Menu ngang

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

NÀY ĐÂY LÀ CÁI SỰ GIÀU



               NÀY ĐÂY LÀ CÁI SỰ GIÀU



                                   Giáo sư  Nguyễn Đình Chú


Không phải giàu ngọc ngà, châu báu. Mà đây là giàu quan hệ, giàu kỷ niệm, giàu trải nghiệm, giàu tình nghĩa để rồi được hồi ức, được ngẫm suy, được bình luận, được giải bày sẻ chia, được nâng niu trên từng trang viết. Đọc xong “Những kỷ niệm đời tôi” của Nguyễn Mạnh Đẩu, cảm nghĩ bật dậy trong tôi là vậy. Và tôi như được uống một cốc nước mát giữa những ngày nóng nực, oi bức - cả ở nghĩa đen và nghĩa bóng.

Tác phẩm gồm hơn hai chục bài viết với nhiều thể loại: hồi ký, ký sự, du ký, truyện ngắn, bình phẩm tiểu thuyết, văn tế. Với ai đó không chừng đã mở đầu và kết thúc khác. Ở đây, mở đầu là hồi ký “Cha tôi”. Kết thúc là “Văn tế trong ngày nhập họ”. Như thế là đã tuân thủ đúng ý tưởng cơ bản nhất, thiêng liêng nhất trong quan niệm nhân sinh của cha ông thuở trước. Bởi vì không có cha mẹ thì lấy đâu ra sinh mạng của mình để rồi thế này, thế khác giữa cuộc đời. Có là anh hùng vĩ đại, có là nhà khoa học, nhà văn thiên tài đến đâu cũng thế thôi. Để rồi, cứ thế, cứ thế, đời nối đời thành dòng họ, mà tổ tiên đã khai dòng nối dõi. Chẳng phải bởi thế mà cha ông thuở trước lại cùng một lúc đặt chữ HIẾU lên đầu, còn ra sức xây cao ĐẠO THỜ TỔ TIÊN với quan niệm tự giác sâu sắc rằng: “Vật bản hồ thiên /  Nhân sinh do tổ” (Muôn vật sinh ra là nhờ có trời đất / Mọi người sinh ra là nhờ có tổ tiên). Bài “Văn tế trong ngày nhập họ” của Nguyễn Mạnh Đẩu được viết với một giọng văn thành kính, đậm đà chất thiêng là sản phẩm từ quan niệm nhân sinh đó.
Mọi người sinh ra không ai được quyền chọn cha mẹ. Trời cho đến đâu thì được đến đó. Nguyễn Mạnh Đẩu là trường hợp được trời cho cha ra cha, mẹ ra mẹ. Đặc biệt là cha: một nông dân không được học hành gì mấy mà sống ở đời đã kết hợp hài hòa giữa tư đức và công đức. Riêng điều này thì còn là hiếm. Ông cụ thuộc nhiều truyện nôm, truyện Kiều, thuộc cả một số bài thơ Đường hay nhất - thuộc cả một số danh ngôn truyền thế của Đạo Nho như :”Phụ từ, tử hiếu” (Cha thì phải hiền từ. Con thì phải hiếu thảo), “Huynh lương, đệ đễ” (Anh thì phải tốt với em. Em thì phải lễ phép với anh), “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn, thì chớ làm với người khác). “Nhân bất học bất tri lý. Ấu bất học lão hà vi” ( Con người không chịu học thì chẳng có hiểu biết. Lúc nhỏ mà không học thì già chẳng biết làm gì). Cụ thuộc và dùng để dạy con cháu trong nhà. Và quan trọng hơn, cụ không chỉ thuộc mà còn sống đúng với những châm ngôn cao quí đó. Cụ là sự thể hiện đầy đủ câu thành ngữ của Pháp: “Une âme saine daus un corps sain” (Một tâm hồn thánh thiện trong một cơ thể tráng kiện). Hạnh phúc trước hết, trên hết, Cái Sự Giàu lớn nhất của Nguyễn Mạnh Đẩu là có một người cha như thế. Tôi ước đoán chắc không sai rằng, với ngót 40 trang viết “Cha tôi” của tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu là trong trạng thái vừa cầm bút vừa rưng rưng nước mắt. Nước mắt tiếc thương vô hạn và cũng là sung sướng vô hạn. Tôi ước gì văn học nước nhà hôm nay có thêm nhiều trang viết “Cha tôi” như thế.
Ở Nguyễn Mạnh Đẩu, cùng với Cái Sự Giàu về tình cha, nghĩa mẹ là cái sự giàu về về tình vợ chồng, tình anh em ruột thịt, tình cha con, tình ông cháu, tình họ tộc. Bài viết “Anh Tần” một người anh con bác ruột, cũng cho thấy thêm sự giàu đó. Rồi nữa, là tình làng nghĩa xóm. Các bài viết “Làng Đại Xá quê tôi”, “Tết ở quê”, “Bạn quê”, “Chơi cùng bạn trẻ quê nhà” đã cho tôi niềm vui được sống lại những ngày niên thiếu ở quê hương mà thời gian ly hương quá dài đã làm phôi pha. Tôi tự hỏi: Nguyễn Mạnh Đẩu, 16 tuổi, đã trốn cha, tự khai tăng thêm tuổi để được nhập ngũ, đi đánh Mĩ, rồi từ đó, cũng ly hương cho đến nay đã ngót nửa Thế kỷ mà sao nay viết về làng xóm, về bạn bè thời niên thiếu, ăm ắp cảnh vật, con người, sự kiện, hành động mà một người sống trọn đời với quê hương, có năng lực viết nữa, đã dễ gì viết được như thế. Thiết nghĩ, ai cũng say sưa, xúc động khi nghe bài hát “Quê hương” của nhạc sĩ Đỗ Trung Quân với những ca từ: “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”, đọc thêm những trang viết về quê hương của Nguyễn Mạnh Đẩu, sẽ hiểu thêm độ sâu nặng và cụ thể của tình quê hương là thế nào đối với người Việt Nam ta.
Cuộc đời Nguyễn Mạnh Đẩu là cuộc đời binh nghiệp với 45 năm ròng, từ một chiến binh xông pha trận mạc đến một vị Trung  tướng, trải qua nhiều cương vị trọng trách của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cho nên, Cái Sự Giàu về tình đồng đội ở độ phì nhiêu thế nào, ai đọc “Những nẻo đường thời gian” của tác giả xuất bản năm 2010 đã quá rõ. Còn nay đọc “ Những kỉ niệm đời tôi” với các bài viết như: “Xứng danh Anh hùng” , “Trang sách- Trang đời”, “Trinh sát đồn địch – kỷ niệm khó quên”, kể cả các truyện ngắn:”Ngày gặp gỡ”, “Đồng đội cũ”,…càng thấy rõ thêm Cái Sự Giàu đó. Điều đáng nói là, trong tình đồng đội của tác giả, ở Cái Sự Giàu, còn một khoản là sang. Chẳng phải thế sao. Nguyễn Mạnh Đẩu là một Trung tướng, cho nên đã có bao nhiêu quan hệ với các tướng lĩnh thượng cấp và đồng cấp mà nay không thể không viết. Các bài viết “ Ba lần được tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Đại tướng Chu Huy Mân - những kỷ niệm trong đời tôi”, “Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp - những điều tôi biết”, “Gặp mặt các tướng lĩnh quê hương Nghệ An”, từ quan hệ công tác và góc nhìn cá nhân với độ kính yêu rất mực, quả đã cho người đọc thấy cái sự giàu và sang trong tình đồng đội của tác giả, cùng đó là tài năng, nhân cách và công lao của một số tướng lĩnh sáng danh của đất nước trong thời chống Mĩ.
Ở Nguyễn Mạnh Đẩu, Cái Sự Giàu cũng đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia. “Lãng đãng xứ người” là thế. Đó là những gì tác giả đã ghi chép lại sau một chuyến du lịch 7 ngày trên đất Trung Hoa theo thể văn du ký, tựa như ngày trước ông Chủ bút Nam phong Tạp chí “Thuật chuyện du lịch ở Pari” (1922). Ở đây, một lần nữa, tác giả lại gây cho người đọc sự bất ngờ về độ ngồn ngộn cảnh vật, di tích, sự kiện,… được tiếp nhận chỉ trong thời gian mấy ngày, ở tư thế cưỡi ngựa xem hoa. Đúng là “Cái quay búng sẵn trên trời” (Nguyễn Gia Thiều) đã búng Nguyễn Mạnh Đẩu vào binh nghiệp để thành Trung tướng, chứ búng vào văn nghiệp, thì biết đâu cũng dễ thành học giả như ai. Đọc “Lãng đãng xứ người”, tôi thêm một lần nghĩ vậy.
Rút cục lại, “Này đây là Cái Sự Giàu” thấy được từ “Những kỷ niệm đời tôi” là vậy đó.


                                                    Yên Hòa thư trai
                                             (Quý Tỵ - Sơ Hạ- 5/2013)
                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét