NTT:
Theo tin của TNO cho biết, ngày 31.7, Cục Xuất bản đã có công văn yêu
cầu nhà xuất bản Lao Động đình chỉ phát hành bộ tiểu thuyết Đại gia gồm 2 tập (tập 1: Tam giác ngầm, tập 2: Quyền lực đen),
lập hội đồng thẩm định và tự đề xuất phương án xử lý với cuốn sách, gửi
về Cục Xuất bản báo cáo trước ngày 25.8. Lý do Cục Xuất bản đưa ra chỉ
ngắn gọn như sau: “Cuốn sách viết về đề tài nhạy cảm, cường điệu, có
những nhận định chủ quan, không có lợi cho người đọc”.
Trong lúc chờ đợi kết luận của hội đồng thẩm định, nhà văn Thiên Sơn tác giả “Đại gia”
(người từng đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết 2006 – 2010 của Hội
Nhà văn VN) đã trả lời phỏng vấn của báo Cảnh sát toàn cầu. Xin giới
thiệu cùng bạn:
.
Chân dài và quyền lực,
từ cuộc sống đến tác phẩm
VŨ QUỲNH TRANG (thực hiện)
Ở bìa 4 bộ tiểu thuyết “Đại Gia” nhà
văn Thiên Sơn thổ lộ: “Tôi đã viết cuốn sách này bằng tất cả khát khao
chỉ ra cái hiện thực hiểm nghèo, vạch trần nguồn gốc sâu xa luôn bị che
đậy và cảnh báo những điều nguy hiểm đang đến với xã hội và số phận mỗi
con người. Để rồi cuối cùng chúng ta hiểu ra những vận động sai lạc,
lệch hướng đã đưa con người đến đau khổ như thế nào? Mong muốn lớn nhất
của tôi là cuốn sách sẽ được bạn đọc thấu hiểu, sẻ chia và chúng ta sẽ
cùng nhau đi đến nhận thức cũng như hành động chung nhằm mang lại những
gì tươi sáng hơn cho tương lai”
Thưa nhà văn Thiên Sơn, viết về giới
quyền lực ngầm, về mối quan hệ đại gia và chân dài, thì trong văn chương
Việt Nam đương đại rất ít nhà văn đụng bút tới. Vì sao anh lại quyết
tâm dấn thân vào đề tài này?
Chị đã đề cập đến một khoảng trống lớn
trong văn học đương đại. Vấn đề thao túng quyền lực, lợi ích nhóm, tham
nhũng là vấn đề nóng hổi, đang đặt ra đầy thách thức đối với đất nước
ta. Việc các đại gia sử dụng tiền bạc, gái đẹp làm tha hóa cán bộ cũng
là chuyện diễn ra hàng ngày, được nói đến trên báo chí rất nhiều, nhưng
vì những khó khăn trong xuất bản, vì gai góc, vì khó thâm nhập sâu vào
hệ thống tư liệu chăng, mà các nhà văn của ta ít đụng bút đến. Những vấn
đề đó hiện là vấn đề nóng trên bàn nghị sự của Đảng và nhà nước, của
các cơ quan có trách nhiệm. Trong một cuộc chiến đấu lớn loại trừ những
tệ nạn, những hiện tượng thoái hóa biến chất trong đội ngũ những người
cầm quyền, hạn chế sự làm ăn bất chấp luật pháp, phi đạo đức đang phát
triển tràn lan, nhà văn có quyền nhắm mắt làm ngơ không? Không! Tôi thì
nghĩ rằng, nhà văn không thể, và không nên quay lưng với hiện thực,
quay lưng với những vấn đề bức thiết của xã hội nên đã cố gắng thực hiện
cuốn sách này. Cuốn sách đã được viết bằng một quyết tâm mạnh mẽ và
bằng tấm lòng trong sáng chân thành muốn góp một tiếng nói có trách
nhiệm đối với cộng đồng.
Bộ tiểu thuyết 2 tập với gần 1200 trang in, anh đã phải viết trong thời gian bao lâu, với những khó khăn gì phải đối mặt?
Cuốn sách viết trong 30 tháng liên tục
từ tháng 12 năm 2008 và kết thúc vào tháng 6 năm 2011. Khó khăn khi viết
cuốn sách này là phải nắm được bức tranh toàn cảnh của cuộc đại khủng
hoảng kinh tế trong và ngoài nước vốn là bối cảnh chính của cuốn sách.
Sau đó, là tập trung vào nhận diện những mặt cơ bản nhất của cuộc khủng
hoảng và những thủ đoạn thao túng của một số đại gia không chỉ làm tha
hóa cán bộ mà còn gây thêm những rối ren cho nền kinh tế để mưu lợi cho
riêng mình. Tôi đã làm việc miệt mài, xử lý một lượng thông tin khổng lồ
và phân tích một cách sâu sắc có hệ thống toàn bộ những biến thái của
cuộc khủng hoảng để cuối cùng, tìm ra những khía cạnh bản chất. Ngoài
ra, những khó khăn muôn thuở của nghề văn trong việc dựng nhân vật, tạo
các mối quan hệ, kịch tính, chọn chi tiết đắt… đặt ra những thách thức
ngặt nghèo. Việc xuất bản cuốn này cũng là một khó khăn lớn, cuốn sách
đã trôi nổi qua hơn 10 nhà xuất bản, may sao cuối cùng nó cũng đến tay
bạn đọc.
Là một nhà văn tuổi đời còn trẻ, lại
viết một bộ tiểu thuyết chạm tới một đề tài gai góc, không dễ cả về tư
liệu lẫn sự trải nghiệm. Vậy anh đã phải đi “thực tế” như thế nào để
viết cuốn sách của mình?
Tôi không nghĩ mình còn trẻ. Nhìn vào
lịch sử văn chương, biết bao nhà văn lớn chỉ hơn 20, 30 tuổi. Tôi không
hiểu sao, nước mình bây giờ 40 tuổi vẫn bị coi là nhà văn trẻ. Thực ra,
những vấn đề mà tôi thể hiện trong cuốn sách thuộc về những vấn đề mới
nảy sinh sau công cuộc đổi mới, trong nền kinh tế thị trường. Thế hệ
trước có thể rất uyên bác ở những khía cạnh khác, về vốn văn hóa, lịch
sử… nhưng chưa chắc đã mạnh bằng thế hệ chúng tôi ở những vấn đề đương
đại. Để viết cuốn sách này đòi hỏi một lượng kiến thức tổng hợp rất lớn,
tư duy phân tích và sự tưởng tượng, khả năng bao quát tư liệu trong và
ngoài nước. Tôi đã đọc nhiều ngàn trang tư liệu, đã quan sát và tích cóp
hiểu biết trong một thời gian rất dài. Và, hàng ngày, tôi luôn bám sát,
phân tích mọi thông tin. Cứ thế, từng bước một, tôi đã vượt qua trở lực
để thực hiện trọn vẹn bộ sách này.
Tham nhũng, bạo quyền là mối quan tâm
của toàn xã hội. Nhưng loại trừ nó ra khỏi đời sống không phải dễ. Với
cuốn tiểu thuyết viết về chủ đề này, anh mong muốn mang đến điều gì cho
bạn đọc của mình?
Không dễ, nhưng chẳng lẽ chúng ta đành
bó tay cho sự tha hóa, lũng đoạn hoành hành? Việc này Đảng đang chủ
trương làm, dân đang mong muốn làm. Cả nước đều coi đây là nhiệm vụ quan
trọng liên quan đến sự phát triển, thịnh vượng, cuộc sống an lành, hạnh
phúc của người dân. Tôi muốn bằng văn học, góp một tiếng nói tích cực
vào công việc chung đó, vạch trần những thủ đoạn, những mưu mô, những
kiểu móc ngoặc, và nhất là chỉ ra những biểu hiện bất hợp lý trong bức
tranh toàn cảnh đang chi phối đến sự hoạt động của không ít người. Tôi
có một mong muốn, văn học không phải là thứ vô bổ, nó phải bằng cách nào
đó, tác động vào con người, khơi gợi những hoạt động vì tiến bộ của xã
hội. Cuốn sách này ra đời vì mong muốn cháy bỏng đó. Và nó đã được viết
bằng một kỹ thuật giàu tính điện ảnh, với kịch tính liên tục nảy sinh và
bùng nổ, với chi tiết chọn lọc, với nhân vật rõ nét. Nghĩa là, những
vấn đề xã hội phải biến thành vấn đề thẩm mỹ, với tư duy sáng tạo. Tôi
nghĩ, chúng ta không nên đọc cuốn sách này với con mắt soi mói theo kiểu
xã hội học dung tục. Lối nhìn đó sẽ không thể hiểu được đặc trưng của
văn học cũng như không thể đánh giá đúng vai trò của văn học trong đời
sống.
Đọc tiểu thuyết của anh xong, người
đọc bị ám ảnh vì nỗi thống khổ của con người, khi đã bị lòng tham, quyền
lực chỉ lối. Con người trong đời sống hiện đại tôn sùng vật chất đến
mức họ đã và đang bỏ lại sau lưng mình các giá trị tinh thần đẹp đẽ. Một
bi kịch lớn nếu không có một sự điều chỉnh…
Đúng. Đó là một bi kịch lớn. Xã hội
chúng ta đang trong vòng xoáy lốc của một cuộc băng hoại lớn. Cuốn sách
của tôi không chỉ thể hiện cái bi kịch đó, điều tôi lưu tâm và muốn thể
hiện còn là gợi ra những suy nghĩ của bạn đọc về những nguyên nhân của
hiện trạng đó. Văn học ở một ý nghĩa nào đó, là một tác nhân của sự tự
nhận thức.
5 năm cho một cuốn tiểu thuyết, trải
bao vất vả để nó có ngày được nằm trên tay bạn đọc. Viết văn ở ta là
nghề không sinh ra tiền, không có khả năng nuôi sống người cầm bút. Vậy,
anh có “đại gia” nào phía sau mình chăng?
Tôi không muốn nói đến tiền, nhưng quả
thật, nghề viết làm cho nhà văn kiệt quệ trong nghèo khó. Trước hết, đó
là một nghề quá khó. Hiện nay, nhà văn phải cạnh tranh với sách nhập
ngoại của những cây bút lừng danh thế giới, lại trong thời kỳ mà văn hóa
đọc suy giảm. Tuy nhiên, một nguyên nhân nữa, đấy là nhà văn chúng ta
gặp những sự chật hẹp trong quan niệm, trong quản lý nên khó có sự bung
phá, tạo nên đột biến trong bút pháp lay động được độc giả. Hệ thống
xuất bản và phát hành của chúng ta còn yếu, thiếu bài bản và chiêu thức
bán sách vì thế nhà văn không có cơ hội nào trở nên khá giả. Tuy nhiên,
viết là một công việc như bản năng của nhà văn, không thể sống mà không
viết. Chị hỏi có “Đại gia” nào phía sau ư? Tôi có gia đình, có những
người thân yêu hiểu và chía sẻ với công việc của tôi. Và, dù không giàu
có, tôi vẫn luôn thấy hạnh phúc vì mình đã và đang làm một công việc mà
mình muốn làm, mà mình mơ ước từ thuở ấu thơ. Dẫu, nghề viết vô cùng
nặng nhọc và tôi thường bị quá sức. Hết cuốn sách này, lại một cuốn
khác, cứ thế, như bị một ma lực huyền bí lôi cuốn, làm cho tôi không bao
giờ được ngơi nghỉ.
Những chủ đề lớn của đời sống luôn
cần sự dấn thân của nhà văn trẻ. Nhưng phần lớn các nhà văn trẻ của ta
hiện nay thường chỉ viết về những mối quan tâm nho nhỏ, những câu chuyện
liên quan đến cá nhân mình. Phải chăng họ ngại đụng chạm, hay vì họ
không tự tin về vốn sống, thưa anh?
Thời nào cũng có những người khôn ngoan
che chắn cho mình, lo cho ra những tác phẩm vừa vặn với cái khuôn có
sẵn, nhưng cũng luôn có những người dấn thân vì chân lý nghệ thuật,
chinh phục những đề tài khó, khám phá những bí ẩn lớn lao khuất chìm sau
những hiện tượng của đời sống. Vã lại, sáng tạo văn học có nhiều hướng,
vô cùng phong phú và đa dạng, mỗi người viết đều phải thận trọng, suy
nghĩ cho sự nghiệp của mình. Tài năng thì bao giờ cũng ít ỏi và thường
phải chịu những ngặt nghèo của số mệnh. Có lẽ vì thế, chúng ta không thể
nóng lòng được. Dù sao, tôi vẫn mong muốn thế hệ trẻ ngày nay hãy lao
vào trung tâm của đời sống, hãy dùng văn học như một công cụ cải tạo đời
sống, nếu không, văn học sẽ bị đời sống đẩy ra bên lề.
(Bài do nhà văn Thiên Sơn gửi cho NTT, đã đăng trên Cảnh sát toàn cầu số 172, ngày 6-8)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét