Menu ngang

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Tản mạn ngày Tết



TẢN MẠN NGÀY TẾT


 Thời gian không hình hài, âm thanh, màu sắc, hương vị, cứ lẳng lặng trôi về phía trước. Mỗi cái Tết là một cột mốc trên hành trình của một đời người. Càng nhiều cột mốc, phần còn lại càng ngắn. Đó là qui luật khách quan, tất yếu đối với muôn người.
Từ Tết Quý Sửu đến Tết Quý Tỵ, tính ra đến nay, mình đã có hơn 40 lần đón Tết ở Hà Nội. 40 năm trong cuộc đời của một con người là không ngắn chút nào.
Mặc dù vẫn trọn tình, nặng nghĩa với quê cha đất tổ, nhưng từ lâu rồi, Hà Nội đã trở thành quê hương thứ hai của mình với chồng chất biết bao kỉ niệm trong đời.

              Từ Hà Nội đạp xe về quê ăn Tết

Ngày 30/12/1972, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom, quay trở lại bàn đàm phán Paris. Ngày 27/ 01/1973, Hiệp định Hòa bình Paris được kí kết. Còn non một tháng nữa là đến Tết Quý Sửu. Hà Nội mới qua cơn binh lửa 12 ngày chống chọi máy bay  B52, tạo nên một “Điện Biên Phủ trên không”. Giữa bao thương vong mất mát, ngổn ngang đổ nát, bộn bề khó khăn, nhưng mọi người dân đều mừng vui háo hức đón một cái Tết trong không khí hòa bình. Báo chí hồi đó đăng bài thơ Việt Nam máu và hoa của Tố Hữu đoạn mở đầu là: “Khao khát trăm năm mãi đợi chờ / Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ / Một trời êm ả, xanh không tưởng / Mặt đất bình yên, giấc trẻ thơ “.
Từ nơi đóng quân là làng Trần Đăng, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (cũ) hành quân về Doanh trại trong Thành (Hà Nội) được mấy ngày, mình được đơn vị cho về quê ăn Tết. Ra bến Kim Liên (gần ngã 3 đường Trần Nhân Tông và đường Lê Duẩn bây giờ) mặc dù có thẻ ưu tiên thương binh, nhưng mình vẫn không mua được vé ô tô. Xếp hàng chờ đợi thì mất thêm mấy ngày nữa, sốt ruột, mình quyết định đi xe đạp về quê. Quảng đường hơn 300 cây số từ Hà Nội về Vinh, nhiều nơi bị máy bay Mỹ tàn phá. Nhiều cung đường bị băm nát thành ổ trâu, ổ voi. Mấy cây cầu qua sông đã bị đánh sập, phải qua phà hoặc cầu phao.
Với một chiếc xe đạp cà tàng chằng buộc nhiều thứ lỉnh kỉnh : gạo nếp, rượu, nước mắm, đường, bánh kẹo, xu hào, hành tỏi,…thôi thì đủ thứ. Cứ như người đi buôn vặt ở chợ quê ngày Tết vậy. Sáng sớm xuất phát, nhá nhem tối thì tạt vào một nhà dân ven đường, mượn bếp nấu cơm ăn và xin ngủ lại qua đêm. Phải thừa nhận rằng, thời đó người dân rất tốt. Ở vùng miền nào cũng vậy, dân sẵn sàng đón tiếp chu đáo, giúp đỡ tận tình khi có bộ đội tạt qua nhà.
Đạp xe mất 3 ngày thì mình về đến nhà trước sự mừng vui ngỡ ngàng của cả gia đình. Khi đi thì hăm hở, hăng hái quên hết cả mệt mỏi. Nhưng khi về đến nhà thì thân thể rã rời, ê ẩm. Mấy ngày sau, nhìn chiếc xe đạp dựng ở góc nhà, mình vẫn còn ngao ngán. Năm đó mình vừa tròn 24 tuổi. Sức  trẻ làm cho con người chóng hồi phục.

Đón Tết trong nghèo khó thời bao cấp

Những lần đón Tết của thời bao cấp trong nghèo khó mà ấm áp tình người. Cả xã hội đều thế. Có lần sắp đến Tết, con gái Thùy Vinh năm đó lên 8 tuổi học lớp 3 Trường Cấp 1 Phan Chu Trinh, có cái quần cũ bị thủng đít, rách gối. Đạp xe chở con đến cửa hàng Bách hóa Số 5 đường Nam Bộ để mua quần. Chọn cái quần con ưa thì cha không đủ tiền. Tìm cái quần cha vừa túi tiền thì con lắc đầu không thích. Lần lựa mãi, phải đi dọc ra các quầy bán quần áo ở gần ga Hàng Cỏ, mới mua được một cái quần thỏa mãn điều kiện c hai cha con.
Khi về khu tập thể 1A Hoàng Văn Thụ, Thùy Vinh sơ ý bước hụt để rơi một chiếc dép nhựa xuống hố ga. Mất một chiếc dép tức là mất cả đôi. Quay ra phố để mua đôi dép khác thì chưa có tiền. Tết đến nơi rồi, chẳng nhẽ con gái không có dép đi. Cha con đang tần ngần chưa biết tính sao, thì Quang - con trai mình - năm ấy 13 tuổi, đang chơi với bạn bè gần đó nhìn thấy chạy lại nói, Ba để con. Quang cởi trần lội xuống hố ga chứa đầy nước thải với bùn đặc quánh đen ngòm, bẩn thỉu, hôi thối, ngập đến ngực. Phải dùng tay, chân mò mẫm, khua khoắng một hồi khá lâu, Quang mới tìm được chiếc dép cho em. Nhìn cảnh tượng con trai bê bết bẩn, nhặt được chiếc dép nhựa giơ lên cao, với ánh mắt mừng rỡ, miệng reo lên, đây rồi Ba ơi, cứ như nhặt được vàng, mình vừa thương vừa xót đến nghẹn lòng.
Tối 29 Tết Mậu Thìn (1988), mình đưa Thùy Vinh sang chúc Tết cô giáo Lưu ở Khu tập thể 28 Điện Biên Phủ. Quà Tết là một chai rượu chanh. Hồi đó mua được chai rượu chanh hoặc rượu táo, rượu cam, rượu gừng, rượu cà phê…là quí rồi. Đến trước cửa nhà cô giáo Lưu, giao con gái cầm túi đựng chai rượu đứng đợi, mình dắt xe đạp dựng ở bờ rào cạnh hiên nhà. Bỗng mình nghe tiếng choang, chai rơi xuống nền đường vỡ tan, rượu lênh láng. Thùy Vinh hốt hoảng chực mếu khóc nói, Ba ơi, con tuột tay làm rơi chai rượu vỡ mất rồi. Mình chẳng nói năng gì, lặng lặng thu nhặt hết mảnh chai mang đi đổ, rồi dắt con quay ra phố tìm mua chai rượu khác. Không thể không chúc cô giáo trong dịp Tết. Đó là tình cảm tự nguyện của cha mẹ học sinh đối với thầy cô giáo. Biết là con sơ ý, nhưng mình vẫn bực, vẫn xót - cứ như mất một cái gì to tát. Phải thôi. Bấy giờ hoàn cảnh nghèo khó lắm, tiền chẳng nhiều nhặn gì. Cả năm gom góp dành dụm được một ít tiền để tiêu Tết, dùng thứ này phải thôi thứ khác.
Thời bao cấp cả xã hội và ngay trong nhà mình còn biết bao nhiêu chuyện bi hài cười ra nước mắt. Quanh năm đã thế, đến dịp Tết càng đặc trưng hơn. Những ngày áp Tết, từ sáng sớm đến tối mịt, nhiều người xếp hàng rồng rắn tại các quầy mậu dịch để được mua phân phối theo tem phiếu: quần áo, vải vóc, gạo, nếp, dầu đun, nước mắm, đường, kẹo bánh, chè trà, thịt cá, rau củ quả, pin đèn, phụ tùng xe đạp…Có người còn vận trù tiết kiệm thời gian bằng cách, đứng xếp hàng ở cửa hàng này, đồng thời dùng nón lá, gạch, đá…xếp hàng xúy chỗ ở cửa hàng khác. Tại nhà ga tàu, các bến xe thì hành khách chen lấn xếp hàng mua vé ngày đêm ầm ỹ. Hồi đó, ở cửa hàng nào cũng có một lực lượng con phe móc ngoặc với người bán hàng mua trước, rồi đem bán lại giá cao hơn, lấy tiền chênh lệch.
Cả thành phố ồn ã không khí chuẩn bị cho ba ngày Tết diễn ra từ rất sớm, khoảng giữa tháng Chạp. Chuyện thật mà cứ như là chuyện bịa. Chuyện của một thời gần đây thôi mà cứ như chuyện cổ tích xa xăm. Mấy năm trước, có lần mình đến Bảo tàng Dân tộc ở phố Nguyễn Văn Huyên, xem trưng bày những hiện vật thời bao cấp. Chuyện chung xã hội mà hiển hiện như chuyện riêng nhà mình. Nhìn mà thấy tủi, thấy thương cho một thời.

Với quê hương

Đến thời đổi mới, cùng với sự phát triển kinh tế,  đời sống khá lên, việc đón Tết của mọi người dân đều thuận tiện, sung túc, vui vẻ và đàng hoàng hơn.
Nhiều năm sau này, mình đón ông nội các cháu ra Hà Nội ở. Nhưng hàng năm trước ngày Tết mình vẫn về quê thắp hương.
Còn nhớ, một lần cách đây tròn 15 năm, trong một chuyến về quê chúc Tết, mình cùng mấy người bạn đến tham quan, chiêm bái Đền Cờn, cách nhà hơn 60 cây số. Đây là ngôi đền cổ ở xã Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu, Nghệ An), được xây dựng từ năm 1235, thời Nhà Trần, thờ Tứ Vị Thánh Nương. Đền có kiểu kiến trúc cổ kính, tọa lạc trên một vùng đất ở cửa biển có phong thủy đẹp và rất linh thiêng. Theo lịch sử, các vị vua: Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Quang Trung khi đi đánh trận đều vào Đền Cờn lập đàn tế lễ cầu may.
Sau phần lễ bái, theo như mọi người, mình vào xóc thẻ lấy quẻ bói. Quẻ là một bài thơ đoán mệnh bằng chữ Hán theo thể Đường thi, thất ngôn tứ tuyệt. Trong đó có câu: “ Viễn vọng gia hương tư tiêu nhiên”. Có nghĩa là, dù ở phương xa, mình vẫn luôn luôn nhớ về gia đình và quê hương như một lẽ tự nhiên. Điều đó ứng vào mình thật đúng.
Nhân nói về tình cảm đối với quê hương. Trước Tết Quý Tỵ, trong dịp kỉ niệm Ngày Thành lập Quân đội, các tướng lĩnh Quân đội và Công an quê hương Nghệ An được lãnh đạo tỉnh nhà mời về gặp mặt. Phần phát biểu tại Hội trường, chiều 14/12/2012, các anh: Nguyễn Quốc Thước, Lê Văn Cương, Tăng Huệ, Nguyễn Viết Khai đều xúc động nói lên tình cảm sâu nặng đối với quê hương. PGS-TS-Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an còn trích dẫn câu nói khá hay của một triết gia người Pháp: “ Có thể đưa một con người ra khỏi quê hương. Nhưng không thể đưa quê hương ra khỏi một con người ”.
Khi về khách sạn Phương Đông dự tiệc chiêu đãi, mình ngẫm về câu trích dẫn của anh Lê Văn Cương. Quả thực, câu đó đem ứng vào thế hệ chúng mình là chí lý. Song, theo mình, sẽ chẳng còn nguyên nghĩa khi áp dụng vào thế hệ con cháu chúng mình. Thời đại mới, trước sự đổi thay trên nhiều phương diện, trong xu thế “ toàn cầu hóa”, “ thế giới phẳng”…thì những biểu tượng: cây đa, giếng nước, sân đình, lũy tre làng,… chỉ còn là hoài niệm của một lớp người xa xứ được sinh ra, lớn lên từ quê hương. Với lớp lứa như mình, có được chốn quê hương để dành lòng yêu thương là một may mắn trong đời sống tinh thần. Quê hương là nơi neo đậu nỗi nhớ trong cõi lòng. Thế hệ con cháu mình, nói chung, càng về sau càng ít có điều đó. Mình chia sẻ với mấy người bạn cùng cảnh, nhiều người đồng cảm.

Trước và sau Tết Quý Tỵ

Như mọi lần, trước Tết mấy ngay mình về quê để thắp hương tưởng niệm tri ân tổ tiên, ông bà ông vải và cha mẹ tại bàn thờ và lăng mộ. Năm nay có điều đặc biệt hơn. Dịp về quê từ ngày 19 đến ngày 21 tháng Chạp, vợ chồng mình đã cùng bà con trong Chi họ làm Lễ nhập họ Đại tôn Nguyễn Đình - Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí. Đây là một điều thiêng liêng, hệ trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của mọi người trong Chi họ. (Việc này, mình đã thể hiện trong bài: Lời giải cội nguồn sau mấy trăm năm thất truyền gia phả). Vợ chồng mình đã cùng chị Dớn và các cháu cúng giỗ cụ Nguyễn Văn Tần - bác ruột của mình.
Quay ra Hà Nội. Chiều ngày 28 Tết, anh Lê Duy Toàn mời các anh: Nguyễn Hữu Hòe, Phạm Bá Hán, Lê Minh Tụ và mình đến trao đổi việc đi chúc Tết trong khu gia đình. Sự thể là, từ khi về Khu Đô thị Mỹ Đình 1, cứ sau giao thừa mấy anh em tề tựu tại nhà anh Toàn để lần lượt đi chúc Tết các gia đình. Là người có phong thái điềm đạm, tư chất chu đáo, khiêm nhường của người có hiểu biết, công tác văn phòng lâu năm, lại cao tuổi nhất, anh Toàn luôn được tôn làm chủ trì. Sau một thoáng trao đổi, mấy anh em thống nhất: 1 là, Tết năm nay không đi chúc Tết ngay sau giao thừa mà sẽ tiến hành vào 8 giờ tối ngày mồng Một. Vì chúc Tết ngay sau giao thừa sẽ trở thành người đầu tiên xông đất các gia chủ. Theo tín ngưỡng chung, không phải bất cứ ai đều có thể xông đất được. Xông đất đầu năm phải là người hợp tuổi, hợp mệnh với gia chủ. Nếu không, trong năm tới, chẳng may gia đình họ có điều gì không hay, liên hệ lại họ gắn với  người xông đất, gây phức tạp ra. Kính chẳng bõ phiền. 2 là, Vì thời gian ngắn, anh em chỉ đến chúc Tết những gia đình có quan hệ thân thiết gần gũi.
Thế đấy, bao giờ cũng vậy, ở đời mọi việc đều phải suy tính kĩ càng để tạo nên sự đồng thuận. Đến như việc chúc Tết cũng phải lựa chọn thời điểm và đối tượng phù hợp. Hàng năm, lãnh đạo các cấp dành thời gian đi thăm và chúc Tết cơ sở - nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và các đối tượng chính sách. Đó là một việc rất quí, thể hiện sự quan tâm gắn bó với quần chúng. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp còn mang nặng tính hình thức, gây phiền hà cho cấp dưới, ít nhiều tạo nên sự phản cảm trong dư luận.

Ngày 30 Tết

Tất niên. Đã thành thông lệ, thành gia qui, hằng năm, gia đình chú Loan - Hà, cô Phượng - Kháng, hai con Quang - Thoa và các cháu đều về tập trung cúng tất niên tại nhà mình. Phong tục quê hương và truyền thống gia đình xưa nay là thế. Đây là dịp đoàn tụ các thế hệ trong đại gia đình với tình cảm huyết thống và tâm linh thờ phụng gia tiên. Cũng là dịp mọi người nhìn lại những kết quả trong năm qua và dự định những việc trong năm tới. Mọi người trao đổi bảo ban nhau theo bổn phận và tình cảm. Trong bữa cơm thân mật ấm cúng, mọi người chúc tụng nhau sức khỏe, hạnh phúc, may mắn; chúc các cháu khôn ngoan, học hành giỏi giang, thành đạt.
Giao thừa. Đúng lúc chiếc đồng hồ quả lắc gõ tiếng chuông vang, pháo hoa ở Sân vận động Mỹ Đình bắt đầu khai hỏa, vợ chồng mình thắp hương khấn vái trước bàn thờ gia tiên. Tiếp đó, thắp hương khấn vái trời đất và các vị thần linh trên sân thượng. Trong thời khắc thiêng liêng, tưởng niệm tri ân tổ tiên, tứ thân phụ mẫu; thành kính trời đất cùng các vị thần linh; nguyện cầu cho một năm mới tốt lành…Không khí đêm giao thừa thật rộn ràng, náo nức. Âm thanh và các sắc màu lung linh rực rỡ của pháo hoa bừng sáng giữa màn trời đêm. Phải nói rằng, Tết năm nay các giàn pháo hoa bắn tầm cao ở Mỹ Đình thật đẹp. Hàng đoàn người xe nhộn nhịp từ các nơi tụ tập về đây xem pháo hoa. Lợi thế nhà mình với cự ly khoảng hơn 1 cây số, chỉ cần đứng trên sân thượng là đã được chiêm ngưỡng thưởng thức cái đẹp của pháo hoa.
Cùng với thời khắc gia đình cúng gia tiên, cúng trời đất, thần linh, Chủ tịch nước nói Lời chúc Tết trên VTV, pháo hoa bắn dồn dập, ánh sáng rợp trời, điện thoại và tin nhắn của người thân ở nhiều nơi gọi về tới tấp. Điều gì cũng cần, mình thật sự không thể phân thân cùng một lúc. Thôi thì, việc đầu tiên là cúng tế. Các việc khác để dành sau, đành vậy. Từ lâu nay đều thế, nghe ra chưa thật hợp lý.
Có người bạn thân nói với mình rằng: Đúng ra, giao thừa là tính từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Còn lúc 12 giờ là phút giao thừa. Bởi vậy, không nhất thiết cúng vào phút giao thừa. Có thể cúng sớm hơn. Cỡ 11 giờ 30 chẳng hạn. Cúng vái xong, trong thời khắc các cụ gia tiên, các vị thần linh đang ngự lãm, thì con cháu có thể đi xem pháo hoa, vãn cảnh chùa, du xuân hái lộc. Nghe ra, mình thấy hợp lý, hợp tình. Từ Tết tới mình sẽ nghiên cứu điều chỉnh lại.

Ngày mồng Một Tết

Đã hẹn trước, đúng 0 giờ 25 phút, vợ chồng mình cùng bố con chú Lê Minh Tụ (hàng xóm) đi chùa Đại An. Đây là ngôi chùa khá to trước đây khoảng hơn 10 năm là tọa lạc giữa cánh đồng, nay thì nằm giữa các công trình mới xây dựng gần đường Lê Đức Thọ, trong Khu Đô thị Mỹ Đình 2, cách nhà mình khoảng 1 cây số. Từ ngày về ở khu Mỹ Đình, hàng năm, cứ sau khi cúng giao thừa, vợ chồng mình đều đến thắp hương, lễ bái, vãn cảnh ở chùa Đại An.
Trời se lạnh, lất phất mưa bụi, từng đoàn người đổ về chùa trong đêm giao thừa như đi trẩy hội. Ô tô xếp từng dãy dài. Tuy lượng người vào chùa khá đông đúc nhưng rất trật tự. Trước cổng tam quan, các cháu thiếu nữ cầm trong tay nhiều túi muối nhỏ, lịch sự niềm nở mời mua. Mình chưa hiểu sự tích, nhưng lâu nay việc mua muối sáng mồng Một đã thành tín ngưỡng của nhiều gia đình. Qua cổng tam quan, mọi người thắp hương ở lư hương rất to đặt chính diện giữa sân chùa. Trong không khí trang nghiêm, mọi người đều khấu đầu khấn vái Đức phật và các vị thần linh, nguyện cầu cho một năm mới tốt lành. Sau khi cúng bái trong chùa, mình ra dạo xung quanh sân. Khuôn viên chùa Đại An rộng rãi với cây cối tốt tươi, cảnh quan khá đẹp.
Ngày đầu năm mới vào chùa để thắp hương, chiêm bái và vãn cảnh, luôn tạo cho mình một cảm giác thanh thản, sảng khoái, ấm áp, an bình và tự tin.  
Rời chùa Đại An, trên đường về nhà, mình và chú Tụ tạt vào vườn hoa Khu đô thị hái lộc xuân. Hái một cành lộc non tươi còn đẫm sương đêm, mình nói vui với chú Tụ, chú làm Chủ tịch Hội đồng quản trị một Tổng công ty lớn, thì hái một cành lộc thật to cho mọi người cùng được hưởng. Năm mới chắc chắn Tổng công ty làm ăn phát đạt hơn. Còn tôi, là phó thường dân rồi, chỉ hái một cành lộc nho nhỏ này thôi. Có lộc là quí lắm rồi. Anh em cùng cười vui.
Đến 2 giờ 30 phút cả nhà mới lên giường. Sáng sớm phải dậy sớm lái xe đưa mẹ con cháu Thùy Vinh lên sân bay Nội Bài. Sợ thức khuya ngủ quên, mình phải đặt đồng hồ báo thức.
Từ ngày xây dựng gia đình, chồng lại là trưởng nam, là con cháu đích tôn của ông bà và dòng họ, theo phong tục, nhiều năm qua Thùy Vinh đều phải về Thái Bình ăn Tết. Năm nay, Thùy ở lại trực, ba mẹ con Thùy Vinh đi máy bay sang Viên Chăn cùng ăn Tết và kết hợp tham quan Băng Cốc. Đứa anh là Đặng Nguyễn Thái, hồn nhiên vô tư hơn, lên giường ngủ từ sớm. Chưa đầy 4 tuổi, cả đêm thức cùng gia đình đón giao thừa, vậy mà sáng dậy chỉ nghe sẽ được đi máy bay sang thăm bố, bé gái Thùy Anh đã tỉnh dậy rất nhanh.
 Đây là lần xuất ngoại đầu tiên của ba mẹ con. Chiều hôm trước khi sắp xếp hành lý, Thùy Vinh đã giao cho mỗi đứa con mang một chiếc ba lô. Nhìn Thùy Anh lụn cụn khoác chiếc ba lô nhỏ đi lại trong nhà thật đáng yêu, vui mắt.
7 giờ xe chuyển bánh. Sáng mồng Một trời rất đẹp, khí hậu mát mẻ, gió heo may thổi nhẹ, đường Phạm Văn Đồng qua cầu Thăng Long lên sân bay là đường một chiều thoáng rộng, xe cộ thưa thớt. Từ nhà lên sân bay Nội Bài chỉ hết 30 phút.
Sau khi Thùy Vinh làm xong thủ tục, cả nhà chụp ảnh kỉ niệm tại nhà ga, tiễn ba mẹ con vào phòng chờ, mình lái xe quay về. Từ đường cao tốc Bắc Thăng Long, rẽ trái về Quốc lộ 2 qua Phù Lỗ tới Đông Anh. Đường vắng vẻ, lâu lâu mới có xe ô tô đi lại. Các nhà hàng hai bên dãy phố thị trấn Phù Lỗ đều đang đóng cửa. Gần tới thị trấn Đông Anh có đoạn đường rất đẹp, bên phải có hàng cây cao to rậm rạp, phía sau hàng cây là sông Cà Lồ. Tạt về bên vệ đường, mình chọn chỗ dừng xe, ăn sáng. Sáng đi sớm chưa kịp ăn. Khi tới sân bay phải cùng con gái kịp làm thủ tục lên máy bay. Có đĩa xôi gấc cúng giao thừa mang theo, hai ông bà ăn uống ngon lành, vui vẻ.
8 giờ 45 phút về đến nhà chú Loan - Hà chúc Tết. Hai cháu Thùy Trang - Đức Long mới thức dậy. Tiếp đến sang nhà cô Xuân - chú Hiến. Cả nhà Xuân - Hiến đi chùa, không gặp.
10 giờ đến nhà con Quang - Thoa ở tầng 6, tháp Đông, tòa nhà 28 tầng Làng Quốc tế Thăng Long, chúc Tết hai con và hai thằng cháu nội. Mặc dù, tối qua đang cùng ăn tất niên với nhau, nhưng sáng nay đã là năm mới, bố mẹ mừng tuổi cho con, ông bà mừng tuổi cho hai cháu. Quang Minh đã lên 10 tuổi, Phúc Hưng đã lên 7 tuổi. Nhìn hai đứa cháu nội khôn lớn ngoan ngoãn, thật mừng, thật ấm lòng. Ai cũng vậy, sự phương trưởng thành đạt của con và lớn khôn của cháu là niềm hạnh phúc nhất của người già.
11 giờ, cả nhà sang chúc Tết gia đình cô Phượng - Kháng ở khu tập thể Đại học Sư phạm, trên đường Trần Quốc Hoàn. Như mấy năm trước, cả gia đình mình ăn cơm trưa tại đây. Sau đó sang thắp hương ở chùa Thánh Chúa trong khuôn viên của Đại học Quốc gia và Đại học Sư phạm Hà Nội.
Thánh Chúa là ngôi chùa rất thiêng. Đây là một di tích quí hiếm từ thời Lý còn lại. Chùa được xây dựng từ năm 1064. Tương truyền, bấy giờ vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, sai quan Tri hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Sau đó, Nguyên phi Ỷ Lan sinh ra Hoàng tử Càn Đức, tức vua Lý Nhân Tông (1066-1128). Chùa Thánh Chúa cũng là nơi ẩn tích của bà Ngô Thị Ngọc Dao cùng con trai là Hoàng tử Lê Tư Thành, lánh loạn Lê Nghi Dân. Ngày 6/6/1460, hai đại thần trung thành là Nguyễn Xí, Đinh Liệt cùng các tướng lĩnh dẹp loạn thần, phế Lê Nghi Dân. Sau đó, Hoàng tử Lê Tư Thành được đại thần Nguyễn Xí chủ xướng cùng các đại thần rước lên ngôi báu - ngôi hiệu Lê Thánh Tông.
Giữa trưa, trời nắng ấm, thời tiết rất đẹp, chùa Thánh Chúa có rất nhiều người thuộc nhiều lứa tuổi đến lễ Phật, vãn cảnh, du xuân. Đây là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của nhiều người.
Qua cổng tam quan, cả nhà từ hai cháu Quang Minh, Phúc Hưng đến bố mẹ, ông bà đứng thắp hương ở lư hương to đặt trước sân chùa, bên cạnh hai cây xoài cổ thụ. Sau đó, cả gia đình vào bên trong chùa kính cẩn bái lạy Phật Tổ và các vị thần linh.
Rời khỏi điện thờ chính đi về phía sau, mình thấy cháu Phúc Hưng chạy theo hớn hở nói, ông bà nội ơi, con có 1.000đ này, mua được 2 cái kẹo cao su đấy. Thấy lạ, không biết cháu lấy tiền từ đâu, mình hỏi mẹ cháu. Thoa nói, thôi chết, trước khi vào chùa, con đưa cho mỗi cháu một ít tiền lẻ, loại 1.000đ, để đặt lên bệ thờ mỗi khi bái lạy. Phúc Hưng nói, nghe lời mẹ, con đã đặt khắp lượt rồi, đây là tiền còn thừa lại. Thoa nhoẻn miệng cười nói, không được, con phải vào trong chùa đặt tờ giấy bạc đó vào một bệ thờ. Thế rồi, Phúc Hưng lon ton chạy trở lại, luồn qua mọi người để vào trong điện thờ. Khi quay ra, cháu nói, con đặt vào rồi ông bà nội ạ. Phúc Hưng là đứa trẻ hiếu kỳ, hiếu động, luôn thân thiện với mọi người.
Theo tư vấn của nhiều người, sau khi cụ nội các cháu từ trần,  gia đình mình đã rước bài vị vong linh của cụ vào Chùa Thánh Chúa. Vì vậy, thông thường ngày Rằm, ngày Tết, cứ sau khi cúng Phật tổ, các vị thần linh, gia đình mình còn vào nhà Chùa phía sau để cúng bài vị cụ.
 Chiều. Các gia đình: hai con Quang - Thoa và hai cháu, chú Loan - cô Hà, cô Phượng - chú Kháng, cô Xuân - chú Hiến đến nhà mình chúc Tết và thắp hương tổ tiên theo truyền thống tâm linh.
Tối. Theo kế hoạch, đúng 8 giờ, mình cùng các anh hàng xóm tập trung tại nhà anh Lê Duy Toàn để chúc Tết. Lộ trình là bắt đầu từ nhà anh Toàn và kết thúc tại nhà anh Nguyễn Đình Hậu. Theo lệ, tại mỗi gia đình, sau lời chúc Tết là uống một chén rượu. Thế nhưng, khi đến nhà anh Nguyễn Hữu Khảm và anh Nguyễn Đình Hậu là phá lệ. Tửu lượng của hai anh rất khá. Mọi người phải uống nhiều hơn, với nhiều lý do khác nhau. Rượu chồng lên rượu với nhiều chủng loại, dù là tửu lượng khá, cũng ít ai tránh khỏi chuyếnh choáng. Kết thúc màn chúc Tết ngày mồng Một vào lúc 11 giờ 30 phút đêm.

Ngày mồng Hai Tết

Sáng trời rét đậm, mưa nặng hạt hơn. 8 giờ 30, Lê Hiền mặc kín người, đi xe máy từ Kim Giang, cách đây khoảng 15 cây số, lên nhà mình chúc Tết. Thật cảm động. Lê Hiền bằng tuổi mình, người cùng quê, hai đứa chơi thân với nhau từ ngày tóc còn để chỏm cho tới tận sau này.  Lê Hiền nói rằng, dự định lên trước từ trước Tết, nhưng vì cả hai ông bà đều không được khỏe, lại phải trông thằng cháu nội thứ hai mới sinh được mấy tháng. Anh em hàn huyên chuyện xưa, chuyện nay đến hơn 9 giờ 15 thì chia tay. Hiền còn phải đi chúc Tết nhiều nhà bà con khác. Mình cũng phải đi chúc Tết theo kế hoạch.
9 giờ 30 phút, mình lái xe lên chúc Tết gia đình anh Trương Quang Khánh - cô Việt Nga ở 94 Phố Đốc Ngữ. Mấy năm trước, vợ chồng anh Khánh thường lên chúc Tết nhà mình vào ngày mồng Một hoặc mồng Hai Tết. Nhưng năm nay nhà có bụi, đang trong thời gian chịu tang ông cụ, anh Khánh lên chúc Tết nhà mình từ ngày 27 Tết.  
Từ ngoài cổng nhìn vào thấy nhà anh Khánh khá đông người. Vào trong nhà thì gặp các anh ở Tổng cục Kỹ thuật và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đến chúc Tết. Đều là chỗ quen biết. Chúc Tết nhau và chụp ảnh lưu niệm. Cô Việt Nga mời mình cùng dự bữa trưa với gia đình. Mấy ngày ăn cỗ khá mệt mỏi, nay được bát phở gà tự tay cô Nga làm nóng hổi, thơm phức, thật ngon miệng. Từ lâu nay mình với vợ chồng anh Khánh là chỗ khá thân thiết. Bên bàn ăn ngày Tết, chúng mình nói chuyện trò thật vui vẻ. Sau khi rời nhà anh Khánh, mình sang chúc Tết nhà chú Phạm Dũng Tiến, ở số nhà 100 Phố Đốc Ngữ. Chú Tiến còn trực chỉ huy ở Tổng cục. Cô Nga và cháu trai niềm nở thân tình đón tiếp mình.
12 giờ mình về đến nhà. Xét thấy nếu ngủ trưa là phải đến hơn 2 giờ mới dậy. Ngày Tết tranh thủ sớm được lúc nào hay lúc ấy, mình quyết định không ngủ trưa nữa mà đi luôn Kim Giang để chúc Tết nhà Lê Hiền và nhà anh Y - chị Lụa. Từ nhà mình đi theo đường Vành đai 3 từ đường Phạm Hùng tới đường Khuất Duy Tiến, đường Nguyễn Xiển rồi rẽ v Kim Giang, Kim Lụ. Ngày Tết đường rộng, thưa vắng, chỉ 30 phút, mình đã đến nhà Lê Hiền. Ngồi chơi với vợ chồng Hiền - Hà được khoảng 20 phút mình sang nhà anh Y - chị Lụa. Tuy không xa nhưng do chưa thuộc đường, loanh quanh lạc vào ngõ hẹp, mất khá lâu mình mới tìm được nhà anh chị.
4 giờ chiều về tới nhà. Tối đến, nhiều người đến chúc Tết.
Đêm mồng Hai, con gái và hai cháu ngoại đi xa. Vợ chồng con trai và hai cháu nội về nhà chúng nó. Hai vợ chồng già trong tòa nhà 3 tầng rộng rãi, tâm trạng thấy trống vắng. Lúc này thật thèm nghe tiếng nô đùa của các cháu nhỏ. Đúng là, nuôi con cháu thật là vất vả, thậm chí có lúc còn khó chịu. Nhưng thực sự buồn  nhiều hơn khi xa vắng chúng nó. Lúc nào và ở đâu cũng vậy, con người ta chỉ thấy hết giá trị đích thực của mọi thứ, khi không có nó.

Ngày mồng Ba Tết

Theo thông lệ, sáng mồng Ba Tết hằng năm, vợ chồng mình đến nhà cậu Kiệu - mợ Trà để chúc Tết và thắp hương cụ ngoại Lê Văn Siêu. Cụ là thân sinh bà ngoại Lê Thị Lý của hai cháu Quang - Vinh. Cụ ngoại có 4 người con gái và một người con trai là Lê Quang Trung. Cậu Trung đi bộ đội thời kháng chiến chống Pháp bị hy sinh khi chưa có vợ con. Theo truyền thống, vì cụ ngoại không còn con trai nối dõi, cậu Kiệu là con ông bác ruột trở thành người lập tự thờ phụng. Sáng nay chỉ có mợ Trà ở nhà, cậu Kiệu đi chúc Tết. Cả con gái, con trai và con dâu của cậu mợ đều đang ở Mỹ. Sau khi thắp hương, vợ chồng mình ngồi nói chuyện với mợ Trà. Ngoài quan hệ họ hàng bên ngoại, mợ Trà còn là đồng hương Nghi Lộc với mình.
Hơn 10 giờ, vợ chồng mình đến chúc Tết gia đình anh Thanh - chị Vy ở Ngọc Khánh và gia đình ông Bài - bà Minh ở Thành Công.
Chiều, mình ở nhà tiếp khách đến chúc Tết.

Ngày mồng Bốn Tết

Từ 9 giờ vợ chồng mình lên Sơn Tây. Đại lộ Thăng Long thênh thang, phẳng lì, mình dấn ga tới hơn 100 cây số/ giờ mà vẫn thấy xe chạy êm. Đầu năm mới mình đến chúc Tết gia đình chú Chức - cô Hoa, chú Quí - cô Long và gia đình Chiến - Quyên, Cương – Hà. Mấy nhà này đều là chỗ  thân thiết trong thời kỳ mình công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 1.
Chiều. Vợ chồng chú Phạm Dũng Tiến và ba cháu đến chúc Tết. Gia đình chú Tiến - Nga thật hạnh phúc. Cô chú khỏe mạnh, xứng đôi, thành đạt; con cái giỏi giang, phương trưởng.

Ngày 10 tháng Giêng

Nhận lời mời của bác Nguyễn Hữu Liễu, anh ruột của anh Nguyễn Hữu Hòe, sáng ngày 10 tháng Giêng, mình cùng anh Lê Duy Toàn, anh Nguyễn Hữu Hòe và chú Lưu Vạn Kha về nhà bác ở làng Chờ Cả, huyện Yên Phong. Đây là dịp mình du xuân, thưởng lãm văn hóa Kinh Bắc.
Mưa bụi, tiết trời ấm áp. Đúng 8 giờ chiếc TOYOTA màu đồng hun của chú Kha chở 4 anh em xuất phát.
Đã ngoài 60 tuổi, là nhà báo kì cựu, giỏi ngoại ngữ, có hơn 20 năm công tác ở nước ngoài, nhiều năm tháp tùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chú Kha là người có hiểu biết sâu rộng, khiêm nhường và lịch lãm.
Là chỗ tri âm thân thiết, mấy năm qua, bộ tứ Toàn - Hòe - Đẩu - Kha thường hàn huyên đàm đạo thế thái nhân tình bên ly cà phê sáng.
Từ Mỹ Đình xe chạy ra đường Phạm Hùng. Thường thì, xe rẽ sang hướng Bắc vào đường Phạm Văn Đồng lên cầu Thăng Long đi về phía sân bay Nội Bài, rồi quặt sang Đường 18 đi Bắc Ninh. Đằng này, chú Kha lái xe quặt về hướng Nam theo đường trên cao từ cầu Mai Dịch qua cầu Thanh Trì rồi rẽ trái theo Quốc lộ 1A mới. Mới đầu thoạt nhìn cứ như trái chiều. Nhưng cả hai hướng lại cùng về một điểm theo một đường vòng tròn gấp khúc khép kín.
Tới Phố Chờ, xe vào cửa hàng cháu Lưu. Gọi là cháu theo ngôi thứ, chứ Lưu cũng đã 48 tuổi, có con vào Đại học rồi. Lưu là con chị Thi, chị gái của chú Kha. Bố Lưu là liệt sĩ Ngô Văn Huyên, quê ở Hiệp Hòa, hy sinh năm năm 1969 tại Suối Chiếc, chiến trường Nam Bộ. Tính ra ngày đó Lưu mới lên 3 tuổi. Cửa hàng của Lưu khá rộng, bán vật liệu cốp pha, xà gồ.
Từ cửa hàng của Lưu, xe đi vào nhà chú Kha trong làng Phù Lưu. Đây là một làng cổ ở vùng châu thổ Bắc Bộ, đang từng bước đô thị hóa. Ngõ vào làng được lát gạch hoặc xi măng, nhà cửa bê tông hóa chen chúc, san sát, chẳng khác gì ở phố. Nhà chú Kha là 7 gian nhà cổ, gỗ xoan ròng. Trước bàn thờ còn lưu lại mấy mét vuông gạch men hoa từ hơn trăm năm trước. Trên bàn thờ có di ảnh thân phụ chú Kha là cụ Lưu Vạn Khoa, nguyên Phó chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Yên Phong từ nhiều năm trước.
Rời làng Phù Lưu, xe chạy sang làng Vọng, nơi có nhà của anh Ngô Quí Vân, người cùng công tác với mình hồi ở Văn phòng Tổng cục Chính trị. Từ ngoài đường ô tô hỏi thăm, nhiều người đã biết nhà anh Vân. Qua cổng làng rẽ trái tới tòa nhà hai tầng đẹp trên một khuôn viên khá rộng. Mặc dù anh chị Vân và các cháu có nhà mặt phố khá to với đầy đủ tiện nghi ở 95 Lý Nam Đế - Hà Nội, nhưng từ ngày nghỉ hưu, anh chị thường xuyên về đây neo đậu bến quê.
Mình hỏi anh Vân, ở đây tên là làng Vọng, nhưng ở cổng làng lại có 3 chữ Hán rõ to, tôi chỉ biết chữ ở giữa là chữ “Mã”, nghĩa là sao. Anh Vân nói, đó là ba chữ “Dòng Mã Cái”, đến tôi về đây mấy năm rồi mà cũng không hiểu là vì sao lại viết như thế nữa.
Chia tay anh chị Vân, xe trở lại Phố Chờ, vào nhà bác Liễu.
 Bác Liễu đang ngồi sẵn ở bộ tràng kỉ. Đã bước sang tuổi 73, nhưng bác còn tinh anh, khỏe mạnh. Tiếp xúc nhiều lần, mình nhận ra, bác Liễu là người có văn hóa, từng trải, đọc sách nhiều, kiến thức phong phú. Là anh cả trong một gia đình gia giáo, có truyền thống văn hóa, bác có tầm ảnh hưởng lớn đến mọi người em thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Nhà bác làm bằng gỗ, 5 gian, lợp ngói âm dương, thoáng đãng, rộng rãi, bài trí ngăn nắp, tiện ích và đẹp. Ở chính giữa là gian thờ tổ tiên. Phía trên có bức hoành phi bằng gỗ khắc ba chữ Hán to, viết tháu, rất đẹp. Mình hỏi, đó là ba chữ gì. Bác Liễu nói, tôi cũng không đọc được. Tôi có nhờ một số người thạo chữ Hán nhưng cũng chưa ai đọc và giải được thấu đáo ngữ, nghĩa của ba chữ trên hoành phi.
  Hầu như trên mọi miền đất nước, tất cả hoành phi, câu đối ở đình, đền, chùa, miếu mạo, lăng mộ, từ đường và bàn thờ gia tiên đều thể hiện bằng chữ Hán. Đó là những dòng chữ được tiền nhân lựa chọn kỹ, cô đúc, có tính triết lý nhân văn sâu sắc. Những nơi đó thể hiện bằng chữ Hán mới xứng cách, mới sang trọng. Quả thực, không biết chữ Hán Nôm đã tạo nên một sự đứt đoạn về lịch sử  - văn hóa. Hiện nay, người biết chữ Hán Nôm với số lượng rất ít và cũng sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, khi tham quan các di tích lịch sử, công trình văn hóa và ngay cả trong nhiều gia đình, phần đông mọi người chẳng ai hiểu được người xưa viết gì; sự chiêm nghiệm, thưởng thức ý nghĩa là rất hạn chế.
Đến thăm bác Liễu bữa đó còn có PGS-TS Dương Văn Tiển, nguyên cán bộ Trường Đại học Thủy Lợi, là bạn học thời phổ thông của anh Hòe và chú Kha. Sau khi giới thiệu, anh Tiển nói, ông Đẩu ạ, với chúng tôi, bạn học trò là thân thiết với nhau nhất. Mình bổ sung, đúng thế, ở đời có ba loại bạn gắn bó chí cốt, đó là: bạn chăn bò, bạn học và bạn lính.
Mấy anh em ra tham quan Đền và Chùa Phú Mẫn, cách nhà không xa. Được biết, Đền Phú Mẫn thờ tướng Nguyễn Quí Minh từ thời các Vua Hùng - là thần hoàng của làng. Đây là một ngôi đền khá to, kiến trúc theo kiểu cổ, thế chữ Đinh ( T). Phía ngoài là nhà đại bái rất rộng. Phía trong là nội điện (hậu cung) thâm nghiêm. Đền mới được trùng tu rất đẹp. Xung quanh Đền đang diễn ra các hoạt động vui chơi thể thao văn hóa sôi nổi: cờ tướng, vật, bóng chuyền, cầu lông, văn nghệ,… thu hút mọi tầng lớp nhân dân. Trước sân Đền có cây đa do Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ trồng lưu niệm khi về thăm làng Phú Mẫn. Ở sảnh Đền có một cái trống rất lớn, đường kính mặt trống gần 2 mét. Các anh nói rằng, đây là chiếc trống chế tác mô phỏng. Chiếc trống thật còn to hơn. Mối lần đánh trống lên nghe như tiếng sấm. Xưa nay có câu: Trống Chờ, chiêng Chõ, mõ Phù Lưu. Đó là ba phương tiện thông tin để tập trung người dân các làng trong vùng làm lễ cầu mưa khi hạn hán, hoặc chống lũ lụt. Bên trong Đền được bài trí công phu, hoành tráng, thâm nghiêm và mọi thứ đều được sơn son thếp vàng rất đẹp.
 Cách Đền Phú Mẫn một quãng ngắn là Chùa Phú Mẫn - một ngôi chùa cổ, linh thiêng. Phía trong Chùa có các bàn thờ Phật, thờ Thần nối với nhà bái đường ở phía trước.
 Gần Đền và Chùa Phú Mẫn, còn có Miếu thờ Quận công Nguyễn Ngọc Trì là con rể của làng - người có công xây dựng Đền thờ Hai Ba Trưng ở Hát Môn. Thế mới biết, từ thuở xa xưa nhân dân ta đã thật công bằng rành rọt khi dựng miếu để tri ân người có công lập Đền thờ các vị Anh hùng dân tộc.
Được biết, ở làng Phú Mẫn còn có một cây thị cổ ngót bảy trăm tuổi, rất quí, được nhân dân bảo vệ như một di tích.
Trưa. Mọi người vui vẻ quây quần bên mâm cỗ thịnh soạn của nhà bác Liễu, rôm rả chuyện trò, nâng cốc chúc tụng nhau ngày Tết. Trong không khí ấm cúng thân tình, mình nói vui với bác Liễu và mọi người: Người Trung Quốc có câu: “ Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu / Thoại bất đầu cơ nhất cú đa” . Có nghĩa là, bạn bè tri kỷ gặp nhau uống một nghìn chén rượu còn là ít. Chuyện trò với nhau mà không hợp thì một câu đã là quá nhiều . Thật là quí hóa, bữa cơm hôm nay rất ngon, vì hội đủ cả 3 yếu tố: Thời điểm ngon (hợp thời gian). Môi trường ngon (hợp cảnh, hợp người). Và thức ăn ngon (hợp khẩu vị).
Quá giờ ngọ, mấy anh em chia tay gia đình bác Liễu và hẹn ngày gặp lại.
Kết thúc buổi du xuân ở làng Phú Mẫn đã khép lại những ngày Tết với nhiều cảm xúc vui vẻ, yên lành.

Đôi điều tản mạn lược ghi làm kỉ niệm về những ngày Tết. Mình coi đây là những dòng khai bút đầu xuân Quý Tỵ./.

                                                                             NMĐ

                                                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét