Menu ngang

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Luận bàn

 Luận bàn 
Về tuổi nghỉ hưu

Kéo dài tuổi nghỉ hưu: Cần xem xét thận trọng! 

Thứ Ba 06:12 05/03/2013
(HNM) - Đã có lúc, nghỉ hưu sớm, làm ít giờ được coi là quyền lợi, là sự ưu đãi đối với người lao động. Nhà nước quy định: Nam giới làm việc đến 60 tuổi, nữ giới, từ 50 đến 55 tuổi được nghỉ hưu. Lúc đó, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam còn thấp.

Nhưng rồi tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng lên nhanh chóng, đến năm 2010 đã là 73 tuổi và cái ngưỡng 75 đang đến rất gần. Chúng ta cũng bước vào thời kỳ tỷ lệ dân số vàng và rồi từ đó, tham gia vào danh sách các nước dân số già: người trẻ ít, người già nhiều, lao động ít, người hưởng lương hưu nhiều. Trước kia, 55 tuổi đã khao thọ, vào hàng lão làng, nay 100 tuổi khao đại thọ không hiếm. Đi tìm những người trên 90 tuổi ở các làng, bản không khó. Thời gian sống từ khi nghỉ hưu (hoàn thành nghĩa vụ lao động với xã hội) đến khi mất hoàn toàn sức lao động trở nên quá dài. Thời gian còn sức khỏe, còn minh mẫn, còn sức cống hiến nhưng đã phải nghỉ hưu sớm một cách lãng phí ngày càng rõ. Như một nhu cầu của lương tri, người ta muốn được kéo dài thời gian cống hiến, tức là nâng tuổi nghỉ hưu ở một số ngành nghề, nhất là những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, hàm lượng trí tuệ lớn, không đòi hỏi nhiều đến cường độ cơ bắp.
Chưa có một thống kê nào chắc chắn nhưng thực tế có đến 60% cán bộ nghỉ hưu phải đi làm thêm bằng những nghề nặng nhọc, trái với chuyên môn để kiếm thêm thu nhập hỗ trợ đời sống mới thấy ta đã để lãng phí một lượng lao động rất lớn. Tôi cũng không cho rằng một người được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhất thiết phải từ bỏ trách nhiệm quản lý. Có từ bỏ trách nhiệm quản lý hay không là còn do đòi hỏi của công tác chuyên môn, năng lực cụ thể và nguyện vọng của quần chúng nơi cơ quan công tác. Một nhà chuyên môn đầu ngành, ấp ủ một đề tài lớn thường chỉ thực hiện được đề tài đó khi anh còn có vai trò quyết định trong quản lý. Khi không có quyền nữa, hầu hết các đề tài của anh sẽ đổ vỡ.
Tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động không chỉ khai thác được thêm sức lao động xã hội, nhất là sức lao động trí thức mà còn rút ngắn thời gian xã hội phải nuôi một "đội quân" về hưu ngày càng lớn. Thế nhưng cũng có những trở ngại lớn: Đó là, nếu kéo dài tuổi về hưu, số lao động trong biên chế nhà nước mỗi năm một phình to, trong khi lao động bổ sung mỗi năm thêm 1,6 triệu người, vấn đề việc làm trở nên nan giải. Thêm nữa, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu cho cán bộ quản lý thì những người có năng lực khó có cơ hội được thăng tiến vào vị trí cấp trưởng, cấp cống hiến được tốt nhất trong thời điểm cả tài năng, sự xốc vác, nhanh nhạy của họ ở độ sung mãn nhất.
Vì vậy, vấn đề nghỉ hưu ở tuổi nào cần được xem xét thận trọng. Nó phụ thuộc vào con người cụ thể, giới tính cụ thể, công việc cụ thể, nhu cầu cụ thể của cơ quan, địa phương... Với phụ nữ chẳng hạn, cách về hưu hàng loạt khi đến tuổi 55, ngừng đào tạo, đề bạt, cơ cấu khi đã 54 tuổi có phần đúng nhưng cũng để lại không ít bất cập, rõ nhất là lãng phí sức lao động, lãng phí cán bộ, lãng phí đào tạo... Trong khi đó, rất nhiều ngành nghề, công việc khác rất cần lao động nữ được nghỉ hưu sớm như khai thác mỏ, luyện thép, vệ sinh môi trường…
Tôi không đồng tình với một bài báo nào đó cho rằng xã hội phản đối kéo dài tuổi hưu vì cho rằng kéo dài thêm 5 năm tuổi hưu cho người quản lý là kéo dài thêm 5 năm bổng lộc. Tôi cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng việc kéo dài thời hạn nghỉ hưu chẳng qua là vấn đề tiền, đóng ít sống lâu tiền đâu mà trả? Tôi nghĩ rằng vấn đề kéo dài hay không kéo dài tuổi nghỉ hưu liên quan trực tiếp đến con người, nó là vấn đề rất lớn và toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quyền được sống được làm việc, được đãi ngộ của xã hội cũng như của từng cá nhân, vì vậy rất cần thận trọng, cần từng bước nhưng kiên quyết thực hiện theo xu hướng chung của thế giới. Cái quan trọng hàng đầu là cần thay đổi cách nghĩ. Được làm việc, cống hiến hết sức mình và được đền bù xứng đáng với những cống hiến cũng là quyền cơ bản của con người mà xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để công dân của mình thực hiện.

  Vũ Duy Thông 





Nới tuổi hưu: Sợ vỡ quỹ BHXH là ngụy biện

- Nhóm cán bộ quản lý chỉ là số ít. Do vậy nếu lấy lý do sợ đổ vỡ quỹ BHXH là ngụy biện - độc giả phản ánh và cho rằng, nếu là người thực tài thì không lo sau khi về hưu không có cơ hội đóng góp cho xã hội. 
Bài viết "Trẻ còn thất nghiệp, sao nới tuổi nghỉ hưu?" của chuyên gia Nguyễn Thu Linh tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi, tranh luận xung quanh vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.
Trong đó, nhiều bạn đọc xoáy vào một trong những "điểm tựa" của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, đó là sợ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).
Bạn đọc tên Minh nêu ý kiến, nhóm cán bộ quản lý chỉ là số ít. Do vậy nếu lấy lý do sợ đổ vỡ quỹ BHXH thì là ngụy biện. Hơn nữa, người thực tài không bao giờ lo sau khi về hưu không có cơ hội đóng góp cho xã hội.
"Nếu sợ đổ vỡ thì phải kéo dài cho tất cả mọi đối tượng. Tuy nhiên giải pháp bền vững nhất, như tác giả đã nói, là hãy tinh giản bộ máy và giảm bớt số người hưởng lương từ ngân sách (bao gồm các đoàn thể). Về mặt sức khỏe thì trừ số ít còn phụ nữ không thể so với nam giới. Hơn nữa, họ còn thiên chức làm mẹ, làm vợ (điều này đàn ông không thể thay thế được), do vậy việc họ nghỉ hưu sớm hơn nam giới là bình thường" - ý kiến của ông Minh.
Phân tích vấn đề, bạn đọc Ngọc Mỹ cho hay, những phụ nữ 55 tuổi đa số bậc lương trên 5 - 7 chấm nhân với lương cơ bản trên 1 triệu đồng/tháng = 7 triệu đồng/tháng, phụ cấp ngành nghề, thâm niên, phụ cấp chức vụ, tổng cộng thu nhập có khi lên đến 15 triệu/tháng.
"Vậy nhà nước phải trả bao nhiêu tiền lương cho những người này còn nếu họ về hưu chỉ khoảng chưa đến 5 triệu đồng. Nếu tuyển một nhân viên tốt nghiệp đại học mới ra trường thì lương chỉ 2-3 triệu đồng. Tiền nhà nước trả cho ai nhiều hơn? Theo tôi, có thể tăng tuổi nghỉ hưu cho bác sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, các phó giáo sư trở lên nhưng không nắm chức vụ, vì những người nắm chức vụ suốt ngày đi họp không nghiên cứu giảng dạy gì được".
Góp ý cách giải quyết, độc giả Hải Đông cho rằng, để tạo cơ hội cho thế hệ trẻ có tri thức được làm việc và cống hiến cho xã hội, đồng thời không bị vỡ quỹ BHXH, có thể hạ tỷ lệ % hưởng BHXH của người nghỉ hưu. Ví dụ từ 75% như hiện nay xuống 70%, vì những người này sau khi được nghỉ vẫn còn sức lao động và có thể bổ sung bằng nhiều việc làm thích hợp sau khi được nghỉ, hoặc tăng thêm % đóng BHXH so với hiện nay.
Chị Trần Thu Hà cho rằng, đừng vì sợ cái nhỏ (quỹ BHXH) mà thực hiện những bước làm cho nảy sinh các cái sợ lớn hơn (lợi ích nhóm có quyền, mất cơ hội của lớp trẻ, không khai thác tiềm năng thực sự của lực lượng được đào tạo bài bản mà đang thất nghiệp...). Hãy thận trọng trước khi quyết định một chính sách lớn.
Tựu chung, bạn đọc Ngọc Liên cũng cho rằng, không nên chỉ tính "phần ngọn" của vấn đề, mà cần có các biện pháp thực sự hợp lý để giải quyết gốc vấn đề.
"Nếu tăng tuổi nghỉ hưu chỉ làm lợi cho nhóm người có quyền, vì thực tế những người lao động thực sự đến tuổi nghỉ hưu sức khỏe đã giảm sút nhiều, không còn mong muốn phấn đấu thêm 5 năm nữa. Nhà nước cần xem xét giải pháp để tạo cơ hội cho người trẻ tri thức, có nhiệt huyết và động lực phấn đấu" . 

                                                                                                        Anh Thư



"Được" hay "bị" về hưu? 



- Dù muốn đến đâu, tôi cũng phải rời bỏ chức vụ và vị trí nhường cho lớp trẻ như một lẽ hợp quy luật - độc giả lên tiếng quanh chủ đề có nên tăng tuổi nghỉ hưu.


Nhiều bạn đọc gửi thư về VietNamNet tiếp tục tranh luận quanh chủ đề có nên tăng tuổi nghỉ hưu. Bạn đọc Nguyễn Mậu Dưng cho rằng, bản chất xã hội của về hưu phải là "được về hưu", chứ không phải "bị về hưu".

Với những lao động nữ; họ vừa phải bảo đảm chức năng xã hội - một người lao động; vừa thực hiện thiên chức - sinh đẻ. Vì vậy lao động nữ về hưu sớm hơn lao động nam là một điều luật mang tính nhân văn.

Bình đẳng không đồng nghĩa là bằng nhau; bình đẳng giới phải được xem xét trên cơ sở giới tính. Về phương diện lợi ích thực tế, thì về hưu sớm có sự thiệt thòi cho xã hội và cá nhân người lao động chỉ riêng ở nhóm cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học; nhóm này chỉ là số ít trong xã hội.

Theo độc giả, khi nói đến luật là nói đến công cụ để bảo vệ, để điều chỉnh lợi ích chính đáng cho đa số người trong xã hội. Do đó nâng tuổi về hưu cho lao động nữ ngang với lao động nam giới là không đúng. Riêng với nhóm cán bộ quản lý và cán bộ khoa học kỹ thuật thì nên có sự điều chỉnh bằng văn bản dưới luật là phù hợp. "Theo tôi đối với nhóm này chỉ nên kéo dài tuổi làm việc chứ không kéo dài tuổi quản lý" - độc giả kiến nghị.
Độc giả Lê Đang nhớ lại thời kỳ chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thì trường, đất nước đã làm được cuộc cách mạng về nhân sự là trẻ hóa đội ngũ cán bộ và từng bước loại bỏ căn bệnh "sống lâu lên lão làng" và " tham quyền cố vị". Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách để thực hiện mục tiêu là trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Do vậy, theo ông, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì quay lại thời kỳ đó?
"Thực tế công tác cán bộ hiện nay là rất nhiều cán bộ chưa đến tuổi nghỉ hưu đã giảm ý chí, nghị lực, năng lực làm việc rồi, nhưng tổ chức chưa thể thay đổi mà vẫn trông chờ vào công cụ là tuổi nghỉ hưu, tuổi "cơ cấu" để "bắt phải thôi chức để nghỉ hưu". Do vậy muốn có đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, sáng tạo, giỏi giang để có nhiều cơ hội cống hiến cho đất nước thì thiết nghĩ không tăng tuổi nghỉ hưu là đúng đắn. Tôi cũng lấy làm lạ là một số tổ chức bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ mà lại đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ" - ông Đang nhận xét.
Ông Phạm Hồng Hải năm nay 57 tuổi đã từng đảm nhiệm vị trí quản lý, có trong tay 3 bằng đại học loại giỏi, 1 bằng thạc sĩ, và nhiều chứng chỉ. Nhưng ông thừa nhận, khi bước vào tuổi 55 đã thấy "trì trệ, bảo thủ, mắt mờ, chân chậm, trình độ nhận thức và khả năng tiếp thu kém đi nhiều".
"So với lớp trẻ là những cử nhân mới tốt nghiệp đại học họ năng động, nhiệt tình, trình độ năng lực và làm việc có hiệu suất hơn nhiều. Chính vì thế nên dù muốn đến đâu tôi cũng phải rời bỏ chức vụ và vị trí nhường cho lớp trẻ như một lẽ hợp quy luật. Hãy nhường cho thế hệ trẻ, trẻ hóa bộ máy! Có như thế mới đất nước mới phát triển được".
Ông V.Trung ở địa chỉ russe86@... năm nay 50 tuổi, làm giám đốc một công ty nước ngoài nhưng ở tuổi này cũng nhận thấy "thua kém lớp trẻ rất nhiều".
Ông cho hay: "Nếu những người đến tuổi không về hưu thì lớp trẻ vừa thông minh, tràn đầy nghị lực sẽ làm gì? Với những nước thiếu lao động thì điều đó là phù hợp, còn ở Việt Nam tỉ lệ thất nghiệp cao, việc nghỉ hưu sớm là quá hợp lý.
Đấy là chưa kể thế hệ trên 50 tuổi của Việt Nam hiện nay trên thực tế không được đào tạo tốt lắm để sẵn sàng hòa nhập quốc tế trong thời buổi thế giới phẳng này. Hãy nghỉ sớm, ra xã hội làm từ thiện, truyền đạt kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ, con cháu... đấy cũng là cách để đóng góp cho xã hội mà không cần phải "giữ ghế" .
Chị Minh Hiền viết, vấn đề đặt ra là những người có trình độ cao, giữ cương vị lãnh đạo hoặc cốt cán nên cố gắng đào tạo lớp trẻ để thay thế mình trước khi nghỉ hưu chứ đừng nghĩ mình không thể thay thế được, thậm chí cản trở việc đào tạo này.
Ngoài ra, khi người trẻ lên thay thế cũng cần tranh thủ sự giúp đỡ hỗ trợ của người đã nghỉ hưu có tài năng và kinh nghiệm hơn mình, Nhà nước cũng nên có chính sách tốt hơn phát huy khả năng làm việc của người đã nghỉ hưu đóng góp cho xã hội.

                                                                       Anh Thư (tổng hợp)

 


Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Nhiều ý kiến trái chiều


Thứ Năm 07:42 28/02/2013

(HNM) - Mặc dù mới chỉ là đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) song thông tin tăng tuổi nghỉ hưu đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Với nhiều người, tăng tuổi nghỉ hưu cũng chính là cơ hội để được làm việc và cống hiến, nhưng với không ít người, điều này đồng nghĩa với tăng "gánh nặng".

Để đối phó nguy cơ vỡ quỹ lương hưu, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt thêm 5 năm so với quy định hiện hành. Ngoài phương án tăng tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ thêm 5 năm để áp dụng từ ngày 1-1-2014, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất phương án hai: Tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ theo lộ trình. Hai phương án này đang được Bộ đưa ra lấy ý kiến và nhận được nhiều phản hồi trái chiều.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc tăng "gánh nặng" lên NLĐ, đồng nghĩa với việc người trẻ bị giảm cơ hội việc làm. Mặt khác, ở một số lĩnh vực, NLĐ chưa hẳn đã muốn tăng thời gian làm việc. Chẳng hạn, NLĐ trực tiếp sản xuất, nếu đã lớn tuổi thì tay yếu, mắt kém, hiệu quả làm việc không cao. Do đó, tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ tạo áp lực cho NLĐ mà còn tạo gánh nặng cho cả đơn vị sử dụng lao động do phải trả lương cao nhưng nhận lại hiệu quả lao động thấp.

.Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cho rằng, xu thế tiếp cận từ nghĩa vụ của lao động nữ đối với sự phát triển bền vững trong điều kiện tận dụng tối đa nguồn nhân lực có chất lượng, bình đẳng giới trong hội nhập quốc tế là hướng cần được quan tâm trong quá trình tham gia xây dựng Nghị định quy định chi tiết Điều 187 về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động. Việc nghiên cứu tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ là việc làm cần thiết, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Xã hội ngày càng hội nhập sâu rộng, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định, do đó tạo điều kiện để nữ giới được làm việc và cống hiến là phù hợp.
Thực tế, tăng tuổi nghỉ hưu không còn là "quan điểm" của riêng ai vì Điều 187 Bộ luật Lao động đã quy định rõ sẽ tăng ở một số nhóm đối tượng như người làm việc có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý ở những lĩnh vực đặc biệt... Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu là việc đương nhiên phải làm, nhưng vấn đề tăng như thế nào và tăng với đối tượng nào, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nghiên cứu thật kỹ để có phương án phù hợp.
Nghiên cứu của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cũng cho thấy, việc quy định tăng hay giảm tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ nói chung, lao động nữ nói riêng, phụ thuộc nhiều yếu tố như: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội; thị trường lao động; tuổi thọ trung bình của NLĐ; khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm xã hội; môi trường, điều kiện làm việc và tính chất công việc. Trong đó, môi trường, điều kiện làm việc và tính chất công việc là yếu tố quan trọng nhất để xác định tăng - giảm tuổi nghỉ hưu. Từ thực tế này, TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho rằng, với những cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ làm việc trong khu vực hành chính sự nghiệp - nơi có môi trường, điều kiện làm việc tốt, công việc không nặng nhọc, độc hại - nên đưa vào đối tượng kéo dài thời gian làm việc nhưng nên chia ra các giai đoạn và mức độ khác nhau, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố khác.
Điều 187, Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu:
1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
2. NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 điều này.
3. NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định tại khoản 1 điều này.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 điều này



Bảo Bảo

                                                                                                                   




Trẻ còn thất nghiệp, sao nới tuổi hưu? 

Nếu nhóm quản lý từ cấp vụ trở lên ngồi thêm 5 năm thì không chỉ mất chỗ đầu vào của tuổi trẻ mà còn mất cơ hội thăng tiến của hàng loạt vị trí kế cận.
Những ngày qua, vấn đề kéo dài tuổi hưu được xới lên vì lý do nghe rất “đáng sợ”: giải quyết nguy cơ vỡ Quỹ  BHXH. Tôi không ủng hộ việc nới tuổi hưu của người lao động, bởi một số lý do sau:
- Nới tuổi hưu cho cả nam và nữ: Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động trẻ đông đảo song 2 năm qua đã có tới gần 100.000 doanh nghiệp đổ vỡ. Đầu năm nay, 8.600 doanh nghiệp ngưng hoạt động. Riêng Nghệ An hiện có 12.000 thanh niên tốt nghiệp từ trung cấp đến thạc sĩ không tìm được việc làm. Hàng triệu thanh niên không có việc làm cũng có nghĩa là Việt Nam lãng phí, đã không khai thác được giai đoạn dân số vàng vốn một đi không trở lại.

Nếu tăng tuổi hưu cho cả nam và nữ sẽ ảnh hưởng đến quyền có việc làm của tuổi trẻ, đối với công vụ là hạn chế đường vào của họ. Ai cũng biết, cái mới thường nảy sinh ở tuổi trẻ và mức lương trả cho họ không phải cao như những người được nới dài tuổi hưu. Trên con đường hội nhập quốc tế, đất nước đang phải đối mặt với vô vàn thách thức cần được giải quyết nếu muốn đi tiếp.
Phát triển trong bối cảnh thời đại cho thấy thương mại tự do và thành tựu công nghệ thông tin đang làm xói mòn quyền lực của các chính phủ. Chẳng hạn, các chính phủ được quyền chọn lựa trong việc đề ra các quy định song các quy định này cũng chịu sự xác định của thị trường. Sự nghiệp cải cách hành chính (CCHC) cần được bổ sung bởi nhiệt huyết và trí tuệ của tuổi trẻ, khi mà thời gian gần đây, không ít văn bản quản lý của các cơ quan nhà nước thường không được xã hội ủng hộ như: thịt lợn mổ ra chỉ được lưu hành trong 8 tiếng, không được lắp kính trên quan tài để nhìn mặt người chết, không được phát tán thông tin tiêu cực trong thi cử, đánh thuế bà đẻ...
Chất lượng văn bản quản lý ngày một yếu kém phản ánh sự xuống cấp về chất lượng của đội ngũ công chức quản lý. Quan niệm năng lực quản lý đến đâu cho phát triển tới đó vẫn chi phối không ít chính trị gia và các nhà quản lý cao-trung cấp. Những kinh nghiệm, thói quen gắn với nền kinh tế xin-cho đã có lúc tưởng dứt bỏ được, nay đang có trỗi dậy trong bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang cản trở tiến trình CCHC của nhà nước và mong đợi của nhân dân.
Việc nới tuổi hưu nếu chỉ giới hạn ở nhóm quản lý từ cấp vụ trở lên sẽ bị xã hội nhìn nhận là kéo dài lợi ích của nhóm có quyền. Họ ngồi thêm 5 năm thì không chỉ mất chỗ đầu vào của tuổi trẻ mà còn mất cơ hội thăng tiến của hàng loạt vị trí kế cận nữa.
Nguy cơ vỡ Quỹ BHXH vì không nới tuổi hưu cho nhóm quản lý không đáng lo trước nguy cơ đổ vỡ xã hội khi thanh niên không có việc làm và họ luôn được nhìn nhận là ngòi nổ. Hiện tượng trộm cắp, cướp giật, đâm chém gia tăng trong vài năm gần đây không phải không có căn nguyên từ tình trạng thất nghiệp của thanh niên.
 - Nới tuổi hưu cho phụ nữ để thực hiện bình đẳng giới: Nhiều nước đã thực hiện tuổi hưu nam, nữ bình đẳng song không nên quên rằng mức sống của họ cao hơn Việt Nam và sự bình đẳng trong cơ hội cho cả 2 giới thường được quan tâm ngay từ khi lọt lòng bằng chính sách nghỉ chăm sóc con sau khi đẻ được chia sẻ với cả 2 giới, nam nữ bình đẳng trong giáo dục và phân công lao động... nên phát huy được trí tuệ của nửa lực lượng lao động xã hội là phụ nữ.
Trong khi phụ nữ vẫn được cơ quan và xã hội “khuyến khích” phải ba đảm đang; vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà thì số người thực sự xuất sắc xứng đáng được nhà nước kéo dài thêm tuổi làm việc là khá hiếm hoi. Trong số này, nếu Nhà nước không giữ lại thì thị trường cũng sẵn sàng đón nhận họ. Nới tuổi hưu kỳ này theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới và trọng tài năng nên dành chỗ cho những phụ nữ giỏi chuyên môn ở cấp hoạch định chính sách và không giữ chức vụ mới thực sự hữu ích cho xã hội. Ưu tiên này cũng giống như chế độ kéo dài thêm 5 năm cho phụ nữ là khoa học có chức danh từ phó giáo sư trở lên nếu họ cũng có nhu cầu tiếp tục phục vụ.
Nếu coi bình đẳng giới trong tuổi hưu là một giải pháp thì có lẽ nên xem đây là giải pháp ngọn. Bởi cái gốc vẫn phải là thực thi bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực: giáo dục, chăm sóc sức khỏe, lựa chọn nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến... Mất 5 năm sinh đẻ và chăm sóc con, cơ hội học hỏi trong diễn trình chức nghiệp không được thuận lợi như nam giới thì với đa số phụ nữ thiếu sự tích tụ tri thức và kinh nghiệm, 5 năm nới tuổi nghỉ hưu liệu có cất cánh nổi?
Nếu với lý do ngăn ngừa nguy cơ vỡ Quỹ BHXH mà phải thực thi giải pháp nới tuổi hưu cho nhóm nhỏ nam nữ có chức vụ thì lý do này rõ ràng chỉ là cái cớ. Thật sự muốn giải quyết nguy cơ này cần hướng đến tìm kiếm, cân nhắc đến các giải pháp khác, như:
- Việt Nam đã chuyển đổi cơ chế kinh tế đã hơn 20 năm rồi, không thể lần lữa mà cần ngay một lộ trình để giảm gánh nặng ngân sách nuôi các đoàn thể chính trị - xã hội vẫn đang ngày một tăng.
- Thật sự tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước bằng việc kiên quyết đoạn tuyệt với xu hướng quay lại cơ chế bao cấp, chuyển giao một số công việc cho thị trường và xã hội dân sự.
- Tăng tỷ lệ lương dành cho Quỹ BHXH nếu cần.
Nhiều năm qua, chúng ta đã khai thác gần cạn kiệt các nguồn tài nguyên quốc gia cũng có nghĩa là ăn cả vào tương lai của con cháu mai sau. Nay lại nới tuổi hưu vào lúc này là chiếm đoạt cả việc làm của tuổi trẻ. Can thiệp vào tuổi hưu cho cả nam và nữ trong lúc này không thể không cân nhắc đến tình hình kinh tế - xã hội đang còn không ít khó khăn.
Theo Nguyễn Thu Linh
Vietnamnet



Người về hưu nói về việc tăng tuổi nghỉ hưu

6:10 PM, 04/03/2013
(Chinhphu.vn) - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu, một là đồng thời tăng tuổi nghỉ hưu cả nam và nữ, hai là chỉ tăng với lao động nữ. Cổng TTĐT Chính phủ đã nhận được ý kiến chia sẻ của một số cán bộ lãnh đạo, người lao động đã nghỉ hưu về vấn đề này.

Nên căn cứ vào đặc thù công việc

Điều chỉnh tuổi làm việc và nghỉ hưu đối với người lao động nói chung, trong đó có lao động nữ, theo ông Nguyễn Việt Dân, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hoà, không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, xã hội.
“Tuổi nghỉ hưu hiện nay là khá hợp lý nhưng trước tình trạng quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) có khả năng bị vỡ, cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu và nên tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ”, ông Dân nói.
Tuy nhiên, ông Dân cho rằng, việc quy định tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cần phải căn cứ vào điều kiện và môi trường làm việc, đặc thù công việc của từng nhóm đối tượng và cũng cần tính toán cụ thể ngân sách quỹ BHXH để dựa vào đó đưa ra số năm tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý.
Theo ông Dân, cần có sự phân biệt về tuổi nghỉ hưu cụ thể đối với lao động nữ khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực sự nghiệp, khu vực hành chính.
Ông phân tích “Nếu xét trên nhiều phương diện thì việc quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ cần phải được cân nhắc, tính toán khoa học như vấn đề bình đẳng giới, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội, tuổi thọ bình quân của phụ nữ, khả năng chi trả của quỹ BHXH, vấn đề cung cầu trên thị trường lao động, tình hình và đặc điểm của từng loại công việc mà lao động nữ đang làm…”.
Đứng ở góc độ khác, TS. Nguyễn Ngọc Khiêm, nguyên Nghiên cứu viên cao cấp Viện Khoa học Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ: Không nên phân biệt đối tượng, không nhất thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu cho tất cả mà nên tăng tùy từng lĩnh vực.
TS. Khiêm nêu ví dụ: Đối với ngành sản xuất, ngành y tế, ngành giáo dục, nhất là đối với giáo viên cấp I mà ở thêm 5 năm nữa thì rất khó cho cán bộ nữ vì môi trường làm việc của họ vất vả, thu nhập thấp.
Đối với cán bộ làm quản lý, làm khoa học thì nâng lên là hợp lý (tối đa là 5 năm) với yêu cầu người đó có sức khỏe và cơ quan cũng có yêu cầu.
“Nên có giới hạn nhất định, nếu áp dụng đồng loạt thì khó cho chính sách”, TS. Khiêm bày tỏ quan điểm.

Cần tính đến hiệu quả cống hiến, năng lực công tác

Chia sẻ về vấn đề này, GS Nguyễn Lân Dũng, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII kể một câu chuyện nhỏ: Tôi mới ở Lạng Sơn về và chứng kiến một chuyện rất cụ thể. Kỹ sư Hoàng Lê Minh, là Giám đốc Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc. Đây là một công ty thuộc Bộ NNPTNT, hoạt động rất có hiệu quả.
Kỹ sư Minh đã giúp nông dân khắp mọi miền đất nước có được những giống cây ăn quả, cây hoa, cây rau, cây thức ăn nuôi trâu bò, cây dược liệu và các giống vật nuôi đặc sản có hiệu quả kinh tế rất cao.
Với năng lực chuyên môn cao, với tinh thần làm việc tận tâm và có mối quan hệ rộng rãi Công ty này có uy tín lớn, đảm bảo công ăn việc làm cho số đông các cán bộ ngoài biên chế và là một trong những địa chỉ tin cậy của nông dân cả nước.
Đúng 60 tuổi kỹ sư Minh nhận được quyết định nghỉ hưu trong khi khó có ai đủ tâm và đủ tầm thay anh lãnh đạo Công ty này. Bản thân anh có thể lập một Công ty riêng với trang trại riêng và tiếp tục phát huy năng lực của mình phục vụ cho bà con nông dân cả nước. Còn Công ty cũ của anh, tôi dám chắc chỉ sau một thời gian ngắn sẽ gặp nhiều khó khăn…
Tôi kể câu chuyện này để cho thấy, hiện rất nhiều người đang hưởng lương, nhưng trong số đó có những người làm việc chưa hiệu quả hay hiệu quả chưa cao, họ cần được nghỉ hưu đúng thời hạn.
Vì thế, cần kéo dài hơn tuổi công tác cả nam lẫn nữ nhưng không thể không phân biệt nam hay nữ và không phân biệt hiệu quả cống hiến, năng lực công tác, điều kiện sức khỏe của từng người.
Chúng ta đào tạo rất nhiều năm mới có được một giáo sư giỏi, vậy mà hiện nay số giáo sư về hưu hàng năm vượt quá xa số giáo sư được phong hàm.
Với các nghệ sĩ tài giỏi, các nhà khoa học có năng lực thực sự (dù chỉ là kỹ sư lành nghề), các bác sĩ có bàn tay vàng, các công nhân có kinh nghiệm lâu năm... cũng cần giữ lại công tác nếu thấy cần thiết cho từng lĩnh vực nhất định.
Trong khi với công nhân lao động nặng nhọc hay làm việc trong các môi trường khó bảo hộ lao động (như cầu đường, hầm mỏ...) thì số đông thường mong muốn được nghỉ hưu trước tuổi 60.
Với nữ giới thì cũng tương tự như vậy, chúng ta cần giữ lại các bà, các chị đang cần phát huy năng lực vốn có để phục vụ cho các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, công nghệ...
Đồng quan điểm này, bác sỹ Nguyễn Đức Vy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay: “Với những cán bộ làm nghề khoa học quý hiếm, tay nghề cao và tự nguyện cống hiến thì không nên khống chế tuổi, tùy theo nguyện vọng của những đối tượng này nếu đủ sức khỏe cống hiến tiếp.
Tuy nhiên, cần phải có chế độ bảo hộ lao động tốt, chế độ làm việc tốt cho những đối tượng này.
Trường hợp đối với các ngành nghề độc hại, nặng nhọc như X-quang; phóng xạ, lây nhiễm thì nên cho người lao động nghỉ đúng tuổi để đảm bảo sức khỏe.
Vì vậy theo tôi cần có sự cân nhắc tùy đối tượng và ngành nghề để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với thực tiễn để chúng ta có thể giữ lại được những người thực sự cần thiết cho nền kinh tế, xã hội, khoa học nước nhà”.

"Hãy để đàn ông làm thêm 1 phần công việc cho phụ nữ"

Là quan điểm của bà Hà Thanh, nguyên cán bộ làm việc trong một doanh nghiệp Nhà nước chuyên kinh doanh hàng xuất khẩu nói về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ.
Bà Thanh chia sẻ: “Tôi đọc trên mạng xã hội có ý kiến cho rằng phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 55 là không công bằng và chưa kịp cất cánh đã phải hạ cánh ... Theo tôi, nếu ai đó không thể cất cánh sớm hơn thì nên nghỉ sớm, vì thông thường mọi người bắt đầu đi làm ở tuổi 23 - 25, nếu 55 tuổi nghỉ thì đã có 30 - 32 năm công tác.
Thời gian đó không hề ngắn để một người năng lực, tâm huyết cống hiến. Những năm cuối cùng nên dành thời gian để truyền đạt kinh nghiệm cho lớp trẻ, không nên kéo dài thêm tuổi làm việc vì phụ nữ sau tuổi 50 sức khỏe thường yếu đi và phát sinh nhiều bệnh tật (điều này y học trên thế giới đã chứng minh và có nhiều cảnh báo).
Tôi cũng là phụ nữ và đã nghỉ hưu được 3 năm. Nếu phụ nữ chúng tôi được tạo hóa giao cho trách nhiệm sinh con và yếu hơn thì có phải nghỉ hưu sớm hơn 5 năm để bù đắp sức khỏe thì cũng rất công bằng. Hãy để những người đàn ông làm thêm 1 phần công việc cho phụ nữ để họ có thêm thời gian nghỉ ngơi”.
Tuy nhiên đối với các nhà khoa học, các giáo sư, bác sỹ có nhiều kinh nghiệm, có công trình khoa học làm lợi cho đất nước, xã hội thì nên kéo dài nếu họ sẵn sàng làm thêm, không giới hạn thời gian hay giới tính.

Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét