Menu ngang

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

                                Dượng Bá đã ra đi

  Mấy ngày áp Tết Giáp Ngọ, từ Hà Nội tôi gọi điện vào thành phố Hồ Chí Minh thăm hỏi chúc Tết ông, nhưng máy không liên lạc được. Vẫn biết, nhiều năm nay ông bị bệnh hen suyễn, nhưng tôi không nghĩ là ông bị mệt nặng. Cách đây khoảng 20 ngày, ông còn gọi điện trao đổi với tôi khá nhiều chuyện. Tiếng nói của ông còn vang ấm, đĩnh đạc. Đặc biệt là, ông còn rất tinh tường, minh mẫn khi đàm đạo thế thái nhân tình, khi nói về quê hương, họ mạc. Tôi kể ông nghe chuyện quê nhà, về lầu bia và tháp chuông là hai công trình mới được cung tiến xây dựng ở Nhà thờ Đại tôn. Nghe xong, ông mừng lắm. Ông nói sức khỏe của ông có khá hơn hồi tôi vào thăm, ngày 8/6/2013.

 Mồng Một Tết, con trai út của ông là Đại tá công an Nguyễn Đình Thi gọi điện chúc Tết tôi. Tôi hỏi lại mới biết là mấy ngày qua ông bị lên cơn hen, khó thở, không  nghe điện thoại được nữa. Khoảng hơn 9 giờ sáng Mồng Hai Tết, đang trên đường đi chúc Tết mấy gia đình thân thiết ở Hà Nội, thì điện thoại di động reo, nhìn vào màn hình thấy hiện lên chữ Thi Bá, tôi thấp thỏm giật mình. Nguyễn Đình Thi nghẹn ngào báo hung tin: “ Anh ơi! Bố em đi rồi. Đi lúc 8 giờ 20 phút sáng nay. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy”. Dẫu đã lường trước, nhưng khi nghe Thi nói, tôi không khỏi bàng hoàng. Trào lên trong lòng tôi niềm thương tiếc ông.
Đại tá Nguyễn Đình Bá sinh năm 1930, tại xã Nghi Quang, nhưng hồi chống Pháp đi bộ đội lấy vợ và ở rể tại làng Đại Xá, xã Nghi Hợp quê tôi. Ba xã : Nghi Quang, Nghi Hợp và Nghi Xá vốn là một xã Xá Lĩnh thuộc huyện Nghi Lộc (Nghệ An) tách ra từ năm 1954. Gia đình ông ở lại trên đất làng tôi mấy chục năm trời, từ cuối chống Pháp đến hết chống Mỹ. Bốn người con của ông bà đều sinh ra ở làng Đại Xá. Bởi thế, nói là quê ngoại nhưng ba chú: Nguyễn Đình Long, Nguyễn Đình Chung, Nguyễn ĐìnhThi và cô Nguyễn Thị Dung đều coi đây đích thị là quê hương, là nơi chôn rau cắt rốn, vườn ươm đầu đời với biết bao kỷ niệm.
Tôi bà con hai đầu với ông. Ông  tôi đều là hậu duệ Đại chi 14Đại tôn Nguyễn Đình - Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí . Cụ tổ chúng tôi là Nghiêm dũng vệ tiền sở quản lĩnh Nguyễn Nhân Thực, con trai thứ 14 của Thủy tổ Nguyến Xí. Tính từ Thủy tổ, ông là cháu đời thứ 17, tôi là cháu đời thứ 18. Đúng ra tôi phải gọi ông bằng bác. Nhưng mặt khác, tôi lại gọi ông bằng dượng. Vì ông là chồng bà Lê Thị Yêm, bà cô trong họ. Ở quê tôi, chồng cô là dượng.
          Cũng như những người chắt ruột của cụ (cố) Bát Lê và người trong họ Lê Vănbạn bè cùng trang lứa làng Đại Xá chúng tôi cũng đều gọi ông bằng dượng một cách kính quí. Với tôi, hầu như ông còn dành cho sự thân thiết hơn. Trong mắt tôi, ông là người tầm thước, chắc nịch, khỏe mạnh, da dẻ trắng hồng, gương mặt đẹp, ánh mắt sáng, giọng nói rõ ràng, đĩnh đạc, nụ cười hồn hậu. Ông là người hiểu biết, thông minh, nhân nghĩa, tính cách bộc trực, thẳng thắn, chân thành, thái độ yêu ghét rõ ràng. Từ thuở ấy đến tận bây giờ, cảm nghĩ của tôi về ông là nguyên vẹn.
Những năm đầu 60 của thế kỷ trước, ông là sĩ quan cấp úy, đóng quân ở thành phố Vinh. Cứ mỗi lần về quê, ông thường xách súng thể thao đi bắn cò, bắn chim ở các cánh đồng làng và quanh h Đập Xã, Đập Họ. Là đứa trẻ hiếu kỳ, lanh lẹn, đang học cấp I rồi cấp II, tôi thường được ông rủ đi bắn chim cùng. Ông hướng dẫn tôi việc tiếp cận mục tiêu và cách ngắm bắn. Thông thường thì tôi chỉ đi theo để nhặt và xách chim. Thi thoảng ông cho bắn thử được vài con chim, tôi thích lắm. Có lần ông lái xe mô tô ba bánh về làng, bọn trẻ chúng tôi trố mắt trầm trồ, thán phục.
Có thể nói, khi đến tuổi trưởng thành, vào bộ đội, đi chiến đấu và phấn đấu suốt mấy chục năm đằng đẵng trong cuộc đời quân ngũ, tôi được nhiều người chỉ bảocó nhiều mẫu người làm gương. Trong đó, ông Nguyễn Đình Bá là người tôi kính trọng ngay từ thuở thiếu thời.
Khi tôi đang chiến đấu ở chiến trường Miền Nam, thì ông Nguyễn Đình Bá là cán bộ tham mưu rồi cán bộ chỉ huy ở Bộ Chi huy Công an vũ trang tỉnh Nghệ An. Sau này, tôi được biết, năm 1969, trên cương vị là Chỉ huy trưởng Chiến dịch K5 ông đã chỉ huy lãnh đạo các đơn vị Công an vũ trang tỉnh Nghệ An chiến đấu giành thắng lợi to lớn trên đất bạn Lào.
 Chuyện kể rằng, năm 1968, tuyến biên giới miền tây Nghệ An tiếp giáp với tỉnh Xiêng Khoảng và huyện Mường Mày tỉnh Bolykhămxay của Lào là địa bàn liên tục nóng bỏng. Quân Vàng Pao và phái hữu chiếm đóng 3 vị trí Mường Chuồn, Phà Cạt và Phà Hom ở phía Nam đường 7. Từ các vị trí đó, quân địch tăng cường các hoạt động biệt kích, xâm nhập biên giới ta, kích động, lôi kéo, ly gián đồng bào chống phá cách mạng. Trước tình hình trên, Ban Bí thư TW Đảng và Hội đồng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Nghệ An và Bộ Tư lệnh Công an Vũ trang quyết định mở chiến dịch tiêu diệt phỉ Vàng Pao, với tên gọi là “Chiến dịch K5”. Ông Nguyến Đình Bá được cấp trên bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Chiến dịch.
 Ngày 18/1/1969, quân ta bất ngờ tấn công Phà Hom, tiêu diệt 59 tên địch, thu 1 khẩu ĐKZ, 1cối 60 ly, 30 khẩu súng các loại. Tiếp đến, ngày 10/2/1969, quân ta tập kích đồn Phà Cạt, tiêu diệt 5 tên phỉ, 18 tên ra hàng, ta thu 15 khẩu súng. Trong toàn bộ Chiến dịch K5, ông đã chi huy đơn vị chiến đấu hàng chục trận, tiêu diệt 327 tên địch, bắt sống 62 tên, thu nhiều vũ khí, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh và cơ sở vật chất kỹ thuật của địch. Thắng lợi to lớn của Chiến dịch K5 đã mở ra cục diện mới. Qua đây, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản cho bộ đội, góp phần vun đắp tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào. Trong chiến công chung, ông Nguyễn Đình Bá trên cương vị chỉ huy là người có công lớn, chưa nói là công đầu. Sau này, là chỗ quen thân, có lần tôi nói với anh Võ Trọng Việt, UVTWĐ, Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng rằng: Bằng thành tích chiến đấu trong Chiến dịch K5, ông Nguyễn Đình Bá xứng đáng được xét tuyên dương Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống Mỹ.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Nguyễn Đình Bá được cấp trên điều động vào giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Thời kỳ này, bọn phản động Pôn Pốt- IengSary liên tục xua quân đánh chiếm lãnh thổ, tàn sát nhân dân ta ở dọc vùng biên. Kiên Giang là một trọng điểm đánh phá dã man của bọn diệt chủng. Trên cương vị là Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, ông đã cùng tập thể cấp ủy và Bộ Chỉ huy, chỉ huy đơn vị chiến đấu kiên cường, lập nhiều chiến công trên tuyến biên giới, ven biển và hải đảo vùng tây nam Tổ quốc.
 Ông Nguyễn Đình Bá để lại dấu ấn tốt đẹp trên mảnh đất Kiên Giang anh hùng. Tôi được biết, ông là tác giả đề án, là người đầu tiên đề xuất lên cấp trên thành lập huyện đảo Kiên Hải thuộc tỉnh Kiên Giang. Có thể khẳng định, đây là một đề xuất tầm cỡ chiến lược, có ý nghĩa nền tảng, cơ bản, cấp thiết và lâu dài trên mọi phương diện: quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội.  Bộ đội và bà con Kiên Giang luôn dành cho ông tình cảm quí mến.
Biết tôi là người bà con với ông Nguyễn Đình Bá, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mỗi lần gặp tôi đều hỏi thăm về ông. Qua nhiều lần chuyện trò với tôi, bao giờ anh Ba Dũng cũng đều biểu thị sự kính trọng ông Nguyễn Đình Bá. Hỏi ra tôi mới biết, thời kỳ ông Bá hoạt động ở Kiên Giang, thì anh Ba Dũng là Trưởng ban cán bộ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, rồi tăng cường cho cơ sở làm Chủ tịch huyện sau đó là Bí thư huyện ủy. Trong nhiều lần trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Đình Bá luôn khen anh Ba Dũng là người thông minh, sắc sảo, quyết đoán, có trí nhớ rất tốt và sống tình nghĩa. Suốt nhiều năm qua, rất nhiều lần anh Ba Dũng đến thăm người thủ trưởng cũ của mình. Khi bận công chuyện không đến được thì anh Ba Dũng gửi quà - nhất là khi ông Bá bị ốm đau và trong dịp Tết Nguyên đán. Trưa nay ( 4/2/2014) có người bạn thân của tôi từ trong Nhà tang lễ số 5 Phạm Ngũ Lão báo ra, anh Ba Dũng vì bận công tác đã cử anh Tư Thắng là em ruột thay mặt gia đình đến viếng ; đồng thời, anh Ba Dũng còn giao cho Quân khu 7 cử một đoàn đến viếng.
Đoạn cuối đời binh nghiệp, ông Nguyễn Đình Bá được bổ nhiệm giữ chức Tham mưu phó Bộ đội Biên phòng. Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị Biên phòng ở phía Nam đều dành tình cảm và sự kính trọng đối với ông - một cán bộ chỉ huy nhiệt thành, giàu kinh nghiệm, có năng lực, đức độ và phong cách tốt.
Hôm giỗ 49 ngày Thượng tướng Trần Văn Quang, tôi gặp anh Nguyễn Mạnh Thoa, Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - cũng là người thân quen cũ. Anh Thoa nói với tôi là: “ Đẩu ạ! Bữa vào thành phố Hồ Chí Minh, mình có đến thăm ông Nguyễn Đình Bá. Ông ấy ốm nặng lắm rồi. Bị hen suyễn, khó thở quá. Không biết còn được bao lâu nữa. Thấy thế, mình thương vô cùng!”.
Sinh thời, ông Nguyến Đình Bá vốn là người nhân đức, chu đáo, trọng tình. Tôi không thể quên, năm 2008, khi biết tin cha tôi từ trần ở quê nhà, ông đã mấy lần kịp gọi điện ra chia buồn. Tiếp đến, năm 2009, dẫu không được khỏe, vậy mà ngày Lễ tang bố vợ tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông vẫn vào viếng mấy lượt trên mấy tư cách.

Vẫn biết rằng, sinh - lão - bệnh -  tử là qui luật của muôn người. Với ông vừa bước sang tuổi 85 và trong  nhiều năm qua phải thường xuyên chống chọi với bệnh tật, nay ra đi cũng là điều dễ hiểu. Vậy mà trong tôi vẫn cảm thấy trống trếnh, tiếc thương ông vô cùng. Căn nhà số 4 phố Lam Sơn, quận Gò Vấp trong nhiều năm qua là chốn tôi thường lui tới trong mỗi dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh. Từ nay, mỗi lần vào Nam, tôi không còn dịp được nghe ông đàm đạo thế thái nhân tình một cách trìu mến, thân thương.
 Vì đường sá xa ngái, tôi không vào chịu tang ông được, đành phải nhờ người đại diện. Dẫu không có mặt, nhưng tôi tin chắc rằng, tại Nhà tang lễ số 5 Phạm Ngũ Lão và Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh, lễ tang ông được tổ chức rất trọng thể trong tình cảm kính quí của mọi người. Tiếc thương ông, sẽ có đông đủ cán bộ, bộ đội và đồng bào thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng bà con họ hàng nội ngoại, đồng đội và bạn hữu gần xa đến viếng và đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Lễ tang ông là tương xứng với công lao và tình nghĩa của ông để lại cho đời - một cuộc đời phong phú, sôi động. Âu đó cũng là một niềm tự hào của dòng họ cũng như quê hương chúng tôi.


                                          Mỹ Đình, trưa Mồng Năm Tết Giáp Ngọ
                                 



                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét