Menu ngang

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

CỤ TRƯƠNG VĂN LĨNH
         ( 1902 - 1945 )


Ngày 26/5/2016, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm, dự Lễ Khai giảng Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn, các cựu Cán bộ, Học viên Khóa 1 Võ bị ( gồm các cụ : Đặng Văn Việt, Đỗ Hạp, Phạm Minh Tâm, Văn Chiên, … ), một số thân nhân gia đình cán bộ ( gồm các anh chị : Lê Văn Lan, Trần Kháng Chiến, Trần Kiến Quốc, Vũ Trực, Tạ Quang, Tạ Quang Chính, Phạm Hồng Phương, Phan Tuấn, Võ Hạnh Phúc, … ) đến thăm Trường Sĩ quan Lục quân 1 ( Đại học Trần Quốc Tuấn ).
Là cán bộ cũ của Trường, lại có quan hệ thân thiết khá lâu với Ban Liên lạc Khóa 1, tôi vinh dự được mời tham gia.
Khi vào thăm Nhà Truyền thống của Trường, đứng trước Tấm bảng ảnh các vị Lãnh đạo, chỉ huy Nhà trường qua các thời kỳ, tôi phát hiện và đề đạt với Ban Giám hiệu, cơ quan Chính trị Nhà trường là : Trong Tấm bảng ảnh, thiếu ảnh cụ Trương Văn Lĩnh ( tức Nguyễn An ) người Hiệu trưởng đời thứ 3. ( Cụ Hoàng Văn Thái là Hiệu trưởng đầu tiên - từ 15 / 4 / 1945 - sau đó được Bác Hồ và Trung ương cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội. Tiếp theo cụ Hoàng Văn Thái, cụ Nguyễn Thanh Phong là Hiệu trưởng thứ hai. Tháng 8/ 1945, cấp trên điều động cụ Nguyễn Thanh Phong làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Hà Giang, cụ Trương Văn Lĩnh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng ).
Anh Trần Kiến Quốc và mấy anh cùng đi hỏi tôi, trường hợp cụ Trương Văn Lĩnh là thế nào ?
Chuyện thì dài. Tôi vốn là người hay tìm hiểu và may mắn lại được các cụ kể lại - Mà các cụ kể cho tôi nghe ( cụ Trần Sâm, cụ Trần Văn Quang, cụ Trần Văn Bành, cụ Triệu Huy Hùng, … thì nay đều đã đi gặp Bác Hồ cả rồi. Tôi nói ra, có thể bị cho là không đúng, lấy ai làm bằng chứng ).
Tôi cũng đã đọc bài viết của cụ Nguyễn Tạo.
Tôi có thể tóm tắt là:
1 - Sinh thời, cụ Trần Sâm nói với tôi: Năm 1939, khi đang hoạt động cách mạng cụ bị thực dân Pháp bắt, tuyên án 5 năm tù giam và đày lên nhà lao Ban Mê Thuật. Tại nhà tù đế quốc, Chi bộ Cộng sản vẫn tổ chức học tập. Người dạy chính trị là cụ Hồ Tùng Mậu, người dạy quân sự và võ thuật là cụ Trương Văn Lĩnh. Vì cụ Lĩnh đã từng tốt nghiệp Trường quân sự Hoàng Phố của Tưởng Giới Thạch. Cụ Trần Sâm còn kể, thuở đó, trong nhà tù, theo tuổi tác cùng trang lứa, các chính trị phạm đều gọi nhau bằng mày, tao. Riêng có 2 người thì được gọi khác : Cụ Mậu và Ông Lĩnh . Thế mới biết, hồi đó, cụ Hồ Tùng Mậu và cụ Trương Văn Lĩnh đã được các thế hệ cách mạng đàn em tôn vinh, kính nể.
2 - Xuất thân trong gia đình công giáo ở làng Tụy Anh, xã Nghi Phương ( Nghi Lộc, Nghệ An), lúc còn trẻ Trương Văn Lĩnh đã theo học Trường dòng tại Chủng viện Xã Đoài. Tiếp đó, Trương Văn Lĩnh giác ngộ cách mạng, tham gia VNTNCMĐC Hội và được Bác Hồ giới thiệu vào học Trường quân sự Hoàng Phố. Cụ Lĩnh vừa là Đảng viên ĐCSTQ ( năm 1926 ), vừa là Đảng viên ĐCSVN khi mới thành lập, và để hoạt động trong hàng ngũ địch, cụ lại là vừa là Đảng viên Quốc dân Đảng. Sau khi tốt nghiệp, Cụ Lĩnh là Quan Ba, Giám đốc Cảnh sát Quảng Châu ( Trung Quốc), thời Tưởng Giới Thạch. Chính vì lợi thế đó, cụ là người chủ trì đến gặp Luật sư Lozobi đứng ra biện hộ cho Bác Hồ trong vụ án Tống Văn Sơ. Sau đó, năm 1932, mật thám Anh phát hiện cụ Lĩnh là Cộng sản cài vào hàng ngũ Quốc Dân Đảng, nên đã bắt cụ trao cho Pháp đưa về Việt Nam giam giữ tại các Nhà tù : Hỏa Lò, Lao Bảo, Ban Mê Thuật, Đắc Min.
3 - Cụ đã cùng cụ Nguyễn Tạo vượt ngục Đắc Min với bao gian khổ, nguy hiểm. Khi ra Bắc cụ chủ trì xây dựng có sở Cách mạng ở Thái Nguyên. Trong một lần do người cảnh giới bỏ vị trí canh gác, cụ Lĩnh đi ra khỏi căn cứ, bị thực dân Pháp bắt đưa về giam ở Hỏa Lò. Lần này, âm mưu thâm độc của mật thám Pháp là khi đi lùng bắt các cơ sở cách mạng đều áp giải lôi cụ lên xe và chúng tung tin là Trương Văn Lĩnh đã chiêu hồi đầu hàng và đang đi chỉ điểm các cơ sở cách mạng.
4- Ngày 15/4/1945, thực hiện Nghị quyết của Hội nghi quân sự Bắc Kỳ do Trung ương Đảng triệu tập, Trường Quân chính kháng Nhật - tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 1 - được thành lập. Cụ Hoàng Văn Thái, 1 trong 34 chiến sĩ của Đội VNTTGPQ, đã từng được cử đi học ở Trưởng quân sự Quảng Tây, được Trung ương cử làm Hiệu trưởng. Cụ Nguyễn Thanh Phong ( tức Nguyễn Tri Phương ) làm Hiệu phó. Trong Ban Giám hiệu còn có cụ Trương Văn Lĩnh và cụ Nguyễn Văn Lý.
Với kiến thức quân sự khi học ở Trường Hoàng Phố, cụ Lĩnh đảm nhiệm việc biên soạn các tài liệu, giáo trinh huấn luyện.
Tháng 9 năm 1945, cụ Trương Văn Lĩnh - lúc này lấy tên là Nguyễn An - được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Cụ Trần Tử Bình được bổ nhiệm làm Chính ủy.Trong số học viên, có người vu cáo cụ Lĩnh là đã có thời kỳ phản bội, đầu hàng, làm tay sai cho Pháp. Cụ Lĩnh uất ức, lên gặp Bác Hồ để trình bày. Bác Hồ nói, cây ngay không sợ chết đứng, không việc gì cả, chú cứ về yên tâm công tác cho tốt. Nhưng kẻ ác vẫn tiếp tục xuyên tạc, vu khống cụ với nhiều chiêu trò bỉ ổi. Và, chỉ vì trong một phút bức xúc, manh động, không tự kiềm chế được, cụ Trương Văn Lĩnh đã tự vẫn vào ngày 23 tháng 11 năm 1945, lúc mới 43 tuổi đời . Thật đau đớn! Sau khi cụ Trương Văn Lĩnh mất, cụ Trần Tử Bình được Bác Hồ và Trung ương Đảng bổ nhiệm Hiệu trưởng kiêm Chính ủy.

Cùng với Phạm Hồng Thái, Đặng Thúc Hứa, Lê Hồng Sơn, Lê Thiết Hùng, ... cụ Trương Văn Lĩnh là một chiến sĩ Cộng sản trung kiên, chí cốt, là niềm tự hào của quê hương Nghệ An. Tên cụ Trương Văn Lĩnh đã được gắn cho một con phố ở thành phố Vinh.
Khi còn công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, tôi đã giao cho cơ quan Chính trị của Trường cử cán bộ về quê viếng mộ cụ và thăm thân nhân. Được biết, cụ có người cháu nội làm Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nghệ An.
Những điều tôi viết trên đây là nghe lại từ các nhân chứng lịch sử - các cụ đều là Lão thành Cách mạng.
Thể theo yêu cầu của bạn hữu, tôi xin chép lại câu chuyện về cụ Trương Văn Lĩnh là như thế.
Theo sử sách, Cuộc đời và Sự nghiệp của cụ Trương Văn Lĩnh còn oanh liệt, phong phú hơn nhiều !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét