Menu ngang

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

VỚI HOÀI THANH TIÊN SINH: ĐÔI ĐIỀU TÔI MUỐN NÓI

 

                                                          Giáo sư  NGUYỄN ĐÌNH CHÚ


          Tôi có cái may mắn là người đồng hương của ông. Thân phụ của tôi là bạn khoa cử với bác ruột của ông: cụ phó bảng Nguyễn Đức Đàm. Thưở nhỏ mới bước chân vào trường tiểu học, tôi đã được các thầy giáo kể cho nghe nhiều tài danh học vấn của xứ Nghệ quê tôi trong đó có Hoài Thanh. Lớn lên, tôi lại có thêm may mắn được làm cháu rể của ông. Nhạc phụ tôi, nhà Hán học Nguyễn Đức Vân là anh con bác ruột của ông. Rồi nữa, tôi lại là học trò đại học và năm 1958, trong một thời gian mấy tháng, là trợ lý của ông khi ông được điều từ Hội nhà văn Việt Nam sang phụ trách bộ môn Văn học Việt Nam tại 2 trường Đại học Sư phạm và Đại học tổng hợp Hà Nội. Dĩ nhiên, tôi còn là độc giả trung thành và ái mộ của ông, trong nghề nghiệp luôn coi ông là một trong số ít phong cách, kiểu mẫu cần học tập. Có bao nhiêu quan hệ riêng tư như thế tôi vẫn không dám nhận mình là người hiểu hết, hiểu đúng về ông. Nhưng cũng có cách hiểu riêng, trong đó có điểm trùng hợp với dư luận, sách báo, nhưng có điểm không trùng hợp mà như thế thì cũng là chuyện bình thường. Trong hội thảo khoa học kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông, tôi xin nói đôi điều trước hết là để tỏ tấm lòng của một người cháu, một người học trò trước sau rất mực kính yêu người chú, người thầy của mình; mặt khác cũng là muốn cùng các bạn đồng nghiệp trao đổi nhằm hiểu rõ thêm nhà văn lớn Hoài Thanh, một hiện tượng tưởng là đơn giản nhưng hóa ra cũng chưa hẳn là đơn giản.
          Đúng là mỗi người có một cách nghĩ, cách hiểu về Hoài Thanh, nhưng nét chung đã có và càng có rõ hơn là thừa nhận: Hoài Thanh là nhà phê bình văn học lớn nhất, tài hoa nhất của thế kỷ XX này trên đất nước Việt Nam. Trong văn nghiệp phong phú của ông, không phải mảng nào cũng xuất sắc cả. Nhưng riêng với Thi nhân Việt Nam ( viết chung với người em là Hoài Chân), dù có lận đận do thời tiết tâm lý tiếp nhận gây nên, nhưng thời gian vẫn đã ủng hộ nó. Đã có hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm Thi nhân Việt Nam chào đời (1942-1992) với nhiều lời ngợi ca nồng nhiệt, kể cả những lời chiêu tuyết cần thiết. Con cháu của ông đã có thể an tâm thoải mái để khắc vào mộ chí của người thân: Nhà văn Hoài Thanh – Tác giả Thi nhân Việt Nam. Gần đây nhất, nhà thơ từng là thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, trong Chân dung và đối thoại, hơn một lần, đưa Hoài Thanh lên ngôi thiên tài, có lẽ trước hết cũng là từ Thi nhân Việt Nam. Trong không khí chung đó, không ít người cảm thấy ngỡ ngàng, khó hiểu khi chưa thấy nhà phê bình lỗi lạc này trong danh sách những người đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, cũng chưa thấy tên Hoài Thanh ở một đường phố nào của Hà Nội trong khi thấy vị này, vị khác. Nhưng thôi, chuyện đời xin cứ để là chuyện đời. Ở đây hẵng cứ nói  chuyện về chính nhà văn Hoài Thanh đã. Mà thiết tưởng, chẳng cần nói thêm gì lời thăng hoa. Bởi lẽ những gì đã có, chẳng đã đủ rồi sao? Vấn đề đáng nói, cần nói thêm, không khéo lại thuộc về những gì là sự phức tạp, cực nhọc, kể cả sự hạn chế trong văn nghiệp Hoài Thanh. Cách làm này không phải là để hạ thấp, ngược lại là để hiểu cặn kẽ hơn, sâu sắc hơn hiện tượng Hoài Thanh vốn đã được khẳng định là một nhà văn, nhà phê bình lỗi lạc. Cách làm này, cũng đã từng phải đặt ra với hầu hết các bậc tài năng lớn khác, không chỉ trong quá khứ, mà còn là với muôn đời, bởi tinh thần khoa học triệt để cùng với tư duy triết học sâu sắc về sự sống con người nói chung, người nghệ sĩ nói riêng, đòi hỏi và cho phép.
          Từ cách đặt vấn đề như trên, hôm nay với Hoài Thanh tiên sinh, tôi có hai điều muốn nói:
1) Thử xem mối quan hệ giữa cảm tính và lý tính, giữa cảm tính và nhận thức ở Hoài Thanh, nhà phê bình lỗi lạc là thế nào?
          Cũng lại từ Thi nhân Việt Nam mà nói, thì quả đúng đây là một kiệt tác phê bình thơ, tính đến nay, có thể nói là vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam, mà xem ra trên thế giới cũng không dễ có nhiều. Tôi xin cứ nói thế để sau này có điều kiện sẽ kiểm tra thêm. Vậy thì cội nguồn giá trị của nó là gì? Theo tôi:
          1.1. Trước hết đó là một khả năng trực giác, một năng lực chân cảm kỳ diệu về văn chương vốn đã có truyền thống nảy sinh từ kiểu tư duy cầu tính của phương Đông (esprit global) khác với tư duy tuyến tính (esprit linéaire) của phương Tây. Một bên thiên về tinh thần chủ toán. Một bên thiên về tinh thần chủ biệt. Đặc trưng của kiểu tư duy cầu tính là sự hỗn dung, hỗn hợp giữa trực giác cảm tính và lý tính. Trong khi với kiểu tư duy tuyến tính, dễ thường có sự tách biệt rõ nét giữa cảm tính và lý tính để từ đó có sự coi trọng về tinh thần duy lý, óc phân tích, phân tách. Trong sự so sánh hết sức tương đối, có thể nói, kiểu tư duy cầu tính gần với tư duy nghệ thuật hơn. Trong khi, kiểu tư duy tuyến tính lại gần gũi hơn với khoa học và kỹ thuật. Số phận của thi nhân Việt Nam là gắn với sức mạnh của phương pháp phê bình văn học thuộc kiểu tư duy cầu tính đó cả trên 2 phương diện: khả năng kết tinh và khả năng tự vệ. Sự tấn công vào Thi nhân Việt Nam kể cả sự ruồng bỏ của chính tác giả Hoài Thanh đối với đứa con tinh thần do mình đứt ruột đẻ ra và rất mực xinh đẹp, kháu khỉnh là Thi nhân Việt Nam, đã bị thời gian đẩy lùi, xét cho cùng là sự bất lực của những chính kiến văn học nhất thời, của những thế lực nằm ngoài văn học trước sức mạnh của một khả năng chân cảm nghệ thuật lỗi lạc được kết tinh từ kiểu tư duy cầu tính có truyền thống bao đời của phương Đông, cũng là trước một khả năng tự vệ sắt đá của kiểu tư duy phê bình văn học này đã được kết tinh nghệ thuật. Có không ít người cho rằng phong cách phê bình văn chương của Hoài Thanh là phong cách tình cảm. Nói thế cũng chỉ mới là nhìn nhận mặt ngoài. Có người muốn chê Hoài Thanh thiếu lý luận trong khi viết văn phê bình. Nói thế cũng là do chưa nhận ra phương pháp phê bình thuộc kiểu tư duy cầu tính đang được nói ở đây. Hoài Thanh tự nhận phong cách, phương pháp phê bình văn chương của mình “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Nói thế là rất đúng và rất hay nhưng cần được giới thuyết rõ hơn như trên. Trong văn nghiệp phê bình của Hoài Thanh, không phải ở trường hợp nào, khả năng chân cảm thuộc kiểu tư duy này cũng đưa ông đến thành công xuất sắc như đã có với Thi nhân Việt Nam hoặc với nhiều bài viết thuộc về văn học cổ, trung đại… Những chỗ chưa thực sự thành công chính là chỗ năng lực chân cảm thuộc kiểu tư duy này ít nhiều đã bị những yếu tố bên ngoài gây nhiễu.
1.2. Cội nguồn thứ hai là sức mạnh của cái tôi - cá thể được coi như là một giá trị nhân bản mới mẻ, tiến bộ vừa được trỗi dậy từ những năm 20 đến Cách mạng tháng Tám - 1945 trong hoàn cảnh Việt Nam thuộc địa của Pháp. Chính đây là một trong những cơ sở tư tưởng, cơ sở triết học của công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX và cũng là sự kết tinh tư tưởng thẩm mỹ của giai đoạn văn học này nói chung, Thi nhân Việt Nam nói riêng. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã viết: “ Cứ đại thể, thì tinh thần xưa - hay thơ cũ - và thời đại nay - hay thơ mới, có thể gồm lại 2 chữ Tôi và Ta. Ngày trước là thời chữ Ta. Bây giờ là thời chữ Tôi. Nói giống nhau thì vẫn có chỗ giống nhau như chữ Tôi vẫn giống chữ Ta nhưng chúng ta hãy tìm chỗ khác nhau”. Để hiểu đúng thực trạng nhận thức của Hoài Thanh về chữ Tôi này, chúng ta hãy đọc tiếp những lời sau đây của Hoài Thanh khi cách mạng tháng Tám mới thành công trong bài Dân khí miền Trung đăng trên tạp chí Tiên phong số 3 ra ngày 16/12/1945: “Đoàn thể đã tái tạo chúng tôi trong bầu không khí mới của giang sơn, chúng tôi những nạn nhân của thời đại chữ Tôi hay muốn gọi là tội nhân cũng được. Chúng tôi thấy rằng đời sống riêng của cá nhân không có nghĩa gì trong đời sống bao la của đoàn thể”. Hôm nay, thế kỷ XX sắp đi qua, chúng ta nghĩ gì trước sự thay đổi thái độ của Hoài Thanh đối với cái Tôi quá rõ rệt, quá nhanh chóng như thế? Quả đây là một hiện tượng gần như tất yếu đối với Hoài Thanh, một con người đã từng có mặt trong phong trào yêu nước trước 1930, từng tham gia Đảng Tân Việt, bị thực dân Pháp bắt bỏ tù, rồi trục xuất ra khỏi Hà Nội bắt về quê, sau đó vào Huế dạy học, viết văn trong sự theo dõi của chính quyền thực dân, viết tác phẩm Văn chương và hành động chưa kịp phát hành đã bị thu hồi, một con người có mặt này mặt khác nhưng nổi lên trước hết vẫn là niềm thiết tha với độc lập dân tộc, với hạnh phúc nhân dân. Chính cách mạng đã không lầm khi đặt “vị chủ soái của quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật” (?) mới trước đó chưa lâu, vào nhiều cương vị quan trọng trong đời sống văn hóa nghệ thuật của chế độ mới. Cần khẳng định dứt khoát rằng: việc Hoài Thanh gần như là người tiên phong từ bỏ cái Tôi để về với cái Ta ngay khi Cách mạng mới thành công đang gặp nhiều điều rối ren chưa kịp giải quyết, là một dấu hiệu tích cực tiến bộ, rất đáng biểu dương. Bởi lẽ: biết sống vì cái Ta, cho cái Ta, muôn đời vẫn là chân lý, vẫn là nét đẹp cao cả nhất trong nhân cách Việt Nam. Dù vật đổi sao dời đến đâu, xin đừng lãng quên chân lý đó. Tuy nhiên, ở đây, cũng là từ sự sống của đất nước, của con người mà thấy vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Ở đây còn bao nhiêu vấn đề cần có sự tường minh mà xem ra đến nay hầu như vẫn chưa có tới độ cần thiết. Đó là các vấn đề: cái Tôi là gì trong sự sống nhân loại trước khi là trong văn chương nhân loại? Cái Tôi trong sự sống Việt Nam và trong văn chương Việt Nam đã tồn tại ở trạng thái nào? Có gì là khác với thế giới? Cái đã có với nó là gì, chưa có với nó là gì trong nhận thức của học giới Việt Nam? Sự khác nhau giữa cái Tôi, cũng gọi là cái cá nhân (Individu) với chủ nghĩa cá nhân (Individualisme) là gì? Rồi ra là mối quan hệ giữa cái Tôi và cái Ta, được quan niệm và xử lý thế nào mới là tối ưu, mới là không sa vào chủ nghĩa xã hội không tưởng, vào sự phiến diện, thiếu hài hòa? Để có cách xử lý tối ưu, còn phải hiểu cái Ta thế nào cho thật thấu đáo. Nói vấn đề không đơn giản là bởi thế. Trở lại với Hoài Thanh, sẽ thấy té ra khi làm bà đỡ đẻ cho phong trào Thơ mới cũng là cho cái Tôi – cá thể, Tiên sinh chỉ mới có cái tư thế của sức mạnh trực giác, chân cảm và chỉ thế thôi cũng đã đủ cho ông hoàn thành xuất sắc vai trò đỡ đẻ, đã đủ cho ông sản sinh kiệt tác Thi nhân Việt Nam; nhưng lại chưa có bao nhiêu cái tư thế của một triết gia giàu năng lực nhân thức lý tính để có thể tường minh và do đó có cách xử sự đúng đắn, chững chạc, hợp lý hơn cái Tôi một khi có sự thay đổi môi trường xã hội, một khi có cái Tôi đã chuyển từ phạm vi văn chương sang phạm vi cuộc sống rộng lớn, đặc biệt là cuộc sống có liên quan đến chính trị. Cũng vậy, khi đến với cái Ta, dù Tiên sinh có dư sự hồn nhiên, nhiệt thành và cao cả, nhưng ít nhiều vẫn chưa vượt qua chủ nghĩa tình cảm vốn thuộc cá tính, điệu sống của mình. Tôi nói thế, không biết đã thật đúng chưa. Nếu đúng thì nên lấy đó là hệ quy chiếu để giải mã đường văn và cũng là đường đời của tiên sinh. Cần nói thêm rằng nhược điểm của Hoài Thanh dễ thường cũng là nét chung của nhiều nghệ sĩ mà ta đã từng gặp trên văn đàn. Nhược điểm này ít nhiều có liên quan đến tâm lý nghề nghiệp mà nếu chỉ bó gọn trong chuyện văn chương thì chẳng sao, nhưng mở rộng ra vào cuộc sống vô cùng phức tạp thì khó lòng tránh khỏi sự loạng choạng. Ông bạn làm thơ chân dung về Hoài Thanh (chuyện đã có trên giấy trắng mực đen nhưng tôi chẳng nên nhắc lại cụ thể ở đây làm gì) liệu có nghĩ như tôi nghĩ không? Có đồng ý với cách nghĩ của tôi không? Hay bạn chỉ quen theo cách của bạn? Xin tùy.
2. Sự mặc cảm tội lỗi và nỗi nhọc nhằn của một tài năng.
          Hoài Thanh là một con người suốt đời khát khao lý tưởng. Trước hết là lý tưởng độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân. Nhưng thực tế quá khắc nghiệt và cũng do ông chưa đủ độ cao bản lĩnh, nên đã chịu rơi vào thế bất lực. Ông đành về với cõi văn chương để tìm lý tưởng ở cái Đẹp với một ý nguyện rất mãnh liệt và chân thành rằng: Cái đẹp cũng có ích cho đất nước, cho nhân dân. Ông quả thật không ngờ chính tại đây đời ông sẽ là vinh quang nhưng cũng kèm theo bi kịch, nhọc nhằn. Xin được trở lại với câu chuyện bút chiến giữa phái Hải Triều và phái Hoài Thanh vào những năm 35, 36 đã được mệnh danh là giữa quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh và quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật? Trước mắt chúng ta, đã một thời, hầu như việc kết luận đúng sai, thua thắng ở đây đã là điều thôi khỏi bàn cãi. Chính Hoài Thanh trong bao nhiêu năm, chẳng đã tự phê, tự nhận phần sai, phần tội về mình, chứ còn gì! Nó là thế nào, chắc gì người đời đã hiểu hết, hiểu đúng, nhất là ở phần sâu kín nhất của đáy lòng. Chỉ biết ông đã rơi vào trạng thái mặc cảm tội lỗi mà có lẽ nên xem là ngoại nhập hơn là nội sinh. Đối với Hoài Thanh tiên sinh, cái mặc cảm tội lỗi này quả thật là rất đỗi nặng nề. Nặng nề tới mức, có lúc, có người đã muốn gỡ bớt cho ông, thế mà ông cũng chẳng dám nhận. Việc này muốn rõ thêm, xin hỏi ông Hoài Chân, em trai ông cũng là đồng tác giả Thi nhân Việt Nam và sau này có liên quan nhiều đến việc làm Tuyển tập Hoài Thanh. Thêm nữa, là nhà phê bình văn học Trương Chính, người giới thiệu Tuyển tập Hoài Thanh, từng được Hoài Thanh coi là người tri âm. Có một chi tiết sau này khi tiên sinh qua đời, mọi người mới biết là hóa ra vào những ngày cuối cùng trên giường bệnh, trước lúc đi xa, tiên sinh đã bắt đầu nhận lại đứa con tinh thần của mình trong lời tâm tình đuối hơi với các con ông và cả trong lời di bút run tay chưa kịp công bố. Ông nói với các con: “Cha biết văn chương của cha cũng vậy thôi. Nếu không có Thi nhân Việt Nam thì không chắc gì người ta đã công nhận cha thực sự là một nhà văn”. Câu nói nghe mới chân thành, mới tội nghiệp làm sao! Đúng là đời văn Hoài Thanh tiên sinh đã đi qua nhiều năm tháng đầy bị kịch. Chính cái bi kịch này đã không ít chi phối cách đối nhân xử thế của ông. Tôi vẫn lại muốn hỏi ông bạn làm thơ chân dung Hoài Thanh mà trên đã nói tới, liệu bạn có nghĩ gì về cái bi kịch đáng thương này không ở nhà phê bình lỗi lạc của chúng ta. Còn Hoài Thanh tiên sinh, trước lúc nhắm mắt từ giã cõi đời, liệu đã tự thanh toán được đến đâu cái mặc cảm tội lỗi mang tính ngoại nhập khi đã có lời di bút, có lời tâm sự riêng tư, thầm kín với các con? Không chừng tiên sinh vẫn phải ôm một phần “Xuống tuyền đài chưa tan”. Và hôm nay, ở thế giới bên kia, liệu tiên sinh có nghe biết gì không những thay đổi, đổi mới nơi dương thế Việt Nam thân yêu này của mọi người chúng ta, trong đó có phần dành cho tiên sinh đấy. Lớp văn sĩ đàn em, học trò của ông, bạn hữu của ông, đã mở hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm Thi nhân Việt Nam ra đời như đã nói.Cả đến cuộc bút chiến quan điểm nghệ thuật mà sau đó đã từng đưa ông vào trạng thái mặc cảm cũng đã và đang được xem xét lại trong tinh thần khách quan, khoa học với bao nhiêu vấn đề cụ thể, câu hỏi cụ thể: có đúng hẳn đây là cuộc tranh chấp giữa hai quan điểm: nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị nghệ thuật không? Có đúng Hoài Thanh thực sự là thuộc phái nghệ thuật vị nghệ thuật không? Một khi Hoài Thanh đương thời không hề nhận mình là “ nghệ thuật vị nghệ thuật”. Một khi Hoài Thanh chỉ chủ trương “ Văn chương là văn chương” văn chương gì thì cũng phải có văn chương, chữ “vị” và chữ “” không khác nhau sao? Một khi Hoài Thanh viết Văn chương và hành động chưa kịp phát hành đã bị cấm lưu hành? Một khi Hoài Thanh trong nhiều bài viết khác đã có những câu như thế này: “ Vả chăng lối văn chương ngây thơ, viết đi viết lại hoài trong mấy năm nay tưởng không thể sản xuất được tác phẩm nào có giá trị hơn nữa. Nguồn văn ở đây đã cạn rồi, văn sĩ ta bây giờ phải đi tìm thi cảm ở chổ khác. Những nơi núi cao biển rộng, những cuộc đời mãnh liệt, lạ lùng, những tính ly kỳ, những cảm giác mạnh mẽ, những cảnh rực rỡ huy hoàng cùng những cảnh lầm than đau khổ của ức triệu con người (tôi gạch dưới: NĐC), biết bao nhiêu tài liệu mà xưa nay văn giới ta chưa biết đến hay nói cho đúng - chưa biết đến một cách tường tận. Nghệ thuật phải có sức giúp người ta phản động lại với hoàn cảnh củng bẩm thụ tự nhiên. Tôi thấy hoặc rải rác nơi đồng ruộng, hoặc chen chúc nơi thị thành, những đám người lam lũ, áo quần rách rưới đương lẳng lặng sống dài những ngày vô thú vị. Một sự mơ ước bổng nảy ra trong lòng tôi. Tôi ước mong thấy một người cùng sinh trưởng trong đám bình dân mà có tài học hơn người, có những mối cảm xúc thiết tha hơn người sẽ hiểu thấu những nổi bí ẩn trong tâm hồn bao nhiêu người và phô diễn ra bằng những lời bình dị. Người ấy sẽ vì bình dân tạo ra một tâm hồn chung, bày tỏ những nguyện vọng chung, định một con đường đi chung, tìm một cái nhân sinh quan chung….”
          Từ những quan điểm như thế của Hoài Thanh, đặc biệt là gần đây, một khi cuốn Văn chương và hành động của Hoài Thanh sau hơn 60 năm kể từ ngày bị thực dân Pháp cấm lưu hành, tưởng đã bị thất truyền, nay có người tìm lại được từ nước Pháp đem về in ra để mọi người cùng đọc thì không thể không nghĩ khác về Hoài Thanh có hạn chế là chưa hướng văn chương vào cuộc đấu tranh cách mạng đương thời thì đúng, thì khó bề chối cãi nhưng kết luận Hoài Thanh là người thuộc phái nghệ thuật vì nghệ thuật thì lại không thỏa đáng. Bởi lẽ, bàn tới vấn đề này thì chuyện còn phức tạp hơn nhiều so với những gì mà trong cuộc tranh luận, hai bên đã nói tới. Mới hơn một tháng đây thôi, trên Văn nghệ số ra ngày 8/5/1999, Nguyễn Khải trong dịp đọc lại Tiểu thuyết thứ bảy, chẳng đã chiêu tuyết, “ phiên án” cho Hoài Thanh đó sao? Ở đây, sau khi đọc lại bài Văn bình dân của Hoài Thanh trên TTTB số 42 tháng 3/1935, Nguyễn Khải đã viết: “ Ông đâu phải là người chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật”. Sau khi đọc lại bài “ Kinh đô Huế với văn chương” trên TTTB số 52 tháng 5/1935, Nguyễn Khải còn viết: “ Viết như thế tức là nhà lý luận văn học theo quan điểm Mác xít rồi, mà con hơi máy móc nữa. Hoặc giả báo in lộn tên? Hoài Thanh viết bài này vào tháng 5. Chẳng lẽ đến tháng 8 cùng năm ông lại đến biến hóa thành người chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật? Ai mà tin. Cứ theo thiển ý của tôi thì trong bất kỳ cuộc tranh luận nghệ thuật nào, cũng có những chỗ chưa thật hiểu nhau. Điều đó cũng dễ hiểu vì họ là những nghệ sĩ”. Cũng từ cái đà này, dễ thường còn phải nghĩ đến cách kết luận đúng sai, thua thắng một thời đã có về cuộc bút chiến này. Thì té ra, đây cũng chỉ là chuyện của người sau, chứ đương thời làm gì có chuyện đó. Bởi đương thời lấy đâu ra trọng tài. Mà dù có trọng tài thì trong chuyện học thuật văn chương, đâu có sự thắng thua như trên sân cỏ. Tôi còn muốn nghĩ, tiếc là Hải Triều đã qua đời tháng 8/1954 chứ còn sống, chắc gì ông đã chịu nhận phần thắng mà ai đó đã tặng cho mình? Một khi Hoài Thanh đã là đồng chí của ông, một khi Hải Triều rất có thể cũng đã nghĩ khác nghĩ thêm điều so với trước.
          Tóm lại là trong không khí đổi mới của đất nước hôm nay, đặc biệt là trên cơ sở tư liệu được phát hiện thêm, đọc kỹ thêm, vấn đề quan điểm nghệ thuật của Hoài Thanh và cũng là vấn đề thực chất của cuộc tranh luận, bút chiến giữa cái gọi là nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh đã bước vào một trạng thái mới trên con đường khoa học mà bản chất là sự tìm lại (recherche) về chân lý. Mặc dù, cũng biết rằng những gì một khi đã ít nhiều có sự định hình, định kiến thì khoa học cũng không dễ một lúc mà nói khác nhiều đi được, một lúc mà thống nhất với nhau ngay được. Chỉ biết hãy tin tưởng vào vị trọng tài nghiêm minh nhất, công bằng nhất là thời gian. Trước mắt, tôi tạm nghĩ, giá gì ở cõi vĩnh hằng kia, Hoài Thanh tiên sinh biết được chuyện có liên quan đến mình, làm mình phải nhọc nhằn trong nhiều năm tháng, đang diễn ra như thế, hẳn cũng có chút thảnh thơi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét