Không có hữu nghị viển vông
Thông điệp của Thủ tướng có tác dụng khích lệ, động viên mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ý nguyện của mọi con dân đất Việt cũng chỉ đơn giản như vậy thôi: “không có thứ hòa bình, hữu nghị viển vông nào hết”.
Ngày 22/5, trả lời báo chí quốc tế tại Philippines về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "VN kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Đức Tám |
Lần đầu tiên, thông điệp của một người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát lập trường của người Việt Nam. Thông điệp đó vừa để hướng ra thế giới, nhưng, sâu xa hơn, cũng là để nói với toàn thể con dân nước Việt. Như Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an bình luận: “Trong ứng xử của Việt Nam với Trung Quốc kể từ năm 1979 đến nay thì đây là một bước ngoặt lịch sử. Và tôi muốn đây là bước ngoặt trong nhận thức chung của tập thể cấp cao của Đảng chứ không phải của riêng một lãnh đạo. Nếu như tư tưởng này thống nhất thì sẽ hết sức lành mạnh và củng cố lòng tin của đồng bào đối với lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền với vùng biển của Việt Nam” (theo Zingnews).
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Nhã thì đánh giá, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể coi là một mốc quan trọng trong quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam - Trung Quốc. “Tuyên bố này đã xóa bỏ mọi hoài nghi, xuyên tạc về việc chúng ta có là “sân sau” của một quốc gia nào đó, khẳng định sự kiên quyết trong việc tạo dựng một nền kinh tế, chính trị độc lập. Tuyên bố ấy còn khởi đầu cho một thời kỳ, một hướng đi của Việt Nam trước những cam go, thử thách của tình hình khu vực và thế giới”, ông Nhã khẳng định với báo Tuổi trẻ.
Thông điệp đó trước hết nhấn mạnh yếu tố, Việt Nam mong muốn hòa bình, thiện chí hòa bình. Thiện chí đó, nhân dân cả nước, cộng đồng quốc tế đều đã biết. Bởi suốt chặng đường vừa qua, trong mối quan hệ Việt – Trung, người Việt chúng ta đã luôn cố gắng giữ hòa khí, ngay cả vào những thời điểm “căng thẳng” nhất của lịch sử. Những nguyên tắc “16 chữ vàng” đã luôn luôn được tôn trọng, gìn giữ và vun đắp…
Nhưng, đổi lại, chúng ta đã nhận được gì từ “đồng chí tốt” luôn giương cao luận điệu về tình hữu nghị.
35 năm trước, ai đã từng lớn tiếng "cho Việt Nam một bài học"? Vài năm trước, ai đã từng lén cho tàu cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ai đã liên tục quấy rối, gây hấn bắt giữ ngư dân, cướp hải sản, đòi tiền chuộc và liên tục cấm ngư dân đánh bắt cá tại ngư trường Việt Nam?
Và đỉnh điểm, “đồng chí tốt” đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam và cho lực lượng quân sự uy hiếp.
Tàu Trung Quốc tiếp tục xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển VN
|
Ai cần thứ hữu nghị mơ hồ, viển vông, nói một đằng, làm một nẻo đó.
Nhân dân Việt Nam không cần.
Và, những người lãnh đạo Việt Nam cũng đã thẳng thắn tuyên bố với thế giới, là không ai cần.
Lâu nay, ứng xử của người Việt chúng ta vẫn duy tình, nặng nợ với những ràng buộc vốn có, với những tình cảm nặng ân tình trong cuộc kháng chiến trước đây. Ta đã luôn dựa vào những tuyên bố, cam kết…để giữ lấy tình hữu hảo. Nhưng, với hàng loạt hành vi bội tín, “bạn vàng” Trung Quốc cho thấy, họ không coi Việt Nam là đối tác, nói gì đến chuyện làm bạn. Họ chỉ muốn Việt Nam phải lệ thuộc.
Nhưng, họ đã lầm lẫn. Họ lầm lẫn thái độ ôn hòa của chúng ta lâu nay, coi đó như một sự “lệ thuộc, yếu hèn”. Họ tuyên bố hiểu Việt Nam. Nhưng không hiểu rằng người Việt Nam tuy luôn luôn giữ hòa hiểu, chuộng hòa bình nhưng chưa bao giờ đánh mất ý chí quật cường và sự tỉnh táo khi sống cạnh người láng giềng khổng lồ mưu mô, thủ đoạn.
Chính vì vậy, thông điệp của Thủ tướng có tác dụng khích lệ, động viên mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ý nguyện của mọi con dân đất Việt cũng chỉ đơn giản như vậy thôi: không có thứ hòa bình, hữu nghị viển vông nào hết.
Về sâu xa, thông điệp của Thủ tướng cũng chính là bài học truyền đời mà ông cha ta từng luôn luôn cảnh giác nhắc nhở cháu con: phải tỉnh táo, phải rạch ròi, phải dứt khoát phân địch rõ ranh giới trong mối quan hệ với láng giềng. Như vế đối của vị thám hoa Giang Văn Minh ngày xưa: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” ((Dịch nghĩa: Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu vẫn còn đỏ).
Đáng chú ý, tuyên bố này còn thể hiện hàm ý về những hành động và bước đi tiếp theo mà Chính phủ Việt Nam sẽ theo đuổi. Bảo vệ chủ quyền sẽ không đơn thuần chỉ là lời nói mà sẽ đi vào những hành động cụ thể, dứt khoát.
Trong những bước đi đó, có sự đồng lòng nhất trí của toàn dân.
- Hoàng Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét