Menu ngang

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

"QUÂN TỬ-TIỂU NHÂN" 
   THEO KHỔNG GIÁO 
 
* Học giả: Trần Trọng Kim
 
                                             ______
Đạo của Khổng Tử là đạo của người Quân tử cốt dạy người ta cho thành người có đức hạnh hoàn toàn và có nhân phẩm tôn quý, cho nên bao nhiêu những sự dạy dỗ học tập của Khổng giáo đều chú cả vào sự gây thành người Quân tử.
Khổng Giáo chia người ở trong xã hội ra làm hai hạng là: Quân tử và tiểu nhân. Quân tử là quý là hay, tiểu nhân là tiện là dở. Vậy trước khi bàn đến các mục khác, thiết tưởng nên nói rõ tư cách của người Quân tử và kẻ tiểu nhân khác nhau thế nào thì sau xem mới rõ mọi ý nghĩa.


Người ta sinh hoạt ở đời bao giờ cũng tựa người hành khách, lúc nào cũng thấy có hai con đường giao nhau ở trước mặt. Có người biết chọn con đường thẳng mà đi thì được sự ung dung mà chóng đến nơi. Có người đi con đường cong queo thành ra vất vả mà không bao giờ đến nơi được.
Con đường thẳng là con đường Đạo đức, Nhân nghĩa; con đường cong queo là con đờng gian ác, quỷ quyệt. Trong hai con đường đó, ta phải chọn lấy một con đường mà đi. Đi con đường thẳng là người Quân tử, có nhân cách hoàn toàn. Đi con đường cong là người tiểu nhân hèn hạ.
Lúc đầu chữ Quân tử là nói người có địa vị tôn quý, mà chữ tiểu nhân là người thường nhân không có địa vị gì trong xã hội. Nghĩa ấy rất rõ trong những câu này: Khổng Tử nói rằng:
“Quân tử học đạo tắc ái quân, tiểu nhân học đạo tắc di sử giã” (Quân tử học đạo thì yêu người, tiểu nhân học đạo thì dễ khiến). (Luận Ngữ: Dương Hóa XVII).
“Quân tử nghĩa dĩ vi thượng, Quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa vi đạo”. (Quân tử chuộng nghĩa, Quân tử có dũng mà không có nghĩa thì làm loạn. Tiểu nhân có dũng mà không cò nghĩa thì làm đứa ăn trộm). (Luận Ngữ: Dương Hóa XVII).
Về sau dùng rộng nghĩa ra, gọi Quân tử là người có đức hạnh tôn quý và gọi tiểu nhân là người có chí khí hèn hạ. Vậy người Quân tử theo nghĩa rộng thì dẫu bần cùng khổ sở vẫn là Quân tử và người tiểu nhân tuy có quyền tước sang trọng, cũng vẫn là tiểu nhân. Người đi học cũng vậy, có người nho Quân tử, có người nho tiểu nhân.
Khổng Tử bảo thầy Tử Hạ rằng: “Nhữ vi Quân tử nho, vô vi tiểu nhân nho”. (Ngươi làm nho Quân tử, không làm nho tiểu nhân). (Luận ngữ: Ung Giã, VI).
Nho Quân tử là người học đạo Thánh Hiền để sửa mình cho thành người có phẩm giá tôn quý, dẫu bần cùng cũng không làm điều trái đạo. Nho tiểu nhân là người mượn tiếng học đạo Thánh hiền để cầu danh, cầu lợi, miệng nói những điều đạo đức mà bụng nghĩ làm những việc bất nhân bất nghĩa.
Khổng Tử phân biệt cái thái độ thế nào là Quân tử, thế nào là tiểu nhân. Ngài nói rằng: “Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt”.
(Quân tử đạt về cái lý cao minh, tiểu nhân đạt về cái lý đê hạ). (Luận Ngữ: Hiến vấn, XIV).
Quân tử bao giờ cũng theo Thiên Lý cho nên tâm tính thanh minh, nghĩa lý sáng rõ, biết điều gì là càng ngày càng tinh thâm, làm việc gì là càng ngày càng thuần thục, bởi vậy mới tiến lên chỗ cao minh.
Tiểu nhân bao giờ cũng theo nhân dục, cho nên cái chí khí mờ tối, cứ bị vật dục sai khiến, biết cái gì càng ngày càng sai lầm, làm điều gì càng ngày càn rỡ, bởi vậy mới trụy lạc về đường đê hạ.
“Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”. (Quân tử hiểu rõ chưng nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ chưng lợi). (Luận Ngữ: Lý Nhân, IV).
Nghĩa, là cái chinh đáng của Thiên Lý; Lợi, là cái ham mề của nhân dục. Người Quân tử hiểu sâu việc nghĩa, cho nên mới dốc lòng muốn làm việc nghĩa; kẻ tiểu nhân hiểu sâu việc lợi cho nên mới dốc lòng lo làm việc lợi. Làm việc nghĩa mà có lợi là chính đáng, làm việc lợi mà quên việc nghĩa là trái lẽ.
“Quân tử Trung dung, tiểu nhân phản Trung dung” . (Quân tử thì Trung dung, tiểu nhân thì trái Trung dung). (Trung dung).
Quân tử hiểu suốt đến cái lẽ rât cao xa, rồi chọn cài vừa phải mà theo, cho nên mới Trung dung. Tiểu nhân chỉ biết cái tư lợi mà không biết cái lý cao xa, cho nên chỉ làm những việc tầm thường mà thôi, thành ra bao giờ cũng trái với Trung dung.
“Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân”. (Quân tử cầu ở mình, tiểu nhân cầu ở người) (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV).
Cầu ở mình là chỉ cầu cái thực có của nình, cầu ở người là chỉ cầu cái hư danh đối với người. Cầu ở mình thì cái đức càng ngày càng tiến lên, cầu ở người thì cái lòng muốn càng ngày càng buông xỏng ra.
“Quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái”. (Quân tử thư thái mà không kiêu căng, tiểu nhân kiêu căng mà không thư thái). (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII).
Cái bụng của Quân tử chỉ theo cái lý tự nhiên cho nên lúc nào cũng yên nhàn tự đắc, không có cái gì là căng kỷ ngạo vật. Cái bụng kẻ tiểu nhân chỉ thích cái muốn của mình, cho nên khi đắc chí thì tỏ ra mặt khoe khoan kiêu ngạo, không có cái thái độ thung dung như người Quân tử.
“Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”. (Quân tử hòa với mọi người mà không về hùa với ai, tiểu nhân thì về hùa với mọi người mà không hòa với ai). (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII).
Quân tử chỉ chuộng nghĩa để bụng vào việc công, cho nên đối với người chỉ theo cái lý công nhiên mà phân biệt những điều phải trái hay dỡ để hòa với mọi người chớ không a dua với ai cả.
Tiểu nhân chỉ chuộng lợi, để bụng vào việc tư, cho nên đối với người chỉ a dua theo bọn nầy, đảng kia để chống với người, thành ra chỉ đồng mà không hòa vậy.
“Quân tử chu nhi bất tỉ, tiểu nhân tỉ nhi bất chu”. (Quân tử chung khắp cả mọi người mà không tây vị, tiểu nhân tây vị mà không chung). (Luân Ngữ: Vi Chính, II).
Cái bụng người Quân tử bao giờ cũng công nhiên, cho nên xem thiên hạ như một nhà, xem mọi người như một mình, ai đáng yêu thì yêu, không đợi có theo mình mới yêu, đáng làm ơn cho ai thì làm, không đợi có cầu đến mình mới làm, việc gì cũng lấy lòng quảng đại công chính mà không hề có điều thiên tư.
Cái bụng kẻ tiểu nhân thì chỉ biết tư lợi, hễ thấy ai có thần thế thì phan phụ vào, hoặc thấy ở đâu có lợi lộc thì xu hướng về, hoặc bè nọ, đảng kia để giao kết làm điều gian ác, bỏ mất cái công nghĩa.
“Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích”. (Quân tử bao giờ trong bụng cũng thẳng lòng lọng, tiểu nhân bao giờ trong bụng cũng lo ngai ngái). (Luận Ngữ: Thuật Nhi, VII).
Quân tử theo Thiên lý cho nên lúc nào cũng thư thái, tiểu nhân bị vật dục sai khiến, lúc nào cũng phải lo nghĩ để cầu danh cầu lợi, cho nên suốt đời chỉ những lo buồn.
“Quân tử cố cùng, tiểu nhân cung tư lạm hỹ” (Quân tử cố giữ lúc khốn cùng, tiểu nhân phải lúc khốn cùng thì làm vậy). (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV).
Quân tử phải lúc khốn cùng thì cứ lấy nghĩa mệnh mà tự yên;
Tiểu nhân phải lúc khốn cùng thì không nghĩ gì đến lễ nghĩa đạo lý nữa, điều bậy bạ thế nào cũng làm được.
“Quân tử bất khả tiểu tri, nhi khả địa phụ giã; tiểu nhân bất khã đại thụ, nhi khã tiểu tri giã”. (Quân tử không thể biết được cái nhỏ mà có thể chịu được cái lớn, tiểu nhân không có thể chịu được cái lớn, mà có thể biết được cái nhỏ vậy). (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV)
Quân tử đối với việc nhỏ mọn vị tất đã làm được, nhưng cái tài đức có thể đương được việc to lớn; tiểu nhân tuy có cái khí tượng hẹp hòi nhưng đối với việc nhỏ có cái sở trường khả thủ được.
“Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác; tiểu nhân phản thị”. (Quân tử gây thành cái hay cho người ta, không gây thành cái ác cho người ta; tiểu nhân không thế). (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII).
Lòng người Quân tử vốn hậu mà cái sở hiếu chỉ ở sự Thiện, cho nên thấy ai làm điều hay thì khuyến miễn người ta cố gắng làm hay hơn nữa, hoặc thấy ai làm điều ác thì can ngăn, không để cho người ta làm thành điều ác được.
Lòng kẻ tiểu nhân vốn bạc, mà cái sở hiếu chỉ ở điều ác, cho nên thấy ai làm điều ác thì xui khiến để cho thành ra ác, hoặc thấy ai làm điều Thiện thì lại ghen ghét, kiếm cách ngăn trở để cho không thành được điều Thiện, bời thế mới trái với người Quân tử.
“Quân tử vị sự nhi nan, duyệt giã, duyệt chi bất dĩ đạo, bất duyệt giã, cập kỳ sử nhân giã, khí chi; tiểu nhân nan sự, nhi dị duyệt giã, duyệt chi bất dĩ đạo, duyệt giã, cập kỳ sử nhân giã, cầu bị yên”. (Quân tử dễ thờ mà khó làm cho đẹp lòng, vì không lấy đạo làm cho đẹp lòng thì không đẹp lòng, kịp đến dùng người thì tùy tài mà dùng; tiểu nhân khó thờ mà dễ làm cho đẹp lòng, vì không lấy đạo làm cho đẹp lòng cũng đẹp lòng, kịp đến dùng người thì cầu toàn trách bị”. (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII).
Cái tâm của Quân tử Công và Thứ. Công thì chuộng ngững điều trung chính, dẫu ai có đem những điều trái đạo lý mà làm cho đẹp lòng cũng không ưa, vậy nên khó làm cho đẹp lòng được. Còn cách dùng người thì lấy lòng thứ mà đãi, tùy cái tài khí của từng người mà dùng chứ không bỏ ai cả, vậy nên dễ thờ.
Cái tâm của tiểu nhân Tư và Khắc. Tư thì chuộng những điều không chính, cho nên dù không theo đạo lý mà cũng làm cho đẹp lòng được. Còn cách dùng người thì lấy lòng khắc mà đãi, dùng ai thì muốn người ấy thật toàn bị mới nghe, cho nên khó thờ.
“Quân tử nhi bất nhân giã, hữu hỹ phù? Vị hữu tiểu nhân nhi nhân giả giã”. (Quân tử mà bất nhân, có vậy chăng? Chưa có tiểu nhân mà là người có nhân vậy). (Luận Ngữ: Hiến Vấn, XIV).
Bậc nhân giả là thuần theo Thiên lý, chứ không có một hào ly nào tư dục.
Người Quân tử phải để chí ở đạo Nhân, đáng lẽ là không lúc nào bất nhân được, song trong khoảng giây phút có lúc tâm bất tại, thì cái Thiên lý gián đoạn đi mà làm điều bất nhân, điều ấy có khi có chăng.
Còn kẻ tiểu nhân thì đã mất bản tâm và bỏ mất Thiên lý rồi, dẫu một đôi khi cái Thiên lý có phát hiện ra nữa thì cũng không thắng được cái tư dục, cho nên kẻ tiểu nhân không bao giờ có Nhân.
Khổng Tử chia nhân loại ra làm hai hạng người như thế. Quân tử chủ ở sự theo Thiên lý để làm những điều Công Chính. Tiểu nhân chủ ở sự theo tư dục để làm những điều Tà khúc.
Một đàng là làm cho tôn phẩm giá của mình lên, Một đàng thì làm cho hạ phẩm giá của mình xuống. Ai muốn theo đường nào cũng tùy ở cái chí của mình cả.
Người Quân tử bao giờ cũng ôn nhã, tĩnh trọng, không hề làm điều gì là không hợp lẽ phải.
Khổng Tử nói: “Quân tử bất ưu, bất cụ”. (Quân tử không lo, không sợ). (Luận Ngữ: Nhan Uyên, VII). Người Quân tử làm việc gì cũng theo đạo lý, tự xét trong bụng không có hối hận thì còn lo và sợ gì nữa.
“Quân tử ưu đạo bất ưu bần”. (Quân tử lo đạo, không lo nghèo). (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, VI). Người Quân tử lấy sự học đạo làm gốc, cho nên chỉ lo không đạt tới đạo, chứ không lo có lợi lộc hay không có lợi lộc.
“Quân tử bất khí”. (Quân tử tùy nghi làm việc gì cũng được, chứ không chỉ một tài, một nghề mà thôi). (Luận Ngữ: Vi Chính, II). Khí là cái đồ dùng về một việc gì, chứ không dùng làm việc khác được. Người Quân tử không như thế, dùng làm được cả mọi việc.
“Quân tử căng nhi bất tranh, quần nhi bất đảng”. (Quân tử nghiêm trang mà không tranh với ai, hợp quần với mọi người mà không bè đảng). (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV).
Quân tử tự mình nghiêm nghị theo cái lý công nhiên mà đối với người, chứ không thiên tư cho nên không tranh giành với ai. Xử với người thì thân ái cả mọi người, không vị tình riêng mà a tùng theo đảng, theo bọn để cầu lợi riêng.
“Quân tử vô sở tranh tất giã xạ hồ! Ấp nhượng nhi thăng, hạ nhi ẩm, kỳ tranh giả quân tử”. (Quân tử không tranh gì cả, mà có tranh nữa thì ắt là như việc bắn thi chăng! Vái nhường rồi mới lên thềm, xuống thềm mời nhau uống rượu, sự tranh ấy là sự tranh Quân tử). (Luận Ngữ: Vấn Bái, III).
Người Quân tử có vì đạo lý mà tranh luận điều gì, thì cũng theo cái nghĩa lễ nhượng cung kính để không mất đạo Trung. Tranh luận mà vẫn ung dung khiêm tốn như lệ tập bắn đời xưa, nghĩa là tranh nhau nhưng vẫn giữ cách tranh nhau của người Quân tử, chứ không như cách tranh nhau của kẻ tiểu nhân, lấy tư tình khách khí mà đối với người.
“Quân tử dục nột ư ngôn, nhi mẫu ư hành”. (Quân tử muốn nói thì chậm mà làm thì nhanh). (Luận Ngữ: Lý nhân IV).
Nói thì dễ mà hay hỏng ở chỗ nói quá sự thật; làm thì khó mà hay hỏng ở chỗ làm không cố hết sức, bởi vậy người Quân tử muốn nói chậm mà làm nhanh.
“Quân tử trinh nhi bất lượng”. (Quân tử cố giữ điều ngay chính, mà không cố chấp những điều tiểu tín). (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV).
Quân tử giữ bền cái chí theo lẽ Công Chính, không bao giở thay đổi cho nên gọi là trinh, và không khăng khăng một mực cố chấp một điều tiểu tín cho nên gọi là bất lượng.
“Quân tử thượng giao bất siểm, hạ giao bất độc”. (Quân tử giao với người trên thì không nịnh, giao với người dưới thì không nhàm). (Dịch: Hệ Từ Hạ).
Giao với người trên thì kính, nhưng kính quá thành ra siểm; giao với người dưới thì hòa, nhưng hòa quá thành ra nhàm.
Người Quân tử không siểm và không nhàm.
“Quân tử kiến cơ nhi tác”. (Quân tử xem cơ màu mà động tác). (Dich: Hệ Từ Hạ). Cơ là phần tinh vi nảy ra lúc sắp động, người Quân tử phải xem xét suy nghĩ cho cẩn thận để lúc làm việc gì thì biết rõ cái cơ có làm được hay không. Có cái cơ làm được mà không làm là dại; chưa có cái cơ làm được mà làm cũng là dại, không phải là người Quân tử.
“Quân tử kinh dĩ trực nội, nghĩa dĩ phương ngoại”. (Quân tử chủ ở sự kính để giữ cái bụng cho thẳng, giữ điều nghĩa để khiến các việc ở ngoài cho có khuôn phép). (Dịch: Văn Ngôn Truyện). Kính là chủ ở sự hàm dưỡng ở trong bụng cho ngay chính; Nghĩa là chủ ở sự thi thố ra ngoài cho hợp đạo lý.
“Quân tử chí ư thiên hạ giã, vô thích giã, vô mịch giã, nghĩa chi dữ tỉ”. (Quân tử đối với việc thiên hạ không chuyên chủ một việc nào, không cố chấp không làm một việc nào, cứ theo cái công chính mà làm mọi việc). (Luận Ngữ: Lý Nhân, IV).
Thích là có việc không nên làm mà cứ chuyên chủ làm cho được;
Mịch là có việc nên làm mà cứ theo cái tư ý cố chấp không làm. Thích với mịch đều trái với nghĩa. Người Quân tư thì không thế, đối với việc trong thiên hạ cứ theo cái nghĩa mà làm, chứ không khăng khăng một mực giữ cái tư ý định trước. Vậy nên việc của người Quân tử làm bao giờ cũng công chính.
“Quân tử nghĩa dĩ vi chất: Lễ dĩ hành chi, tốn dĩ xuất chi, tín dĩ thành chi, Quân tử tai!”. Quân tử lấy nghĩa làm cốt: lấy lễ mà làm, lấy khiêm tốn mà thi thố ra, lấy lòng tin mà thành tựu thật là Quân tử vậy thay!). (Luân Ngữ: Vệ Linh Công, XV).
Nghĩa là cái gốc của muôn sự, cho nên bao giờ cũng phải lấy nghĩa làm cốt. Làm điều nghĩa thì cần có tiết văn, thi thố điều nghĩa ra thì cần có tốn nhượng, thành được điều nghĩa là ở chỗ thành thực. Đó mới thực là việc người Quân tử.
“Quân tử động nhi thế vi thiên hạ đạo, hành nhi thế vi thiên hạ pháp, ngôn nhi thế vi thiên hạ tắc, viễn chi tắc hữu vọng, cận chi tắc bất yếm”. (Quân tử cử động có thể đời đời làm đạo cho thiên hạ, hành vi có thể đời đời làm khuôn phép cho thiên hạ, nói năng có thể đời đời làm chuẩn tắc cho thiên hạ, người ở xa có trông mong, người ở gần không bao giờ chán). (Trung Dung).
“Quân tử chi đạo, đạm nhi bất yếm, giản nhi văn, ôn nhi lý”. (Đạo của người Quân tử nhạt mà không chán, giản dị mà có văn vẻ, ôn hòa mà hợp lý). (Trung Dung).
Đạo của Quân tử mới đầu tưởng là đạm bạc, nhung lâu càng hiểu ra càng lấy làm hay, cho nên không chán; đạo ấy giản dị mà biền biệt rõ các nghĩa lý, cho nên mới có văn; ôn nhuận mà chính trực cho nên mới hợp lý.
Đạo Quân tử cao thâm thanh nhã như vậy, ai muốn theo thì phải lập chí mà học tập. Khổng Tử nói rằng: “Quân tử bất trọng, tắc bất uy, học tắc bất cố. Chủ trung tín vô hữu bất như kỷ giả, quá tắc vật đạn cải”. (Quân tử không hậu trọng thì không uy nghiêm, học không kiên cố. Chủ ở sự trung tín, không bạn với người không làm điều nhân như mình, có điều lỗi thì chớ sợ tìm cách mà sửa đổi). (Luận Ngữ: Học Nhi, I).
Quân tử phải gây nuôi lấy phần thâm hậu ở trong cho trịnh trọng, thì rồi cái dáng điệu ở ngoài mới có vẻ uy nghiêm và sự học của mình mới được kiên cố.
Nếu ở trong mà khinh phù thì ở ngoài không có uy nghiêm và sự học của mình không có gì là chắc chắn. Giữ được như thế rồi cứ lấy trung tín làm chủ, tìm bạn hay hơn mình mà học tập. Hễ thấy mình có điều gì sai lầm là phải sửa đổi ngay. Ấy là cách học và tu dưỡng rất hay vậy.
Người Quân tử hành đạo cốt ở thân mình, làm việc gì sai lầm là minh phải tự trách mình, tựa như người đi tập bắn, bắn không trúng bia là tại mình ngắm không ngay.
Vậy nên Khổng Tử nói: “Xạ hữu tự hồ Quân, thất chư chính hộc, phản cầu chư kỳ thân”. (Người tập bắn cũng tựa như người Quân tử, bắn không trúng bia thì tự xét lại mính). (Trung Dung).
Người Quân Tử thấy điều thiện thì phải cố làm cho được, thấy điều ác thì phải sợ hãi, như lời cổ nhân đã nói: “Kiến thiện như bất cập, kiến bất thiện như thám thang”.(Thấy điều thiện phải cố làm như là theo không kịp, thấy điều bất thiện thì phải sợ hãi như thò tay vào nước sôi). (Luận Ngữ: Quý Thị, XVI).
Học làm Quân tử thì phải thành thực, không bao giờ dối mình mà làm hại cái biết của mình.
Khổng Tử nói: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri giã”. (Cái gì biết thì cho là biết, cái gì không biết thì chịu là không biết, ấy là biết vậy). (Luận Ngữ: Vi chính, II).
Sự lý trong thiên hạ vô cùng ta không thể biết hết được. Vậy cái gì quả thật ta biết thì ta nhận là biết; cái gì ta không biết thì ta không nhận là biết.
Như thế tuy có điều ta không biết nhưng cái bản tâm của ta vẫn không tự khi, mà cái bản thể chân thực của sự biết cũng không bị mờ tối, ấy là sự biết đó rồi. Lấy cái tâm thành thực ấy mà đối với sự học vấn để biện biệt sự phải trái, để suy nghĩ điều hay dở thì sự biết của ta mới có thể tiến được.
Muốn là Quân tử thì phải giữ đủ cả phần chất phác ở trong và phần văn hoa bên ngoài, đừng để chếch lệch về phần nào.
Khổng Tử nói: “Chất thắng văn tất dã, văn thắng chất tắc sử; văn chất bân bân, nhiên hậu Quân tử”. (Chất hơn văn thì quê mùa, văn hơn chất thì kém lòng thành thật; văn chất đều đều nhau, nhiên hậu mới thật là Quân tử). (Luận Ngữ: Ung Giã, VI).
Chất phác mà quá hơn văn vẻ là thô lỗ, văn vẻ mà quá hơn chất phác là hào nháng bề ngoài, trong không có gì là thực. Bởi vậy phải có văn và có chất đều nhau, đừng để bên nọ hơn bên kia thì mới thật là Quân tử vậy.
Người Quân tử thật là hoàn toàn thì rất khó.
Thầy Tử Lộ hỏi Khổng Tử thế nào là người hoàn toàn, Ngài nói rằng: “Kiến lợi tư nghĩa, kiến nguy thụ mệnh, cửu yêu bất vong bình sinh chi ngôn, diệc khả dĩ vi thành nhân hỹ”. (Thấy lợi nghĩ đến nghĩa, thấy sự nguy cấp thì trao mệnh mình mà chống lại, lời giao ước đã lâu năm mà không quên, người ấy cũng khá cho là người hoàn toàn vậy). (Luận Ngữ: Hiến Văn, XIV).
Thầy Nhan Uyên hỏi cái đức hạnh của người hoàn toàn là như thế nào, Khổng Tử nói rằng: “Thành nhân chi hạnh, đạt hồ tình tính chi lý, thông hồ vật loại chi biến tri u minh chi cố, đổ du khí chi nguyên, nhược hữu khả tắc vị thành nhân. Ký tri thiên đạo, hành thân dĩ nhân nghĩa, sức thân dĩ lễ nhạc. Phù nhân nghĩa lễ nhạc, thành nhân chi hanh giã, cùng thần tri hóa, đức chi thịnh giã”. (Đức hạnh của bâc Thành nhân là: Đạt cái lý của tình tính, suốt cái biến của vật loại, biết cái cớ u minh, rõ cái nguồn du khí (như là sống chết hồn phách), như thế gọi là bậc thành nhân. Đã biết Đạo Trời, lại đem mình làm những điểu nhân nghĩa, trang sức mình bằng lễ nhạc. Nhân nghĩa lễ nhạc là cái hạnh của bậc thành nhân, cùng thần tri hòa, cái đức đến thế thật là thịnh vậy). (Khổng Tử tập ngữ: Sở phạt Trần, XVIII). (1)
Cái phẩm giá của bậc người Quân tử hoàn toàn cao như thế, sự học vấn rộng như thế, không thể lấy cái tư cách của hạng người tầm thường chỉ bo bo những việc thiển cận trước mắt mà ví được. Vậy nên người đi học muốn theo đạo của người Quân tử cần phải cố gắng lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét