Menu ngang

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019


Bài đăng Báo QĐND 24/4/2019 - 
Sau khi Đại tướng Lê Đức Anh từ trần
------------------------------------------

ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH VỚI CÔNG TÁC CHÍNH SÁCH
                                                        
                                                            N M Đ

Năm 1983 -1984, tôi được giao nhiệm vụ cùng anh Phạm Lam, anh Nguyễn Bá Chước làm Tổ đại diện Cục Chính sách TCCT thuộc Cơ quan Chính trị Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Cămpuchia ( BTL 719 ). Thời kỳ đó, đồng chí Lê Đức Anh vừa là Tư lệnh BTL Quân Tình nguyện, vừa là người lãnh đạo chỉ huy cao nhất vể tất cả các mặt chuyên gia giúp Bạn. Riêng về công tác chính sách, chúng tôi luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của ông trên cả hai mặt: Một là, Nghiên cứu đề nghị ban hành chính sách sát đúng đối với cán bộ, chiến sỹ Quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự. Hai là, Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ, chu đáo các chính sách đã ban hành - đặc biệt là chính sách đối với thương binh liệt sỹ trong chiến đấu.
Từ năm 1992 đến năm 2000, khi tôi được giao làm Cục trưởng Cục Chính sách TCCT, thì Đại tướng Lê Đức Anh đã là Chủ tịch nước. Với tinh cảm sâu nặng và trách nhiệm của mình, ông thường xuyên quan tâm đến công tác chính sách. Nhiều lần, ông cho Thư ký gọi tôi đến báo cáo tình hình công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Và cũng có khi ông yêu cầu tôi báo cáo về một chuyên đề hoặc một trường hợp chính sách cụ thể.
Trong các lần được tiếp kiến với ông, tôi luôn nhận được những lời chỉ đạo sâu sắc, tâm huyết, chỉ ra những vấn đề cần quan tâm trong công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Ông thường nêu lên những câu hỏi:
+ Đời sống bộ đội ở biên giới, hải đảo thế nào, có chế độ gì động viên anh em yên tâm làm nhiệm vụ nơi xa xôi, đầu sóng ngọn gió?
+ Quân nhân mất tin, mất tích trong chiến tranh chống Mỹ đã xác minh kết luận xong chưa? Gia đình anh em đã được hưởng quyền lợi chính sách chưa?
+ Mộ liệt sĩ ở địa bàn rừng núi và ở Lào, Cămpuchia còn nhiều không, đến bao giờ thì đưa hết anh em về nước? những khó khăn, trở ngại trong việc triển khai?
+ Đời sống các gia đình chính sách? Phong trào chấp hành chính sách hậu phương quân đội ở các địa phương có nét gì mới, nhất là trong cơ chế kinh tế thị trường? 
+ Những cán bộ được quân đội cấp đất làm nhà, chuyển vợ con đến sinh sống, làm việc ở các địa phương, nhất là ở các thành phố, các khu công nghiệp, đã được đăng ký hộ khẩu chưa? Việc học hành của các cháu có ổn không?
+ Những người có thành tích trong chiến đấu, nhất là những cán bộ lăn lộn qua mấy chục năm trên các chiến trường trong chiến tranh, đã được khen thưởng thỏa đáng chưa?
+ Trước các hiện tượng tiêu cực xã hội, cán bộ chính sách các cấp có giữ được sự tận tụy, nghĩa tình, công bằng và thanh liêm không?
.v.v..
Tôi biết rằng, các câu hỏi đó là những điều trăn trở thường trực trong suy tư, tình cảm của ông - người dành cả cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi động trên nhiều trọng trách.
-  Năm 1994, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, Cục Chính sách đã nghiên cứu khảo sát, xây dựng nội dung chính sách báo cáo lên cấp trên; Theo tờ trình của Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng, Ban Bí thư đã họp xem xét quyết nghị và ngày 29 tháng 8 năm 1994 Ủy ban Thường vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tiếp đó, ngày 10 tháng 9 năm 1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” để tặng hoặc truy tặng những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo về Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Danh hiệu cao quí “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” là góp phần tôn vinh những giá trị thiêng liêng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Suy tôn, tri ân những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là biểu thị lòng thủy chung, sự biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những Bà mẹ đã có những hy sinh thầm lặng, cao cả, đã cống hiến cho Tổ quốc những người con ưu tú. Ngay sau khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh, các địa phương, các ngành trong cả nước đã trân trọng đón nhận và kịp thời triển khai tổ chức thực hiện.
Ngày 17 tháng 12 năm 1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt 1 cho 19.879 bà mẹ thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày Hội quốc phòng toàn dân, ngày 19 tháng 12 năm 1994, Đảng, Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ tuyên dương danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng lần thứ nhất tại Phủ Chủ tịch. 59 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu của mọi miền đất nước, đại diện cho gần 2 vạn Bà mẹ được phong tặng đã được mời về dự.
Lễ đón các mẹ được tổ chức trọng thể, theo nghi thức Nhà nước tại Phủ Chủ tịch. Chủ tịch nước Lê Đức Anh ra tận xe mời các mẹ bước lên thảm đỏ duyệt Đội Danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng các đồng chí lãnh đạo hướng dẫn các mẹ lên Phòng Đại lễ của Phủ Chủ tịch.
Sau khi Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước long trọng đọc quyết định phong tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Lê Đức Anh đã đọc lời tuyên dương công trạng lớn lao của Phụ nữ Việt Nam, của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà công lao gắn liền với những trang sử vẻ vang của dân tộc, được nhân dân đời đời ghi nhớ. Hình ảnh diễn ra tại Phủ Chủ tịch ngày hôm đó thật cảm động. Đây là biểu tượng cao quí, đẹp đẽ, hiếm có của sự hy sinh và lòng thủy chung nhân nghĩa.

-  Ngày 26/02/1997, Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Ngành chính sách quân đội ( 26/02/1947 - 26/02/1997 ) được tổ chức long trọng tại Hà Nội. Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã gửi thư chúc mừng Ngành chính sách .
 Bức thư có đoạn : “ Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu, được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân sự Trung ương va Bộ Quốc phòng, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp cả dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, 50 năm  qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ngành Chính sách quân đội đã đoàn kết chặt chẽ, tận tụy công tác, chủ động sáng tạo vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng với toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành tích cực thực hiện các chủ trương chính sách cả Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và chính sách hậu phương quân đội, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những công lao, thành tích của Ngành Chính sách quân đội trong 50 năm qua. Mong các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, ra sức xây dựng Ngành chính sách quân đội vững mạnh góp phần xây dựng quân đội ta chính qui, tinh nhuệ, tùng bước hiện đại, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII”.
Thư của Chủ tịch nước Lê Đức Anh vừa là sự ghi nhận đánh giá thành tích của Ngành Chính sách đối với sự nghiệp cách mạng trong 50 năm qua; Đồng thời, qua đó xác định yêu cầu, nhiệm vụ công tác chính sách trong thời gian tới.
Đến nay, dù đã qua hơn 20 năm, nhưng theo tôi, những nội dung đó vẫn còn nguyên giá trị chỉ đạo.


Với trọng trách của mình, Đại tướng Lê Đức Anh là người luôn luôn quan tâm sâu sắc đến công tác chính sách đối với quân đội và hâu phương quân đội. Theo ông, chính sách là một mặt công tác quan trọng kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức và công tác tư tưởng, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của quân đội ta ./.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét