Menu ngang

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

BỐ VỢ TÔI, MẪU “CÁN BỘ ĐẢNG SẠCH”


                                                                       NGÔ MINH

Ông Nguyễn Trọng Ngọ

Ông Nguyễn Trọng Ngọ

Nửa tháng nữa là ngày giỗ của ông ngoại mấy cháu. Ông mất ngày Vu Lan năm 2008. Bố vợ tôi là một người mà tôi vô cùng kính trọng về nhân cách và tấm lòng. Là một mẫu “cán bộ Đảng sạch” mà hiện nay không tìm ở đâu ra trên đất nước Việt Nam này. Bởi thế mà người làng Sen, làng Sẻ xã Nghĩa Đồng, bảo nhau rằng, từ xưa đến nay ở xã này chưa có đám tang nào đông đảo người viếng, người đưa như đám tang ông Nguyễn Trọng Ngọ. Cả làng đi viếng, cả xã đi viếng, các xã ở Tân Kỳ, Nghĩa Đàn cử đoàn đến viếng, huyện viếng, tỉnh viếng. Người viếng, người đưa tang chật sân, chật đường, đoàn người đi theo sau quan tài dài không đếm hết…Chúng tôi khóc cha, nhưng cũng vô cùng tự hào vì biết hình ảnh người cha kính yêu của mình luôn sâu đậm trong lòng những người dân quê cuốc cày chân chất. Được sự kính trọng và yêu mến của nhân dân thực không dễ chút nào. Nhiều ông quan bây giờ ra đường dân ngoảnh mặt không thèm chào…

Ông là Nguyễn Trọng Ngọ, làm lãnh đạo huyện Tân Kỳ, Nghệ An suốt 15 năm ròng. Với cái chức vụ ấy mà bây giờ, người giỏi kiếm chác mèng cũng có cái nhà lầu, cái xe máy, vài ba lô đất mặt tiền, hoặc vài trăm triệu gửi ngân hàng. Nhưng ông không màng cái đó. Bố tôi khi nghỉ hưu chỉ mang về nhà một chiếc xe đạp cà tàng, một gói sách chính trị văn nghệ và một chiếc điếu cày hút thuốc lào bằng tre bịt nhôm rất đẹp do anh em tù Trại 3 tặng khi ông đi thăm trại, và một chiếc cặp lồng đựng cơm hồi ở huyện khi đi các xã thường bới cơm theo. Tôi hỏi ông :” Thế tài sản của cha 34 năm đi làm cách mạng được những gì ?”.Ông cười hề hề :” Tài sản của cha là anh em các con, rồi các cháu các chắt, nội ngoại thông minh, đông đúc, chứ gì nữa ! ”. Nói xong ông lại vỗ cái điếu cày Trại 3, rít thuộc lào có vẻ khoái trá lắm. Về nghỉ hưu 27 năm nay ông lại ở với vợ con trong ngôi cấp bốn cũ nát , là nhà của ông nội chúng tôi để lại . Khi khỏe, ông lại xắn quần móng lợn đi cuốc đất làm vườn, đi cày ruộng khoán cho đến ngày nằm một chỗ…Có lần tôi từ Huế ra thăm, hai cha con ngủ chung giường. Bốn giờ sáng, tôi thức giấc, giả vờ quờ chân xem ông ngủ có ngon không. Thì ra ông đã dậy đi đâu từ lúc nào. Tôi ra sân hỏi mẹ cha đi đâu ? Mẹ bảo cha đi cày ruộng rồi, con ra đường cái quan là thấy cha đó. Tôi ra đồng, hỏi cha:” Đám ruộng này nếu được mùa thì được bao nhiêu thóc hở cha ?” . Ông dừng trâu cày, cười bảo :” Hai tạ thóc đó con ”. Vâng, người chủ tịch huyện hưu trí ấy không khác gì một nông dân thực thụ !

Ông đi theo cách mạng từ năm 1947. Mới 17 tuổi đã tham gia Ban Thường vụ Đoàn xã. 18 tuổi vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Rồi ông được tín nhiệm làm cấp ủy từ đó . 32 tuổi đã là Trưởng ban chỉ đạo xây dựng đập nước Kẻ Chiềng ở xã Đồng Văn và tham gia Ban chấp hàng Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn, làm Trưởng ban Tuyên huấn. Năm 1963, huyện Tân Kỳ thành lập ( tách từ Nghĩa Đàn), ông tham gia Ban chấp hành Đảng bộ huyện từ 1964 cho đến tháng 6-1977 với đủ chức vụ quan trọng như Trưởng ban Tuyên huấn, Trưởng ban Nông nghiệp, phó bí thư trực, phó chủ tịch, rồi chủ tịch huyện. Đó là những năm Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Tân Kỳ là huyện nghèo, nhưng lại là nơi khởi đầu đường Hồ Chí Minh 559 lịch sử, là nơi có rất nhiều sư đoàn bộ đội về huấn luyện để đi vô Nam, nên địch rất chú ý. Thời đó không sẵn xe con như bây giờ, nên ngày nào ông cùng với các đồng chí lãnh đạo đạp xe đi hàng mấy chục cây số về ăn ở với bà con làng bản người Kinh, người Thổ, Thanh, Thái ở Kỳ Sơn, Tân Hợp, Tân Xuân, Nghĩa Dũng, Nghĩa Thái, Nghĩa Đông, Nghĩa Bình.v.v..để động viên các gia đình tăng gia sản xuất cho đủ ăn, lo cho con em đi học, chỉ đạo việc giao nộp quân, lương đạt chỉ tiêu cho bộ đội miền Nam đánh giặc. Từ năm 1965 đến năm 1975, Tân Kỳ luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tuyển quân. Có năm như năm 1965 có 548 thanh niên Tân Kỳ nhập ngũ, năm 1971 : 789 người, 1972 : 803 người…Ở Huế bây giờ có hàng chục gia đình người Tân Kỳ. Họ là những anh bộ đội từ Lạt, Cừa, An Ngãi, Sen, Sẻ… lên đường đánh giặc từ những năm chiến tranh ấy. Có lần cha tôi kể rằng, cha suýt toi mạng ở phà Sen, vì đi công tác Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, mới đạp xe đến bến phà thì máy bay Mỹ thả bom, anh em trong đoàn công tác người nào cũng bị chìm trong khói bụi mịt mù… Ông say việc dân, việc huyện đến nỗi mẹ tôi trở dạ đẻ 8 đứa con ông đều không có mặt, may nhờ bà con làng xã, họ hàng đùm bọc tất cả đều mẹ tròn con vuông. Mỗi khi về chủ nhật, cha đưa võng ru con bằng thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng…”. Ru con một buổi rồi lại tong tả đạp xe lên huyện.

Có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất của ông Ngọ mà ông hay kể với con cháu là đầu năm 1968, ông cùng toàn Ban chấp hành Đảng bộ huyện chạy đôn chạy đáo, lo lắng việc “Tân Kỳ thay mặt Quê hương Xô Viết tiếp đón nhân dân lũy thép Vĩnh Linh “. Đây là nhiệm vụ lịch sử Trung ương tin tưởng giao cho Tân Kỳ, cũng là nghĩa tình cách mạng keo sơn của lòng người Tân Kỳ. Chương trình mang biệt danh K10 ấy thật táo báo. Hơn 20.000 người dân Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ bồng bế, dìu dắt nhau , vượt trên 400 cây số đầy bom đạn, dốc cao, suối sâu, đi ròng rã ba tháng trời mới tới đất Tân Kỳ ( về sau, số dân Vĩnh Linh ra thêm, và số trẻ em sinh trên đất Tân Kỳ là 2.612 cháu, tổng cộng là 31.000 người, bằng một phần ba dân số Tân Kỳ lúc ấy) . Thời kỳ dân Vĩnh Linh đến sơ tán lâu dài hơn 5 năm ở Tân Kỳ là thời kỳ ông Ngọ là Ủy viên Thường vụ Huyện ủy , là một trong những người được Huyện ủy phân công trực tiếp chỉ đạo việc bố trí ăn ở, chăm lo đời sống cho bà con Vinh Linh. Ông kể, thời gian đầu , đồng bào Vĩnh Linh phân tán về ở chung với các gia đình ở các xã, cùng chia ngọt sẻ bùi, ăn chung nồi cơm , ngủ chung manh chiếu. Ông cùng các đồng chí trong huyện đến từng gia đình, từng làng xã để bàn bạc, thuyết phục bà con “chia ngọt sẻ bùi”. Mẹ tôi kể, trong gia đình của tôi ở làng Sẻ lúc đó cũng có một gia đinh hai vợ chồng, 3 đứa con bà một mẹ già gần 90 tuổi người Vĩnh Tú, Vinh Linh cùng sinh sống một năm ròng. Về sau một số “Làng Vĩnh Linh” được thành lập. Bà con được cấp đất làm nhà riêng. Đồng bào Vĩnh Linh được sổ cung cấp hàng hóa mua ở các cửa hàng lương thực, thực phẩm, HTX mua bán; học sinh người Vĩnh Linh học chung cấp I, 2 với con em Tân Kỳ ở các trường xã. Riêng cấp 3, dân K10 Vĩnh Linh có trường riêng, có thầy giáo từ Vĩnh Linh ra dạy . Thời kỳ đó, lãnh đạo và cán bộ huyện Tân Kỳ phải làm gấp đôi công việc của mình, nên cha tôi không bao giờ có thời gian về thăm nhà.

Giữa tháng 4-1973, người Tân Kỳ lại tiễn bà con K10 về quê sau Hiệp đinh Paris. Huyện Tân Kỳ đã huy động 817 chuyến xe tải, xa ca chở 25.000 người ( hơn 5000 người đã về lẻ trước đó), cùng hàng ngàn bộ bàn ghế, tủ bảng của trường học, trạm xá, và trên 660 con lợn, rồi thóc, hạt tiêu, sắn khô…về Vĩnh Linh –Gio-Cam, trong nỗi mừng vui nhưng ngậm ngùi nước mắt chia tay…Cha tôi hay đọc mấy câu thơ không biết của ai viết vào những ngày đó : Tân Kỳ Xô Viết anh hùng/ Nhớ người Đất Thép Thành đồng Vĩnh Linh. / Sông Con còn đó, Bến Hải còn đây / Những năm, những tháng, những ngày / Sông kia dù cạn tình này không quên !

Ở Huế, nhà thơ Trần Kim Hồ năm này đã 92 tuổi. Ông nguyên là Ủy viên Thường vụ Đảng bộ Khu vực Vĩnh Linh, được cử phụ trách khối Vĩnh Linh sơ tán bên cạnh Đảng bộ và chính quyền Tân Kỳ. Sinh thời, mỗi khi vô Huế thăm con cháu, cha tôi bao giờ cũng qua Tây Lộc thăm bác Kim Hồ. Hai ông kể chuyện cười nói rôm rả, ôn lại những kỷ niệm hơn 5 năm bên nhau lo cho cuộc sống và học hành của ba vạn người Vĩnh Linh ở Tân Kỳ. Mỗi lần có cuốn thơ xuất bản, bác Kim Hồ lại đạp xe sang nhà tôi gửi tặng ông Ngọ một cuốn.

Cha tôi là lãnh đạo chủ chốt của huyện, ông có thể “chạy” cho con đi nước ngoài, hay các trường trong nước. Nhưng không, vợ tôi và hai cậu em kế tiếp học xong cấp 3 đều vào chiến trường miền Nam. Vợ tôi học Trung cấp Thương mại, rồi đi B theo sự phân công của Bộ Thương Mại; còn hai cậu Tuấn và Châu đi bộ đội, sau giải phóng mấy năm mới về lại quê . Mấy cậu sau đều đi làm công nhân hoặc ở nhà sản xuất. Chỉ có cậu thứ tư là đi học sư phạm về dạy học. Có lẽ ông quan niệm phải rèn luyện các con mới bền gan trước tai ương cuộc sống ? Nói như thế không phải ông không thương con. Vợ tôi đi học ở Thanh Hóa, ông đèo xe đạp trên 200 cây số chở con ra tận trường ở huyện miền núi Yên Định , mới yên tâm về. Ông cao tuổi, nhưng quan niệm về nền nếp gia đình rất mới. Khi tôi và vợ tôi quyết định cưới nhau, vì lúc đó mới giải phóng, tình hình an ninh, tàu xe phức tạp tôi không có điều kiện ra quê để báo cáo với cha mẹ, họ hàng được, đành viết thư cho cha trình bày hoàn cảnh, xin cha cho phép làm lễ cưới ở Huế. Làm như vậy đa phần ông bố sẽ không đồng ý , vì nó trái với nền nếp gia phong . Nhưng ông Ngọ lại khác. Tháng sau tôi nhận được thư cha, ông viết: “Cha đọc thư, biết con là bộ đội giải phóng, được kết nạp Đảng ở chiến trường, lại tốt nghiệp đại học, nên cha mẹ đồng ý. Cha sẽ báo cho cậu ruột con trong đó thay mặt cha mẹ lo việc cho các con”. Tôi đã khóc khi nhận được bức thư “cho phép” ấy của cha. Ông tin vào con người đến mức, ông về hưu mấy chục năm , gửi tiết kiệm riêng được 25 triệu đồng. Có người trong xóm đến xin vay tiền vì có việc gì đó. Ông đi rút hết tiền cho vay , mà không làm bất kỳ giấy tờ ký tá gì. Đến khi ông bị tai biến đột quỵ, nằm hôn mê ở bệnh viện không nói được, cả nhà không ai biết ông có người ta cho vay 25 triệu. May mà người vay ấy cũng tử tế. Ông ấy đã đưa tiền đến trả cho mẹ tôi. Nếu ông ấy không trả, gia đình tôi cũng không ai biết. Có lẽ vì ông ở hiền nên gặp lành !

Đang làm phó bí thư Huyện ủy trực, ông được điều động về làm Vinh làm bí thư Đảng ủy Công ty Vận chuyên, phân phối lâm sản Nghệ Tĩnh hai năm . Đó là nơi mà quan tham có thể dễ dàng kiếm gỗ quý để làm nhà, để bán. Nhưng cha tôi vẫn “ Ba lô con cóc lên đường, ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”. Đầu năm 1979, ông đi làm chuyên gia tại Cămpuchia 2 năm. Đi “nước ngoài”, vật phẩm ông mang về duy nhất là hai ký hạt cải giống mua ở nước bạn về biếu bà con trong làng trồng, vì theo ông đây là “gống cải rất ngon”,”năng suất cao”. Tính ông là vậy, lo là lo việc chung, không lo riêng cho mình thứ gì.

Ông nghỉ hưu cuối năm 1981 ở làng Sẻ, cách thị trấn Lạt mười mấy cây số. Năm 1990, tôi đi thực tế viết báo ở Nghệ An, tranh thủ lên thăm cha mẹ và các em. Chao ôi, con đường từ Lạt đến chợ Sen Sa Nam toàn đá cục lởm chởm. Chỉ mười mấy cây số mà di hết cả buổi sáng toát mồ hôi cục. Tôi vận động bố mẹ về Lạt ở để con cái về thăm tiện hơn vì các cậu lớn cũng ở Lạt cả. Tôi thưa: “Thưa cha, nếu cha mẹ đồng ý về Lạt ở, con sẽ nói với các anh ở huyện phân phối cho cha lô đất nhỏ, rồi anh em con góp tiền xây nhà. Con thấy ở Lạt, huyện đang cấp đất cho cán bộ…”. Tôi cứ tưởng ông sẽ nhanh chóng đồng ý. Không ngờ ông bảo “Thôi con, đừng làm phiền các anh ấy!”. Đó là nhân cách và bản lĩnh Nguyễn Trọng Ngọ. Tính ông thế và đứa con nào của ông cũng có tính cách như ông.

Cha tôi mất ngày Vu Lan 15-7 âm lịch Mậu Tý (2008)  Trong ngày báo hiếu cha mẹ đó, anh em chúng tôi tự hào về tài sản vô giá mà cha để lại cho mình, hơn cả đất đai, vàng bạc: Đó là bài học về lẽ sống, lẽ làm người, bài học “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” để dân thương, dân nhớ…

Nguồn :nguyentrongtao blog


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét