Menu ngang

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Thư của cụ Phan chu Trinh gửi vua Khải Định năm 1922

Theo Thư thất điều, NXB Anh Minh



Chí sỹ Phan Chu Trinh >>>

Thư thất điều gởi vua Khải Định (bản dịch)

Việt Nam quốc dân Phan Châu Trinh gởi thư cho đương kim hoàng đế,
Tôi sinh gặp lúc: trong thời nước nhà nghiêng ngập, ngoài thời các nước đua tranh tiến bộ. Tôi là người yêu bình dân chủ nghĩa, ghét chuyên chế quân quyền, đau đớn vì quan lại tham lam, thường xót vì dân sinh khốn khổ, vậy nên tôi sẵn lòng liều cả sanh mạng tôi, ra gánh vác việc đời, trông mong có cứu lại cuộc hiểm nghèo được chút nào chăng!

Năm 1907, tôi đã gởi thư cho các quan chánh phủ Bảo hộ, hết sức kêu ca, trước bày tỏ tình cảnh khổ sở của dân Việt Nam, sau xin thay đổi theo chính trị các nước văn minh trong thời bây giờ. Những việc tôi đã đề xướng trong lúc ấy đều là sự cần kíp cấp thiết cả: như lập trường dạy tiếng Tây và chữ Quốc ngữ, bày ra hội thương, hội nông để giành lại quyền lợi cho người mình, và thay đổi cách ăn mặc theo cách Âu Tây, v.v… Những việc đó tôi làm trước mắt người thiên hạ, rõ ràng như ban ngày, vậy thời có tội lỗi gì không? Thế mà triều đình nước ta, từ trên đến dưới, cứ khư khư giữ lấy thói chuyên chế cũ để hà hiếp dân ngu, cướp lấy lợi riêng cho mình; ghét việc thay đổi như cừu thù, coi nhân dân như rơm rác, tìm cớ bới việc, phá phách đủ đường, làm cho lòng dân ai ai củng tức giận, để mà giết hại những kẻ thông minh lương thiện trong nước. Sự chống sưu thuế không công bình, xảy ra khắp cả 12 tỉnh Trung Kì trong năm 1908, thời dân và thân sĩ bị giết và bị tù, kể hơn mấy ngàn người, đau lòng thảm dạ biết bao nhiêu.
Gặp dịp như thế, một người như tôi, có thể nào mà họ chịu bỏ lỏng: phao cho việc này, buộc vào cớ kia, trước thời xử án tử hình, sau lại đày Côn Lôn.
Khốn nạn thay! Nước ta bị nước Pháp bảo hộ đến ngày đó đã gần ba bốn mươi năm rồi, nhưng sự hủ bại vẫn không thay đổi, cách văn minh chẳng hề bắt chước, mà cái nọc độc chuyên chế ức hiếp vẫn còn gớm ghiếc như thế. Vậy thời cái văn minh của nước bảo hộ không có ích gì cho nước bị bảo hộ, mà nước bị bảo hộ cũng không nhờ gì được sự khai hoá của nước bảo hộ, lạ quá! Sự đó trong đời nầy cũng ít thấy vậy.
Nếu tôi không nhờ được cái lòng công bình của mấy người Tây thời tôi còn đâu đến ngày nay. Tôi mà còn sống đến nay, cũng là nhờ cái văn minh thực của người Tây vậy (nhờ có hội Ligue des Droits de I’homme).
Năm 1910, được khỏi tù, năm 1911 tôi được qua Tây để xem xét cái học thuật văn minh Âu Châu. Đã 12 năm, tôi ăn nằm trên cái đất dân chủ, hớp cái không khí tự do, nhờ vậy mà tôi hiểu được lẽ chánh đáng trong thế giới, phần nghĩa vụ của quốc dân, và cũng biết chắc được cái mục đích của nước nhà nên thay đổi như thế nào. Dân ta bây giờ phải đánh thức nhau dậy, phải đồng lòng hiệp sức mà chống cự với lũ vua dữ quan nhơ, phải phá nó cho tan, đạp nó cho đổ; lại phải lấp tận nguồn, cắt tận rễ, làm cho tiệt hẳn sức ma quỉ chuyên chế, nó đã ám ảnh chúng ta mấy ngàn năm nay, nếu không làm như thế thời không bao giờ trông thấy ánh sáng mặt trời mặt trăng nữa!
Đó là cái chủ ý và cái mục đích của tôi vậy.
Vậy mà nay tôi nghe Bệ hạ từ khi lên ngôi tới giờ, có làm điều gì ích lợi cho dân không? Không, chỉ nghe có những điều kiêu căng, dâm dục, trái luân lý; nghịch phép tắc; quyền vua muốn cho tôn sùng, thưởng phạt mất cả công chính; hút cái máu mủ của dân nghèo, trau cái xác thịt cho sung sướng, ngược văn minh của thế giới, ngăn đường tiến bộ của quốc dân; nết xấu tính hư, chứa chan đầy nhẩy, không sao mà nói cho xiết được.
Theo luật hiến pháp các nước văn minh trong đời bây giờ, vua nào trái phép, dân có quyền cứ luật mà bắt tội. Tuy ngày nay dân quyền nước Nam còn bị đè nén, hiến pháp còn chưa thành lập, song cứ theo lẽ công bình chung trong đời nay, Bệ hạ không sao mà gỡ tội với chúng tôi được.
Nay tôi trích ra bảy việc quan hệ thứ nhất đến dân, đến nước chúng tôi, bảy việc đó là bảy tội của bệ hạ, tôi sẽ xét đoán bắt buộc như sau nầy, khi bệ hạ được thư này, thì Bệ Hạ phải tự xử lấy.

I. Một là tội tôn quân quyền
Sau khi Bệ hạ lên ngôi, thường ra những Chiếu, Dụ ép dân phải tôn quân quyền, là lẽ gì vậy? Bệ hạ thường nói, nước ta xưa nay vẫn sùng Nho giáo. Nho giáo còn ai lớn hơn ông Khổng, ông Mạnh? Xưa vua Định Công hỏi đức Khổng Tử rằng: “Có câu gì vua nói ra làm nước thạnh vượng được không?”. Đức Khổng Tử rằng: “Có, làm vua khó lắm, mà làm tôi cũng không dễ”. Lại hỏi rằng: “Vậy thời có câu gì vua nói ra, mà làm mất nước không”. Đức Khổng Tử rằng: “Có, ta không vui chi sự làm vui, ta chỉ vui sao cho những lời ta nói ra không ai dám cãi lại”. Thầy Mạnh Tử nói rằng: “Trong nước dân là quý nhất, đất cát và vật sản là thứ nhì, còn vua là khinh”. Lại nói rằng: “Có ở cho được lòng người cùng dân, mới đáng làm ngôi thiên tử”. Còn biết bao nhiêu là lời nói khác nữa, cũng toàn một ý ấy cả. Bệ hạ xem lại trong 5 Kinh và 4 Truyện, xem có câu nào là tôn quân quyền không? Bởi vì người nào mà ngôi mình ở trên muôn người, thời lòng khiêm nhượng phải xem mình như ở dưới cả muôn người, ấy là cái tinh thần của Nho giáo vậy; nếu người nào hãnh hãnh tự đắc, cậy quyền thế mà ép dân, rằng: “chúng bay phải tôn ta, phải sợ ta, thời người ấy chẳng khác chi tìm đường tự tử vậy”.

Xưa vua Kiệt rằng: “Ta làm vua trong nước nầy, như mặt trời soi trên trái đất, mặt trời mất ta mới mất”. Dân thời trả lời rằng: “Mặt trời kia sao mầy không mất? Chúng ta sẵn lòng chết với mầy, làm cho mầy mất.”
Vua Trụ rằng: “Mạng ta sinh ở trời, chứ chẳng ở dân”. Dân trả lời rằng: “Trời là dân, trời xem là dân ta xem, trời nghe là dân ta nghe.”
Rút cuộc lại vua Kiệt thời đày ra nội Nam Sào, vua Trụ thời đầu treo cờ Thái Bạch.
Ấy là những gương của các ông Vua tôn quân quyền đó. Về sự đó đức Khổng Tử rằng: “Vua Thang đày ông Kiệt, vua Võ giết ông Trụ là hợp theo lẽ trời, mà thuận theo lòng người”, Thầy Mạnh Tử nói rằng: “Nghe giết một người tàn bạo, tên là Trụ chứ chẳng phải giết vua.”
Đấy mới thực là Nho giáo đấy, sách vở còn sờ sờ đấy, đều ghi lại từ tay đức Khổng, thầy Mạnh cả, có phải tôi bày đặt ra tôi tự dối tôi, mà phỉnh người ta đâu.
Những Chỉ, Dụ tôn quân quyền của Bệ hạ, có khác gì cái chiến thơ với Nho giáo hay không? Xưa nay có vua nào nghịch với quốc giáo mà còn được làm vua lâu dài đâu.
Còn theo các học thuyết mà nói, sao gọi là nước? Là hiệp dân lại mà thành nước; sao gọi là triều đình? Là những người được ủy quyền cho, phải thuận theo ý muốn của dân mà làm những việc lợi dân ích nước.
Ông vua hay ông Giám quốc, chẳng qua là người thay mặt cho một nước, cũng như một người quản lý thay mặt cho một Công ty mà thôi.
Ai chịu trách nhiệm ấy, hay hưởng được cái quyền lợi, thời phải làm cho hết các bổn phận mình đối với dân, đối với nước; nếu không thế thời cũng bị phạt, bị tội như mọi người vậy.
Ấy, tự do, bình đẳng, là nghĩa như thế mà các nước văn minh thì nay phải đặt ra quan Nội các Tổng trưởng (tức là Tể tướng) để thay quyền vua hay Giám quốc để chịu lỗi với dân là thế.
Nếu có ông vua, hay ông Giám quốc nào chiếm của dân làm riêng của mình, thời dân buộc tội cũng chẳng khác gì tội ăn trộm ăn cướp; nếu cậy quyền mạnh hành hạ dân làm tôi mọi, thời buộc tôi cũng như đứa bạn nghịch.
Cái lẽ ấy đương thời nó sáng rỡ như ban ngày, ai ai cũng rõ. Phàm những dân các nước văn minh, đều coi lẽ ấy như nước, lửa, lúa, gạo, thờ lẽ ấy như trời đất thần linh; dân nào thuận lẽ ấy thời được thạnh vượng phú cường, dân nào trái lẽ ấy thời phải sa sút hèn hạ.
Xưa vua nước Pháp là Louis XIV nói rằng: “Nước là ta”. Dân Pháp cho là lời nói đại nghịch vô đạo; đến nay người Pháp làm sách chép đến câu đó cũng còn chưa nguôi lòng giận. Cái ý đó có khác gì với nghĩa Nho giáo đâu.
Đức Khổng Tử nói rằng: “Ông vua nào muốn cái sự ghét của dân, thời tai hại tất có ngày đến mình”. Lại nói rằng:“Mọi rợ nó có vua, chẳng bằng những nước văn minh nó không có là hơn”. Ông Mạnh Tử nói: “Nước là nước của dân, chứ không phải của vua”.
Nay Bệ hạ sinh đẻ trong nước Nho giáo, và làm vua trong thì bây giờ là thế kỉ 20, mà nước ta lại đứng dưới quyền nước dân chủ Pháp Bảo hộ, Bệ hạ lại dám tôn mình như thần thánh, nghênh ngang trên đầu dân. Vậy thời chẳng những dân Việt Nam không thể dung được Bệ hạ, mà dân nước Pháp lại càng khi dễ Bệ hạ nữa.
Nay chúng ta thử ghé mắt xem qua tình thế Âu Á, Nhật Bản là nước đồng văn, đồng giống với nước ta. 40 năm trước họ đã lập ra hiến pháp, cho dân được bầu cử nghị viện; việc chính trị trong nước theo công ý của dân, chứ vua không được tự chuyên cả; vì thế nên nước họ được cường thịnh, nay đã đứng đầu trong Á Đông, thế mà họ vẫn hiềm quyền vua còn lớn quá. Vua Minh Trị là vua có danh tiếng công đức của Nhật Bản, mà cuối năm hiệu Minh Trị, ông ta còn bị cái hiềm thích khách, lại năm mới rồi đây, quan Tể tướng Nhật Bản bị giết trong ga xe lửa cũng vì cớ ấy.
Nước Tàu là nước mẹ văn minh nước ta, trong năm 1911 họ cũng đã đuổi vua đi để lập nên nước dân chủ.
Còn như Âu Châu, quyền vua còn ai lớn hơn Hoàng đế nước Nga, thứ nữa thời Hoàng đế nước Đức, và Hoàng đế nước Anh (trong nguyên bản là Úc, có lẽ nhầm?). Trong chiến bại vừa rồi, vua Nga là Nicolas II và cả nhà bị giết một cách rất thảm hại; vua Đức Guillaume II phải trốn qua Hà Lan mới khỏi chết; vua Anh Charles I, hai lần trốn về để mưu phục ngôi vua, dân nước Anh họ chống cự lại và đuổi đi như đuổi gà; rút cục lại bị đày chết ngoài một hòn cù lao.
Những ông vua tôi đã kể trên đó, đều là những người anh kiệt, và trí họ cũng biết đủ mọi việc trên thế giới, tuy họ đối với dân có một hai chuyện tự chuyên, song cũng có lắm việc họ làm ích cho nước họ. Những ông vua nào làm nên, thời nước được giàu mạnh, ông nào có bị thua đi nữa, cũng không đến nổi mất nước. Thế mà các nước ấy nó đối với các vua chúng nó một cách rất nghiêm khắc, ghét họ như là cục thịt dư bướu thịt, gớm họ như con rắn dữ rết độc; việc nhỏ không cẩn thận, thời chúng nó bẻ bắt không thứ; làm việc lớn mà hỏng, thời sự chết chóc theo ngay. Xem đó thời đủ biết cái trí thức những dân đời bây giờ mở mang là thế nào!
Còn nước Nam ta, từ xưa đến nay, vẫn là một nước chuyên chế, trăm việc chính trị vào một tay vua; công việc Triều đình cấm không do dân nói đến (luật ta cấm không cho học trò và dân gửi thư cho vua nói chính trị). Đã 70, 80 năm nay, trên vua thời hèn, dưới tôi thời nịnh; pháp luật thời nghiêm nhặt, dân mất cả tự do (từ thời Gia Long đem luật Thanh về trị dân Việt Nam, là một sự lầm, vì luật đó là luật người Mãn Châu lập ra để trị Trung Quốc, trong luật ấy lắm phép không công bình; xem như khi luật ấy bắt đầu thi hành trong nước ta, ông Nguyễn Văn Thành là một người khai quốc công thần, chỉ vì cớ con ông ta đặt một bài thơ chơi, vậy mà các quan nịnh thần, đem thêu dệt ra, giết cả nhà ông ấy! Thế thời bộ luật ấy độc dữ biết chừng nào!). Từ đó nước ta, dân với vua cách nhau xa quá; các quan ở giữa muốn làm chi thời làm, dân không chỗ kêu ca. Từ triều Minh Mạng về sau, giặc giả nổi lên luôn; đến đời Tự Đức, Tây qua là mất nước, ông bà nhà Nguyễn, trong 200 năm mở mang gần nửa nước Nam, công đức lớn biết là bao nhiêu mà con cháu làm vua chỉ chưa đầy 50 năm, đã bị họa mất nước, là bởi cớ đó, thảm thay! Việc học hành thời hủ bại, nên học trò dốt nát, chỉ biết thi đậu làm quan để ăn cướp của dân, chẳng biết nước nhà là gì.
Vậy cho nên đến nay nước nhà một ngày một sa sút, càng ngày càng tàn mạt, chẳng còn đứng vào bực nào cả; nếu không bị nước Pháp lấy, thời cũng không biết nước ta trôi nổi vào tay ai!
Cứ sự đã qua đó mà buộc tội, chẳng vua thời ai? Dẫu có anh thầy kiện miệng lưỡi giỏi thế nào, cũng không cãi cọ gì được.
Vậy nước ta từ nay về sau, còn nên tôn quân quyền nữa không? Không, chẳng những là vua không nên tôn, mà ngôi vua cũng nên cất đi kia. Vậy mà vua đến nay cũng còn, thương ôi! Cái trí khôn dân ta lu lấp, thua kém cả người thiên hạ, đã đành nên thương hại, mà cái lòng trung hậu nhịn nhục của nó cũng nên chuộng vậy!
Vậy thời đáng lẽ vua phải hết lòng lo lắng làm việc gì lợi ích cho thỏa lòng chúng nó một tí mới phải. Nay Bệ hạ thời không: lúc chưa làm vua, chẳng nghe có một điều gì là hay, mà sự xấu xa thời đã chán chường trước mắt thiên hạ, chỉ lo chạy ngược, chạy xuôi để lên làm vua cho được; đến lúc làm vua được rồi, chỉ làm việc cho nhân dân oán thán mà thôi. Vậy mà nay còn dựa hơi quyền nọ quyền kia, bắt buộc dân còn phải tôn mình nữa kia!
Chiếu theo luật xưa nay, dân Âu Á chúng nó bắt tội các vua của chúng, mà xử Bệ hạ, thời một cái giết, hay một cái đuổi, hai cái đó Bệ hạ không thể tránh được.

II. Hai là tội thưởng phạt không công bình
Thưởng phat là cái phép lớn của Triều đình. Mạng sống của dân, kỉ cương của nước, đều quan hệ ở đó cả. Đức Khỗng Tử nói: “Hình phạt không nhằm phép, thời dân không có chỗ thò tay chân”. Mạnh Tử nói rằng: “Người trên không theo lẽ thẳng, người dưới không giữ phép luật, cái nước như thế, thời thế nào cũng phải mất”. Đời xưa thưởng người phải ở Triều, là tỏ ra người cả nước cùng thưởng, phạt người phải ở chợ, là tỏ ra người cả nước cùng phạt; nếu hai sự đó mà mất cả công bình, thời dân cần gì phải có vua có quan?

Tôi nghe đích rằng: Bọn tên X là bạn chơi bời lẳng lơ với Bệ hạ khi trước, khi bệ hạ làm vua rồi, thằng thời được thăng chức Thống chế để hầu hạ bên mình, thằng thời làm cho Tri phủ, Tri huyện, quan Tỉnh hay quan Kinh v.v… Lại nghe có anh quan Thị lang nọ, vợ anh ta có oán riêng với Bệ hạ lúc còn chưa là vua, khi Bệ hạ lên ngôi rồi, nhơn sự rủi ro nho nhỏ, anh ta bị cách chức đuổi về ngay. Lại một Thượng thơ hay rao bán những cái tịt riêng của Bệ hạ ra ngoài, nhân dịp đó mất chỗ dựa, Bệ hạ tìm cớ buộc tội nặng, xử 8 năm tù, án đã làm rồi, sau nghe anh này rút ra 5 vạn đồng bạc, lại được lại, giáng chưa đuổi về.
Vậy thời sự thưởng phạt, Bệ hạ cứ theo ý riêng của mình, chẳng cần gì phép nước, làm cho thêm sự gian dối lo lót ra. Vua như thế, thời vua làm gì?
Lại nghe Bệ hạ nuôi một tụi lính kín hơn 40 người, để mai chiều đi do thám chốn hương thôn, nơi thành thị, xem có ai gièm chê mình không? Nếu có, thời Bệ hạ hoặc là tìm cách buộc tội ngay, hoặc là dùng cách bí mật làm hại mà không cho người ta biết. Những quân đó rặt là quân côn đồ, cậy thế gần vua, làm điều phi pháp, khiến cho lương dân ai ai cũng sợ hãi, khóa mồm bịt miệng, ra đường gặp nhau chỉ lấy mắt trông nhau mà thôi, thiệt là làm cho nhân dân khổ sở thảm thê.
Xưa vua Lệ nhà Châu là người lắm nét xấu, sợ dân chỉ trích, mới đặt ra một cái phép để khỏi sự chê gièm, cũng làm như Bệ hạ vậy. Ông Thiệu Công can rằng: “Bịt miệng dân khó hơn là bịt miệng sông”, vua Lệ không nghe, sau quả bị dân giết. Sao Bệ hạ không lấy gương đó mà soi?

III. Ba là chuộng sự quỳ lạy
Cái quỳ lạy chẳng qua là để chỉ sự tôn kính đó mà thôi, ngoài ra chẳng có nghĩa lý gì cả. Một người ngồi đồ sộ ở trên, bao nhiêu người dưới phải áo mão dập đầu xuống đất, chẳng những là làm mất cái phẩm giá của loài người, mà lại làm cho người trên sinh lòng kiêu căng, người dưới mất lòng liêm sỉ, thật là một cái lễ phép rất là mọi rợ. (Lễ lạy đời xưa, một người lạy thời phải lạy trả lại, lễ đó hãy còn bên Nhật Bản, nhưng vì phiền quá, nay cũng bỏ).

Các nước văn minh đời bây giờ đều bỏ cái lễ ấy cả, chỉ còn một hai xứ Mường, Mán còn giữ lại mà thôi, thế mà nước ta đến nay vẫn còn giữ thói đó, thực là một sự xấu hổ cho dân ta biết bao nhiêu.
Năm 1906, quan Tòan quyền Beau ra lệnh bỏ lạy, khốn nạn thay cho các quan lớn Việt Nam không biết xấu hổ, cứ bắt dân giữ cái thói cũ. Đến lúc quan toàn quyền Sarraut lại cấm lạy một lần nữa; nay Nam kỳ và Bắc kỳ đã bỏ cả rồi, mà Bệ hạ cũng cứ khư khư theo cái thói mọi rợ đó, chẳng những không bỏ, lại còn làm cho phô trương thêm ra, Bệ hạ làm hình như thèm cái lạy như thèm ăn uống một món gì ngon sướng lắm. Mỗi khi trong Triều có lễ chầu lạy thời Bệ hạ cho phép người nào chụp ảnh để bán cho khắp cả nước, những ảnh ấy đã truyền khắp cả thế giới.
Khi Bệ hạ qua Tây, các quan tiễn đến ga xe lửa Đà Nẵng, Bệ hạ cũng bắt làm lễ lạy; đến khi tàu tới Marseille cũng thế.
Lễ lạy không phải là lễ văn minh, vua cũng không phải là trời, quan và dân không phải là đày tớ mạt, ga xe lửa và bến tàu không phải chốn Triều đình, mà sao Bệ hạ dám bắt người ta vùi áo mão trong chốn lầm than, xem loài người như loài trâu ngựa, làm cho người ngoại quốc trông vào, chẳng những là chê cười Bệ hạ, mà lại mỉa mai khinh dễ nòi giống Việt Nam nữa. Những sự đó, phàm những người có nhiều ít trí khôn, biết được một tí văn minh thời bây giờ, chẳng ai chịu làm, mà Bệ hạ thời cứ vui vẻ tự đắc mà làm được, thực lạ quá! Vậy không phải một người ngu là gì?
Rất đổi Bệ hạ lạ cho phép người ta dùng thạch cao nắn thành hình người, như lúc Bệ hạ chịu chầu lạy trong lễ đại triều, để trong trường đấu xảo Marseille, Bệ hạ tưởng sự đó là quan trọng lắm hay sao, mà Bệ hạ dám đem ra khoe trước mắt thế gian? Tưởng làm thế nầy: Bệ hạ thời choảnh trên ngai thếp vàng chẳng chút khiêm nhượng nào cả, còn các quan lớn nhỏ râu tóc bạc phơ, cúi đầu khoanh tay mắt thời nhắm hi hí, khòm lưng đứng cả trước Bệ hạ, làm như hình một bầy rái cá đương tế cá, một bầy khỉ đương làm trò. Những người Âu có kiến thức, ai nấy cũng tức cười, vậy có chán ngán không?
Vậy thời Bệ hạ chẳng biết gì là xấu hổ sao? Bệ hạ chẳng quản gì danh tiếng của Bệ hạ mặc lòng, còn thể diện nước Nam thời sao?
Trong Kinh truyện rằng: “Những ông vua mà tính ý trái với thiên hạ cả, thế nào cũng bị người làm hại”. “Vua khinh dân như thể là con chó con ngựa, thời thế nào dân cũng coi vua như người đi đường”, (nghĩa là không tình nghĩa gì với vua). “Vua coi mạng dân như cái cỏ cái rác, thời dân cũng coi vua lại như người cừu thù”.
Vậy thời Bệ hạ chẳng qua là người qua đường, hay là người thù địch của dân Việt Nam đó mà thôi, muốn cho dân đừng làm hại đến mình sao được?

IV. Bốn là tội xa xỉ vô đạo
Sau khi Bệ hạ làm vua rồi, thời đã đem lòng chán chê những cung điện cũ ông bà đời trước để lại, liền làm ngay một sở cung điện nguy nga ở làng An Cựu, mua những đồ sứ của Tàu, mỗi lần vài ngàn bạc, đem về đập bể ra, lựa những miếng nào bông hoa đẹp, để gắn những hình con long, lân, qui, phụng, cho thỏa lòng xa xỉ của Bệ hạ. Lại đem bạc tiền thuê người Tây đúc ba, bốn cái tượng đồng của mình, phí tổn ước mỗi cái trên dưới nột vạn đồng bạc, để chưng trong nhà đấu xảo. Báu gì, xảo gì đồ đó mà đấu! Lại từ cái khăn, cái mũ, cho chí cái áo, cái giày, Bệ hạ đều đính vàng ngọc kim cương, giá phí biết là bao nhiêu! Rất đổi lấy vàng luột giát ra làm cái ủng để bao khắp chân, xa phí dại dột, từ xưa đến nay chưa có nghe ông vua nào làm như thế bao giờ.

Lại Bệ hạ lúc qua Tây, xuống tàu từ Tourane cho đến khi qua đến Tây, lúc ở trên tàu, gặp khách bộ hành nào thời những rượu sâm banh hạng nhất là đãi cho thả cửa, chỉ nói những tiền cho “buộc boa” (pourboire) cũng đến 20.000 quan, còn kim tiền kim, khánh thời đụng cho ai nấy, chẳng kể sao hết được.
Ai còn lạ gì, khi Bệ hạ chưa làm vua, trong túi chẳng có một xu, vậy thời tiền đó ở đâu mà tới? Chẳng phải Bệ hạ ăn cắp tiền kho, tiền kín của nước ta, thời tiền đâu?
(Trở lên là sao y bản dịch thủ bút của Cụ Tây Hồ còn giữ được. Dưới đây là ông Lê Ấm dịch tiếp ở bản thủ bút Hán văn)
Than ôi! Ở Trung kỳ nước ta, nông dân thời nghèo khổ đến cực điểm, thiên tai tới tấp, oan vong thường thấy, quan tham lại nhiễu, đất xấu dân cùng, lại thêm trong lúc giặc giã, vật giá cao vọt, tình trạng lưu ly đến nay chưa cứu vớt, xâu thuế nặng nề, gánh vác không nổi; nói đến việc mở mang trí khôn, việc nâng đỡ đời sống thời còn xa lắc xa lơ, sánh với Nam, Bắc kỳ, bên khô bên tươi cũng đã rõ rệt rồi. Thế mà ngân sách còn kêu thiếu hụt, ép dân mua rượu, thuốc phiện để làm giàu công quỹ, trắng trợn như thế còn phải làm, còn nói chi nữa.
Chẳng nói đâu xa, những năm 1916, 1917, 1918 là sau khi Bệ hạ đã lên ngôi rồi, dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi bị bão to lụt lớn hạn lâu, nên phải chết đói, chết dịch, trên báo chương kêu vang luôn, thảm thương như thế còn gì hơn nữa! Nhưng mà chưa từng nghe Bệ hạ làm được một việc từ thiện nào để cứu người sống sót, bố thí một đồng xu nào để giúp kẻ khốn cùng! Như vậy thời Bệ hạ đã dứt hết tình nghĩa với quốc dân ta từ lâu rồi, mà nay lại dám ăn cắp của nước làm của riêng, xa xỉ bậy bả, vứt tiền vào chỗ trống không. Chỉ lấy một việc ấy mà nói, Bệ hạ còn mặt mũi nào, còn tư cách nào mà tự xưng là vua của dân ta?
Giả sử như Bệ hạ lấy tiền làm cung điện đó mà lập một trường Đại học tại Huế, lấy tiền mua mua đồ sứ để đập bể đó mà mua đồ dùng cho nhà trường, lại lấy tiền phung phí dưới nuôi học sinh lưu học tại Pháp cũng được vài mươi người, thời hai cách dùng tiền lợi hại khác nhau biết là bao nhiêu!
Thương hại thay! Quốc dân ta mỗi năm cần cù, đổ mồ hôi sa nước mắt, vợ kêu đói con khóc lạnh, cũng mặc, thân rách lưới, bụng xép ve, cũng mặc, chỉ lo chạy ngược chạy xuôi cho có tiền để nạp thuế cho nhà nước, mà cũng có lòng mong nhà nước làm được điều gì ích lợi chăng? Nhưng mà khi thu thì vơ vét tận xương tủy, đến khi tiêu thì vãi tung như tro bụi như thế thời quốc dân ta tội gì mà phải chịu cực khổ, dâng của cải, máu mủ để cho một người vua u mê tiêu phá một cách dại dột như thế?
Trong khi Bệ hạ vung vãi bậy bạ đó, Bệ hạ há không nghe việc làm của vị tổng thống Trung Hoa là ông Lê Nguyên Hồng sao? Ông ấy thấy kho nhà nước thiếu hụt, thời tự nguyện đem tiền lương của mình hơn 3 triệu rưỡi quan tiền Pháp, trả lại cho quốc dân để đem làm việc từ thiện, các báo Pháp khen ngợi không ngớt.
Ôi! Tàu là một nước đất đai rộng, sản vật nhiều, dân số đông hơn hết trên thế giới, lại là một nước độc lập, họ đói nghèo, không phải là cùng vô sở xuất, thế mà đường đường một vị Tổng Thống một nước lớn, biết yêu nước, biết lo dân, còn không muốn lãnh số lương hằng năm được hưởng, để cho quốc dân bớt gánh nặng thay; huống chi nay Bệ hạ là vua một nước bị bảo hộ, vị thứ ở dưới quan Toàn quyền, danh hiệu chỉ có trong 12 tỉnh, công nghiệp không hơn gì một tên dân mạt, mà lại dám tự sánh mình như vua trời, việc làm như trộm cướp, ngoài lương bổng ra, còn thêm phí tổn làm cung thất, lại còn tiêu xài bậy bạ nữa, thế là nghĩa lý gì?
Bệ hạ viết thư cho Bộ Trưởng Thuộc địa có câu xưng là “cha mẹ dân”, thử hỏi nước ta xưa nay vốn trọng luân lý gia đình, mà có đâu thứ cha mẹ tàn nhẫn bất lương như vậy? Đổi lại, phải nói là thằng giặc của dân thời đúng hơn. Đó là bốn tội.

V. Năm là phục sức không đúng phép
Bệ hạ tự chế ra một thứ lễ phục kiểu mới, tự mặc ra để ra Triều. Kiểu ấy là trên áo cẩm bào cũ, thêu vào cái cầu vai kiểu Âu, còn cổ áo và tay áo thời đính vài ngọc lòe loẹt, Âu không ra Âu, Á không ra Á, lại trên nón vua thời thêu thêm những hình rồng phụng sáng ngời. Nghe nói khi Đại tướng Jofre qua nước ta, Bệ hạ mặc đồ ấy mà đón tiếp; bây giờ qua Pháp, khi đến điếu mộ danh nhân tử sĩ, cũng mặc đồ ấy. Cũng may là người Pháp ít để ý đến lễ chế nước ta, nên không biết đó thôi, nếu có người hơi rõ, gạn hỏi rằng, Bệ hạ ăn mặc như vậy quả có đúng với lễ phục nhà binh nước Nam không? Thời chẳng biết trả lời thế nào được.

Thử xem các nước trên thế giới, về lễ phục thời nước nào cũng có qui định, khi tiếp khách, khi duyệt binh, khi triều, khi hội, lễ phục có quan hệ đến quốc thể; phàm người ra làm việc công đều không được vượt khỏi, nếu không thận trọng một chút, thời đối ngoại mang nổi nhục thất lễ, đối nội mang cái tội trái phép. Ở nước ta trước kia phép nọ cũng rất chặt chẽ, từ vua đến dân đều có thể chế, chép lại ở hội điễn, ban bố làm lệnh chung, nếu ai sai vượt thời hình phạt theo ngay.
Nếu nói rằng cách mặc xưa không hợp với đời nay, phải cải cách cho hợp thời, thời đó không phải việc không nên làm. Xem như Tàu với Nhật công phục đều theo lối Âu Châu thời sao? Nhưng phải đặt làm thể thức nhất định, trên dưới một loạt, thay đổi theo mới, lấy lệ công bố ra ai nấy đều phải theo, như vậy thời sao lại không nên?
Nay Bệ hạ lại trái hẳn, tự chế tự mặc, chỉ lo làm sang một mình, người trong nước xem vào không gì là chính đính, lại làm cho tai mắt người ngoài lầm lạc, đã sai phép bang giao, lại làm nhục quốc thể, chiếu luật pháp nước nhà, phải chịu điễn hình. Đó là năm tội.

VI. Sáu là du hạnh vô độ
Sau khi Bệ hạ lên ngôi, thời ra sức khuếch trương nghi trượng nhà vua, thường thường ra đi chơi rông, nào là voi, nào là kiệu, nào là xe nào là ngựa, những người theo hầu, nhiều khi đến hàng trăm, ít cũng ba bốn chục, chiều lại rong chơi thành thị. Trang sức lộng lẫy, nghi thức oai nghiêm, quân hầu nghênh ngang, nước ta bốn mươi năm chưa từng có. Người đi đường khổ việc chạy tránh, dân trong nhà chán sự hầu phần, còn Bệ hạ thời dương dương tự đắc, ý muốn tỏ cho người ta biết rằng Hoàng đế là sang.

Xét luật pháp các nước văn minh, không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ kèm theo. Nay Bệ hạ tự tôn quân quyền, tự ý làm oai làm phúc, chính trị bỏ lỡ không mảy may lưu tâm đến. Nhân dân đói lạnh chẳng chút hỏi han, mà lại ngày ngày chơi rông, kiêu căng buông lung, thời còn trách kẻ bầy tôi sao được? Bệ hạ thì cao quý lắm đó, còn quốc dân đau khổ thì sao?
Như vậy là chỉ biết quyền lợi, mà không biềt có nghĩa vụ, chiếu theo luật, hễ không làm hết nghĩa vụ thời phải chịu trách nhiệm là cái tội hại nước hại dân, Bệ hạ phải chịu là thủ phạm trước hết. Đó là sáu tội.

VII. Bảy là việc Pháp du ám muội
Bệ hạ qua Pháp chuyến này, người ta kẻ nào có lưu tâm đến quốc sự, phần nhiều phải suy nghĩ, trước thời ngờ sau thời lo, khi đã biết rồi thời ngó nhau mà cười mĩm.

Mượn cớ rằng đưa Hoàng tử đi học, hoặc đi điếu quân sĩ nước ta tử trận, và đi xem các thành phố phía Bắc nước Pháp bị tàn phá, thời những việc đó đều là việc tư của Bệ hạ, không phải việc công của quốc dân ta, lại đó là việc không cần kíp gì cả.
Nếu mượn cớ rằng đi du lịch nước Pháp, để khảo sát văn minh của họ rồi để cải cách chính trị trong nước, thời Bệ hạ không phải là tay làm việc ấy được. Sao vậy? Vì nước Pháp là nước dân chủ, mà Bệ hạ là vua tôn quân quyền, lấy cán vuông mà đút vào lỗ tròn, chỉ có cái hại làm cho hư cán mà thôi. Vả chăng Bệ hạ không am hiểu tiếng Pháp, mà mấy ông đại thần đem theo, như tên X tên Y đều là bọn hạ tiện nước ta, trí thức họ còn thấp hơn con nít 10 tuổi của Pháp. Lại trong khi Bệ hạ ở Ba Lê, chỉ có một lần đến trường đua ngựa, cá được 200 quan, còn như những Viện Bác cổ lớn, học đường lớn, thương quán lớn, công xưởng lớn, và những nơi nhóm họp bao nhiêu văn minh tinh túy của nước Pháp v.v… thời chưa từng bước chân vào, nói rằng đi khảo sát, thời khảo sát mà như vậy ư?
Nếu mượn cớ rằng đi dự cuộc đấu xảo Thuộc địa Marseille, thời nước ta là ngày nay có cái xảo để đấu, phi người Bắc kỳ thì thời Nam kỳ là dân ở dưới quyền trực trị của pháp vậy (đấu xảo này Trung kỳ có nghề bện sáo, so với 50 năm về trước chưa cải lương chút nào), còn 12 tỉnh Trung kỳ là cái xứ ở dưới quyền chuyên chế của Bệ hạ, thời sĩ phu lòng đen như mực, nông dân xương gầy như củi, có gì là xảo đâu! Chỉ duy đại thần và quan lại của Bệ hạ, thời cái xảo quỳ lạy, cái xảo dua nịnh, cái xảo ăn hối lộ, cái xảo xẻo thịt dân để ăn cho béo cho mập, nhưng tiếc thay! Cái loài quỷ sứ ấy, thời tại Pháp đây, sáu bảy mươi năm về trước, họ đã nhận xuống nước sâu, ném vào lửa đỏ cả rồi, nay Bệ hạ đem loài ấy qua, thời không ai còn mà đấu nữa!
Như vậy trong cái màn hắc ám của chuyến du lịch nầy của Bệ hạ, công sắp đặt quỷ quyệt thế nào, cũng không khó gì mà không biết vậy.
Nghe Bệ hạ vài năm trước đây, đã cậy oai chuyên chế, vơ vét của dân, mua đồ xa xỉ hạng nhất của các nước Á Đông và nước mình, tóm thâu tất cả đồ quý báu của các triều trước để lại, chứa đựng có hơn trăm hòm, ngày nay đem cả theo, nhờ người Pháp tên X tên Y vận động, dâng lễ cho đảng quân chủ nước Pháp, để nhờ củng cố ngôi vua cho cha con Bệ hạ và nhờ họ làm hậu viện để mong đạt cái mộng tôn quân quyền, sau thành việc rồi Bệ hạ về nước sẽ thi oai dâm bạo, khóa hết miệng lưỡi quốc dân, rồi sẽ ký điều ước này điều ước nọ để đền đáp. Việc nầy tuy còn ở trong vòng bí mật, nhưng người ta đã đồn rầm ở ngoài, không phải là không có cớ, theo lời tục ngữ của Pháp “không có lửa mà có khói” ai tin!
Tuy nhiên, nếu Bệ hạ mà dùng kế ấy, há chẳng thất sách lắm sao? Bệ hạ muốn giữ vững ngôi quân chủ, mà lại đi cầu khẩn với dân của một nước dân chủ, Trinh này muốn biết muôn phần không có một phần nào thành công được.
Cái bệnh của Bệ hạ là bởi ngu muội, chưa từng đọc lịch sử cách mạng nước Pháp vậy. Nếu một mai biết được thời sẽ gục đầu chán nản, cuốn gói mà về sớm vậy.
Cuối thế kỉ 18, cái oai chuyên chế của nền quân chủ Âu châu đã lên đến tột bực, thưởng phạt tùy ý, trẩm tức quốc gia, xem nhân dân như nô bộc, vãi tiền tài như đất bụi, cung thất huy hoàng, chơi bời xa xỉ, ăn mặc hoa mỹ, quỳ lạy tôn nghiêm, thật không phải là một ông vua một nước mang hư danh là bán tự chủ như Bệ hạ có thể tưởng tượng được. Thế mà hễ vật đã cực thời phản lại, đó là lẽ tất nhiên. Buổi ấy các danh sĩ nước Pháp, như Lư Thoa, Mạnh-Đức-Tư-Cưu, Phúc-Lộc-Đặc-Nhỉ, v.v… kế tiếp nhau nổi lên phát huy cái nghĩa nhân quyền, chẳng vài mươi năm mà cái thế lực ảnh hưởng ra khắp toàn Âu. Dân tộc Pháp là tiên tiến nhất, huơ tay kêu lớn, ứng lại như vang, ngã rồi đứng dậy, càng tiến càng hăng, cho nên tấu được khúc khải hoàn, mà cái đầu của vua Lộ-Dịch thứ 16 của nước Pháp đã bêu cao trên đoạn đầu đài vậy. Bệ hạ qua thành Ba-lê, trông những đường phố rộng rãi, thấy có những tượng đồng nguy nga, đó đều là những tượng kỉ niệm những bậc thánh hiền hào kiệt đương thời đã ủng hộ tự do, cứu vớt mạng dân vậy. Phàm trong thế giới, quân chủ nào vô đạo thì thần ấy chẳng dung. Bệ hạ nên qua chơi công trường Công-cố (Concordre) và cung điện Versailles (Lộ dịch đã bị bắt ở Versailles và bị giết ở Công-cố) để điếu cái di tích màn chót nên quân chủ vô đạo, nhơn đó họa may có tự tỉnh chăng.
Từ thời ấy, chính thể nước Pháp đổi làm dân chủ, lập ra nghị viện dân cử, lập pháp, hành pháp, tư pháp, phân tách rõ ràng, mà nghị viện nắm hết chủ quyền của nước. Đến nay, chính phủ chuyên chế không còn dấu vết, nhân loại trông nhiều nước được hưởng nhiều hạnh phúc, tự do là nhờ dân tộc Pháp chảy máu trước mà được vậy. Sao Bệ hạ không xin vào điện Bourbon để nhận thấy cái khí tượng bác ái, bình đẳng, tự do của quốc dân cộng hòa, so sánh lại với cái chính thể chuyên chế đen tối ngàn năm của nước ta, thời thấy rõ cái chủ nghĩa dân quyền thần thánh bất khả xâm phạm, nó đương bồng bồng bột bột như mặt trời giữa trưa, chiếu thấu cả bầu trời, mà về sau chính thể quân chủ tất không có chỗ đứng chân còn nói chi đến việc chuyên chế dã man nữa.
Được như vậy chẳng phải sức người làm nên chăng? Thì đó cũng là luật thiên diễn không thể tránh được vậy.
Ngày nay các dân tộc trên toàn cầu đều xưng nước Pháp là nước tổ dân quyền, không đúng hay sao? Không đúng hay sao?
Đó, một nước danh dự như thế, một dân tộc danh dự như thế, xem lại hơn trăm hòm đồ quý của bệ hạ đáng giá bao nhiêu, lại dám đem bạch bích mà nhem thèm, đem huỳnh kim mà làm đen lòng, đi ngược lại phong triều thế giới, trái với công lý nhân đạo, làm dơ danh dự quốc dân, để vì Bệ hạ giữ cái vận mạng của nền quân chủ chuyên chế nó đã gần tàn như giọt sương ban mai rồi. Nói rằng 20 triệu quốc dân oán là chuyện nhỏ, còn mặt mũi nào đối với vạn quốc trên thế giới ư? Xem vậy Bệ hạ đi chuyến này chắc chắn là thất bại, không còn ngờ gì nữa. Chỉ tiếc thay bao nhiêu mỡ của sáu, bảy triệu quốc dân ta, bao nhiêu cái kho tàng quý báu của nước nhà ta dành dụm mấy trăm năm nay, chỉ vì sự lơ lĩnh nhỏ nhen mà Bệ hạ đem vứt đi một cái, làm chìm lỉm hết thảy theo ngọn sóng Tây dương! Đó là bảy tội.
Trở lên bảy điều, bởi có quan hệ quốc kế dân sinh, nên kể ra để buộc tội. Ngoài ra còn những điều xấu xa không thể kể xiết, bởi không quan hệ việc nước cho lắm, hoặc có dính đến đời tư cá nhân nên không kể đến làm gì.
Ôi! Thế giới ngày nay dân trí tiến bộ mỗi ngày ngàn dặm, trước vài mươi năm nay, vua các nước lập hiến đã đem mọi chánh sự lớn nhỏ của quốc gia, hai tay dâng trả lại cho quốc dân, không dám hỏi đến, duy ngày đêm mong ước được giữ cái hư danh ở trên thần dân, khỏi mất nối dòng để xấu hổ đến tôn miếu, thời đã coi là cái phước lớn tày trời rồi, nhưng đến nay quốc dân họ còn lấy làm khó chịu, còn lo trăm kế để bỏ đi, để đạt được đến cái chủ nghĩa bình dân chân chánh mới hả dạ.
Vậy thời từ nay cái tàn quân chủ trong thế giới cũng không xa mấy, không cần phải khôn ngoan lắm mới biết vậy. Chẳng nói đâu xa, gần đây trong thời Âu chiến, bị quốc dân giết hoặc đuổi đi đã có 38 vua, trong đó có 3 ông Đại hoàng đế rồi.
Như trước đã nói, chính thể nước ta, từ xưa là quân chủ độc tài, chính trị hay dở, quan lại hiền ngu, quốc dân không được hỏi đến. Nay thời thế nước càng ngày càng suy vi, mất cả cái tên Việt Nam trong bản đồ thế giới. Hãy xem các nước Á Đông, Tàu, Nhật không nói, còn Xiêm La là một nước xưa kia dân ta không thèm đứng ngang hàng, thế mà nay họ nghiễm nhiên đứng trong vòng bình đẳng với vạn quốc. Lại như Nam Bắc hai kỳ ở dưới quyền kinh lý của nước Pháp ràng buộc có rộng rãi hơn, nên có sinh sắc hơn. Còn 12 tỉnh Trung Kì thời rên rỉ mãi dưới chính thể chuyên chế vô trách nhiệm, không biết dựa vào đâu để nuối chút hơi tàn! Đó là tội của ai? Tội của ai? Xem đó thời chẳng quân chủ hiện tại phải truất, mà xét đến nguồn gốc nguyên nhân sâu xa, thời quân chủ các thời đã qua cũng không tránh khỏi búa rìu công luận của quốc dân vậy.
Ôi! Xu thế bên ngoài đã như thế kia, mà tình thế nước ta lại như thế này, thời cái ngôi Bệ hạ đã nguy tợ như trứng mỏng, thật có như điều Hiếu Đế nhà Hán đã nói: “Mạng của Trẩm chẳng biết mất còn ngày nào đây!”. Vậy Bệ hạ còn mê muội không biết, tự ví mình với thần thánh, dắt bầy tiểu nhân núp bóng làm càn, công nhiên buông thói ăn lo ăn lót, người ta không nói không kể, dân nói không hay, lại còn nghịch thì thế, trái nhân tâm, nhen lại bếp tro tàn chuyên chế, dứt hẳn cái dân khí đã tôn thương lâu ngày, quơ hết châu báu của nước, quét sạch tài sản của dân. Thử hỏi: quốc thổ Việt Nam có phải là tư sản của Bệ hạ hay sao? 20 triệu quốc dân há phải là gia bộc của Bệ hạ hay sao? Quan lại nước ta mục nát còn sợ chưa quá chừng hay chăng, mà còn phải có thêm Bệ hạ trướng thêm lòng gian tham nữa? Danh hiệu Việt Nam e còn chưa nhơ nhuốc chăng mà còn phải có Bệ hạ ra dâng mùi hôi thúi, làm cho thiên hạ chê cười khinh dễ chẳng còn kể là loài người nữa? Dầu mỡ của quốc dân ta sợ chưa khô hết hay chăng, mà còn phải có Bệ hạ hoang phí vung vãi nữa? Than ôi! Nước ta tội gì mà phải chịu cái nghiệp chướng ấy! Dân ta tội gì mà phải đội thứ vua quỷ ấy! Nếu không cùng quần chúng trừ khử nó đi, tất phải cùng nó chết đắm nay mai thôi!
Tôi viết đến đây, viết đã cùn tay đã mỏi, giấy đã hết mà điều tôi muốn nói hãy còn chưa hết, tôi phải khăng khăng mấy ngàn lời mà không thôi đó, chẳng phải công kích cá nhân Bệ hạ mà công kích hôn quân vậy; cũng không phải vì tư kỉ của Trinh mà làm; thật là vì 20 triệu đồng bào mà xô ngã chuyên chế, ủng hộ tự do vậy. Thầy Mạnh nói rằng: “Đâu phải ưa biện luận, bất đắc dĩ mà thôi”, tâm sự của tôi cũng là thế đó.
Nếu như Bệ hạ có đủ thiên lương, chút biết hối ngộ, biết quân quyền không thể cậy được, dân oán không thể khi được, thời phải sớm quay về, tự thoái vị trước, đem chính quyền trả lại cho quốc dân ta, để họ trực tiếp cùng dân tộc Pháp, tự mưu lấy lợi ích của họ, như vậy thời quốc dân ta còn lượng tình, không bạc đãi, cái kế Bệ hạ không còn kế nào hơn.
Ví bằng chuyến đi này, thêm lòng táo bạo, không kể gì hết, cứ khư khư cắp ngôi chí tôn, cứ thi oai chuyên chế, làm đứt mạng mạch của nước trong cơn thùy nguy, đánh đắm quốc dân trong kiếp khổ lâu dài, nếu vậy thời Trinh này tất phải: trong cáo với quốc dân, ngoài hiệp cùng với nước Pháp, vì 20 triệu đồng bào, cùng Bệ hạ tuyên chiến quyết liệt, nguyện cho cái đầu của Trinh cùng với quân quyền chuyên chế dã man của Bệ hạ đồng thời rơi xuống đất, quyết không nỡ thấy vài mươi vạn dặm vuông giang san đất nước, vài mươi triệu cha mẹ anh em, phải giao đứt vào tay hôn quân vậy!
Marseille, ngày 14 thàng 7 năm 1922
Ký tên: Phan Châu Trinh

Ghi chú:
1) Thư này viết một bản bằng Hán văn gởi Bệ hạ, lại dịch ra Pháp văn đăng trên báo Pháp và rải truyền đơn, để rộng đường công luận của người Pháp.

2) Giữa tôi với Bệ hạ, đã đoạn tuyệt nhất thiết quan hệ, chỉ đứng trên địa vị đối đãi mà thôi, cho nên nói “gởi” mà không nói “dâng”; còn dùng hai chữ “Bệ hạ” đó là theo Hán văn, xưng hô như vậy cho tiện, chứ không phải là tôn kính đâu.
3) Tôi là người phục tùng Nho giáo, nên không dùng thứ lễ chuyên chế đặt ra từ Tần Thỉ Hoàng về sau (Thỉ Hoàng đốt sách chôn học trò, Khổng giáo đã mất), lễ ấy là hể gặp chữ tên húy của nhà vua thời phải tránh, cho nên đây tôi viết thẳng không kiêng, là tỏ ý phản đối (Nhật Bản đã bỏ lâu rồi, chỉ có ta còn giữ lối đó).
Theo : trannhuong.com
Nguồn: Thư thất điều, NXB Anh Minh, 1958, Huế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét