Menu ngang

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

BÀI HỌC VỀ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VĂN

 HÓA VÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

 QUA MỘT SỐ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU 

CỦA GIÁO SƯ TRẦN ĐÌNH HƯỢU

  •   NGUYỄN HUY PHÒNG

Dù tên tuổi không được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông hay trên một số ấn phẩn sách báo quảng cáo thời vụ nhưng với bản tính khiêm nhường, cốt cách thanh cao, trí tuệ uyên bác, lối hành xử “dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng” của ông đồ xứ Nghệ, GS Trần Đình Hượu vẫn lặng lẽ cống hiến trọn đời mình cho sự phát triển của nền học thuật nước nhà trên phương diện nghiên cứu tư tưởng văn hóa, văn học truyền thống.
Ngày nay đọc lại những bài viết, những công trình nghiên cứu của ông về văn hóa, về hệ tư tưởng Nho giáo với những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của học thuyết này, người đọc thấy, từ rất sớm, bằng lối tư duy khoa học biện chứng, khách quan, Trần Đình Hượu đã có những phát hiện, tìm tòi và những lí giải sâu sắc, thuyết phục về những ảnh hưởng của Nho giáo đối với việc xây dựng nền văn hóa dân tộc, với việc hình thành nhân cách con người Việt Nam đến cách thức tổ chức điều hành xã hội và việc xác lập một con đường riêng mang đậm chất phương Đông trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội… Những trăn trở, kiếm tìm của Trần Đình Hượu xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm của một người trí thức đối với vận mệnh dân tộc, từ bản lĩnh, cốt cách của một người vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống nho học, vì thế những vấn đề đặt ra trong các công trình nghiên cứu của ông đã đem đến cho người đọc những nhận thức mới về những vấn đề thuộc phạm trù của triết học tư tưởng, văn hóa, lối sống, cách ứng xử, cách quản lí điều hành đất nước của những người có trách nhiệm.
Khảo cứu những vấn đề bàn về văn hóa và con người Việt Nam trong công trình Đến hiện đại và truyền thống(NXB Văn hóa, 1995) của Trần Đình Hượu, chúng tôi mong muốn sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm từ vấn đề phương pháp luận nghiên cứu khoa học đến những phân tích, bình luận, minh chứng một cách thuyết phục, có lý có tình của người nghiên cứu trên các vấn đề tìm về bản sắc văn hóa dân tộc cũng như công việc giáo dục, đào tạo đối với việc hình thành nhân cách con người… mà theo chúng tôi, những kiến giải đó đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự sâu sắc.
Cuốn sách Đến hiện đại từ truyền thống gồm 13 bài viết ở nhiều thời điểm khác nhau, vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ XX. Đây là quãng thời gian mà xã hội Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, những tác động xấu của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế… đặt ra nhiều câu hỏi lớn về việc tìm đường, chọn lưa mô hình phát triển cho quốc gia dân tộc. Từ những tác động của bối cảnh chính trị - xã hội, đời sống học thuật cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Một số nhà khoa học cấp tiến có tư tưởng đổi mới, cách tân, muốn xem xét lại những vấn đề lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chỉ ra những bấp cập, hạn chế của cơ chế quan liêu, bao cấp, những tàn dư của chế độ phong kiến… thì bị quy kết, cho là dính líu đến chủ nghĩa xét lại, hoài nghi vào con đường tương lai tươi sáng của dân tộc.
Trong lúc nhiều người hô hào đi theo chủ nghĩa nọ, chủ nghĩa kia, Trần Đình Hượu vẫn kiên trì bám rễ vào mạch nguồn văn hóa truyền thống, ông muốn gạn đục khơi trong, tìm và định hình cho được cái vốn có, cái bản sắc của dân tộc. Đồng thời lí giải thấu đáo về những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn chính trị - xã hội bằng cách phải tìm được căn nguyên chi phối, cái mà ông gọi là hệ tư tưởng. Hệ tư tưởng chi phối, ảnh hưởng sâu sắc trong hơn mười thế kỷ từ khi nước Đại Việt giành được quyền độc lập tự chủ là ý thức hệ Nho giáo. Đứng trước tình hình thế giớ có những bất đồng, xung đột ngay trong phe các nước xã hội chủ nghĩa, và ở trong nước nhiều người muốn gạt bỏ ý thức hệ Nho giáo, coi đó là phong kiến, bảo thủ, kìm kẹp sự phát triển của xã hội, điển hình như trên báo Tiền phong số 2351, ngày 16-8-1973, tác giả Thanh Bình với bài viết Quét sạch những tàn dư tệ hại của Khổng giáo đã hô hào kêu gọi thế hệ trẻ cần phải quét sạch tư tưởng này vì đó những đống rác bẩn của xã hội (tác giả viết: là thanh niên của thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta đang sống, chiến đấu, lao động và học tập vì độc lập, tự do của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc ta, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin đầy sáng tạo. Chính vì thế mà chúng ta không thể dung hòa được với Khổng giáo cùng với hệ tư tưởng phản động và bảo thủ của nó. Vì sự nghiệp cách mạng, chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác bẩn vậy.), ông không đồng tình, đề xuất một hướng nghiên cứu khoa học, khách quan về Nho giáo. Những bài viết của ông như: Mấy ý kiến bàn về nghiên cứu Nho giáo, Nho giáo và Nho học ở Việt Nam - vài vấn đề về đặc điểm và vai trò của nó trước thực tế phát triển thời cận đại, Con người Việt Nam với truyền thống văn hóa Nho giáo, Gia đình truyền thống Việt Nam với ảnh hưởng Nho giáo, Tìm mô hình nhân cách và chiến lược phát triển… đã trả lời cho những câu hỏi, những nghi ngại, băn khoăn về ảnh hưởng của Nho giáo đối với xã hội và con người Việt Nam. Mặc dù ở thời điểm ra đời những bài viết ấy, những vấn đề có giá trị học thuật chưa được các nhà chức trách quan tâm đúng mức để vận dụng vào thực tiễn hành động. Tuy nhiên cùng với sự sàng lọc của thời gian, những vấn đề đặt ra của Trần Đình Hượu không chỉ có giá trị nhất thời mà con mang tầm thời đại.
1. Bài học về phương pháp luận nghiên cứu khoa học
Là nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử tư tưởng phương Đông, Trần Đình Hượu cho rằng, nghiên cứu một hiện tượng cần đi sâu tìm hiểu bản chất của đối tượng nghiên cứu, tránh lối nghiên cứu phiến diện, một chiều dễ dẫn đến những đánh giá chủ quan, sai lầm. Trước những lời khên chê về học thuyết Nho giáo, Trần Đình Hượu nêu lên một thực trạng: “Chúng ta bàn nhiều đến mặt tiêu cực, tích cực của Nho giáo nhưng chính đối tượng - Nho giáo là gì, nhà nho là ai? – thì chưa xác định”. Vì không xác định và hiểu đúng đối tượng nên khi đi vào bàn bạc ý kiến rất phân tán tùy thuộc vào tình cảm, định kiến chủ quan. Muốn nói là tích cực thì lấy cái này, bỏ cái kia, và muốn nói là tiêu cực thì làm ngược lại. Mặt khác, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong sự say mê bồng bột, nhiều người tin tưởng có thể xếp gọn những cái gì là của ngày hôm qua vào bảo tàng, cứ ra sức tuyên truyền, giải thích thì chủ nghĩa Mác - Lênin, vì nó là chân lí, tự khắc sẽ tiếp quản chóng vánh mọi trận địa. Lối tư duy, hành động máy móc, giản đơn, ấu trĩ ấy cần phải thay đổi vì quá khứ, hiện tại và tương lai là liên tục, cần phải hiểu truyền thống, cốt cách, bản lĩnh của dân tộc mình thì mới có thể tích cực, chủ động hội nhập và tiếp thu cái mới.
Từ thực tiễn công việc nghiên cứu Nho giáo, Trần Đình Hượu đi từ lối nghiên cứu bản chất đối tượng, đặt đối tượng trong mối tương quan so sánh giữa Nho học ở Trung Quốc với Nho học ở Việt Nam để thấy được những khác biệt giữa ở một nơi phát sinh với một nơi tiếp nhận chịu ảnh hưởng. Ông cho rằng: “Nho giáo được du nhập vào Việt Nam chứ không phải phát sinh ở Việt Nam. Ở Việt Nam nó không phải trải qua quá trình thai nghén, sinh thành, phát triển từng bước liên tục, trọn vẹn theo quy luật vận động nội tại, có quan hệ ăn khớp với hạ tầng cơ sở bản địa”. Như vậy quá trình du nhập Nho giáo vào Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn, có sự kết hợp hài hòa với những tư tưởng, văn hóa bản địa để thích nghi, thích ứng. Trong thực tế, Nho giáo ở Việt Nam là không thuần nhất, nó có sự dung hợp với tư tưởng Âm Dương, Phật, Đạo, lại kết hợp với tín ngưỡng, tập quán, tư tưởng địa phương nên khi tác động đến các lĩnh vực của đời sống thì sắc thái Nho giáo cũng mang tính đậm nhạt khác nhau.
Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của Nho giáo đối với con người và xã hội Việt Nam truyền thống cũng như trong hiện tại, nhất là vai trò to lớn của hệ tư tưởng chính trị này đối với việc ổn định tình hình chính trị, xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh trị, yên vui. Tuy nhiên khi đánh giá về những mặt hạn chế của Nho giáo, Trần Đình Hượu căn cứ vào chính những thuyết giáo của tư tưởng này, từ tôn chỉ, mục đích đến những hành động của người trí thức, quân tử trong cuộc đời. Ông viết: “Đưa một hệ tư tưởng đạo đức chính trị làm chức năng hệ tư tưởng triết học, chỉ đạo mọi hoạt động tất nhiên phải gây ra vô số trở ngại cho sự phát triển”. Những trở ngại ấy còn bắt nguồn từ chính những tâm tính, lối hành xử của nhà Nho trước thời cuộc. Ông viết: “Họ (nhà Nho) cũng mong ước một xã hội tốt đẹp hơn nhưng lại với biện pháp “an” - ổn định, giữ như cũ, không xáo động; “quân” - phân phối công bằng theo một bảng phân phối vạch sẵn và số lượng không thêm không bớt. Họ không nghĩ đến sự tiến hóa, tiến hóa thông qua sản xuất, thông qua cải tiến tổ chức, quản lí kinh tế và xã hội và cự tuyệt sự dị biệt, sự phân hóa. Cho nên một lúc nào đó trong xã hội đòi hỏi hành động tập thể, cần đến tổ chức, quản lí, cần đến khoa học kĩ thuật để thay đổi thì nhà Nho là cản trở ghê gớm. Tâm lí nệ cổ, cầu an, sự bất lực, cộng với chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa gia đình, thái độ gia trưởng xô đẩy mọi người vào một sự lùng nhùng vướng víu không thoát ra được.”
Như vậy, những hạn chế, thiếu sót của một học thuyết ra đời từ rất sớm ở Trung Hoa là điều không tránh khỏi, nhưng những thành công và ích lợi của Nho giáo thì không thể phủ nhận bởi nó mang tính lịch sử, nhân loại. Vấn đề cơ bản, xuyên suốt nội dung cốt lõi của Nho giáo là vấn đề con người, là tình yêu thương nhân loại, là trách nhiệm của nhà Nho đối với thời cuộc. Ở nước ta, trong quá trình tiếp nhận học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, phương thức sản xuất, mô hình tổ chức xã hội… nhiều người đã vô hình phủ nhận sạch trơn hệ tư tưởng Nho giáo, vì theo họ càng phủ nhận quyết liệt bao nhiêu càng thể hiện tư tưởng cấp tiến, cách mạng, đổi mới bấy nhiêu. Điều này khiến Nho giáo và nhà Nho rơi vào bi kịch.
Với nhãn quan của người nghiên cứu lịch sử tư tưởng, Trần Đình Hượu cho rằng: :Từ lâu, Đảng đã đề ra việc phê phán và kế thừa đối với nền văn hóa cố hữu của dân tộc, trong đó có vấn đề Nho giáo. Chúng ta cũng đã nhấn mạnh phê phán, kế thừa vì lợi ích xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì sự toàn thắng của chủ nghĩa Mác, tức là nhấn mạnh lập trường cách mạng thực tiễn, hiện tại trong việc nghiên cứu… nhưng trong thực tế chúng ta chưa làm được nhiều, và khi làm cũng đang gặp nhiều lúng túng nảy sinh từ phía đối tượng nhận thức và cả chủ thể nhận thức”. Ở một chỗ khác, Trần Đình Hượu thẳng thắn chỉ ra thực tế: “Chủ nghĩa Mác và những quan điểm, nguyên tắc rút từ nó ra là những cái chuẩn quá cao, thường bất lợi cho những người đã chết từ những thế thế kỷ trước và những người đó lại là cha ông, là danh nhân của dân tộc”. Từ những bất cập nảy sinh trong công tác nghiên cứu, Trần Đình Hượu đã đề xuất nhiều ý tưởng nghiên cứu mang tính khoa học và giá trị thực tiễn cao mà ngày nay những nhà nghiên cứu đi sau có thể coi đó là những bài học quý. Đó là:
- Đánh giá, nhận định một hiện tượng, một vấn đề phải có cái nhìn lịch sử, biện chứng, quan tâm đúng mức đến hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vì nhiều người thường nhấn mạnh tính lịch sử nhưng là tính lịch sử của những thời đại, những thời kỳ dài chứ không phải là của những hoàn cảnh cụ thể, những vận động cụ thể.
- Trong thẩm bình, đánh giá, khen chê đối tượng cần hiểu đúng đối tượng đó, không được xem nhẹ phương diện nhận thức sự vật. Trần Đình Hượu từng nêu lên một thực trạng trong nghiên cứu có xu hướng coi nhẹ phương tiện nhận thức tìm tòi khôi phục đúng diện mạo của cái đem ra phê phán mà mất thì giờ nhiều vào việc cân nhắc từ chương, nói thế nào cho phải chăng khi hạ lời phẩm bình. Ta hay nói nguyên nhân xã hội mà ít chú ý nguyên nhân nhận thức.
- Phê phán không phải là phủ nhận, triệt tiêu hay hạ thấp đối tượng mà phê phán để có những nhận thức xác thực, cần cho hoạt động thực tiễn.
- Trong nghiên khoa học, nhất là khoa học xã hội, nhân văn phải luôn quan tấm đến tính kế thừa, tiếp nối truyền thống. Theo Trần Đình Hượu, việc kế thừa một học thuyết là tiếp tục để tồn tại, cho phát triển, phát huy toàn bộ hay từng phần, để nguyên hay có sửa chữa… Quá khứ, hiện tại, tương lai không phải là gián đoạn, các sự vật, các hiện tượng có vận mệnh dài ngắn khác nhau. Có cái xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn rồi mất đi hay thay đổi hẳn, nhưng cũng có những cái, điều kiện tồn tại ít thay đổi, sống khá dai dẳng mà Nho giáo là một trường hợp điển hình.
- Nghiên cứu khoa học cần thái độ bình tĩnh, khách quan, tinh thần cầu thị, khiêm tốn và quyết tâm đi sâu tìm hiểu bản chất đối tượng, giải thích vấn đề bằng chính căn nguyên của đối tượng đó. Luận điểm này chúng tôi rút ra từ chính cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu văn hóa, tư tưởng của Trần Đình Hượu. Mặc dù dành trọn đời cho việc nghiên cứu, tìm hiểu Nho giáo nhưng ông cho rằng mỗi bài viết, mỗi luận điểm nêu ra ông muốn cắm một số tiêu vè để tìm con đường đến đối tượng, đến phương pháp nghiên cứu thích hợp, tìm những biện pháp cụ thể cho sự thận trọng, thận trọng phòng ngừa con đường mòn Nho giáo trong việc nghiên cứu.

2. Bài học trong nghiên cứu văn hóa và con người

Bên cạnh những bài viết chuyên sâu về Nho giáo, về đội ngũ nhà Nho, về văn học Việt Nam giai đoạn giao thời, Trần Đình Hượu còn dành nhiều thời gian đi sâu tìm hiểu những vấn đề về văn hóa và con người Việt Nam. Bàn về văn hóa dân tộc trong bước chuyển mình, hội nhập quốc tế, Trần Đình Hượu quan tâm đến việc xác định cái “vốn văn hóa” - cái mà hôm nay chúng ta gọi là bản sắc văn hóa dân tộc, vì theo ông chỉ khi nào biết được những cái gì là của mình, do mình sáng tạo ra ta mới có cơ sở để trân trọng, tự hào, để bảo tồn, phát huy và tiếp thu cái mới của thế giới. Ông viết: “Trong sự sáng tạo văn hóa, mỗi dân tộc hình như từ lâu đã có những thói quen, những ưa thích, những sở trường, những khuyết tật làm nên đặc sắc của nó. Nắm vững những cái đó, bước đi ở hiện tại sẽ ít mù quáng hơn và cũng nhờ thế có thể phần nào dự đoán để định hướng cả bước đi trương tương lai”. Như vậy văn hóa dân tộc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển xã hội, bởi nó là sự hội tụ, kết tinh những phẩm giá, bản lĩnh, cốt cách, tâm hồn dân tộc. Vì đặc sắc dân tộc của văn hóa làm cho mỗi dân tộc hiện ra với những nét độc đáo, phân biệt với các dân tộc khác.
Một lưu ý khi tìm hiểu về văn hóa dân tộc, cần tránh lối tuyên truyền, hô hào bằng những khẩu hiệu mà chưa hiểu đúng bản chất đối tượng. Tìm đặc sắc dân tộc, nếu không muốn là suy đoán chủ quan, thay thế kết luận khoa học bằng những mục tiêu tuyên truyền, như khi kháng chiến thì nói đặc tính của dân tộc ta là yêu nước, bất khuất, khi xây dựng xã hội chủ nghĩa thì là cần cù lao động, khi gặp khó khăn thì lại là lạc quan yêu đời… Điều quan trọng là phải có sự nghiên cứu, đánh giá khách quan, dựa trên những chứng cứ cụ thể thuyết phục để có thể chứng minh, gọi tên được nét đặc sắc riêng, độc đáo của dân tộc mình.
Nghiên cứu, tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc cần phải quan tâm đến những ảnh hưởng, tác động của môi trường tự nhiên, điều kiện sinh hoạt đến việc hình thành những thói quen và phương thức ứng xử linh hoạt của con người với môi trường sống. Trần Định Hượu cho rằng: “Chắc chắn là văn hóa Việt Nam - văn hóa của dân tộc chủ thể là người Kinh - và phần đặc sắc của nó chịu sự chi phối của vùng đất cư trú làm môi trường thiên nhiên, làm điều kiện sống cho nó”.
Một điều hết sức lưu ý khi so sánh giữa văn hóa của dân tộc mình với dân tộc khác cần tránh tâm lí cho rằng nền văn hóa của ta là đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật. Vì theo Trần Đình Hượu ở nước ta do những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, lịch sử xã hội nên những vấn đề về tôn giáo, tư tưởng triết học, khoa học, âm nhạc, hội họa chưa có những bước phát triển đột phá, đạt đến trình độ cao, chưa có sự ảnh hưởng và chi phối lâu dài đến toàn bộ văn hóa. Ông viết, ở ta thần thoại không phong phú, tôn giáo hay triết học cũng đều không phát triển. Không có một ngành khoa học, kĩ thuật, giả khoa học nào phát triển đến thành có truyền thống. Âm nhạc, hội họa, kiến trúc đều không phát triển đến tuyệt kĩ… Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, một ngành văn hóa nào đó trở thành đài danh dự, thu hút, quy tụ cả nền văn hóa.
Từ việc phân tích, nhận định những đặc điểm của văn hóa Việt Nam trong truyền thống và hiện tại, Trần Định Hượu đã khái quát lên một nhận định mang tính thuyết phục về văn hóa và con người Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Người Việt Nam sống có văn hóa, người Việt Nam có nền văn hóa của mình. Những cái thô dã, những cái hung bạo đã bị xóa bỏ để có cái nền nhân bản. Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa. Không có khát vọng để hướng đến những sáng tạo lớn mà nhạy cảm, tinh nhanh, khôn khéo gỡ các khó khăn, tìm được sự bình ổn”.
Và cũng theo Trần Đình Hượu những cái đó là những cái đã lắng đọng, đã ổn định, chắc chắc là kết quả của sự dung hợp của cái vốn có, của văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo, cái được dân tộc sàng lọc, tinh luyện để thành bản sắc của mình.
Vì vậy khi nghiên cứu văn hóa, tìm về bản sắc văn hóa dân tộc, cần quan tâm đúng mức đến những sắc thái đặc trưng, mang tính ổn định, chi phối sâu sắc đến tâm lí, tính cách con người Việt Nam. Đặc biệt trong quá trình đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, việc hiểu và thấy được những nét đặc sắc của dân tộc là việc làm cần thiết. Ông viết: “Chúng ta xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa từ cái vốn văn hóa truyền thống có tính nông nghiệp, lãng xã và “phương Đông”. Quãng cách phải khắc phục thật xa. Các vấn đề phải giải quyết để xây dựng cái mới hết sức nhiều, hết sức phức tạp. Trong các vấn đề đó có chuyện tìm đặc sắc văn hóa dân tộc”.
Tuy nhiên khi tìm hiểu đặc sắc văn hóa dân tộc và xây dựng một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa có đặc sắc dân tộc cần tránh hiện tượng coi việc làm này trở thành sùng cổ, thành dân tộc chủ nghĩa, làm cho đặc sắc dân tộc trở thành một thứ hàng rào ngăn cản cái hiện đại, cái thế giới. Cái hiện đại, cái thế giới không phải hay cả, nhưng nếu dùng cái dân tộc đóng cửa chính lại thì cái dở nhất của nó sẽ chui vào cửa sổ. Đây là một quan điểm đúng đắn, tiến bộ thể hiện tầm nhìn xa của Trần Đình Hượu đối với vấn đề bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời không ngừng tiếp thu cái mới, cái tiến bộ của văn hóa thế giới để làm giàu thêm vôn văn hóa dân tộc mình. Quan điểm này đến nay vẫn luôn mang tính thời sự, luôn được Đảng, Nhà nước và các Bộ ngành quan tâm chú trọng. Bởi trong nhiều Nghị quyết, Văn kiện của Đảng, văn hóa luôn được xem là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Một điều kỳ vọng của Trần Đình Hượu hay cũng có thể coi đây là những dự báo cho xu thế phát triển của văn hóa, là kinh nghiệm của người đi trước nhắn nhủ lại đối với những người có trách nhiệm đối với công việc xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc. Ông nhấn mạnh: “Hiểu đặc sắc văn hóa dân tộc còn là giải phóng cho sức sáng tạo, nói đúng hơn là tìm phương hướng vun xới cho sức sáng tạo. Trong nền văn hóa cũ, sức sáng tạo của ta không khỏi có khuynh hướng tiểu kĩ, ứng dụng, thiếu những sáng tạo lớn. Đó là con đẻ của tinh thần thiết thực. Trong tương lai đó là một nhược điểm. Đổi thay được nhược điểm đó chắc chắn không phải là dễ dàng. Cũng khó mà kế hoạch việc sáng tạo. Ta chỉ có thể chờ đợi điều đó ở những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, và ở nền sản xuất. Tổ chức xã hội xã hội chủ nghĩa mang sẵn khả năng sản sinh ra họ.”
Không chỉ đi sâu tìm hiểu, khảo sát những yếu tố thuộc phương diện đời sống tinh thần cấu thành nên bản sắc văn hóa dân tộc, Trần Đình Hượu còn đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề con người, trong đó người trí thức, trí nhân quân tử, nhà Nho và cả những người phụ nữ (vốn bị nhà Nho xem nhẹ), thanh niên cũng được ông hết sức quan tâm nghiên cứu. Xuất phát từ những quan niệm của học thuyết Nho giáo - một học thuyết đặc biệt coi trọng con người, coi con người cùng với trời đất là “tam tài”. Con người có vai trò tham phối với Trời Đất, góp phần vào sự hóa dục của Trời Đất. Từ thời Khổng Tử, Nho giáo đã coi trọng cõi người, quan hệ giữa người với người và việc tu dưỡng thành người. Vì thế trong các bài viết của mình, Trần Đình Hượu luôn luôn đề cao vai trò của con người trong việc kiến tạo, tổ chức đời sống và điều hành xã hội, làm nên một quan hệ gắn bó thân tình cố hữu giữa Nhà - Làng - Nước. Tuy nhiên trước những ngã rẽ của việc lựa chọn mô hình xã hội và việc tìm kiếm những mô hình nhân cách mới đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của xã hội, Trần Đình Hượu đã đưa ra một luận điểm khoa học mang tính triết lí sâu sắc khi ông tổng kết kinh nghiệm từ chính thực tiễn nghiên cứu về xã hội và tư tưởng văn hóa phương Đông. Ông viết: “Đối với thực tế lịch sử phương Đông, cải tạo xã hội chủ nghĩa là dân chủ hóa, là xã hội hóa, là phát triển văn hóa đô thị, khắc phục “tính nông thôn” về mặt xã hội, văn hóa và con người”.
Có thể nói đây là một tư tưởng cấp tiến, thể hiện tầm nhìn xa của một nhà khoa học nặng tình với văn hóa dân tộc. Ngày nay những tư tưởng của ông về văn hóa và con người vẫn luôn là vấn đề mang tính thời sự vừa mang tính lý luận, vừa thiết thực ý nghĩa. Những vấn đề về văn hóa đến nay vẫn luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Tình trạng xuống cấp, băng hoại đạo đức xã hội; tệ tham nhũng, lãng phí, thói cửa quyền hách dịch; tệ nạn xã hội gia tăng; lối sống thục dụng, kệch cỡm, trái với thuần phong mĩ tục xuất hiện nhiều trong đời sống xã hội; những vấn đề nhức nhối về bạo lực gia đình, nhà trường, xã hội; nguy cơ về gia tăng khoảng cách giàu nghèo, mất niềm tin lẫn nhau… là những câu hỏi lớn đang đặt ra trước những thách thức của quá trình hội nhập toàn cầu hiện nay.
Trong thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản pháp luật về những vấn đề liên quan đến văn hóa như Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII (1998) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Trung ương chín khóa XI (2014) về Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đưa ra nhiều nhận định về những thành tựu và cả những hạn chế yếu kém trong công tác phát triển văn hóa, đòi hỏi những giải pháp mang tầm chiến lược, căn cốt để phát triển bền vững nền văn hóa dân tộc.
Tìm về bản sắc văn hóa dân tộc, hiểu đúng những giá trị văn hóa truyền thống cả những ưu điểm và cả những khuyết tật để có cái nhìn biện chứng khách quan trong việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân tộc, đồng thời không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu, phong phú thêm văn hóa dân tộc mình là nhiệm vụ xuyên suốt mang tính cấp thiết, lâu dài. Có thể nói những vấn đề đang đặt ra cho nền văn hóa dân tộc hiện nay đã được Trần Đình Hượu nêu ra, bàn luận cách đây gần nửa thế kỷ, chỉ có điều những vấn đề đó chưa thực sự thẩm thấu vào trong nhận thức của những người có trách nhiệm.
Hiểu đúng truyền thống, phát huy những giá trị của văn hóa dân tộc là cơ sở, nền tảng để hội nhập, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là những trăn trở, là bài học kinh nghiệm rút ra từ chính cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu lịch sử tư tưởng, nghiên cứu Nho giáo của Giáo sư Trần Đình Hượu. Hãy bay lên từ đôi cánh của truyền thống dân tộc, từ sức mạnh nội sinh của văn hóa và con người Việt Nam, bám rễ vào mạch nguồn cha ông để không đánh mất mình trong bối cảnh thời đại đầy diễn biến phức tạp như hiện nay. Đến hiện đại từ truyền thống là định đề khoa học, là câu chuyện không chỉ riêng Trần Đình Hượu mà là vấn đề lớn của cả dân tộc trong bối cảnh hiện nay.
Tài liệu tham khảo
  1. Trần Đình Hượu, Đến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1995
  2. Trần Nho Thìn, Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, NXB Giáo dục, 2010
  3. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, 1998
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triền nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.

  5. Theo : VHNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét