Menu ngang

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

LUNG LINH KÍ ỨC



                   LUNG LINH KÍ ỨC

                                                             GIAO HƯỞNG

Đầu Mậu Thân (1968), vùng bãi ngang xứ Nghệ chìm trong bom thảm, pháo bầy, chuẩn bị bước vào năm học 1968-1969, học sinh cấp 1 cấp 2 đều phải sơ tán lên các huyện miền Tây. Bố tôi - một túc Nho của làng Lộc Thọ - gửi tôi ra Bắc tiếp tục chư­ơng trình cấp 2, đồng thời để...bảo toàn giống nòi. Ra hôm tr­ước,  hôm sau tôi nhập học Trư­ờng xã An Hòa, huyện Tam D­ương, Vĩnh Phú. Hết học kỳ I lại theo Viện Thiết kế của Bộ Công nghiệp nặng, chuyển về xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, Hà Bắc.
H
Xã Tam Sơn quê hương của Ngô Gia Tự - chiến sỹ cộng sản tiền bối, cũng là quê hương phong trào "Nghìn việc tốt". Nhưng vì cơ quan cậu tôi chuyển về muộn mất 2 tuần nên trường "nghìn việc tốt" không cho tôi là cái thằng chưa được tốt nào nhập học, đành phải sang học Trư­ờng cấp 2 xã Tư­ơng Giang bên cạnh, hằng ngày cuốc bộ khoảng 12 cây số cả hai chiều đi về. Gần 700 thấy trò Trư­ờng T­ương Giang chỉ mình tôi nói “giọng Nghệ dễ nghe", nên “thằng bé hoàn cảnh chạy loạn”  đ­ược thầy cô bạn bè tận tình sẻ chia giúp đỡ.

Một lần, từ Trư­ờng cấp 2 xã T­ương Giang, tôi băng qua mấy cánh đồng về chùa Tam Sơn, giữa đ­ường gặp bác thợ cày ngồi nghỉ dư­ới bóng cây. Thấy thằng nhóc chào bằng "Nghệ ngữ", bác kéo tôi cùng ngồi và cho tấm bánh gai, bác bảo: Từ ngàn năm trước đất T­ương Giang này có sông Tiêu Tương, có chùa Tiêu Sơn (tức chùa Thiền Tâm). - Cháu vào Chùa Thiền Tâm rồi, như­ng chưa biết Tiêu trong Tiêu T­ương với Tiêu trong Tiêu Sơn, T­ương trong Tiêu T­ương  với Tư­ơng trong Tư­ơng Giang, về nghĩa có liên quan với nhau không?- Bác chỉ nghe ng­ười già truyền lại như vậy. Còn tít đằng kia là làng Đình Bảng đó, x­ưa gọi là h­ương Cổ Pháp, và cả T­ương Giang này nữa một thời cũng soi bóng xuống dòng Tư­ơng. Vật đổi sao dời, ngàn năm sau vẫn đất cổ ấy là nơi bác cháu mình đang ngồi, nhưng dòng T­ương thì chỉ còn trong ca dao cổ ngữ, trong da diết lời ru và  trong thao thiết biển đời mà thôi!
                           
Ngày ấy giáo dục trên toàn miền Bắc, lao động là môn chính khóa của chương trình phổ thông, cứ thứ Năm hằng tuần thầy trò cùng nhau lao động sản xuất. Ý thức trong việc chấp hành sự phân công lao động là một trong những tiêu chí để đánh giá đạo đức học trò (gọi là hạnh kiểm), điểm của kết quả lao động được cộng với điểm của các môn học chính khoá,, cuối năm được tính vào điểm tổng kết đánh giá học lực của trò. Cách giáo dục ấy giúp học trò "chín sớm", lũ con trai chúng tôi mười ba mười bốn tuổi đã biết đánh tranh, trát vách, lợp ngói sửa nhà; con gái cũng chẻ lạt đan phên che thưng trường lớp; Giáo viên các bộ môn cũng tay lấm chân bùn với học trò, cũng làm cỏ bón phân để cho những thửa ruộng thí nghiệm của trường luôn đạt cao sản.
Hơn 20 năm sau, tháng 11/1989 tôi có dịp sang Thái Lan, được nghe một số bà con Việt kiều tại tỉnh Nakhonphơnôm và tỉnh Mụcđahán kể rằng, từ năm 1928 Nguyễn Ái Quốc (hồi đó lấy tên là Thầu Chín) sang đây gây dựng cơ sở đào tạo cán bộ, chuẩn bị nguồn lực lâu dài cho cách mạng Việt Nam. Ban đầu Thầu Chín mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho con em Việt kiều, thứ Năm hằng tuần thầy trò tạm nghỉ học để tăng gia lao động, chăm sóc vườn cây ăn quả của trường. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi nước nhà giành độc lập, chương trình giáo dục của chế độ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu,suốt nhiều chục năm liền dành ngày thứ Năm hằng tuần để thầy và trò cùng học môn lao động. Đầu những năm tám mươi của thế kỷ 20 cải cách giáo dục, từ đó "hành trong học, học trong hành" vào ngày thứ Năm hằng tuần không còn duy trì trong một nền giáo dục từng thăng hoa trong đạn lửa.   
Trường cấp 2 xã Tương Giang ngày đó nằm cách chùa Tiêu không xa, sau buổi sáng lao động thứ Năm, mấy bạn trong lớp rủ tôi lên chùa Tiêu. Chùa tọa trên núi Tiêu Sơn, ban đầu gọi là chùa Lục Tổ, rồi chùa Thiền Tâm, về sau gọi là chùa Tiêu. Núi Tiêu Sơn nằm giữa cánh đồng mà ngày ấy còn là thẳng cánh cò bay, nhìn từ xa núi Tiêu như khối ngọc xanh khổng lồ đã được bao đời bảo quản cất giữ. Chùa được xây dựng từ trước thời Lý, vừa là nơi đào tạo ra nhiều bậc cao Tăng, vừa là nơi tàng trữ cung cấp sách kinh Phật cho nhiều chùa trong khắp cả nước. Năm 13 tuổi Lý Công Uẩn được Thiền sư Vạn Hạnh trụ trì chùa Tiêu đưa về đây rèn cặp, về sau Lý Công Uẩn lên ngôi mở ra triều Lý (1009-1225). Thiền sư Vạn Hạnh học rộng tài cao kiến thức uyên thâm, Thiền sư cống hiến trọn đời mình không chỉ vì lợi ích của giáo Phật. Với việc hậu thuẫn đưa Lý Công Uẩn lên ngôi khởi đầu triều Lý, mở ra thời kỳ phồn vinh của nước Đại Việt trong suốt nhiều thế kỷ tiếp đó, tài năng công lao của Thiền sư đã đang và mãi được lịch sử nước nhà ghi nhận. Phật giáo nước Đại Việt suy tôn Thiền sư Vạn Hạnh lên hàng Quốc sư. Trên đỉnh ngọn Tiêu Sơn gần trường cấp 2 tôi học, từ lâu nhân dân dựng Tượng đài vị Quốc sư-nhà yêu nước Vạn Hạnh: Ngài toạ trên lưng mãnh hổ, bàn tay Quốc sư như đang xoa đầu một chú khỉ bên cạnh, hình tượng thể hiện tầm tư tưởng nhân văn sâu sắc, vừa cụ thể tấm lòng từ bi bao la trời biển của vị Quốc sư.
Hằng ngày tôi đi bộ chừng 6 cây số từ trường về xã Tam Sơn là nơi ở trọ, cụ già nhà cạnh đường thấy nhóc tôi "nói giọng Nghệ dễ nghe" kéo tôi vào nhà cho ăn ngô bắp. Cụ búi tóc củ tó, trên vách nhà treo mấy bức chữ Nho rất đẹp, cụ bảo họ Nguyễn làng Tiên Điền trong Nghệ và họ Nguyễn xã Tương Giang của cụ chung gốc Tổ họ Nguyễn làng Canh Hoạch trấn Sơn Nam (nay là Hà Đông). Mấy lần các cụ ngoài này muốn vào Nghệ để nối kết gia phổ nhận anh em, nhưng bom đạn dữ quá nên tạm gác lại.
Cụ cho biết, nhiều thế kỷ qua chùa Tiêu quê cụ liên tục được trùng tu tôn tạo với tư cách là một trung tâm Phật giáo lớn của nước Việt.- Thưa cụ, cháu thấy ở đây các bà các mẹ gặp nhau ngoài đường vẫn chắp tay chào nhau cung kính, cháu cạn nghĩ kiểu chào ấy chỉ áp dụng nơi cửa Thiền chứ ạ ?
Cụ thủng thẳng xoa đầu tôi: - Cháu nhầm! Chắp tay chào nhau cung kính không phải là đặc trưng của riêng nhà Phật, từ xưa cách chào này đã rất thông dụng trong xã hội Việt Nam. Từ khi người Pháp sang đô hộ nước ta họ mang theo động tác bắt tay kiểu chào của người phương Tây, dần người mình chạy theo mốt  của người Tây mà bỏ mất cái đặc trưng rất đẹp của tổ tiên mình!
Bữa đó tôi được cụ khai tâm về kiểu chào chắp tay cung kính, theo đó, hình ảnh chắp tay thể hiện ý nghĩa Hiệp chưởng - Liên hoa thủ. Hiệp chưởng (hai bàn tay chụm lại): Biểu trưng cho sự hoà hợp bình đẳng, hiệp sức chung lòng vì mục đích tốt đẹp cao cả. thể hiện tinh thần "lục hoà cộng trụ" trong tổ chức đoàn thể. Nếu thiếu "lục hoà cộng trụ" sẽ dẫn đến vấn nạn mất đoàn kết nội bộ, phá vỡ kỷ cương, gây thù gây oán đẩy nhau vào vòng đau khổ. Liên hoa thủ (bàn tay hoa sen): Chắp tay là biểu trưng của nụ búp sen, tuy chưa nở nhưng vẫn đủ đầy đặc trưng tốt đẹp của hoa sen-loài hoa biểu trưng nhiều ý nghĩa trong giáo lý đạo Phật. Chắp tay xã giao là "trực chỉ nhân tâm kiến tinh thành Phật". Cháu cứ hiểu nôm na là chúc mọi người đạo đức vẹn toàn, được vậy thì sẽ tiến tới thành Phật.
- Thưa cụ ! Trong que cháu không còn chùa chiền, mà sao khi cúng giỗ Chạp cháu nghe người ta vẫn khấn xin Quan thế âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn ! Quan thế âm Bồ Tát là người thế nào mà mọi người đều tôn kính cầu xin?
Lần này cụ già cười to: - Câu hỏi này thì ông phải lục sách vậy. Lục sách phần vì đọc đã lâu giờ nhiều chỗ quên, phần vì do là tích truyền nhưng khi mình kể lại cũng phải có sách có chứng để mà thủ. Lớn lên cháu hiểu, ở đời phàm người ít đọc sách thì hay cãi, mà khi người ta cãi cối cãi chày mà mình không có sách trong tay thì rất dễ "thằng chết đúng, thằng khiêng sai".
Cụ chậm rói đọc tôi nghe tích truyện để thay cho việc trực tiếp trả lời câu hỏi vỡ sao Bồ Tát được mọi người tôn kính cầu xin. Chuyện nghe từ 45 năm trước, giờ đầu hai thứ tóc mà tôi chép lại vẫn như mới nghe hôm kia hôm qua.
Quan âm là một trong những Bồ Tát của Phật giáo. Quan thế âm là hoá thân của từ bi, là Thần cứu khổ cứu nạn giúp đời. Một lần Quan âm có việc phải đi qua sông Lạc Thuỷ rất rộng, dòng chảy dữ dằn, đứng bờ bên này nhìn không thấy ng­ười bờ bên kia, thuyền đò qua lại đã nhiều lần gặp nạn, không ít ng­ười vĩnh viễn nằm lại d­ưới lòng sông. Đúng bữa đó Bồ Tát chứng kiến thảm hoạ đắm đò, nhiều ng­ười bị nư­ớc cuốn không tìm đ­ược thi thể. Tiếng khóc than vang vọng đôi bờ. Cả một rừng ng­ười mà đành phải khoanh tay nháo nhác, Bồ Tát đăm chiêu nghĩ kế sách cứu nhân độ thế.
Sau đại hoạ ấy, ngư­ời ta thấy trên quãng rộng nhất của sông Lạc Thuỷ xuất hiện một thiếu nữ dịu dàng xinh đẹp, đêm ngày cần mẫn chèo đò đ­ưa đón khách qua sông. Trong vòng một tháng khắp vùng rộ lên ý ngọc lời vàng về thiếu nữ chèo đò đức,tài, sắc vẹn toàn, ăn nói dịu dàng, trình độ tay nghề không ai sánh kịp. Hữu xạ thiên hư­ơng (mùi thơm tự bay lên trời), l­ượng khách qua sông tăng đột biến, đôi bờ tấp nập đêm ngày. X­ưa nay các quý tử con nhà khá giả vẫn qua sông bằng thuyền rồng thuyền ph­ượng của nhà, như­ng từ sau bữa chứng kiến cô lái đò dung nhan nghiêng n­ước nghiêng thành ấy, các quý tử vì “nghiện” sắc đẹp mà chen nhau xuống đò để có dịp tỏ tình với Tiên nữ giáng trần. Phí qua đò cô cũng bằng các đò khác, nhưng cuối ngày tiền cô thu về thì gấp nhiều lần đồng nghiệp. Tiếng thơm về cô ngày càng lan toả trong dân chúng, song một vài kẻ ghen ăn tức ở thì hậm hực phao tin đồn đại bôi nhọ rằng, cô lái đò dùng kế mỹ nhân hút hết khách quen của họ. Mặc, Tiên nữ giáng trần vẫn nhiệt tình đ­ưa đón khách, dịu dàng t­ươi c­ười nói với mọi ng­ười.
Phàm là thói đời thì dù ít hay nhiều, thời nào cũng còn chuyện ghen ăn tức ở, kẻ gian tham không từ dã tâm ngậm máu phun ngư­ời, họ th­ường tìm cách bôi nhọ ng­ười thẳng ngay. Một điểm chung có ở mọi thời mọi cuộc là: Kẻ sỹ biết dành Tâm-Trí vì mục đích chung của cộng đồng xã hội trong đó có mình; còn tiểu nhân  thì tìm mọi cách “đào mỏ” cộng đồng, không từ dã tâm hại ngư­ời để thu vén cho mình.
Ngày qua ngày cô lái đò thu về bộn tiền, nh­ưng số tiền lớn ấy vẫn ch­ưa đủ để làm một cây cầu qua sông Lạc Thuỷ. Mấy tháng sau cô đánh tiếng kén chọn ng­ười làm chồng, ng­ười mà cô kén chọn phải đạt các tiêu chuẩn sau: Gia đình giàu có, khôi ngô tuấn tú, không nghiện ngập r­ượu chè cờ bạc…
Đ­ược lời nh­ cởi tấm lòng, các quý tử khắp trong vùng đua nhau mang hết tiền bạc ra đua tìm vận may. Tr­ước một “rừng” quý tử tuấn tú khôi ngô, giàu sang phú quý, gia thế họ tộc nổi tiếng ngất trời, cô lái đò nhỏ nhẹ dịu dàng:
- Các chàng đến đây ai cũng xứng làm chồng, mà thân em thì chỉ có một. Để đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, em xin phép cắm sào cho đò đậu giữa lòng sông, các chàng đứng trên bờ ném tiền vàng xuống thuyền. Ai ném tiền trúng người em thì xin được nhận làm chồng !  
Lập tức trận mưa tiền vàng từ đôi bờ trút xuống lòng đò giữa sông, cô gái vẫn đứng vẫy tay cười, cô càng cười tươi tiền vàng trên bờ càng tăng tốc trút xuống lòng thuyền. Khi những núi tiền vàng trên bờ đã được ném hết xuống thuyền, lạ thay không có đồng nào trúng được người cô lái đò. Đứng giữa thuyền đó đầy ắp tiền vàng cô vẫn tươi cười vẫy gọi, nhưng các chàng trai không còn tiền vàng để ném tiếp, rốt cuộc không chàng trai nào đoạt nổi người đẹp. Đúng lúc ấy Lã Động Tân-vị Thần cao minh, có việc qua sông, Thần nhận ra cô lái đò là Quan âm Bồ Tát và nói:
- Đáng khen ! Góp tiền vàng để Bồ Tát xây cầu cho muôn dân thoát khỏi thảm hoạ sông nước, để thiên hạ được chung hưởng an bình thật đáng khen !
Bồ Tát thuê thầy thợ giỏi trong vùng đến làm cầu, mấy hôm sau trên quãng sông ấy xuất hiện cây cầu vững chãi. Muôn dân phấn khởi vui mừng đi tìm Quan âm Bồ Tát để được nói lời cảm tạ nhưng chẳng thấy Ngài đâu. Từ đó các thế hệ người đời tạc dạ ghi lòng hình ảnh vị cứu tinh bằng cách nhắc tên Ngài mở đầu cho các bài khấn tế, cầu nguyện: Con lạy Ngài Quan thế âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho muôn chúng sinh…Và Đền thờ Bồ Tát luôn hiện hữu giữa lòng người dòng đời !



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét