Menu ngang

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Bi hài vì dốt ngoại ngữ

(PetroTimes) - Khả năng tiếng Anh ấm ớ của không ít những người nổi tiếng hay những sự kiện đáng ra phải được truyền tải chính xác thể hiện rằng người Việt học hành không đến nơi đến chốn và không biết tới bao nhiêu năm nữa mặt bằng chung về ngôn ngữ này mới được thật sự khỏa lấp.
Thảm họa phát âm
Đã nhiều năm nay cách phát âm các tên doanh nghiệp, đơn vị, địa danh vẫn chưa được thống nhất. Ở mỗi nơi lại mỗi khác, chỗ này đọc tên ra thế này, chỗ kia đọc cũng tên đấy lại ra thế khác khiến người nghe đầu tiên là ngỡ ngàng vì nghe một cái tên lúc lạ lúc quen, sau nhiều người thấy rằng thật buồn cười khi thậm chí ngay cả trên truyền hình việc phát âm không chuẩn các tên này vẫn cứ diễn ra.
Không phải mới đây mà có lẽ đã cả một thời gian dài trước đây nhiều người Việt Nam có cách phát âm không chuẩn ngôn ngữ nước ngoài mà ở đây phổ thông nhất là tiếng Anh. Không dưới một lần tôi nghe tiếng người dẫn chương trình trên một vài kênh sóng của đài truyền hình địa phương phát âm tên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tên tiếng anh là Vietnam Electricity, viết tắt là EVN, phát âm chuẩn là “i-vi-en” nhưng cô MC ấy lại đọc là “e-vê-nờ”, có lần khác tôi cũng nghe tới cụm từ EVN đấy nhưng lại là “e-vi-en”; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tên gọi tắt là Petrovietnam, viết tắt là PVN, đọc là “pi-vi-en” nhưng có anh MC nọ cũng đọc giống cô MC trước, hồn nhiên đọc là “pê-vờ-nờ” hay “pi-vi-nờ”; tên giao dịch bằng tiếng Việt: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, tên viết tắt bằng tiếng Việt: TKV còn tên viết tắt bằng tiếng Anh lại là VINACOMIN (Vietnam National Coal and Mineral industries holding corporation limited). Ở đây, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam lúc thì viết tắt dùng tiếng Việt, lúc dùng tiếng Anh. Như Tập đoàn Than - Khoáng sản gọi là TKV (tê-ca-vê) có lần tôi nghe một phát thanh viên đọc là “ti-ka-vi”, có người lại phát âm như tiếng anh “ti-kei-vi”. Mà Tập đoàn này đã có riêng tên giao dịch tiếng anh là Vinacomin (vi-na-cô-min) nhưng tên này cũng không được đọc chuẩn mà lại thành vi-na-co-min, nghe như đọc ngang từ tiếng Việt sang vậy.
Ảnh minh họa
Không chỉ các tập đoàn kinh tế, các ngân hàng cũng không được đọc tên một cách chuẩn xác, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) sẽ được đọc là “vi-pi-banh” nhưng cũng có người đọc là “vê-pê-banh”…, OCEANBANK đọc chính xác là “âu-sừn-banh” thì lại có người đọc “o-sừn-banh” hay “o-sen-banh”…
Tên địa danh các nước nhiều khi cũng không có sự thống nhất, ngay cả thủ đô của nước Nga có người đọc là Moscow, Matx-cơ-va nhưng lại có người Việt phiên âm thành Mạc Tư Khoa. Không ngạc nhiên khi nhiều người Việt nghe Mạc Tư Khoa có thể hiểu là thủ đô của nước Nga bởi trước đây để người Việt nắm được tên thủ đô các nước mà không phát âm được chuẩn quốc tế, thì người Việt đã phiên âm bằng âm Hán Việt theo cách người Trung Quốc đã dịch cho nước họ. Ví như: Portugal là Bồ Đào Nha, Spain - Tây Ban Nha, Turkey - Thổ Nhĩ Kỳ, Australia là Úc…
Vấn đề đặt ra ở đây là đã có những quy chuẩn rồi nhưng không ít người lại không nắm được mấu chốt để làm sao phát âm cho đúng. Khi nào thì đọc tiếng Anh khi nào thì đọc tiếng Việt, mà nếu đã phát âm tiếng Anh thì phải tiếng Anh hết chứ có 3 từ mà một âm Anh, 2 âm Việt thì thật buồn cười. Hơn nữa đó lại là trên sóng truyền hình, dù đó là đài của địa phương hay một đơn vị nào đó thì vẫn gây cười và đôi khi là khó chịu cho người nghe. Vậy nên chăng thống nhất cách đọc những cái tên cơ bản này?
Như vậy, mấu chốt của vấn đề ở đây là người đọc thứ nhất không hiểu bản chất của từ mình được đọc, đó là viết tắt của tiếng Anh hay tiếng Việt. Hai là việc học và phát âm tiếng Anh của người Việt không đến nơi đến chốn. Bàn sang việc học tiếng Anh của người Việt. Chuyện này có lẽ cũng đã có từ rất lâu rồi, người Việt phát âm tiếng Anh không chuẩn đã trở thành “thảm họa” thế nào.
Dốt hay văng tiếng tây
Không ít các nghệ sĩ, diễn viên khi phải đụng tới tiếng Anh đã thể hiện sự lúng túng như gà mắc tóc. Nữ diễn viên Trang Trần đã bối rối và phải dùng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt từ tiếng Anh muốn nói trong chương trình “Cuộc đua kỳ thú”. Ca sĩ trẻ Hoàng Yến Chibi thì phát âm từ sai liên tiếp khi hát tiếng Anh, cô ca sĩ này bỏ hết âm cuối, trong khi đây là yêu cầu rất cơ bản trong việc nói tiếng Anh. Ngay cả cựu đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ - người được cho là vốn giao tiếp “năm châu bốn bể” cũng có cách phát âm chưa chuẩn trong một lần kiều nữ được phỏng vấn tại Nam Phi. Hoa hậu Nguyễn Thị Loan trong đoạn giới thiệu bản thân tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2014 nhận nhiều phản hồi không mấy tích cực về khả năng nói tiếng Anh của mình. Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 Lưu Thị Diễm Hương từng làm nhiều người chán nản khi viết sai danh hiệu của chính mình trên tấm pano cùng các hoa hậu khác. Cụm từ "Hoa hậu thế giới người Việt" tiếng Anh là Miss Vietnam World, nhưng Diễm Hương lại viết theo đúng trật tự... tiếng Việt là Miss World Vietnamese. Đáng ngại là khi cụm từ này được in trên tờ rơi, băng-rôn, áo đồng phục và nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông trong suốt cả năm trời, thể hiện bộ mặt của chủ nhà Việt Nam không mấy thiện cảm.
Hoa hậu Diễm Hương từng viết sai tên của mình khi tham gia đấu trường sắc đẹp quốc tế
Việc học dịch, phát âm hay nói chung là khả năng tiếng Anh của người Việt nhiều năm qua vẫn trở thành đề tài được đưa ra tranh luận. MC thì dịch sai, phát âm không chuẩn, diễn viên, ca sĩ phát âm cũng sai, hoa hậu ra xứ người thì lúng túng như gà mắc tóc vì có khi người ta nói 10 mình hiểu 1-2… Từ câu chuyện về phát âm những từ viết tắt đơn giản mới thấy rằng, khả năng tiếng Anh của người Việt vẫn còn chấp chới.
Thanh Huyền (theo Năng lượng Mới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét