Menu ngang

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

ĐIÊN NẶNG


Truyện ngắn                      ĐIÊN NẶNG

                                                                                 Võ Minh


 Đỗ Đa May. Cái tên mà thuở thiếu thời thằng Đa May luôn hãnh diện khoe với lũ trẻ: “ Bố tao đặt tên này là để cho tao luôn luôn được may mắn”. Kể ra cuộc đời của Đa May cũng có nhiều cái may thật. Chỉ tính riêng một con đường học hành của anh ta đã thấy sự hanh thông. Ai cũng bảo “Đa May rất thông minh, thi vào đâu đều đỗ đó”. Có như vậy trong bảng vàng danh dự treo ở nhà thờ tổ họ Đỗ mới có tên “Đỗ Đa May kỹ sư điện”.
            Nhưng có lẽ cái may lớn nhất của anh là thoát khỏi lò lửa chiến tranh sau những tháng năm lính trận được trở về. Đỉnh điểm những ngày ác liệt đó là tám mốt ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, năm một chín bảy hai. Nơi mà phần lớn đồng đội của anh không về. Họ đang sống mãi với tuổi hai mươi của mình, vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

            Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại ưu của Trường đại học Bách khoa, anh được nhận về làm việc tại Ban cơ điện nhà máy cơ khí Thành Đô Hà Nội. Lại một cái may lớn nữa đến với anh. Cái may mà bao người dân nghèo khó miền Trung quê anh luôn mơ ước. Đấy là được làm việc tại đất Thủ đô.
            Là một kỹ sư điện duy nhất trong nhà máy, Đa May phải tiếp quản một khối lượng đồ sộ của công việc của hậu quả chiến tranh để lại. Một hệ thống điện chắp vá tạm bợ. Một nguồn điện lưới cứ phập phù và bị cắt điện bất cứ lúc nào. Một hệ thống máy công cụ hầu như mất hết sơ đồ, hệ thống điều khiển. Là nguyên nhân bấy lâu nay nhà máy làm ăn thua lỗ do sản xuất bị đình trễ không hiệu quả. Năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra không đảm bảo tiêu chuẩn.
      Để khắc phục được cản trở này, Đa May đã thiết kế, lắp đặt bộ phận khởi động tự động máy phát khi mất điện lưới để hòa nó vào mạng chung. Đấy là chưa nói đến anh phải tính toán thiết kế lại toàn bộ hệ thống mạng lưới điện, thay thế những bó cáp cao su lùng nhùng dưới đất đang tua tủa trườn dài đến các máy phay, tiện, khoan, bào… của từng phân xưởng.
            Uy tín của kỹ sư điện Đa May nổi lên như một hiện tượng lạ, lần đầu tiên xuất hiện trong nhà máy. Được mọi người khích lệ, quý mến tin yêu. Đa May như được tiếp thêm sức mạnh. Anh đã đem hết sức mạnh tuổi trẻ để say mê nghiên cứu, thiết kế, cải tiến những thiết bị cũ mới phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất của nhà máy. Anh hồ hởi nhiệt tình chia sẻ những kiến thức đã học được của mình cho những ai cần hiểu biết thêm để phục vụ sản xuất.
            Chính vì sự nhiệt tình hăng hái này mà đã đem đến những phiền toái cho anh. Đấy là từ khi cậu Sáu thợ gò bậc bốn, đem tấm tôn đến nhờ Đa May chỉ dẫn cắt để gò chính xác hình chóp nón.
- Đây có phải diện tích góc không anh? – Sáu nói.
- Góc không thể đo bằng đơn vị của diện tích, mà chỉ có số đo bằng độ thôi. Hãy nhớ kỹ điều sơ đẳng này nhé! Ngu quá! Ngu như bò – Đa May bộc trực trả lời.
Sáu tái mặt vì giận. Cậu ta nuốt hận không nói được một lời nào, chỉ biết cầm tấm tôn đứng dậy ra về. Cũng từ sau ngày hôm đó, tên biệt danh “Sáu Đầu Bò” đã được mọi người gọi thay cho cái tên Sáu. Không chỉ riêng có một mình Sáu Đầu Bò, mà ngay cả Đa May cũng thế. Người ta gọi anh là “May Điện”, để phân biệt với cậu May công nhân cơ khí.
Sau cái buổi hôm đó. Sáu Đầu Bò luôn nghĩ cách phải trả thù bằng được thằng May Điện. Nhưng hiềm một nỗi kỹ sư điện Đa May đang có uy tín cao vùn vụt.  Cả nhà máy đang trông chờ vào những sáng kiến, thiết kế, cải tạo mới của anh ta. Như hệ thống dây chuyền lỗi thời gây trì trễ trong sản xuất đang cần phải thay đổi. Sáu Đầu Bò đã dày công bới lông tìm vết, vẫn mịt mù chẳng thấy ở đâu. Đã nhiều lần anh ta nản chí muốn bỏ cuộc để mặc cuộc sống cuốn trôi.
Đầu như đang nổ tung ra vì cái hận đó. Bỗng nhiên Sáu Đầu Bò vỗ đùi đánh đét cái và bật thốt lên: “ Thế mới phải chứ! Bố đã thù thì mày phải chết”. Và biệt danh “May Điên Nặng” do Sáu Đầu Bò chẻ chữ đã trở thành tên riêng của kỹ sư điện Đa May cũng từ đấy mà ra.
Thoạt đầu khi nghe mọi người gọi biệt danh này Đa May tức lắm. Anh cảm thấy bị tổn thương nặng, bị mọi người xúc phạm, miệt thị mình. Thực lòng đã có lúc anh như điên tiết, lồng lộn muốn xông thẳng vả vào mồm kẻ nào đang cố tình diễu cợt anh cho hả giận. Nhưng rồi mọi chuyện cứ lan tỏa theo thời gian vượt ngoài tầm kiểm soát của Đa May. Vào những lúc chỉ còn lại một mình bình tâm soát lại, anh chẳng thấy có tổn hại nào, vẫn thấy mọi người một mực yêu thương, tín nhiệm mình hơn bao giờ hết. Đa May dần quen với tên gọi “Điên Nặng” đó.
Còn Sáu Đầu Bò đúng như người đời bảo “trong cái họa lại có cái may”. Sau cái ngày đi mổ ruột thừa về, Sáu Đầu Bò được cấp trên điều về Ban Công đoàn nhà máy làm công việc tuyên truyền. Thoát ly khỏi cái nghề đập đập gò gò vào những tấm tôn kêu xé tai buốt óc. Phải thừa nhận rằng Sáu Đầu Bò có rất nhiều tài lẻ. Là người hoạt ngôn có tài ăn nói, biết ca hát, biết làm mình nổi trước đám đông, biết nịnh bợ và chiều chuộng những ai mà mình cần dựa dẫm.
Ngay từ những ngày đầu đảm nhiệm công việc mới, Sáu Đầu Bò đã lên cho mình một kế hoạch rất bài bản, chi tiết để hạ gục các vị lãnh đạo trong nhà máy. Đích ngắm khởi đầu là ông Thư ký công đoàn (trước thập niên 80, Chủ tịch công đoàn gọi là Thư ký) là sếp trực tiếp của Sáu Đầu Bò. Vừa nghĩ đến đây, bỗng dưng anh ta cười khẩy rồi nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất, miệng lẩm bẩm: “người ta cứ rêu rao “tinh thần” đi trước… vậy cứ làm đi. Còn ta đây phải tôn vinh anh “vật chất” lên đầu đã, có như vậy mới hạ gục các sếp của mình. Mà ở đời ai lại không cần tiền. Nếu không thì họ đã ở nhà chơi cho nó khỏe, cần gì phải đi đến cơ quan làm việc kiếm tiền”.
Cái tính của Sáu Đầu Bò là thế, đã nói là làm. Công việc triển khai chưa đầy một tháng mà uy tín của Sáu Đầu Bò đã bốc lên ngùn ngụt. Ông Thư ký công đoàn nhà máy phấn khởi lắm. Trong các cuộc hội họp đều biểu dương, nhận định đồng chí Sáu là nhân tố điển hình, chúng ta cần quan tâm bồi dưỡng để trở thành cán bộ lãnh đạo trong tương lại. Ngồi ở cuối hội trường Sáu Đầu Bò sướng đến run cả người, mặt mày rạng rỡ, đôi mắt rơm rớm nước vì cảm động.
Vừa mới tung sơ sơ con bài “vật chất” ra mà Sáu Đầu Bò đã có ngay thu hoạch. Nghe nói thì to tát, nhưng thực ra anh ta mới mang đến biếu xếp Thư ký công đoàn chỉ là những cân chè, con gà, cân đỗ, cân lạc vừa mua ở ngoài chợ. Nhưng được Sáu Đầu Bò mông má, hót ngọt như mía lùi “Mấy chút quà nho nhỏ ở quê gửi ra…”. Ngay cả chiếc xe đạp vừa mới mua ở chợ trời về, anh ta vội mang đến cho xếp thủ thỉ: “Em thấy chị nhà cứ đi bộ ra chợ vất vả quá. Mà nhà em chiếc xe đạp này cứ bỏ không đấy chả ai dùng. Thôi nhờ anh nói với chị dùng hộ vậy. Chứ để ở nhà em nó chật chội lắm!”. Những lời đường mật như thế, thử hỏi có ông sếp nào lòng gan dạ sắt lại không chênh chao, nghiêng ngả. Có khi lại cảm động quá mà không thốt lên được lời nào? Nhất là ông Thư ký công đoàn chỉ còn hơn năm nữa nghỉ hưu. Ông trân trọng tình cảm lắm!!!
Còn làm gì để mình nổi bật trước đám đông, lại thuộc về năng khiếu bẩm sinh của Sáu Đầu Bò rồi. Để khích lệ những cá nhân có thành tích trong sản xuất, anh ta đề nghị được mắc hệ thống loa truyền thanh đến từng phân xưởng. Cả nhà máy lâu nay chỉ có tiếng chình chình, cheng cheng của kim loại va đập nhau inh tai, nay lại thêm tiếng ông ổng của Sáu Đầu Bò trên loa phóng thanh, làm cho cả nhà máy như muốn vỡ tung ra. Nhưng công bằng mà nói từ khi có loa đài thì tinh thần làm việc của cán bộ công nhân viên được khích lệ kịp thời. Năng suất sản phẩm được tăng lên rõ rệt. Ngay cả những người khó tính như ông Bí thư Đảng ủy, ông Giám đốc nhà máy cũng hào hứng phấn khởi ra mặt. Chưa bao giờ các nghị quyết, chủ trương, chỉ thị, kế hoạch sản xuất của Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy đến với từng người cán bộ công nhân viên kịp thời nhanh như bây giờ.
Trước cuộc họp bộ tứ gồm Đảng ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn,Thanh niên. Ông Bí thư Đảng bộ luôn nêu đích danh Nguyễn Văn Sáu để biểu dương. Sáu Đầu Bò cảm động lắm. Anh ta vội đứng dậy, đôi mắt cứ chớp chớp nhòa nhòa nước, ấp ủng cảm ơn ông Bí thư, rồi từ từ quay mặt lại phía ông Thư ký công đoàn: “ Dạ thưa đồng chí Bí thư. Để có hệ thống loa đài truyền tin kịp thời là chủ trương và sự chỉ đạo thực hiện sát sao của đồng chí Thư ký công đoàn đây ạ!”.
Ông Thư ký đang chăm chú lắng nghe bỗng giật mình đánh thót.Thành tích của Sáu Đầu Bò đang được mọi người ca tụng như một ngôi sao rực sáng, bỗng dưng được anh ta trút hết sang cho mình. Giá như trong việc này ông có đóng góp tý chút, như nêu ý tưởng, chỉ đạo cho Sáu Đầu Bò nó làm thì một nhẽ. Công lao duy nhất của ông ta là một chữ ký vào bản đề nghị ban đầu của Sáu Đầu Bò. Bởi vậy, ông Thư ký công đoàn cảm động lắm! Yêu quý, tin tưởng tình cảm chân thành của Sáu Đầu Bò thật sự khắc sâu vào tâm trí ông! Thế mới gọi làm sếp của thằng khôn. Ông đã không chọn nhầm người.
Cái chức Thư ký công đoàn nhà máy hầu như đã nằm trong tay Sáu đến sáu bảy mươi phần trăm. Trước lúc về hưu ông Thư ký công đoàn đã có thời gian dài tuyên truyền, giới thiệu Sáu Đầu Bò thay ông vào vị trí Thư ký công đoàn nhà máy. Còn các ông Bí thư Đảng ủy, Giám đốc… họ đều hứa “Không bầu cho Sáu thì bầu cho ai?”. Điều khác không biết, chứ điều này thì Sáu Đầu Bò tự tin lắm. Vì bấy lâu nay anh ta đã kỳ công chăm sóc, tỉa tót rất kỹ lượng về vật chất cũng như tinh thần cho các vị này rất chu đáo.
Đến bây giờ ngồi ngẫm lại Thư ký công đoàn Sáu vẫn không ngờ cuộc đời của mình có những bước đi thăng tiến ngoạn mục như thế. Từ một anh công nhân thợ gò bỗng chốc nhảy vụt lên vị trí lãnh đạo cao nhất của công đoàn nhà máy. Đấy là chưa nói đến vừa được bổ sung vào chân Đảng ủy viên của một Đảng bộ lớn nữa chứ. Là một trong những lãnh đạo của bộ tứ (Đảng, chính quyền, công đoàn, thanh niên). Sáu được tham gia góp ý, chỉ đạo về kế hoạch chiến lược phát triển sản xuất của nhà máy. Tổ chức tuyển chọn nhân sự. Đặc biệt là chăm lo đời sống về vật chất cũng như tinh thần cho những người lao động.
Ngây ngất trước một vị thế cao trong nhà máy với quyền thế sinh, sát lớn lao, nhưng Thư ký công đoàn Sáu vẫn không quên mối thù với kỹ sư điện tên Đa May. Phải tìm cách triệt hạ nó. Nhưng hạ nó như thế nào lại là mối đau đầu nhất mà bấy lâu nay Thư ký công đoàn Sáu vẫn bí bách chưa nghĩ ra. Ông ta đã từng ngồi một mình trong phòng suốt cả một ngày suy tính. Bới tung sự việc lên để mong tìm một sơ hở cho dù nhỏ nhất của kỹ sư điện Đa May. Chỉ cần một chút nhỏ nhoi thôi, cũng đủ để ông ta có có sở thổi phổng lên hạ uy tín thằng Điên Nặng cho bõ tức, hả giận. Phải làm cho nó thật nhục nhã ê chề. Triệt hạ  nó cho đến khi phải mất việc, mất luôn cả cái cần câu cơm… cho tan nát cả cuộc đời.
Nhưng điểm lại thì thấy thằng cha Điên Nặng này toàn có ưu điểm. Từ trước tới nay chưa có ai được đông đảo mọi người đặt hết niềm tin và ủng hộ nó như vậy. Nếu như cho thằng Điên Nặng nghỉ, thì tìm ai thay nó để thực hiện dự án đổi mới dây chuyền công nghệ hiện đại đang triển khai lắp đặt được. Dự án này là sáng kiến, nghiên cứu của thằng Điên Nặng. Bởi vậy người quản lý vận hành hệ thống đó không có ai đảm nhiệm được ngoài hắn.
Thôi, thượng sách bây giờ là đánh vào mặt tâm lý của thằng cha Điên Nặng này đã. Tên “Điên Nặng” ta cứ khéo léo khích lệ mọi người gọi cho đến quen, thân thuộc như tên gọi của một vật vốn dĩ là thế. Người ta bảo “Cái gì không đúng nói mãi rồi cũng đúng. Người không có bệnh nhắc mãi cũng thành bệnh”. Cái bệnh mà giới y học gọi là “ám thị”. Đấy thấy không? Thằng Đa May Điên Nặng này đã nhiều lúc như điên như khùng rồi đó. Thần kinh của nó đã có nhiều lúc bất bình thường. Đang lúc yên lành làm việc bình thường thì tự dưng nó đứng ra giữa sân nhà máy chửi toáng lên về những thằng đểu cáng, ngu dốt, lèo lá chèn ép nó. May cho thằng “Điên Nặng” này chỉ chửi vu vơ, không chỉ tên ai cả, chứ không thì…??? Không biết mọi người có biết thằng này chửi ai không? Chứ Thư ký công đoàn Sáu đây thừa biết nó đang chửi ám chỉ mình.

*
*     *

Đại hội nhiệm kỳ của Đảng bộ nhà máy lại sắp đến. Thư ký công đoàn Sáu đang chạy việt dã nước rút đến các nhà chức quyền trong nhà máy như thoi đưa. Với mục tiêu nhằm tới  đích chiếc ghế Bí thư Đảng bộ nhà máy, thay ông Bí thư cũ sắp nghỉ hưu. Thư ký Sáu lẩm nhẩm kiểm lại: “Hai ông Bí thư Đảng bộ và Giám đốc coi như mình nắm chắc trong tay rồi. Nếu không? Hóa ra hai suất đất làm nhà ở mặt đường đẹp nhất đã phân cho hai vị ấy là cháo… à?” Trên cương vị Thư ký công đoàn ông đã trực tiếp can thiệp mới cho ra được quyết định vàng đó. Đấy là chưa tính đến trong quá trình thực hiện Thư ký công đoàn Sáu đã phải dùng đủ mánh khóe, thủ đoạn mới dập tắt được cả một chồng đơn thư cao ngất ngưởng của cán bộ công nhân viên kiện cáo. Còn các cá nhân trong cấp ủy, Ban giám đốc, Quản đốc phân xưởng… cũng đều phải nợ ơn huệ mình cả. Ở đây ai cũng có được phần đất để làm nhà. Tuy có hơi xa mặt đường một chút, nhưng nếu bán trao tay ra ngoài cũng có tiền trăm triệu(1) cất bao.
Đến gần trưa đại hội Đảng bộ mới đi vào giai đoạn bầu bán. Con số thành viên trong Ban chấp hành mới được đại hội chốt mười ba người. Thời gian nghỉ trưa sắp đến nên Đoàn chủ tịch đại hội vội đọc danh sách ứng cử và đề cử mười bốn người. Kèm theo lời giải thích: “Với con số ứng cử và đề cử này thì việc bầu bán rất tập trung, thời gian sẽ không kéo dài, chúng ta sẽ được nghỉ sớm ăn cơm”. Cả hội trường lặng im. Tất cả Đảng viên đang có mặt chưa có một phản ứng gì. Phải chăng, mọi người đã nhất trí với ý kiến của Đoàn chủ tịch đề xuất. Bỗng nhiên phía dưới hội trường có ai đấy đứng lên phát biểu. Lại là anh Đa May Điên Nặng.
- Tôi không đồng ý với đề xuất của Đoàn chủ tịch trong mấy vấn đề sau: Một là, Không thể chốt con số ứng cử, đề cử mười bốn người để bầu mười ba người được. Giá sử trong mười bốn người ấy có năm sáu người không đủ trình độ, tư cách người Đảng viên thì chúng tôi bầu như thế nào đây? Nếu không ghi đúng mười ba người thì phiếu chúng tôi sẽ không hợp lệ. Vậy chúng ta phải tăng con số ứng cử đề cử lên .Hai là, Đề nghị Đại hội chúng ta không thể dựa vào cơ cấu để đề cử. Mà phải dựa vào thực lực, phẩm chất đạo đức, trình độ của từng Đảng viên một để bầu vào Ban chấp hành mới. Sau đó mới phân bố những ủy viên này về các cơ cấu- Đa May vừa chấm dứt lời phát biểu, cả hội trường vang lên tiếng rần rần vỗ tay hưởng ứng.
Ngồi trên ghế Đoàn Chủ tịch, ông Sáu bỗng lặng hẳn đi. Da mặt đột nhiên tái dại, phải đến một lúc mới đỏ dần lên, rồi tím bầm lại. Mẹ kiếp cái thằng Điên Nặng! Mày thích chọc ngoáy à? Cơn uất nghẹn bỗng dưng cuộn trào lên tận cổ, Thư ký công đoàn Sáu điên lắm! Nhưng rồi ông ta giật mình và ý thức được ngay độ hiểm nguy của nó. Nếu cứ để cơ sự này kéo dài thì cái ghế Bí thư Đảng bộ của mình bị tiêu mất. Biết cái chức vị Thư ký công đoàn nhà máy có to thật. Nhưng không lái nhanh các đại biểu tập trung sang hướng khác thì chính ngay lúc này là cơ hội tốt nhất để họ bới móc, bóc mẽ mình chỉ là một anh thợ gò bậc bốn, học lực chưa qua được lớp sáu... Đấy là chưa nói đến bấy lâu nay ở trong ngoài nhà máy đang còn có tiếng bàn tán xì xèo là Thư ký công đoàn tham ô, hối lộ, trục lợi đất đai và các khoản tiền công quỹ xã hội như nguồn tiền đầu tư xây dựng nhà ở, khu thể thao… và đến cả tiền dành cho điều dưỡng, ăn nghỉ của cán bộ công nhân viên trong nhà máy. Riêng đến chuyện cô bồ đã mấy lần dọa sẽ giữ cái thai trong bụng để đẻ. Thư ký công đoàn Sáu đã mất nhiều tiền bạc, thời gian mà đến bây giờ vẫn chưa gỡ ra nổi.
Ngồi trên ghế Đoàn Chủ tịch, Sáu Đầu Bò đưa mắt lướt nhanh bao quát cả hội trường, thẩm định lại phản ứng chung của đại biểu, rồi dừng qua Đa May Điên Nặng đang ngồi ở dưới. Ông ta nhếch mép cười khẩy, nhưng rồi vụt tắt ngay. Rồi quay mặt sang thì thầm điều gì với ông Bí thư Đảng bộ ngồi cạnh. Một lúc sau đấy ông ta ngẩng mặt nhìn xuống hội trường, bình thản, tự tin như không có gì xảy ra trước đó.
Việc ứng cử, đề cử trong Đại hội cứ nhùng nhằng kéo dài. Cuộc tranh đấu chọn  một trong hai phương án: mười chín người hay mười bốn người ứng cử đề cử. Phe nào thắng đây? Ngồi trên ghế Đoàn Chủ tịch, Sáu Đầu Bò suy tính, trong những khoảnh khắc nhạy cảm này phải thật bình tĩnh, phải tỏ ra thái độ nhã nhẵn, ôn hòa với phe đối thủ. Đặc biệt phải triệt để tận dụng đòn đánh tâm lý tính kiên nhẫn của tất cả Đảng viên đang có mặt ở đây. Đấy là chiến thuật cò cưa câu giờ thương thảo cho quá giờ chiều một lúc. Đến thời điểm đó, những lô cốt cho dù có kiên định nhất cũng không thể chịu được, buộc phải gục đổ hoàn toàn. Không ngoài dự kiến của mình, ông Sáu lại có thêm một bước nhảy vọt nữa. Giờ ông là Bí thư Đảng bộ của hơn hai trăm đảng viên. Là người quyền thế nhất của nhà máy.
Còn anh Đa May Điên Nặng ta. Nếu như Đại hội Đảng bộ bế mạc đúng dự kiến ban đầu, thì anh đâu có đến cửa hàng lương thực muộn như thế. Thời điểm của một ngày làm việc kết thúc, nên phần đông mọi người đều vội vàng tranh thủ lướt qua cửa hàng để mua gạo(2). Đây cũng là những giờ vàng của bọn chuyên trộm cắp móc túi hoạt động. Và sổ gạo gia đình được anh găm cẩn thận sau túi đã không biết bay biến tự lúc nào.
Mất sổ gạo là mất nguồn lương thực mấy tháng liền cho bốn miệng ăn của gia đình anh. Mặt Đa May tái nhợt nghệt đi, rồi anh  hốt hoảng, lồng lộn như điên như dại, la hét om sòm làm náo động cả cửa hàng lương thực. Mọi người đang có mặt ở đó đều thương cảm cho anh. Người truy tìm, người chửi rủa bọn ăn cắp mất hết tính người cướp hết miếng ăn nguồn sống chính của gia đình anh. Tự nhiên Đa May lâm vào cảnh cùng quẫn không lối thoát. Cứ nghĩ cái tên Đa May là nhiều may, thế mà chả may tý nào.
Sáng nay anh như người mất hồn xơ xác, bơ phờ đến nhà máy làm việc. Khi anh vừa đến nơi, cánh cổng sắt nhà máy đã đóng chặt tự bao giờ. Anh biết mình đi làm muộn, vì đầu giờ sáng nay phải ra đồn công an trình báo việc mất sổ gạo chiều qua. Chả buồn gọi bảo vệ, anh lấy tay gõ gõ vào cánh cổng. Một nhân viên bảo vệ măt hầm hầm bực bội bước ra mở cổng. Khi Đa May vừa đi vào được một đoạn, nhân viên bảo vệ đó  lôi tuột anh vào phòng để lập biên bản, về tội danh vô tổ chức không thực hiện nội quy, quy chế của nhà máy. Đa May đã trình bày hoàn cảnh, lý do đi muộn của mình Nhưng nhân viên bảo vệ vẫn không biểu hiện thay đổi một chút cảm xúc nào, cứ khăng khăng bắt anh ký vào biên bản.
Tiếng ồn ào đối đáp nhau vang động cả phòng thường trực bảo vệ. Lọt đến tai ông Bí thư Sáu đang ngồi một mình nghĩ mưu bày kế ở nhà bên cạnh đấy. Loáng thoáng có giọng nói cãi vã quen quen. Bí thư Sáu vội dừng ngay những ý tưởng suy tính còn dở dang để mau chóng ra ngoài giải quyết. Khi đi đến gần phòng bảo vệ ông dừng lại lắng nghe. Biết đích xác thằng Điên Nặng đang yếu thế giãi bày, ông vội vàng lớn tiếng thị uy:
- Chuyện gì mà ầm ầm ở ngoài phòng bảo vệ đấy!
- Dạ thưa anh! Thằng cha Điên Nặng đã đi muộn lại còn quậy phá đấy ạ! – Nhân viên bảo vệ nhanh nhẩu trả lời.
- Lâu nay tôi đã bảo mà! Thằng này ngày càng điên nặng! Nó không thể tiếp tục làm việc ở nhà máy được! Trưởng phòng bảo vệ đâu? Anh cho người trói gô cổ thằng này để đem đi Bệnh viện Điên Trâu Quỳ điều trị ngay! – Bí thư Sáu oang oang ra lệnh.
Đa May ngơ ngác, sửng sốt, bất ngờ trước sự việc nguy hiểm cho mình xảy ra nhanh như vậy. Chỉ có một thoáng mà nó đã quay ngoắt một trăm tám mươi độ. Đẩy cuộc đời anh xuống vực sâu tăm tối, không còn một tia hy vọng nào để mà bấu víu vào. Hay là bấy lâu nay mình điên thật. Mà người điên có bao giờ biết mình điên đâu? Đến lúc này anh thực sự mù về định hướng tâm trí của mình. Không biết những việc làm của mình bấy lâu nay đúng hay sai. Mình điên thật rồi…???
- Ừ tao đang điên đây! Mẹ chúng mày chứ! Mày là thằng đểu cáng, vô nhân tâm cắt hết đường sống của tao! – May chửi toáng lên.

*
*     *

Trời đã gần trưa, nắng chói chang nung cái nóng càng nóng thêm hầm hập. Giá như vào những lúc thế này, có một vài gợn gió lăn tăn vờn qua lại đã vợi bớt đi cái nóng nực phần nào. Nhất là ở con phố có nhà cửa hai bên san sát nhau, như hai con đê bê tông dựng đứng cao ngất trời ôm chặt lấy. Vậy còn đâu có cơ hội cho những cơn gió nào lướt qua. Đấy là chưa nói đến ở dưới lòng đường luôn luôn đầy ắp sự ồn ào đủ loại âm thanh chói tai của các loại xe ô tô, xe gắn máy tấp nập ngược xuôi qua lại. Để chống cái nóng và cát bụi, người ta ăn mặc bịt kín mặt mũi chân tay. Trông như những niza thời hiện đại.
Ở hai bên hè phố có chút may mắn hơn. Thoang thoảng còn có một cây xanh tán lá xum xuê, làm dịu bớt đi sắc màu bê tông hóa. Tận dụng bóng râm mát của cây bằng lăng ở góc ngã tư là một ông già đang ngồi cặm cụi sửa chữa xe máy. Ông khách đứng ngay cạnh đang đăm chiêu nhìn ra mặt đường nhốn nháo đầy xe qua lại nói:
- Cái ông Sáu thành phố này nói như thật. Năm nào cũng hứa, thành phố sẽ giải quyết triệt để việc ngập lụt cũng như ách tắc giao thông đường phố! Bác thấy không? Thành phố ta chưa mưa đã ngập. Ách tắc giao thông là bệnh kinh niên mãn tính. Đấy! kia kìa. Đoạn phố phía đầu kia lại tắc nghẹn rồi?
- Tôi ngồi chữa xe ở đây đã mười tám năm có lẻ. Ngày nào cũng chứng kiến cảnh xe ô tô, xe máy dồn cục lại cả tiếng đồng hồ đấy chứ! Rồi tiếng ầm ầm ing tai, khói xe phun ra, bụi cát mù mịt không nhìn thấy được gì. Mà nhìn mãi rồi cũng thấy quen đi bác ạ. À mà bác bảo ông Sáu nào đấy? Có phải Sáu Đầu Bò không? Thằng cha này bảo tôi điên rồi ép về nghỉ chế độ một bảy sáu đấy! – Người chữa xe đáp lại nhưng vẫn chăm chú cố sức nhún lên nhún xuống bơm chiếc vỏ xe.
- Ông Sáu bây giờ là tiến sĩ, là quan chức to mà ông vẫn gọi bằng thằng. Người ta cho bác nghỉ là đúng rồi? – Ông khách quay mặt lại người chữa xe nói.
Sửng sốt và bất ngờ, người chữa xe ngửng đầu lên định nói điều gì đấy. Nhưng đoạn phố ngay trước mặt ông, một đám đông xe máy đang lưu hành ngược xuôi bỗng hô hét tán loạn xô dạt về hai phía. Ở giữa lòng đường, chiếc xe máy có hai thanh niên đang cúi rạp người phóng chạy điên loạn. Tên ngồi sau còn khua khua chiếc dao nhọn cầm chặt trên tay giơ lên trời, rồi lại quay ngang quay ngửa hăm dọa mọi người xung quanh. Sau đó một đoạn có chiếc xe máy đang nổ máy bình bình, đổ kềnh nằm chỏng chơ, chổng hai bánh lên trời quay tít. Ngay sát cạnh là người phụ nữ đang cố sức ngồi dậy, hoảng loạn hô đứt đoạn: “ Cướp! Cướp! Bắt… bắt lấy!!!.
Cầm vội chiếc bơm đang còn bơm dở. Ông thợ sửa xe lao ngay ra, vụt mạnh chiếc bơm vào người tên cầm lái. Chiếc xe máy đổ ập xuống mặt đường rồi rê rê vòng vòng kéo dài, húc mạnh vào thành batoa hè phố mới chựng lại. Hất văng hai tên cướp ra hai phía. Rất kịp thời ông lao lên ôm chặt lấy tên cầm dao và vật lộn với nó. Có lẽ cái sức già kham khổ không thể thắng nổi sức mạnh của tên thanh niên đang lớn. Một nhát dao oan nghiệt đã đâm trúng tim ông. Mọi người xung quanh đã lao đến tiếp sức vây bắt những tên cướp đó. Và cũng ngay ở thời điểm này, tiếng ai đó hét lên: “Thằng cướp đã đâm chết ông Đa May rồi!!!”.

(1), (2) Từ thập niên 80 trở về trước ở nước ta giá trị VNĐ rất cao. Đối với các cán bộ công nhân viên đều sống theo chế độ bao cấp. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm khác do Nhà nước quản lý. Chỉ được bán phân phối cho mọi người theo định lượng nhất định, thông qua tem phiếu. Tuyệt đối không có buôn bán ở chợ đen.

                                                                              Hà nội, tháng 7 năm 2013

                                                                                              Võ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét