Menu ngang

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

          Cùng bàn luận



         
MUÔN MẶT...LÃNG PHÍ


Nghị trường ngày 18-6 lại nóng lên khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Đặc biệt, thực trạng lãng phí đã được vạch mặt, chỉ tên và cùng với đó là các giải pháp được đưa ra để ngăn chặn quốc nạn này.

Sau 7 năm thực thi, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần quan trọng lập lại trật tự kỷ cương trong xã hội. Tuy nhiên, nhiều “lỗ hổng pháp lý” trong Luật này bị lợi dụng dẫn đến hiện tượng lãng phí tràn lan làm suy yếu nền kinh tế của đất nước. Lãng phí đã và đang xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, từ mỗi gia đình, doanh nghiệp, đến các cơ quan, công sở… Lãng phí dễ nhận thấy nhất là các lễ khởi công, động thổ, lễ hội, lễ kỷ niệm, ngày truyền thống được tổ chức linh đình từ cấp xóm đến cấp quốc gia. Các khu đô thị bỏ hoang, các khu công nghiệp được san lấp từ đất trồng lúa nay ngập tràn cỏ dại. Các dự án nhà máy, bến cảng, sân bay, trường đại học, cao đẳng... phát triển theo phong trào, quy mô không gắn với chất lượng, không cân đối cung cầu xã hội và nguồn nhân lực. Máy móc, trang thiết bị hiện đại nhưng không sử dụng hoặc không ai biết vận hành, để hỏng, hoặc sử dụng không hết công năng, không hiệu quả. Ngay cả việc ban hành luật mà luật đó vẫn nằm trên giấy không đi vào cuộc sống cũng là một lãng phí lớn. Thực tế hiện nay đang có một số lượng không nhỏ công chức làm việc không hiệu quả theo kiểu “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Trong khi đó, người dân lại phải đóng thuế để trả lương cho những đối tượng này, gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Rồi rất nhiều sự lãng phí đang diễn ra do sự tính toán thiếu cẩn trọng trong đầu tư xây dựng dẫn đến công trình dở dang. Cầu làm xong nhưng thiếu đường dẫn, trường học xây xong nhưng thiếu cửa…

Tận thu từ những biệt thự... bỏ hoang/ Nguồn: Dantri.com
Căn bệnh lãng phí trầm kha vì thế rất cần phải thay đổi phác đồ điều trị, trước hết cần phải có cơ sở pháp lý để điều trị căn bệnh này, đó là một dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới. Điểm đáng chú ý trong lần sửa đổi này là tập trung quy định việc tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công, quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này vẫn chưa quy định rõ về các hành vi gây lãng phí và chế tài xử phạt cụ thể với người để xảy ra lãng phí.

Thực tế cho thấy, lãng phí trong nhiều trường hợp gây hậu quả không kém tham nhũng và là “bạn đồng hành”của tham nhũng. Thế nhưng, tham nhũng thường gắn với con người cụ thể, có thể quy ra tiền từ công tác thanh tra, điều tra và có truy tố rõ ràng. Còn lãng phí lại hay đổ vào “trách nhiệm tập thể”. Vì thế, rất cần có những quy định cụ thể về “tội danh lãng phí”.

Nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cho rằng, để có thể ngăn chặn được “muôn mặt lãng phí”, trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần phải làm rõ hơn về mức độ lãng phí bao nhiêu thì phải xử lý hành chính, mức độ bao nhiêu thì phải xử lý hình sự và cần quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tránh tình trạng quy trách nhiệm tập thể một cách chung chung, khó xử lý. Nếu chưa chỉ ra được hành vi cụ thể, mức độ sai phạm, không làm rõ trách nhiệm thẩm quyền và xử lý, nhất là xử lý đối với tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí thì hiệu quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.

Nguồn : ĐỖ PHÚ THỌ / QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét