Menu ngang

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

      Nguyễn Mạnh Đẩu cầm súng và cầm bút

       (Bài đăng báo Người cao tuổi cuối tuần, ngày 16 / 5 / 2014)

                                                          Đại tá, Nhà báo  Đặng Thọ Truật

Đầu năm 1969, vào một buổi chiều nắng gắt, Tiểu đoàn 54 chúng tôi đang dừng chân trên đường hành quân vào mặt trận A Bia ở phía tây tỉnh Thừa Thiên, thì gặp một đơn vị đặc công từ phía sau vượt lên. Những chàng trai khỏe khoắn, bước đi thoăn thoắt, vai khoác tiểu liên AK báng gấp gọn ghẽ. Đi giữa hàng quân có một người khoảng hai mươi tuổi, da ngăm đen, dáng vóc rắn rỏi, bên hông mang khẩu súng ngắn K59 nhỏ gọn. Chúng tôi thấy lạ, một cán bộ còn rất trẻ mà đã mang khẩu K59 - loại súng ngắn chỉ trang bị cho cán bộ cấp trung đoàn. Bất chợt, cậu Liễu lính Đại đội 1 hét toáng lên: “ Đẩu ơi! Có phải Đẩu con ông Hòe, Nghi Hợp không?”. Đang đi, bỗng nghe có người gọi tên mình, anh cán bộ trẻ quay lại nhìn và tức khắc lao đến mấy đứa bạn cùng quê, miệng ríu rít vồ vập xen lẫn nghẹn ngào: “ Ôi! Liễu! Cả Hải, Thìn nữa, các cậu ở Tiểu đoàn 54 à?”Ở chiến trường gặp được người cùng làng, thì quí hiếm lắm. Phút chia tay, họ chúc nhau mạnh khỏe, lập công và hẹn đến ngày thắng lợi hoàn toàn, hễ ai còn sống trở về thì thưa lại với gia đình là đã gặp nhau ở nơi đây. Đơn vị đặc công đi qua rồi, cậu Liễu “khoe” với chúng tôi: “ Đẩu là bạn cùng làng Đại Xá, cùng tuổi tớ nhưng học lớp trên, là bạn chăn trâu từ nhỏ.  Năm 1964, mới 16 tuổi, hắn khai tăng tuổi trốn nhà đi bộ đội. Vào chiến trường 5 năm rồi, hiện là Chính trị viên Đạị đội Đặc công đấy. Thuở nhỏ chơi với bọn tớ, hắn là đứa tinh nghịch, thông minh, xông xáo, gan lỳ, khỏe và nhanh lắm”. Nghe xong, bọn tôi rất thán phục người đồng hương và thầm noi gương anh.
Tác giả và Nguyễn Mạnh Đẩu (bên phải) tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, tháng 4 - 2012.
 Ảnh:  Nam Hùng
Cùng chiến đấu trong đội hình Trung đoàn, lại cùng quê huyện Nghi Lộc, tôi biết Nguyễn Mạnh Đẩu từ lúc ở chiến trường cho đến mấy chục năm sau này -  khi anh đảm nhiệm Cục trưởng Cục Chính sách Tổng cục Chính trị; rồi Bí thư  Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Chính trị Trường sĩ quan Lục quân 1, và Trung tướng Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng. Tôi tự hào vì biết rằng: Trên từng cương vị đảm trách, Nguyễn Mạnh Đẩu đều để lại ấn tượng tốt trong lòng đồng đội và có dấu ấn tốt ở đơn vị. Tháng 4 năm 2012, chúng tôi về dự kỉ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị. Đại tá Phan Đân - cựu Chính ủy Sư đoàn 324, tay bắt mặt mừng chỉ vào Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu mà nói: không có cậu này thì mình đã hy sinh từ tháng 2 năm 1969. Ông Đân kể: Lúc ấy, ông làm Chính trị viên Đại đội 7 Bộ binh cùng Nguyễn Mạnh Đẩu - Chính trị viên Đại đội 20 Đặc công đi trinh sát đồn Cô Ác của Mỹ. Hai người trèo lên một cây cao gần đồn địch để quan sát. Đang quan sát, bất ngờ một loạt súng tiểu liên cực nhanh của Mỹ nổ đanh rát. Từ trên cao nhìn xuống, hai người thấy toán thám báo Mỹ xúm vào gốc cây bên cạnh xác của chiến sĩ liên lạc cảnh giới vừa bị chúng bắn. Hai người rỉ tai nhau: nếu bọn Mỹ ngước nhìn lên sẽ phát hiện và bắn xiên táo. Họ quyết định thả lựu đạn trước rồi lao xuống thoát ra ngoài. Tức thì, 4 quả lựu đạn được thả xuống nổ tung làm chết mấy tên thám báo Mỹ. Cả hai người dùng súng ngắn bắn bồi thêm mấy viên rồi cùng nhau tụt nhanh xuống đất chạy về khu vực tập kết.
Tuy không phải là người cầm bút chuyên nghiệp, nhưng Nguyễn Mạnh Đẩu có khả năng văn chương. Là người có năng khiếu, trí nhớ rất tốt, vốn sống dày dặn, lại chịu khó quan sát, suy nghĩ, do đó, dù là “ngoại đạo” văn chương nhưng Nguyễn Mạnh Đẩu đã dám viết và viết khỏe. Chỉ trong mấy năm qua, ông đã liên tiếp cho ra đời những đứa con tinh thần: Một Chữ Tình (Tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2006), Những nẻo đường thời gian (Hồi ký, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 2010), Những kỷ niệm đời tôi (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - năm 2013), Suy ngẫm Luận bàn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2014).
Đã có một số bài báo viết về các cuốn sách của Nguyễn Mạnh Đẩu. Riêng tôi chỉ nói lên cảm nhận của mình khi đọc cuốn Suy ngẫm Luận bàn mới xuất bản gần đây.
Suy ngẫm Luận bàn tập hợp nhiều bài thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, nên khó định danh một thể loại văn học chung cho cả cuốn sách. Cuốn sách vừa có một số bài viết phác thảo chân dung, vừa có các bài viết phong phú ở nhiều thể loại. Tính đa dạng, nhiều chiều của cuốn sách đã tạo nên sự phong phú hấp dẫn cho người đọc.
Phần đầu cuốn sách, Nguyễn Mạnh Đẩu đã phác dựng chân dung một số tướng lĩnh. Đầu tiên là bài Huyền tích Phó tướng Nguyễn Đình Đắc, người có công lớn góp phần lập đế Nguyễn Ánh Gia Long. Trên cơ sở sưu tầm biên khảo công phu về một vị tướng dũng liệt, oai linh, tác giả đưa ra những luận bàn về kết cục bi tráng của một con người khá đặc biệt trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động. Bài viết về thân thế, sự nghiệp của Chí sĩ ái quốc Hoàng Trọng Mậu - nhà cách mạng kiên trung, bất khuất trong phong trào Đông Du và tổ chức Việt Nam Quang phục Hội. Tiếp đến, bằng lối kể chuyện thân tình, tác giả phác dựng các bức chân dung về những cán bộ ưu tú: Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Trần Văn Quang, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp và Đại tá Nguyễn Đình Bá. Cùng với việc phác dựng chân dung, bằng các chi tiết cụ thể, tác giả đưa ra những luận bàn chân thực, sống động, có sức thuyết phục.
Phần giữa cuốn sách là các bài viết với nhiều thể loại khác nhau: ký, tiểu luận, văn tế, tản văn, phê bình văn học, du ký. Trong  mạch văn nhẹ nhàng, cách nhìn biện chứng khách quan trung thực, tác giả đưa ra nhiều giãi bày với bạn đọc để cùng suy ngẫm, luận bàn.
Chỉ 14 ngày của hai chuyến lữ hành du lịch, trong tư thế thưởng lãm “cưỡi ngựa xem hoa”, Nguyễn Mạnh Đẩu đã viết được hai bài du ký dài hơn 100 trang: Lãng đãng xứ người; Malaysia, Singapore - một thoáng du ký, với ngồn ngộn cảnh vật, đất nước, con người trên những cung đường, di tích, danh thắng xứ lạ. Chắc chắn rằng, qua từng bài viết, bạn đọc ít nhiều có suy ngẫm và luận bàn về những điều mà tác giả đã đưa ra.
Khi đã đi qua những chủ đề “to tát”, phần cuối cuốn sách, tác giả đưa người đọc về với gia đình nhỏ bé, nơi cư ngụ đời sống tình cảm của mỗi con người. Với cách đề cập khác nhau, các bài viết cụ thể, chân thực của ông về các cháu nội ngoại, đều hàm chứa nhiều điều nhắn nhủ chân thành. Nhiều người khi đọc “ Đôi điều tâm sự với các cháu thân yêu” của Nguyễn Mạnh Đẩu đều có thể rút ra cho mình một cái gì đó. Ý nghĩa của nó không còn giới hạn trong gia đình mà có thể “bước” ra phạm vi lớn hơn. Từ ngàn xưa tới nay và từ nay về sau vẫn thế.  Nguyễn Mạnh Đẩu đã luận bàn: “ Khoa học - công nghệ không ngừng phát triển, theo đó, thế giới sẽ liên tục đổi thay trên nhiều lĩnh vực. Song, những điều thuộc về qui tắc, phương pháp trong lẽ sống, cách sống của con người thì có tính bền vững lâu dài, giữ vai trò như là nền tảng căn bản và không bao giờ cũ”.
Thoạt đầu, cầm cuốn sách Suy ngẫm Luận bàn, người đọc sẽ đặt câu hỏi Suy ngẫm về cái gì, và Luận bàn thế nào đây. Người đọc những tưởng, tác giả sẽ ngẫm và bàn về những vấn đề to tát, hệ trọng, quốc kế dân sinh, thế thái nhân tình ở tầm đại sự, vĩ mô. Không! Ở đây tác giả chỉ đi vào một số nhân vật, những chi tiết sự việc cụ thể và hơn nữa là đi vào gia đình nhỏ bé của mình để mà Suy ngẫm Luận bàn. Thiết nghĩ, có sự nghiệp lớn lao nào lại chẳng bắt nguồn từ những con người, sự việc cụ thể. Ở đời, bất cứ điều gì cũng đều có sự Suy ngẫm Luận bàn của con người. Nguyễn Mạnh Đẩu đã đúng khi đặt tên sách cũng như cách thể hiện toàn bộ nội dung cuốn sách.
Từng nhiều năm trực tiếp đánh Mỹ trên chiến trường, rồi trải qua nhiều cương vị lãnh đạo chỉ huy bộ đội, nay là Trung tướng nghỉ hưu mà viết rất khỏe. Quê tôi như thế thường được khen là “văn võ song toàn”. Tôi thì muốn nói Nguyễn Mạnh Đẩu cầm súng và cầm  bút đều giỏi.
 Đọc Nguyễn Mạnh Đẩu, tôi chúc mừng và đồng cảm với sự trải lòng của anh trên từng trang viết. Và tôi lại nhớ lời dạy của cố Giáo sư - Anh hùng lao động, cựu Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu rằng : “Đại học là tự học”.

.                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét