Menu ngang

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

 TRẬN CHIẾN ĐẤU ĐẦU TIÊN -

THỦNG HAI CHIẾC NỒI


N M Đ

Ngoài trang bị chiến đấu như: súng CKC, lựu đạn, xẻng, bao gạo, tấm bạt trải nằm, tôi được anh Cao Sỹ Tính ( quê Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình ), Tiểu đội phó giao cho mang hai cái nồi. Nồi to dùng để nấu cơm đủ ăn 7 người. Nồi nhỏ dùng để nấu thức ăn. Tôi đặt cái nồi nhỏ trong nồi to, dùng giây vải buộc chặt mang úp vào sau lưng như ba lô vậy. Chính hai cái nồi này, với tôi, có một kỷ niệm không bao giờ quên.
Sự thể là, trong trận đánh quân địch ở ngoài công sự ở gần Huội Mua, ngày 22 tháng 2 năm 1965. Cuộc đời binh nghiệp của tôi đã trải qua nhiều trận chiến đấu - bộ binh có, đặc công có. Nhưng quả thật, tôi không bao giờ quên trận chiến đấu đầu tiên.
Lúc khoảng 3 giờ chiều, ánh nắng còn chói chang chiếu xuống cánh rừng khộc rộng lớn. Lá khộc đã rụng hết, trơ lại cành khô, phía dưới là đất trơ cằn. Thỉnh thoảng có một vài vạt cỏ tranh xơ xác đã ngả màu vàng. Cả Tiểu đoàn chúng tôi bố trí hàng dọc đang tiến vào địa bàn quân địch thường hoạt động. Đội hình hành quân chiến đấu là: Tổ trinh sát Tiểu đoàn đi trước, theo cách sâu đo để vừa đi vừa thăm dò địch. Sau Tổ trinh sát là Đại đội 2 chúng tôi. Trung đội chúng tôi đi trước, Tiểu đội 4 dẫn đầu.
Đến một khu rừng khộc, thấy phía trước có nhiều ụ khói bốc lên. Khả nghi có quân địch, trinh sát báo cáo về phía sau. Tiểu đoàn trưởng Hoàng Nhiên ( quê Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An ) đầu cắt trọc, người đỏ au, quàng một mảnh dù nhỏ, không mang vũ khí, chạy vội lên trước. Bám theo ông Nhiên là anh Xiểm liên lạc ( quê Con Cuông, Nghệ An ). Ông Nhiên lệnh cho toàn đơn vị dừng lại triển khai đội hình chiến đấu. Giao cho trinh sát tiềm nhập sâu vào phía trong bám địch. 
Khoảng nửa tiếng sau, anh Cao Sỹ Nguyên ( quê Tân Ấp, Minh Hóa, Quảng Bình ), Tiểu đội trưởng trinh sát quay ra báo cáo với Tiểu đoàn trưởng Hoàng Nhiên. Ông Hoàng Nhiên giao cho anh Xiểm liên lạc chạy về phía sau đội hình mời ông Nguyễn Khuốc ( quê Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình ), Chính trị viên Tiểu đoàn lên hội ý. Thấy hai ông hội ý chừng 5 phút, ông Nhiên cho triệu tập các Đại đội trưởng lên giao nhiệm vụ. Anh Tèo, Đại đội trưởng nhận nhiệm vụ Đại đội 2 làm mũi tấn công chủ yếu.
Chúng tôi được lệnh tiếp tục tiềm nhập để rút ngắn cự ly với địch. Được chừng 100 mét thì dừng lại chờ hỏa lực của Tiểu đoàn khai hỏa. Cối 82 ly và ĐKZ 75 ly của Tiểu đoàn bắn cấp tập khoảng 10 phút thì dừng. Chúng tôi bắt đầu nổ súng tấn công. Với tôi đây là trận đầu thử lửa. Tôi hồi hộp lắm. Nghe tiếng đạn cối nổ đanh, chát chúa, đạn bắn thẳng tới tấp, ràn rạt, nhiều viên đạn vạch đường đỏ rực, chiu chít bên người, ban đầu, thật sự tôi cũng sợ, cũng hoảng. Nói không sợ là tự dấu lòng mình! Nhìn sang bên phải thấy anh Liệu đã bắn được một quả B40, nòng còn bốc khói. Nhìn sang bên trái thấy anh Các đã xiết được mấy tràng trung liên, vỏ đạn bay rào rào. Cạnh tôi, anh Bài đang ghì khẩu AK vào gốc cây khộc, xiết cò từng điểm xạ ngắn. Mới khoảng 4 giờ chiều, giữa rừng khộc đã cháy trụi, ở cự ly không tới 100 mét, tôi nhìn quân địch rõ lắm. Trong khung cảnh đó, tôi bình tĩnh lại, ngắm bắn từng viên, nhoắng một chút hết một kẹp đạn CKC 10 viên. Tôi thò tay vào bao đạn lấy thay sang kẹp khác. Bỗng nghe một tiếng choang rất đanh, tôi tưởng mình đã bị thương nhưng chẳng thấy đau mà sờ xung quanh người cũng không có máu.
Anh Bài hô:
- Tất cả tiểu đội chuẩn bị xung phong.
Tôi đưa tay dương lê lên vì cho rằng, sắp đánh nhau giáp la cà, phải dùng đến lưỡi lê để đâm. Thấy thế, anh Bài hét to như quát:
- Đẩu gấp lê lại ngay!
Như một cái máy, tôi gấp lê lại, dẫu chẳng hiểu vì sao. Khi vượt qua con suối cạn để xông vào trại địch, các loại hỏa lực của chúng bắn ra tua tủa. Anh Duyến, anh Thoại ( quê Quảng Trạch, Quảng Bình ) chiến sĩ Tiểu đội 5 hy sinh tại chỗ. Quyết không dừng lại, cả Trung đội chúng tôi đồng loạt xông lên. Gần 10 phút sau, chúng tôi chiếm lĩnh toàn bộ trại địch. Một bãi chiến trường ngổn ngang nhà cháy, vách đổ, đất cát bị cày xới bởi những hố đạn đen ngòm. Mấy xác chết, cái thì cháy đen, cháy sạm, cái thì loang lổ bê bết máu. Trong tay có đứa còn cầm súng. Nhìn vào bếp, thấy mấy tuýp (liễn) xôi còn nóng hôi hổi, tôi cầm luôn. Lệnh của chỉ huy, đơn vị phải thu dọn chiến lợi phẩm - chủ yếu là vũ khí - và rút ra ngay đề phòng pháo địch oanh kích vào trận địa.
Xuyên rừng độ hai tiếng đồng hồ sau, đến chỗ dừng lại trú quân, anh Tính tiểu đội phó bảo tôi cởi nồi ra để nấu cơm tối. Tôi vừa hạ xuống thì thấy cả hai cái nồi bị một viên đạn xuyên thủng từ phía trước ra phía sau ( từ bên nọ sang bên kia nồi ).
Cả tiểu đội xúm lại nhìn.
Anh Bài nói:
- Như vậy là số cậu cao. May mà thằng Phu Mi bắn hơi chếch lên một chút. Nếu viên đạn hạ xuống 10 cm thôi, thì hôm nay Đẩu nhà ta đã thành liệt sỹ rồi.
Tiếp đó, anh còn giải thích với tôi rằng, sở dĩ chiều nay thấy tôi dương lê lên bị anh quát, là vì, lúc xung phong cự ly cách địch còn chừng 100 mét, dương lê lên sẽ bị vướng không chạy được.
Tối đó, may mà có hai liễn xôi tôi lấy được trong trại địch, không thì cả tiểu đội nhịn đói sau một ngày chiến đấu căng thẳng. Trận đó tiểu đôi tôi không ai việc gì. Cả Trung đội hy sinh hai người.
Sau này về hậu cứ ở bản Nôn Nhang gần Thị trấn Mường Phìn để họp rút kinh nghiệm trận đánh.
Có ý kiến từ cấp trên phê phán rằng: Đó là một trận đánh không thắng lợi chứ chưa nói đến thất bại. Về hình thức chiến thuật giống như một trận càn. Mà càn thì không có trong các loại hình tác chiến của quân đội ta. Chỉ đánh vỗ mặt không tổ chức lực lượng bao vây, chia cắt, vu hồi quân địch. Hiệu quả chiến đấu thấp. Cả một tiểu đoàn đầy đủ binh, hỏa lực không tiêu diệt nổi hai trung đội địch ngoài công sự.
Cán bộ Tiểu đoàn thì cho rằng, đây là hình thức tao ngộ chiến. Đã ai biết được lực lượng địch là bao nhiêu. Giữa rừng khộc bằng phẳng, mênh mông, lính Phu Mi như thổ phỉ khó đánh tiêu diệt được.
Biết làm sao được, người xưa đã từng dạy, kiến dĩ tác nan mà!
Hàng mấy chục năm sau, năm 1999, tôi gặp lại anh Bài lúc anh đã là Đại tá, Trung đoàn trưởng, nghỉ hưu ở Hà Nội. Chúng tôi cười vui ôn lại chuyện xưa. Anh trìu mến ghì chặt lấy tôi như thuở ngày xưa:
- Trời ơi, thằng em út của Tiểu đội ngày nào mặt búng ra sữa, bây giờ đã thành ông Thiếu tướng rồi ư!
Rồi như sực nhớ ra điều gì, anh đấy tôi ta và nói trêu:
- Này, Đẩu ơi, em sờ lại sau lưng xem hai cái nồi còn không?
Cứ thế anh em rưng rưng nói về một thời cùng chiến đấu bên nhau trong ác liệt khó khăn, gian khổ mà rất tình nghĩa.
Anh Đinh Xuân Bài ( quê Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh ) là người chiến đấu dũng cảm, chỉ huy quyết đoán, gương mẫu về mọi mặt. Tôi nhớ trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào tháng 2 năm 1971, tôi giữ chức Chính trị viên Đại đội Đặc công, thì anh Bài giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 3. Trong một trận chiến đấu quyết liệt, anh bị thương và bị quân địch bắt đưa lên trực thăng để chuyển về căn cứ của chúng.
Khi máy bay mới rời mặt đất được chừng dăm mét, anh lao mình ra cửa nhảy xuống đất. Khá bất ngờ, bọn địch tức tốc dùng súng bắn anh mà không trúng.
Bữa đó anh thoát được nhưng bị chấn thương cột sống, đau lưng một thời gian khá dài.
Trong đời sống anh giản dị, khiêm nhường mà thẳng thắn, chân thành, được đồng đội quí mến. Anh là người trưởng thành từ chiến sĩ ( năm 1962 ) lên tới Trung đoàn trưởng ( năm 1975 ) trong cùng một đơn vị cho đến khi nghỉ hưu ( năm 1985 ).
Khi anh nghỉ hưu, quân đội cấp cho anh hai gian nhà cấp bốn trên mảnh đất hơn 100 mét vuông trên mặt đường ở Xuân La, gần cơ quan UBND và Quân ủy quận Tây Hồ - Hà Nội bây giờ. Như hiện nay, mảnh đất đó có giá trị hàng chục tỷ bạc, nhưng lúc đó anh đem đổi lấy ba vạn gạch về xây ba gian nhà cấp bốn trong khu tập thể cơ quan chị Lợi là vợ anh ở Dốc Vân, Gia Lâm.
Anh Bài mất năm 2001 do bị ung thư phổi, không biết có phải do nhiễm chất độc ở chiến trường không. Khi nghe tin anh Bài mất, từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 ở Sơn Tây, đang đêm tôi đến viếng anh tại nhà riêng. Nhiều đồng đội đã về hưu, phục viên tận trong Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng ra viếng anh.
Trước đó mấy hôm, khi biết anh ốm nặng tôi đến thăm ở Viện Quân y 108. Anh thều thào nói với tôi:
- Anh đau lắm, Đẩu ạ! Chưa bao giờ đau thế này. Chắc không được mấy ngày nữa đâu. Bây giờ điểm danh lại, tiểu đôi ta ngày ấy đã hy sinh và từ trần gần hết cả rồi. Chỉ còn em, đứa em út của tiểu đội ngày nào còn bé nhỏ 16, 17 tuổi đầu thôi.
Nghe anh dốc bầu tâm sự, tôi cảm thương anh vô cùng, nước mắt lã chã rơi. Biết rằng, tôi sắp phải vĩnh biệt người anh, người thầy của mình trong chặng đầu tiên của cuộc đời quân ngũ mà đành bó tay chẳng làm được gì cho anh ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét