Menu ngang

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

 

     Chén rượu đắng C317 TNXP Truông Bồn

                                        Ghi chép: GIAO HƯỞNG


Suốt bốn ngày đoàn Nhà văn Nhà báo đến Đô Lương, Hưng Nguyên, Yên Thành, Quỳnh Lưu, vào từng gia đình dâng hương viếng anh linh 13 liệt sĩ TNXP C317 hy sinh trên trọng điểm Truông Bồn 31.10.1968. Chiều 03.12.2010 trước khi rời huyện Yên Thành, đoàn nhờ ông Nguyễn Tâm Cớn-Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện, dẫn đường đưa đoàn đến nhà thắp hương viếng ông Nguyễn Xuân Thỏa (1936-2010), nguyên Đại đội trưởng C317 TNXP Truông Bồn, quê xã miền núi Sơn Thành. Chúng tôi vào nhà chỉ gặp mỗi con gái ông Thỏa, cô cho biết lấy chồng xóm bên, mấy tháng nay phải gửi con nhờ ông bà nội chăm sóc, một mình cô về nhà túc trực khói hương cho cả bố và mẹ.

Đứng trước ban thờ của vợ chồng ông Thỏa cả hai chưa kỵ tiểu tường, tôi thầm thưa với linh hồn ông nội dung quan trọng mà đoàn chúng tôi vừa được Liệt sỹ Hoàng Thị Nhung cho phép mở “tàng thư”, đó là: Sáng 31.10.1968 (nhằm 10.9 Mậu Thân), từ 6h10 đến 10h10 trong 4 tiếng đồng hồ, Mỹ tiến hành 3 đợt oanh tạc chứ không chỉ 1 đợt, trút 170 quả bom tấn xuống phạm vi dài 120m, rộng 50m nhằm hủy diệt trọng điểm Truông Bồn! Với sức công phá của 170 quả bom tấn trên phạm vi 6.000 m2, bình quân 35m2 hứng trọn 1 quả bom, với mật độ dày đặc và cường độ công phá khủng khiếp như thế thì đến xương sắt da đồng cũng không nguyên vẹn!

Ông Tâm Cớn, Nhà văn Trần Huy Quang cùng tôi tìm trong bọc ni lông sinh thời ông Thỏa cất giữ tài liệu cẩn thận. Không còn giấy tờ gì liên quan thời kỳ C317, ngoài 2 bản phô tô 2 bài báo viết về sự kiện Truông Bồn bi hùng, được gia chủ  lưu giữ một đời, đó là Phóng sự Ngược Truông Bồn của tôi và bài Day dứt Truông Bồn của một Nhà thơ quê Nghệ nổi tiếng. Vì bản phô tô của bài Day dứt Truông Bồn không có măng sét nên tôi không biết bài này đăng trên tờ báo nào.

Rưng rưng nghĩ về ông Thỏa, tôi bơi về buổi chiều tháng 4.1997 lần đầu gặp nguyên Đại đội trưởng C317 TNXP Nghệ An-Nguyễn Xuân Thỏa giữa lam lũ đời thường. Sau khi tìm được chị Lê Thị Hường nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 5 C317, anh Nguyễn Xuân Phương nguyên C phó phụ trách kỹ thuật C317, chiều ấy tôi nhờ anh Phương làm hoa tiêu ngồi sau xe máy dẫn đường, vòng vèo chừng 30 cây số đến nhà ông Thỏa. Trong nắng chiều đầu hè oi bức, khi đến trước cổng nhà ông Thỏa tôi giữ ý tắt máy để anh Phương vào trước, tôi dắt xe theo sau. Vừa bước vào sân anh Phương lên tiếng:

 -Báo cáo Đại đội trưởng có nhà báo tìm gặp!
Anh Thỏa quần đùi áo may ô đang lúi húi gia cố mái che của bể tích trữ nước mưa, anh ngừng tay:
          -Báo chí gì các anh, chúng tôi đang như cóc kêu trời không thấu. Tại sao viết bao nhiêu bài về Truông Bồn rồi nay mới tìm gặp tôi?
          Anh hằm hằm đi vào nhà bếp, tôi đứng giữa sân nói to cốt để anh nghe:
-Thưa anh! Em là PV Báo Lao động, bao nhiêu bài về Truông Bồn, đăng ở báo nào, do ai viết em không biết. Cũng vì một phần sự thật của sự kiện Truông Bồn chưa được phát lộ, hôm nay em muốn gặp anh, đề nghị anh kiểm tra thẻ Nhà báo của em. 
Không thèm xem thẻ, cũng chẳng mở lời mời khách vào nhà, anh Thỏa lẳng lặng đi vào phía nhà bếp. Tôi theo anh Phương vào nhà và bấm bụng ngồi chờ. Lát sau anh Thỏa bước ra với bộ quần áo TNXP quen thuộc, chủ nhà không nói không rằng khiến 2 ông khách đành im lặng, tôi không bỏ sót từng sắc thái biểu hiện trên gương mặt chưa hết tức giận của anh. Chủ nhà tự tay pha ấm trà rót ra 3 chén nhỏ. Dù đang khát nhưng vì giữ phép lịch sự tôi chưa vội nâng chén vì chờ anh mở lời đúng với phép “tiền chủ hậu khách”. Vẫn không nói không rằng, anh Thỏa đột ngột xoay người mở cánh tủ lôi ra chai rượu nút lá chuối còn chừng một nửa, cẩn thận rót nước sôi tráng sạch 3 cái chén rồi mới rót rượu đầy tràn. Vẫn không nói không rằng, chủ nhà giơ chén rượu của mình ra trước mặt 2 khách, anh Phương nhìn tôi ngầm ra hiệu cùng nâng chén. Dù chủ nhà không chịu mở lời tôi đành lòng cầm chén đứng dậy nhắm mắt nhắm mũi “khà” cạn chén đắng cay. Đúng hơn tôi đã uống sạch sành sanh thái độ “tức cá chém thớt” của nguyên Đại đội trưởng C317 Truông Bồn. Sự nhận nhịn của khách khiến gia chủ nhận ra nóng nảy không đúng lúc đúng chỗ, càng không đúng đối tượng để cho mình trút giận, mãi sau anh Thỏa mới chịu cầm thẻ nhà báo của tôi lên soi:
-Bây giờ cậu cứ ghi âm, nếu ai đó có “y án tử hình” thì trước khi chết tôi vẫn nói lên sự thật. Đau lắm Nhà báo ơi. Về hưu làm thằng thường dân, quyền không, tiền không, thân cô thế cô, là Đại đội trưởng mà không dũng cảm bảo vệ được sự thật cho đồng đội mới ra nông nỗi này !
Anh Thỏa gục đầu xuống mép bàn như để tạ lỗi đồng chí, đồng đội mình. Tôi nhìn anh Phương. Anh Phương xúc động hướng đôi mắt ngấn lệ lên phía cao xanh. Từng dự bao cuộc xã giao nhưng chưa khi nào tôi được/bị/phải cạn trăm phần trăm thứ rượu lắm đắng nhiều cay như chén rượu tại nhà riêng anh Thỏa chiều ấy. Bù đắp cho sự kiên trì nhẫn nhịn để tìm ra sự thật là mục đích tối thượng của một Nhà báo, anh Thỏa tin tưởng cởi mở hết cõi lòng. Sự nhẫn nhịn đúng lúc đã cho tôi là người viết đầu tiên tiếp cận “sự thật của sự thật”, biết được địa chỉ cư trú để tìm chị Trần Thị Thông-nhân chứng trực tiếp sống sót sau 29 năm (1968-1997) vẫn chưa phát lộ; Hoặc tìm ra nhân vật đã được “trên” phân công làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng Danh hiệu cá nhân AHLLVTND, nhưng rất may là vừa xuất hiện trên ti vi trong phim Ký ức Truông Bồn thì “người đóng thế” bị các cựu TNXP C317 phản ứng dữ dội, nếu không phát hiện kịp dễ chừng Nhà nước trót vinh phong cho một “anh hùng đóng thế”. VTV buộc xếp cất bộ phim ấy vào kho. Buồn là cho đến khi phóng sự của tôi được đăng báo (10.5.1997) và cho đến nay (7.2014) tôi vẫn chưa xem bộ phim Ký ức Truông Bồn. Sau 1 tháng kể từ Phóng sự được đăng tôi càng buồn khi biết đạo diễn bộ phim ấy chính là người gắn bó với tôi 5 cái “đồng”: Đồng tộc (cùng đại chi dòng họ); Đồng môn (cùng khóa 70-73 trường Cấp 3 Nghi Lộc I). Đồng nhập ngũ (tháng 5.1972). Đồng học ngành Ngữ văn (tôi trước hắn sau cùng Tổng hợp Hà Nội); Đồng nghề báo (hắn nhà đài, tôi…nhà viết).
PS Ngược Truông Bồn tạo “tiếng bom dư luận”, góp phần giải tỏa bức xúc của hằng ngàn cựu TNXP Nghệ An về giữa đời thường, sau đó các cựu TNXP tổ chức mấy cuộc gặp mặt tại Vinh. Ban liên lạc nhờ chị Hoàng Thị Ngọc Điệp cựu TNXP trú thành phố Vinh đưa giấy mời đến tận nhà mời tôi tham dự. Lần gặp mặt ấy anh Thỏa nắm chặt tay tôi:
-Hôm anh Phương đưa chú đến nhà, vì đang “cóc kêu không thấu trời” nên anh có bức xúc nặng lời với chú. Chú thông cảm, anh đang đứng mũi chịu sào trước một phần sự thật đang dần sáng tỏ!
Rưng rưng cảm nhận hơi ấm từ lòng tay anh truyền sang, tôi nghe rõ lời xin lỗi ngổn ngang cõi lòng, qua đó hiện ra trách nhiệm của người chỉ huy C317 đối với những đồng chí, đồng đội hy sinh không thể nói cho mình về mình. Với hàng trăm cựu TNXP đang vẫy vùng giữa lam lũ đời thường, dù thấp cổ bé họng song họ là nhân chứng sống đã đang sát cánh cùng anh trong việc bảo vệ một phần sự thật đã bị biến dạng.
Ngày 06.10.2008 trước thềm kỷ niệm 40 năm sự kiện Truông Bồn bi hùng và đón nhận danh hiệu Đơn vị AHLLVTND cho tập thể 14 cán bộ chiến sỹ Tiểu đội 2, C317, Đội 65, Tổng đội TNXP Nghệ An thời kỳ kháng Mỹ cứu nước; anh Đinh Văn Ngư, Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Nghệ An cùng tôi đến thắp hương viếng các Liệt sỹ TNXP, tặng quà 9 gia đình Liệt sỹ TNXP C317 tại huyện Yên Thành. Sau khi thắp hương viếng Liệt sỹ Trần Thị Doãn xã Sơn Thành, chúng tôi đến nhà thăm anh Nguyễn Xuân Thỏa, buồn thay trước đó mấy hôm anh Thỏa đã vào điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Năm 2010 anh Thỏa mất tại quê xã Sơn Thành vì bạo bệnh.
Ông Tâm Cớn cho biết: Đảng ủy, chính quyền xã Sơn Thành, các cựu TNXP C317 huyện Yên Thành phối hợp tổ chức lễ tang anh Thỏa chu đáo, trọng thể. Chuyện gia đình ông Thỏa họa vô đơn chí là sự thật, ông Thỏa ra đi chừng 3-4 tháng thì bà góa phụ theo chồng về cõi vĩnh hằng. Khi trên 2 ban thờ ông bà đang nghi ngút khói hương thì đến lượt vợ chồng cô con gái của họ cũng kẻ trước người sau ra đi trong vòng một tháng. Tiếp đến cô cháu gái làm ăn trong Nam bụng mang dạ chửa về quê chờ sinh nở, nhưng chưa kịp đến ngày khai hoa lại cũng ra đi. Chỉ trong vòng 2009, 2010 dồn dập tới 6 người nhà lần lượt ra đi vì ung thư và bệnh tật, căn nhà của vợ chồng ông Thỏa càng u ám, dân làng bán tín bán nghi bảo nhà có ma. Người con trai út của ông Thỏa là Nguyễn Văn Minh, nhà nghèo không được học hành đến nơi đến chốn, không nghề nghiệp, nay đây mai đó ai thuê làm gì làm nấy, sau một thời gian bám trụ tại quê không kiếm nổi cái ăn, cuối cùng Minh phải rời nhà rời đất Sơn Thành ra Hà Nội làm thuê kiếm sống. Ngôi nhà xập xệ rệu rã lại càng hoang lạnh, 3 năm trước các cựu TNXP C317 đến thắp hương viếng người Đại đội trưởng kiên cường, chứng kiến ngôi nhà cũ nát không đủ sức che nắng che mưa mà không cầm nổi nước mắt. Hội cựu TNXP Nghệ An đứng ra xin và được Sở LĐTB&XH hỗ trợ 10 triệu đồng cho việc tu sửa chỗ hương khói ông Nguyễn Xuân Thỏa. “Công trình” xây được cái móng, đổ được mấy cái chân cột thì hết tiền, Hội cựu TNXP tỉnh chưa biết nhìn vào đâu để hoàn thành công trình tâm nguyện với ông Nguyễn Xuân Thỏa.

Trăm cay ngàn đắng chất chứa trong chén rượu mà từ mười mấy năm trước tôi phải/bị uống tại nhà Đại đội trưởng C317 TNXP Truông Bồn. Chén rượu cay đắng ấy bổng tràn về trong kỷ niệm vui buồn của một người làm báo, nó tràn theo thời gian. phủ lên số phận một cuộc đời lắm hy sinh mất mát kể cả sau khi ông lặng lẽ mang nó sang thế giới người hiền phía bên kia./.

                                                        Vinh, 5.7.2014
                                                               GH




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét