Menu ngang

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Nhà thờ Đức Sài



               
Nhà thờ Đức Sài - Di tích Lịch sử quốc gia

           Khuông phò xã tắc, hộ quốc tí dân

                                                                                                                                                                                      GIAO HƯỞNG

Ngày 19- 7 - 2013 (nhằm 12.6 âl năm Quý Tỵ) tại xã Nghi Hợp, chính quyền 3 cấp tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Lộc, xã Nghi Hợp, cùng Hội đồng quản tộc Đại Chi V dòng họ Nguyễn Đình, long trọng làm Lễ đón Bằng di tích xếp hạng Nhà thờ - Lăng mộ Nguyễn Kế Sài, Di tích lịch sử quốc gia (QĐ số 1455/QĐ-BVHTTDL ngày 18/4/2013 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL).

Tiếp đó con cháu tiến hành Lễ rước bằng Di tích từ Trụ sở UBND xã Nghi Hợp về Nhà thờ Thái Bảo Thượng Trụ Quốc Sái Quận Công Nguyễn Kế Sài (thường gọi Nhà thờ Đức Sài) là nhà thờ thứ 9  trên đất Nghệ An được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngài là con trai thứ 5 trong 16 người con trai của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí (1397-1465). Gia phả Chi V Nguyễn Đình không ghi năm sinh năm mất, chỉ ghi dỗ kỵ ngày 24.7 âl và Nhà thờ Ngài lập dựng khoảng từ năm 1512-Nhâm Thân, đến năm 1533-Quý Tỵ, khi lập dựng Nhà thờ thuộc xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, đạo Hoan Châu, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc. Từ giữa thế kỷ 20 lại nay, Nhà thờ Ngài đảm nhiệm phối thờ Thành hoàng làng Thượng Xá. Hơn 500 năm, Mộ và Nhà thờ Ngài liên tục được các thế hệ con cháu, chính quyền địa phương, cư dân Thượng Xá chăm sóc, gìn giữ, với nhiều lần trùng tu tôn tạo.
Suốt quá trình lâu dài, liên tục giữ gìn, tôn đắp Mộ và Nhà thờ Ngài mới có được kết quả như hôm nay, trên cơ sở đó UBND tỉnh Nghệ An lập CV đề nghị Nhà nước công nhận Mộ và Nhà thờ Ngài là Di tích Văn hóa Lịch sử cấp quốc gia. Ngày 28/8/2012 Viện Sử học Việt Nam có CV phúc đáp sô 88/VSH-QLKH&ĐT:  “…Dòng họ Nguyễn Đình làng Thượng Xá trước đây và nay thuộc xã Nghi Hợp, là một dòng họ trâm anh thế phiệt của dân tộc ta. Không chỉ Thủy tổ Cương Quốc công Nguyễn Xí là người có “bổng lộc, phẩm trật đều đạt tới độ vinh quang”, mà những người con của ông “đã noi gương thân phụ, đều hết lòng trung quân ái quốc, trong 15 người (con trai) thì có 7 người giữ chức vụ quan trọng trong triều và 8 người điều khiển chỉ huy 8 đạo quân trấn thủ các vùng xung yếu của đất nước Đại Việt..., đã có nhiều đóng góp to lớn đối với lịch sử dân tộc, đặc biệt trên lĩnh vực quân sự. Truyền thống đó được hậu thế ghi nhận: “Công lao vốn tự tổ tiên. An trạch dành cho con cháu.Tiếng tăm lừng lẫy Hoan Châu
…Nguyễn Kế Sài là con thứ 5 của Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Bia ghi sự tích Thái sư Cương Quốc Công do Trạng nguyên Nguyễn Trực soạn ngày 10.8.1467 năm Quang Thuận thứ 8 cho biết:…Con thứ 5 tên Kế Sài, làm quan chức Hành Thuận Hóa đạo Tam phụ quốc quân Đô Tổng binh sứ ty Đô Tổng binh sứ. Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn thế kỷ 18 cũng chép: Kế Sài, làm Tổng binh ở Hóa Châu, tặng là Thái Bảo…Là nhân vật lịch sử giữ trọng trách cai quản và trấn giữ đạo thừa tuyên biên viễn phía nam cực kỳ quan trọng của nhà Lê (vì đạo Thuận Hóa tiếp giáp với Chiêm Thành). Nguyễn Kế Sài cũng là ông Tổ của Chi V một trong hai Chi lớn và thành đạt nhất (cùng với Chi II) của dòng họ Nguyễn Đình làng Thượng Xá. Sách Đại Việt thông sử chép: Kế Sài sinh 9 người con trai, con trưởng là Đình Quang, con thứ là Đình Quả, làm chức Thái bộc tự khanh. Con thứ nữa là Đình Bảng, làm chức Tả hiệu điểm. Thứ nữa là Đình Trang. Thứ nữa là Đình Phú, làm Tả đô đốc, Bá châu hầu. Thứ nữa là Đình Bính, làm thống chế vệ Thủy quân. Thứ nữa là Đình Điền, Đình Kính, Đình Soạn…Như vậy, từ Cương Quốc công Nguyễn Xí - khai quốc công thần thời Lê, đến các thế hệ con cháu là…Nguyễn Kế Sài, Nguyễn Đình Phú, Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Đình Kính (thuộc Chi V), đã có những đóng góp nhiều công lao trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và mở mang đất nước Đại Việt thời Lê ở thế kỷ 15,16 nói chung, và quê hương vùng Thượng Xá, huyện Chân Phúc nói riêng (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).
Để khẳng định, ghi nhận và truy ân công lao khuông phò xã tắc, hộ quốc tí dân của các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Cương Quốc công - cựu Lê công thần nói chung, của nhân vật Nguyễn Kế Sài và các vị thần làng Ngoài xã Nghi Hợp nói riêng, Viện Sử học đề nghị Ban quản lý Di tích - Danh thắng Nghệ An hoàn thiện hồ sơ di tích Nhà thờ - Lăng mộ Nguyễn Kế Sài, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trình cơ quan chức năng các cấp xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 18.4.2013, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ký QĐ số 1455/QĐ-BVHTTDL cấp Bằng di tích Lịch sử quốc gia Nhà thờ - Lăng mộ Nguyễn Kế Sài.
Thái bảo Kế Sài là người vâng lệnh cha cùng với anh cả là Nguyễn Sư Hồi, về quê chiêu dân lập ấp, mở mang khai phá thêm vùng Thượng Xá, Vạn Lộc (thị xã Cửa Lò hiện nay). Vợ của Ngài tên là Ngọc Ất. Ngài có công lớn “phụ chính tam Triều, Thượng trụ Quốc” với triều Lê, được Vua Lê Trang Tông tấn phong Thái Bảo Thượng Trụ Quốc. Ngoài việc giúp tam Triều với vai trò Thượng Trụ Quốc, Ngài còn là thầy của Vua (theo gia phả Chi V). Là một trong 12 Tổng binh, Ngài góp công lao lớn với Dân với Nước.
 Dòng họ nào của người Việt cũng có một ông bà khởi tổ. Cũng như khe suối góp nước thành sông, các dòng họ hợp thành “họ”, từ “trăm họ” hợp nên thực thể “đồng bào”-quốc gia-dân tộc. Từ góc nhìn văn hóa, có thể nói lịch sử-văn hóa Việt Nam là tập đại thành của lịch sử “trăm họ đồng bào”. Dòng họ là cái nôi tích hợp, bảo tồn giá trị văn hoá của ông cha, là nơi để người Việt gạn lọc, tiếp biến những giá trị tinh hoa văn hoá giữa các thế hệ, nhờ đó mà từ một thực thể “con người” mang tính sinh học thuần túy trở thành một tế bào xã hội. Ba tiêu chí lớn: Yêu nước-Văn hóa-Lao động của truyền thống dòng họ, cũng chính là 3 nội dung cơ bản hiện hữu bền vững trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Họ Nguyễn Đình làng Thượng Xá khởi dòng đến nay đã 600 năm, qua bao biến cố lịch sử-xã hội, dòng họ này luôn là sông lớn góp nước cho đại dương. Khi Cương Quốc Công Nguyễn Xí được Lê Thái Tổ ban Quốc tính (mang họ Lê). Là đấng khai quốc công thần được mang họ nhà Vua, nhưng Nguyễn Xí vẫn Mạng lý hữu thời chung tụ hữu (cái gì có trong ta thì mãi mãi là của ta), không vì ân thưởng lớn mà tự đánh mất, tự hòa tan cái của mình, vậy nên mở đầu bản Di huấn lập năm 1462 (3 năm trước khi mất), Cụ dặn lại con cháu:
 “TA là người xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, đạo Hoan Châu, vốn họ Nguyễn, tên Xí, mấy đời sống ở vùng biển với nghề nấu muối...TA sinh được 16 con trai và 8 con gái. Con trai lấy vợ Công chúa, con gái lấy chồng Hoàng tôn (con cháu của Vua). Ai cũng được hưởng vinh quang tột mức phẩm chế (chế độ phẩm hàm). Vua còn sắc ban lộc điền công thần....Nay các người trông thấy nhà đẹp ruộng tốt, giàu có, thì phải nghĩ đến nỗi vất vả chặt gai phát bụi của TA...” (Trích Di huấn của Cương quốc công Nguyễn Xí)
Cương quốc công Nguyễn Xí mất ngày 30.10 âl năm 1465 (Ất Dậu) tại Hoàng thành Thăng Long. Tháng 10 năm Đinh Hợi (1467) dịp kỵ đại tường  Ngài, Vua Lê Thánh Tông ban tặng 1000 quan tiền, sai đại thần mang về lập dựng Đền thờ Ngài tại làng Thượng Xá theo chế độ "quốc tế" (nhà nước tế lễ). Thái sư Nguyễn Xí có 3 người vợ, sinh hạ được 16 người con trai (trai út mất lúc 3 tháng tuổi), 8 người con gái. Với hơn 600 năm khởi dòng, đến nay họ Nguyễn Đình thành đại ngàn hậu duệ, duệ tôn, không ngừng rễ sâu gốc vững sinh sống làm ăn khắp trong, ngoài lãnh thổ Việt Nam, và luôn sát cánh cùng “trăm họ muôn dân” tô thắm truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa, truyền thống lao động sáng tạo của người Việt Nam. Có được thành quả to lớn liên tục, bền vững ấy là nhờ:  Cây có gốc mới sinh chồi nẩy lộc/Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu/ Sinh ra người có Tổ có tiên/Có gia tộc họ hàng trên dưới/Tạo hóa sinh thành muôn vật/Riêng loài người có tính thiêng liêng….  (Nguyễn Hữu Kỷ, làng Lộc Thọ, xã Phúc Thọ, Nghi Lộc). Năm 1993 Nhà thờ Thái sư Cương Quốc Công được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Như vậy tại xã Nghi Hợp hiện có 2 Di tich lịch sử Quốc gia gồm Nhà thờ Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí và Nhà thờ Thái Bảo Nguyễn Kế Sài./. 



A1: Bái đường Nhà thờ Thái Bảo Nguyễn Kế Sài


A2 Bức đại tự tại Bái đường


A3 Đại diện 9 Trung Chi dâng hương ngãy dỗ kỵ Ngài Thái Bảo (24.7 aal)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét