Menu ngang

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019


Bài viết đăng trong Công trình Ký Ức Người Lính
nhân Kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn ( Đường 559 )
--------------------------------------------------------------------

BỐN LẦN VÀO NAM RA BẮC TRÊN ĐƯỜNG
TRƯỜNG SƠN - KỶ NIỆM KHÔNG BAO GIỜ QUÊN

                                                                                    N M Đ

Trong cuộc đời quân ngũ của mình, tôi chưa bao giờ được biên chế vào đơn vị thuộc đội hình Bộ Tư lệnh Trường Sơn ( Đoàn 559 ). Nhưng từ rất sớm - tháng 12 năm 1964 - và trong quá trình chiến đấu, tôi đã có bốn lần vào Nam ra Bắc trên đường Giao liên huyết mạch chiến lược Trường Sơn. Tôi xin kể lại đôi điều về những kỷ niệm không bao giờ quên. 

1 - Cuối tháng 12/1964, hết thời gian huấn luyện và bồi dưỡng sức khỏe, chúng tôi hoàn tất mọi công việc chuẩn bị lên đường đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Mọi người được trang bị đầy đủ:  ba lô con cóc, quần áo, chăn màn, mũ tai bèo, tăng võng, ni lông, bi đông, túi đựng cơm, lương khô, mắm kem, bao gạo (ruột tượng), hộp thuốc cá nhân, thuốc pha với nước lã uống trực tiếp, băng cá nhân. Trên danh nghĩa, chúng tôi sẽ là chiến sĩ Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Do đó, theo qui định bắt buộc, tất cả những thứ tư trang, đồ dùng cá nhân, từ tấm ảnh, giấy tờ tùy thân, sổ lưu bút, nhật ký, có cái gì liên quan đến miền Bắc đều phải gửi lại, bỏ lại, không được mang theo người. Phát hiện ra ai không chấp hành, cố tình mang đi là bị xử lý kỷ luật.
 Ngày đó tôi mới chẵn 16 tuổi xin khai tăng thêm tuổi để được nhập ngũ, chưa có người yêu. Những anh lớn tuổi hơn, có người yêu, thậm chí có vợ con rồi, khi bỏ lại những tấm ảnh của người thân, tần ngần, xúc động, tiếc lắm. Mà ảnh thì có phải nhiều như bây giờ đâu. Có người cả đời chưa chụp ảnh. Nhiều người trước lúc chia tay, vội vàng chụp một pô ảnh đen trắng để làm kỷ niệm, nên rất quí. Có người dùng túi ni lon bọc ảnh rất kỹ, cố giấu ảnh tận đáy ba lô. Trên đường hành quân và khi ở chiến trường sau này, thi thoảng một mình nhớ nhà quá, mở ra xem. Tiền thừa còn lại và tư trang đều phải gửi về nhà qua đường bưu điện. Từng người kê khai, đóng gói, tập trung lại do đơn vị cử người đi gửi. Tôi gom góp lại được 100 đồng, gồm tiền ăn bồi bưỡng còn thừa được thanh toán cộng với tiền trong túi còn lại. Đồng thời giặt sạch bộ quần áo ngày mặc lên đường gấp lại kèm một bức thư gửi về cho mẹ.
 Ngày 25 tháng 12 năm 1964, toàn đơn vị nhập Trạm Giao liên bắt đầu lên đường đi chiến trường miền Nam. Chúng tôi được biết, lộ trình hành quân sẽ là từ miền tây Quảng Bình vào Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh), lên Làng Ho, vượt qua Đường 9 vào Trường Sơn sang Lào. Từ vùng giải phóng Lào đi dọc theo tuyến tây Trường Sơn thẳng về Nam. Tùy theo nhiệm vụ của từng đơn vị bổ sung cho từng chiến trường mà rẽ ngang về Trị Thiên, về Khu 5, vào Tây Nguyên, hoặc đi thẳng qua đất Cămpuchia vào tận Nam Bộ.
Hồi đó, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mới giới hạn ở những trọng điểm nhất định, chưa lan rộng như 1 - 2 năm sau. Đông và Tây Trường Sơn vẫn là những cánh rừng nguyên sinh nhiệt đới bạt ngàn rậm rạp, nhiều tầng, có nơi lâu lắm rồi hình như chưa có dấu chân người. Đường hành quân bộ là đường mòn Hồ Chí Minh. Một lối đi nhỏ thôi, hàng một, vươn ra, vươn xa dưới những khu rừng đại ngàn được phủ kín bóng cây cao bóng mát, vượt qua nhiều con suối nước trong xanh. Sau này, khi nghe bài hát Trường Sơn Đông -Trường Sơn Tây, nhạc của Hoàng Hiệp, lời thơ của Phạm Tiến Duật, có câu “ Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, đám lính trẻ chúng tôi tranh luận với nhau sôi nổi. Có người lập luận, nhà thơ đã lãng mạn hóa, thi vị hóa để cổ động tuyên truyền mọi người ra trận, chứ  thực ra đường ra trận có gì đâu mà đẹp. Hơn nữa, bất cứ ở đâu, lúc nào, mọi cuộc chiến tranh - kể cả chiến tranh chính nghĩa - đều là điều bất đắc dĩ đối với con người. Chiến tranh là một biện pháp giải quyết tình thế giữa các tập đoàn xã hội, khi không còn phương cách nào khác, thì hãy đừng coi đó là đẹp. Có người lại nói, kể ra nếu dùng từ “vui” thay cho từ “đẹp” thì đúng hơn. Vì ngày đó với khí thế hừng hực, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, trong không khí rộn rịp, thì dùng  từ “vui” hợp lý hơn. Với tôi, tôi cho rằng ở thời điểm cuối năm 1964 đầu năm 1965, đường hành quân đi B chưa bị bom đạn địch cày xới, cây rừng còn xanh tươi, chưa bị chất độc làm trụi lá, non nước hữu tình, cộng với khí thế hào hùng sôi nổi hăm hở của những chàng trai trẻ đi chiến đấu, trùng điệp những đoàn quân ra trận, thì quả thật, đường ra trận vừa vui, vừa đẹp.
Trên đường hành quân mỗi người mang theo trên mình khoảng 30 kg. Trong đó riêng bao gạo đủ ăn được 10 ngày. Đến từng trạm bổ sung dần lương thực, thực phẩm. Mỗi ngày chúng tôi hành quân qua một cung trạm. Từ trạm này sang trạm khác khoảng 30 cây số. Trên đường đi cứ bình quân 1 tiếng đồng hồ nghỉ giải lao độ 10 phút. Thường là sau khi đã ăn sáng, đổ đầy nước sôi vào bi đông, được lệnh xuất phát từ 5 giờ thì đến trạm tiếp theo khoảng 5 giờ chiều. Ở rừng trời mau tối. Hơn 5 giò chiều đã nhá nhem, mọi người chuẩn bị nấu cơm ăn, mắc tăng võng để ngủ. Bếp ăn tiểu đội, mọi người chuẩn bị củi đuốc, che lại ánh sáng, khơi lại bếp để nấu cơm tối và chuẩn bị bữa sáng mai, trưa mai.
Để bảo đảm bí mật, chỉ huy đơn vị phổ biến yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm ngặt mọi qui định. Thực hiện đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Đúng như các cụ xưa thường nói: “Lai vô ảnh, khứ vô hình”. Đi không dấu là rời khỏi nơi trú quân tuyệt đối không để lại dấu tích gì, dù là nhỏ nhất. Khi chặt cây rừng để làm cột mắc võng hoặc lấy củi, phải rút hết toàn bộ cành lá xuống. Nếu để lại, cành cây bị chết khô, từ trên cao, máy bay địch sẽ phát hiện được dấu hiệu khả nghi. Nấu không khói là để tránh máy bay Mỹ phát hiện, khi nấu cơm phải đào bếp Hoàng Cầm. Ban ngày thì không có khói. Ban đêm thì không phát ra ánh sáng. Ngày đó Mỹ đã nghiên cứu chế tạo ra một loại máy thu phát tín hiệu, vỏ bằng cao su, nhựa, bề ngoài không tinh mắt nhìn như một loại cây rừng - gọi là cây nhiệt đới. Máy bay Mỹ thả cây nhiệt đới vào các khu rừng trên tuyến hành quân của ta để thu thập và phát thông tin về các căn cứ của chúng.
Cứ thế, ngày đi đêm nghỉ. Đến một ngày cả đơn vị vượt qua một con sông nhỏ trên một cái cầu mấy cây tre ghép lại, có tay vịn. Tới giữa dòng, anh chính trị viên đại đội ngoái lại nói nhỏ với tôi rằng, đây là sông Sê Pôn. Sang bên kia là  huyện Mường Phìn, tỉnh Savanakhet đất Lào rồi. Qua cầu, tôi ngoảnh lại bờ đông là một rừng tre cao vút dưới nắng vàng, đẹp lắm. Nơi ấy là Tổ quốc mình. Lòng tôi bồi hồi xúc động. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi đi ra nước ngoài. Đi ra nước ngoài mà không có hộ chiếu, không có giấy tờ tùy thân. Với bộ quân phục Quân Giải phóng và chiếc mũ tai bèo, mà như nhà thơ Tố Hữu sau này đã viết, chẳng làm đau một chiếc lá trên cành, đã thay cho hộ chiếu. Trong túi áo của mỗi người chỉ vỏn vẹn một tờ giấy bìa cứng, rộng bằng cái chứng minh thư, trên đó đề  là Giấy chứng nhận XYZ, họ và tên, được cử đi Bác Ái. Lúc đó tôi cũng chẳng biết giấy XYZ  là cái gì, để làm gì, cất giữ ra sao, tại sao lại lấy 3 ký hiệu toán học đặt tên cho nó. Đi Bác Ái nghĩa là đi đâu. Chỉ biết rằng, mỗi người đi “B dài” đều được cấp giấy XYZ. Nhưng khi đã vào chiến đấu ở chiến trường rồi chẳng còn quan tâm đến miếng giấy đó nữa. Sau này, khi ra Bắc, nghe đâu cần có giấy chứng nhận XYZ để làm khen thưởng thì phải. Ai nghĩ ra việc đó kể cũng lạ. Người lính bao năm lăn lộn vào sinh ra tử ở chiến trường, ai còn giữ được một cái miếng giấy nhỏ bằng nửa lòng bàn tay!
 Hành quân được bốn  ngày, đến bữa ăn tôi thấy rất ngon miệng, cảm giác như ăn bao nhiêu cũng hết, không biết no. Sau này mới biết đó là dấu hiệu ban đầu của bệnh sốt rét rừng. Người bị bệnh sốt rét có hai thời điểm ăn rất nhiều: trước khi bị ngả bệnh mấy hôm và sau khi hết bệnh ăn giả bữa. Sang ngày thứ 5 khi đến trạm giao liên tôi  bị sốt li bì. Bên ngoài thì người đỏ lừ sốt cao, mà trong bụng thì rét kinh khủng. Rét tận đáy lòng, thấu tận sống lưng. Tôi vơ bao nhiêu thứ đắp vào mà vẫn run cầm cập, chui vào bếp đốt lửa sưởi cũng không hết rét. Lúc đầu tôi cứ nghĩ là bị cảm lạnh nhưng không phải, chẳng hiểu bị bệnh gì. Đêm đến, anh tiểu đội phó lên đại đội báo y tá xuống xem. Anh Soạn y tá đại đội, quê ở vùng Qui Đạt - Quảng Bình đến gặp tôi sờ trán, hỏi han, cặp nhiệt kế đo nhiệt độ lên tới 39,5 độ. Anh vừa mỉm cười, vừa nói :
- Như thế này là bị sốt rét rồi, em ạ. Không sao đâu, chịu khó uống thuốc đủ liều,  rồi mấy bữa là khỏi thôi. Người ta nói, phi sốt rét bất thành Quân Giải phóng mà. Sống ở rừng, trước sau thì ai cũng bị sốt rét cả, không ai thoát được đâu. Có điều, em bị sốt rét hơi sớm. Mới hành quân được 5 ngày thôi đấy.Vào tận cùng, nghe đâu,  phải hành quân bộ mất những 3 tháng nữa cơ.
Nói rồi, anh đưa tôi mấy viên thuốc quinin và một bát nước. Tôi uống vào đắng lắm. Đến khuya thì tôi hạ sốt nhưng vẫn rét run người.
 Sáng ngày ngủ dậy tôi đau ê ẩm toàn thân, đầu đau như búa bổ, miệng đắng ngắt, lưng đau nhừ, chân tay bủn rủn. Đến giờ hành quân, anh tiểu đội trưởng san hết đồ đạc của tôi cho toàn tiểu đội. Người thì mang khẩu súng, người khoác hộ ba lô, người quàng thêm bao gạo. Tôi chỉ chống một cây gậy thất thểu lên đường, chân bước liêu xiêu. Cứ thế, mấy ngày sau, bệnh tình tôi không thuyên giảm, thậm chí còn nặng thêm. Mấy bữa liền không ăn uống được gì, người tôi gầy rộc và khuỵu xuống không đi được nữa. Anh em trong tiểu đội phải chặt một khúc tre làm đòn khiêng cột võng vào làm cáng  để cáng tôi tiếp tục hành quân. Nằm trên võng lắc lư khi lên dốc, lúc xuống đèo, vượt suối, người bị sốt li bì, tôi chẳng biết gì. Khi tỉnh dậy tôi thương anh em đồng đội vô cùng. Cáng được tôi trên đường hành quân anh em đồng đội vất vả lắm.
 Ba ngày sau, theo đề đạt của tiểu đội, trung đội, thủ trưởng đại đội xét thấy, tôi không còn đủ sức đi tiếp mà để anh em cáng, thì làm chậm tốc độ hành quân của đơn vị. Vì vậy, đề nghị lên tiểu đoàn gửi tôi lại trạm giao liên, đợi đến lúc khỏe sẽ vào sau. Tôi cứ nằm trên võng, từng anh em trong tiểu đội đến  cầm tay tôi nồng ấm bịn rịn chia tay:
- Em ở lại nhé, đi sau.
 Tôi giàn giũa nước mắt lưu luyến giã từ đồng đội. Đó là những người vừa là đồng đội, vừa là bạn học, vừa là đồng hương. Chúng tôi không chỉ gắn bó với nhau bằng nhiều kỷ niệm trong thời gian mới vào quân ngũ mà còn thân thiết với nhau từ khi còn ở quê. Tôi linh cảm, cuộc chia ly này khó có ngày hội ngộ.
Khi anh em cáng tôi đến bàn giao cho trạm xá của Trạm Giao liên hay của Binh trạm, tôi mê man chẳng biết gì. Hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy cùng cảnh mới đến như tôi độ khoảng 10 người nữa. Cũng đều là đám lính trẻ hành quân đi chiến đấu bị sốt rét rừng, không chịu nổi, phải gửi lại. Còn lại là số thương hinh, bệnh binh đã điều trị ở đây từ trước.
Trạm xá ở một khu rừng nước bạn Lào bằng phẳng, cây cối  tốt tươi, rậm rạp và đẹp. Nép dưới tán lá cây rừng là mấy dãy nhà lợp cỏ tranh, xung quanh che chắn bằng phên nứa. Các dãy lán dài trải bằng sạp nứa. Nằm trên đó có cả thương binh lẫn bệnh binh. Chúng tôi được phổ biến rằng, đây là trạm xá dã chiến để thu dung thương binh, bênh binh trên tuyến hành quân. Ai nhẹ thì điều trị một thời gian rồi trả về đơn vị cũ hoặc bổ sung cho đơn vị khác theo quyết định của cấp trên. Ai nặng thì chuyển về phía sau, nặng hơn nữa thì chuyển hẳn ra Bắc. Hàng ngày, sau giờ ăn sáng, cấp thuốc uống hoặc tiêm, ai không bị lên cơn sốt thì, hoặc là chơi tú lơ khơ, đánh cờ tướng, hoặc tha thẩn dạo chơi xung quanh trạm xá. Cũng có khi chúng tôi ra suối câu cá hoặc vào rừng hái rau tàu bay, hoặc đào hái măng đưa về cho nhà bếp cải thiện thêm bữa ăn.
 Điều trị ở trạm xá được hơn mười ngày, dứt cơn sốt, sức khỏe bình phục dần, tôi háo hức xin trạm xá cho lên đường đuổi theo đơn vị. Nhưng các thủ trưởng ở trạm xá nói rằng, 10 ngày qua, đơn vị đó đã đi xa lắm rồi, không thể theo kịp nữa, hãy chờ lệnh cấp trên bổ sung cho đơn vị khác. Tôi lại phải tiếp tục ở đó thêm mấy hôm nữa.
  Đến một buổi sáng, tôi và ba người nữa được thông báo có cán bộ đến nhận về đơn vị mới. Tất cả bốn anh em chúng tôi tập trung lại nghe một anh cán bộ trung tuổi, người tầm thước, thái độ niềm nở, vui vẻ, nói tiếng Nghệ Tĩnh, tự giới thiệu là Hồ Chư, Thiếu úy, Trợ lý chính trị của Tiểu đoàn 929 Quân khu 4, được đơn vị cử đến đón chúng tôi về. Lúc này đơn vị đang làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ hành lang đường giây 559. Chúng tôi cảm ơn, bịn rịn chia tay bác sĩ, y sĩ, cán bộ và các anh chị nhân viên, y tá của trạm xá để lên đường. Chỉ hơn mười ngày thôi nhưng các cán bộ, nhân viên trạm xá đã dành cho chúng tôi trách nhiệm và tình cảm thân thương. Cảm động lắm, nhiều người đã nhiều đêm thức trắng bên lán, chăm sóc cho chúng tôi từng viên thuốc, từng thìa cháo. Chắc chắn là, trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt ở chiến trường, tình cảm giữa con người với nhau gắn bó sâu nặng hơn.
 Theo sự chỉ huy của anh Hồ Chư, chúng tôi bốn người gồm: Nguyễn Văn Kiu, Trần Công Thuận, Nguyễn Trọng Năm và tôi hành quân về đơn vị là Tiểu đoàn 929. Chúng tôi cùng lứa tuổi, là đồng hương, cùng nhập ngũ,cùng hoàn cảnh hành quân đi B bị sốt rét gửi lại trạm xá giao liên, cùng được bổ sung về một đơn vị lại cùng chiến đấu nên thân thương nhau lắm. Anh Kiu quê ở xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, năm 1965, trong một trận chiến đấu ở tây Savanakhet (Lào), bị cụt một chân, sau đó phục viên về quê. Anh Thuận quê ở xã Thanh Cát, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, năm 1968, làm Trung đội trưởng, hy sinh ở khu vực Bình Điền tây Thừa Thiên - Huế. Anh Năm quê ở xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, năm 1969, làm Chính trị viên phó Đại đội hy sinh ở Đường 12 tây Thừa Thiên-Huế. Còn anh Hồ Chư, quê ở xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, năm 1969, làm Chính trị viên Tiểu đoàn 9, rồi Trưởng tiểu ban tổ chức Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, sau giải phóng Miền Nam nghỉ hưu, đã từ trần năm 2000.

2 - Tháng 10 năm 1966, sau gần 2 năm chiến đấu ở Lào rút về miền Bắc củng cố 3 tháng, Trung đoàn 29 chúng tôi rời Hương Khê hành quân vào miền Nam. Cả đơn vị dừng lại trú quân ở Nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh. Tiểu đoàn trưởng Bùi Trần, các đại đội trưởng và tiểu đội trinh sát đi nghiên cứu địa hình. Là Tiểu đội trưởng liên lạc, đồng thời là liên lạc trực tiếp cho Tiểu đoàn trưởng, tôi cũng thuộc thành phần đi trinh sát chiến trường. Từ Nông trường Quyết Thắng, chúng tôi vượt qua Bến Tắt để sang bờ Nam sông Bến Hải. Từ đây, chúng tôi đi tiếp theo hướng đông về huyện Gio Linh. Trước đó, tháng 7 năm 1966, các trung đoàn của Sư đoàn 324 mới đánh nhau với quân Mỹ ở trục Đường 9 từ Cù Đinh, Ba De đến gần sát khu vực Cồn Tiên, Dốc Miếu.
 Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân vào chiến trường Miền Nam. Mặc dù đã trải qua chiến đấu gần 2 năm trên chiến trường Lào, nhưng là mới đánh nhau với quân ngụy Lào (Phu Mi), chưa chạm trán bộ binh Mỹ. Mãi sau này, nhất là khi đã trở thành cán bộ, tôi cứ nghĩ rằng, nếu với cách tổ chức sinh hoạt và chiến đấu như thời kỳ ở Lào mà đơn vị chúng tôi đã trải qua, thì không thể trụ lại được với sự khốc liệt gian khổ ở Miền Nam, dù chỉ là trong thời gian ngắn.  Những nơi chúng tôi đi qua là cảnh tan hoang của chiến trường. Cây cối đổ ngổn ngang, cháy trụi, bị bom đạn băm nát xác xơ. Hố bom đạn chằng chịt cày xới mặt đất, cái đen kịt, cái đỏ lòm. Qua các bãi đổ bộ, trú quân của quân Mỹ, rặt một mùi Mỹ khó tả. Mùi đồ hộp các loại, mùi thuốc lá, mùi xà phòng tắm, mùi nước hoa, mùi thùng các tông, mùi thuốc súng, mùi cây cối bị cháy sém, mùi mồ hôi ở quần áo đồ dùng vứt lại…Tất cả quyện lại thành một mùi hỗn tạp hoi hôi, ngai ngái, ngầy ngậy, ghê ghê, gây buồn nôn. Tôi ấn tượng ngay từ đầu và mãi sau này, mỗi khi vào trinh sát các cứ điểm Mỹ đóng quân, trong khứu giác của mình không bao giờ quên được cái mùi đặc trưng đó.
Chúng tôi đi nghiên cứu địa hình từ khu vực Hồ Khê, Đá Bạc vòng về làng An Cát Khê, làng Trung An, qua các trục Đường 74, Đường 75, lên đến làng An Nha, An Hướng. Nơi đây đang là vùng tranh chấp giữa ta và địch. Dân đã đi sơ tán hết. Có dân lên rừng, vào vùng giải phóng. Có dân chạy vào Đông Hà, thị xã Quảng trị, thành phố Huế, vùng địch kiểm soát. Chỉ còn lại dân quân du kích phối hợp hoạt động cùng bộ đội chủ lực. Dọc bờ nam sông Bến Hải, nam cầu HIền Lương ra tới biển và dọc theo Đường 1 là vùng quân địch vẫn còn chiếm đóng.
 Sau khi đi xem xét một lượt địa hình trong toàn khu vực, theo chỉ thị của trên, tiểu đoàn chúng tôi bố trí trận địa đón lõng quân địch ở khu vực Hồ Khê, Đá Bạc. Theo dự kiến, sau khi phát hiện có chủ lực của ta hoạt động ở phía Bắc Đường 9, quân Mỹ sẽ hành quân từ căn cứ Đầu Mầu ở Đường 9 đánh chiếm dọc theo triền núi đi về phía suối La La và Đồi Không Tên.
 Ngày 15 tháng 4 năm 1967, từ khu vực tập kết ở Bình độ 100, các đơn vị trong Tiểu đoàn vào khu vực núi Hồ Khê, Đá Bạc thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị xây dựng công sự, trận địa. Thế bố trí lực lượng là: Đại đội 1, Đại đội 2 và Đại đại 3  được bố trí theo hình tam giác ( kiềng ba chân). Theo đó, Đại đội 1 và Đại đội 3 (thiếu Trung đội 1) là lực lượng đánh chặn địch ở tiền duyên, Đại đội 2 được bố trí hẳn sang phía bên quyết chiến điểm, nhằm đánh thốc vào sau lưng địch. Trung đội 1 của Đại đội 3 do anh Lê Hồng Hải làm Trung đội trưởng được bố trí bên cạnh Sở Chỉ huy Tiểu đoàn làm lực lượng cơ động. Sở chi huy tiểu đoàn đặt sau Đại đội 1. Đại đội 4 trợ chiến bố trí hỏa khí cối 82 ly, ĐKZ 75 ly, đại liên phân tán, nhưng các loại hỏa lực đều phải bắn tập trung vào quyết chiến điểm. Ngoài ra, ở khu vực đó còn bố trí mìn ĐH10.
3 - Sau một thời gian chiến đấu ở Đường 9 Quảng Trị, đơn vị chúng tôi rút ra củng cố ở một khu rừng gần Phong Nha - Kẻ Bàng ( miền tây Quảng Bình ).
Ngày 25 tháng 12 năm 1967, tôi có mặt nhận nhiệm vụ ở Ban Tham mưu Trung đoàn. Ban Tham mưu Trung đoàn có Tham mưu trưởng và các tiểu ban: Tác chiến, Trinh sát, Thông tin, Công binh, Pháo binh, Quân lực, Cơ yếu. Anh Nguyễn Hoán Tham mưu trưởng dẫn tôi sang giao cho anh Ngô Trí Thướng Trưởng Tiểu ban Quân lực. Tiểu ban Quân lực lúc đó có 5 người. Anh Thướng trưởng tiểu ban và 4 trợ lý: anh Nguyễn Thanh Chương quê Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, trợ lý quân số; anh Lê Văn Xảo quê Thọ Xuân- Thanh Hóa, trợ lý trang bị; anh  Phí Văn Mao quê Lập Thạch - Phú Thọ, trợ lý chính sách. Anh Thướng biết tôi từ trước. Các anh khác tôi mới gặp lần đầu. Anh Thướng giao cho tôi trước mắt cứ tìm hiểu công việc chung của cơ quan, rồi sẽ phân công công việc cụ thể sau.
Cơ quan tham mưu lúc bấy giờ toàn những người hơn tuổi tôi. Các anh lãnh đạo đều là bộ đội từ hồi chống Pháp. Các anh trợ lý cũng đều là lớp trên tôi. Cả cơ quan chỉ có Trương Tấn Phượng hơn tôi hai tuổi, mới được điều từ Đại đội 12 ly 7 lên làm trợ lý bảo mật. Hai “tân binh” trở thành đầu sai của cơ quan trong các công việc đòi hỏi đến sức khỏe. Phượng trầm tĩnh, cẩn thận, chắc chắn bù lại tôi tháo vát, nhanh nhẹn, xông xáo. Bởi thế, tôi và Phượng thân nhau ngay từ những ngày đầu gặp gỡ. Phượng quê ở làng Quảng Cư, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, đang học dở lớp 9 năm 1965 thì đi bộ đội.
Tôi lên Trung đoàn được 3 ngày, thì cả đơn vị bắt đầu hành quân đi chiến đấu. Lần này, Trung đoàn không trở lại chiến trường Đường 9 mà hành quân vào sâu hơn. Lệnh của trên là cả Trung đoàn phải hành quân cấp tốc. Tôi nhớ hôm vượt qua phà Long Đại. Ở đây có qui định các đơn vị chỉ được qua phà lúc trời đã tối hẳn, đề phòng lộ bến máy bay Mỹ phát hiện oanh tạc. Đơn vị đi đầu của Trung đoàn đến bến lúc 4 giờ chiều. Anh trưởng bến phà, nói giọng Khu 5 rất gay gắt, dứt khoát không cho qua. Anh ấy nói:
- Việc qua phà ban ngày là vi phạm kỷ luật chiến trường. Ai muốn qua, phải bước qua xác tôi.
Căng quá. Thậm chí đưa cả điện khẩn tối mật của cấp cao nhất cho anh ấy đọc và nói thế nào cũng không được. Các anh chỉ huy Trung đoàn đang lúng túng chưa biết tính sao, thì  anh Lê Văn Dánh, Phó Chính ủy Trung đoàn  nói:
- Lúc này mệnh lệnh hành quân chiến đấu là trên hết, chậm trễ thì không hoàn thành nhiệm vụ. Thuyết phục không được, phải cưỡng bức.
Nói rồi, Anh Dánh giao cho mấy anh em trinh sát giữ chặt anh Trưởng bến phà lại. Chờ đến khi cả Trung đoàn qua sông xong thì thả ra. Đó là cách làm lưỡng tiện. Trung đoàn chúng tôi kịp hành quân theo mệnh lệnh của trên. Mà chỉ huy bến phà cũng không vi phạm qui định.
 Cả trung đoàn vượt Đèo 1001, Dốc Chè. Sáng Mồng Một Tết Mậu Thân, khi vượt Sông Bồ đi về Hương Trà-Thừa Thiên, qua Đài Phát thanh được nghe Thơ Chúc tết của Bác Hồ:

”Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!Toàn thắng ắt về ta”.
Từng đoàn quân trên đường ra trận khí thế ngất trời. Chúng tôi mừng vô cùng. Bầu không khí rầm rập, rạo rực bao trùm cả đội hình hành quân. Lúc này hình như không còn giữ bí mật nữa. Cả đoàn quân đi náo nức, oai hùng. Mấy anh cán bộ mang đài bán dẫn mở hết cỡ. Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh giải phóng liên tục đưa tin thắng trận ở thành phố Huế, Sài gòn và trên khắp chiến trường. Cả Miền Nam bắt đầu cuộc Tổng Tấn công và nổi dậy đồng loạt. Chúng tôi như bay, như nhảy trên đường hành quân. Trung đoàn 29 chúng tôi được giao nhiệm vụ vào tham gia chiến đấu ở Huế. Các trung đoàn lúc đó đều gọi là Đoàn (Quân khu Trị Thiên Huế có các Đoàn 4,5,6,8,9). Trung đoàn 29 đổi tên là Đoàn 8. ( Đến đầu năm 1969, khi vào đội hình của Sư đoàn 324 thì Đoàn 8 lại đổi là Trung đoàn 3).
Chiều tối Mồng Một Tết hành quân qua ngã ba Hương Trà, xuống Miếu Ông Ầm, các tiểu đoàn rẽ đi các hướng theo nhiệm vụ chiến đấu được giao. Tiểu đoàn 7 đánh vào Thành nội, chợ Đông Ba. Tiểu đoàn 9 đánh vào Cửa Chánh Tây, An Hòa. Tiểu đoàn 8 đánh ở ngoại thành Huế, vùng La Chữ, Quế Chữ. Ngày Mồng Hai Tết, các đơn vị bước vào tham chiến với cả quân Mỹ và quân Ngụy. Trời mưa phùn gió lạnh. Cả Trung đoàn chúng đấu giải phóng và bám trụ thành phố Huế 25 ngày đêm trong điều kiện vô cùng quyết liệt. Sau đó, đã hoạt động chiến đấu ở phía tây tỉnh Thừa Thiên.

 4 - Tháng 1 năm 1971, thực hiện Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, quân đội Sài Gòn tiến hành Cuộc hành quân Lam Sơn 719, đánh lên Đường 9 - Nam Lào, hòng chặt đứt tuyến vận chuyển chiến lược Bắc- Nam của ta. Lực lượng địch huy động rất lớn, gồm: 3 sư đoàn (1 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn dù, 1 sư đoàn thủy quân lục chiến), 1 liên đoàn biệt động quân, 1 lữ đoàn thiết giáp, 13 tiểu đoàn pháo binh ngụy; 20 tiểu đoàn Mỹ (7 tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 5 tiểu đoàn thiết giáp) và 2 trung đoàn quân ngụy Lào phối hợp ở hướng Tây. Tổng quân số khoảng 5 vạn tên ( tương đương 5 sư đoàn bộ binh).
Để chặn đứng, đánh bật cuộc hành quân, tiêu diệt lớn quân địch, giữ vững hành lang huyết mạch của cuộc kháng chiến, tuyến vận chuyển Chiến lược 559, từ đó từng bước đánh bại Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, Quân đội ta đã thực hành chiến dịch phản công với qui mô rất lớn. Lực lượng ta có 5 sư đoàn bộ binh (gồm các sư đoàn: 2, 304, 308, 320 và 324), các lực lượng tại chỗ (Mặt trận B5, Trị Thiên, Đoàn 559), 3 tiểu đoàn tăng-thiết giáp, 4 trung đoàn pháo mặt đất, 4 trung đoàn pháo phòng không, 3 trung đoàn công binh, một số tiểu đoàn đặc công, thông tin,…Chiến dịch bắt đầu từ ngày 30 tháng 1 năm 1971.
Đang đứng chân ở vùng A Lưới (Thừa Thiên) , chúng tôi được lệnh hành quân cấp tốc ra Đường 9 - Nam Lào bảo vệ các cơ sở hậu cần kỹ thuật của Bộ đội Trường Sơn ( Đoàn 559 ). Vừa đi vừa phổ biến quán triệt nhiệm vụ vừa xây dựng quyết tâm chiến đấu cho anh em.
Ngày 5 tháng 2 năm 1971, khi chúng tôi mới hành quân ra đến Trạm 19 thì gặp địch. Sở trường của bộ đội đặc công là táo bạo, bí mật, bất ngờ tập kích địch trong cứ điểm vào ban đêm. Đánh hiểm, đánh nhanh, thắng nhanh và rút khỏi trận địa nhanh. Vũ khí trang bị của đặc công là gọn nhẹ. Trong biên chế trang bị chỉ có thủ pháo, lựu đạn, súng tiểu liên AK và B40, B41;  không có các loại hỏa lực khác có uy lực lớn hơn (như: trung liên, đại liên, cối, ĐKZ, trọng liên 12,7 ly…).Vì vậy, đặc công khó phát huy sức mạnh trong tác chiến với bộ binh địch ở ngoài công sự. Sở đoản của đặc công là đánh địch ban ngày. Nhất là khi được giao nhiệm vụ chốt chặn phòng ngự, chiếm giữ mục tiêu, chiến đấu dưới sự oanh kích của phi pháo địch, thì đặc công càng khó hơn. Nay, gặp địch giữa ban ngày, mới khoảng 3 giờ chiều. Trong Ban Chỉ huy có anh  lo không hoàn thành nhiệm vụ, đề nghị cho bám nắm địch, chờ đến khi trời tối mới tập kích. Với tôi, trước khi chuyển sang đặc công đã từng chiến đấu bộ binh nhiều trận, nên đã quen với tình huống này. Tôi vẫn nhớ cách các anh lớp trước nói rằng, đây là hình thức chiến thuật “tao ngộ chiến”, nói theo thuật ngữ mới là “đánh gặp gỡ”. Trong trường hợp này, lý luận nguyên tắc yêu cầu phải “tam tiên”, nghĩa là phải nhanh chóng làm ba việc trước đối phương: triển khai trước, nổ súng trước, xung phong trước. Bởi thế, tôi trao đổi với anh Trần Viết Xuân đại đội trưởng và chúng tôi thống nhất quyết định triển khai đội hình chiến đấu ngay. Anh Xuân chỉ huy mũi 2. Tôi chỉ huy mũi 1 tiếp cận vào quân địch. Trận đánh đó chúng tôi giành thắng lợi lớn. Hiệu suất chiến đấu cao, bắt tù binh, thu vũ khí.
Sau khi đánh thắng quân địch trong trận “tao ngộ chiến”, Trung đoàn giao cho Đại đội chúng tôi phối hợp với Trung đoàn 1 của Sư đoàn chặn đánh quân địch đang hành quân từ Sê-pôn về phía Đông. Phương án tác chiến được xác định là : Dựa vào công sự sẵn có ở Trạm 19, Đại đội chúng tôi tổ chức thành một trận  địa phòng ngự chốt, chặn đứng cuộc hành quân của quân địch. Đồng thời, Sư doàn dùng Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 1 do anh Võ Chót Trung đoàn phó chỉ huy cơ động đánh thốc từ phía sau để tiêu diệt địch. Nôm na được hiểu là, Đại đội chúng tôi chốt chặn như một cái  “đe”. Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 1 cơ động đánh lên như một cái “búa”. Hai bên dồn ép quân địch lại để tiêu diệt. Yêu cầu đặt ra là, đối với Đại đội chúng tôi là phải bám trụ kiên cường, trong mọi trường hợp không được lùi trận địa. Tiểu đoàn 1 phải cơ động trên mặt đất dũng mạnh tấn công.
Bắt đầu khai hỏa, toàn bộ trận địa của chúng tôi bị chìm trong hỏa lực cối 60 ly, cối 82ly và ĐKZ 75 ly của Trung đoàn 1. Có mấy đồng chí trực cảnh giới ở cửa hầm bị thương vong. Lạ thế, lúc đánh nhau với địch thì thấy sức công phá của hỏa lực chi viện của ta chưa đủ mạnh; vậy mà khi hỏa lực đó giáng trúng đội hình mình thì nghe dữ dội, đanh rát đến khủng khiếp. Chúng tôi phải bẹp dí xuống hầm, không thể ngóc đầu lên được. Tình hình này nếu kéo dài là rất nguy hiểm. Vì khi quân địch rút lui sẽ tràn qua trận địa ta. Bí quá, tôi bảo cậu điện đài 2 oát gọi ngay cho Trung đoàn 1 yêu cầu lùi tầm bắn lại khoảng 200 mét mới trúng được đội hình địch mà không rơi sang trận địa ta. Cậu điện đài loay hoay mãi chưa liên lạc được. Trong khi đó, các loại đạn pháo cứ cấp tập nện chát chúa vào công sự trận địa của đơn vị .Tôi sốt ruột vô cùng. Điện báo viên thì bền bỉ gọi:
- Sông Hồng gọi Sông Lô. Nghe tốt, nghe rõ, trả lời.
Khi điện đài thông thoại được, tôi giật phắt lấy ống nói, không dùng mật khẩu nữa, hết toáng lên:
- Ông Chót ơi, tôi là Đẩu đây, cối 82 và ĐKZ của các ông bắn trúng vào trận địa của chúng tôi rồi. Không thể ngóc đầu lên được. Hướng bắn thì đúng rồi đấy, nhưng phải cho tầm bắn lùi lại 200 mét thì mới trúng vào đội hình quân địch.
Cáu quá, tôi còn chửi thề mấy câu nữa. Tức thì, đầu bên kia nhận được thông tin, anh Võ Chót cho pháo bắn lùi ngay. Trận đó, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 1 phối hợp cùng Đại đội chúng tôi đánh thắng giòn dã, tiêu diệt và bắt sống gần trăm tên tù binh ngụy.
Mãi tới sau này, năm 1993, anh Võ Chót là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 4 có lần cùng dự cơm ở làng Lệ Mật, Gia Lâm, Hà Nội với chúng tôi. Ôn lại kỷ niệm xưa, anh Chót kể lại trận đó và nói vui:
- Các ông ạ! Bây giờ ông Đẩu là Cục trưởng Cục Chính sách  trông hiền thế thôi. Chứ trước đây, lúc đánh nhau ở trận tiền, là cán bộ chính trị nhưng ông ấy nóng nẩy, quyết liệt và thậm chí là ngoa ngôn đấy!
 Tôi cười vui, nói lại:
- Mọi hoàn cảnh có thứ ngôn ngữ riêng. Cách biểu đạt cũng vậy. Giữa lúc bom rơi đạn nổ ngút trời, sự sống chết của mình và đồng đội là mong manh, thời khắc diễn ra tình huống chóng vánh, phải hoàn thành nhiệm vụ là mệnh lệnh tối thượng. Vì vậy, người chỉ huy phải xử lý nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất. Có phải như bây giờ đâu mà tế nhị, ngọt ngào, nhẹ nhàng, thưa với gửi!
 Nghe xong, mọi người cùng cười.
Đường 9 - Nam Lào từ lâu vốn là hậu phương của ta. Khi địch bắt đầu cuộc hành quân Lam Sơn 719, theo chủ trương của trên, nhân dân trong vùng và một vài đơn vị bảo đảm hậu cần – kỹ thuật ở Đoàn 559 đều sơ tán hết về phía sau.Vì rút vội, trong các bản làng còn bỏ lại nhiều trâu, bò, lợn, gà thả rông. Có cơ sở hậu cần  của Đoàn 559 còn ngổn ngang lương thực, thực phẩm: Gạo, lương khô, thịt hộp, đường, sữa.
Ngày 20 tháng 3 năm 1971, tôi với anh Xuân Đại đội trưởng lên Trung đoàn nhận nhiệm vụ. Cùng dự với chúng tôi có chỉ huy Tiểu đoàn 9 gồm anh Hồ Hữu Lạn Tiểu đoàn trưởng và anh Lê Hồng Hải Chính trị viên. Nhiệm vụ Trung đoàn giao cho Đại đội đặc công chúng tôi phối hợp với Tiểu đoàn 9 bộ binh cùng với Trung đoàn 1 đánh vào cao điểm 550 nhằm tiêu diệt Lữ đoàn 147 của địch. Sau khi nghe anh Hoàng Trọng Thế trung đoàn trưởng cùng anh Lê Văn Dánh chính ủy phổ biến tình hình và giao nhiệm vụ, chúng tôi bàn phương án tác chiến. Theo đó, mục tiêu tấn công là Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến ngụy đang chiếm giữ điểm cao 550. Hướng tấn công chủ yếu sẽ tiến hành từ phía đông lên. Vì ở hướng đó có độ dốc rất cao, chắc địch cho là ta không thể lên được nên ít đề phòng hơn. Khi ta đã lên được, từ trên cao đánh xuống, địch sẽ bị bất ngờ, khó đối phó. Đặc công sẽ là mũi đột kích chủ yếu. Đại đội 11 bộ binh tiếp ứng với đặc công. Đại đội 12 hỏa lực sẽ dùng cối 82ly và ĐKZ chi viện trong quá trình tác chiến.
Chiều ngày 21 tháng 3 năm 1971, chúng tôi bắt đầu tiếp cận vào vị trí tập kết ở chân cao điểm 550. Đến 7 giờ tối, trút bỏ lại những thứ không cần thiết, chúng tôi bắt đầu tiềm nhập vào cứ điểm địch. Độ dốc rất cao, gần như thẳng đứng, cây cối lúp xúp, lại có nhiều phiến đá lớn, chúng tôi phải dùng giây làm thang, rồi từng người bám vào leo dần lên. Đến 12 giờ đêm, khi cả đội hình đã lên gọn ở đỉnh dốc, bố trí xong đội hình, tôi mừng lắm. Tôi và anh Xuân trao đổi với nhau, giữ được bí mật bất ngờ, tạo được thế đánh thuận lợi thế này, trận này chắc chắn thắng to. Khi tiếp cận cách quân địch chừng 30 mét, chúng tôi  phát lệnh nổ súng.
Sau khi dùng B40, B41 bắn sập hai lô cốt đầu cầu, từng tổ, theo phạm vi được phân công, lao lên ném thủ pháo, lựu đạn vào công sự địch. Tiếp đó, anh em dùng súng tiểu liên AK lia từng loạt vào dẫy nhà bạt phía trong. Ban đầu do bị bất ngờ, địch choáng váng, chưa kịp phản ứng gì. Nhưng gần 10 phút sau, khi phát hiện được hướng đánh của ta, chúng co cụm chống trả quyết liệt. Địch bắn pháo sáng rực trời. Cả trận địa sáng choang như ban ngày. Từ ụ súng gần đó, một khẩu đại liên bắn xối xả cản bước phát triển của ta. Tôi chỉ thị cho cậu Bình xạ thủ B41 ngắm bắn vào khẩu đại liên. Quả B41 phóng đi, một quầng lửa sáng đi liền một tiếng nổ rất to. Khẩu đại liên địch bị câm họng. Bất ngờ từ phía bên phải, một tên địch phát hiện ra tôi, nó bắn một loạt tiểu liên AR15. Tôi trúng đạn người đổ xuống tại chỗ. Tức thì, cậu Tấn liên lạc bắn trả một loạt AK diệt ngay tên địch. Tôi thấy đau nhói ở lưng, tức ngực, không thở được. Máu ở lưng trào ra. Đồng thời, cả mũi và miệng tôi đều ộc máu, lại phì phò thành bọt theo nhịp thở. Tôi cũng không hiểu tại sao. Chắc viên đạn cắm phập vào phổi, thủng phế quản, máu và hơi thở quyện vào nhau. Mặc dù đau lắm, nhưng tôi vẫn tỉnh táo. Bằng kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm, tôi biết những người bị thương nặng mà còn rất tỉnh thì khó qua khỏi.
Rời Sư đoàn, anh em không cáng tôi xuôi ra miền Bắc mà lại ngược vào phía Nam, vào Viện 68 của Quân khu Trị Thiên Huế. Thương binh trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào đưa vào đây khá nhiều. Đủ các loại vết thương, không phân biệt nặng nhẹ và bị thương vào đâu, chúng tôi nằm xếp thành dài trên sạp nứa  trong các lán. Hàng ngày, các y tá, y sĩ  lần lượt thay băng, tiêm thuốc cho thương binh. Các vết thương nặng đều phải phẫu thuật. Phòng mổ làm việc liên tục suốt ngày đêm mà vẫn không kịp. Nhiều thương binh nặng, do không đủ phương tiện và khả năng chữa trị, đã hy sinh. Ngay sau bệnh viện là một nghĩa trang khá lớn.
Khi khám cho tôi, các bác sĩ kết luận là, tôi bị đạn bắn gãy xương sườn, xuyên thấu phổi, thủng phế quản, gây tràn dịch màng phổi. Sau này tôi mới biết, với loại vết thương này, nếu có điều kiện như ở những bệnh viện bây giờ, thì chỉ cần mổ ra, gắp viên đạn, khâu lại lỗ rò phế quản, thì không thành thương tật nặng. Nhưng thuở đó, điều kiện chiến trường, thiếu thốn mọi thứ. Thầy thuốc chuyên khoa, thuốc men và phương tiện đều thiếu. Mổ phổi là đại phẫu thuật. Viện 68 không đủ khả năng tiến hành. Chỉ còn cách tiêm kháng sinh liều cao, chọc dò hút dịch. Hàng ngày, các bác sĩ đến dựng tôi dậy, cởi áo ra, dùng cồn i-ốt sát trùng khắp cả một lượt, tiêm thuốc giảm đau rồi dùng một cái xi lanh to gần bằng cổ tay, cắm phập một cái kim dài hơn  10 cm vào ngực, vào lưng để chọc hút dịch, máu mủ. Có bữa hút được một cốc đầy dịch, nhìn như máu cá. Khi chưa hút thì tức ngực, khó thở. Khi hút được rồi thấy dễ chịu hơn.
Ban đầu mỗi ngày hút một lần. Sau đó mỗi ngày phải hút hai lần tôi mới chịu được. Nhưng vết thương của tôi ngày một nặng lên. Đau nhức, tức ngực, khó thở và luôn sốt về chiều tối. Mấy ngày sau,  dùng kim loại to cũng không hút được nữa, vì dịch trong phổi đã thành mủ đặc quánh. Tôi càng đau nhức và khó thở hơn. Phải đặt tôi nửa nằm, nửa ngồi mới thở được. Sốt cao, li bì, liên miên - nhất là về buổi chiều và tối. Mỗi ngày tôi một yếu lả đi. Có mấy thương binh nằm cạnh đã ra nghĩa trang. Tôi nghĩ mình sắp đến lượt.
Sau chiến thắng của Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, cấp trên khao quân. Ở bệnh viện, cứ hai thương binh được cấp một hộp thịt hộp. Lúc chiều tối, chị y tá mang đi cấp phát và nói như vậy. Tôi và một thương binh tên là Thanh, cỡ tuổi tôi,  bị thương vào đầu, nằm cạnh. Khi nhận rồi, với ánh nhìn hiền hậu, chân thành, Thanh nói với tôi:
- Thôi! ông giữ lấy mà ăn bồi dưỡng sức khỏe để còn mổ. Mình nặng lắm, chắc không sống được nữa đâu. Ăn chẳng để làm gì!
 Tôi nhìn anh đau đớn, vì tin đó là sự thật. Và đến khuya, anh ấy kêu đau thảm thiết quá, bác sĩ chạy đến cấp cứu tại chỗ, thấy anh giãy dụa một lúc rồi tắt thở. Nhân viên bệnh viện chuyển anh ra nghĩa trang ngay trong đêm. Cảnh này diễn ra nhiều lần, anh em thương binh chúng tôi chỉ buồn thương đồng đội, chứ không bất ngờ. Sáng ngày nhìn sang cái dằm nằm trống trếnh bên cạnh và nhìn lại hộp thịt chỏng chơ, tôi ngao ngán, ngậm ngùi và thương xót Thanh vô cùng. Rồi, giống như Thanh, tôi cũng chuyển hộp thịt đó cho người khác, không tài nào ăn được.
Mấy ngày sau, khi khám cho tôi, bác sĩ cho rằng, mủ trong lồng ngực nhiều hơn, đặc hơn, dùng kim không hút ra được nữa, chèn ép phổi, gây tức thở . Xét thấy, cứ đà đó tôi ngày một yếu đi và sẽ không qua khỏi, bác sĩ Sùng, chủ nhiệm Khoa ngoại quyết định mổ đặt ống dẫn lưu vào thẳng trong lồng ngực để thoát mủ ra ngoài. Tôi được đưa lên bàn mổ vào lúc chập tối một ngày cuối tháng 3 năm 1971, tôi không nhớ ngày cụ thể.
Phòng mổ đặt trong một căn hầm lộ thiên. Không có điện, phải dùng đèn Đi-a-mô. Tức là, có một người đạp như đạp xe đạp để quay phát điện làm sáng đèn. Đạp có nhanh đèn mới sáng. Dừng lại thì đèn tắt. Bác sĩ cầm dao mổ dưới ánh đèn phập phù đó. Khi mổ chỉ dùng thuốc tê, nên tôi nghe và biết hết. Các anh ấy banh cái xương sườn đã bị gãy của tôi lên, cầm một ống xông cao su  bằng con lươn nhỏ, có đầu mà trên đó có nhiều lỗ, đẩy sâu vào lồng ngực tôi, tức thì mủ ở trong chảy trào ra. Dẫu đau lắm, nhưng tôi mừng vì thấy dễ thở hơn. Hơi thở dài, sâu hơn; không ngắn và gấp gáp như trước đó. Các anh đưa tôi về lán kèm theo sợi dây dẫn lưu từ ngực tôi ra một bình thủy tinh – hình như vốn là bình đựng thanh huyết. Cứ thế, mủ trong người tôi cứ chảy thoát tự nhiên ra ngoài.
Điều trị tiếp ở Viện 68 mấy ngày nữa, tôi được chuyển ra Miền Bắc theo tuyến giao liên 559. Theo qui định, thương binh nặng thì chuyển ra Bắc, thương binh vừa và thương binh nhẹ thì để lại điều trị đến khi khỏi, trở về đơn vị chiến đấu. Ai được đưa ra Bắc tức là đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Có thể, có người vui vì được trở về Miền Bắc. Với tôi, biết chắc rằng, nếu để lại chiến trường, thì tôi sẽ chết vì vết thương quá nặng. Nhưng ngày đó, vừa bước sang tuổi 23, còn say mê lý tưởng, dạt dào khát vọng mà đã thuộc diện bị loại ra khỏi cuộc chiến đang hào hùng, sôi động, tôi tủi thân và buồn lắm. Chẳng huyễn hoặc, chẳng lên gân lên cốt gì đâu. Tuổi trẻ chúng tôi lớp lứa đó là vậy.
Ngày đầu cáng tôi  lên đường, đi qua gần chỗ đơn vị đóng quân. Vì đã biết trước, cả đại đội đặc công, lúc đó còn lại khoảng hơn 50 người, ra đón đường chia tay tôi. Hơn một tháng sau bị thương, sức khỏe tôi yếu lắm, người gầy rộc đi. Cáng dừng lại. Tôi cứ nằm bất động trên cáng. Lần lượt từng anh em đến cầm tay tôi ngậm ngùi xúc động. Hầu như người nào cũng khóc. Mấy cậu liên lạc Đại đội khóc rất to, thảm thiết. Nước mắt tôi cứ thế chảy ra, chẳng còn sức mà khóc nữa, tôi nấc lên ngẹn ngào. Chúng tôi biết rằng, đây là lần chia tay cuối cùng. Mà quả thật, kể từ ngày đó đến hết cuộc chiến,  số anh em bạn bè tôi thuở ấy ở lại chiến đấu nhiều người đã hy sinh. Số còn lại đến bây giờ mà chúng tôi thỉnh thoảng vẫn họp mặt nhau, khi Thái Bình, lúc Nam Định, Thanh Hóa, chỉ còn chưa đến chục người. Đúng là những hạt gạo trên sàng. Khi chia tay, lo cho tôi vết thương nặng, sức yếu, đường xa, dẫu chẳng có gì, anh em gom góp lại vài cân đường, dăm hộp sữa để tôi bồi dưỡng và mấy vật chiến lợi phẩm của Mỹ như đèn pin, bi đông, ka uống nước, võng dù,… tặng tôi làm kỷ niệm. Tất cả dồn lại đựng vào một cái gùi, giao cho người cáng mang theo tôi.
Thường xuyên có ba người thay nhau cáng tôi và mang ba lô đi cùng. Đường đi khi lên núi, xuống đèo, lúc nắng gay gắt, lúc mưa dầm dề, đương gồ ghề trơn trượt, anh em vất vả. Mỗi ngày qua một cung trạm. Cứ tối đến, quân y của trạm dùng xi lanh hút mủ từ trong lồng ngực tôi qua ống dẫn lưu ra ngoài. Rồi thay băng, tiếp tục tiêm thuốc kháng sinh.
Cáng bộ được hơn 10 hôm, tức là qua được 10 trạm giao liên. Đến một ngày các anh chuyển tôi từ trạm giao liên ra đường cái để đưa lên  xe ô tô vận tải. Tôi được đưa lên ô tô cùng với mấy thương binh nữa. Khi nhìn thấy tôi, các anh phụ trách vận chuyển bằng ô tô ái ngai, lo lắng. Họ cho rằng, đường chiến lược trong rừng rất xấu, xe xóc rất mạnh, mà vết thương của tôi thì quá nặng. Đắn đo hồi lâu, các anh quyết định để tôi ở lại để cáng bộ. Nhưng lúc gọi mấy chiến sĩ tải thương của trạm giao liên để trả tôi lại, thì họ đã quay về trước đó, không còn ai nữa. Tải thương trên ô tô chỉ có hai người phải lo cho mấy thương binh. Vì vậy, sau một hồi suy xét, không còn cách nào  khác, các anh đành để tôi lại và cho rằng trên đường giao liên với nhiều người qua lại, chắc chắn sẽ có người gặp và chuyển tôi về trạm. Chứ nếu chuyển bằng ô tô, tôi không chịu nổi mà sẽ hy sinh trên đường.
Vậy là, một mình tôi bơ vơ nằm trên cánh võng, giữa rừng, cạnh chỗ giao nhau của đường giao liên bộ với đường ô tô. Ban đầu, với vết thương đau nhức, khó thở, sức đuối lắm, tôi  hoang mang, lo lắng vô cùng. Nằm trên võng, tôi chăm chú nghe ngóng và khát khao có ai đi trên đường giao liên không. Tôi mong manh chờ mãi… chờ mãi…chẳng thấy gì. Thời gian dần trôi, bốn bề vắng lặng, tôi khắc khoải vô vọng. Nghĩ rằng, với vết thương nặng thế này, mình sẽ bị chết ở đây. Nhưng ngay sau đó, giữa lúc vô vọng nhất, tôi trấn tĩnh lại, trong cuộc chiến đấu  quyết liệt với quân thù, cùng trang lứa đã có bao người  hy sinh, nay đến lượt mình vì vết thương quá nặng, âu cũng là tất yếu. Nắng chiều nhạt dần, trời sắp tối. Tôi đưa tay lấy tập giấy tờ để trên võng, ra đọc. Trong đó có ba loại giấy: Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng, Giấy chứng nhận bị thương, Giấy chuyển thương. Ở Giấy chuyển thương, tôi thấy trong mục khi cần báo tin cho ai, ai đó đã viết nhầm tên cha tôi là Nguyễn Văn Hòa. Sợ nếu mình hy sinh, báo tử nhầm địa chỉ, tôi lấy bút bi đang cài ở túi ngực chữa lại chữ Hòa thành chữ Hòe bằng chữ in hoa hẳn hòi, cho đúng. Tiếp theo, ở ô trống còn lại, tôi viết thêm lời nhắn nhủ: “Các đồng chí ơi, tôi đã hy sinh ở đây!”. Viết xong, vuốt lại tờ giấy cho thẳng hơn, tôi cho vào túi. Rồi mệt quá đến kiệt sức, hình như vết thương không còn đau nhức nữa,  tôi lịm đi, thiếp dần, mơ màng, bồng bềnh như vào giấc ngủ…
  Vậy rồi, đến khi từ từ khi mở mắt ra, tôi lạ lùng thấy mình đang nằm trên một cái lán nứa dưới mái nhà tranh. Nghĩ là, mình đang nằm mơ, đưa tay cấu vào chân thấy đau, tôi mới cho là thật. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh. Phía trên thấy có một chai thanh huyết đang truyền vào người tôi. Ghé nhìn sang cạnh đó, một chị chắc là y tá đang ngồi chăm chú nhìn tôi. Ngoài kia ánh sáng ban mai chói lòa. Thấy tôi động đậy, ú ớ, chị y tá nói như reo lên:
- Ồ! tỉnh lại rồi hả. May quá!
Khi đã tỉnh hẳn, hỏi chị y tá, tôi mới biết, tối qua có Đoàn cán bộ Dân Chính từ phía Nam ra. Trên đường bất chợt nhìn thấy tôi đang mê man bất động trên chiếc võng ở gốc cây bên vệ đường. Họ thay nhau cáng tôi đi và hỏi thăm tìm đường đến Đội Phẫu. Họ tìm được Đội Phẫu lúc khoảng 2 giờ sáng. Cáng tôi vào đây bàn giao cho quân y rồi họ đi tiếp.
Khi tiếp nhận tôi trong tình trạng đang hôn mê, các bác sĩ đã kịp thời tiến hành hồi sức cấp cứu. Sau đó, họ căn cứ vào những giấy tờ hiện có của tôi, kết hợp với khám xét vết thương thực thể để lập bệnh án bổ sung.  Mấy hôm sau tỉnh hơn, tôi được biết, đây là Đội Phẫu của một đơn vị thuộc Đoàn 559. Bác sĩ Lợi là Đội trưởng. Trong Đội Phẫu ngày đó còn có anh Thơm quân y sĩ quê ở xã Nghi Hải, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cũng thường xuyên chăm sóc tôi. Thời gian điều trị ở Đội Phẫu do vết thương ngày càng nặng hơn, có lúc nguy kịch, tôi phải cấp cứu mấy lần. Tôi nhớ một lần tôi không thở được, có bác sĩ đề nghị mổ nới nội khí quản đưa ra ngoài để thở. Với ánh nhìn đăm chiêu suy nghĩ lung lắm, sau một lúc xem xét kỹ vết thương và đọc lại bệnh án của tôi, bác sĩ Lợi Đội trưởng quyết định không mở nội khí quản. Ông vừa chăm chú nhìn tôi một cách thương cảm, vừa từ tốn rành rọt nói với mọi người:
- Cậu này còn trẻ quá. Mổ ra, mở nội khí quản để thở là giải pháp tình thế bất đắc dĩ. Có thể giải quyết qua cơn cấp cứu. Nhưng khi lắp lại khí quản, ngộ nhỡ chạm đến giây thanh quản mà gây ra câm, thì tội vô cùng. Thôi! Cứ cấp cứu bằng nội khoa. Tiêm Lu-ba-lin trợ hô hấp và tiêm u-a-ba-in trợ tim, cần thiết thì tiêm moc-phin giảm đau đi đã.
 Thế rồi, dưới sự chỉ đạo và trực tiếp điều trị của bác sĩ Lợi, tôi qua được và khỏe dần lên. Lúc đó, vì rất lo lắng đến tính mạng, nên mặc dù trong trường hợp nguy kịch, tôi vẫn còn tỉnh, chăm chú nghe. Trọn đời, tôi chịu ơn của của bác sĩ Lợi. Ngày đó, nếu không có kinh nghiệm và sự quyết đoán của ông, không biết tôi sẽ là thế nào. Tiếc là, sau ngần ấy năm trời, tôi chưa có dịp nào gặp lại bác sĩ Lợi.
 Điều trị ở Đội Phẫu khoảng dăm ngày, tôi lại được tiếp tục đưa ra Bắc theo tuyến chuyển thương. Lại nằm trên cáng lênh đênh dọc tuyến giao liên. Tôi nằm trên đôi vai của các chiến sĩ tải thương khi lên núi, lúc băng đèo, lội suối với biết bao vất vả, gian truân và có khi còn bị máy bay oanh kích nữa. Tôi cảm kích và mãi mãi chịu ơn của những đồng đội mà tôi không hề biết tên đó ./.

                                                                          N M Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét