Đại tá, nhà báo Đặng Thọ Truật
Nguyễn Văn Thịnh
Vẫn biết “Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt. Lỗi lầm, luồn lọt, lại lên lương” nhưng ông thích sống thẳng thắn như thế. Ông bảo: Sống là phải hiên ngang như mãnh hổ vào ngàn. Phải biết ghét thói nói một đường, làm một nẻo mà ông gọi đó là bọn “chính trị lưu manh”.
ĐẠI TÁ ĐẶNG THỌ TRUẬT: NGƯỜI ANH HÙNG CHƯA ĐƯỢC TUYÊN DƯƠNG
Người ta biết đến ông là một nhà báo quân đội, một sĩ quan có nhiều cống hiến. Trong cuộc đời làm chiến sĩ, ông đã dự nhiều trận đánh khốc liệt, hào hùng, có trận đã được ghi vào lịch sử, thuộc vào những trận đánh danh tiếng. Ông từng được đồng đội, đơn vị đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bước ra khỏi cuộc chiến hào hùng nhưng tàn khốc, gian khổ, nơi con người và sự sống đặt mong manh giữa hai lằn ranh sinh – tử mà vẫn vẹn nguyên, ông cảm thấy mình là người may mắn. Nơi chiến trường, nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống ở tuổi thanh xuân, trong đó có rất nhiều con người ưu tú. Những khi nghĩ về họ, ông cảm thấy như mình đang nợ một cái gì đó. Một bài hai - ku, thơ cổ của Nhật Bản, viết thế này: “Nơi chiến trường/ Cỏ đã mọc/ Xanh một sắc chiêm bao…”. Đó có lẽ cũng là tâm trạng của chính ông? Vả lại, ai đã từng đi qua chiến tranh mà không bị nó ám ảnh bao giờ. Nhất là với một dân tộc có truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn…” như Việt Nam.
Từ trận đấu mở màn
Đặng Thọ Truật mang quân hàm đại tá từ thế kỉ trước nhưng ông vẫn không quên được cái ngày đầu tiên nhập ngũ khi ông còn là một cậu thanh niên vừa qua tuổi học trò. Đó là ngày 28/6/1968, ông nhập ngũ vào đại đội I, tiểu đoàn 70, thuộc sư đoàn 324, đóng quân ở Nghệ An. Sư đoàn này được thành lập ngày 1/7/1955 tại Thanh Hóa. Quân số 1 vạn quân. Tư lệnh sư đoàn là đại tá Chu Phương Đới, người Cao Bằng, sau này lên Thiếu tướng. Chính ủy là ông Xuân Trà (sau này cũng lên Thiếu tướng), người Thái Bình. Tiểu đoàn 70 chuyên dùng súng cao xạ 12 ly 7, được thành lập để chi viện cho chiến trường miền Nam, nhằm chống lại chiến thuật trực thăng vận của Mỹ – Ngụy.
Sau 5 tháng huấn luyện, tháng 11/1968 đơn vị được lệnh lên đường chiến đấu. Từ Nghệ An, họ được ôtô chở vào làng Ho thuộc huyện Lệ Thủy – Quảng Bình. Rồi từ Quảng Bình đi bộ vào đất bạn Lào. Ròng rã một tháng trời hành quân, cứ 2 ngày đi, 1 ngày nghỉ, họ đi xuyên đất Lào, xuống Nam Lào, và quật trở lại Thừa Thiên Huế. Tại Nam Lào (ở Cô Ca Va), trận đánh đầu tiên của ông và đồng đội đã diễn ra. Đây là trận đánh khó quên trong đời lính của ông, bởi vì nó là trận đấu “khai mạc đời lính”. Lần đầu tiên trong đời, những người lính trẻ biết chiến tranh là gì. Tại đó, những trái tim trẻ được sự tàn khốc của chiến tranh thử thách. Họ được thấy máy bay trực thăng bay thành từng bay như nhặng xanh. Chúng bu vào bắn phá trận địa ta rất quyết liệt. Rốc két, phóng lựu, đại liên trên máy bay địch bắn xối xả xuống trận địa ta. Chúng chỉ tháo chạy khi ta bắn hạ được một vài chiếc máy bay vũ trang. Trận mở màn này, đơn vị ông bắn rơi một máy bay địch. Nhưng khẩu đội trưởng khẩu đội 3 Phan Thanh Xông, quê Nghi Thiết- Ngi Lộc- Nghệ An, hi sinh. Sau đó là trận đánh ở Abia mà báo chí Mỹ gọi là “đồi thịt băm lính Mỹ”, rồi đánh điểm cao 935 diệt một trung đoàn thiếu của Mỹ tại Thừa Thiên Huế. Trận đánh ở chiến dịch 935, ông là xạ thủ số 1, bắn hạ 3 máy bay Mỹ, cùng khẩu đội bắn rơi 2 máy bay Mỹ nữa. Kết thúc chiến dịch sau 23 ngày đêm chiến đấu ông được thưởng một Huân chương chiến công (HCCC) giải phóng hạng Ba và một dũng sĩ diệt máy bay.
Đại tá Đặng Thọ Truật trong đời thường- ảnh N.V.T
Đến cuộc chiến đấu hào hùng trên dãy Cô Pung
Trận chiến trên dãy Cô Pung là một trận đánh oai hùng trong đời ông và các đồng đội. Nó là một chiến công vang dội, chiến tích lẫy lừng của đơn vị, của toàn quân và dân ta. Với trận Cô Pung, đại đội 3 và tiểu đoàn 54 của ông được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng.
Dãy Cô Pung là một dãy núi cao thuộc dãy núi Trường Sơn, nằm ở địa phận A Sầu-A Lưới (Thừa Thiên Huế). Đỉnh cao nhất của nó là đỉnh Cô Pung cao 1.650 mét. Trước năm 1968, quân Mỹ sau khi đánh nống ra phía Bắc đã từng chiếm đóng ở đây tại điểm cao 1078. Sau tổng tiến công 1968, chúng rút chạy khỏi đây. Lần này, chúng âm mưu đổ bộ lên Cô Pung để làm bàn đạp tiến công ra Tây Bắc, tập kích vào hậu cứ của ta, đánh phá khu hậu cần, hậu phương nhằm chặn đường tiếp tế của ta. Ý đồ của địch cực kỳ nham hiểm. Cấp trên nhận định: Địch sẽ đổ quân ở Cô Pung, hoặc điểm cao 1078 và ra lệnh cho sư đoàn 324 đón lõng, đánh chặn địch ở đây, không cho chúng triển khai quân. Tiểu đội của ông do ông Thành làm tiểu đội trưởng, ông làm xạ thủ số 1 trực tiếp cầm súng, được lệnh lên điểm cao đối diện điểm 1078 để mai phục. Nếu địch đổ quân ở điểm 1078 thì đánh, còn nếu địch đổ bộ ở đỉnh Cô Pung thì cơ động tiến lên mà đánh (vì điểm mai phục của khẩu đội của ông nằm lưng chừng, phía dưới đỉnh Cô Pung).
Sau khi đào xong công sự, khẩu đội biên chế 15 người, chỉ để lại 7 người cắm chốt, còn 8 người rút về hậu cứ. Trong 4 ngày liền, ngày 25 – 29/7/1970, địch dùng 27 lượt chiếc B52 rải thảm nhiều đợt theo dọc dãy núi Cô Pung đến điểm cao 1078. Chúng còn ném bom CPU 7 tấn phát quang đỉnh Cô Pung.
Ngày 29/7/1970, địch tiếp tục pháo kích dồn dập. Sau đó, một tốp trực thăng ba chiếc bay lượn trên đỉnh cao 1078. Rồi một chiếc hạ độ cao, đáp xuống. Hai chiếc còn lại bay rất thấp, vòng quanh quan sát. Họ (7 người trong khẩu đội của ông) nhận định: địch “dọn bãi” và kiểm tra, trinh sát để sẵn sàng đổ quân, nên không nổ súng để giữ bí mật và cử người về báo cáo với đại đội chi viện và tiếp tế thêm đạn 12 ly 7 và 7 ly 62.
Sáng 30/7, 5 giờ sáng, địch đã pháo kích và cho nhiều tốp máy bay phản lực ném bom dữ dội lên dãy Cô Pung và điểm 1078. Họ nhận định, địch sẽ đổ quân ở 1078, cách chỗ mai phục của khẩu đội khoảng 400 mét. 10 giờ sáng ngày 30/7, máy bay trinh sát OH6 và trực thăng chiến đấu AH 1G của địch quần đảo nhiều lần, bắn xăm tất cả các vị trí mà chúng khả nghi.
Khoảng 11 giờ, từng tốp 10 chiếc trực thăng UH 1 từ sân bay Phú Bài (Huế) bay lên Cô Pung, lần lượt từng chiếc đổ bộ xuống điểm 1078. Ông Truật tiết lộ: “Lúc ấy, chúng tôi quyết định chờ cho địch đổ bộ được 4 chiếc rồi mới bắn. Vì như vậy buộc địch phải đổ quân tiếp theo kế hoạch để cứu ứng lẫn nhau, đồng thời chúng không dám dọn bãi tiếp. Ta giữ được thế bất ngờ và bảo toàn lực lượng.”.
Sau khi cân nhắc thời cơ, họ nổ súng. Ngay loạt đầu, 3 viên đạn 12 ly 7 bắn trúng một chiếc UH 1 rơi tại chỗ. Liên tiếp mỗi chiếc đổ bộ sau đó, ông lại bắn điểm xạ 3 viên. Trong 10 phút đầu, 5 chiếc máy bay rơi tại chỗ. Địch lồng lộn gọi quân tiếp viện. Chúng điều máy bay phản lực, trực thăng vũ trang bắn vung vãi lên dải Cô Pung. Tuy nhiên, do trận địa của ta gần nơi đóng quân của địch và do địa hình rừng núi, sườn dốc hình yên ngựa, nên ta không bị tổn hại. Vì địch không biết chính xác quân ta ở đâu nên bắn hú họa, cầu may.
Liên tiếp sau đó, địch tiếp tục đổ quân, nhiều máy bay của địch bị bắn hạ. Bắn tới chiếc 31 thì súng 12 ly 7 bị gãy díp tiếp đạn, không chữa được. Địch vẫn tiếp tục đổ quân xuống tổng cộng 50 chiếc UH1, quân số khoảng một tiểu đoàn. Ông và đồng đội cử hai người đi báo cáo với chỉ huy trung đoàn bộ binh 1 và tổ chứ mai phục, chờ địch để đánh.
Khoảng 12 giờ, địch chia thành 3 hướng tấn công vào trận địa. Khẩu đội ông bình tĩnh, kiên quyết đánh trả, đánh lùi 5 đợt tấn công của địch. Địch ngừng tiến công gọi thêm quân yểm trợ… Sau đó vì đạn trung liên, tiểu liên và lựu đạn hết, khẩu đội quyết định rút lui.
Đại tá Đặng Thọ Truật trong quân phục- ảnh chụp lại
Tham gia giải phóng Quảng Trị
Mấy ngày sau trận chiến đấu ở Cô Pung, chủ nhiệm pháo binh quân khu là ông Bạch Ngọc Liễn đã đích thân xống đơn vị ông để khen tặng. Lúc đó ông đang bị phạt đi gùi gạo vì “dám bỏ trận địa”, thì được liên lạc viên gọi về. Ông kể lại: Khi tôi về, thấy mọi người vui vẻ lắm. Ông Bạch Ngọc Liễn đến bắt tay tôi và tự giới thiệu là chủ nhiệm pháo binh quân khu, rồi nói: “Vừa rồi, nghe đài kỹ thuật của địch báo cáo lên cấp trên là sư đoàn Anh cả Đỏ ( của Mỹ) tổ chức đổ bộ lên Cô Pung, bị quân giải phóng bắn rơi 11 máy bay và bắn bị thương 13 máy bay, và bị quân giải phóng phản kích diệt 25 tên.” Đó là chưa kể số lính bị chết trong máy bay. Sau đó, mọi người bảo tôi kể lại trận đánh. Với thành tích là xạ thủ số 1, trực tiếp bắn rơi máy bay, ông được tặng một Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì. Toàn tiểu đội 1 ai cũng được tặng Dũng sĩ diệt máy bay. Đại đội 3 và tiểu đoàn 54 của ông được tặng Huân chương Quân công giải phóng.
Sau chiến thắng Cô Pung, ông cùng đơn vị tham gia chiến dịch Cốc Bai, và trực tiếp bắn rơi 1 trực thăng. Kết thúc năm 1970, ông được tặng thưởng 2 Huân chương chiến công giải phóng: 1 hạng Nhì và 1 hạng Ba, 3 dũng sĩ diệt máy bay …
Chiến thắng trên dãy Cô Pung được báo Quân giải phóng Trị Thiên Huế đánh giá là “một thành tích xuất sắc, một chiến công vô cùng vẻ vang.”
Đến tháng 2/1971, ông cùng đơn vị tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào. Trong chiến dịch này, địch dùng hỏa lực Mỹ, đánh yểm trợ cho quân lực Ngụy. Chúng dùng 4-5 sư đoàn “đánh đảo quân” với 4-5 sư đoàn của ta. Thế trận diễn ra giằng co, khốc liệt, kéo dài 1 tháng trời… Trận đó, ông cùng đồng đội bắn rơi 6 máy bay. Ông được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba. Sau trận thắng này, cuối năm 1971. ông được về báo cáo thành tích tại quê hương Nghệ An về “Những trận đánh hay, những người đánh giỏi”. Được báo cáo thành tích tại Đại hội Quyết Thắng của sư đoàn 324 và được đề nghị Nhà nước tuyên dương anh hùng cùng với đồng chí Dương Quang Bổ, thuộc trung đoàn 3 và đồng chí Biện Văn Thanh, trung đoàn 2. (Đồng chí Bổ và đồng chí Thanh sau đó đã hi sinh năm 1972 tại Quảng Trị và Tây Nam Huế)
Tháng 2/1972, theo đà chiến thắng, ông cùng đơn vị tiến quân giải phóng Quảng Trị. Cuộc giải phóng diễn ra khá thuận lợi. Nhưng sau đó địch đánh trở lại. Bom pháo trút xuống kinh hồn. Thành cổ Quảng Trị gần như bị san phẳng. Nhưng lúc đó đơn vị ông đã rút đi để đánh địch từ hướng đường 12, Tây Nam Huế, chỉ có sư đoàn 304 ở lại chiến đấu bảo vệ Quảng Trị.
Rút khỏi Quảng Trị, đơn vị ông hành quân vào chiến đấu ở mặt trận Tây Nam Huế, điểm cao 551, Động Tranh, Hòn Lạc, cực kỳ gian khổ, ác liệt. Trong những trận đánh đó, quân địch chủ yếu dùng pháo đánh cấp tập từ xa. Cây cối, núi non hóa thành bình địa, hoang tàn. Năm 1972 cho đến Hiệp định Pa-ri, ông và đơn vị chiến đấu liên tục ở đường 12, Động Tranh, Tây Nam Huế. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Dư và cả tiểu đội 1 tăng cường gồm 19 người đều nhập ngũ 1968 và là đảng viên rất gan dạ, dày dặn kinh nghiệm đã vĩnh viễn nằm xuống vùng đất ấy. Đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Sau Hiệp định Pari, ông được điều về làm trợ lý chính trị tiểu đoàn 54, rồi được cử đi học tại Học viện Chính trị.
Và tham gia giải phóng nước bạn Campuchia
Tốt nghiệp Học viện Chính trị, ông được điều về Lữ đoàn 40 pháo binh, thuộc Quân đoàn 3… Từ tháng 5/1977, ông tham gia chỉ huy tiểu đoàn pháo binh D74 -122 ly chiến đấu bảo vệ biên giới ở hướng Đắc Song, Đắc Lắc rồi lật cánh về hướng Sa Mát, Cà Tum, tỉnh Tây Ninh … Đến tháng 12/1978, ông được điều về sư đoàn 31 bộ binh và cùng quân đoàn 3 tham gia giải phóng Campuchia, rồi tiến đánh Pôn pốt (Kh’mer đỏ) ở Xiêm Riệp, Bát đom băng, Tà xanh … Ông Truật hồi tưởng: “Thời đó, chúng tôi chiến đấu ở Campuchia có rất nhiều chuyện để nói. Đó là một cuộc chiến đặc biệt mà trước đó tôi chưa hề dự hay biết tới. Có những chuyện khiến tôi nhớ mãi. Chúng tôi đóng quân tại thành phố Xiêm Riệp gần một tháng. Đó là một thành phố chết, không có dân. Ngày nào chúng tôi cũng đi chơi đền Ăng co Vát, Ăng co Thom, bộ đội quân đoàn 3 đóng quân trong đó. Ngày chiến đấu ở Tà Xanh, chúng tôi phải sống trong môi trường dơ bẩn, ruồi nhặng nhiều vô kể do có nhiều xác chết. Nước uống thì đen ngòm, để dùng được chúng tôi phải thả phèn chua vào. Khi tiến quân, chúng tôi không rành đường và không biết chỗ trú ẩn của quân Kh’mer đỏ ở đâu. May sao gặp một người phụ nữ Campuchia tên là Sari, chúng tôi hỏi: “Chị có biết bọn Kh’mer đỏ đóng ở đâu không? – chị ta đáp :”Tôi vừa từ chỗ bọn chúng về đây, để tôi dẫn các anh đi””. Chị đã dẫn chúng tôi đánh vào sào huyệt của bọn Pôn pốt, thu hàng chục tấn vàng ròng nộp hết lên cấp trên. Chị Sari ấy chỉ xin ít lương khô và gạo để đi tìm lại đứa con và gia đình của chị.
Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông lại cùng đồng đội lên đường. Từ Tây Ninh, họ lên máy bay quân sự bay ra Lạng Sơn và đánh chặn địch ở vùng biên giới.
Đại tá Truật cùng vợ- ảnh chụp lại
Một nhà báo – chiến sĩ
Tháng 5/1979, ông cùng sư đoàn rút về tỉnh Bắc Thái, rồi làm cán bộ tuyên huấn và là thông tin viên của báo Quân đội nhân dân. Sau đó, ông được điều về tòa soạn báo Quân đoàn 3, rồi được cử đi học đại học báo chí. Đề tài khóa luận mà ông chọn là: “Bàn về tính chân thật của báo chí vô sản”. Bài khóa luận của ông được hội đồng chấm thi cho điểm 9,5/10 và ông đỗ thủ khoa. Ở tuổi 35, ông là người duy nhất của khóa học được Bộ Quốc Phòng điều động về báo Quân Đội Nhân Dân. Đến tháng 7/1986, về làm tại báo Quân đội nhân dân. Ít lâu sau chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm Thư ký tòa soạn kiêm phóng viên của báo này.
Trong cuộc đời mình, ông đã đi nhiều, gặp nhiều, kể cả những người đứng đầu đất nước ta, trải nghiệm nhiều, nhất là thời kì làm báo giúp cho ông có nhiều suy nghiệm. Ông tâm sự rằng: đời ông đã có những ngày tháng đáng tự hào, nhưng với ông làm báo vẫn có cái “sướng” hơn vì được nói thẳng, nói thật như cá tính con người ông, con người xứ Nghệ quê ông vậy. Đại tá Đặng Thọ Truật quan niệm: làm báo cũng là làm chính trị nên mỗi nhà báo phải là một nhà chính trị, có đầu óc và tầm cỡ của một chính trị gia, có một tầm nhìn xa trông rộng và cái tâm trong sáng. Làm báo là chiến đấu chống lại cái xấu, cái bất công. Không ai độc quyền chân lý, nhà báo phải góp phần đưa chân lý đến với độc giả. Làm được điều ấy, nhà báo phải có trình độ phân tích thông tin và phải có nguồn thông tin phong phú, dồi dào, đa dạng, đa chiều… Vì thế, mỗi nhà báo đồng thời phải là một chiến sĩ. Nhà báo phải là những con người trí thức dũng cảm. Ông tỏ ra ưu tư: nền giáo dục của chúng ta bây giờ chỉ là tạo ra những con người chỉ biết nghe lời (cấp trên). Cấp trên bảo sao thì làm vậy. Không dám đấu tranh, không có bản lĩnh. Chính nền giáo dục của chúng ta hiện nay đã làm cho con người ta “hèn” đi. Ngày xưa, ông cha ta đâu có vậy. “Con hơn cha là nhà có phúc” cơ mà.
Vẫn biết “Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt. Lỗi lầm, luồn lọt, lại lên lương” nhưng ông thích sống thẳng thắn như thế. Ông bảo: Sống là phải hiên ngang như mãnh hổ vào ngàn. Phải biết ghét thói nói một đường, làm một nẻo mà ông gọi đó là bọn “chính trị lưu manh”. Ông quan niệm, không viết thì thôi, đã viết là phải bảo đảm tính chân thật. Không ai độc quyền chân lý vì chân lý tồn tại khách quan. Nhà báo giỏi và có bản lĩnh là nhà báo tiếp cận được chân lý và thể hiện chân lý ấy thành tác phẩm báo chí. Nhân dân kính trọng nhà báo là ở chỗ ấy. Nếu làm khác đi thì nhà báo và rộng hơn là tờ báo sẽ mất uy tín, mất bạn đọc mà thôi. Trong thời gian cầm bút, nhà báo Đặng Thọ Truật đã có những bài báo để lại nhiều ấn tượng, suy ngẫm, thể hiện cốt cách một nhà báo – chiến sĩ, quan niệm sống, quan niệm về nghề báo của ông. Người ta nhắc đến những bài báo, tiểu luận của ông và khen đó là những “bài văn có lửa” như: “Được về hưu và phải phục viên” góp phần sửa đổi luật sĩ quan quân đội. Các bài: “Học thêm thành nhọc thêm”, “Trăm sự nhờ thầy” góp ý phê phán việc dạy thêm tràn lan và sự sa sút chất lượng giáo dục. Nổi tiếng nhất là bài: “Chất lượng Đảng viên nhập ngũ ở đồng bằng Sông Cửu Long, một vấn đề đáng quan tâm.” Đây là một bài điều tra rất công phu, đụng chạm đến vấn đề rất nhạy cảm, chính trị mà không phải nhà báo nào cũng dám viết. Bài này được đăng trên tạp chí Xây dựng Đảng và được tặng giải B của cuộc thi Báo chí toàn quốc về “Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh và công tác xây dựng Đảng”. Chính chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, hồi đó làm Trưởng ban Tổ chức Trung Ương Đảng là người trao giải thưởng cho ông.
Ở thời chiến, ông là người chiến đấu trên mặt trận quân sự – chính trị. Thời bình, ông là người chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, một mặt trận không tiếng súng nhưng không kém phần cam go. Xin được gọi ông là một nhà báo – chiến sĩ.
Với đại tá Đặng Thọ Truật, tôi còn có duyên nợ về nghề. Từ bài báo “Có một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Malaixia là người Việt Nam” của ông đăng trên báo Kinh tế nôngthôn cuối tuần số Xuân năm 2003, mà tôi đi tìm và viết về ông Chan Mun Boy. Ông còn giới thiệu cho tôi gặp được đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), nguyên chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn, nhờ đó, tôi viết được loạt bài về biệt động./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét