GS Nguyễn Minh Thuyết: Đừng để người không dạy học “chạy” chức danh GS, PGS
“GS, PGS là chức danh của nhà giáo ở các cơ sở đào tạo đại học. Vì thế, không nên để những quan chức cả đời không dạy học, không hề gắn bó với cơ sở giáo dục đại học nào “chạy” chức danh GS, PGS”.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Điều quan trọng không phải số lượng mà là chất lượng GS.PGS thế nào? |
GS. Nguyễn Minh Thuyết trao đổi với PV Infonet khi có nhiều ý kiến khác nhau được nêu ra trong mấy ngày qua, sau sự kiện 644 GS, PGS vừa được vinh danh tại Văn Miếu.
GS, PGS ở Việt Nam nhiều hay ít?
Bình luận về nhận định “lạm phát” GS, PGS, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết, theo thống kê của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, từ năm 1976 cho đến hết năm 2014, sau 38 năm nước ta trở lại với việc phong và bổ nhiệm GS, PGS cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), tổng số GS, PGS đã được phong và công nhận ở nước ta là 11.097 (1.628 GS và 9.469 PGS), trong số đó có 4.155 GS, PGS giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học. Số GS, PGS nói trên gồm cả những người đã mất và về hưu.
Dân số nước ta hiện nay là 90 triệu người, tổng số sinh viên đại học là 1.730.000, số giảng viên đại học 74.630 người. Như vậy chỉ có xấp xỉ 1,2 GS hoặc PGS trên 10.000 dân. Nếu tính riêng các cơ sở giáo dục đại học thì không quá 5,6% GV đại học là GS hoặc PGS và chỉ có 1 GS hoặc PGS trên 416 sinh viên (tính cả giảng viên thỉnh giảng nữa thì khoảng 300 sinh viên).
Trong khi đó, ở một nước có dân số gần bằng nước ta là CHLB Đức, số lượng (và cả chất lượng) GS cao hơn ta nhiều: 3 GS trên 10.000 dân và 1 GS trên 59 SV.
Hiện nay nước ta có trên 500 trường đại học, cao đẳng, hàng trăm viện nghiên cứu tham gia đào tạo sau đại học, với số lượng bộ môn lên tới 50 – 60 nghìn. Mỗi bộ môn thông thường phải có 1 GS và vài PGS. Như vậy thì số lượng GS, PGS nói trên còn thấp so với yêu cầu. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý rằng GS, PGS bây giờ không phải học hàm như trước nữa, mà là chức danh.
Học hàm là cấp bậc, giống như quân hàm đại tá, thiếu tá,…; còn chức danh là chức vụ, giống như chức sư đoàn trưởng hay đại đội trưởng,… Khi sư đoàn trưởng về hưu thì không thể không có sư đoàn trưởng mới thay thế.
Hội đồng Chức danh GS Nhà nước bây giờ chỉ công nhận ứng viên đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm GS, PGS; còn họ có được bổ nhiệm không, được bổ nhiệm ở đâu thì đó là việc của cơ sở GDĐH. Cơ sở GDĐH có cần (nói cho đúng là có khuyết các chức danh ấy) mới bổ nhiệm.
“Không biết ai là người đầu tiên nói Việt Nam là nước đông GS.PGS nhất Đông Nam Á, họ căn cứ vào số liệu nào? Tôi có tra cứu số liệu nhưng không tìm thấy thông tin. Thông tin này không được dẫn chứng theo nguồn nào nên không đáng tin cậy” - GS Thuyết khẳng định.
Chất lượng GS, PGS thế nào?
Nhìn nhận về việc này, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: Cũng có người nói thế hệ GS trước đây khi nói đến ai là cả nước đều biết. Điều đó đúng nhưng nói một cách công bằng thì lúc đó các ngành khoa học nước ta mới được hình thành, số lượng GS rất ít, mặt khác các vị GS lại có công đầu xây dựng ngành nên được nhiều người biết đến. Còn thế hệ bây giờ, họ không phải lứa xây dựng ngành và thường hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn hẹp nên không phải ai cũng biết.
Trong số hàng ngũ GS.PGS hiện nay cũng có những người rất giỏi, có đóng góp không kém gì những giáo sư thế hệ đầu tiên, điển hình là hai GS đang làm Thứ trưởng vừa được vinh danh tại Văn Miếu: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến là một bác sĩ nổi tiếng với “bàn tay vàng”. Ông là Nhà giáo Nhân dân, đồng thời là Anh hùng Lao động, với nhiều công trình nghiên cứu đã phát huy hiệu quả trong đời sống.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến là Nhà giáo Ưu tú, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, có tới gần 50 bài báo trên những tạp chí quốc tế nổi tiếng.
Ngay người trẻ nhất trong số các GS vừa được công nhận – GS Phan Thanh Sơn Nam (37 tuổi) cũng có tới 37 công bố quốc tế… Những GS này không hề thua kém, thậm chí còn nhỉnh hơn nhiều bậc tiền bối.
Ngay người trẻ nhất trong số các GS vừa được công nhận – GS Phan Thanh Sơn Nam (37 tuổi) cũng có tới 37 công bố quốc tế… Những GS này không hề thua kém, thậm chí còn nhỉnh hơn nhiều bậc tiền bối. |
Tuy nhiên, theo GS Thuyết, chất lượng GS, PGS hiện không đồng đều. Mặc dù đã có tiêu chuẩn chung, quy chế xem xét chung, có các hội đồng liên ngành ở trung ương và Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước xem xét để đảm bảo mặt bằng tiêu chuẩn của những người được bổ nhiệm GS, PGS nhưng việc xem xét ở nhiều hội đồng từ cơ sở đến trung ương chủ yếu vẫn chỉ dựa vào số lượng (số lượng công trình, số tiến sĩ hoặc thạc sĩ đã đào tạo, số giờ dạy hằng năm,…).
“Nhiều thành viên hội đồng vẫn còn tâm lý nể nang. Có chuyện bỏ phiếu theo tình cảm do quen biết. Cũng có tin đồn hoặc tâm sự ở chỗ riêng tư về chuyện chạy chọt, tiêu cực. Do đó không thiếu trường hợp được công nhận không xứng đáng, nhưng đó không phải tất cả. Tóm lại, chất lượng GS.PGS thế nào phụ thuộc vào từng trường hợp, từng hội đồng cụ thể.”
Đề cập đến thực trạng dù có nhiều nhà khoa học, nhưng lại không sản xuất được “con ốc vít”, GS Thuyết cho rằng, GS, PGS là giáo chức nên câu chuyện chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đào tạo.
Tuy nhiên, GS, PGS cũng là nhà khoa học, thậm chí còn đào tạo ra các nhà khoa học, nên họ cũng phải chịu trách nhiệm về việc chậm tiến trong nghiên cứu khoa học, như các công bố quốc tế ít, hay chuyện “con ốc vít”,… Điều đó phản ánh thực tế chất lượng đào tạo khoa học của ta chưa cao.
Người không dạy học cũng là giáo sư?
Theo GS Thuyết: “GS, PGS là chức danh của nhà giáo ở cơ sở giáo dục đại học. Nó vinh dự thật, nhưng không phải là cái huân chương. Vì thế, không nên để những quan chức cả đời không dạy học, không hề gắn bó với cơ sở giáo dục đại học nào “chạy” chức danh GS, PGS. Quan chức đeo cái chức danh của nhà giáo cũng chẳng giải quyết được việc gì. Vì thế, vấn đề đặt ra là: Có nên để các trường bổ nhiệm GS.PGS cho những người không phải giảng viên cơ hữu của mình không?”
Bên cạnh đó, theo GS. Thuyết cũng phải xem xét để đưa ra tiêu chuẩn GS, PGS cao hơn. Đồng thời cũng phải làm sao để các hội đồng làm việc công tâm, khách quan hơn. “Chúng ta đang sống bằng tình cảm chủ nghĩa. Yêu cầu 10 bài báo, ứng viên trưng ra 10 bài là xong. Vấn đề là bài báo đó có chất lượng thế nào, được giới chuyên môn coi là một đóng góp không thì lại không được quan tâm.”
Ngoài ra GS. Thuyết cũng cho rằng, cần chú ý đến chế độ đãi ngộ, vì nếu lương thấp, các GS, PGS và giảng viên đại học nói chung chỉ lo đi dạy kiếm tiền mà không dành thời gian nghiên cứu khoa học, hoặc chuyển ra khu vực kinh doanh hay ra nước ngoài làm việc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét