Từ Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đến các trường phái khoa học nhân văn Việt Nam ngày nay, một thế kỷ nghiên cứu đã đưa đến một chân lý lịch sử : tổ tiên người Việt là người Việt cổ, còn gọi là người Lạc Việt, và thời đại đầu tiên của lịch sử Việt Nam là thời đại các vua Hùng, vua Thục, vua Trưng dựng nước Văn Lang - Âu Lạc, thời đại của văn hóa Đông Sơn, còn gọi là văn minh sông Hồng. Và cách nay hơn 3.000 năm, tổ tiên chúng ta, bằng dồ gốm Phùng Nguyên, đồ đồng Đông Sơn, và bằng những chữ viết còn đầy bí ẩn, đã sáng tác nên những trang cổ kính nhất của nền văn hóa học Việt Nam.
Những người Việt cổ nhất thời Phùng Nguyên đã làm nên những đồ gốm được trang trí bằng ba loại hoa văn đối xứng, nghĩa là họ đã biết đến ba khái niệm đối xứng khác nhau : đối xứng gương, đối xướng trục (còn gọi là đối xứng quay) và đối xứng tịnh tiến (Hà Văn Tấn, Người Phùng Nguyên và đối xứng, 1969).
Người Việt cổ thời Đông Sơn đã đúc nên những trống, thạp, vũ khí, dụng cụ bằng đồng. với nhiều hình ảnh khắc chạm cho chúng ta biết nhiều điều cụ thể về đời sống tinh thần : thờ thần mặt trời, tín ngưỡng phồn thực, biểu diễn và thưởng thức âm nhạc, múa, tổ chức lễ hội, chơi trò chồng nụ chồng hoa., cũng như về đời sống vật chất của họ : chăn nuôi, trồng trọt, dựng nhà, ăn mặc, trang điểm, đi thuyền trên sông nước và cả thế giới thiên nhiên chung quanh họ, với những chim, cá, cá sấu, cóc, hươu, bò, chồn, cáo, voi ...
Điêu khắc Đông Sơn còn cho thấy cả một cuộc sống Việt cổ bình yên, vui tươi, lạc quan, tình tứ : người thổi sáo, hai người cõng nhau thổi khèn, bốn đôi gái trai giao hoan.
(Hà Văn Tấn chủ biên, Văn hóa Đông Sơn, 1994 ; Nguyễn Duy Hinh, Trống đồng, quốc bảo Việt Nam, 2001).
Đặc biệt nhất là trên bốn chiếc qua đồng Đông Sơn có chạm khắc 28 chữ. Đó là những chữ viết Việt cổ mà cho đến nay chưa giải mã được (Hà Văn Tấn, Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và Nam Trung Quốc, 1982).
Hệ thống chữ viết Việt cổ (chưa giải mã được)
Rõ ràng tổ tiên ta là những nhà nông biết trồng lúa giã gạo, biết dựng nhà, đóng thuyền, những người thợ gốm, thợ luyện kim, đúc đồng có tay nghề cao, chế tạo ra đồng thau, có tâm hồn nghệ sĩ, biết vẽ tranh, tạc tượng, có tư duy khoa học và tư duy thẩm mỹ, biết thế nào là đối xứng, hài hòa, và làm chủ được những khái niệm hình học, số học, và có lẽ đã sáng tạo được chữ viết (dù đến nay chưa giải mã được), chứng minh cho một trình độ tư duy đã vượt qua hiện thực, để đạt đến trừu tượng, biểu tượng, khái quát.
Đóng góp phong phú của người nước ngoài vào nền văn hóa học Việt Nam từ hơn 2.000 năm qua
Do tình cờ của lịch sử, Việt Nam đã trải qua một đêm dài Bắc thuộc hơn nghìn năm và một đêm ngắn Pháp thuộc ngót nghét trăm năm. Ngoài ý muốn của họ, người Trung Quốc và người Pháp đã đóng góp nhiều cho văn hóa học Việt Nam.
Những ghi chép đầu tiên về Văn Lang - Âu Lạc, rồi Đại Việt nằm trong 25 bộ sử của các vương triều phương Bắc và trong trước tác của nhiều tư gia Trung Quốc. Tất cả các thư tịch cổ ấy đã được tập hợp đầy đủ trong Tứ khố toàn thư đồ sộ của đời Thanh.
Trong các thế kỷ từ 16 đến 19, vương quốc Đại Việt rồi Đại Nam đã tiếp xúc với nhiều giáo sĩ, nhà buôn, nhà thám hiểm, nhà mạo hiểm châu Âu. Chữ quốc ngữ ra đời. Thư từ, du ký, hồi ký, từ điển. của họ cộng với những tác phẩm của người Việt theo đạo Công giáo viết bằng chữ quốc ngữ đã tạo nên một nguồn tư liệu văn hóa học quí báu.
Từ nửa sau thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 là thời kỳ giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa Việt Nam với Pháp và Âu Tây. Sự có mặt của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tại Việt Nam từ 1900 đến 1957, rồi từ 1990 đến nay là một đóng góp to lớn cho văn hóa học Việt Nam. Đáng chú ý là trường đã đào tạo cho Việt Nam nhiều nhà văn hóa học ưu tú như những Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp. trước 1945. Ngoài những đóng góp của Trung Quốc và Pháp, còn phải kể đến những công trình văn hóa học của học giả nhiều nước trên thế giới : Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga. (Phan Huy Lê, Việt Nam học trên đường phát triển và giao lưu, hợp tác quốc tế, 2004).
Bước đầu phát triển của nền văn hóa học Việt Nam trong thời đại quân chủ ngàn năm
Nói gì thì nói, phần đóng góp quan trọng nhất vào văn hóa học Việt Nam vẫn là của người Việt Nam.
Văn hóa học thời Lý-Trần-Lê sơ (thế kỷ 11-15)
Vào những năm 1930, nhà khảo cổ học Pháp Louis Bezacier đã phát hiện ra những bệ đá kê các cột của chùa Pháp Tích có niên đại thế kỷ 11 trên đó chạm nổi dàn nhạc mười nghệ sĩ Việt chơi tám nhạc khí gần gũi với những nhạc khí Trung Quốc và Ấn Độ. Ông cha ta đã viết nên những trang văn hóa học ở thời Lý như thế đó. Ở thời Trần ta sẽ gặp lại hình ảnh những nhạc sĩ, những vũ sĩ Việt được chạm nổi trên các điêu khắc gỗ của chùa Thái Lạc. Vậy thì tài liệu văn hóa học đâu chỉ xuất hiện dưới dạng chữ viết ? Nhưng phải nói thêm rằng bên cạnh những Đại Việt sử lược, Tam Tổ thực lục, Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Nam Ông mộng lục... của thời Lý-Trần, An Nam chí lược của Lê Tắc (1307) là tư liệu văn hóa học rất quan trọng vì nó đã tập hợp được một khối lượng khá lớn những sự kiện lịch sử và văn hóa (kể cả âm nhạc) liên quan đến Việt Nam.
Ở thế kỷ 15, Nguyễn Trãi, tác giả Đại cáo bình Ngô bất hủ, đã cống hiến cho văn hóa học Việt Nam kiệt tác lớn đầu tiên : đó là cuốn Dư địa chí (1434), còn gọi là Ức Trai dư địa chí, gồm 54 mục, ghi chép khá đầy đủ địa lý thiên nhiên, hành chính lãnh thổ, văn hóa vật chất và tinh thần của Đại Việt từ thời cổ đại đến đầu thời Lê sơ.
Văn hóa học từ thời Mạc-Trịnh-Nguyễn-Lê mạt (thế kỷ 16-18) đến thời Tây Sơn-Nguyễn (cuối thế kỷ 18-cuối thế kỷ 19)
Nếu Lý-Trần-Lê sơ là thời đại phục hưng văn hóa dân tộc, thời đại của những Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn lừng lẫy thì có thể xem Mạc-Trịnh-Nguyễn-Lê mạt là một thời kỳ phục hưng văn hóa dân gian với ca dao, tục ngữ, truyện cười, truyện Trạng, truyện nôm, hàng trăm ngôi đình chứa đựng hàng ngàn bức chạm khắc gỗ dân gian, rồi tranh Đông Hồ, và nhất là gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu. được thế giới trung đại chú ý và nể trọng.
Hai đại biểu ưu tú của văn hóa học thời Mạc-Trịnh-Nguyễn-Lê mạt là Lê Hữu Trác và Lê Quí Đôn. Lê Hữu Trác (1720-1791) là tác giả bộ bách khoa thư y dược học Hải thượng Y tông tâm lĩnh đồ sộ; ông còn là nhà dưỡng sinh học, nhà dinh dưỡng học và ẩm thực học với Vệ sinh yếu quyết và Nữ công thắng lãm. Còn Lê Quí Đôn (1726-1784), nhà bác học đã viết gần 40 bộ sách thuộc nhiều lãnh vực khoa học nhân văn thì đúng là nhà bách khoa toàn thư lớn nhất của thời đại quân chủ. Kiệt tác của ông là Vân Đài loại ngữ mà để viết nó ông đã tham khảo 557 cuốn sách của ta và của Trung Quốc, có cả sách châu Âu dịch ra chữ Hán để lại cho đời sau một cái nhìn bao quát về đất nước và văn hóa Đại Việt giàu đẹp.
Thời Tây Sơn-Nguyễn (từ 1789 đến 1885) với đất nước được thống nhất lại và mở rộng tối đa, với quốc hiệu Đại Việt trở thành Đại Nam như muốn thách thức với những Đại Đường, Đại Tống, Đại Minh, Đại Thanh ở phía Bắc, đã là một thời kỳ chớm phục hưng văn hóa nhưng rồi bị dở dang, thui chột vì nạn mất nước. Nếu không có phong trào thực dân uy hiếp cả châu Á lẫn châu Phi thì đó là thời kỳ vẻ vang của những Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Phan Huy Chú, Cao Bá Quát., của kiến trúc cung đình và nhã nhạc cung đình Huế, hai sáng tạo Việt Nam mới đây đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới (1993, 2003).
Nhà bác học Phan Huy Chú (1782-1840) đã cống hiến cho văn hóa học Việt Nam kiệt tác Lịch triều hiến chương loại chí, soạn thảo trong 10 năm và mang dáng dấp một bách khoa toàn thư đích thực gồm 49 quyển, lần lượt trình bày tình hình lịch sử và địa lý Việt Nam qua các thời đại, tiểu sử các nhân vật, chế độ quan chức, các hình thức lễ nghi, chế độ khoa cử, chế độ thuế má và hành chính, tình hình pháp luật các triều đại, cách tổ chức quân đội, tình hình sách vở Hán-Nôm, chính sách đối ngoại và lịch sử ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc.
Bên cạnh Lịch triều hiến chương loại chí, thời thịnh của triều Nguyễn (Minh Mạng) còn để lại cho đời sau một công trình rất độc đáo, đó là bộ đỉnh đồng lớn chín cái (Cửu Đỉnh) đúc vào năm 1835-1837, vừa là một kiệt tác của kỹ thuật đúc đồng và nghệ thuật trang trí, vừa là một bách khoa thư văn hóa học bằng hình ảnh.
Mỗi đỉnh được đặt một tên (Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền) và được trang trí bằng các hình chạm nổi, tổng cộng 162 hình, phản ánh tất cả những gì đặc sắc nhất của vũ trụ, thiên nhiên, đất nước và văn hóa vật chất Việt Nam. Trên chín cái đỉnh, chúng ta thấy hình ảnh : biển Đông, biển Nam, cửa Thuận, cửa Hàn, núi Tản Viên, núi Ngự Bình, đèo Hải Vân, sông Hồng, sông Cửu Long, kênh Vĩnh Tế..., con rồng, chim công, chim trĩ, cá sấu, con sam, con trăn, rùa các loại, ve sầu, cọp, beo, ngựa, heo, nai..., quế, trầu, trầm hương, gừng, hành, tỏi..., gạo tẻ, gạo nếp, cây mít, cây cau, nhản vải, gỗ trắc, gỗ lim, hoa sen, hoa nhài, hướng dương... Nhà Việt Nam học người Pháp Barnouin đã gọi Cửu Đỉnh là tấm gương của vũ trụ Việt Nam (Le miroir du cosmos vietnamien).
Cơ quan văn hóa học thuật lớn nhất của triều Nguyễn là Quốc sử quán, hoạt động từ 1824 đến 1945, đã biên soạn và khắc in gần 70 bộ sách, mỗi bộ dầy từ 1.000 đến 10.000 trang chữ Hán, nhiều bộ có cả tranh minh họa, nổi tiếng nhất là Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, Đồng Khánh địa dư chí... là những công trình văn hóa học đồ sộ nhất của thời đại quân chủ đã qua (Phan Thuận An, Quốc sử quán triều Nguyễn ..., 1998).
Thành tựu của văn hóa học Việt Nam trong ngót một trăm năm giao lưu và tiếp biến văn hóa Việt Nam- Âu Tây
Kể từ sau khi người Pháp gây hấn với Đại Nam (1858) đến giữa thế kỷ 20 để áp đặt sự thống trị trên đất nước ta, áp đặt luôn việc sử dụng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ trong hoạt động hành chính, đời sống chính trị và sinh hoạt văn hóa thì chữ quốc ngữ đã trở thành cái đòn bẩy thúc đẩy văn hóa Việt Nam thời thuộc địa nói chung và văn hóa học Việt Nam nói riêng gặt hái được những thành tựu đáng kể ngoài ý muốn của kẻ cầm quyền. Văn học chữ quốc ngữ xuất hiện đầu tiên tại Nam kỳ, gắn liền với hoạt động rầm rộ của báo chí chữ quốc ngữ (tờ báo đầu tiên của Việt Nam là Gia Định báo, số 1, 15-4-1865), gắn liền với sự nghiệp văn hóa quan trọng của những Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký... Văn học và báo chí chữ quốc ngữ xuất hiện tại Bắc kỳ muộn hơn (Đại Việt tân báo, 1905, Đại Nam đồng văn nhật báo, 1907...), gắn liền với sự nghiệp văn hóa to tát của những Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim... và nhất là Tự Lực Văn Đoàn. Nền văn hóa học Việt Nam, từ nay thôi sử dụng chữ Hán, chữ Nôm, đã đạt đến những thành tựu đáng kể như Việt Nam phong tục, Nam Phong tùng thư, Thượng chi văn tập, Âu Tây tư tưởng, Việt Nam văn minh sử lược khảo...
Có lẽ ba nhà văn hóa học lỗi lạc của thời kỳ nửa đầu thế kỷ 20 là Trần Văn Giáp (Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tìm hiểu kho sách Hán-Nôm...), Đào Duy Anh (Việt Nam văn hóa sử cương, Từ điển Pháp-Việt, Từ điển Hán-Việt...), và nhất là Nguyễn Văn Huyên : bộ sách Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam (1995-1996) của ông là tập đại thành hàng chục công trình dân tộc học và văn hóa học đã được công bố trong khoảng 1/4 thế kỷ, từNam nữ đối ca ở Việt Nam và Nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á xuất bản tại Paris đến những nghiên cứu lớn khác xuất hiện trên tâïp san Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp mà ông là một thành viên ưu tú trước 1945.
Bước trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của 30 năm văn hóa học Việt Nam hiện đại hiện kim (1975-2004)
Vào tháng 8-1995, bộ môn văn hóa học được chính thức đưa vào giảng dạy tại đại học quốc gia Hà Nội trong hai chương trình : Văn hóa học đại cương và Cơ sở văn hóa Việt Nam.
Tuy là môn học mới nhưng văn hóa học đã có mặt từ nửa thế kỷ nay trong đời sống khoa học nhân văn Việt Nam. Nó đã có mặt từ ngày có ban Văn Sử Địa (1953) và tiếp tục có mặt - dù không có tên - trong các viện nghiên cứu của một tập hợp cơ quan nhiều lần thay đổi tên gọi : đầu tiên là Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, rồi đổi thành Viện khoa học xã hội Việt Nam, sau đổi thành Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia Việt Nam, để mới đây năm 2004 lại trở về với tên cũ là Viện khoa học xã hội Việt Nam.
Bên cạnh các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành gắn bó mật thiết với văn hóa học, việc nghiên cứu liên ngành khoa học nhân văn Việt Nam cũng được quan tâm. Đại học tổng hợp Hà Nội đã thành lập Trung tâm hợp tác nghiên cứu Việt Nam (1989) được đổi thành Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội (1995), và mới đây được đổi thành Viện Việt Nam học và khoa học phát triển (2004). Cần ghi nhận hai hoạt động lớn của văn hóa học Việt Nam hiện đại ở trong nước:
- Trung Tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia Việt Nam phối hợp với Đại học quốc gia Hà Nội đã tổ chứcHội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất tại Hà Nội, từ 15 đến 17-7-1998, với chủ đề tổng quát Nghiên cứu Việt Nam và phát triển hợp tác quốc tế, với sự tham dự của gần 300 nhà khoa học nước ngoài và 400 nhà khoa học Việt Nam.
- Viện khoa học xã hội Việt Nam và Đại học quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ hai tại Sài Gòn từ 14 đến 16-7-2004, với chủ đề lớn Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập : truyền thống và hiện đại, với sự tham dự của 550 nhà khoa học, trong đó 189 người đến từ 26 nước.
Điều quan trọng là trong khoảng thời gian 1/4 thế kỷ qua, văn hóa học Việt Nam trong cũng như ngoài nước cũng đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng.
Ở nước ngoài, nhất là ở Tây Âu và Bắc Mỹ, kể từ khi những Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường làm luận án tiến sĩ về Nam nữ đối ca ở Việt Nam hay về Bộ luật Hồng Đức thời Lê sơ, Việt Nam học của người Việt hải ngoại đã không ngừng đóng góp cho nền Đông phương học thế giới. Trong nửa thế kỷ gần đây, sự đóng góp ấy lại càng thêm dồi dào đa dạng. Các tạp chí, tập san trên giấy và trên mạng internet chuyển tải những công trình nghiên cứu văn hóa học xuất hiện ngày càng nhiều : Thế kỷ 21, Hợp Lưu, Vietnamologica. ở Hoa Kỳ, Canada., Thông Luận, Diễn Đàn, Thời Đại, Chim Việt Cành Nam, Cahier d'Etudes vietnamiennes (Đại học Paris 7). ở Pháp đã góp phần làm cho trăm hoa văn hóa học Việt Nam đua nở dưới trời Âu Mỹ. Một công trình có tính tổng hợp cao như Hành trình vào các nền văn hóa của Việt Nam (Lê Thành Khôi), bộ sách nhiều tập gồm Việt Nam gấm hoa, Việt Nam tinh hoa, Việt Nam quang hoa, Việt Nam anh hoa, Việt Nam thăng hoa (Thái Văn Kiểm), Nhật ký nhiều tập cực kỳ hấp dẫn của những Phạm Duy, Trần Văn Khê. chỉ là một vài ví dụ của vô vàn thành tựu văn hóa học Việt Nam hải ngoại.
Ở trong nước, chỉ xin nêu ra những thành tựu văn hóa học trong hai lãnh vực rất đáng chú ý : địa phương chívà văn nghệ dân gian.
Muốn chứng minh rằng có một nước Việt Nam giàu đẹp cả về thiên nhiên lẫn nhân văn thì nhất thiết phải tham khảo gần 20 công trình địa phương chí đã được công bố trong vòng 25 năm gần đây : Địa chí Hà Bắc, Địa chí Vĩnh phú, Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Địa chí văn hóa Bến Tre, Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (4 tập), v.v. Và mới đây nhất : Địa chí Cao Bằng (2001, 907 trang), Địa chí Bắc Giang (2002, 914 trang), Địa chí Bình Định (nhiều tập, 2002), Đất và người Thái Bình (2003, 987 trang).
Đóng góp nhiều nhất vào văn hóa học Việt Nam trong những năm gần đây có lẽ là cuộc tổng kiểm kê kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam dưới hình thức những xuất bản phẩm đồ sộ : Kho tàng tục ngữ người Việt (hai tập, 3246 trang), Kho tàng ca dao người Việt (hai tập, 3082 trang), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (hai tập, 1858 trang), Kho tàng truyện cười Việt Nam (5 tập, 2260 trang), Kho tàng truyện Trạng Việt Nam (6 tập, 2000 trang),Nguyễn Quỳnh, Trạng Quỳnh, Truyện Trạng Quỳnh (420 trang), Kho tàng diễn xướng dân gian (884 trang), Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam (1445 trang), Di sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam (1207 trang), v.v.
Nhưng quan trọng nhất có lẽ là việc công bố bộ Tổng tập văn hóa dân gian người Việt, 19 tập, do Nguyễn Xuân Kính và bốn chuyên gia văn hóa học ở Hà Nội chủ biên. Tiếp theo bộ Tổng tập văn học Việt Nam (văn học viết của người Việt), do Đinh Gia Khánh tổng chủ biên, với 42 tập và hơn 40.000 trang, thì bộ Tổng tập văn học dân gian người Việt này với một bản thảo dầy 19.000 trang đánh máy khổ A4 là thành tựu văn hóa học mới nhất, với 11 tập đã công bố, tính đến tháng 7-2004.
Có thể nêu tên một số nhà xuất bản đã công bố nhiều công trình văn hóa học có giá trị . Đó là các nhà xuất bản : Trẻ, Thế Giới (hậu thân của nhà xuất bản Ngoại Văn), Khoa học xã hội, Văn hóa thông tin, Văn hóa dân tộc, Âm nhạc, Mỹ thuật, v.v. Một số tạp chí, tập san cũng đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của văn hóa học :Etudes vietnamiennes (tiếng Pháp và tiếng Anh) có mặt từ 40 năm nay và đã ra hơn 150 số, Nghiên cứu văn hóa(hậu thân của Văn nghệ dân gian), Nghiên cứu nghệ thuật, Dân tộc học, Khảo cổ học, Nghiên cứu lịch sử, Nghiên cứu Hán-Nôm, Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Văn hiến, Thông báo khoa học của Viện âm nhạc, v.v. Có những tên tuổi được giới Đông phương học và Việt Nam học quốc tế chú ý : đó là những Hà Văn Tấn, Vũ Khiêu, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Từ Chi, Đinh Xuân Lâm, Trần Quốc Vượng, Đỗ Văn Ninh, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, Tô Ngọc Thanh, Đặng Văn Lung, Phan Ngọc, Vũ Ngọc Khánh, Huỳnh Ngọc Trãng, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Xuân Kính, Cao Huy Đỉnh, Chu Quang Trứ, Hữu Ngọc, Nguyễn Huy Hồng, Phan Huy Lê, Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Vinh Phúc, Phan Thuận An, Trần Bảng, Hà Văn Cầu, Nguyễn Đình Đầu, Sơn Nam, Nguyễn Duy Hinh, Lư Nhất Vũ, Phạm Đức Dương, Nguyễn Tấn Đắc...
Trước tác văn hóa học được in lại nhiều lần, được dịch ra tiếng nước ngoài và đang gây nhiều tranh luận là cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm khoa học tự nhiên Nga, và nhà văn hóa học có sự nghiệp trước tác phong phú và sâu sắc vào hàng đầu hiện nay là Trần Quốc Vượng, giáo sư Đại học quốc gia Hà Nội, mà cuốn Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm (2000, 986 trang) đáng được xem là một kiệt tác.
Chúng ta cũng nên biết rằng tạp chí " Xưa và Nay " của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam số 73 tháng 3 - 2000 xuất bản tại Hà Nột đã đưa tin: Trung Tâm Tiểu Sử Quốc Tế ( International Biography Center ) đặt trụ sở tại thành phố đại học nổi tiếng của nước Anh Cambridge đã đưa giáo sư Trần Quốc Vượng vào danh mục " 2000 Học Giả Xuất Sắc của Thế Kỷ 20 " vì những đóng góp của ông trong các lãnh vực sử học, khảo cổ học, folklor học, văn hóa học.
Theo: VHNA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét