Menu ngang

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Xin được nói về Chí sĩ ái quốc 
Nguyễn Đức Công ( Hoàng Trọng Mậu )

( Phát biểu trong Lễ khánh thành Nơi Lưu niệm Cụ tại Nhà thờ thân phụ của Cụ : Cụ Hành tẩu Nguyễn Đức Tân, ngày 19/4/2014)
------------

Được về dự lễ khánh thành Nơi Lưu niệm chí sỹ ái quốc Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu), qua nghe bài Diễn văn của bà Nguyễn Thị Minh Thâm - cháu nội Cụ - và phát biểu của quí vị, tôi cho rằng không còn lời nào nói hay hơn nữa.
 Phát biểu ở đây, tôi xin nói trên mấy khía cạnh.
 Thứ nhất, xin nói lại lời Trung tướng Nguyễn Quốc Thước : Cụ Nguyễn Đức Công ( Hoàng Trọng Mậu ) không chỉ là người con của họ Nguyễn Đức, không phải chỉ là người con của quê hương Nghi Lộc, của xứ Nghệ, mà là chí sỹ ái quốc của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Ý thứ hai khẳng định rằng: Sự nghiệp phong phú, sôi động, oanh liệt, văn võ song toàn và công lao của Cụ Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu) là rất to lớn. Hậu thế chúng ta - những người đương nhiệm và những người không còn đương nhiệm - chưa làm được gì nhiều để thể hiện sự đền đáp xứng đáng công lao của Hoàng Trọng Mậu với non sông đất nước. Cần có di tích lịch sử phần mộ chí và nhà thờ Cụ Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu). Cần có những con đường ở thị xã Cửa Lò, ở thành phố Vinh, Hà Nội mang tên Hoàng Trọng Mậu. Cụ là tấm gương cho các thế hệ mai sau. Tiếc thay, đến bây giờ mọi thứ vẫn chỉ là dự án. Tôi nhất trí với ý kiến của đồng chí Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao du lịch Nghệ An, đến bây giờ nhà thờ, lăng mộ của chi sỹ Nguyễn Đức Công ( Hoàng Trọng Mậu ) chưa trở thành di tích lịch sử văn hóa thì quả thật là sự thiếu sót lớn, quả thật chưa tương xứng công lao của Hoàng Trọng Mậu.
Một cuộc đời hưởng dương chỉ 42 năm, nhưng qua văn thơ, qua thân thế sự nghiệp, qua các tài liệu lịch sử để lại, như Giáo sư Nguyễn Đình Chú trình bày, qua bài diễn văn của bà Nguyễn Thị Minh Thâm, qua các lời điếu, tôi cho rằng vĩ đại lắm. Nhiều người không thể bằng Nguyễn Đức Công ( Hoàng Trọng Mậu ) .” Ái quốc hà cô duy hữu tinh thần lưu bất tử / Xuất sư vị tiệp thả tương tâm sự thác lai sinh” ( Tạm dịch : Yêu nước tội gì, chỉ có tinh thân là sống mãi /  Xuất quân chưa thắng, xin phó thác sự nghiệp cho thế hệ mai sau ) là câu đối tuyệt mệnh của Cụ đọc trước 10 họng súng quân thù tại Trường bắn Bạch Mai năm 1916 - mấy ai làm được. 
         Trong thế hệ các nhà cách mạng đầu thế kỷ 20, Nguyễn Đức Công nổi lên như một nhân vật tài danh, là cánh tay chủ lực của Chí sĩ Phan Bội Châu. Cụ là sự kết hợp hài hòa giữa cốt cách tiết tháo, trung liệt của một nhà Nho với sự can trường, nghĩa hiệp của một chí sĩ yêu nước - một bậc anh hùng. Càng nghiên cứu, càng hiểu thêm về Nguyễn Đức Công ( Hoàng Trọng Mậu ), chúng ta - những người dân Nghi Lộc - càng thấy thật tự hào. 
         Năm 2013, khi được mời tham gia biên soạn sách Tướng lĩnh quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi có hỏi Giáo sư Nguyễn Đình Chú: “ Ông ơi, viết sách Tướng lĩnh Nghệ An từ cụ Lê Hồng Phong đến nay là 106 cụ, thì các cụ lớp trước thế nào?”. Cuối cùng, tôi nhất trí cao với ý kiến của thầy Chú là đưa vào Lời giới thiệu. 
       Theo quan niệm của tôi, trong lịch sử bằng văn của đất nước ta, ở huyện Nghi Lộc này, vị tướng lĩnh đầu tiên sáng danh trong lịch sử là Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, kế theo sau đó các con cháu của Cụ. Và cũng phải nói thêm có Hương cống Nguyễn Hữu Chỉnh. Còn trong sự nghiệp chống Pháp xâm lược, trên đất Nghi Lộc ta, có các nhân vật nổi danh là : Đinh Văn Chất, Hoàng Phan Thái ( Đầu xứ Thái ), Đặng Thái Thân, Nguyễn Đức Công ( Đầu xứ Công - Hoàng Trọng Mậu ), Nguyễn Thức Đường ( Trần Hữu Lực ), Long Sơn Nguyễn Đình Hồ và Nguyễn Thức Bao. Dù không phải người chuyên về sử học, chỉ là người ham đọc sách thôi, nhưng theo tôi, rõ ràng phải là như thế. Hình như các nhà nghiên cứu lịch sử - kể cả các nhà lãnh đạo nữa - với một chừng mực nào đó hơi thiên lệch, đánh giá chưa thật đầy đủ về công lao to lớn của các bậc tiên liệt trước ngày có Đảng Cộng sản.

                                                                                  NMĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét