Menu ngang

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Nợ công... 

Nguyên Hà/ VnEconomy 

Kỳ 1Nợ công và phần chìm của “tảng băng” doanh nghiệp nhà nước

“Khủng khiếp”, đó là chữ được TS. Trịnh Tiến Dũng, nguyên trợ lý Giám đốc Quốc gia - Trưởng ban Cải cách khu vực công UNDP Việt Nam, dùng để nói về độ lớn mức vay nợ của các doanh nghiệp nhà nước, có liên quan mật thiết đến nợ công.

Với phạm vi định nghĩa trong Luật Quản lý nợ công của Việt Nam hiện nay, ông Dũng cho rằng hầu hết nợ của doanh nghiệp nhà nước không được đưa vào trong nợ công quốc gia. Vì, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (4,2 - 6,9%) dư nợ của doanh nghiệp nhà nước là được Chính phủ bảo lãnh.

“Đó là phần vay vốn nước ngoài. Phần chìm của tảng băng doanh nghiệp nhà nước vay nợ trong nước theo hình thức tự vay tự trả mới lớn khủng khiếp”, tác giả Trịnh Tiến Dũng nhấn mạnh tại tham luận ở hội thảo về nợ công mới diễn ra hồi trung tuần tháng 7/2014.

Khá nhiều con số được ông Dũng sử dụng để minh chứng cho nhận định này. Như, nếu tính cả 86.000 tỷ đồng của Vinashin thì ngay từ cuối năm 2009 nợ của doanh nghiệp nhà nước đã lên tới 54,2% GDP của năm này. Riêng Vinashin có dư nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỷ đồng nhưng không thể tự cân đối được dòng tiền…

Tuy nhiên, Nhà nước tiếp tục các hình thức hỗ trợ như chuyển nợ (chuyển nợ của Vinashin sang Vinalines và Petro Vietnam), giãn nợ (bảo lãnh của Nhà nước trước các ngân hàng), bổ sung vốn, khoanh nợ... nói cho cùng đều dựa vào ngân sách Nhà nước, làm tăng thâm hụt ngân sách.

Và hậu quả là Nhà nước sẽ phải phát hành trái phiếu Chính phủ, để bù đắp thiếu hụt khiến cho nợ công của quốc gia tăng lên, ông Dũng khái quát.

Vẫn trong mối liên hệ với nợ công, hơn một lần tại các hội thảo lớn về tài chính, chuyên gia Phạm Thế Anh (Viện Chiến lược chính sách khoa học và công nghệ) cho rằng rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách. Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước mà có thể sẽ phải dùng ngân sách để trả mới là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công. Ví dụ như khoản nợ quốc tế 600 triệu USD của Vinashin hay hàng chục triệu USD của HUD...

Còn ở bản tham luận tại hội thảo mới được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức giữa tháng 7 vừa qua, các tác giả Phạm Thế Anh và Đinh Tuấn Minh đã dẫn con số từ báo cáo cuối năm 2013 của Chính phủ cho thấy tổng nợ của các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tính đến cuối năm 2012 là gần 1.550 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 52,5% GDP.

Nếu loại trừ phần cụ thể đã được Chính phủ bảo lãnh (5,2% GDP trong nợ công nước ngoài và 6,5% GDP trong nợ công trong nước) thì vẫn còn tới khoảng 40,9% GDP nợ của doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh, tham luận nêu rõ.

“Do vậy, nếu cộng cả con số nợ của doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh này cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản vào con số công bố chính thức thì nợ công Việt Nam hiện nay sẽ lên tới xấp xỉ 98,2% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn là 65% GDP được khuyến cáo phổ biến bởi các tổ chức quốc tế”, các tác giả cảnh báo.

Vẫn theo các chuyên gia Thế Anh và Tuấn Minh, rủi ro từ nợ của các doanh nghiệp nhà nước đối với nợ công quốc gia không hẳn chỉ nằm ở kênh vay nợ được Chính phủ bảo lãnh như đã nói trên.

Các khoản nợ từ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, nợ từ ngân hàng phát triển, nợ từ các ngân hàng thương mại và nợ chéo lẫn nhau của các doanh nghiệp nhà nước mới là mầm mống đe dọa an toàn nợ công quốc gia khi một số doanh nghiệp nhà nước lớn rơi vào thua lỗ nhưng lại không thể để chúng phá sản, tác giả Tuấn Minh và Thế Anh phân tích thêm.

Các tác giả tham luận cũng nhấn mạnh rằng, nếu như không muốn nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước trở thành mối đe dọa thực sự đối với an toàn nợ công quốc gia trong tương lai thì tiến trình cổ phần hóa và cải cách khu vực này cần phải được tiến hành một cách thực chất thay vì hình thức.

Cũng băn khoăn về mối quan hệ giữa ngân sách nhà nước và nợ doanh nghiệp nhà nước, TS. Lê Đăng Doanh nêu tính toán của các chuyên gia nếu bổ sung nợ của khu vực này thì nợ công sẽ lên đến 100 -105% GDP.

Ông Doanh cho rằng, cần thiết phải xếp loại nợ doanh nghiệp nhà nước và bổ sung một phần số nợ đó vào nợ công. Bởi, Bộ Tài chính nhiều lần tuyên bố nợ doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả song ngân sách nhà nước đã phải trả cho nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

Bởi vậy, giám sát toàn diện về nợ công, đặc biệt là ngăn chặn những tác động tiêu cực từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đến nợ công quốc gia, theo nhiều ý kiến đã trở nên rất cấp thiết. Ở bài viết tiếp theo, VnEconomy sẽ đề cập sâu hơn nội dung này.

 Kỳ 2: Giám sát nợ công khó đến mức nào? 

 Ảnh bên:Quốc hội đã yêu cầu giảm bội chi ngân sách, hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ, đảm bảo an toàn nợ công trong dài hạn...

 Từ độ chênh vênh của con số đến nguy cơ thực sự của nợ công và nhất là mối đe dọa từ phần chìm của tảng băng doanh nghiệp nhà nước, như VnEconomy đã phản ánh ở các bài trước, đều cho thấy tính cấp bách của giám sát về nợ công.

Ở kỳ họp thứ 7 vừa qua của Quốc hội, sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - một người rất am hiểu về nền tài chính quốc gia - nói: "Nợ công đang ở giới hạn pháp luật cho phép, nhưng đã đe dọa an ninh tài chính vĩ mô".

Tại nghị quyết được thông qua sau đó, Quốc hội yêu cầu giảm bội chi ngân sách, hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ, đảm bảo an toàn nợ công trong dài hạn…

Nhận xét những yêu cầu này là hoàn toàn chính xác, song chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng một mình Bộ Tài chính không thể thực hiện được nếu thiếu sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội.

Kiểm toán nợ công chính là một trong những công cụ trọng yếu trong việc hỗ trợ hoạt động giám sát của Quốc hội về nội dung này.

Tuy có thể vẫn còn tiếp tục tranh cãi về tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước, song một cuộc kiểm toán toàn diện về nợ công không chỉ là mong muốn của nhiều vị đại diện cho dân ở cơ quan lập pháp.

Nhưng, theo Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán nhà nước) Nguyễn Minh Giang, tính hiệu quả và hiệu lực của kiểm toán đối với quản lý nợ công còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, đặc biệt là những thách thức đặt ra trong tương lai.

Không chỉ chưa thể đi sâu đánh giá tình hình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay, tiến độ trả nợ, cơ cấu, chi phí và và việc hạch toán các khoản nợ công nhằm hạn chế rủi ro tài chính trong vay nợ, mà theo ông Giang thì Kiểm toán Nhà nước cũng chưa đưa ra được nhiều ý kiến tham mưu mang tính vĩ mô để giúp các cơ quan của Chính phủ hoàn thiện công tác quản lý nợ công.

Một nguyên nhân quan trọng của hạn chế này được ông Giang chỉ rõ là Kiểm toán Nhà nước chưa có một quy trình, hướng dẫn, thủ tục về kiểm toán nợ công một cách đầy đủ, có hệ thống và chuẩn mực theo thông lệ quốc tế để làm công cụ cho việc kiểm toán nợ công một cách hiệu quả, hiệu lực.

Trong khi đó, giám sát nợ công là vấn đề khó, chứa đựng nhiều mối quan hệ kinh tế và lợi ích phức tạp, gắn kết giữa vấn đề tài chính - ngân sách - chính trị và pháp lý, theo nhận xét của TS. Đặng Văn Thanh.

Là chuyên gia kinh tế cao cấp của Quốc hội, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, TS. Đặng Văn Thanh cho rằng giám sát của các cơ quan dân cử không chỉ tập trung vào những vấn đề liên quan đến chính sách nợ công mà cần xem xét trong mối liên hệ với các vấn đề cả kinh tế, chính trị và xã hội.

Vấn đề mà theo ông là khá quan trọng là phải nhận dạng và phát hiện các rủi ro ngay trong quá trình diễn tiến của nợ công, từ những quy định pháp lý và cơ chế quản lý của nhà nước, cho đến các công việc của người đi vay, đàm phán,ký kết vay nợ, nhận vốn, phân phối vốn vay, giải ngân cho đến sử dụng và trả nợ.

Vị chuyên gia này cho rằng, các rủi ro trong quy định pháp lý và tổ chức thực hiện vay nợ, quản lý nợ công và sử dụng nợ công là rất đáng kể. Khi hệ thống văn bản pháp quy đồng bộ và đầy đủ về quản lý nợ còn chưa được hình thành. Rất nhiều vấn đề về vay nợ, trả nợ, sử dụng vốn vay chưa có quy định pháp lý, chưa có văn bản hướng dẫn để điều chỉnh.

Từ góc nhìn “người trong cuộc” của cơ quan giám sát, “ông nghị” Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng để giải quyết căn cơ vấn đề an toàn của nợ công cần phải đổi mới căn bản Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành. Trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công và các đạo luật khác có liên quan.

Đại biểu Trần Du Lịch kiên trì quan điểm cần phải đổi mới căn bản quy trình lập và thông qua ngân sách của Quốc hội. Theo đó, nếu duy trì việc thông qua ngân sách hàng năm dưới hình thức một nghị quyết thì cũng phải thực hiện qua hai kỳ họp. Kỳ giữa năm thảo luận và quyết định chủ trương phân bổ ngân sách, định hướng chi tiêu… và kỳ cuối năm mới thông qua con số cụ thể.

Chính phủ không nên bảo lãnh cho chính quyền địa phương phát hành trái phiếu theo cơ chế tự vay tự trả và cảnh báo với thị trường đối với những khoản nợ của địa phương, đại biểu Lịch bày tỏ quan điểm.

TS. Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh, nếu kỷ cương ngân sách không được thiết lập theo hướng không có khoản chi nào của cơ quan hành chính nhà nước mà không nằm trong dự toán ngân sách đã được Quốc hội hoặc hội đồng nhân dân quyết định hằng năm, thì không thể kiểm soát được nợ công.

Như vậy, xem ra câu hỏi giám sát nợ công khó đến mức nào, vẫn thật khó có câu trả lời thỏa đáng.

...................
Tên bài của Quê Choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét