“Có một chàng thi sĩ miền quê…”*
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Bạn bè thời trung học thỉnh thoảng gặp lại vẫn nhắc về nhau với những nét tính cách không thay đổi của từng người. Chỉ có Chung là hiếm khi được gợi nhớ trong ký ức những người bạn cũ. Có thể vì lâu nay ít ai được tin tức gì của Chung, không biết chàng ở nơi đâu. Cũng có thể vì ngay từ thời cùng học, anh đã tỏ ra xa cách với bạn bè.
Trong lớp, Chung ngồi bàn đầu dãy bên phải gần cửa ra vào, bên kia là hai dãy bàn con gái. Ngồi đó có thể nhìn ra sân trường, xa hơn là con đường chính băng qua phố quận và bầu trời xanh trên cao. Nhưng chỗ ngồi đó thật “nguy hiểm” vì những động tĩnh luôn dưới ánh mắt “theo dõi” của các thầy cô, nhất là dễ bị gọi lên bảng trả lời câu hỏi hay giải đáp những bài toán khó, việc mà nhóm bạn “xóm nhà lá” ở cuối lớp tìm cách tránh né.
Chung đi học rất đúng giờ, lúc nào cũng áo sơ mi bỏ trong quần, nhưng luôn giữ một vẻ thờ ơ, chểnh mảng với sách bài. Học cấp 2 hồi đó không phải mang nặng như bây giờ, nhưng chúng tôi ai cũng có một cái cặp sờn cũ, còn Chung thì chỉ kẹp vài cuốn vở trên tay, đủ để ghi bài từng buổi. Giờ ra chơi, chúng tôi tụ tập từng nhóm tán đủ thứ chuyện, trong khi anh lang thang trong sân trường, thỉnh thoảng mới ban cho chúng tôi một nụ cười thân thiện.
Một bữa kia, khi đang tìm cách giảng cho chúng tôi hiểu được cách chia động từ bất quy tắc, thầy N. nổi tiếng khó tính bỗng thấy Chung mắt nhìn ra ngoài cửa lớp mà tay thì hí hoáy viết gì đó trên tờ giấy dưới hộc bàn. Không bỏ lỡ cơ hội, thầy đến thẳng chỗ Chung với chứng cớ rõ ràng về người học trò lười biếng, làm việc riêng trong giờ học. Không chối cãi, anh từ tốn đưa cho thầy tờ giấy trắng kẹp giữa cuốn vở. Thì ra đó là một bài thơ viết dở dang của anh. Và thế là giờ học Pháp văn trở thành giờ bình văn quốc ngữ mà đối tượng là bài thơ ấy.
Bao nhiêu năm qua rồi, tôi không còn nhớ bài thơ ấy viết gì, ngoài câu đầu tiên “Mây bay về núi hẩm hiu…”, nhưng tôi vẫn nhớ nụ cười chế nhạo của thầy giáo và dáng đứng tiu nghỉu thật tội nghiệp của Chung. Hòa vào đó là những tiếng cười khoái trá của cả lớp mỗi khi thầy giáo đọc một câu thơ kèm theo lời chê bai thật độc địa. Bài học thầy giáo rút ra cho chúng tôi là đừng làm thơ vớ vẩn mà hãy lo học tập chăm chỉ để lớn lên có nghề nghiệp tử tế và không bị đưa vào quân trường.
Từ đó Chung nổi tiếng khắp trường là nhà thơ mang “vẻ buồn quận lỵ”, một nhà thơ “viễn mơ” chưa gặp thời. Nhưng anh không tỏ ra oán giận thầy giáo và trách móc chúng tôi, cũng không nản chí với thú vui làm thơ của mình, chỉ kín đáo hơn để thầy giáo không phát hiện. Thật ra lớp chúng tôi đâu phải chỉ có mình Chung làm thơ. Nhưng vì nhút nhát và thiếu tự tin, chúng tôi giấu biến những bài thơ vụng về và non nớt của mình. Còn Chung, anh không thấy có gì phải sợ sệt khi truyền tay những bài thơ của mình cho bạn bè, vì đó là tâm tình thật của anh.
Tết năm đó lớp tôi làm báo xuân, Chung cũng gởi bài đóng góp; nhưng vì chịu ảnh hưởng những lời nhận xét của thầy giáo, chúng tôi đã không chọn đăng bài của anh. Điều đó gây ra một nỗi ân hận sẽ dày vò chúng tôi nhiều năm sau. Nhưng thật lạ, Chung không hề giận chúng tôi, lại vẫn sẵn lòng chia sẻ với bạn bè những bài thơ mới mà anh chép rải rác trên những tờ giấy rời sau này đóng thành một quyển tập riêng.
Về sau lớn lên tôi mới hiểu ra không chỉ riêng mình thầy giáo tôi thành kiến với trò “thơ thẩn vớ vẩn” đó của những người như Chung. Thậm chí, có thời, ở xứ sở xa xôi nào đó, người ta còn xem thi sĩ là người vô nghề nghiệp, có thể gây nguy hại cho xã hội đến mức cần phải đưa đi lao động rèn luyện để không bị thành người “bán thân bất toại”. Vì những vần thơ viết ra giấy đâu có làm thêm được cái gì cho đám đông đang cần cơm no áo ấm. Thậm chí những người viết ra chữ còn có thể gây nhiễu, làm phiền phức cho xã hội nữa.
Sau ngày hòa bình, bạn bè lớp tôi nhiều người thành đạt, làm những nghề khác nhau: quan chức, doanh nhân, nhà giáo... ; nhưng không có ai thành thi sĩ. Gần đây tôi biết Chung cũng bỏ làm thơ lâu rồi, khi chữ nghĩa không còn đem lại niềm vui nữa. Anh lập gia đình, làm nghề trồng cây kiểng và tác phẩm của anh bây giờ là những cây bonsai đặt trong vườn nhà. Mỗi năm Tết đến, nhiều người đặt mua cây kiểng của anh và thay cho những bài thơ, hoa lá trong vườn anh theo những đường quanh ngõ hẹp tỏa về tận các xóm quê. Thật đáng tiếc, nếu hồi đó chúng tôi chịu khó chọn vài ba bài trong tập thơ chép tay của Chung đăng báo in ronéo, thì bây giờ lớp tôi còn lưu giữ một kỷ niệm êm đềm về người bạn khác thường đó. Điều duy nhất mà Chung để lại cho chúng tôi là cảm giác rằng trên đời này có những điều tưởng chừng “vớ vẩn”, nhưng lại khiến lòng ta nhớ tiếc biết bao.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
(*) Lời trong ca khúc Hoa xuân của Phạm Duy.
Theo: viet-studies
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét