Menu ngang

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Đại tướng Chu Huy Mân


               ĐẠI TƯỚNG CHU HUY MÂN 
                       – ANH HAI MẠNH
        một góc nhìn từ thực tiễn chiến trường


                                         Trung tướng   Nguyễn Quốc Thước


    Ai từng tham gia chiến đấu những năm đầu chống Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên, từ cán bộ cấp cao đến chiến sĩ, đều biết tên tuổi anh Chu Huy Mân với sự cảm phục về tầm cao bản lĩnh, trí tuệ và tài thao lược của một vị Tư lệnh kiêm Chính ủy - người được Bác Hồ đặt biệt danh: Hai Mạnh. Mạnh về chính trị, mạnh về quân sự.
Trận đọ sức đầu tiên của chủ lực ta với Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 “Anh Cả đỏ” của quân lực Hoa kỳ din ra trong chiến dịch Plâyme, tại thung lũng Iađrăng, tỉnh Gia Lai (tháng 10, tháng 11 / 1965).  Đế quốc Mỹ tung Sư đoàn có sức mạnh áp đảo này lên Tây Nguyên nhằm đè bẹp lực lượng, phong trào cách mạng của các dân tộc và lực lượng vũ trang ta, cứu vãn sự sụp đổ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.
Phán đoán được tham vọng, sự hung hăng, kiêu ngạo của bọn chỉ huy và sự ỷ lại vào hỏa lực áp đảo, chiến thuật mới của địch, đồng chí Chu Huy Mân đã lập mưu kế, bố trí thế trận dụ địch vào vùng rừng núi hiểm trở có ý nghĩa chiến lược tại thung lũng Iađrăng để đập tan ý đồ ngông cuồng của chúng.
Chiến dịch đã diễn ra đúng như dự kiến của ta. Trận đánh Iađrăng không chỉ có giá trị ở kết quả ta diệt gọn 1 tiểu đoàn Mỹ, 1 chiến đoàn (tương đương trung đoàn) ngụy, đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn Mỹ khác. Lầu Năm Góc đã phải thốt lên “đây là trận đánh đẫm máu nhất của quân lực Hoa Kỳ”.
Sau này, khi sang Việt Nam để tìm hiểu câu trả lời, Trung tướng G.Moor, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bị tiêu diệt, mới hiểu hết tại sao quân Mỹ lại thất bại nặng nề như vậy, trong khi hỏa lực và không quân chiếm ưu thế tuyệt đối, quân số và trang bị vượt trội.
Cái lớn hơn của chiến thắng là ở tầm chiến lược. Nó đánh dấu sự kết thúc của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ồ ạt đưa quân Mỹ vào Min Nam Việt Nam nhằm cứu vãn sự sụp đổ của chế độ ngụy Sài Gòn. Và, kết cục cuộc chiến tranh như mọi người đã rõ.
Trận đánh đó khẳng định: Quân đội nhân dân Việt Nam có đủ khả năng tiêu diệt lớn quân Mỹ, thực hiện quyết tâm của Đảng và Bác Hồ “Quyết tâm thắng giặc Mỹ xâm lược”. (Nhân đây, cũng xin nói thêm, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ viện Triều, Quân Giải phóng Trung quốc ở những trận đánh lớn cũng chỉ mới diệt được cấp đại đội quân Mỹ chưa được trang bị hiện đại như trong chiến tranh Việt Nam).
Chiến thắng lẫy lừng như vậy, nhưng không phải ai cũng nhìn nhận được đầy đủ ý nghĩa của thắng lợi. Trong Hội ngh tổng kết chiến dịch, có ý kiến khác nhau về đánh giá thắng lợi. Nhiều đồng chí khẳng định rằng, trận đầu gặp quân Mỹ với sức mạnh vượt trội về hỏa lực, không quân với chiến thuật trực thăng vận “Phượng hoàng vồ mồi”. Nhưng với tinh thần “dám đánh và quyết đánh”, bước đầu chúng ta đã tìm ra cách đánh và đánh thắng.  Tuy nhiên có đồng chí cho rằng, tuy diệt được địch, nhưng ta cũng bị tổn thất lớn, nên kết quả trận chiến đấu chỉ là hòa. Thậm chí, có đồng chí cho rằng, về lâu dài, ta khó chịu đựng được sự áp đảo về sức mạnh của hỏa lực và không quân địch.
Trước những luồng ý kiến khác nhau, thái độ của đồng chí Chu Huy Mân rất bình tĩnh, hết sức lắng nghe - nhất là những ý kiến có phần hoài nghi, bi quan. Có lúc nét mặt đồng chí đăm chiêu, suy tư lắm. Đồng chí gợi mở để anh em phát biểu ý kiến, tâm tư của mình với tinh thần thực sự cởi mở, dân chủ, tự do thảo lun, tranh luận.
Cuối cùng, với những gì đã diễn ra trên chiến trường, từ những ý kiến khác nhau về đánh giá thắng lợi; về triển vọng của sự đối đầu sau này với quân Mỹ - nhất là tâm trạng trong cán bộ, chiến sĩ sau trận đánh cọ xát với sức mạnh vượt trội của quân đội Mỹ; với tầm nhìn của một nhà “chiến lược quân sự, chính trị” toàn năng; sự dày dạn tôi luyện trong cuộc đời cách mạng và thử thách trên chiến trường; đồng chí Chu Huy Mân đã phân tích làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn; mặt mạnh - mặt yếu của địch; rút ra những bài học từ trận đầu thắng Mỹ và chỉ ra xu thế phát triển tất yếu của cuộc chiến; giải đáp mọi thắc mắc; phân tích có tình, có lý, có sức thuyết phục cao - nhất là những khuyết điểm tồn tại của ta trong trận đầu gặp Mỹ, trước những chiến thuật mới cũng như sức mạnh của hỏa lực, không quân Mỹ.
Đồng chí khẳng định: Mặt mạnh cơ bản của quân đội ta là tinh thần và ý chí với sự chủ động sáng tạo của mỗi cấp đã được thể hiện trong trận đánh. Trong khi đó, mặt yếu cơ bản cuả quân Mỹ là ỷ lại sức mạnh hỏa lực, không quân; sợ đánh gần, nhất là tâm lý bại trận trong trận đầu sẽ tác động sâu sắc đến tinh thần quân Mỹ trong các trận tiếp sau. Do đó, nếu ta có cách đánh tốt, bám sát địch, tạo thế uy hiếp tinh thần địch, đồng thời hạn chế tối đa sức mạnh hỏa lực, không quân thì tinh thần địch càng bị sa sút nhanh chóng. Phát huy thế mạnh của ta, hạn chế tối đa sức mạnh hỏa lực của  địch, bằng cách đánh phù hợp, đánh gần, với khẩu hiệu “bám thắt lưng địch mà đánh” như tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Hội nghđã kết thúc với một tâm trạng thoái mái, phấn khởi và tin tưởng.
Tư tưởng chỉ đạo rút ra từ trận đầu đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên cùng với những kinh nghiệm trên các chiến trường khác sau này đã được vận dụng sáng tạo trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ mà kết cục là buộc Mỹ phải thua chy bằng Hiệp định Pari ngày 27/1/1973 và ngụy nhào vào ngày 30/4/1975.
Trong Hội nghị tổng kết có một việc hết sức thú vị, vừa thực tế vừa dí dỏm là: Khi kết luận và xác định quyết tâm cho các trận đánh sau, với khẩu hiệu “bám thắt lưng Mỹ mà đánh, bắt cho được tù binh Mỹ”, đồng chí đã mời các đồng chí Chính ủy (mà không mời các đồng chí Chỉ huy) lên giao cho mỗi người một cuộn giây thừng với hàm ý nhắc các đồng chí Chính ủy trong vai trò nắm ngọn cờ lãnh đạo thực hiện ý chí của Đảng, là linh hồn của đơn vị phải gương mu đi đầu trong thực hiện khẩu hiệu này. Một việc tuy đơn giản nhưng lại thể hiện tầm quan trọng về sự lãnh đạo của Đảng thông qua người Chính ủy. Điều đó chng tỏ, đồng chí Chu Huy Mân vừa là người lãnh đạo ở tầm chiến lược quân sự, vừa là người lãnh đạo chỉ huy gần gũi với những việc rất cụ thể của người lãnh đạo cấp dưới.
Bên cạnh tài năng của một nhà chiến lược tài ba là s kiên đnh, mưu lược của người Tư lệnh chiến trường được thể hiện qua các chiến dịch tiếp theo trên chiến tường Tây Nguyên. Điển hình là tài nghệ lừa địch, kéo địch ra khu vực mà ta đã bố trí sẵn lực lượng trong chiến dịch Sa Thầy tháng 10/1966, chỉ trong mấy ngày lần thứ hai ta diệt gọn 1 tiểu doàn và 8 đại đội Mỹ.
Đồng chí Chu Huy Mân còn là một nhà chính trị kiệt xuất trong công tác sử dụng cán bộ. Những cán bộ chỉ huy trên chiến trường Tây Nguyên được đồng chí giao nhiệm vụ tuyệt đại bộ phận đều hoàn thành và hoàn thành xuất sc nhiệm vụ - nhất là ở những thời điểm quyết định. Đối với những cán bộ ý chí không vững vàng, giao động qua thử thách mà không có quyết tâm khắc phục, thì kiên quyết thay thế. Bảo đảm người trụ cột phải có quyết tâm cao trước nhng thời điểm khó khăn nhất. Trái lại, đối với những cán bộ tốt nhưng chưa có kinh nghiệm, đồng chí hết sức tạo điều kiện để thích ứng với chiến trường. Câu chuyện về sự va vấp của Trung đoàn 88, một đơn vị chủ công được mệnh danh là “ Anh Cả” của toàn quân, nhưng trong trn đầu ra quân không hoàn thành nhiệm vụ, bị tổn thất nặng nề  là một minh chng cho điều này.
Mùa Thu năm 1966, Trung đoàn 88 từ Miền Bắc vào chiến trường Tây Nguyên. Do mới vào, chưa kịp thích ứng với chiến trường, chưa có kinh nghiệm chiến đấu - nhất là đối tượng tác chiến. Trong trận đánh vào cụm tiểu đoàn Nam Triều Tiên, khi đi nghiên cứu đã làm lộ dấu vết, để quân địch phát hiện và tăng cường phòng vệ. Mặc dù bộ đội ta chiến đấu rất dũng cảm, nhưng đã vấp phải sự cố thủ quyết liệt tại khu trung tâm, nên không dứt điểm được, lại bị thương vong lớn, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.
Lúc về Bộ Tư lệnh báo cáo tình hình, đồng chí Trần Văn Trân, Sư đoàn trưởng sư đoàn 1 - người trực tiếp đi với Trung đoàn 88 trong trận đánh cùng Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn đã báo cáo đầy đủ tình hình, nguyên nhân, sự chủ quan không hoàn thành nhiệm vụ; xin nhận kỷ luật trước Bộ Tư lệnh và hứa quyết tâm trong trận sau.
Nghe xong báo cáo và hỏi lại các chi tiết trận đánh, đồng chí Chu Huy Mân suy nghĩ một hồi lâu, với vẻ mặt suy tư, anh mới chậm rãi nói : “ Không hoàn thành nhiệm vụ, để anh em thương vong nhiều là trách nhiệm lớn của người chỉ huy đối với xương máu bộ đội. Nếu trận nào cũng như thế này thì làm sao chúng ta thắng được Mỹ”. Chúng tôi hồi hộp, nóng lòng chờ quyết định cuối cùng của anh - một quyết định với mức độ nào, mỗi người đều sẵn sàng chấp nhận. Anh tiếp tục : “ Tôi biết anh Trọng (Trung đoàn trưởng) từ Chiến dịch Điện Biên Phủ, là một cán bộ được cấp trên đánh giá cao, nên mới được giao đưa Trung đoàn vào Miền nam với ý nghĩa “xuất tướng”. Còn anh Trân tôi biết từ trong kháng chiến chống Pháp ở Bình Trị Thiên và sau này là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325, con cưng của Quân khu 4. Các đồng chí là cán bộ được rèn luyện dày dạn, được cấp trên tin tưởng. Nhưng để sự việc như thế này là một tội lớn. Nay, tin các đồng chí, Bộ Tư lệnh mở cho các đồng chí một con đường để vươn lên lập công, chuộc tội. Và tôi tin rằng, các đồng chí sẽ làm được, không phụ lòng tin cậy của cấp trên”.
Nghe đến đây, mọi người đều hết hết sức xúc động trước một quyết định ngoài suy nghĩ của mọi người. Việc làm này giúp chúng tôi - những cán bộ kế tiếp - bài học phải biết nuôi dưỡng, bồi dưỡng cán bộ cấp dưới. Trước sai lầm, khuyết điểm của cấp dưới, cấp trên phải suy xét ngọn ngành trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu không, có thể làm mất đi một cán bộ đã được tôi luyện. Phải biết mở con đường cho cán bộ tốt bị vấp ngã có điều kiện để đứng dậy, như câu thơ của Tố Hữu “ Ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần”.
Và đúng như tiên kiến của đồng chí Chu Huy Mân, sau đó trong chiến dịch Sa Thầy mùa khô năm 1966 – 1967, Trung đoàn 88 do đồng chí Trọng trực tiếp chỉ huy đã có một trận đánh xuất sắc cùng với đơn vị bạn tiêu diệt 1 tiểu đoàn Mỹ tại điểm cao C1 - Tây Pleicu.
Sau này, với cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí rất quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, mà nòng cốt là cán bộ trung, cao cấp dày dạn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ.
Trong chiến tranh biên giới Tây Nam 1978-1979,  những trận đánh ban đầu không như mong muốn mà thương vong lại cao. Khi Quân đoàn 3 được lệnh chủ động tấn công qua biên giới Cămpuchia nhằm đập tan bàn đạp của bọn Pôn Pốt hàng ngày sang sát hại đồng bào ta vừa kết thúc, đồng chí có mặt ngay tại trận địa xem xét tình hình để đề ngh Quân ủy Trung ương có chủ trương phù hợp. Sau khi nghe Bộ Tư lệnh Quân đoàn báo cáo, đồng chí đã có một kết luận sắc sảo về tư tưởng chủ động tấn công địch:  Ta phải giành thế chủ đng trong mọi tình huống. Đẩy địch vào thế bị động thì mới giữ được biên giới. Đồng thời tìm cách liên lạc với lực lượng chống Pôn Pốt để phối hợp chiến đấu. Chuyển cuộc chiến tranh biên giới thành cuộc chiến đấu của Bạn. Giúp Bạn giải phóng nhân dân khỏi họa diệt chủng. Tư tưởng chỉ đạo đó đã góp phần đưa cuộc giải phóng nhân dân Cămpuchia khỏi họa diệt chủng tháng 1 năm 1979.
Được trực tiếp chỉ huy chiến đấu dưới sự chỉ đạo của Anh trong những năm đầu đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên cho đến khi nghỉ hưu, lúc trực tiếp, lúc gián tiếp, tôi học được ở Anh nhiều kinh nghiệm quí báu để nâng cao trình độ, bản lĩnh và năng lực tổ chức chỉ huy trong xây dựng và chiến đấu ở các cương vị khác nhau.
Ở đồng chí Chu Huy Mân, tôi cảm nhận được một con người vừa là nhà lãnh đạo tiêu biểu ở tầm chiến lược, vừa là một chỉ huy thực tiễn sâu sát trên chiến trường, đầy bản lĩnh và trí tuệ, cả trong những thời khắc khó khăn nhất. Anh vừa là một người chỉ huy, vừa là người anh gần gũi tạo điều kiện cho cấp dưới vượt lên trước những khó khăn thách thức lớn nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Ở  Anh, vừa thấy tầm cao của bản lĩnh, trí tuệ, lại vừa thấy một phong cách sâu sát nắm bắt thực tiễn để có sự chỉ đạo sâu sắc. Anh Chu Huy Mân vừa là nhà chiến lược quân sự tài ba, lại vừa là nhà chính trị xuất sắc, có công lớn trong sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của Quân đội ta - Đúng như biệt danh mà Bác Hồ đã đặt cho : Anh Hai Mạnh.
Anh đã đi xa, nhưng tấm gương tiêu biểu, mẫu mực của Anh - Đại tướng Chu Huy Mân - mãi mãi trường tồn, xứng đáng cho lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đội học tập, noi theo ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét