Menu ngang

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019


      VÀI KỶ NIỆM VỀ MẤY TRẬN CHIẾN ĐẤU
ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI TRÊN CHIẾN TRƯỜNG LÀO

                                                               N M Đ

Vài điều phí lộ : Tối ngày 03/4/2019, Trung tướng Nguyễn Tiến Long - một người anh, người bạn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Liên lạc Hội Quân tình nguyện và Chuyên gia quan sự Việt Nam tại Lào, gọi điện đề nghị tôi viết bài để kịp đăng trong Tập 9 Ký Ức Người Lính. Tôi vui vẻ nhận lời và hồi tưởng lại những Kỷ niệm không bao giờ quên cách đây hơn nửa thế kỷ. Trong cuộc đời quân ngũ 45 năm của mình, tôi chỉ tham gia trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Lào chưa đầy 2 năm ( từ tháng 01 năm 1965 đến tháng 6 năm 1966 ). Nhưng đó là một một trang đẹp trong đời tôi - Quãng thời gian bắt đầu tham gia trực tiếp chiến đấu với tư cách là một chiến sỹ bộ binh, một chiến đấu viên thực thụ.
Tháng 12 năm 1964, trên đường hành quân vào miền Nam chiến đấu ( đi B ), tôi bị sốt rét phải nằm lại điều trị tại một Bệnh xá của Đoàn 559 trên tuyến giao liên. Hết thời gian điều trị, tôi được bổ sung về Tiểu đoàn 929 Quân khu 4 lúc bấy giờ đang chiến đấu ở tỉnh Savanakhet ( Lào ) với nhiệm vụ bảo vệ hành lang phía tây của Tuyến 559. Và mở đầu cuộc đời binh nghiệp gắn bó với tôi bằng những trận chiến đấu từ đây. Tôi xin ghi lại làm Kỷ niệm.
                                               *
                                            *    *

1 - Hồi ấy, ngoài trang bị chiến đấu như súng CKC, lựu đạn, xẻng, bao gạo, ba lô, tôi được anh Cao Đức Tính Tiểu đội phó giao cho mang hai cái nồi. Nồi to dùng để nấu cơm đủ ăn 7 người. Nồi nhỏ dùng để nấu thức ăn. Tôi đặt cái nồi nhỏ trong nồi to, dùng giây vải buộc chặt vào ba lô mang sau lưng. Chính hai cái nồi này, với tôi, có một kỷ niệm không bao giờ quên.
Sự thể là, trong trận đánh quân địch ở ngoài công sự ở gần Huội Mua, ngày 22 tháng 2 năm 1965. Lúc khoảng 3 giờ chiều, cả Tiểu đoàn chúng tôi đang tiến vào địa bàn quân địch thường hoạt động. Đội hình hành quân chiến đấu trinh sát tiểu đoàn đi trước, theo cách sâu đo để thăm dò địch. Sau trinh sát là Đại đội 2 chúng tôi. Trung đội tôi đi trước, Tiểu đội 4 dẫn đầu. Đến một khu rừng khộc, thấy phía trước có nhiều ụ khói bốc lên. Khả nghi có quân địch, trinh sát báo cáo về phía sau. Tiểu đoàn trưởng Hoàng Nhiên đầu cắt trọc, người đỏ au, quàng một mảnh dù nhỏ, không mang vũ khí, chạy vội lên trước. Chạy theo anh là anh Xiểm liên lạc. Anh Nhiên  lệnh cho toàn đơn vị dừng lại triển khai chiến đấu. Giao cho trinh sát vào  phía trong bám địch. Khoảng nửa tiếng sau, anh Cao Sỹ Nguyên, Tiểu đội trưởng trinh sát quay ra báo cáo với Tiểu đoàn trưởng. Anh Nhiên giao cho anh Xiểm liên lạc chạy về phía sau đội hình mời anh Khuốc chính trị viên tiểu đoàn lên hội ý. Thấy hai anh hội ý chừng 5 phút, anh Nhiên cho triệu tập các đại đội trưởng lên giao nhiệm vụ. Anh Tèo đại đội trưởng nhận nhiệm vụ Đại đội 2 làm mũi tấn công chủ yếu.
Chúng tôi được lệnh tiếp tục tiềm nhập để rút ngắn cự ly với địch. Được chừng 100 mét thì dừng lại chờ hỏa lực Tiểu đoàn khai hỏa. Cối 82ly và ĐKZ75 ly của Tiểu đoàn bắn cấp tập khoảng 10 phút thì dừng. Chúng tôi bắt đầu nổ súng tấn công. Với tôi, đây là trận chiến đấu đầu tiên trong đời. Tôi hồi hộp lắm. Nghe tiếng đạn bắn ra tới tấp, ràn rạt, tôi cũng hoảng. Nói không hoảng là tự dối lòng mình. Nhìn sang bên phải, tôi thấy anh Nguyễn Văn Liệu đã bắn được một quả B40, nòng còn bốc khói. Nhìn sang bên trái, thấy anh Đinh Xuân Các đã xiết được mấy tràng trung liên, vỏ đạn bay rào rào. Cạnh tôi, anh Đinh Xuân Bài Tiểu đội trưởng đang ghì khẩu AK vào gốc cây khộc, xiết cò từng điểm xạ ngắn. Mới khoảng 4 giờ chiều, giữa rừng khộc đã cháy trụi, ở cự ly không tới 100 mét, tôi nhìn quân địch rõ lắm. Tôi bắn liền một kẹp đạn CKC, đã thay sang kẹp khác, thì nghe một tiếng choang rất đanh, tôi tưởng mình đã bị thương nhưng chẳng thấy đau mà sờ xung quanh người cũng không có máu. Anh Bài hô:
- Tất cả Tiểu đội chuẩn bị xung phong !
Tôi đưa tay dương lê lên vì cho rằng, sắp đánh nhau giáp la cà, phải dùng đến lưỡi lê để đâm. Thấy thế, anh Bài hét to:
 -  Đẩu gấp lê lại ngay !
 Như một cái máy, tôi gấp lê lại, dẫu chẳng hiểu vì sao. Mấy phút sau, cả Trung đội chúng tôi chiếm lĩnh toàn bộ trại địch. Một bãi chiến trường ngổn ngang nhà cháy, vách đổ, đất cát bị cày xới bởi những hố đạn đen ngòm. Mấy xác chết, cái thì cháy đen, cháy sạm, cái  thì loang lổ bê bết máu. Trong tay có đứa còn cầm súng. Nhìn vào bếp, thấy mấy tuýp (liễn) xôi còn nóng hôi hổi, tôi cầm luôn. Lệnh của chỉ huy, đơn vị phải thu dọn chiến lợi phẩm và rút ra ngay đề phòng pháo địch oanh kích.
Xuyên rừng độ hai tiếng đồng hồ sau, đến chỗ dừng lại trú quân, anh Tính Tiểu đội phó bảo tôi cởi nồi ra để nấu cơm tối. Tôi vừa hạ xuống thì thấy cả hai cái nồi bị một viên đạn xuyên thủng từ bên nọ sang bên kia. Cả tiểu đội xúm lại nhìn. Anh Bài nói:
- Như vậy là số cậu cao đấy. May mà thằng địch Phu Mi bắn hơi chếch lên một chút. Nếu viên đạn hạ xuống 10 cm thôi, thì hôm nay Đẩu nhà mình đã thành Liệt sỹ rồi.
 Anh còn giải thích với tôi rằng, sở dĩ chiều nay thấy tôi dương lê lên bị anh quát, là vì, lúc xung phong cự ly cách địch còn chừng 100 mét, dương lê lên sẽ bị vướng. Tối đó, may mà có hai liễn xôi tôi lấy được trong trại địch, không thì cả tiểu đội nhịn đói sau một ngày chiến đấu căng thẳng. Trận đó tiểu đôi tôi không ai việc gì. Tiểu đội 5 có anh Duyến và anh Thoại hy sinh.
Mấy chục năm sau, tôi gặp lại anh Đinh Xuân Bài lúc anh đã là Đại tá, Trung đoàn trưởng, nghỉ hưu ở Hà Nội. Chúng tôi cười vui ôn lại chuyện xưa. Anh trìu mến dùng hai bàn tay vỗ nhẹ vào hai bên má tôi và ôm ghì chặt lấy tôi:
- Trời ơi, thằng em út của Tiểu đội ta ngày nào mặt búng ra sữa, bây giờ đã thành ông Tướng rồi ư!
Rồi như sực nhớ ra điều gì, anh trêu đùa tôi:
- Này, Đẩu ơi ! Em sờ lại sau lưng xem hai cái nồi còn không ? !
Anh Đinh Xuân Bài là người chiến đấu dũng cảm, chỉ huy quyết đoán, gương mẫu về mọi mặt. Tôi nhớ trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, anh giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 3, bị thương và bị địch bắt được đưa lên trực thăng. Khi máy bay mới rời mặt đất được dăm mét, anh lao mình ra cửa nhảy xuống thoát được nhưng bị chân thương cột sống, đau lưng một thời gian khá dài. Trong đời sống anh giản dị, khiêm nhường mà thẳng thắn, chân thành, được đồng đội quí mến. Anh là người trưởng thành từ chiến sĩ lên tới trung đoàn trưởng trong cùng một đơn vị cho đến khi nghỉ hưu. Anh Bài mất năm 2001 do bị ung thư phổi, không biết có phải do nhiễm chất độc ở chiến trường không. Khi nghe tin anh Bài mất, từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 ở Sơn Tây tôi đến viếng anh tại nhà riêng. Nhiều đồng đội đã về hưu, phục viên tận trong Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã ra viếng anh. Trước đó mấy hôm, khi anh ốm nặng tôi đến thăm ở Viện Quân y 108. Anh thều thào nói với tôi:
- Anh đau lắm em ạ! Trong đời anh, chưa bao giờ đau thế này. Chắc không được mấy ngày nữa đâu. Điểm danh lại, tiểu đôi ta đã mất hết cả rồi. Chỉ còn em, đứa em út của tiểu đội ngày nào còn bé nhỏ 16, 17 tuổi đầu thôi.
Nghe anh tâm sự, tôi cảm thương anh vô cùng, nước mắt lã chã rơi. Biết rằng, tôi sắp phải vĩnh biệt người anh, người thầy của mình trong chặng đầu tiên của cuộc đời quân ngũ mà đành bó tay chẳng  làm được gì cho anh.
                                            *
                                         *     *

2 - Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của trận tập kích quân địch ngoài công sự, tiểu đội 4 chúng tôi được tăng cường cho Đại đội 3 của Tiểu đoàn đang làm nhiệm vụ phòng ngự ở Sê-Con-Cam. Sê-Con-Cam cách thị trấn Mường Phìn không xa. Địch ở Pờ Lan, Pắc Sế thường nống ra lấn chiếm, nhằm thọc sườn uy hiếp chặt đứt hành lang chiến lược Bắc-Nam của ta. Tiểu đội làm lực lượng cơ động ngoài công sự để chi viện cho Trung đội 1 Đại đội 3. Phương án tác chiến được xác định là khi địch đánh vào trận địa phòng ngự của trung đội 1, thì tùy hoàn cảnh cụ thể , đại đội sẽ dùng tiểu đội tôi tăng cường lên trận địa phòng ngự hoặc đánh vu hồi vào phía sau, hoặc đánh thọc bên sườn quân địch. Nhận nhiệm vụ xong, mấy ngày đầu, anh Bài dẫn tiểu đội đi địa hình xung quanh trận địa phòng ngự vừa để thuộc địa hình, địa vật, vừa kết hợp tuần tra khu vực. Sau đó lập phương án đánh địch. Chuẩn bị đường xuất kích,… Địa hình ở đây bằng phẳng trống trải. Bên triền sông là những vạt rừng tre xen lẫn những cánh đồng nứt nẻ đang giữa mùa khô. Ở đây không có địa thế hiểm yếu nên không thật thuận lợi cho bố trí phòng ngự. Nhưng lại thuận cho lực lượng cơ động phản công. Trước trận địa phòng ngự, Đại đội 3 đã bố trí các bãi mìn dày đặc và cắm chông tua tủa.
Thời gian làm nhiệm vụ phòng ngự ở Sê-Con-Cam, Tiểu đội chúng tôi đánh được 5 trận qui mô nhỏ, đều theo đúng như phương án tác chiến đã xác định. Mỗi lần địch đánh vào chốt phòng ngự của Trung đội 1, lệnh của đại đội, tiểu đội chúng tôi xuất kích đánh thọc vào ngang mạng sườn ép địch dạt vào bãi mìn. Bọn địch vừa bị đạn  thẳng, cối và mìn nên thương vong nhiều, buộc phải rút chạy về phía sau.
Có một kỷ niệm nhỏ,  một hôm cả tiểu đội xuất kích đánh địch về đang ngồi ăn cơm. Trời tối đen nhưng không được thắp đèn. Bất thần pháo 105 của địch bắn tới tấp vào trận địa. Mọi người lao vội xuống hầm. Anh Lê Văn Sơ chân đang đi đôi giày vải cao cổ, cuống cuồng bước vào nồi nước sôi vừa bắc từ trên bếp xuống. Nóng quá, anh kêu toáng lên. Tôi vội lấy dao cắt đứt dây tháo giày ra, chân anh vẫn bị bỏng nhẹ. Sau này gặp lại, anh Sơ đùa:
- Bữa đó tại chú mày mà anh hỏng mất đôi giày đẹp đấy.
Tôi đùa lại:
- Bữa đó không có em nhanh trí thì anh vẫn còn nguyên giày nhưng không còn đôi chân lành lặn như bây giờ đâu.
Hai anh em ôm nhau cười.
                                             *
                                          *     *

3 - Kết thúc nhiệm vụ phòng ngự ở Sê-Con-Cam, chúng tôi trở về đội hình cũ. Cả Tiểu đoàn đang tham gia vận chuyển lương thực, làm đường và kéo pháo vào chuẩn bị đánh lớn ở Huội Mua. Không khí chuẩn bị chiến trường rầm rộ. Chặt cây, san đường xong thì kéo pháo vào trận địa. Anh Bài, anh Tính nói với cả tiểu đội rằng từ ngày đi chiến trường đến bây giờ, chưa bao giờ có lực lượng tham gia hùng hậu đến như vậy. Có bộ binh, công binh, pháo binh, nghe đâu có cả xe bọc thép nữa.
Trung đội chúng tôi được giao nhiệm vụ kéo một khẩu pháo 105 ly từ phía bắc Mường Phìn vào gần Sê-Con-Cam. Tuy không vượt dốc, trèo đèo như người ta vẫn nói về việc kéo pháo vào, pháo ra ở Điên Biên Phủ trước đây, nhưng quả thật kéo pháo là rất mệt. Người mỏi nhừ, tay phồng rộp. Những ngày kéo pháo vào trận địa chúng tôi vui và tin tưởng. Vậy là trong trận chiến đấu tới đây, bộ binh chúng tôi được pháo binh chi viện. Pháo 105 ly sẽ bắn sập công sự và tiêu hao sinh lực địch, uy hiếp găm quân địch xuống, tạo điều kiện cho bộ binh tấn công, hoặc là chế áp pháo binh địch bắt chúng phải câm họng.
Ngày đó, tôi thấy cả ông Xổm Xắc, Tổng Tham mưu phó Quân đội Pa thét Lào xuống thăm hỏi và động viên chúng tôi trong  khi kéo pháo. Ông là người Lào Thưng, hoạt động chủ yếu ở Trung Hạ Lào. Các anh cán bộ trong tiểu đoàn tôi rất thân thiết với ông, coi ông như người cùng đơn vị. Ông  và đại đội địa phương tỉnh Savanakhet đã cùng ăn, cùng ở, cùng hoạt động, cùng sát cánh chiến đấu trên một chiến hào với bộ đội tình nguyện Việt Nam. Đúng là tình hữu nghị đặc biệt hiếm có.
Theo trinh sát Tiểu đoàn báo cáo và thông báo của trên, đồn Huội Mua của địch đóng trên một ngọn đồi thấp, có công sự gỗ đất với mấy lớp lô cốt, được nối với nhau bằng chiến hào và giao thông hào; có một lớp hàng rào thép gai và bên ngoài là một lớp cây rừng cưa đổ bao quanh làm chướng ngại vật; lực lượng địch có một đại đội tăng cường. Khi Huội Mua bị tấn công, pháo binh địch ở Pà Lan, Đồng Hến sẽ bắn chi viện.
 Tiểu đoàn 929 chúng tôi là lực lượng chủ yếu tấn công vào đồn Huội Mua. Ngoài hỏa lực vốn có trong biên chế là cối 82ly, ĐKZ 75ly, đại liên, Tiểu đoàn được trên chi viện là 4 khẩu 105ly, 4 khẩu cối 120 ly, một đại đội súng cao xạ 12,7 ly. Nghe nói còn có cả 4 xe bọc thép sẵn sàng xuất kích. Nghe nói, vì khi chuẩn bị chiến trường tôi không nhìn thấy và cũng không được cấp trên chính thức phổ biến.
Theo phương án tác chiến của Tiểu đoàn được cấp trên thông qua, Đại đội 1 là lực lượng chủ công đánh vào hướng chủ yếu, Đại đội 2 chúng tôi đánh vào hướng thứ yếu, Đại đội 3 làm lực lượng thê đội 2, sẵn sàng ứng phó các tình huống. Trong khi pháo binh ta bắn cấp tập vào trận địa địch, lực lượng bộ binh nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí xuất phát tấn công, đào hố cá nhân ẩn nấp, chờ sẵn. Khi pháo binh chuyển làn, bộ binh các mũi thực hành phá rào mở cửa tấn công quân địch trong công sự. Hiệu lệnh tác chiến là súng pháo hiệu do tiểu đoàn trưởng quyết định.
Đúng 5 giờ chiều ngày 15 tháng 4 năm 1965, Tiểu đoàn 929 xuất kích vào chiếm lĩnh vị trí tập kết. Dưới nắng chiều, cả đoàn quân vòng lá ngụy trang phấp phới, trông khí thế rất hùng dũng. Mấy anh Điện ảnh Quân đội trực tiếp quay phim. Máy trên vai chạy sè sè, ghi hình bộ đội hành quân và thực hành chiến đấu. Trước đó các anh cũng đã ghi hình chúng tôi kéo pháo vào trận địa.
Đúng 6 giờ tối, pháo 105ly và cối 120ly, đặt cách trận địa chừng 5 km, đồng loạt khai hỏa. Lần đầu tiên được nghe tiếng nổ đầu nòng (tiếng đề-pa) tiếng đạn rít trên không và tiếng nổ giòn to đanh, rất trúng đích, chúng tôi mừng vô cùng. Có người không kìm được, nhảy kiễng lên hô lớn:
- Tiên sư mấy thằng Phu Mi nhé, phen này cho chúng mày chết. Thắng đến nơi rồi, anh em ơi!
Chúng tôi vào đến vị trí xuất phát tấn công, cách đồn địch chừng 200 mét,  dừng lại dùng xẻng đào hố cá nhân. Pháo binh vẫn dồn dập nã đạn. Trong đồn nhiều đám cháy bốc lên cao. Chắc quân địch cho rằng, ta chỉ tập kích bằng hỏa lực, không có bộ binh, nên chưa thấy động tĩnh gì. Thỉnh thoảng trong đồn bắn vu vơ ra xung quanh trận địa mấy quả cối và mấy loạt đại liên như thể thăm dò. Cả một vùng rực sáng. Anh Bài bảo tôi chú ý giữ khoảng cách kẻo lạc. Mọi người trong tư thế sẫn sàng nổ súng. Chừng 10 phút, pháo chuyển làn, từ phía sau hai phát pháo hiệu đỏ rực vút lên không trung. Anh Quí hô toàn trung đội vượt qua hàng rào, đánh thẳng vào tiền duyên địch. Chúng tôi vừa vượt qua hàng rào bằng cây khô, băng qua lớp hàng rào thép gai, cách chiến hào tiền duyên của địch chừng 100 mét, thì các họng súng trong đồn bắn tới tấp vào đội hình. Vừa nhô lên có mấy người bị trúng đạn, gục tại chỗ. Trong giây lát tất cả các hướng tấn công đều bị khựng lại, chững lại.
Anh Bài hô:
- Liệu dùng B40 bắn vào lô cốt đầu cầu !
Anh Liệu phóng liền hai quả mà vẫn không trúng. Anh Các xả tiếp một tràng trung liên vào đó cũng chẳng ăn thua. Từ dưới nhìn lên, các hỏa điểm của địch bắn ra đỏ rực, đạn bay chíu chíu, cày xới xung quanh chúng tôi. Thực sự, lúc đó tôi cũng hoảng. Nói không sợ là tự dối lòng mình.
Từ phía sau đội hình, anh Nguyễn Văn Dương Đại đội trưởng điều khẩu đội ĐKZ 75ly được Tiểu đoàn tăng cường cho đại đội, đặt ngắm bắn trực tiếp mấy phát liền. ĐKZ vừa bắn xong, anh lao lên, hô lớn:
- Nào các đồng chí, dừng lại đây là chết, tất cả xung phong !
Đáp lời anh, cả Trung đội 2 chúng tôi vừa chạy thốc lên vừa cặp súng bắn trong làn đạn địch. Anh Liệu bắn tiếp một quả B40, chúng tôi nhìn rõ quả đạn lao vút cắm phập vào lô cốt đầu cầu nổ rầm lên, khẩu đại liên địch bị tiêu diệt. Cả Trung đội lao lên chiếm được chiến hào ngoài cùng.
Nhìn lại đội hình, tôi đã thấy thưa dần. Theo lệnh anh Lê Đôn Quí Trung đội trưởng, các tiểu đội xốc lại lực lượng, bám chắc tiền duyên đánh lấn vào trong. Tiếng lựu đạn nổ chát chúa.Tiếng súng bộ binh các loại nổ liên hồi, đanh rát. Anh Bài chỉ huy chúng tôi đánh thốc vào sườn bên phải. Tôi ném 2 quả lựu đạn, bắn liền cả kẹp đạn CKC.
Trong vòng 1 giờ đồng hồ, từ chiến hào tiền duyên địch, Đại đội chúng tôi đánh chiếm được mỏm đồi thấp phía ngoài. Cả trận địa mịt mù khói đạn, khét lẹt, cay xè. Từ đây phát triển vào tung thâm phải qua một cái yên ngựa. Đồi phía trong cao hơn. Từ trên cao hai khẩu đại liên địch bắn chéo cánh sẻ, đạn bay xối xả,chi chít. Thêm vào đó là các loại súng phóng lựu, cối 81 ly, ĐKZ của địch bắn ra dữ dội. Giằng co mãi hàng tiếng đồng hồ, không sao dứt điểm được. Mấy lần Đại đội tổ chức tấn công đều bị đánh bật lại, do bị tổn thất quá nhiều. Anh Dương không chịu lùi, trực tiếp dẫn Trung đội 1 đánh thốc lên lần nữa, lại cũng bị thương vong quá nửa. Bản thân anh Dương bị thương vào đầu và chân, anh em phải cõng ra.
Phía bên kia, Đại đội 1 là hướng tấn công chủ yếu của Tiểu đoàn cũng gặp khó khăn, thưa dần tiếng súng, chỉ đánh chiếm được non một nửa trận địa địch. Ta thương vong lớn. Địch co cụm chống trả quyết liệt, chờ viện binh. Nếu tình trạng này kéo dài, trời sáng địch sẽ cho máy bay đến oanh kích và cho bộ binh đến chi viện. Lệnh của trên cho tiểu đoàn rút lui.
Đề phòng địch phản công, Đại đội bố trí thực hành rút theo kiểu cuốn chiếu. Đưa thương binh, liệt sỹ ra trước, các trung đội lần lượt rút dần ra. Đến 7 giờ sáng hôm sau, cả tiểu đoàn mới về đến hậu cứ. Trong trận này tôi có mấy người bạn hy sinh. Trong đó tôi thương nhất là Cồng, 18 tuổi, cao to, trắng trẻo, đẹp trai, quê Tĩnh Gia - Thanh Hóa, bị thương nặng cụt cả hai chân, còn tỉnh táo, nhưng khiêng ra đến được nửa đường về hậu cứ thì hy sinh vì mất quá nhiều máu. Trên đường ra, hai chiếc máy bay T28 của địch quần đảo bắn phá dữ dội nhưng cách đội hình hàng trăm mét, không ai bị thương vong.

Sau này tôi được biết rẳng, cùng phối hợp tác chiến với  trận Huội Mua của Tiểu đoàn 929 chúng tôi, còn có trận đánh vào căn cứ địch ở Đồng Hến do Trung đoàn 9 - Sư đoàn 304 đảm nhiệm với qui mô to hơn nhưng cũng không giành được thắng lợi trọn vẹn. Tổn thất thương vong nhiều. Hướng chủ yếu do anh Mai Hiền, Tham mưu trưởng Sư đoàn ( sau này là Sư đoàn phó Sư đoàn 324 của chúng tôi hồi chiến đấu ở tây Thừa Thiên ) trực tiếp chỉ huy. Anh Mai Hiền là người trưởng thành từ chiến sĩ đã dạn dày trận mạc, trải qua nhiều cương vị chỉ huy chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp lên tới Trung đoàn trưởng. Nhưng đến khi đánh trận Đồng Hến thì anh lại không hoàn thành nhiệm vụ, gây hậu quả nghiêm trọng. Chính trận Đồng Hến như một cái lá chắn, cản trở con đường công danh sự nghiệp của anh.
Vậy đấy, đừng ai nghĩ rẳng đánh giặc bao giờ cũng thắng, dù người cầm quân là ai đi nữa. Thành bại là việc thường của binh gia. Vấn đề là, phần thắng cuối cùng thuộc về ai. Chính Tôn Tử - Nhà quân sự lỗi lạc của Trung Quốc thời cổ đại - đã tổng kết rằng: tri kỷ, tri bỉ, bách chiến vô nguy. Nghĩa là: biết địch, biết ta, trăm trận không nguy. Không nguy là không bị thất bại lớn, không bị tiêu diệt. Chứ không phải như nhiều người giải thích không thật đúng là: biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng. Cổ, kim, đông, tây, có lẽ chưa có danh tướng nào trăm trận, trăm thắng!
                                             *
                                          *    *

Nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Lào ( 20/01/1949 – 20/01/2019 ), nhận lời mời của Bộ Quốc phòng Lào, tôi được tham gia Đoàn Đại biểu Cựu Chiến binh Quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào sang Viêng Chăn dự Lễ Kỷ niệm. Đoàn do Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nguyên Chính ủy Đoàn 959, nguyên Đoàn trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn còn có : Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Trung tướng AHLLVTND Tiêu Văn Mẫn nguyên Chính ủy Quân khu 5, Trung tướng Nguyễn Tiến Long nguyên Chính ủy Quân khu 3, Trung tướng Trần Thụ nguyên Chính ủy Quân khu 2, Trung tướng Vũ Văn Kiểu nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Lê Huy Mai nguyên Phó Chánh thanh tra Quân đội, Đại tá Nguyễn Quốc Túy & Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn nguyên Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, Đại tá Trần Đình Dần CCB Quân Tình nguyện Việt Nam tại Lào cùng một số đồng chí khác. Thực ra, trong Danh sách ban đầu của Đoàn không có tên tôi. Sắp đến ngày lên đường, Đoàn thiếu một người do Thiếu tướng Lê Thanh, 96 tuổi, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 tham gia chiến đấu ở Lào trong thời kỳ chống Mỹ, nay sức khỏe không bảo đảm. Trong cuộc họp Đoàn, anh Nguyễn Tiến Long đề nghị tôi thay thế và được các thành viên hoàn toàn nhất trí. So với các bậc trưởng lão trong đoàn cao tuổi đời, nhiều tuổi Đảng, tuổi quân và có bề dày cống hiến, thì tôi chỉ xứng bậc con cháu, em út.
Trong thời gian sang dự Lễ Kỷ niệm, chúng tôi được lãnh đạo và cơ quan Bộ Quốc phòng tiếp đón rất trọng thị, chu đáo. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào Chăn Xa Mỏn Chăn Nha Lạt đã dành thời gian tiếp thân mật và chiêu đãi Đoàn. Cùng dự với Bộ trưởng, có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân Lào. Đoàn đã tham gia dự Lễ Kỷ niệm tại Quảng trường, xem Lễ duyệt binh với quy mô rất hoành tráng,…
Hơn nửa thế kỷ đã qua, nay trở lại đất nước Triệu Voi, kỷ niệm xưa và hiện thực nay quyện vào nhau trong tâm trí tôi. Điều cốt tủy đọng lại trong tôi là tấm lòng thủy chung, son sắt của các bạn Lào. Trải qua mấy chục năm, trong điều kiện có nhiều đổi thay trong phát triển, nhưng tình nghĩa giữa những người cùng chung chiến hào năm xưa vẫn nguyên vẹn đong đầy. Các buổi gặp gỡ tiếp xúc giữa ta và Ban toát lên một điều thống nhất là : Liên minh chiến đấu Việt - Lào là một tất yếu lịch sử khách quan có tính quy luật. Quan hệ đoàn kết Đặc biệt Việt - Lào là tài sản tinh thần vô giá của hai dân tộc, hai quân đội. Điều hệ trọng này phải được mãi mãi trân trọng giữ gìn, lưu truyền, tiếp nối trong các thế hệ mai sau ./.     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét