Menu ngang

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

             PHỎNG VẤN 
             NGƯỜI HAY CẦM GIẤY ĐỌC…

                     Phóng viên Vũ Thị Hân Hoan thực hiện

-  Phóng viên ( PV): Sao tóc anh chải mượt thế?
- Người hay cầm giấy đọc ( NHCGĐ): Anh là lãnh đạo.
- PV: Sao khi nói, mồm anh tròn thế?
- NHCGĐ: Cũng vì anh là lãnh đạo.
- PV: Sao anh có bộ comlê oai thế?
- NHCGĐ: Người lãnh đạo phải thế!
- PV: Tại sao khi phát biểu anh hay cầm giấy đọc?
- NHCGĐ: Vì đấy là tác phong người lãnh đạo. Ở nước ta ai không cầm giấy đọc trước cử toạ, là không phải người lãnh đạo.
- PV: Nhưng em nghĩ đã là Tiến sỹ mà lại cầm giấy đọc, chẳng lẽ trình độ của anh “ ghê” như thế mà không thể nói “ vo” một vấn đề mà người nghe đang quan tâm?
- NHCGĐ: ( cười) …
- PV: Anh cười là em hiểu bằng “ Tiến sỹ” của anh như thế nào rồi!!! Thế sao em thấy bên Tây mấy ông lãnh đạo khi nói với cử toạ, rất ít khi cầm giấy đọc!
- NHCGĐ: Các ông ấy liều, vô văn hoá, không có nhân cách và rất dốt.
- PV: Anh nói, em không hiểu?
- NHCGĐ: Các bố ấy liều, là nói không có giấy rất dễ đi sai đường lối, sai chỉ đạo chung. Vô văn hoá, nhỡ đâu, không có giấy, lại ăn nói kiểu nông dân, văng tục trước mọi người thì sao? Không có nhân cách, vì đọc không có giấy, nhân tiện trong đầu cứ nghĩ mình nhất, thế là nói văng mạng, tự đề cao mình, chửi đồng đội bạn bè, có khi chửi cả mấy người trí thức chân chính. Nói không có giấy viết sẵn sẽ lòi ngay cái dốt ra. Nói dài, nói dai, nói dại. Nói mà không biết mình đang nói vấn đề gì…
- PV: Nhưng em thấy mấy ông lãnh đạo bên Tây, đã có ai dính vào trường hợp ấy đâu?
- NHCGĐ: Họ “ dính vào chuyện ấy …” Lại đi nói cho cô biết, có mà …
- PV: À ! Em hiểu rồi, bên mình có chuyện đó, nên những người như anh mới “ Phải cầm giấy để đọc”?
- NHCGĐ: Đấy là cô nói chứ không phải tôi nói.
- PV: Nói thật với anh ! Anh cứ cầm giấy cắm cúi đọc, chỉ thỉnh thoảng mới ngẩng mặt lên, khua tí tay, uống một hớp nước, giải thích dăm ba câu cho có lệ, rồi lại cúi xuống đọc, trông mất “ uy ” quá, thiếu tự tin.
- NHCGĐ:  Tôi cần gì “ uy” ! Mà giả sử tôi không có “ uy” , tôi vẫn là người lãnh đạo, chẳng ai làm gì tôi. Còn cô nói “ thiếu tự tin!”, tôi cho cô nói câu này đúng.
- PV: Vì sao thế ạ ?
- NHCGĐ: Thiếu tự tin, cụ thể hơn, luôn lo sợ là bản chất người lãnh đạo.
- PV: Lãnh đạo ở đâu ? thưa anh.
- NHCGĐ: Ở tôi, chứ đâu!
- PV: Em cảm ơn anh đã nói ra sự thật. Nhưng trông anh “ oai ” thế kia, lại ở vị trí lãnh đạo, có việc gì mà phải sợ?
- NHCGĐ: Tôi lên được vị trí này cô tưởng dễ à! Chạy qua bao nhiêu cửa, “chơi” không biết bao nhiêu kiểu, để hạ gục những thằng định tiếm quyền chức này. Rồi còn chuyện hy sinh về kinh tế nữa, nói ra cô không tin đâu! Tôi mới ngồi được ở ghế lãnh đạo. Tuy nhiên vẫn chưa yên, nhiều thằng đang muốn hất văng tôi ra khỏi ghế này… làm sao mà không lo sợ?
- PV: Để đối phó việc đó, anh phải làm gì ?
- NHCGĐ: Thì cô thấy đấy, cần phải dấu trình độ của mình, không cho chúng nó biết, bằng cách kiếm bằng “ Tiến sỹ” , “thạc sỹ”, rồi ăn mặc thật đẹp mỗi khi phát biểu. Khi đã phát biểu thì phát biểu thật đúng, thật hay cũng lại bằng cách để cho người khác viết, rồi mình  “ cầm giấy  đọc” bài phát biểu ấy trước cử toạ.
- PV: Anh đọc như thế, em sợ, có khi chính anh cũng không biết mình đang đọc gì?
- NHCGĐ: Điều đó không quan trọng lắm, đối với tôi.
- PV: Anh không tôn trọng người nghe hay sao?
- NHCGĐ: Cô thử hỏi họ, họ có tôn trọng tôi không? Mà tôi đi tôn trọng họ.
- PV: Nhưng họ đang nghe anh nói cơ mà!
- NHCGĐ:  Tôi thừa biết có khi tôi đang đọc “phát biểu”, họ ngồi im lắng nghe. Thực ra là giả vờ hết, tiện cho việc quay ti vi, khỏi bị công an, trật tự viên nhắc nhở. Còn khi ra ngoài hội trường mọi việc đâu lại vào đó, bài phát biểu “đọc” của tôi họ không nhớ đến một câu, chẳng có một tác dụng gì hết.
- PV: Nghe anh nói như vậy, em buồn thật.
- NHCGĐ: Vì sao cô lại buồn?
- PV: Thế thì… anh phát biểu làm gì?
- NHCGĐ: Cô hỏi thật buồn cười, vì tôi là người lãnh đạo. Đã lãnh đạo thì phải  “ phát biểu “ chứ. Vì không “ phát biểu” tôi còn biết làm việc gì nữa. Cô hiểu chưa ?
….
      



               PHỎNG VẤN 
               NGƯỜI ĐƯỢC TẶNG NHIỀU SÁCH

                    Phóng viên VŨ THỊ HÂN HOAN thực hiện

        Phóng viên ( PV): Theo em được biết,  trong năm vừa qua, anh là người được các nhà văn, nhà thơ tặng nhiều  sách nhất. Nhờ Anh cho em biết,  có “ bí quyết ” gì mà anh được “ân huệ”  đó?
         - Người được tặng nhiều sách( NĐTNS): Quả thực em hỏi thế làm  anh khó trả lời. Có lẽ các nhà văn, nhà thơ tặng sách cho anh, cứ nghĩ  rằng, ở cương vị này, anh là người ham đọc sách, nên họ tặng.
         - PV:  Em được biết, anh là người rất bận việc, riêng chuyện ngồi đoàn chủ  tịch,huấn thị, cắt băng khánh thành, cầm xẻng xúc đất động thổ ... đã  hết thời gian. Vậy anh đọc sách lúc nào ?
            - NĐTNS: Chà ! Chà ! Em hỏi  thế, anh càng khó trả lời... Đúng là anh không biết đọc sách lúc nào...  Em nói chưa đủ, anh còn dự nhiều hội nghị khác nữa chứ . Ví dụ như Hội  thảo khoa học... mà có nhiều hội thảo nội dung anh mù tịt, vẫn phải  ngồi, ngồi im lặng, ngắm chai nước suối...
             - PV: Nghĩa là anh rất bận về sự vụ, không có thời gian đọc sách?
             - NĐTNS: Gần đúng như thế !
              - PV:Nghĩ cũng lạ, anh bận như vậy mà các nhà văn, nhà thơ vẫn... tặng sách cho anh ?
             -  NĐTNS: Việc tặng sách là như thế này. Anh hay đi dự hội nghị của các  ngành, của các tỉnh... Đất nước mình ở đâu mà không có nhà văn, nhà thơ.  Nhất là bây giờ đâu đâu cũng có nhà thơ, ngành nào cũng có... thấy anh  đến dự, nghe đoàn chủ tịch giới thiệu, bên dưới vỗ tay, anh thấy mấy ông  nhấp nhổm, ánh mắt nhìn anh chan chứa thương yêu. Đến giờ giải lao,  chính mấy ông ấy tặng anh những tập thơ vừa mới sáng tác. Nhà thơ đấy!  Thậm chí có ông nhà thơ, anh nhớ không lầm, cũng tập thơ đó, tặng anh  những ba lần.  Anh vỗ vai nhà thơ đó: “ Này cậu! hình như hai lần trước  cậu cũng tặng mình hai tập thơ cùng một nội dung này rồi...”. Ông nhà  thơ ấy nghe anh nói vậy, nở một nụ cười rất dễ thương: “ Dạ, thưa anh !  Lần đầu em tặng anh tập thơ ấy là dành cho vợ của anh đọc. Lần thứ hai  em cũng tặng tập thơ ấy là cho con anh đọc. Còn lần này em tặng, là cho  đích danh anh đọc!”. Nhà thơ đã nói vậy. làm sao anh không cầm...
          - PV: Nhà thơ tặng sách cho anh nhiều như vậy, điều đó chứng tỏ nền văn nghệ nước ta đang thịnh?
           -  NĐTNS: Có lẽ em nói đúng! Có ông nhà thơ khoe với anh: “ Thưa anh ! Đây  là tập thơ thứ “ băm” trong năm của em. Mỗi tập thơ ra đời là một bước  đi lên, như có nhà phê bình, bạn thân của em đã viết. Tập thơ sau bao  giờ cũng dày hơn tập thơ trước. Chữ tập thơ sau bao giờ cũng to hơn chữ  tập thơ trước. Đặc biệt, bìa tập thơ sau bao giờ cũng in láng, đẹp hơn  tập thơ trước...”.
- PV: Nhưng dù sao em vẫn thắc mắc, tại sao anh là người được nhiều nhà văn, nhà thơ tặng sách?
          -  NĐTNS: Họ tặng cho anh vì... như họ ghi lời đề tặng đầu trang: “ Tặng  anh... người anh tinh thần của em!”. Anh đọc lời đề tặng rồi tự hỏi: “  Quái lạ cho tay nhà thơ này! Cứ làm như không có mình thì nhà thơ không  có tinh thần chắc ?”. Rồi có người còn viết: “ Tặng anh, một con người  có trái tim quả cảm, dám chấp nhận phong ba...”. Nói thế là quá với anh,  anh đang mắc bệnh đau tim vào nằm thường trực ở bệnh viện Hữu Nghị  suốt. Được “ trái tim quả cảm” không thuốc men có mà sướng cả đời! Anh  lại sợ gió bão, cứ nghe có sóng thần là thôi không dám mua căn hộ cao  cấp ven biển. Viết thế là không đúng với anh!
         - PV: Dẫu sao anh cũng  hơn em là có người hâm mộ, tặng sách. Có điều gì không phải của người  tặng sách, theo em , anh nên bỏ qua... Anh cho em hỏi lại, anh có đọc  sách của người tặng sách không ? Anh trả lời thực tình nhé !
         - NĐTNS: Anh nói với em rồi... đừng bắt anh trả lời câu hỏi này nữa.
          - PV:Anh nói như vậy không sợ những người tặng sách tự ái sao?
-  NĐTNS: Nói nhỏ với em, có nhà thơ, nhà văn biết thừa là họ tặng sách  cho anh, anh cũng không đọc nhưng họ thích anh khen, nhất là khen họ  trước đám đông. Nên thế dù không đọc sách của họ, anh vẫn khen : “ Sách  của cậu viết hay lắm, rất hấp dẫn, đúng vấn đề... tuyệt vời...”. Nghe  anh khen, quá sướng, lỗ mũi của mấy người này phập phồng như mang con cá  đang bơi ở dưới nước ấy. Nhà văn, nhà thơ ai chẳng thích những người  như anh khen.
- PV: Nhưng... nhỡ đâu những điều anh khen  không có trong cuốn sách họ tặng cho anh thì sao?
           -  NĐTNS: Em nói đúng... nhưng anh biết có rất nhiều người giống anh, cũng  không bao giờ đọc sách văn học, nên anh khen hoặc chê, họ không biết.  Tuy nhiên điều đó cũng không quan trọng, quan trọng là khi anh khen...  không ai dám phản bác được...
- PV: Thưa anh! Vì sao?
          - NĐTNS: Vì các nhà thơ, nhà văn thích tặng sách cho anh để lấy cái “ Oai”: “ Tôi là bạn của ông...”.  Em hiểu không ?
           - PV: Anh nói thế em hiểu! Cảm ơn anh.
                 ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét