Menu ngang

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

 CHÚNG TÔI ĐI B


( Bây giờ nói “ Đi B” thì có nhiều người - nhất là những người sinh sau 30/4/1975 - không hiểu là đi đâu, làm gì. “ Đi B” là cách nói đối với hàng chục vạn Bộ đội và cán bộ Dân Chính Đảng ở Miền Bắc đi chiến đấu, công tác ở Miền Nam thời chống Mỹ. Thời đó, đi B chiến đấu, công tác là niềm vinh dự, sự mong muốn của thanh niên ở Miền Bắc - mọi người không ai không biết đến hai chữ “ Đi B”.
Bài viết này nhằm kể lại chuyện “Đi B” của lớp lứa chúng tôi thời đó )"
Hết thời gian huấn luyện và bồi dưỡng sức khỏe, chúng tôi hoàn tất mọi công việc chuẩn bị lên đường đi B. Mọi người được trang bị đầy đủ: ba lô con cóc, quần áo, chăn màn, mũ tai bèo, tăng võng, ni lông, bi đông, túi đựng cơm, lương khô, mắm kem, bao gạo (ruột tượng), hộp thuốc cá nhân, thuốc pha với nước lã uống trực tiếp, băng cá nhân.
Trên danh nghĩa, chúng tôi là chiến sĩ Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Do đó, theo qui định bắt buộc, tất cả những thứ tư trang, đồ dùng cá nhân, từ tấm ảnh, giấy tờ tùy thân, sổ lưu bút, nhật ký, có cái gì liên quan đến Miền Bắc đều phải gửi lại, bỏ lại, không được mang theo người. Phát hiện ra ai không chấp hành, cố tình mang đi là bị kỷ luật.
Ngày đó tôi là đứa trẻ mới lớn, chưa có người yêu. Những anh lớn tuổi hơn, có người yêu, thậm chí có vợ con rồi, khi bỏ lại những tấm ảnh của người thân, tần ngần, xúc động, tiếc lắm. Mà ảnh thì có phải nhiều như bây giờ đâu. Có người cả đời chưa chụp ảnh. Nhiều người trước lúc chia tay, vội vàng ra hiệu chụp một pô ảnh đen trắng để làm kỷ niệm, nên rất quí. Tôi biết, có anh dùng túi ni lon bọc ảnh rất kỹ, cố giấu ảnh tận đáy ba lô. Trên đường hành quân đi B và khi ở chiến trường sau này, thi thoảng một mình nhớ nhà, nhớ vợ con quá, mở ra xem. Tiền thừa còn lại và tư trang đều phải gửi về nhà qua đường bưu điện. Từng người kê khai, đóng gói, tập trung lại do đơn vị cử người đi gửi. Tôi gom góp lại được 100 đồng, gồm tiền ăn bồi bưỡng còn thừa được thanh toán cộng với tiền trong túi còn lại. Đồng thời giặt sạch bộ quần áo ngày mặc lên đường gấp lại kèm một bức thư gửi về cho mẹ.
Chúng tôi được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phổ biến là theo mệnh lệnh của trên, đơn vị sẽ đi “B dài”. “B dài” nghĩa là đơn vị sẽ vào chiến đấu lâu dài ở Miền Nam từ nam Đường Số 9 cho tới tận cùng Nam Bộ. Cán bộ, chiến sĩ đi “B dài” thì gia đình ở hậu phương được địa phương đăng ký, quản lý, cấp phát tiền trợ cấp B cho những thân nhân chủ yếu (cha, mẹ, vợ, con) chưa đến hoặc đã hết tuổi lao động; được hợp tác xã, trường phổ thông, cơ sở y tế,…thực hiện các chính sách hậu phương quân đội theo qui định của Nhà nước.
Ngày 25 tháng 12 năm 1964, toàn đơn vị nhập trạm giao liên bắt đầu lên đường đi B. Chúng tôi được biết, lộ trình hành quân sẽ là từ miền tây Quảng Bình vào Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh), lên Làng Ho, vượt qua Đường 9 vào Trường Sơn sang Lào. Từ vùng giải phóng Lào đi dọc theo tuyến tây Trường Sơn thẳng về Nam. Tùy theo nhiệm vụ của từng đơn vị bổ sung cho từng chiến trường mà rẽ ngang về Trị Thiên, về Khu 5, vào Tây Nguyên, hoặc đi thẳng qua đất Cămpuchia vào tận Nam Bộ.
Hồi đó, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mới giới hạn ở những trọng điểm nhất định, chưa lan rộng như 1 - 2 năm sau. Đông và Tây Trường Sơn vẫn là những cánh rừng nguyên sinh nhiệt đới bạt ngàn rậm rạp, nhiều tầng, có nơi lâu lắm rồi hình như chưa có dấu chân người. Đường hành quân bộ là đường mòn Hồ Chí Minh. Một lối đi nhỏ thôi, hàng một, vươn ra, vươn xa dưới những khu rừng đại ngàn được phủ kín bóng cây cao bóng mát, vượt qua nhiều con suối nước trong xanh. Được biết, con đường mòn chúng tôi “ Đi B” đã có từ cuối năm 1959 do những cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 559 mang vác, gùi thồ súng đạn, lương thực vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để “xoi đường” từ nam sông Bến Hải dọc theo dãy Trường Sơn, qua Tây Nguyên, vào tận Nam Bộ.
Sau này, khi nghe bài hát Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây, nhạc của Hoàng Hiệp, lời thơ của Phạm Tiến Duật, có câu “ Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, đám lính trẻ chúng tôi tranh luận với nhau sôi nổi. Có người lập luận, nhà thơ đã lãng mạn hóa, thi vị hóa để cổ động tuyên truyền mọi người ra trận, chứ thực ra đường ra trận có gì đâu mà đẹp. Hơn nữa, bất cứ ở đâu, lúc nào, mọi cuộc chiến tranh, kể cả chiến tranh chính nghĩa, đều là điều bất đắc dĩ đối với con người. Chiến tranh là một biện pháp giải quyết tình thế giữa các tập đoàn xã hội, khi không còn phương cách nào khác, thì hãy đừng coi đó là đẹp. Có người lại nói, kể ra nếu dùng từ “vui” thay cho từ “đẹp” thì đúng hơn. Vì ngày đó với khí thế hừng hực, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, trong không khí rộn rịp, thì dùng từ “vui” hợp lý hơn. Với tôi, tôi cho rằng ở thời điểm cuối năm 1964 đầu năm 1965, đường hành quân đi B chưa bị bom đạn địch cày xới, cây rừng còn xanh tươi, chưa bị chất độc làm trụi lá, non nước hữu tình, cộng với khí thế hào hùng sôi nổi hăm hở của những chàng trai trẻ đi chiến đấu, trùng điệp những đoàn quân ra trận, thì quả thật, đường ra trận vừa vui, vừa đẹp.
Trên đường hành quân mỗi người mang theo trên mình khoảng 30 kg. Trong đó riêng bao gạo đủ ăn được 10 ngày. Đến từng trạm bổ sung dần lương thực, thực phẩm. Mỗi ngày chúng tôi hành quân qua một cung trạm. Từ trạm này sang trạm khác khoảng 30 cây số. Trên đường đi cứ bình quân 1 tiếng đồng hồ nghỉ giải lao độ 10 phút. Thường là sau khi đã ăn sáng, đổ đầy nước sôi vào bi đông, được lệnh xuất phát từ 5 giờ thì đến trạm tiếp theo khoảng 5 giờ chiều. Ở rừng trời mau tối. Hơn 5 giò chiều đã nhá nhem, mọi người chuẩn bị nấu cơm ăn, mắc tăng võng để ngủ. Bếp ăn tiểu đội, mọi người chuẩn bị củi đuốc, che lại ánh sáng, khơi lại bếp để nấu cơm tối và chuẩn bị bữa sáng mai, trưa mai.
Để bảo đảm bí mật, chỉ huy đơn vị phổ biến yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm ngặt mọi qui định. Thực hiện đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Đúng như các cụ xưa dạy: “Lai vô ảnh, khứ vô hình”. Đi không dấu là rời khỏi nơi trú quân tuyệt đối không để lại dấu tích gì, dù là nhỏ nhất. Khi chặt cây rừng để làm cột mắc võng hoặc lấy củi, phải rút hết toàn bộ cành lá xuống. Nếu để lại, cành cây bị chết khô, từ trên cao, máy bay địch sẽ phát hiện được dấu hiệu khả nghi. Nấu không khói là để tránh máy bay Mỹ phát hiện, khi nấu cơm phải đào bếp Hoàng Cầm. Ban ngày thì không có khói. Ban đêm thì không phát ra ánh sáng. Chúng tôi được biết bếp Hoàng Cầm xuất hiện từ hồi kháng chiến chống Pháp do một chiến sỹ nuôi quân tên là Hoàng Cầm đã có sáng kiến đào đường hầm dẫn khói đi trong lòng đất rồi lan tỏa dần. Như vậy là, ở nước ta có ba ông Hoàng Cầm thành danh: Tướng Hoàng Cầm, nhà thơ Hoàng Cầm và chiến sĩ nuôi quân Hoàng Cầm. Nói không tiếng là nói đủ nghe, không ồn ào, sợ biệt kích địch phát hiện. Ngày đó Mỹ đã nghiên cứu chế tạo ra một loại máy thu phát tín hiệu, vỏ bằng cao su, nhựa, bề ngoài không tinh mắt nhìn như một loại cây rừng - gọi là cây nhiệt đới. Máy bay Mỹ thả cây nhiệt đới vào các khu rừng trên tuyến hành quân của ta để thu thập và phát thông tin về các căn cứ của chúng.
Cứ thế, ngày đi đêm nghỉ. Đến một ngày cả đơn vị vượt qua một con sông nhỏ trên một cái cầu mấy cây tre ghép lại, có tay vịn. Tới giữa dòng, anh Chính trị viên Đại đội ngoái lại nói nhỏ với tôi rằng: “ Đây là sông Sê Pôn. Sang bên kia là huyện Mường Phìn, tỉnh Savanakhet đất Lào rồi”.
Qua cầu, tôi ngoảnh lại bờ đông là một rừng tre xanh cao vút dưới nắng chiều vàng, đẹp lắm. Nơi ấy là Tổ quốc mình. Lòng tôi bồi hồi xúc động. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi đi ra nước ngoài. Đi ra nước ngoài mà không có hộ chiếu, không có giấy tờ tùy thân. Với bộ quân phục Quân Giải phóng và chiếc mũ tai bèo, mà như nhà thơ Tố Hữu sau này đã viết, chẳng làm đau một chiếc lá trên cành, đã thay cho hộ chiếu. Trong túi áo của mỗi người chỉ vỏn vẹn một tờ giấy bìa cứng, rộng bằng cái chứng minh thư, trên đó đề là Giấy chứng nhận XYZ, họ và tên, được cử đi Bác Ái. Lúc đó tôi cũng chẳng biết giấy XYZ là cái gì, để làm gì, cất giữ ra sao, tại sao lại lấy 3 ký hiệu toán học đặt tên cho nó. Đi Bác Ái nghĩa là đi đâu. Chỉ biết rằng, mỗi người đi “B dài” đều được cấp giấy XYZ. Nhưng khi đã vào chiến đấu ở chiến trường rồi chẳng còn quan tâm đến miếng giấy đó nữa. Sau này, khi ra Bắc, nghe đâu cần có giấy chứng nhận XYZ để làm khen thưởng thì phải. Ai nghĩ ra việc đó kể cũng lạ. Người lính bao năm lăn lộn vào sinh ra tử ở chiến trường, ai còn giữ được một cái miếng giấy nhỏ bằng nửa lòng bàn tay!
Đêm dừng lại trú quân ở một cánh rừng tre, trời mưa phùn, se lạnh, cơm nước xong, trèo lên võng nằm, lòng bồi hồi cảm xúc, tôi làm mấy câu thơ:
"Ra đi chiều ấy cuối mùa Đông
Biên giới là đây một nhánh sông
Qua cầu tre nhỏ sang đất bạn
Ngoảnh lại giang sơn chốn Lạc Hồng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét