Menu ngang

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Thủy tổ...



Thủy tổ của chúng tôi: 
“Người hai lần khai quốc”


                                               Giáo sư   Nguyễn Đình Chú
          
         Ngài tên là Nguyễn Xí. Nguyễn Xí có nghĩa là người họ Nguyễn rực sáng ánh lửa. Ngài chính gốc người làng Cương Giản, thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông nội là Nguyễn Hợp chuyển nhà sang sống tại xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, đã có công lớn là dạy cho người dân Thượng Xá và phụ cận biết nghề làm muối. Nhưng rồi Ngài về lại chính quán, để lại con trai thứ là Nguyễn Hội. Tại đây, Ngài Nguyễn Hội  kết duyên với Ngài Vũ Thị Hạch, sinh được hai con trai là Nguyễn Biện và Nguyễn Xí. Ngài Nguyễn Hội cùng con trai Nguyễn Biện thường chở muối ra bán ở vùng Lam Sơn, Thanh Hóa. Do đó mà quen biết Đức Lê Lợi lúc còn là một vị hào trưởng và Nguyễn Biện trở thành gia nhân của Đức Lê Lợi. Ngài Nguyễn Hội đã bị hổ vồ chết, mà người xưa cho là việc thiên táng. Kế đó, cùng một năm, Ngài Vũ Thị Hạch cũng qua đời. Nguyễn Xí mới lên chín tuổi, đã phải theo anh ra Lam Sơn cùng làm gia nhân cho Đức Lê Lợi. Nguyễn Xí được giao việc dạy đàn chó hơn trăm con, tài giỏi tới mức hào trưởng Lê Lợi đã khen: đang là trẻ con mà đã có tài dạy chó như thế thì sau này hẳn sẽ cầm quân giỏi. 

                   Ngài Nguyễn Xí sinh năm 1397, mất ngày 30 tháng 10 (âm lịch) năm 1465. Ngài đã đi qua giữa cuộc đời 69 năm từ thân phận một người dân nghèo, sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ mà trở thành một vị anh hùng dân tộc. Tổng kết cuộc đời của Ngài, sắc phong thần của vua Lê Thánh Tông ghi “Bình Ngô khai quốc, tịnh nạn trung hưng”. Năm 2005, Đài Truyền hình Việt Nam trong chương trình Danh nhân đất Việt dựng phim về Ngài cũng dựa theo ý tưởng đó mà lấy nhan đề: “Người hai lần khai quốc”. Một lần khai quốc thì nhiều, nhưng hai lần khai quốc thì quả là hiếm.
         Lần thứ nhất: Bình Ngô khai quốc (Đánh thắng giặc Ngô, mở lại đất nước - Ngô là giặc Minh) bắt đầu từ việc tham gia phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Năm 1418, Bình Định vương Lê Lợi chính thức phát động khởi nghĩa. Hai anh em Nguyễn Xí đều có mặt. Ngài Nguyễn Biện sớm hy sinh trong cuộc chiến của Lê Lai liều mình cứu chúa. Còn Ngài Nguyễn Xí thì trở thành một dũng tướng kiệt xuất, chỉ huy đội quân thiết đột (chủ lực) đi suốt 10 năm chiến đấu gian lao vất vả với nhiều chiến công, trong đó có chiến dịch bao vây địch tiến tới giải phóng Đông Đô (Thăng Long), chiến dịch Xương Giang kết thúc chiến tranh vệ quốc, giành lại trọn vẹn giang sơn gấm vóc. Trong chiến đấu, có lần bị giặc bắt tại Mai Động thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày nay. Nhưng Ngài đã mưu trí trốn thoát để trở về tiếp tục cầm quân chiến đấu. Phong trào khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, mở ra triều đại Lê sơ vẻ vang trong lịch sử dân tộc. Ngài trở thành vị đại thần thờ bốn đời vua theo tinh thần trung quân ái quốc. Ái quốc phải trung quân do đặc trưng thời đại qui định. Dĩ nhiên, phải là minh trung chứ không ngu trung.
        Lần thứ hai: tịnh nạn trung hưng (dẹp yên quốc nạn, đưa lại sự hưng thịnh cho đất nước). Triều đại Lê sơ vẻ vang nhưng rồi cũng lâm vào khủng hoảng. Năm 1459, Lê Nghi Dân sai bọn phản nghịch Phan Ban, Phạm Đồn, ban đêm lén vào cung điện giết vua Lê Nhân Tông và Hoàng Thái hậu để cướp ngôi vua. Trước hành động phản trắc đó, các trung thần rất mực căm phẫn. Ngài Nguyễn Xí đang giữ chức quan đầu triều, bèn lấy cớ mắt mù, cáo quan về nhà với âm mưu đảo chính. Ngụy triều Lê Nghi Dân đã dùng nhiều phép thử. Độc ác nhất là nhằm lúc Ngài sắp bước qua bộc cửa thì cho người đặt con trai thứ 16 chưa đầy tuổi trước bộc cửa. Biết thế, nhưng vì đại nghĩa, vì vận mạng của đất nước, Ngài đã đành dẫm chết người con trong nỗi đau xé ruột xé lòng, để lại một hiện tượng bi tráng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nước nhà. Kẻ thù tin là Ngài mù thật, mời đến dự tiệc và yêu cầu xem tướng với ý chừng là thêm một lần thăm dò thái độ. Nhưng trước khi tới dự tiệc, Ngài đã cùng con trai trưởng của mình là Nguyễn Sư Hồi và một số trung thần chuẩn bị lực lượng. Ngài vốn có tài xem cốt tướng. Khi xem tướng, sờ đến đâu khen đến đấy nhưng đến ót thì quắc mắt lên, bóp cổ, rút dao để sẵn dưới hài đâm chết ngay kẻ thù và hô quân yểm trợ xông vào giết chết bọn phản nghịch hơn trăm người. Kế đó là hạ bệ Lê Nghi Dân. Đến vấn đề chọn ai làm vua? Một số người muốn chọn Cung vương Lê Khắc xương. Nhưng Nguyễn Xí với đôi mắt thần, đã kiên quyết chọn Lê Tư Thành mà từ đó có vua Lê Thánh Tông, mở ra một triều đại thịnh vượng nhất trong lịch sử nước nhà thời trung đại, ngang tầm các nước giàu mạnh nhất trong khu vực đương thời. Cũng cần nói thêm, sau khi hạ bệ Lê Nghi Dân, có ý kiến đề nghị Ngài làm vua. Nhưng Ngài đã nhất mực từ chối với câu nói: “Nguyễn vi vương, quốc gia đại loạn” (Nguyễn Xí này mà làm vua thì cả nước loạn).
       Ngài Thủy Tổ của chúng tôi quả là người có công đầu trong việc dựng lên vương triều Lê Thánh Tông. Bốn chữ “tịnh nạn trung hưng” hay nói khai quốc lần thứ hai là do vậy. Ngoài những công huân lớn lao như thế, Ngài còn có nhiều công lao khác với quê hương xứ sở. Đặc biệt, Ngài đã nuôi dưỡng, cảm hóa những tù binh giặc Minh, tù binh Chiêm Thành, biến họ thành con nuôi và công dân Đại Việt thực thụ. Ngài không chỉ là người đại dũng mà còn là đại trí. Không chỉ là người lập công mà còn là người lập đức cho muôn đời: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Nhân dân, Đặt quyền lợi của Đất nước lên trên quyền lợi cá nhân, dòng họ. Yêu thương nhân loại. Quan tâm dạy bảo con cháu giữ bền gia phong, gia đạo. Sinh thời, trong chiến trận cũng như trong kiến quốc, Ngài đã được phong tặng nhiều chức tước lớn. Sau ngày Ngài qua đời, còn được phong là Thái Sư Cương Quốc Công và càng được tôn vinh với đủ các hình thức. Sử sách không đời nào không ngợi ca. Nghệ thuật lấy Ngài làm nguồn cảm hứng sáng tác bằng nhiều thể loai: thơ phú, tiểu thuyết, điện ảnh, tượng đồng… Ngài từ danh nhân trở thành danh thần, được phong thần, cao nhất là Thượng thượng đẳng tôn thần. Trên đất nước có nhiều nơi thờ phụng Ngài. Triều Nguyễn xây dựng miếu thờ Lịch đại đế vương tại kinh đô Huế. Ngài được thờ cùng các bậc danh nhân danh thần khác như Lê Phụng Hiểu, Tô Hiến Thành, Trần Nhật Duật, Trương Hán Siêu… Tại Hà Nội, thuộc quận Hoàng Mai, có đền Ba Cây vốn thờ Ngài cùng Đức Trần Hưng Đạo và Thánh Mẫu. Đặc biệt, tại quê hương Thượng Xá xưa (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đền thờ Ngài là được vua Lê Thánh Tông cho xây dựng theo chế độ “quốc tạo”(nhà nước xây dựng) và “quốc tế ”(nhà nước tế lễ). Trải qua sự thăng trầm, mặc cho bom đạn của kẻ thù, kể cả sự dại dột của người đời, vẫn sừng sững, nguy nga, thuộc trường hợp hiếm hoi trong số Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đẹp nhất còn lại trên đất Nghệ An. Tại đền thiêng này, hàng ngày, nhất là vào rằm và mồng môt, con cháu, khách thập phương đến cầu yên, cầu tự, cầu hôn, cầu phúc ngày một đông. Đặc biệt, vào ngày 30 tháng Giêng âm lịch hàng năm, ngày lễ Mừng công là ngày Ngài được phong thưởng sau đại thắng, đã thành lễ hội của vùng, có các địa phương khác trong tỉnh cùng tham gia, kéo dài trong ba ngày. Tại đền, có hoành phi câu đối do vua Lê Thánh Tông ngự tứ (ban cho). Hoành phi có ba chữ Nhạc giáng thần (Vị thần từ núi giáng xuống để làm bề tôi). Có bia do trạng nguyên Nguyễn Trực viết theo lệnh của vua Lê Thánh Tông. Mộ chí của Ngài cũng do Vua Lê Thánh Tông ngự tứ. Đúng là trong lịch sử danh nhân xưa của đất nước Đại Việt, hiếm có vị bề tôi nào được nhà vua sủng ái như trường hợp vua Lê Thánh Tông với Ngài Nguyễn Xí. Lời chế của vua viết:
     “… Xét ( Nguyễn Xí ) đây: khí độ trầm hùng, tính người cương đại. Giúp Cao hoàng khi mở nước, trăm trận gian nan. Phò Tiên khảo lúc thủ thành, hết lòng giúp rập. Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều tưởng mộ. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy danhThan ôi! Bình nội nạn, chính ngôi vua, trong đời công lao hơn cả…”
        Nói riêng về họ tộc chúng tôi thì bao đời nay, con cháu vẫn coi Ngài là vị Thủy Tố mặc dù trên Ngài còn có Thượng tổ, Khải tổ. Sở dĩ thế là bởi Ngài đã bằng những cống hiến đột khởi và phi thường cho Tổ quốc, cho dân tộc để từ đó mở ra một dòng họ mang tên Nguyễn Đình Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí tồn tại hơn 600 năm nay vốn là vẻ vang nhất trên quê hương xứ Nghệ. Đến nay, sơ bộ đã biết được trong thời trung đại, toàn đại tộc có 51 vị tước quốc công và quận công, 154 vị tước hầu, 118 vị tước bá, 12 vị tước nam. Về khoa bảng Hán học có 37 vị. Theo kết quả của ngành gia phả học, dòng họ Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tinh cũng thuộc con cháu của Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Con cháu của Ngài có mặt ở khắp mọi miền của đất nước, kể cả hải ngoại. Trong xu thế tìm về cội nguồn tiên tổ theo quan niệm truyền thống ngàn năm “Vật bản hồ Thiên, nhân sinh do Tổ” (Muôn vật có được là gốc ở Trời, con người sinh ra là nhờ có Tổ), con cháu đại tộc Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí ngày một qui tụ đông đúc. Kết quả bước đầu cho biết thuộc đại tộc đã có 376 đền thờ, nhà thờ của các chi phái tính từ đời thứ 14 trở lên. Có 117 bản tộc phả thuộc các chi phái trong đại tộc. 
              Sinh thời, trước ngày qua đời hai năm, Thủy Tổ Nguyễn Xí đã viết Di huấn (Lời dạy để lại), trình lên nhà vua xin duyệt y để truyền lại cho con cháu muôn đời sau. Bản Di huấn có đoạn viết:
    “… Nay các ngươi trông thấy nhà đẹp, ruộng tốt, giàu có, thì hãy nghĩ đến nỗi vất vả, chặt gai phát bụi của Ta. Trông thấy cảnh ca nhi múa hát vui vẻ, thì phải nghĩ đến thời Ta phải gian khổ, nằm tuyết gối đòng. Ta thấy đời Đường (Trung Quốc) Lý Tĩnh là bậc danh tướng nhưng có hai con là Kính và Nghiệp phạm tội làm phản. Các ngươi lấy đó làm gương để tránh. Đời Tống (Trung Quốc) có Tào Bân cũng là danh tướng nhưng có hai con là Xán và Vĩ lại bước lên đàn tướng lĩnh. Các ngươi nên sánh với họ. Các ngươi con cháu phải cẩn thận giữ gìn gia pháp, lấy đạo hiếu để lập công. Ấy là con hiếu cháu thảo của Ta. Nhược bằng trái lại, nếu ai gây đầu mối tranh giành nhau thì các ngươi phải làm biếu tâu lên triều đình về tội bất hiếu. Các ngươi hãy cùng nhau ghi nhớ lời dạy này của Ta, không được quên!...”
        Đại tộc Nguyễn Đình Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí của chúng tôi tồn tại bền vững hơn 600 năm nay đã cùng các đại tộc khác, đều là con cháu các Vua Hùng, chiến đấu, bảo vệ, xây dựng, phát triển ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM trăm quí ngàn yêu, chính là từ Di huấn thiêng liêng trọng đại này.


                                                Tân Mão- quí đông (1–1–2012)
                                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét