Menu ngang

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

Ý KIẾN PHÁT BIỂU TẠI BUỔI GẶP MẶT - TỌA ĐÀM CỦA HỘI ĐỒNG HƯƠNG NGHỆ AN, NHÂN DỊP KỶ NIỆM 30/4

Kính thưa :

Trước hết, thay mặt Hội đồng hương tỉnh Nghệ An tại Hà Nội, chúng tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh và chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo; các Tướng lĩnh, các Anh hùng; các ông bà đại diện đồng hương các huyện của Nghệ An; các cháu sinh viên quê Nghệ An đang học ở Hà Nội đã về dự cuộc Gặp Mặt - Tọa Đàm nhân Kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam !
Xin kính chúc các bác, các anh mạnh khỏe, hạnh phúc; Chúc các cháu mạnh khỏe, học tập tiến bộ !


Nhân dịp Kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, 30/4, Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức cuộc Gặp Mặt hôm nay với chủ đề “ Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh thành khát vọng làm giàu trong hòa bình “.

Trong cuộc Gặp Mặt này, chúng ta tiến hành giao lưu, chia sẻ thông tin. Các đồng chí Tướng lĩnh, Anh hùng sẽ kể lại những kỷ niệm trong chiến đấu nhằm cung cấp thêm thông tin cho mọi người. Đây cũng là dịp để các cháu sinh viên hiểu thêm truyền thống chiến đấu của các bậc ông cha. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống quê hương, nỗ lực vươn lên với khát vọng làm giàu trong thời kỳ mới.

Kính thưa :

Cuộc Gặp Mặt này diễn ra trong dịp KN 44 năm Ngày Gải phóng miền Nam. Tôi xin được phép khái lược, phác họa đôi ý kiến về Ngày Chiến thắng 30/4 - ngày đánh sập bộ máy chính quyền Sài Gòn, bắt sống Tổng thống VNCH Dương Văn Minh và toàn bộ nội các phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thòa lòng mong muốn khát khao cháy bỏng của toàn dân; Thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ kính yêu : “ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào “, đưa non sông về một mối.
Chúng ta đều biết rằng : Ngày 30/4 là kết quả cuối cùng của cuộc trường chinh lâu dài đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh của toàn dân, toàn quân ta. Biết bao đồng bào, đồng chí đã ngã xuống kể từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến dinh lũy sào huyệt cuối cùng của kẻ thù. Trước ngày toàn thắng, ngay ở cửa ngõ Sài Gòn hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ ta đã anh dũng hy sinh. Cái giá phải trả cho Độc lập Tự do và Thống nhất Tổ quốc của quân và dân ta là vô cùng to lớn !

Suốt 55 ngày đêm của Mùa Xuân 1975, Bộ Chính trị đã quyết định mở 3 chiến dịch lớn : Chiến dịch Tây Nguyên; Chiến dịch Huế - Đà Nẵng; Chiến dịch Hồ Chí Minh. 
Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên mở màn bằng trận đánh Thị xã Ban Mê Thuật, ngày 10/3/1975. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng: Giải phóng Huế ngày 26/3 và tiếp liền sau đó giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3. 
19 h ngày 14/4/1975, BCT quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 16/4/1975, quân ta đánh sập phòng tuyến Phan Rang. Ngày 29/4, quân ta đánh ta căn cứ Xuân Lộc - cánh cửa thép của quân ngụy án ngự đường vào Sài Gòn. 
23 h ngày 26/4, Bộ Chính trị chỉ thị cho 5 cánh quân tập trung lực lượng áp sát Sài Gòn, lấy Dinh Độc lập làm hợp điểm ( Bao gồm : Quân đoàn 1 ở hướng Bắc, Quân đoàn 2 ở hướng Đông Nam, Quân đoàn 3 ở hướng Tây Bắc, Quân đoàn 4 ở hướng Đông Bắc, Đoàn 232 ở hướng Tây Nam ). 

11h 30, lực lượng Quân đoàn 2 gồm Trung đoàn bộ binh 66 Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 đã chiếm Dinh Độc Lập, lá cờ cách mạng tung bay trong sự vỡ òa cảm xúc của mọi người dân. 
Ngày 30/4/1975 là một cột mốc chói lọi trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.


Kính thưa :

Tôi xin phép báo cáo khái lược về truyền thống Nghệ An - chủ điểm là nói về truyền thống trên lĩnh vực LLVT. 
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc, Nghệ An là một địa danh nổi tiềng về truyền thống đánh giặc giữ nước. Từ Anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan 1300 năm trước, đến các tướng lĩnh như Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí - được vinh danh là “Người hai lần khai quốc”, cùng nhiều danh tướng khác. Nghệ An còn là quê hương của tổ tiên Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Trong thời kỳ chống Pháp xâm lược, Nghệ An có các Chí sĩ yêu nước: Nguyễn Xuân Ôn, Đinh Văn Chất, Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Hoàng Trọng Mậu ( tức Nguyễn Đức Công ), Trần Hữu Lực ( tức Nguyễn Thức Đường ) và biết bao người con ưu tú khác của quê hương. 
Đầu thế kỷ 20, Nghệ An là nơi khởi xướng Phòng trao Đông Du, tiếp đó là Việt Nam Quang Phục Hội. 
Đặc biệt, Nghệ An là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ kính yêu của Đảng và Nhân dân ta.


Qua các thời kỳ lịch sử, quê hương Nghệ an đã hun đúc nên truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Từ ngày có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, cách mạng Việt Nam đã giành được những thanh tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và truyền thống quê hương Nghệ An nói riêng đã được tôi luyện, tỏa sáng, phát huy lên một tầm cao mới. Mọi người chúng ta đều có quyền tự hào về truyền thống quê hương Nghệ An. Đó là niềm vinh dự, là điểm tựa tinh thần nâng bước cho mỗi người trên mọi nẻo đường đất nước.

Trong suốt mấy chục năm chiến tranh, từ quê hương Nghệ An, biết bao người con ưu tú, lớp trước lớp sau, đã ra đi chiến đấu trên các chiến trường. Theo thống kê, tổng số người Nghệ An tham gia quân đội qua các thời kỳ là 596.000 người; tham gia thanh niên xung phong là 45.000 người; tham gia dân công hỏa tuyến là 15.000 người. Nghệ An có 6.000 lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa. Trong cuộc chiến đâu sinh tử với quân thù, qua các thời kỳ kháng chiến, toàn tỉnh Nghệ An có tới 45.000 Liệt sỹ, 40.000 Thương binh,1.200 BMVNAH.

Trai qua quá trình phấn đấu, rèn luyện trưởng thành trong ác liệt, khó khăn, gian khổ, nhiều người quê Nghệ An trở thành cán bộ cao cấp, thành sĩ quan cấp Tướng, được tuyên dương Anh hùng. Đó là lực lượng nòng cốt của cách mạng và LLVT cách mạng.
 
Tính đến nay, Nghệ An có 130 sĩ quan cấp Tướng ( cả Quân đội và Công an ). Có 4 cán bộ tiền bối, không là Tướng, nhưng có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng - nhất là đối với xây dựng LLVT thời kỳ đầu. Đó là: Đồng chí Lê Hồng Phong quê Hưng Thông, Hưng Nguyên, nguyên Tổng Bí bí thư của Đảng, đã từng tham gia Hồng quân Liên Xô với quân hàm Trung tá - Ông là người đầu tiên của Đảng ta tham gia quân đội cách mạng. Đồng chí Hồ Tùng Mậu quê Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu là cán bộ tiền bối, cựu trào cách mạng, nguyên Chính ủy đầu tiên của Quân khu 4. Đồng chí Trần Quốc Hoàn quê Nam Trung, Nam Đàn, nguyên UVBCT, đã có 28 năm liên tục ( 1953-1981) đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng Bộ Công an. Đồng chí Tạ Quang Bửu quê Nam Hoành, Nam Đàn đã có một năm là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ( 1947-1948) và sau đó giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng 9 năm liền - Ông là người tham gia ký Hiệp định Giơnevơ vơi tư cách là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng VNDCCH. Đồng chí Trương Văn Lĩnh quê Nghi Phương, Nghi Lộc thuộc lớp tiền bối cách mạng, đã từng tham gia Ban Lãnh đạo tổng bộ VNTNCMĐC Hội, nguyên Giám đốc Trường Quân chính kháng Nhật - tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 1.


Trong số Tướng lĩnh quê hương Nghệ An, có nhiều vị thuộc lớp tiền bối lão thành cách mạng như : Phùng Chí Kiên - người chỉ huy đầu tiên của LLVTCM. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng là người được phong quân hàm cấp Tướng đầu tiên của QĐNDVN, năm 1946, với cương vị là Chỉ huy trưởng Bộ đội Tiếp phòng quân. Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân khu 5, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, nguyên Chủ nhiệm TCCT, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - người được Bác Hồ gọi là “ Tướng Hai Mạnh “, mạnh cả quân sự, mạnh cả chính trị. Thượng tướng Trần Văn Quang nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng, nguyên Trưởng ban quân sự đầu tiên của Miền, nguyên Bí thư Khu ủy Trị Thiên, nguyên Tư lệnh Quân khu Trị thiên, nguyên Thứ trưởng BQP, nguyên Chủ tịch Hội CCB Việt Nam. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội - người nổi tiếng “ đốt nóng Hội trường Quốc hội “ trong các phiên chất vấn qua nhiều kỳ họp. Thiếu tướng, AHLLVT Hoang Đan nguyên Tư lệnh Quân đoàn 5, nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 1, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học quân sự BTTM - người có nhiều chiến công trong chống Pháp, chống Mỹ và là nhà lý luận quân sự.
 
Quê hương Nghệ An còn có các Tướng lĩnh xuất sắc như : Trung tướng Phạm Hồng Sơn, Trung tướng Đỗ Trình, Trung tướng Hoàng Kiện, Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh, Thiếu tướng Hoàng Niệm, Thiếu tướng Lê Xuân Kiện, Thiếu tướng Phùng Bá Thường, Thiếu tướng Hồ Đệ, Thiếu tướng Triệu Huy Hùng và nhiều đồng chí khác. 

Tựu trung lại, các vị tướng với cương vị, vai trò, mức độ cống hiến khác nhau nhưng đều là những người có công trong quá trình xây dựng, chiến đấu của quân đội, góp phần đáng kể vào sự nghiệp chung.


Cùng với đội ngũ Tướng lĩnh, với khí phách kiên cường dũng cảm, từ quê hương Nghệ An ra đi, có nhiều người đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc được tuyên dương Anh hùng. Trong kháng chiến chống Pháp có : Cù Chính Lan, Trần Can, Nguyễn Quốc Trị, Đặng Đình Hồ, … Trong chống Mỹ có : Hà Minh Trí, Lê Văn Lẫm, Nguyễn Đình Kiệp, Phạm Thanh Tâm, Biện Văn Thanh, Nguyễn Đình Kiên, Hoàng Văn Nam, Phan Văn Quý, … Trong chiến tranh biên giới phía Bắc có Võ Đại Huệ. Trong thời kỳ Đổi mới có Nguyễn Đăng Giáp, …

Mỗi Anh hùng mang một sắc thái riêng, nhưng đều là những người dũng cảm, kiên cường vượt qua mọi gian khổ, hy sinh - Họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa chủ nghĩa anh hùng Việt Nam. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, các Anh hùng là những tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Sự gnhiệp của các Tướng lĩnh, các Anh hùng là tài sản tinh thần quý báu. Các Tướng lĩnh, Anh hùng tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất trong thời kỳ mới. Trách nhiệm của thế hệ trẻ là học tập, noi gương các thế hệ trước, không ngừng phấn đấu học tập rèn luyện, với khát vọng vươn lên làm giàu cho mình và cho đât nước.

Tiếp sau đây là phần Tọa Đàm. 
Đầu tiên, tôi xin trân trọng giới thiệu Thiếu tướng Phùng Bá Thường, 96 tuổi, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 hơn 10 chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh giữ chức Sư đoàn phó Sư đoàn 10 thuộc Quân đoàn 3. Trong chiến tranh biên giới phía Bắc là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 14. Trước khi nghỉ hưu là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Hậu cần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét