Menu ngang

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

          NGỒN NGỘN THÔNG TIN, ĐẪM TÌNH NHÂN ÁI

 

                                                                      Nguyễn Mạnh Đẩu

 

Đầu tháng 6 năm 2021, giữa một chiều Hè oi ả, tôi nhận được tập bản thảo cuốn sách “ TỪ CÁNH ĐỒNG CHIÊM TRŨNG BƯỚC RA THẾ GIỚI ”  của Nhà báo, Nhà thơ, Dịch giả Lưu Vạn Kha. Trước đây, khi đương chức chúng tôi không cùng ngành nghề. Sau khi nghỉ hưu, ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên đã “ hợp gu ” nhau và trong suốt nhiều năm qua, với tôi, Lưu Vạn Kha là người bạn trân quý, tri âm, tri kỷ. Tôi đã mấy lần về thăm quê hương ông - làng Phù Lưu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh - Đó là một vùng chiêm trũng. Nơi ấy, từ bao đời nay trong dân gian có câu “ Trống Chờ, chuông Chõ, mõ Phù Lưu “. Được biết, đó là ba loại phương tiện thông tin báo động từ ngàn xưa của cả một vùng dân cư rộng lớn, mỗi khi có địch họa, thiên tai. Sinh ra trong một gia đình cách mạng, nền nếp gia giáo, Lưu Vạn Kha được tiếp thụ truyền thống gia đình, dòng họ và được nuôi dưỡng tâm hồn trong phông chung văn hóa Kinh Bắc. Đến tuổi trưởng thành và gần trọn cuộc đời, ông gắn với sự nghiệp báo chí, đối ngoại. Hơn mười năm thân thiết gắn bó, đủ cho tôi chân nhận về Lưu Vạn Kha là một con người hiểu biết sâu rộng, vốn sống phong phú, tấm lòng hồn hậu, trọng tình, chất phác; phong cách tinh tế, lịch lãm, khiêm cung trong mọi quan hệ trên từng phương diện.

Với 250 trang bản thảo bằng nhiều thể loại phong phú ( Ký sự, Tùy bút, Phóng sự, Tản văn, Thơ và Ảnh ), Lưu Vạn Kha đã tiếp biến và luận bàn về cảnh vật, thế thái, nhân tình trên nhiều miền đất đã qua. Đây tựa như một bản thông điệp đầy đặn về nhật ký hành trình trong nhiều năm học tập, công tác của Lưu Vạn Kha. Ông cung cấp cho độc giả một lượng thông tin ngồn ngộn, nhiều tầm kích và bổ ích trên các chủ đề. Ngòi bút khoáng đạt vừa có tính thông tấn báo chí, vừa đậm chất trữ tình văn chương của Lưu Vạn Kha đã kể, đã tả, đã bình giúp người đọc hiểu biết thêm nhiều danh lam thắng cảnh, đất nước, con người ở những địa danh phương trời xa lắc : Argentina, Colombia, Cu Ba, Hàn Quốc, Italia, Lào, Malaysia, Mexico, Nga, Panama, Pháp, Thủy Điển. Từ những trang văn thơ của Lưu Vạn Kha, người đọc cảm thấy như đang đắm mình tham gia một tuor du lịch dài ngày - được thưởng lãm, chiêm nghiệm và cảm thức nhiều điều hấp dẫn, phong phú. Đến thăm Argentina, ông đã vào Họng Quỷ với bút ký đặc tả kèm theo một bài thơ trữ tình : “ Người đàn bà đến thác Iguazu / Không mặc áo mưa như những người du lịch khác / Không nói, không cười / Chỉ vô hồn nhìn vào thác nước / Mặc cho mọi người / Chụp ảnh liên hồi / Tự sướng / Mắt, miệng đều tươi / Mãn nguyện…”. Cảm hứng Buenó Aires của ông là : “ Thành phố có cái tên Không khí Trong lành / Cả không gian đều căng phồng ngực thở / Nghe thấy tiếng reo hò của gió / Trên những hàng cây lá đổ chiều hôm / Đến lần đầu mà vẫn thấy thân quen …Con thuyền cổ, đậu trên sông cũng như đang hát / Bên những lâu đài hoành tráng, nguy nga / Buenos Aires ơi, thành phố rất xa / Ta vẫn thấy gần / Ở trong lồng ngực “. Với Argentina, Lưu Vạn Kha còn đến thăm làng thổ dân Gunari, và đã gặp người bạn thuở thiếu thời của Chê. Đến Colombia, một miền đất mới, xa lạ và bí ẩn,  quê hương của đại văn hào Marquez - người được trao Giải thưởng Noben Văn học, tác giả tiểu thuyết “ Trăm năm cô đơn” để đời - Lưu Vạn Kha có bài Một thoáng Colombia với nhiều bài học khi xuất ngoại. Tiếp đến là các bài viết về thị trấn vì người nghèo ở Madellin, Những ngày đầu ở Cali với đội tuyển Futsal Việt Nam.

Từ năm 1967, ở tuổi 18, là sinh viên du học đại học tại Cuba, sau đó có hai nhiệm kỳ ở Văn phòng TTXVN tại La Habana và nhiều lần sang công tác Cuba, Lưu Vạn Kha gắn bó, am hiểu về địa lý, lịch sử; nhiều kỷ niệm đẹp với Hòn đảo tự do. Vốn nguồn tư liệu dồi dào và chất đầy cảm hứng, ông dự định sẽ dành hẳn một cuốn sách viết về Cuba. Trong khuôn khổ cuốn sách này, ông có các bài báo viết về : “ Ký ức về thời kỳ đặc biệt của Cuba”, “ Việc đi lại ở La Habana trong thời kỳ đặc biệt”, “ Đại hội V Đảng Cộng sản Cuba : Thống nhất tư tưởng, tiếp tục cải cách”, “ Cuba vượt trên sóng cả”, “ Việt nam - Cuba : Tình hữu nghị vững chắc từ cội rễ ”. Tiếp đó, là loạt bài phóng sự dài kỳ viết về Cuba từ năm 2017 vừa có tính thời sự, vừa mang tính chính luận sâu sắc phong phú. Bài thơ “ La Habana, tình yêu của tôi ” dạt dào cảm xúc thăng hoa : “Thành phố đón tôi bằng một trận mưa rào / Như nước mắt của bao năm gặp lại / Những yêu thương, nhớ mong hoang hoải / Thành bão lòng ngày hội ngộ hôm nay / 50 năm rồi tất cả vẫn còn đây / Mỗi bước đi đều dập dềnh kỷ niệm / Đê Malecon vẫn ầm ào tiếng sóng / Nhà F-Tercera trông ngóng đến bạc đầu …” ,“ …Thấp thoáng mỗi căn nhà bóng dáng bạn xưa / Vườn vắng lặng, có tiếng chim lảnh lót / Người đã đi xa, mà sao chim vẫn hót / Như báo rằng tình cũ đã về đây”, “ .. Những ly mojio và daiquiri ngất ngây / Sóng sánh bóng người, quyện theo tiếng nhạc / Đêm La Habana như không bao giờ kết thúc / Như tình yêu đầu vẫn đập trong tôi”. Ngày 27/11/2016, ngay sau khi Fidel - lãnh tự vĩ đại của Cuba, người bạn lớn của Việt Nam từ trần - Lưu Vạn Kha có bài thơ Lời điếu dành cho Fidel thật cảm động,  sâu lắng nghĩa tình. Với khổ thơ cuối là: “Vĩnh biệt Fidel, người trong suốt cuộc đời / Yêu mến Việt Nam, “cần hiến dâng cả máu” / Hãy yên nghỉ, Fidel yêu dấu / Ông đã gieo mầm cho sự sống sinh sôi.”.

Lưu Vạn Kha dành nhiều bài viết phong phú về Italia, Panama, Mexico là những nước có nhiều thời gian gắn bó. Trong đó, tôi rất thích bài thơ của ông viết về đấu trường Colosseo, một di tích lịch sử độc đáo ở thủ đô Roma :

“Đây đấu trường Cô-lô-xê-ô / Sỏi đá ngàn năm phong trần sương gió / Nghe từ xa cả một đàn ngựa hý / Và một rừng gươm khua / Những võ sỹ giác đấu ngày xưa / Áo giáp sắt và khiên đao hùng dũng / Những chiến binh tung hoành xung trận / Cô-lô-xê-ô, tất cả vẫn còn đây / Hàng thông già, cao vút tầng mây / Nhân chứng câm, của nghìn năm lịch sử / Những biến đổi, thăng trầm của Rô-ma cổ / Thủ đô - ‘Thành phố Vĩnh hằng” / Ai đã qua đây dù chỉ có một lần / Sẽ nhớ mãi Cô-lô-xê-ô vĩ đại / Một phế tích với hơn nghìn năm tuổi / Một quá khứ oai hùng, mãi mãi không quên “ ( Lưu Vạn Kha, 2005).

Là Nhà báo kỳ cựu cuả TTXVN được “ cắm chốt ” nhiều năm ở Cuba và Italia; từng làm Phóng viên chuyên trách cho hai đời Tổng Bí thư của Đảng; từng làm Phiên dịch cho nhiều đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước khi thăm, làm việc tại các nước, Lưu Vạn Kha là người đi nhiều, trải nghiệm nhiều và viết nhiều. Ông cũng đã từng gặp gỡ tiếp xúc với các tên tuổi lớn của nhiều nước. Phải chăng, phương châm của ông là : Học, đi, nghe, nhìn, đọc, hỏi, nghĩ và viết. Bởi thế, toàn bộ tác phẩm đã và sẽ xuất bản của ông là kết quả một vốn sống phong phú, sự nhiệt thành đam mê và là năng khiếu.

Tôi đã đọc khá kỹ các bài - cả thông tin, chính luận và thơ - về đất nước, con người ở các nước, các miền Lưu Vạn Kha đã viết trong cuốn sách này và rất tâm đắc với tác giả. Nhưng trong khuôn khổ, tôi không thể nói được hết. Việc đọc chia sẻ thông tin và ngẫm suy theo cách của mình là phần của bạn đọc.

Cuốn sách còn là tấm lòng đầy tính nhân văn của Lưu Vạn Kha đối với quê hương, gia đình. Ông hoài niệm về quê hương với tuổi thơ trải qua nghèo khó đạm bạc mà hồn nhiên, trong trẻo, thấm đẫm tình người. “ Nhớ thuở bắt cua … “ là một bài như thế. Bài viết rất cụ thể, chi tiết. Đọc bài viết này, mọi người cùng thế hệ 4 X, 5 X và 6 X như đang trở về với những trang ký ức không bao giờ quên của tuổi thiếu nhi trên mọi làng quê Việt. Kế đến là bài “ Kiếm cá ở quê tôi “, tác giả tả cảnh Hội đánh cá tháo đồng, cảnh úp nơm ở các tràn rau muống thật sinh động. Và nhiều bài tản văn rất hay khác. Đó như những thước phim quay chậm, rất chi tiết, về làng quê những năm 60 của thế kỷ trước còn đọng lại trong tâm thức của nhiều người. Nhiều hoài niệm của tuổi thơ trên quê hương yêu dấu. “  Làng tôi xưa và nay ” là một bài thơ hay, chất đầy cảm xúc lưu luyến, nuối tiếc của Lưu Vạn Kha : “ Làng tôi xưa, vườn tre cánh cò trắng xóa  / Run rẩy chim non mỗi trận bão về / Đêm mưa lớn, ếch nhái cùng cất tiếng  / Như một dàn giao hưởng đồng quê / Làng tôi xưa, nhà gỗ đơn sơ / Mái ngói rêu phong, vườn cây, vại nước / … Làng tôi xưa, ai cũng mê say / Sân đình trống tuồng rộn rã / Những nông dân cả ngày vất vả / Đêm vào vai vua, chúa, nguyên phi / Tóc con gái hương chanh thơm mát / Thì thầm tiếng gọi đâu đây /… Làng tôi nay, ít dần nhà ngói cổ / Nhà ống lên ngôi, bê tông hóa mất rồi / Tóc con gái không thơm mùi chanh nữa / Chỉ còn mùi mỹ phẩm mà thôi / … Thế nhưng mà, dẫu có đi xa / Trong tôi vẫn cồn cào nỗi nhớ ”.

Lưu Vạn Kha đã rưng rưng khi viết những kỷ niệm về người Bố kính yêu, cụ Lưu Vạn Khoa. Qua đó, dựng lên chân dung một người cán bộ cách mạng có nhiều công lao cống hiến trong kháng chiến chống Pháp và lãnh đạo địa phương sau ngày hòa bình. Cụ là một mẫu cán bộ mẫn cán, liêm trung, thanh đạm và lạc quan cách mạng - Một thế hệ cán bộ cách mạng có nhân cách trong sáng, vì nước vì dân. Có thể nói, lớp cán bộ đó như giàn sao sáng trên trời, một đi không trở lại. Trong gia đình, Cụ là người Bố nhân từ, mẫu mực, là tấm gương sáng soi cho mọi người con. Với người mẹ quá cố ở tuổi 48, Lưu Vạn Kha trọn đời thương nhớ. Chắc chắn là, ông đã nghẹn ngào khóc khi cầm bút viết bài “ Nén hương trong ngày Giỗ mẹ ”. Đây là bài thơ rất cảm động tưởng niệm tri ân công sinh thành dưỡng dục của mẹ: “ Nhiều năm mẹ đã đi xa / Con nay cũng đã tuổi già từ lâu / Gió sương đã bạc mái đầu / Vẫn nhớ về mẹ, ân sầu biển trời / … Bố đi kháng chiến triền miên / Gian nan làm mẹ hao mòn tuổi xanh / Sinh con có tới chín lần / Mất hai, còn bảy bần thần, đớn đau / … Tháng năm lao động tảo tần / Một vai gánh nặng chuyên cần nuôi con / … Con xin thắp nén hương này / Trong ngày giỗ mẹ, tràn đầy nhớ thương”. Kế đến, Lưu Vạn Kha đã dành tình cảm trân trọng của mình trong bài viết về Chị tôi – Đó là chị Lưu Thị Thi, người chị cả trong gia đình đã thay mặt mẹ chăm sóc 6 người em từ thuở bé trong hoàn cảnh khó khăn, đạm bạc. Chị là người đẹp người, đẹp nết, là chỗ dựa tinh thần, tình cảm của cả đàn em thơ trẻ.

Kế thừa, phát huy truyền thống gia đình cùng với vốn sống, sự hun đúc, trải nghiệm trong trường đời, Lưu Vạn Kha đã dành tình cảm vào sự giáo dục, bày dạy con cháu một cách căn bản, nền nếp bằng những bài viết thấm đẫm nghĩa tình và  lòng nhân ái.

Cùng với tập thơ Trăng Đỏ ( Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản năm 2019 )  và các tác phẩm văn chương khác, cuốn sách “ TỪ VÙNG CHIÊM TRŨNG BƯỚC RATHẾ GIỚI ” là thêm một điều Lập Ngôn của Lưu Vạn Kha để lại cho gia đình, bằng hữu và lớn hơn là để lại cho đời.

Viết bài này, tôi xin chân thành chúc mừng ông bạn già của tôi - Nhà báo, Nhà thơ, Dịch giả Lưu Vạn Kha quý mến. Và nếu có thể, tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc gần xa !

 

 

.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét