Menu ngang

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Đôi điều cảm nhận...



            Đôi điều cảm nhận khi đọc
                 Dòng sông mang lửa

           Tôi được đọc khá kỹ từ những trang bản thảo đầu tiên, tập bản thảo cuối cùng trước khi đem in và cũng là một trong những người đầu tiên được tác giả đến tận nhà tặng sách ngay khi còn thơm mùi mực. Tác giả có đề tặng tôi với dòng chữ: “Thân tặng Nguyễn Mạnh Đẩu, người bạn thân mến của tôi”. Tôi thật mừng và chung vui với anh. 
Dòng sông mang lửa là tiểu thuyết đầu tay của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế /  Bộ Quốc phòng. Sách dày 626 trang, ảnh trang bìa rất ấn tượng ý nghĩa, in đẹp, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản  quí IV năm 2012.
Tôi vẫn nói với Hồ Sỹ Hậu là: Với tác giả thì niềm vui lớn nhất hoặc là khi dùng dấu chấm hết ở trang bản thảo cuối cùng; hoặc là khi được nhà xuất bản thông báo đã bắt đầu đưa bản thảo đi in. Còn với độc giả, thì rõ ràng, phải là sau khi đã đọc xong dòng cuối cùng, gấp sách lại và ngẫm suy.
Mặc dù đã đọc nhiều ở bản thảo, nhưng khi nhận được sách, tôi vẫn dành ra mấy ngày đọc liền một mạch. Ngẫm lại, nói gì đó thì nói, tôi cho là rất hay trên nhiều phương diện. Xứng tầm! Có thể coi đây là một Tượng đài bằng sách, thể hiện sự tích bi tráng, hào hùng của Đường ống xăng dầu - Một huyền thoại trong huyền thoại Đường Hồ Chí Minh thời chống Mỹ oanh liệt. Với dòng cảm xúc đó, trước hết, tôi xin chúc mừng Hồ Sỹ Hậu - bạn tôi, người đã sinh thành một đứa con tinh thần quí hiếm. Tôi biết rằng, anh đã ấp ủ, trăn trở, thai nghén từ nhiều năm trước. Thực tế là, không phải ai hễ cứ có sự trải nghiệm ở chiến trường, có vốn sống, có khả năng văn chương cũng làm được như anh.
Theo tôi, Hồ Sỹ Hậu làm được điều đó là bắt nguồn từ nhiều yếu tố: Tình cảm thủy chung da diết với đồng đội, nhất là những người nằm lại chiến trường. Sự trải nghiệm trong máu lửa với tư cách là một nhân chứng lịch sử có mặt từ đầu đến cuối của tất cả sự kiện lớn nhỏ (có chỗ anh thể hiện gần giống hồi ký). Ở anh có vốn sống phong phú. Có năng khiếu văn chương. Và có sự động viên, khích lệ đầy thiện chí của đồng đội, bạn hữu. Nhưng có thêm điều này nữa, là người trái nghề, anh đã vượt qua sự mặc cảm của chính mình khi cầm bút. Và nhờ thế, Hồ Sỹ Hậu đã gặt hái được thành công - một thành công lớn rất có ý nghĩa.
Tôi được biết, vừa qua, ngày 29/3/2013, tại 65 phố Nguyễn Du, Hà Nội, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn đã tổ chức buổi giới thiệu tiểu thuyết Dòng sông mang lửa. Tới dự khá đông đủ thành phần: Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Đại tá Mai Trọng Phước, đã 90 tuổi, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu TCHC, nguyên thủ trưởng cũ của Hồ Sỹ Hậu hồi ở chiến trường, Đại tá nhà văn Phạm Hoa, nguyên lái xe Trường Sơn, nguyên Cục phó Cục Tuyên huấn TCCT;   Các nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ có tên tuổi: Đặng Hùng Võ, Dương Trung Quốc, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Phạm Xuân Nguyên, Thùy Dương, Bùi Việt  Thắng, Mai Hồng Niên, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Bắc Sơn, ...cùng các cơ quan báo chí. Đương nhiên, không thể thiếu đồng đội, đồng nghiệp và bạn bè thân thiết trên từng mối quan hệ. Rất tiếc, vì có công việc đột xuất, tôi không đến được để chung vui với anh Hồ Sỹ Hậu trong buổi giới thiệu ấy.
 Tôi được một người bạn thân kể lại rằng, kết quả buổi giới thiệu tốt lắm. Mọi người đánh giá rất cao cuốn tiểu thuyết đề tài chiến tranh, viết về  một binh chủng có nhiều chiến công cũng như sự hy sinh lớn lao trong  kháng chiến chống Mỹ - đó là Bộ đội Đường ống xăng dầu trên Tuyến vận tải Chiến lược Trường Sơn (Đoàn 559) mà lâu nay ít được nói tới. Trên từng bình diện, từng góc độ tiếp cận khác nhau, nhiều người đã có ý kiến tham gia rất hay, tâm huyết, trung thực, xác đáng, xúc động. Nhất là các đồng đội cảm động và vui mừng khi đọc cuốn tiểu thuyết. Cuốn sách này đã dựng lại chân dung Đường ống xăng dầu huyền thoại, nơi chất chứa biết bao kỷ niệm buồn vui, bi tráng , nơi yên nghỉ của hàng trăm, hàng nghìn đồng đội, ra đi không ngày trở lại…Cụ Đại tá Mai Trọng Phước, 90 tuổi, đã nghẹn ngào, xúc động  khóc khi đọc cuốn tiểu thuyết này. Chắc chắn là, từng trang sách đã hiện lên trong họ hồi ức một thời oanh liệt, hào hùng, một thời với biết bao hy sinh gian khổ dưới đạn bom ác liệt của ngành Đường ống xăng dầu quân đội. Điều vĩ đại như huyền thoại nhường ấy mà bấy lâu nay ít người biết tới, đang bị chìm dần, lãng quên theo năm tháng. May thay, đến nay, với hơn 600 trang tiểu thuyết, Hồ Sỹ Hậu đã dựng lại là quí hóa vô cùng. Chỉ được nghe kể lại, mà tôi cũng thật mừng, xúc động.
Dù không được nghe trực tiếp lời phát biểu hoặc đọc bài tham luận của các nhà phê bình, nhà nghiên cứu,  nhà văn, nhà thơ, nhà báo,…tôi cũng có thể hình dung ra. Ở đâu và bao giờ cũng vậy,  sự thật, hay nói to tát hơn là chân lý,  con người ta dẫu ở phương trời nào cũng đều có sự thẩm thấu, chân nhận giống nhau - Trừ những người thiếu thiện chí vì động cơ khác. Đó là điều đương nhiên, không cần bàn cãi.
Là người lính già đã trực tiếp chiến đấu, từng nếm trải gian khổ, ác liệt, hy sinh, đã dâng hiến tuổi thanh xuân, bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường trong ngót 10 năm chống Mỹ, tôi thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm với tác giả về mọi điều.
 Không thuộc chuyên ngành văn chương, chỉ là độc giả, chưa nghe, chưa đọc lời bình của bất cứ ai, khi tiếp nhận Dòng sông mang lửa, tôi có mấy cảm nhận xuyên suốt, nhất quán của riêng mình. Mà điều này, theo tôi, có thể gần giống với cảm nhận chung của nhiều độc giả. Cụ thể là:
  Hãy khoan bàn về nghệ thuật và kỹ thuật văn chương, cái quan trọng nhất của nó là đối tượng, nội dung phản ánh và giá trị tư tưởng của cuốn tiểu thuyết. Với Hồ Sỹ Hậu, anh ấy không coi đây là sự thử sức, thi thố tài năng trên văn đàn. Theo tôi, nguồn cảm hứng để Hồ Sỹ Hậu viết cuốn tiểu thuyết này, là phán ánh một thời kỳ lịch sử bi tráng của bộ đội Đường ống xăng dầu trên Tuyến vận tải chiến lược 559. Tinh thần cơ bản của Tiểu thuyết  là sự trân trọng chiến công của đồng đội - Đặc biệt, nhằm tri ân những người đã anh dũng hy sinh trong mọi cảnh huống ở chiến trường. Máu đào của họ đã viết nên truyền thống oanh liệt của bộ đội Đường ống xăng dầu, góp phần rất xứng đáng vào chiến thắng cuối cùng của toàn dân tộc. Những nhân vật, không gian, sự kiện trong tiểu thuyết đã lùi xa mấy chục năm rồi, nhưng được giũ bụi thời gian, thông qua những dòng hồi ức, những trang viết thấm đẫm tình đồng đội, đầy tính nhân văn của Hồ Sỹ Hậu làm sống lại sự kiện và các mối quan hệ. Tiểu thuyết đã hiện lên trong tâm trí của người đọc, đem đến cho họ một nhận thức mới, một cách nghĩ mới đúng hơn.
           Toàn bộ tiểu thuyết được kết cấu xâu chuỗi, logic. Các trường đoạn trong các chương được khai triển đan xen nhau, vận hành theo qui luật tuyến tính, đồng thời có sử dụng thủ pháp đồng hiện. Nhờ đó làm cho người đọc vừa dễ tiếp nhận thông tin,vừa có sự hấp dẫn nhất định. Khi xây dựng nhân vật, Hồ Sỹ Hậu có chú ý đến thể hiện sự nhất quán về hoàn cảnh xuất xứ, tính cách, tâm lý và năng lực của từng con người cụ thể. Bên cạnh sự ngợi ca chiến công, thành tích của các cá nhân, tập thể,  phản ảnh sự đa dạng cuộc sống của  những cán binh ở chiến trường, trên những mức độ nhất định, Hồ Sỹ Hậu đã phản ánh những điều bất cập, những hạn chế, ấu trĩ của một số người trong một thời - Âu đó cũng là tất yếu, là sản phẩm của lịch sử. Và nữa, có đôi chỗ nó như là phản ánh một sự ẩn ức có phần nhức nhối - Điều đó là cần thiết.
             Như mấy lần đã tham gia trực tiếp với Hồ Sỹ Hậu, tôi có suy nghĩ là, một số trường đoạn trong các chương ở giữa có phần thiên về ký, về sử, về biên niên sự kiện, chứ chưa hoàn toàn là tiểu thuyết.  Bởi thế, định danh nó thuộc loại tiểu thuyết gì (văn học chiến tranh, lịch sử, biên niên sự kiện,…) khó rạch ròi. Tôi quan niệm, như ai đó đã từng nói, tiểu thuyết là từ một cái chuyện rồi tác giả kể, tả và bình về nó. Vì vậy, giá như  gia công thêm, cài văn tả và văn bình vào. Người ta vẫn nói: Văn, Sử, Triết bất phân. Tự bản thân nhân vật, bản thân sự kiện nói lên mọi điều. Ngoài qui luật tuyến tính và đồng hiện, nên dùng thủ pháp phản ánh quá khứ và hiện tại trong sự tương tác, bổ sung cho nhau trong quan hệ nhân quả và đột biến, logic và phi logic.
    Hơn nữa, để tăng thêm tính hấp dẫn, đỡ căng cứng, khô khan máu lửa, tổn thất hy sinh, chịu đựng gian khổ, hiểm nguy của bộ đội ta ở chiến trường, thì cùng với các trang viết về tình cảm, tình yêu, cũng cần viết thêm những mẩu chuyện vui, sự tếu táo, tinh nghịch trong sự lạc quan, làm khuây khỏa tâm lý căng thẳng của người lính trong môi trường gian khổ, ác liệt, hy sinh. Điều này, theo tôi, ở chiến trường nhiều lắm, đúng lắm. Giữa trận tiền, trong túi bom, lúc cận kề cái chết, người lính vẫn có thể nói chuyện trạng, chuyện tiếu lâm, chơi cờ, đánh bài, trêu đùa nhau hồn nhiên, vô tư, cứ như trong khung cảnh thái bình. Tôi nghĩ, điều đó chỉ Quân đội nhân dân Việt Nam trong  các cuộc chiến tranh cách mạng vừa qua mới có.
       Mấy điều tôi mạo muội bình phẩm, lạm bàn trên đây với tư cách vừa là bạn thân lâu năm, vừa là một người ham đọc sách. Nhưng, như người xưa từng nói: Kiến dị, tác nan. Mọi việc ở đời, đứng ngoài nhìn tưởng dễ, bắt tay vào làm mới khó. Như khả năng của tôi là chưa thể làm được như Hồ Sỹ Hậu.
  Bộc bạch mấy điều cảm nhận, tôi xin góp một tiếng nói từ một góc nhìn về tiểu thuyết Dòng sông mang lửa, trong tâm thế chân thành chúc mừng sự thành công của bạn tôi  - Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét