Nghĩ về đời sống văn học hôm nay,
đôi điều tôi muốn nói
GS Nguyễn Đình Chú
I. Từ một thời tưởng như mọi chuyện đều êm ả
Cuộc
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã tạo ra một không khí rất
mực hào hùng trên đất nước. Không hẳn là tất cả nhưng tuyệt đại đa
số người Việt Nam, nhất là người dân lao động đều nhiệt tình
đi theo tiếng gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí
Minh mà thể hiện rõ ràng nhất là sự hưởng ứng cao độ công cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trí thức, văn nghệ sĩ, số
đông cũng vậy. Cách mạng nhất thời đã thu hút được nhiếu trí thức,
văn nghệ sĩ lớn của đất nước. Không ai có lương tâm nỡ đặt văn
chương nghệ thuật lên trên số phận của đất nước vừa được cách mạng
giành lại chưa được bao lâu lại đang có nguy cơ mất lại với kẻ thù
ngoại xâm.
Không ít trí thức văn nghệ sĩ sẵn sàng gác lại những đòi
hỏi cần thiết của nghệ thuật và nghề nghiệp để nhiệt tình tham gia
kháng chiến. Hoài Thanh trong bài Dân khí miền Trung đăng
trên Tạp chí Tiền Phong số 3 ra ngày 16/12/1945 chẳng đã hồn
nhiên tuyên bố ngày trước sống với cái Tôi là tội lỗi. Nay phải từ
bỏ để về với cái Ta (cách mạng). Mặc dù chính nhờ đến với cái Tôi để
thành bà đỡ đẻ của phong trào Thơ Mới mà ông có được
Thi nhân Việt Nam sau này được mọi người, đặc biệt nhà thơ từng
là thần đồng thơ Trần Đăng Khoa đặt lên vị trí thiên tài trong phê
bình văn học, coi đây không phải là người viết mà là “người trời”
viết. Tất nhiên, lúc này vẫn có người cũng nhiệt tình đi với kháng
chiến nhưng không muốn rời bỏ con người nghệ sĩ của mình nên
mới có câu thơ : “Ta muốn chia đời làm hai nửa/ Nửa làm chiến sĩ
nửa thi nhân”. Khẩu hiệu văn nghệ phục vụ kháng chiến đã được
đông đảo văn nghệ sĩ hưởng ứng. Nhưng thực tế vốn không đơn giản,
trên đường đi với cách mạng với kháng chiến, mối quan hệ giữa chính
trị với văn chương nghệ thuật, ít nhiều cũng đã chớm phát sinh mâu
thuẫn. Cuộc tranh luận về nghệ thuật năm 1949 ở chiến khu Việt Bắc
là dấu hiệu. Có điều là việc giải quyết mâu thuẫn lúc này đã quá nhẹ
nhàng. Một cuộc nhận đường đã diễn ra mà kết quả là tạo
được một khí thế đồng thuận, êm ả. Đúng là hào khí của Cách mạng
tháng Tám, tráng khí của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân
Pháp đã nhất thời dẹp yên những mầm mống bất đồng về đường lối văn
học nghệ thuật. Tác phẩm Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam
của Trường Chinh xuất bản năm 1949 được coi như kinh điển. Tiểu luận
Nhận đường của Nguyễn Đình Thi được xem là chính thống.
Truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao được coi là thành tựu văn học
đầu mùa và mẫu mực của công cuộc nhận đường để trong nhiều năm
tháng, với nhà trường, nhận vật Hoàng vẫn bị coi là phản diện, nhân
vật Độ vẫn được coi là chính diện một cách quá dễ dãi. Phong trào
chỉnh huấn năm 1953 lại còn như là một cuộc thay máu cho văn nghệ sĩ
từ chất tiểu tư sản sang chất công nông binh và còn được công cuộc
cải cách ruộng đất góp phần bồi đắp thêm. Từ sau cuộc nhận đường cho
đến ngày kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm
lược, đời sống văn học nghệ thuật nước nhà, trong phạm vi khu vực
cách mạng đã thành công, giường như chỉ thấy một chiều êm ả và
góp phần vào sự chiến thắng của cuộc kháng chiến. Tất nhiên, sự đời
cũng vẫn không đơn giản. Vẫn đã có những mạch nước ngầm chảy theo
chiều khác. Vụ Nhân Văn – Giai phẩm xẩy ra vào thời gian
1956- 1957 lại là chứng cớ. Câu thơ “Đem bộc công an đặt giữa
trái tim người” của nhà thơ Lê Đạt cho thấy sự mâu thuẫn giữa
chính trị và nghệ thuật khá gay gắt, dĩ nhiên là với một số người
như Lê Đạt chứ không phải với tất cả văn nghệ sĩ. Nhưng
Nhân Văn giai phẩm đã nhanh chóng bị triệt hạ. Sự êm ả vẫn lại
tiếp diễn. Đây là dịp để lý thuyết văn học nghệ thuật của phe xã hội
chủ nghĩa đặc biệt là của Liên Xô tràn tới chiếm lĩnh văn đàn, đặc
biệt là trong phạm vi nhà trường đại học. Sau vụ Nhân văn giai
phẩm, hầu như mọi người đã ngoan ngoạn tin rằng mỹ học Mác-Lênin
là cao siêu thần diệu nhất, phản ánh luận của Lênin là cẩm
nang thần kỳ mở đường vào thề giới văn chương nghệ thuật có hiệu quả
nhất. Đối với người sáng tác và phê bình văn học, phương pháp sáng
tác hiện thực xã hội chủ nghĩa là tối ưu nhất với định nghĩa của
Trường Chinh là “sự phản ánh cuộc sống trong trạng thái vận động
cách mạng”. Thể ký được đặt lên hàng đầu trong cuộc tranh luận
tại viện Văn học. Vai trò của hư cấu trong nghệ thuật phần nào bị
xem rẻ. Có người đã gọi đùa cuộc tranh luận đó là cuộc “cấu ký “. Xu
hướng xã hội học dung tục, chính trị hóa trong phê bình văn học được
lên ngôi. Một nhà phê bình văn học có tên tuổi (xin miễn nhắc tên)
của viện Văn học đã nói trước đội ngũ giáo viên văn của tỉnh Hà Đông
(cũ) rằng tác phẩm Sống như anh của Trần Đình Vân ghi chuyện
anh Nguyễn Văn Trổi hay hơn cả Truyện Kiều. Một số giáo viên đã viết
thư xin giáo sư học giả Viện trưởng viện Văn là Đặng Thai Mai giải
thích Sống như anh hay hơn Truyện Kiều ở chỗ nào làm ông Cụ
nổi cáu hỏi tay nào nói nhảm nhí thế để giáo viên thắc mắc. Tiếp đó,
tác phẩm Bất khuất ra đời thì lại còn là phi thường nữa. Đã
có nhà lãnh đạo văn nghệ nói: với Việt Nam ta, chỉ cần ghi chép đúng
với sự thật cuộc sống đã là nghệ thuật rồi bới lẽ chính cuộc sống đã
đẹp, đã là nghệ thuật. Nói như thế nhưng không một ai có ý kiến
khác. Trong không khí có vẻ êm ả này, đã xuất hiện không ít những
“phương ngôn”(!?) được dùng ra đề thi môn văn trong nhiều kỳ thi
tuyển sinh đại học. Ví như: “giữa bao ngọn cờ sai lạc, lá cờ anh
là lá cờ Đảng” khi nói về thơ Tố Hữu, “Lũ chúng ta ngủ trong
giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/ Hạnh phúc đựng
trong tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn…Lòng ta thành
con rối/ Cho cuộc đờì giật dây” khi nói đến phong trào Thơ
Mới mà chính người nói từng là một ngôi sao của phong trào đó… Nhóm
Tự Lực Văn Đoàn bị chê bai và xếp xó. Phong trào Thơ Mới bị cho là
lãng mạn tiêu cực. Sinh viên đại học văn mà hầu như không được tiếp
xúc với tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn và Thơ Mới. Nhất Linh, Khái
Hưng…đều bị coi là phản cách mạng. Vũ Trọng Phụng là Trốtkit, là
“lưu manh văn hóa” (HVH). Văn học ở các đô thị miền Nam là sản phẩm
của văn hóa thực dân mới. Còn văn học miền Bắc xã hội chủ nghĩa là
“nền văn học tiên tiến nhất của thế giới về đề tài chống chủ nghĩa
thực dân”…Một đời sống văn học có những biểu hiện như thế đã
tồn tại tưởng như êm ả, được mọi người chấp nhận.
II.
Đến cái thời biến động phồn tạp đa chiều
Rõ là đời sống văn học
nghệ thuật hôm nay trong đó đặc biệt là văn học đã không êm ả nữa,
đã biến động để chuyển sang trang mới mang tính chất phồn tạp, đa
chiều vốn là chuyện bình thường của nhiều nước trên thế giới:
1.
Mấy trang đầu đã hé mở vẻ đẹp.
Sự thay đổi ít nhiều trong quan điểm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam trên đà đổi mới toàn diện đất nước là nguyên nhân mở đầu. Hẳn là
không ai quên niềm hân hoan thoáng có của giới trí thức và văn nghệ
sĩ khi có cuộc gặp mặt cởi mở giữa Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với
trí thức và văn nghệ sĩ năm 1987. Trong đó ông Tổng bí thư tuyên bố
“cởi trói” cho văn nghệ sĩ và sẵn sàng đi đưa cơm cho văn nghệ sĩ
nào vì sáng tác mà bị tù đày. Có thể coi đây như là một trận mưa
xuân nhè nhẹ cho cây cỏ thêm chút xanh tươi, đâm chồi nẩy lộc. Những
Cù lao Chàm, Đứng trước biển, Ngoại tình
của Nguyễn Mạnh Tuấn; Đất trắng, Con tốt sang sông của Nguyễn
Trọng Oánh, Những thiên đường mù, Bên kia bờ ảo vọng của
Dương Thu Hương, Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Phiên chợ
Giát, Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu; Thời xa vắng, Chuyện làng
Cuội của Lê Lựu, Truyện ngắn mà nổi bật nhất là Tướng về hưu
của Nguyễn Huy Thiệp; Nỗi buồn chiến tranh (Thân phận tình
yêu) của Bảo Ninh; Đám cưới không có giấy giá thú, Mùa lá rụng
trong vườn của Ma Văn Kháng; Chuyện làng ngày ấy của Võ
Văn Trực; Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Mảnh đất lắm
người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Những mảnh đời đen
trắng của Nguyễn Quang Lập… có thể ra đời trước sau cuộc gặp gỡ
với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhưng được đón nhận chính là nhờ ít
nhiều liên quan đến chính sách đổi mới văn học nghệ thuật của Đảng.
Ở những sáng tác này, điều đáng ghi nhận là giá trị hiện thực
trong cách nhìn và viết về chiến tranh, là giá trị hiện thực phê
phán giám nói những điều mà trước đó là cấm kỵ, kèm theo là sự trổi
dậy của con người cá thể (cái Tôi), tuy có sự hỗn tạp nhưng phần
chân chính cũng không nhỏ. Trong phạm vi chính luận, Đề dẫn
về công tác văn học nghệ thuật của Đảng đoàn văn nghệ do Bí thư Đảng
đoàn là nhà văn Nguyên Ngọc chủ xướng thể hiện khát vọng đổi mới ít
nhiều có tính chất đột biến. Cùng với đà đó, còn có một số luận điểm
luận thuyết như Chủ nghĩa hiện thực phải đạo của Hoàng Ngọc
Hiến,
Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa
của Nguyễn Minh Châu, Cái thời lãng mạn của Nguyễn Khải, Tập
tiểu luận của Lê Ngọc Trà …Tất cả, nhất thời đều được coi là thành
quả đổi mới văn học một khi có sự đổi mới trong đường lối lãnh đạo
văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng sự đời vẫn lại không đơn
giản chút nào. Chưa gì thì một luồng phản kích đã diễn ra. Đề
cương công tác văn nghệ của Bí thư đảng đoàn Nguyên Ngọc, luận
điểm về Chủ nghĩa hiện thức phải đạo của Hoàng Ngọc Hiến đã
bị phê phán kịch liệt, đặc biệt là với hai ông Chế Lan Viên và Hà
Xuân Trường. Rồi nữa, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Nỗi
buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Tập tiểu luận của Lê Ngọc Trà
từng được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, cũng bị phê phán găy
gắt. Để rồi mọi chuyện lại tưởng như trở lại êm ả. Nhưng thực tế lại
không phải thế.
2.
Và hôm nay thì khác.
2.1. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu,
bao nhiêu lý luận văn học nghệ thuật một thời tồn tại êm ả, nào là
về tính Đảng, tính khuynh hướng, về chức năng nghệ thuật theo quan
điểm Mác xít, về phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, về phản ánh
luận của Lênin, về lý thuyết của nhiều ông Ốp, ông Ép xem ra đã và
đang nhường chỗ dần cho các loại hình lý thuyết khác của phương Tây
hiện đại. Nào là cấu trúc luận, văn học so sánh, tự sự học, phong
cách học, loại hình học, thi pháp học, phân tâm học, hậu hiện đại,
diễn ngôn…Ngay đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam
từ việc xây dựng một nền văn học nghệ thuật có nội dung xã hội
chủ nghĩa và hình thức dân tộc cũng được thay bằng
nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc và đến nay thì
lại là xây dựng một nền văn nghệ tiên tiến đậm đà bản sắc dân
tộc. Điều đáng mừng là “ của Xêda đã trả lại cho Xêda”. Những
giá trị văn học đích thực đã được khôi phục. Văn học hợp pháp thời
kỳ 1930-1945, trừ dòng văn học hiện thực phê phán, từng bị hạ giá
thảm hại thì nay sách Giáo khoa Văn phổ thông trung học đã có thể
coi đó là thời kỳ rực rỡ thứ hai trong lịch sử văn học dân tộc. Hầu
hết các tác phẩm có giá trị của thời kỳ đó đã được tái bản.
Không ít luận văn, luận án đã nghiên cứu về tiểu thuyết Tự Lực Văn
Đoàn, về Thơ Mới, về Nhất Linh, Khải Hưng, Thạch Lam… Vũ Trọng Phụng
được đặt lại vị trí số một của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Kể cả
Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh từng bị coi là tội nhân
thuộc dòng văn học nô dịch nay là những người đi đầu trong công cuộc
hiện đại hóa văn hóa văn học nước nhà. Cách nhận định về Phong trào
Nhân Văn- Giai Phẩm đó đây cũng đã gần như nói ngược so với
trước. Trong số những người tham gia Nhân văn- Giai phẩm bị
điêu đứng mấy chục năm trời, nay hầu hết được khôi phục tư cách hội
viên Hội nhà văn Việt Nam. Không ít người được nhận giải thưởng Hồ
Chí Minh và giải thưởng nhà nước. Nhà văn Vũ Bằng từng được coi là
nguyên mẫu của nhân vật Hoàng phản diện trong Đôi mắt của Nam
Cao nay biết ra thì là tình báo chiến lược của cách mạng. Thương
nhớ mười hai của Vũ Bằng được trích học ở chương trình Văn THPT,
THCS. Đặc biệt, nhà văn Lan Khai, tác giả của Lầm than, từng
được đề cao trong tư cách nhà văn đầu tiên viết về giai cấp công
nhân, nhưng rồi ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công,
đang làm Chủ tịch phường tại thị xã Tuyên Quang thì bị thủ tiêu và
mang oan phản cách mạng đến tàn lụi cả gia đình, thì nay cũng
đã “sống dậy sáng lòa” trong buổi tưởng niệm của Hội nhà văn Việt
Nam. Thái độ, cách nói về văn học miền Nam trước 1975 cũng đã
khác trước, không ít tác phẩm đã được tái bản và có người đọc
trong khi những tác phẩm của miền Bắc trước 1975 hình như lại ít
được tái bản hơn. Rồi nữa, văn học hải ngoại cũng được nhìn nhận
thỏa đáng không như trước và một số tác phẩm cũng đã được lưu hành
trong nước…Và điều này thì hơi trái khoáy. Đó đây đã xuất hiện ít
nhiều khuynh hướng sám hối, tự phủ nhận. Ví như Chế Lan Viên trong
tập Di cảo
với các bài thơ Trừ đi, Dã tràng xe cát, Ai tôi, Bánh vẽ..,Nguyễn
Khải với bút ký Đi tìm cái TôI đã mất… kể cả Tô
Hải bên phía âm nhạc với Hồi ký của một thằng hèn… Đó đây
cách nói về hai nhà lãnh đạo chủ chốt của văn nghệ nước nhà trong
nhiều năm tháng là Trường Chinh và Tố Hữu cũng đã khác trước rất
nhiều…Trong nghiên cứu và phê bình văn học, tính Đảng, tính khuynh
hướng, vấn đề lập trường một thời là sinh mạng của người cầm bút
nhưng dẫn đến không ít sự bất chấp muốn nói gì thì nói cũng đã ít
nhiều nhường chỗ cho tính khách quan khoa học vốn bị cho là sản phẩm
của tư sản phải từ bỏ. Hệ quy chiếu dựa theo học thuyết giai
cấp đấu tranh và hình thái xã hội một cách sống sượng cũng đã ít
nhiều nhường chỗ cho hệ quy chiếu lấy dân tộc nhân dân nhân
bản làm gốc. Đúng là đang có sự biến động và phồn tạp đa chiều trong
đời sống văn học hôm nay. Dĩ nhiên, tại những nước mà ở đó sự kết
hợp giữa nhà nước pháp quyền đích thực và chế độ tự do cá nhân đã
thành nền nếp thì chuyện bá nhân bá ý như thế là hết sức bình
thường. Còn ở nước ta đang trên đường từ giã cái thời bao cấp kinh
tế kéo theo cả bao cấp tư tưởng để cố gắng xây dựng một nền dân chủ
không ít vất vả thì ít nhiều vẫn thành chuyện. Ở đây, một câu hỏi có
thể đặt ra cho các nhà lãnh đạo văn học nghệ thuật hôm nay, liệu các
vị có thể khôi phục lại được một tình hình văn học nghệ thuật êm ả
đơn chiều trên đất nước mà được chấp nhận như ngày nào nữa không.
Đúng là khó thật trước tình hình phồn tạp, đa chiều của đời
sống văn học, cũng là đời sống tư tưởng của đất nước hôm nay. Riêng
Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương thì xem ra đang cố
gắng làm một cái gì đó cho nền văn học nghệ thuật nước nhà nhưng vẫn
phải chờ xem sẽ là gì?
2.2. Trong sáng tác, sự phồn tạp đa chiều cũng khá rõ bởi thời đại
đã cho nó một môi sinh rộng mở nhiều so với trước, một cơ sở mà ngày
trước chưa có là văn hóa mạng. Thực tế đã có những tác phẩm mà như
ngày trước là không thể có mặt nhưng nay thì nó vẫn nằm nhan nhản đó
đây mà không cần kể ra thì quý vị cũng đã thừa biết và số phận của
những tác phẩm đó là thế nào cũng không phải là chuyện đơn giản với
thời gian. Nhìn chung thì thấy tình hình sáng tác văn học của nước
nhà hiện nay cũng rôm rả và biến động khác trước nhiều cả ở văn
xuôi, cả ở thơ ca. Mà trong đó thấy nổi lên một khát vọng đổi mới
mãnh liệt nhưng thành tựu đã có được gì thì vẫn phải chờ đã. Trong
đó, không kể khuynh hướng coi trọng sự đổi mới hình thức mà trước
hết là đổi mới con chữ xuất phát từ quan điểm ngôn ngữ là công cụ số
một của văn chương, nghệ thuật văn chương trước hết là nghệ thuật
của ngôn từ. Về nội dung thì giường như có mấy khuynh hướng
chủ đạo trong sự đổi mới văn học như sau:
a) Mạnh dạn theo hướng hiện thực phê phán: Đúng như nhà văn Nguyễn
Khải đã nói nền văn học nước ta đã có Cái thời lãng mạn mà
ở đây cách hiểu ý của nhà văn xem ra cũng không đơn giản. Có thể ai
đó sẽ cho như thế là vô bổ phải từ bỏ. Còn tôi thí đồng ý là phải
vượt qua thời lãng mạn nhưng không coi nó là hoàn toàn vô bổ. Bởi
mỗi thời có một yêu cầu đối với văn chương nghệ thuật. Trong hai
cuộc kháng chiến gian khổ và khốc liệt ghê gớm như thế mà không lãng
mạn, không nâng bổng tâm hồn, tâm lý của người dân lên như thế thì
lấy đâu ra sức mạnh đánh thắng kẻ thù. Khoa học tâm lý chẳng đã nói
đến sức mạnh của tâm lý kể cả vai trò của ảo giác ảo tưởng trong sự
sống con người. Dĩ nhiên, hết chiến tranh, trở lại cuộc sống đời
thường mà cứ lãng mạn một chiều thì lại thành dối trá, có tội với
nhân dân với lịch sử. Theo dõi tình hình sáng tác văn học, kể cả
kịch bản sân khấu, kịch bản phim gần đây, dễ thường phải kết luận
chưa bao giờ văn học hiện thực phê phán lại phát triển bề thế, dám
chọc trời như hôm nay. Nó thẳng thừng hơn nhiều so với dòng
văn học hiện thực phê phán thời 30-45 của thế kỷ trước dù rằng độ
kết tinh nghệ thuật thì vẫn là đàn em.
b) Đề cao việc khám phá cái Tôi trong sáng tác nhưng trước hết là
tìm cách khẳng định cái Tôi của chính mình. Tham dự một vài lần ngày
Hội thơ đầu năm tại Văn miếu Hà Nội, ở khu vực dành cho các nhà thơ
trẻ, tôi thấy nhà thơ nào cũng tuyên bố tôi tìm tôi, tôi phải là
tôi. Trước sự thật đó, tôi cứ thèm giá gì mình cũng có được
chút đỉnh tài thơ như các bạn trẻ đó nhưng vẫn muốn được hỏi lại các
nhà thơ trẻ rằng: đã đi vào văn học thời nay dĩ nhiên phải coi trọng
cái Tôi và phải khẳng định được cái Tôi nhưng hiểu về cái Tôi thế
nào là hoàn chỉnh tối ưu? Và để có được những thành quả văn
chương bất hủ như những gì cha ông thuở trước đã có, nhân loại đã có
thì ngoài việc hướng vào cái TÔi, còn cần những gì nữa không? Trong
khi, đó là chuyện hoàn toàn không đơn giản. Chả phải là chung quanh
định nghĩa thế nào là thiên tài văn chương vẫn còn không kém phần
phức tạp và bí hiểm đó sao.
c) Đi vào đề tài sex một cách trần truồng mà dư luận độc giả
trước hiện tượng này cũng không đơn giản. Người thích người không
thích vốn có liên quan đến tâm lý tiếp nhận của các thế hệ tuổi tác
và trình độ văn hóa khác nhau. Không dấu gì quí vị, trước một tác
phẩm như Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu mà nhà văn Nguyên Ngọc và
nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đều rất mực đề cao, đặc biệt
nhà văn Nguyên Ngọc đã cho tác phẩm có những giá trị lớn hơn cả vấn
đề thân phận con người trong khi với tôi thì xin phép tác giả
Bóng đè và nhà văn Nguyên Ngọc được nói thật là không thể chấp
nhận tác phẩm này. Tôi tự hỏi sao giữa mình với nhà văn Nguyên Ngọc
lại có sự trái ngược nhau quá đáng thế ? Mình quá dốt nát, quá lạc
hậu, bảo thủ trong khả năng nhận biết giá trị văn học ư?. Đúng
là có qui luật cộng hưởng trong tiếp nhận nghệ thuật phồn tạp
và đa chiều. Thôi thì đành chấp nhận Nguyên Ngọc là Nguyên Ngọc, tôi
là tôi. Chả ai bắt được ai giống ai.
III. Và đôi điều tôi muốn
nói
1. Hẳn là chúng ta phải thừa nhận rằng với thời đại hôm nay về pháp
luật thì dứt khoát mọi người phải tuân thủ nhưng về tư tưởng thì ai
nấy có quyền tư tưởng riêng. Cái thời mà trong học thuật, một khi có
vị lãnh đạo cao cấp nói rằng “Nho giáo là phản động. Dân tộc ta
sở dĩ tồn tại được là nhờ chống được Nho giáo”, hay như trong
đời sống văn học nghệ thuật, các nhà lãnh đạo nói rằng văn học nghệ
thuật phải phục vụ chính trị nhưng không nói rõ thế nào là phục vụ
chính trị chính đáng và không chính đáng…mà mọi người đều phải
im tiếng thì có lẽ đã một đi không trở lại. Thời đại này là thời đại
hội nhập thế giới do đó trong suy nghĩ của con người không thể không
ít nhiều có sự so sánh thế giới, không riêng gì với trí thức văn
nghệ sĩ mà cả với người dân bình thường. Một cụ già người Mèo sống
trên rẻo cao không hề biết chữ, một hôm xuống núi đi chợ, chiều hôm
trước xem phim một nước nào đó của thế giơi có đường sá thênh thang
rộng lớn mà tự nhiên buột ra câu nói: đường bên nước họ rộng đẹp hơn
bên nước mình. Thì đúng là đã hàm chứa sự so sánh thế giới điều mà
vĩ nhân ở thế kỷ XV như Nguyễn Trãi cũng chưa có vì lịch sử chưa cho
phép.Thời đại này là thời đại trổi dậy của cái Tôi cá thể (L
individu) trong đó có tư duy cá thể đúng theo luận điểm của
Descartes: “ Je pense donc je suis” (Tôi tư duy ấy là tôi tồn
tại) mà không có được điều đó thì đừng hòng nói gì đến sự phát triển
đất nước cho ra phát triển. Thời đại này phải là thời đại của tinh
thần duy lý, của tư duy phản biện, tư duy đối thoại, tư duy thuyết
phục…chứ không phải là tư duy cảm tính, tư duy áp đặt. Từ đó là thời
đại mà mọi người phải tuân theo pháp luật của nhà nước cần được xây
dựng trên nền tảng nhân bản và dân chủ để rồi tự mình suy nghĩ, tự
mình tìm chân lí. Không ai có thể bắt mình phải ăn theo nói leo.
Đúng là như thế nhưng ở đây lại có vấn đề cũng không kém phần cơ bản
là làm sao mỗi cá thể có thể nghĩ đúng, tư duy đúng để hành động
đúng. Rõ là từng cá thể phải có trình độ hiểu biết, trình độ văn
hóa, càng cao bao nhiêu càng lợi cho mình bấy nhiêu. Muốn thế lại
phải học người, nghe người, để từ đó không theo đuôi người mà tự lựa
chọn để tìm đến chân lý một cách có bản lĩnh. Không dấu gì quý vị,
qua vài lần nghe một số nhà thơ trẻ hào hứng tự khẳng định cái TÔI ở
ngày Hội thơ tại Văn Miếu, tôi cứ thấy thiếu cái vế sau mà tôi đang
muốn nói đó. Mà thiếu vế sau đó thì không chừng dễ sa vào sự kiêu
ngạo ngông nghênh chỉ đáng buồn cười.
2. Điều thứ hai tôi muốn nói là chung quanh vấn đề cũ mới trong
văn học. Cũ mới là vấn đề của cuộc sống. Cũng là vấn đề của văn học
nghệ thuật, Riêng với văn chương nghệ thuật, đổi mới là thuộc bản
chất của sự sáng tạo. Kẻ thù của văn học nghệ thuật là sự
trùng lặp, là sự cũ kĩ. Chưa bao giờ, trên đất nước ta lại có khát
vọng đổi mới văn học một cách nồng nhiệt như hôm nay, nhất là với
những cây bút trẻ. Nhưng thế nào là đổi mới một cách chính đáng thì
lại đang có vấn đề. Trong thực tiễn sáng tác văn học theo khát vọng
đổi mới hôm nay chẳng đã vừa hay vừa dở, chưa đủ độ chuẩn xác để khả
dĩ làm nên những tác phẩm lớn. Mà có một nguyên nhân là muốn đổi mới
nhưng chưa thật hiểu đúng đổi mới. Nhiều người khi nói đến đổi mới
thường hay nhắc đến luận đề của Héraclit: “người ta không bao giờ
tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Và hiểu rằng với dòng sông
đó thì nước luôn luôn chảy không ngừng, nghĩa là chỉ có mới mà không
có cũ. Tôi cho rằng hiểu như thế là chưa chính xác. Bởi ở đây, đành
là nước luôn chảy nhưng vẫn còn dòng sông. Mà cuộc sống là thế. Vừa
có biến vừa có bất biển, vừa có cái mới vừa có cái vĩnh hằng. Con
sông là vĩnh hằng dù rằng nước sông thì luôn chảy, nghĩa là luôn
mới. Cho nên, nếu ai đó hôm nay mải mê đeo đuổi với sự cách tân nghệ
thuật mà bỏ quên những giá trị vĩnh hằng thì hẳn là dễ rơi vào thế
bấp bênh trong nghệ thuật. Đúng ra, bên cạnh khát vọng đổi mới, phải
có thêm khát vọng làm sống lại những giá trị vĩnh hằng một cách chân
chính dù không đơn giản. Xin hãy đổi mới từ những giá trị vĩnh hằng
và từ đổi mới tạo thêm những giá trị vĩnh hằng để đất nước được nhờ.
Rồi nữa, thế nào
là mới. Hẳn là mọi người đã nhất trí rằng cách tân, tạo ra những giá
trị mới vốn là quy luật tồn tại, là bản chất của nghệ thuật cả trên
hai phương diện nội dung và hình thức. Nhưng sự cách tân nghệ thuật
lại có hai trạng thái: cách tân trong nội bộ một phạm trù văn học và
cách tân làm thay đổi một phạm trù văn học. Lịch sử văn học viết
Việt Nam ta cho đến nay chỉ có hai phạm trù là trung đại và hiện
đại. Trung đại là từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Hiện đại là từ đầu
thế kỷ XX đến nay. Phạm trù văn học là khái niệm có nội hàm bao gồm
ba bộ phận. Thứ nhất gồm: những yếu tố gián tiếp liên quan đến văn
học: hình thái xã hội, hình thái văn hóa, ý thức hệ thời đại. Thứ
hai: gồm những yếu tố trực tiếp liên quan tới văn học: chữ viết,
phương tiện ghi chép và in ấn, báo chí, phương thức lưu hành (chưa
hoặc đã gắn với kinh tế hàng hóa), lực lượng sáng tác, công chúng
văn học. Thứ ba: gồm những yếu tố thuộc bản thân văn học: cơ cấu của
nền văn học, hệ thống quan điểm văn học, những cảm hứng chủ đạo
trong sáng tác văn học, hệ thống thể loại thể tài và bút pháp của
các thể loại thể tài văn học, phong cách ngôn ngữ văn học, những quy
luật kết tinh mang tính đặc thù của phạm trù văn học.Thành tựu của
văn học Việt Nam ở nửa đầu thể kỷ XX là thành tựu đổi mới cách tân
làm thay đổi lịch sử văn học Việt Nam ta từ phạm trù trung đại mang
tính chất khu vực sang phạm trù hiện đại mang tính chất toàn cầu.
Văn học Việt Nam sau 1945 dù có nhiều đổi mới cách tân nhưng vẫn
thuộc phạm trù hiện đại. Còn với văn học hôm nay là gì khi nói đến
sự đổi mới, cách tân? Rõ ràng vẫn là chuyện cách tân đổi mới thuộc
phạm trù hiện đại. Phải nói rõ ra như thế để ai đó đừng quá ảo tưởng
sẽ làm được cái điều mà văn học nửa đầu thế kỷ XX… đã làm được. Đâu
đó có nói đến hiện đại và hậu hiện đại thì đúng là có sự đổi mới
khác nhau giữa hiện đại và hậu hiện đại, nhưng hãy nhớ cho rằng giũa
hai thứ đó vẫn có chung chữ hiện đại. Tôi cầu mong ở sự đổi mới văn
học hôm nay nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một kết quả đổi
mới cách tân như văn học nửa đầu thế kỷ XX đã có. Còn tương lai xa
nữa là thế nào thì chưa biết.
3.Về chuyện cái TÔI (L’individu) trong văn học. Đúng đây là một
trong những vấn đề cốt lọi nhất của văn chương nghệ thuật nói chung
nhưng trước hết là vấn dề của cuộc sống con người ở mọi đất nước
trong đó có nước Việt Nam ta mà trình độ nhận thức và thực tiễn giải
quyết vấn đề đã không đồng đều, Có thể nói được rằng ở vấn đề này,
phương Tây đi trước phương Đông.
Riêng ở nước ta, cứ qua văn học mà thấy thì nó quá chậm. Chẳng những
thế mà hôm nay xem ra cũng chưa có sự tường minh tới mức cần có.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, đến nửa sau thế kỷ XVIII nửa đầu thế
kỹ XIX, mới thấy cái TÔI có mặt trong các tác phẩm như Chinh phụ
ngâm của Đặng Trần Côn và dịch phẩm của Đoàn Thị Điểm (?),
Truyện Kiều của Nguyễn Du,, Khuê ai lục của Ngô Thời Sĩ,
Đoạn trường lục của Phạm Nguyễn Du, Sơ kính tân trang
của Phạm Thái, thơ Hồ Xuân Hương, thơ văn Nguyễn Công Trứ…Riêng
cái TÔI đạo đức vốn là sản phẩm của truyền thống đức trị của
phương Đông với các học thuyết của nó đặc biệt là Nho giáo thì đã có
mặt từ lâu đời nhưng vẫn chưa hẳn là cái TÔI mà ở đây đang nói tới.
Đừng lẫn lộn hai khái niệm: vấn đề cái TÔI (L’individu) trong
văn học và hiện tượng cái tôi trữ tình trong văn học đặc biệt
là trong thơ ca. Bởi lẽ, một bên thuộc khách thể trong sự sống
con người mà tới một giai đoạn nào đó văn học mới nhận thức được để
khám phá, chiếm lĩnh. Một bên thuộc chủ thể cảm xúc, trữ tình
của người cầm bút vốn là thuộc tính muôn đời muôn thuở của văn
chương nghệ thuật nhất là ở thể loại trữ tình, ở thơ ca từ ngày có
mặt. Cái TÔI viết hoa có mặt buổi đầu trong văn học Việt Nam ta chậm
nhưng khá xinh đẹp vì nó kết hợp hài hòa được với cái TA. Cứ nhìn
vào hình tượng Thúy Kiều thì rõ. Thúy Kiều là hình tượng nghệ thuật
hội tụ được nhiều giá trị nhân bản nhất trong những hình tượng phụ
nữ của lịch sử văn học Việt Nam xưa nay trong đó có giá trị về sự
trổi dậy của cái TÔI.[1]
Nhưng ngay sau đó, đất nước bị xâm lăng, cái TÔI đã phải nhường chỗ
cho cái TA là số phận đất nước. Sang đầu thế kỷ XX, trong hoàn cảnh
xã hội thực dân phong kiến, giai cấp tư sản đã có mặt dù là dưới chế
độ thuộc địa, lại có thêm ảnh hưởng văn hóa và tư tưởng tư sản
phương Tây tràn tới, cái TÔI lại tái xuất, tuy không kết hợp được
với cái TA hài hòa như thời Nguyễn Du nhưng tự giác hơn và cũng bề
thế hơn để làm cơ sở tư tưởng, cơ sở triết học cho sự ra đời của Tự
Lực Văn Đoàn, phong trào Thơ Mới, Thi nhân Việt Nam của Hoài
Thanh…Cách mạng tháng Tám thành công, chưa gì đã phải đương đầu với
hai cuộc kháng chiến khốc liệt. Trong hoàn cảnh đó, theo qui luật
của cuộc sống Việt Nam, cái TÔI lại phải nhường chỗ cho cái TA.
Nhưng một khi đất nước đã hòa bình thống nhất, cuộc sống trở lại đời
thường thì cũng theo quy luật, cái TÔI sẽ tái xuất. Không ít trong
số tác phẩm được nhắc tới ở tiểu mục Mấy trang đầu đã hé mở vẻ
đẹp nói ở trên có phần là nhờ ở sự tái xuất cái TÔI. Khát
vọng nồng nhiệt về cái TÔI của các nhà thơ nhà văn trê hôm nay cũng
là sản phẩm chính đáng của sự tái xuất đó. Vấn đề ở đây là phải làm
sao có được sự nhận thức cho thật thấu đáo, thật tường minh đích
đáng về cái TÔI để có cơ sở vững chắc cho sự đổi mới chứ không thể
như hiện thời. Phải thấy cái TÔI là tế bào làm nên mọi hình thái cơ
thể tức là mọi hình thái cộng đồng xã hội mà muốn khỏe mạnh
thì phải có các tế bào khỏe. Đó là chân lí tối thượng trong mọi cộng
đồng, mọi quốc gia. Nhưng ở đây lại có điều rất phức tạp, đã gây rắc
rối cho nhân loại là vì từ một cái TÔI cá thể, trong thực tiễn cuộc
sống nhân loại, lại đi theo hai hướng. Một hướng nhân bản cần cầu
nguyện cho nó trổi dậy sớm ngày nào hay ngày ấy. Một hướng là phi
nhân bản mà phải quyết tâm tiêu diệt. Trong hướng nhân bản, cái TÔI
vẫn là cái TÔI nhưng có một phương diện dứt khoát không thể thiếu là
sự kết hợp hài hòa giữa cái TÔI và cái TA. Thiếu sự kết hợp TÔI-TA
một cách chính đáng thì dễ thường sẽ rơi vào hướng phi nhân bản là
cái TÔI ích kỷ, khốn nạn đang phá hoại cuộc sống của nhân quần, của
đất nước. Có hai thuật ngữ cũng không được lầm lẫn: cá nhân (cái
TÔI- L individu, Le Moi) và cá nhân chủ nghĩa (L individualisme).[2]
Không dấu quý vị, đọc bài bút ký Đi tìm cái TÔI đã mất
của nhà văn quá cố Nguyễn Khải, tôi thú vị và kính nể tâm
huyết, bút lực của nhà văn nhưng chỉ tán thành một nửa không tán
thành một nửa. Nửa tán thành là sự xót xa đã để mất cái TÔI. Nửa
không tán thành là ví chưa thấy nhà văn nghĩ đến mối quan hệ hài hòa
tối cần giữa cái TÔI và cái TA trong khi cái TA tuy có mặt bất chính
nhưng vẫn có nhiều mặt chân chính cần được cái TÔI góp phần vun đắp
như chính nhà văn đã làm dù còn phải chịu sự sàng lọc trong thời
gian.
4. Về chuyện sex trong văn chương nghệ thuật: loài người được tạo
hóa sinh ra vốn mang tính tự nhiên sinh học trước khi mang tính xã
hội. Và khi mang tính xã hội vẫn có tính tự nhiên sinh học. Thế
nhưng sự nhận thức về con người tự nhiên sinh học giữa phương Tây và
phương Đông trong đó có Việt Nam ta cũng lại sớm muộn và không
giống nhau. Dĩ nhiên trong thời đại hôm nay, một khi đã có sự hội
nhập thế giới mãnh liệt, thế giới đang trở thành “phẳng” thì khoảng
cách đó đã được rút bớt. Ở phương Tây, từ rất sớm, đặc biệt là từ
thời Phục hưng vào thế kỷ 15, 16, sự nhận thức và từ đó là sự khám
phá con người tự nhiên, con người sinh học, con người chưa mặc quần
mặc áo đã là một thành quả nhân văn chủ nghĩa cao cả để có được một
nền nghệ thuật khỏa thân sáng giá và là niềm tự hào của nhân loại.
Tất nhiên, ở phương Tây, trước hiện tượng con người tự nhiên sinh
học, trong thực tiễn, cũng lại đã đi theo hai hướng: nhân bản và phi
nhân bản. Nhân bản là sự thăng hoa giá trị người. Phi nhân bản là
kéo con người trở về thú tính, động vật. Còn ở Việt Nam ta là thế
nào? Đành rằng đã tồn tại văn hóa phồn thực ở nơi này nơi khác trong
việc thờ linga. Nhưng riêng trong văn học thì xem ra là một sự né
tránh. Câu chuyện Chữ Đồng Tử có hé ra chút ít về con người khỏa
thân nhưng cụ thể là gì thì chưa rõ. Mãi đến khi thiên tài Nguyễn Du
viết Truyện Kiều thì quả thật lần đầu tiên, văn học Việt Nam
mới có được một bức tượng khỏa thân tuyệt vời của phụ nữ và là bức
tượng khỏa thân độc nhất vô nhị của văn học Việt Nam trung đại: “Rõ
ràng trong ngọc trắng ngà / Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”.
Táo bạo đến như nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì cũng chỉ he hé ra chút ít do
có sự sơ ý của Thiếu nữ ngủ ngày mà thôi. Ngoài ra, gọi là
văn học sex trong văn học Việt Nam ở cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ
XIX, không thể không nhắc lại mấy câu thơ về chuyện chăn gối
trong quan hệ vợ chồng của Chinh phụ ngâm: “Cái đêm hôm ấy
hôm gì/ Bóng trăng lồng bóng đồ mi trập trùng/ Hoa giãi nguyệt
nguyệt in một tấm/ Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông/Nguyệt hoa hoa
nguyệt trùng trùng/ Trên hoa dưới nguyệt trong lòng xiết bao”.
Và thơ Hồ Xuân Hương với những câu như: “Cán cân tạo hóa rơi đâu
mất / Miệng túi càn khôn khép lại rồi”, “Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không”.
Đúng là sex chứ còn gì nữa. Nhưng điều đáng nói ở đây là từ bức
tượng khỏa thân của Thúy Kiều cho đến những câu thơ của Chinh phụ
ngâm, Hồ Xuân Hương vẫn là chuyện hở nhưng kín
và hướng chung là mỹ hóa. Phải chăng đó là một cách để giữ lấy sự
trong sáng trước hết cho tâm hồn mình rồi nữa cho tâm hồn người tiếp
nhận và đó là hướng nhân bản cao cả trong văn học sex. Trước
bức tượng khỏa thân tuyệt tuyệt vời Thúy Kiều, người đọc đố ai biết
được nó cụ thể là thế nào để vẽ lại. Nó chỉ tạo cơ sở cho mình tha
hồ suy tưởng để mà ngây ngất, ngất ngây với nó. Thế là đủ. Chứ trần
truồng ra, dễ thường sẽ rơi vào trạng thái nhục cảm động vật đơn
thuần. Còn với văn học sex hôm nay ở nước ta là thế nào? Nhìn chung,
thấy nó trần truồng quá, nó hở hoác ra cả mặc dù nó có công chúng
nhất định. Đó đây đã có luận văn luận án về văn học sex trong đó
đồng tình hơn là băn khoăn, thắc mắc. Nhưng liệu có thể an tâm với
tình trạng đó hay là phải nghĩ khác. Mong được các tác gia văn học
sex hôm nay nghĩ lại và thử so sành cách xử sự của mình hôm nay với
cách xử sự của cha ông thưở trước, xem cách nào là có lợi cho cuộc
sống hơn, cho đất nước hơn. Cũng mong các bạn đừng phe lờ sự thật là
bên cạnh những người tán dương các bạn vẫn có những người cho rằng
không phải là tất cả nhưng có một loại văn học sex hôm nay ít nhiều
dính dáng với loại tranh ảnh và phim sex đã phá hoại thuần phong mỹ
tục và dãn đến nhiều chuyện khủng khiếp mà báo chí hàng ngày vẫn đưa
tin. Riêng tôi chỉ muốn nói lại cái ý đã nói : thời đại này là thời
đại của sự lựa chọn. Mà muốn lựa chọn tối ưu thì chỉ chạy theo cảm
hứng không thôi là hoàn toàn chưa đủ. Phải học hỏi thêm, phải nghe
thêm người khác, phải có văn hóa thêm, phải suy đi tính lại để
có sự lựa chọn tối ưu.
5. Vấn đề đổi mới để góp
phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Làm
gì cũng phải có mục tiêu. Không rõ những người đang nhiệt tâm đổi
mới văn học đã nghĩ gì nhiều về mục tiêu chưa. Vì một giá trị nhân
bản mới ư? Vì muốn hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa văn học nước nhà
ư? Đúng đấy! Nhưng nói gì thì nói, cũng phải nghĩ nhiều, nghĩ trực
tiếp đến sứ mạng xây dựng cho đất nước một nền văn hóa tiên tiến đậm
đà bản sắc dân tộc. Bởi đây là vấn đề sinh tử của Tổ quốc Việt Nam
thân yêu của chúng ta hôm nay. Cứ tưởng tượng rằng trong cuộc hội
nhập thế giới sôi động chưa từng có này, đất nước sẽ giàu có lên
nhiều nhưng về văn hóa mà không còn gì là bản sắc dân tộc nữa thì ý
nghĩa cuộc sống sẽ là gì ngoài sự vô nghĩa. Một khẩu hiệu lớn đã
được đề ra: “Hòa nhập mà không hòa tan”. Nhưng thực tiễn cuộc
sống trong đó có văn chương nghệ thuật đang diễn ra là gì nếu không
phải là nguy cơ bị hòa tan đang ngày một rõ nét. Ai sẽ chịu trách
nhiệm trước hiện tình này? Dĩ nhiên trước hết là những người lãnh
đạo đất nước. Nhưng còn toàn dân, trong đó có giới văn nghệ sĩ. Với
cách đặt vấn đề như vậy, ở đây tôi muốn được những nhà văn nhà thơ
trẻ đang khát khao đổi mới văn học hãy cùng suy nghĩ về một vấn đề
vô cùng tai hại trong lịch sử đã gây nên sự hao hụt trầm trọng
bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam mà tiếc rằng cho đến nay từ các
nhà hoặch định chính sách văn hóa cũng như hầu hết người Việt
Nam ta, kể cả số đông trí thức văn nghệ sĩ chưa nhận ra để có biện
pháp khắc phục trong khi muốn xây dựng một nền văn nghệ đậm đà bản
sắc dân tộc. Có thể nói không sợ sai rằng chừng nào mà chưa nhận ra
vấn đề này thì chừng đó khó mà ngăn chặn được sự hòa tan . Đó chính
là sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trong đó có Việt Nam
ta trên phương diện văn hóa và tinh thần[3]
từ khi có cuộc “ mưa Âu gió Mỹ”, có sự giao lưu Đông Tây, đặc biệt
rõ rệt là từ nửa sau thế kỷ XIX đến nay. Quả thật như thế. Quy luật
về sự áp đảo là quy luật về mối tương quan giữa kẻ mạnh và kẻ
yếu. Mạnh nên áp đảo được. Yếu nên bị áp đảo. Nhưng kẻ mạnh không
phải cái gì cũng hay. Ngược lại kẻ yếu không phải cái gì cũng dở. Có
điều là một khi đã bị áp đảo thì cái dở của kẻ mạnh cũng thành chiến
thắng và cái hay của kẻ yếu cũng thành chiến bại. Lịch sử văn hóa
Việt Nam ta từ khi có cuộc giao lưu Đông Tây, đặc biệt là trong gần
một trăm năm nô lệ người Pháp là vậy trên mọi phương diện: từ triết
lí nhân sinh cho đến đời sống chính trị, thiết chế xã hội, y học, y
phục, thể thao, võ thuật, trò chơi, quan điểm nghệ
thuật, lý luận văn chương, phê bình văn học…ít nhiều là thế. Cách
mạng tháng Tám thành công, ý thức dân tộc có được trổi dây đáng kể
nhưng cơ bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bị áp đảo. Nói như trên
không có nghĩa là phủ nhận sự nâng đỡ cũng rất lớn lao của văn hóa
phương Tây trong công cuộc hiện đại hóa văn hóa văn học Việt Nam,
Thêm nữa lại có chuyện thay chữ viết Hán Nôm bằng chữ quốc ngữ trong
khi cả khu vực không nước nào thay chữ viết mà lâu nay người Việt
Nam ta chỉ thấy cái được rất lớn mà chưa thấy cái mất cũng không
nhỏ.
[4] Hãy
chú ý đến điều mà cố đạo Puginier là người từng hăng hái cổ động
chính quyền thực dân Pháp ở Đông dương thay chữ viết đã nói: “thay
chữ viết là thay cả một nền văn hóa”.
Và chính Toàn quyền Pháp tại Đông dương là Decoux năm 1943 cũng đã
nhận tội “thay chữ viết là làm cho con cháu người Việt Nam hôm
nay không hiểu gì tổ tiên của mình nữa”. Đúng là thay chữ Hán Nôm
bằng chữ quốc ngữ thì cái được rất lớn là dân chủ hóa được nền văn
hóa văn học nhưng cái mất cũng không nhỏ là tạo nên sự gián cách
lịch sử rất tai hại. Các nhà văn nhà thơ đang hăm hở đổi mới văn
chương hôm nay nghĩ gì trước sự thật oái oăm đó. Liệu các bạn có
nghĩ đến sứ mạng cao cả là đổi mới văn chương để góp phần phục hồi
lại những giá trị văn hóa, tinh thần mà dân tộc Việt Nam thân yêu
của chúng ta trải qua mấy nghìn năm lịch sử đã xây đắp được nhưng đã
bị những tai biến lịch sử làm hao hụt nhiều không. Ở trên, tôi có đề
nghị với các bạn bên cạnh khát vọng đổi mới xin hãy thêm khát vọng
làm sống lại những giá trị vĩnh hằng chính là điều liên quan tới vấn
đề này. Xin thắp hương cầu nguyện và chờ mong ở các bạn là những
người Việt Nam đã được Thượng đế ban cho phước lành là có nhiều năng
khiếu văn chương nhưng mong được nâng cao tư tưởng và văn hóa hơn
nữa trước những vấn đề đang đặt ra cho văn chương nghệ thuật của
nước nhà.
Yên Hòa thư trai
Nhâm Thìn- Trọng hạ (8-2012 )
Chú thích
[1]
Xem Nguyễn Đình Chú : Gặp lại “con
Kiều đẹp nhất nước Nam”- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân
văn số 1 (14) 2006.
[2]
Xem Nguyễn Đình Chú: Vấn đề “ngã “
và “phi ngã” trong văn học Việt Nam trung cận đại.
Tạp chí Văn học số 5 – 1999.
[3]
Xem Nguyễn Đình Chú: Sự áp đảo của
phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa và
tinh thần. Tạp chí Đông Nam Á số 3 (20) 1995.
[4]
Xem Nguyễn Đình Chú: Cần khẩn trương
khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt
Nam. Hán Nôm học trong nhà trường. NXB Khoa học xã hội.
2008, trang 16- 25.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét