải làm. Bản thân con có làm sai điều gì, thì con cũng chẳng thích nghe ai trách mắng đâu. Qua cơn giận, tôi thấm thía lời ông dạy.
       Trong quan hệ, ông là người trọng tình. Mẹ tôi mất sớm, sau này ông đi bước nữa, cuộc sống đầy lo toan vất vả, nhưng cả một đời hầu như chưa bao giờ ông bà to tiếng với nhau. Với bà con họ hàng, lối xóm, ông luôn giữ được hòa khí. Tính cách ông cương trực và nhân từ, nghiêm túc mà trào lộng, dí dỏm, hóm hỉnh, được mọi người quí mến. Khi tiếp xúc với ai, ông đều giữ thái độ từ tốn, nghe nhiều hơn nói. Mà khi nói cũng chủ yếu là hỏi thăm, chia sẻ với người đối thoại. Thêm nữa, ông có trí nhớ tốt, ít khi quên những người đã tiếp xúc, nên trong quan hệ dễ cảm hóa mọi người. Khi tôi công tác ở Cục Chính sách - TCCT, ông tiếp xúc và biết gần hết các cặp vợ chồng cán bộ, nhân viên trong Cục, có đến mấy chục người. Ai đến thăm ông đều biết tên, thậm chí ông còn hỏi thăm biết và nhớ được gia cảnh của nhiều người. 
Ông có trí nhớ rất đặc biệt. Có lần chú Trần Văn Minh (bây giờ là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Chính sách) đến chơi nhà, ông nói, chúc mừng chú Minh là Tiến sỹ rồi nhé. Chú Minh hỏi, sao ông biết con là Tiến sỹ. Ông nói, anh Đẩu nói từ năm ngoái cơ. Tiếp đó, ông lại hỏi, thế cháu Phương còn 2 năm nữa sẽ về đấy nhỉ. Chú Minh nghe thật bất ngờ, hỏi lại, sao ông cũng biết. Ông trả lời, cách đây 2 năm, cháu Phương đến đây chào ông trước khi đi du học ở Singapore 4 năm. Vậy là chỉ còn 2 năm nữa thôi. Chú Minh ôm choàng lấy ông, trời ơi, hơn 90 tuổi rồi mà sao ông nhớ đến thế. 
Ở Hà Nội tôi chuyển nhà mấy lần. Đến đâu, chỉ trong một thời gian ngắn  là ông đã có các cụ bạn già - bất kể họ quê quán ở đâu, trước đây làm gì. Khi nhà tôi còn ở gần Công viên Thủ Lệ, ông ra chơi mới mấy tháng. Bữa trở về thăm quê, xe đã chạy cách nhà gần một cây số, ông yêu cầu quay lại để nói lời chia tay với bạn ông - Đó là một ông già nghỉ hưu làm nghề sửa xe đạp ở cổng Công viên, bạn mới thân của ông trong vòng mấy tháng. Hồi gia đình chúng tôi chuyển về ở phố Hoàng Quốc Việt, ông quen thân cụ Sơn ( bố anh Công Sơn, Thiếu tướng, Phó Văn phòng Bộ Quốc phòng bây giờ) quê ở Đô Lương - Nghệ An, là thương binh chống Pháp. Hàng ngày hai người bạn già khi cùng nhau dạo bộ trong khuôn viên Triển lãm Nông nghiệp, hoặc trên vỉa hè rộng; khi bên chén trà nóng, thân thiết chuyên trò. Và nhiều người khác nữa.
   Trong xưng hô, kể cả với con cái, bao giờ ông cũng giữ ngôn từ xứng cách. Người nghe cảm thấy vừa được tôn trọng, vừa phải hành xử đúng chính danh. Khi tôi lớn lên, chưa khi nào ông gọi tôi bằng thằng mà gọi tôi bằng anh - anh của các em tôi. Khi tôi có con, ông gọi tôi là bố cháu. Khi vợ chồng tôi có cháu, ông gọi bằng ông, bà. Chỉ khi có 2 cha con trò chuyện trong phòng hoặc cùng nằm trên giường - nhất là khi ông ốm đau hoặc là khi ông có điều dặn dò hệ trọng - thì ông mới gọi tôi bằng con một cách thân thương trìu mến.
 Khi tôi còn tại chức, hễ đi công tác xa là ông lo lắng. Nhiều đêm ông chưa ngủ, nếu tôi có hẹn mà chưa về. Có nhiều lần đã khuya lắm chưa thấy tôi về, ông sốt ruột sang hỏi nhà tôi hoặc hỏi các cháu, ông chúng nó chưa về à?! Mỗi lần tôi đi máy bay, ông hỏi trước và căn thời gian. Đến giờ máy bay hạ cánh rồi mà tôi chưa kịp gọi về nhà là ông không yên tâm. Tháng 8 năm 1999, tôi đi công tác ở Mỹ, nghe nói ở nhà ông lo lắng lắm. Ngày 15 tháng 10 năm 2007, vợ chồng tôi tham gia Đoàn cán bộ của Quân đội ta sang nghỉ dưỡng và tham quan Hàn Quốc. Ngày 20 -10, từ Xê - un tôi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe ông và thông báo ngày về. Đến 3 giờ chiều ngày 22 tháng 10, xe chạy về tới đầu ngõ, tôi đã thấy ông đầu tóc bạc phơ,  thấp thỏm ngồi đợi trên chiếc ghế đá đặt trước hiên nhà. ( Ngày đó, chúng tôi đang thuê nhà ở Khu tập thể Cục Thi hành án - Bộ Tư pháp, đối diện với Nhà máy in tiền, trong một ngõ của phố Phạm Tấn Tài ). Từ xa, nhìn thấy vợ chồng tôi về, ông mừng ra mặt. Câu đầu tiên ông nói, thế là các con đã về an toàn. Tiếp đến, ông hỏi, thế sang Hàn Quốc có thấy gì hay không. Chắc hơn nước mình nhiều lắm. Tôi kể nhiều chuyện cho ông nghe. Quà biếu ông là mấy củ sâm tươi, một hộp hồng sâm mua tại Hàn Quốc. Ông nói vui, sâm Hàn Quốc như khoai lang quê mình ấy nhỉ. Quí hóa quá. Cả một đời bây giờ cha mới thấy những củ sâm Cao Ly to đến thế này. Đây là cái lộc. Lộc bất tận hưởng, con nhớ để dành tặng người khác nữa.
Lẽ đời nước mắt chảy xuôi. Với bất kỳ ai cũng vậỵ, bố mẹ đều lo lắng cho con cái mọi lúc mọi nơi - kể cả khi con đã lớn, đã già. Được hưởng điều đó là niềm hạnh phúc lớn của mọi người con ở mọi lứa tuổi.
Ông thường nhắc tôi: Đừng hứa nhiều mà không làm được hết, mang tiếng với người ta. Theo khả năng giúp được ai thì cố giúp, nhưng khi giúp rồi, thì không được kể công. Giúp mà kể công thì chẳng còn nghĩa lý gì. Ông khá thân với mấy anh em lái xe và mấy cháu công vụ, quân y của chúng tôi qua các giai đoạn. Ông thường nói, quan là nhất thời, dân mới là vạn đại. Cần phải thương quí nhau như người ruột thịt. Mà thật ra, có khi còn quan trọng, còn gắn bó hơn cả ruột thịt.
       Ở tuổi thiếu niên, cháu Nguyễn Trần Quang con trai tôi có lúc nghịch dại. Tôi cáu giận bực mình, thậm chí nổi nóng đánh cháu. Mỗi lần như vậy, cha tôi không bằng lòng. Ông nói, con trai thì nghịch là đương nhiên. Nó bị đần mới sợ. Con trai hư còn đỡ hơn con trai hèn. Phải uốn dần thôi. Thực ra, cháu chưa nghịch bằng con ngày nhỏ. Khi cháu Thùy Vinh con gái tôi sắp đến tuổi trưởng thành, nhưng còn vụng chưa thạo việc nhà. Tôi thường mắng yêu, cứ đà này, mấy năm sau con đi lấy chồng, cha mẹ sẽ thành địa chỉ trách cứ của gia đình nhà chồng đấy. Thấy thế, ông hồn hậu cười nói, không sao đâu con, rồi xong cả thôi, người xưa vẫn nói: “ Cha lươn không đào lỗ cho lươn con”. Như em Phượng con đấy. Khi đã lớn rồi mà còn vụng dại, cha cũng lo như con bây giờ, nhưng nay thì em nó biết lo toan, đảm đang mọi điều trong gia đình nội ngoại.
Trong những năm ông ở với vợ chồng tôi, nhiều khách đến thăm nhà, có người biếu tặng ông tiền. Số tiền ấy ông dành dụm lại đến cuối năm hoặc nhân dịp nào đó, đem cho các cháu, chắt. Ông nói, đây là cái lộc của ông (của cố) làm quà trao lại cho các cháu (các chắt).
      Cha tôi bị bệnh tiểu đường phát hiện được từ đầu năm 2006. Sau một thời gian điều trị, thử máu thấy kết quả tốt, chúng tôi đã mừng. Những tưởng đã khỏi. Nhưng đến tháng 3/2008, bệnh tiểu đường biến chứng gây tắc tĩnh mạch dẫn đến hoại tử đầu chi. Các bác sĩ nói rằng, bệnh này đau lắm. Mà quả thật, hàng tháng trời, đêm nào cha tôi cũng kêu đau thảm thiết. Nhiều đêm ông nói với tôi:
- Đau lắm con ơi. Đau vô cùng. Cha ngần này tuổi rồi nhưng chưa bao giờ cảm thấy đau đến thế này.
Tôi thương cha vô cùng mà không biết làm sao. Thuốc giảm đau nhiều loại uống mãi thành nhờn.
Trong thời gian ông bệnh trọng, biết tin, nhiều bà con đến thăm. Có lần ông thông gia Phạm Đình Cung (bố chú Phạm Đình Kháng, chồng cô Phương em gái tôi) đến thăm ông. Ông cám ơn và nói, không hề gì đâu ông ơi. Con người ta khi về già phải có bệnh rồi mới chết được ông ạ. Chẳng lẽ sống khỏe mãi sao. Lần khác, có ông Nguyễn Đình Chú (Giáo sư Nguyễn Đình Chú) đến thăm. Cha tôi đang nằm thiếp đi trên giường. Tôi lay gọi ông: Cha ơi! Có ông Chú con cụ Hàn Xán đến thăm. Cha tôi mở mắt, khẽ gật đầu chào, nói lời cám ơn ông Chú. Rồi ông quay sang nói với tôi, nhìn ông Chú là cha biết rồi. Sao cứ phải nói thêm là con Cụ Hàn Xán. Cha đã lẫn đâu.
 Ngày 13/4/2008, ông bị hôn mê, chúng tôi đưa ông đi cấp cứu ở Viện Quân y 108. Hơn mười ngày điều trị, bệnh tình có đỡ phần nào thì ra Viện. Về nhà ông vẫn đau nhiều, phải uống thuốc giảm đau nhiều lần trong ngày. Khi cắt cơn đau, ông gượng dậy nói với tôi:
- Cha biết cha nặng lắm rồi, không qua được đâu. Con cần thu xếp đưa cha về quê sớm. Về quê để gặp bà con họ hàng lần cuối.
Nghe ông nói, tôi trào nước mắt. Ngừng một lúc, cha tôi dặn tiếp:
 - Còn việc này nữa. Mấy năm qua, con có ý định làm lại nhà thờ họ. Nay có điều kiện thì nên làm đi. Đừng để lâu quá. Điều này, coi như con đã hứa với họ rồi đấy. Hứa với một người đã là quan trọng, hứa với cả họ càng quan trọng hơn. Chi nhà mình, tính từ đời ông nội con, sau này sẽ không còn ai ở quê nữa đâu. Nhà thờ và lăng mộ là nơi con, cháu, chắt sau này về quê cha đất tổ, thăm viếng tổ tiên.
Tôi hứa với ông:
- Cha ạ! Năm nay con chuẩn bị nghỉ hưu rồi. Có điều kiện hơn, hứa với cha là con sẽ làm trong năm 2008 này.
Cha tôi dặn tiếp:
  - Con là trưởng nam. Mọi việc trong nhà phải cố cáng đáng lo toan. Các em con không thể bằng con. Cái gì các em không làm được, cần từ tốn bày dạy đến nơi đến chốn. Phải biết chờ đợi các em, con ạ. Đừng sốt ruột đòi hỏi chúng nó làm được những điều như con. Các cụ đời trước dạy rằng: “ Phụ từ, tử hiếu. Huynh lương, đệ đễ”. Nghĩa là, làm cha thì bao dung, nhân từ; làm con thì hiếu thảo. Làm anh thì lương thiện với em; làm em thì kính trọng anh. Nói nôm na, trong gia đình là phải kính trên nhường dưới.
Sau đó mấy hôm, cha tôi dặn chị Hòe:
- Mấy chị em con sớm đưa cha về quê. Cha từ trần, nhớ an táng ở Cồn Làng Đông, ở khu mộ của chi họ, nằm cạnh ông bà nội, cố nội. Dứt khoát không để ngoài này đâu. Sau khi cha ra đi, chị em phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau. Năm ngoái, hai đứa Đẩu và Phượng làm nhà, cha đã bảo Đào lấy Sổ tiết kiệm của cha, rút ra mấy triệu để mừng nhà mới cho chúng nó. Hai đứa không thiếu. Nhưng đây là cái lộc, cái trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Từ xưa đời nào cũng vậy. Thế mà Đào chưa kịp làm đấy, con ạ.
Chị Hòe nghe cha tôi nói, nghẹn ngào, giàn dũa nước mắt. Chúng tôi coi những lời nói của ông là lời trăng trối lúc lâm chung, rút ra tự đáy lòng.
Không thể trì hoãn, 6 giờ sáng ngày 14-5-2008, chị em chúng tôi đưa cha tôi về quê bằng xe cứu thương Quân đội. Ngày hôm trước, từ sáng đến tận khuya, biết tin ông sẽ về quê, bà con họ hàng, nhiều gia đình bạn bè thân quí đã đến ngậm ngùi, lưu luyến chia tay ông.
Có người bạn đồng hương thật lòng khuyên: Anh cứ để ông ở ngoài nay. Ở Hà Nội ông có mấy người con và bà con họ hàng, đồng hương cũng lắm. Khi ông mất, sẽ tổ chức tang lễ ở số 5 - Trần Thánh Tông - Hà Nội. Đó là lễ tang đối với một lão Cựu chiến binh có mấy người con đang công tác trong Quân đội. Quan hệ của anh lại rộng, nhiều cơ quan; bạn bè, chiến hữu lắm. Như vậy, chắc chắn là nghi lễ sẽ trang trọng, thể hiện sự tôn kính xứng đáng với ông hơn. Nhiều người khác đều thế. Tại sao anh cứ nhất thiết phải đưa ông về quê.
Tôi cho lời góp ý đó là thật sự chân thành. Tôi cám ơn và đã nói lại: Tôi đưa ông về quê là thực hiện ý nguyện của ông. Ở quê chắc chắn không hoành tráng như ngoài này. Nhưng ông về quê, trước khi giã từ cuộc đời, ông còn gặp được họ hàng thân quí, được cảm thụ bầu không khí tình cảm quê hương. Và khi từ trần, tổ chức lễ tang, người đến dự tuy sẽ ít hơn. Nhưng họ đều là người ruột thịt hoặc thân quí cả đời gắn bó đến chịu tang, đến chia buồn phúng viếng bằng cả trách nhiệm và bằng tình cảm sâu sắc của mình. Chúng tôi tự xét thấy, nên tổ chức lễ tang ông ở quê sẽ ấm áp hơn.
Trước khi lên xe, nằm trên băng cáng, ông lưu luyến bịn rịn chia tay từng người. Sau cùng, cầm tay cháu Thùy Vinh, con gái tôi, ông xúc động nói lời từ biệt:
         - Cháu Thùy Vinh ơi, ông về nhé. Nhớ giữ gìn sức khỏe, nuôi dạy con và công tác cho tốt. Ông về mấy bữa rồi ông lại ra. Bữa sau cháu về quê chơi với ông nhé.
            Cháu Thùy Vinh nghẹn ngào cảm động, ôm choàng lấy ông, giàn dũa nước mắt, khóc òa lên mà không nói nên lời.
 Cả gia đình tôi coi đây là lời vĩnh biệt của ông với con cái, cháu chắt, vĩnh viễn chia tay Hà Nội - nơi ông có nhiều kỉ niệm những năm tháng cuối đời bên những người thân yêu nhất.
Nằm trên xe cứu thương, dẫu đã mệt lắm rồi, nhung thỉnh thoảng ông lại hỏi, về đến đâu rồi các con. Điều đó chứng tỏ rằng, trên từng chặng đường, ông đau đáu mong về quê sớm. Còn chúng tôi cũng lo lắng chạy đua với bệnh tình, với thời gian, với sức khỏe đã suy kiệt của ông trên chặng đường 300 cây số. Mấy chục năm trước, mẹ tôi đã từ trần trên đường cáng đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện. Giờ đây, mặc dù trên xe cứu thương có đủ thuốc men cấp cứu, có bác sĩ đi cùng, nhưng chúng tôi vẫn lo lắng vô cùng vì bệnh tình cha tôi quá nặng, tuổi già sức yếu, sợ không chịu nổi trên chặng đường xa.
Đến 2 giờ chiều xe về đến nhà. Gia đình và rất đông bà con lối xóm đã chờ sẵn, gần kín cả sân. Ông và mọi người đều mừng.
Mấy ngày đầu tấp nập bà con họ hàng làng xóm đến thăm ông. Mặc dù yếu lắm, đau lắm, nhưng hễ ai đến hỏi thăm ông đều gắng gỏi cám ơn và thăm hỏi lại từng người.
Chị Hòe (con gái cả)  nhà tôi (Trần Thanh Liễu, con dâu trưởng) và cô Phượng (con gái út ) đều về quê chăm sóc ông. Những ngày đó cha tôi mệt lắm rồi, không còn tỉnh nữa, mặc dù hằng bữa vẫn bón cho ông từng thìa cháo, cốc sữa, cho ông uống thuốc đầy đủ.
Mấy ngày sau, chú Dương, một người bạn thân của gia đình  kể lại với tôi rằng, khoảng hơn 10 giờ ngày ngày 20-6-2008, chú Dương, chú Nam, cháu Hùng và mấy người nữa ở Công ty Du lịch Trường Sơn lên thăm. Cha tôi uống mấy thìa sữa cuối cùng, thở dốc rồi lịm dần đi. Thấy thế, chú Dương ghé sát vào tai cha tôi gọi to: “ Ông ơi! Ông gắng đợi anh Đẩu, chị Liễu về”. Nhưng sức tàn lực kiệt, như một ngọn đèn leo lét trước gió, cha tôi đã trút hơi thở cuối cùng, không chờ được nữa.
  Xe chúng tôi chuyển bánh lúc 11 giờ, mãi tới 16 giờ 45 phút ngày 20-6-2008 mới về đến nhà. Họ hàng nội ngoại tập trung đông đủ. Cha tôi nằm trên giường như đang ngủ. Mặt vẫn hồng tươi, râu tóc bạc phơ. Ông mặc bộ quần áo đỏ. Vợ chồng tôi đến bên giường, vái lạy cha tôi và khóc òa lên.
Lễ tang ông được tổ chức trọng thể trong ngày 21 - 6 - 2008, bắt đầu từ 7 giờ sáng. Trước đó, bà con họ hàng nội ngoại và các cơ quan đã cử người giúp đỡ gia đình tôi chuẩn bị mọi bề chu đáo. Trong buổi lễ tang, cùng với bà con họ hàng nội ngoại, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, bạn bè bằng hữu gần xa của con cháu ông, còn có đến hàng trăm đoàn đại diện cho các đơn vị ( nơi các con đã và đang công tác, hoặc có quan hệ trong công tác ) đến viếng ông, trong đó có nhiều tướng lĩnh Quân đội. Nhiều đoàn từ rất xa, phải xuất phát từ đêm hôm trước. Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các tổng cục và nhiều cơ quan, đơn vị đã gửi vòng hoa đến viếng.  Bà con họ hàng chúng tôi ở Hà Nội và ở nhiều địa phương khác về quê khá đông đủ. Hầu như cả làng Đại Xá chúng tôi không ai không đến chia buồn với gia đình, vĩnh biệt ông. Cũng như trước đó, từ khi ông về nhà đến ngày ông từ trần, mọi người đều đến thăm - có người đến nhiều lần.
Giữa trời nắng chói chang như đổ lửa, gió Lào hầm hập, đoàn người tiếc thương đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng tôi thật cảm động và cám ơn những con người đến với ông bằng tấm lòng thủy chung, tình nghĩa.
 Lễ an táng ông kết thúc lúc 5 giờ 30 phút. Nắng chiều đã tắt, có gió nồm từ biển thổi vào,  trời dịu.
Theo tâm nguyện của ông, gia đình chúng tôi đã dành một phần tiền phúng viếng ông để biếu tặng Quỹ Khuyến học, Quỹ Cựu chiến binh, Quỹ Người cao tuổi ở quê và hiến cho Nhà thờ họ. Số tiền không nhiều, nhưng là cái lộc của ông để lại. Sinh thời, ông vẫn thường nói với con cái: “ Ở đời lộc bất tận hưởng”. Âu rằng, dưới suối vàng, ông mỉm cười mãn nguyện, vong linh ông được thanh thản, siêu thoát.
Dẫu biết rằng, sinh - lão - bệnh - tử là qui luật của muôn người, không ai thoát được. Hơn nữa, ông đã quá tuổi cổ lai hy một phần tư thế kỷ rồi. Năm đó, ông là người cao tuổi nhất trong làng, trong họ. Người cùng thời với ông nay đã thưa dần, chẳng còn ai cùng trang lứa. Vậy mà, đến ngày cha tôi ra đi, chúng tôi vẫn thấy đau đớn và hẫng hụt vô cùng. Từ nay, sớm tối đi về, các con không còn nhìn thấy mặt cha, các cháu không còn nhìn thấy ông, các chắt không còn được quây quần bên cố (cụ). Đặc biệt là dì Lê Thị Ngãi, người tiếp nối mẹ tôi làm bạn đời với ông trọn 40 năm trời tình nghĩa. Nay, sẽ quạnh hiu những ngày cuối đời, cô đơn trong căn nhà nhỏ.

Cha tôi - một người nông dân, có quãng đời là bộ đội Cụ Hồ - như hàng triệu con người Việt Nam ta trong mấy chục năm qua. Những con người bình dân không danh hiệu, bằng cấp, chức tước trong xã hội. Nhưng, bằng sự tiếp thụ văn hóa từ truyền thống ông cha, cùng sự trải nghiệm, rèn luyện, hun đúc trong trường đời, tạo nên cho mình một lẽ sống, hình thành nhân cách đẹp. Cuộc đời bình dị của họ thật cao quý, rất đáng trân trọng. Số phận của mỗi một con người, của cả lớp người như thế, gắn liền với lịch sử dân tộc ta trong mấy chục năm qua. Họ là những giọt nước mặn mòi trong lành giữa đại dương bao la, là những  thân cây nhỏ mà rắn rỏi kiên cường giữa đại ngàn điệp trùng hùng vĩ. Chính họ đã góp phần làm nên lịch sử!
 95 năm cha tôi đi qua cuộc đời - một cuộc đời khiêm nhường, bình dị, mà thật sinh động, sâu sắc, nhân văn. Ông là tấm gương sáng, để lại tình thương yêu sâu nặng cho đại gia đình chúng tôi, cho mọi người thân và  bà con họ hàng lối xóm. Hình ảnh ông đọng mãi trong lòng họ.
Phụ tử tình thâm. Tôi vô cùng biết ơn, kính trọng ông - người sinh thành dưỡng dục. Tôi cũng vô cùng cảm phục ông - một con người có chiều sâu văn hóa, trong một cuộc đời, một cốt cách bình dị.  
Trong những ngày đau thương vĩnh biệt ông, bằng cả tấm lòng mình, tôi đã viết bài thơ nghẹn ngào dâng tặng  Cha tôi :
                     
CHA ƠI!

Năm Mậu Tý
Ngày 17 tháng 5
Trời mênh mang nắng đỏ
Phút Cha đi
Con chẳng kịp về
Nghẹn ngào đớn đau
Dặm trường
                    Đường quê
                                         Tít tắp…
                 *
              *   *
Ngày tang Cha
Rể dâu con cháu chắt
Cùng họ hàng thân hữu gần xa
Đau thương ngập tràn nước mắt
Trướng, hoa rợp thắm sân vườn
       Ngót trăm xe chật kín đường thôn
        Hơn trăm đoàn dập dồn lối xóm
Giữa ngày hè chói chang
Vĩnh biệt cha
Ngàn thu an giấc suối vàng!

                    *
                 *    *
Cha ơi!
Con vẫn biết đời là dâu bể
Luật tử sinh ai cũng vậy thôi
Chín lăm tuổi trọn cuộc đời
Cha đi,
        để phúc cho người mai sau!

Nếu còn được sống, năm nay cha tôi tròn trăm tuổi. Viết bài này, tôi xin kính dâng lên anh linh cha tôi - người tôi vô cùng yêu thương và kính trọng!

                                            Mỹ Đình, tháng 4-2013.

                                                         NMĐ
                                                          



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét