MẤY CẢM NHẬN KHI ĐỌC HỒI ỨC
“ CHIẾN TRANH VỊ
XUYÊN ” CỦA THIẾU TƯỚNG NGUYỄN ĐỨC HUY
N M Đ
Ngày 01/3/2020, tôi cùng anh Lê Doãn Hợp, anh
Nguyễn Thanh Truyền và các anh trong Ban Chỉ đạo công trình Ký Ức Người Lính
lên Vị Xuyên ( Hà Giang ) quan sát thực địa, bàn bạc với cơ quan hữu quan của Tỉnh
ủy, UBND tỉnh để chuẩn bị biên tập xuất bản một Tập sách phản ánh về Cuộc chiến
tranh bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong vòng thời gian 5 năm ( từ 1984 đến 1989 ).
Trên đường đi, tôi nhận được điện thoại của anh Nguyến Đức Huy : “ Mời chú đến
dự buổi giới thiệu cuốn sách của anh sẽ tổ chức vào ngày 05/3/2020 nhé !”. Tôi
vui vẻ nhận lời và khi đặt chân lên các địa bàn tác chiến ở Vị Xuyên, tôi đều
có ý thức quan sát ghi nhận lại nhiều điều. Hơn tôi 18 tuổi, năm 1948 ông nhập
ngũ, thì tôi mới sinh. Mặc dù hai thế hệ khá xa nhau, nhưng chúng tôi thân thiết
từ mấy chục năm trước, kể từ khi cùng chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên trong
kháng chiến chống Mỹ - Hồi đó, ông là cán bộ cấp Trung đoàn, còn tôi chỉ là cán
bộ cấp phân đội - Cho đến tận sau này khi cùng nhau tham gia Ban Liên lạc Truyền
thống Cựu chiến binh Quân khu Trị thiên với nhiều hoạt động tình nghĩa.
Ngày 05/3/2020,
là một ngày đẹp trời, gió thổi nhẹ, nắng hanh vàng, tại Hội trường Tòa nhà số 1
Trấn Vũ bên cạnh hồ Trúc Bạch ( Hà Nội ), Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy ( Tác giả
) cùng các cơ quan hữu quan đã tổ chức Giới thiệu cuốn sách HỒI ỨC CHIẾN TRANH
VỊ XUYÊN. Đông đảo các Tướng lĩnh, các nhà khoa học lịch sử và các đồng đội cựu
chiến binh tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên đã đến dự.
Thiếu tướng
Nguyễn Đức Huy, quê Hưng Yên, nguyên Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 2,
nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận Vị Xuyên đã giới thiệu về cuốn Hồi ức của mình.
Điều rất đáng trân trọng, khâm phục là tác giả đã trực tiếp kinh qua 3 cuộc chiến
tranh và năm nay vừa tròn 90 tuổi.
Trong cuộc chiến
tranh chống quân xâm lược Trung Quốc giai đoạn từ 28/4/1984 đến tháng 10/ 1989,
Mặt trận Vị Xuyên là chiến địa nóng bỏng, khốc liệt, gian khổ và dai dẳng nhất.
Với diện tích chưa đầy 20 km2, kẻ địch đã dùng lực lượng nhiều Sư đoàn thay
phiên nhau liên tục tấn công lấn chiếm biên giới. Chúng đã dùng tới 1 triệu 850
ngàn quả đạn pháo, cối bắn phá vào các cao điểm. Quân và dân Vị Xuyên đã chiến
đấu dũng cảm, kiên cường bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu
quyết liệt với quân thù, có hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Đến nay, Nghĩa
trang Vị Xuyên mới quy tập được 1.804 hài cốt Liệt sỹ và một mộ tập thể không
rõ số lượng. Hiện, còn nhiều Liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt - rất có thể là họ
đã hoá đá do đạn các loại của địch.
Cuốn Hồi ức của
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã tái hiện lại một cách chi tiết, sinh động, hào
hùng, bi tráng về cuộc chiến tranh chống xâm lược của quân và dân Vị Xuyên, góp
phần làm cho mọi người nhận thức đầy đủ hơn. Đấy là điều quý giá nhất của cuốn
sách.
Trong phần phát
biểu, các Tướng lĩnh, các nhà khoa học lịch sử, trên từng góc độ tiếp cận, đã
nói lên cảm nhận về những vấn đề có ý nghĩa lịch sử trong cuộc chiến đấu chống
xâm lược, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc nói chung và Mặt trận Vị Xuyên
nói riêng.
Ý kiến tham gia
của tôi là :
1 - Tôi hoàn
toàn nhất trí cao và hoan nghênh Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - bằng thực tiễn,
nhận thức, tình cảm và trách nhiệm của mình - lần đầu tiên trên văn đàn và
phương tiện thông tin đại chúng đã tái hiện một cách sinh động, chân thực về những
trang sử đầy gian khổ, ác liệt hy sinh mà rất đỗi hào hùng vinh quang về cuộc chiến
tranh chống quân Trung Quốc xâm lược tại biên giới Vị Xuyên từ ngót 40 năm trước.
Có thể coi đây là một thông điệp cho mọi thế hệ.
2 - Về tên gọi
của cuộc chiến tranh : Căn cứ vào Lệnh Tổng động viên Số 29 / LCT của Chủ tịch
nước Tôn Đức Thắng công bố ngày 05/3/1979, thì : “ Tổng động viên trong cả nước
để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến
tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc”.
Nhưng nhiều năm
qua, trong giáo dục và tuyên truyền đều gọi cuộc chiến tranh do phía Trung Quốc
phát động từ ngày 17/02/1979 kết thúc vào cuối tháng 3 năm 1979 và ở Vị Xuyên từ
năm 1984 đến năm 1989 là cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc. Cách gọi đó, theo
tôi, là không đúng với bản chất của cuộc chiến tranh. Chiến tranh biên giới là
sự tranh giành lãnh thổ qua lại lẫn nhau giữa hai bên đối địch. Đằng này, phía
Việt Nam chúng ta không hề cho quân tấn công xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc.
Vì vậy, tôi đề
nghị gọi đây là: Cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược biên giới của
quân dân Việt Nam. Và tôi hoàn toàn nhất trí với tên gọi cuốn Hồi ức của Thiếu
tướng Nguyễn Đức Huy là : Chiến tranh Vị Xuyên.
3 - Lịch sử dựng
nước và giữ nước hàng nghìn năm của Dân tộc chúng ta đã có rất nhiều cuộc kháng
chiến chống xâm lược. Các chiến công bất tử đều được tạc ghi trong lịch sử vẻ
vang của Dân tộc để lại truyền thống cho muôn đời và là niềm tự hào của hậu thế.
Cách đây 211 năm, dưới sự chỉ huy thiên tài của Quang Trung - Nguyễn Huệ, quân
dân ta đã chiến thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược. Cuộc chiến oanh liệt đó chỉ
diễn ra vỏn vẹn trong 5 ngày mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789. Trang sử hào hùng chói lọi
đó mãi mãi trường tồn cùng lịch sử Dân tộc. Vậy mà, một cuộc chiến tranh do kẻ
thù phát động với quy mô 60 vạn quân diễn ra trên một không gian rộng lớn 6 tỉnh
biên giới phía Bắc, trong một thời gian khá dài; để bảo vệ lãnh thổ thiêng
liêng của Tổ quốc, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta đã anh dũng hy
sinh. Nhưng mới chỉ trên dưới 40 năm mà trong giảng dạy lịch sử và tuyên truyền
trên phương tiện thông tin chưa đề cập tương xứng.
4 - Các cuộc
chiến tranh giải phóng Dân tộc và bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong mấy chục năm qua
: Chống Pháp, chống Mỹ và chống Trung Quốc bành trướng xâm lược. Trong mỗi cuộc
chiến tranh đều có những Chiến dịch khốc liệt, mang ý nghĩa then chốt, quyết định.
Kháng chiến chống Pháp tiêu biểu là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Kháng
chiến chống Mỹ tiêu biểu có Chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972 và Chiến dịch
Hồ Chí Minh xuân 1975. Và theo tôi, trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc
là Vị Xuyên ( tính từ năm 1984 đến năm 1989 ). Chiến dịch Điện Biên Phủ năm
1954 cũng như các Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng
năm 1975 đều đã được rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật và lịch sử ca ngợi
xứng tầm. Nhưng nhiều năm qua các phương tiện thông tin đại chúng chưa đề cập đến
chiến tranh ở Vị Xuyên.
Tôi rất nhất
trí với các ý kiến phát biểu trong buổi giới thiệu sách là : Đề nghị các cơ
quan hữu quan Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu, phản ánh cuộc chiến tranh Vị Xuyên
thật tương xứng với tầm vóc, ý nghĩa và sự cống hiến hy sinh của quân dân ta
trong cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét