Menu ngang

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Kỷ niệm 615 năm sinh Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí (1397-2012)
                
                           Người hai lần khai quốc
                                                                                                       
                                                                                               GIAO HƯỞNG

                  Lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam cho thấy, bao lần Tổ quốc bị họa xâm lăng là bấy lần sông núi hồn thiêng sinh ra những Võ tướng Văn tài, sát cánh cùng toàn dân đánh đuổi quân cướp nước ra khỏi bờ cõi. Trong đội ngũ hiền tài được lịch sử dân tộc tôn vinh lên hàng danh tướng danh thần, Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí  là người "hai lần khai quốc”. Từ cống hiến to lớn đối với nhân dân với đất nước, các thế hệ đời sau tôn vinh ông là "Thiên cổ vĩ nhân, vạn cổ cương thường" (Vĩ nhân muôn đời, phép tắc muôn đời).
                                   
                   Thiên cổ vĩ nhân
              Dịp Lễ Vu lan năm nay tôi về Đền thờ dâng hương kính viếng Thái sư tại quê làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Đền thờ Ngài tọa lạc cách Thị xã biển Cửa Lò 4 km, năm 1993 Đền thờ là Di tích LSVH quốc gia, một công trình kiến trúc lịch sử-văn hóa nổi tiếng, hằng năm thu hút hằng vạn lượt du khách trong ngoài nước đến với Nghệ An. Ngay từ ngoài cổng khu Đền thờ rực rỡ đôi câu đối nền đỏ chữ vàng, viết bằng quốc ngữ chân phương, người Việt ai cũng đọc được:
                               Muôn thưở sáng ngời công khai quốc
                               Ngàn năm oanh liệt chí bình Ngô
                      Từ cổng vào tới hậu cung ước chừng 500m, quãng thời gian bách bộ đủ để du khách nghiền ngẫm đôi câu đối và tạc vào tâm tưởng. Tộc phả họ Nguyễn Đình-một trong những dòng họ lớn của xứ Nghệ, đã giúp tôi biết thêm nhiều điều về vị Thái sư Cương quốc công. Ngài SN 1397 tại làng Thượng Xá, mất ngày 30.10 âl năm 1465 tại tư dinh ở Hoàng thành Thăng Long. Năm Đinh Hợi (1467) dịp kỵ đại tường mãn tang Ngài, Vua Lê Thánh Tông ban tặng 1000 quan tiền, sai đại thần mang về lập dựng Đền thờ theo chế độ "quốc tế" (do Nhà nước tế lễ). Cũng dịp này Vua sai Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1474) Tế tửu Quốc Tử Giám, phụng soạn văn bia khắc đá đặt thờ. Văn bia đề ngày 06.10 năm Quang Thuận thứ 8 (24 ngày trước Lễ kỵ đại tường) có câu: Từ xưa tới nay, người làm bề tôi mà lúc sống được phong, khi chết được tặng, văn ngợi ca vinh quang không dứt, thật không ai sánh nổi với ông.
                    Cống hiến to lớn của Ngài trong chặng đầu 10 năm đánh đuổi giặc Ngô giải phóng đất nước (1418-1428), và tiếp 36 năm công cuộc phục hưng đất nước (1429-1465) dưới 4 đời Vua Lê (Lê Thái Tổ 1428-1433, Lê Thái Tông 1434-1442, Lê Nhân Tông 1443-1459, Lê Thánh Tông 1460-1497) mà Ngài luôn giữ vai trò trụ cột, từ trước tới nay sử sách "ngợi ca vinh quang không dứt"; Bài viết nhỏ này chúng tôi xin công bố 2 tài liệu lịch sử đặc biệt, đó là bản Di huấn Ngài lập năm 1462 tức 3 năm trước khi quy tiên, và bài chế của Vua Lê Thánh Tông viết năm 1460 khi ông vừa lên ngôi, nói về công lao to lớn của Ngài đối với dân với nước. Hai tài liệu này đặc biệt ở chỗ cả hai tác giả là hai nhân vật lịch sử, được công bố ngay sau khi tự viết ra.
                                Cũng dễ hiểu. Là CON NGƯỜI CỦA LỊCH SỬ, tác giả bản Di huấn đồng thời là chứng nhân, là tác nhân của hằng loạt sự kiện lịch sử, vậy nên Di huấn của Ngài phản ánh sâu đậm tư tưởng chủ đạo về các quan hệ xã hội chủ yếu của lịch sử phong kiến Việt Nam vừa mới hình thành ở giai đoạn này. Trong khi tìm hiểu nội dung bản Di huấn mang đậm dấu ấn lịch sử này, chúng tôi đặc biệt quan tâm ý kiến của 2 người cùng thời nói về tác giả của bản Di huấn, đó là lời của minh vương Lê Thánh Tông trong bài Chế ca ngợi công lao của Ngài khi Ngài đang sống, và bài văn bia do Tiến sỹ Nguyễn Trực soạn sau 2 năm Ngài qua đời.
                        Lê Thánh Tông lên ngôi lúc 19 tuổi, trong thời gian trị vì, ông nhiều lần tri ân công lao to lớn của Ngài, bài Chế trích dẫn sau đây được ông viết năm 1460 ngay sau khi vừa lên ngôi: "…Khí độ trầm hùng, tính người cương đại. Giúp Cao hoàng khi mở nước, trăm trận gian nan. Phò tiên khảo lúc thủ thành, hết lòng giúp rập. Ra vào hết chức phận tướng Văn tướng Võ, trước sau giữ trọn tiết làm tôi làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều tưởng mộ phong thái, bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh. Tiên đế mất trong lúc Nam tuần, người ân cần nhận lời di chiếu. Ta lên ngôi như mặt trời mới mọc, người hết lòng bày tỏ mưu mô. Tôn miếu xã tắc được vững vàng, Trung Châu Man Di đều thuần phục.
                Mới rồi: Vì trong nước yên tĩnh lâu ngày, nên việc võ dần sinh trễ nải. Giặc cướp Phạm vào trong cung, biến cố sinh từ kẽ nách. Lúc nước có biến phi thường, chỉ ngươi mưu lo cứu vãn. Cha con ngươi một nhà, cùng một lòng diệt phường gian ác. Nghĩa vua tôi nghìn thưở, đỡ mặt trời mà đặt lên cao. Công kém gì đình thần nhà Hán, việc hơn cả các quan nhà Đường. Ba mối rường đã đứt lại được nối, vầng nhật nguyệt đã tối lại sáng ra. Công lao như thế đâu dám coi thường, Vì vậy đưa ngươi lên ngôi sư phó, tấn phong tước Á quận công. Lại cho người được khai phủ kiêm giữ chức trọng Bình Chương, để mọi việc sáng tỏ, để giúp đỡ mình ta.
            Than ôi! Bình nội nạn, chính ngôi Vua, trong đời công lao hơn cả. Thay việc trời, giúp Hoàng đế, nên hết lòng với nước nhà. Ngươi thực bề tôi trung ái, không cần phiền toái nhiều lời".
        (Liệt truyện Nguyễn Xí, sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, bản dịch của Nguyễn Thế Long, NXB KHXH Hà Nội 1978) 
          Bài Chế có câu Ra vào hết chức phận tướng Văn tướng Võ. Về phận tướng Võ của Ngài, sử sách xưa nay lẫy lừng tên tuổi, lẫy lừng chiến công của tướng Nguyễn Xí gắn với khởi nghĩa Lam Sơn, gắn với lịch sử 10 năm liệt oanh chống xâm lược Minh đầu thế kỷ 15. Về phận tướng Văn, nếu các hậu thế có dịp đi sâu tìm hiểu bản Di huấn của Ngài lập ngày 12.5.1462, niên hiệu Quang Thuận thứ 3, tức ba năm trước khi Ngài vào cõi "thế giới người hiền", sẽ càng tâm phục khẩu phục lời đánh giá tinh tường của đấng minh vương Lê Thánh Tông. Thiển nghĩ, mục đích Ngài lập bản Di huấn là chỉ để căn dặn con cháu trong gia đình dòng tộc mà thôi, do đó nhiều người ngoại tộc chưa có dịp tiếp cận bản Di huấn đặc biệt này, nên chúng tôi mạnh dạn chép ra để mọi người cùng nghiền ngẫm.
            Vạn cổ cương thường
          Như ta biết, ngày xưa các bậc chức sắc trước khi về với Tổ tiên thường để lại Di chúc, trong Di chúc dành một phần nói về đạo lý tình người để khuyên dạy con cháu, phần này gọi là Di huấn. Về hình thức thể loại, Di huấn và Chế thường là chỉ để nói cái riêng, nhưng ở nội dung của hai tài liệu nêu trên thì trong riêng có chung, trong chung mà rất riêng, do đó với giá trị nội dung đặc biệt ấy, các hậu thế cũng đủ chiêm ngưỡng được mảng màu chủ đạo trong bức chân dung trang trọng, tôn nghiêm của vị Cương quốc công, chân dung Ngài luôn được đặt trang trọng giữa cái khung lịch sử chói sáng, đó là sự thịnh vượng của quốc gia Đại Việt thế kỷ thứ 15
        " …TA là người xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, đạo Hoan Châu, vốn họ Nguyễn, tên Xí, mấy đời sống ở vùng biển với nghề nấu muối. Thưở nhỏ, gặp lúc nhà Nhuận Hồ mạt vận, cha mất sớm, phải theo anh tên là Biện dời nhà ra ở với Đức Thái Tổ Cao hoàng đế tại Lam Sơn. Năm đó TA vừa lên 9 tuổi, được Vua sai dạy một đàn chó biết tiến ngừng (theo hiệu lệnh). Vua thấy thế thì khen và càng thêm yêu mến. Ngày mồng 4 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), thấy giặc Minh ngày càng tỏ ra điên rồ, Vua đã cho giết voi uống máu ăn thề và lệnh cho các bậc hào kiệt dấy nghĩa binh ở đất Lam Sơn. Năm đó TA vừa hai mươi hai tuổi, được Vua trao cho binh phù và cùng anh là Biện dốc hết sức ra mong dẹp yên lũ giặc. Trong khoảng 10 năm trời, TA đã cùng các vị tướng khác, nếm trải trăm trận gian khổ, cuối cùng giặc Minh đã bị diệt. Núi sông đất nước được thu về trọn vẹn.
          Năm Mậu Thân (1428) Vua lên ngôi, mở đại hội tướng lĩnh, xếp thứ hạng, định phong thưởng. Xét TA có công lớn, phong cho danh hiệu KHAI QUỐC CÔNG THẦN Á QUẬN CÔNG, và anh TA là Biện hy sinh trong khi đánh giặc, cũng được Vua gia tặng THÁI PHÓ NGHIÊM QUẬN CÔNG, thụy HUỆ VÕ PHỦ QUÂN. Niên hiệu Thuận Thiên thứ 6, Vua để Di chiếu sai phụ giúp việc nối ngôi của Vua Thái Tông Văn hoàng đế. TA ngày đêm lo lắng công cuộc hưng thịnh thái bình. Tiếp đến đời Vua Nhân Tông, niên hiệu Diên Ninh thứ 6, có Lê Đức Hầu là Lê Nghi Dân, dấu kín lòng tà, ban đêm cùng Đồn (Phạm Đồn), Ban (Phan Ban) trèo tường vào cung điện giết Vua, cướp ngôi, xưng hiệu là Thiên Hưng. Lúc đó TA với cương vị đứng đầu, đã cùng các đại thần văn võ, xướng đại nghĩa, giết Đồn, Ban, quét sạch cung cấm, rước Hoàng thượng từ Phan Đế về lên ngôi đại báu, nối tiếp truyền thống lớn lao.
        Vua trân trọng tưởng nhớ TA là người có công lớn mở mang cứu vớt, khí tiết trung thành, bèn phong lên là KHAI QUỐC SUY TRUNG DƯƠNG VÕ MINH NGHĨA, PHỤ QUỐC TÁ LÝ, TĨNH NẠN TRUNG HƯNG CÔNG THẦN, THÁI NGUYÊN TRẤN, PHIẾU KỸ THƯỢNG TƯỚNG QUÂN, ĐẶC TIẾN KHAI PHỦ NGHI ĐỒNG, TAM TY NHẬP NỘI KIỂM HIỆU, TẢ PHỤ HỮU TƯỚNG QUỐC, THÁI PHÓ BÌNH CHƯƠNG QUÂN QUỐC TRỌNG SỰ, LỆNH QUÂN THIẾT ĐỘT TRUNG KIÊN DỰC TƯỚNG THIẾT ĐỘT, TẢ KIÊN DỰC THÁNH THƯỢNG TRỤ QUỐC, TỨ KIM NGƯ, ĐẠI KIM PHÙ, CANG QUỐC CÔNG, TỨ TÍNH LÊ (đổi theo họ Lê của Vua), Vua còn tặng hiến khảo (cha) của TA tước THÁI BẢO ĐÌNH QUẬN CÔNG thụy PHÚC THẮNG PHỤ QUÂN, hiến tỷ (mẹ) của TA là QUẬN PHU NHÂN. Các thê thiếp của TA đều được hưởng phúc ấm và sự che chở.
          TA sinh được 16 con trai và 8 con gái. Con trai lấy vợ Công chúa, con gái lấy chồng Hoàng tôn (con cháu của Vua). Ai cũng được hưởng vinh quang tột mức phẩm chế (chế độ phẩm hàm). Vua còn sắc ban lộc điền công thần. Riêng TA cũng còn tạu thêm ruộng đất đầm ao tại các phủ, huyện, xã, trong đó có phần đặt làm ruộng tế, có phần chia cho các người lưu giữ làm sản nghiệp lâu dài.
        Nay các người trông thấy nhà đẹp ruộng tốt, giàu có, thì phải nghĩ đến nỗi vất vả chặt gai phát bụi của TA. Trông thấy cảnh ca nhi múa hát vui vẻ, thì phải nghĩ đến thời  TA phải gian khổ, nằm tuyết gối đòng. TA thấy đời Đường (Trung Quốc), Lý Tĩnh là bậc danh tướng nhưng có hai con là Kính và Nghiệp phạm tội làm phản. Các người cần lấy đó làm gương để tránh. Đời Tống (Trung Quốc) có Tào Bân cũng là danh tướng nhưng có hai con là Xán và Vĩ lại bước lên đàn tướng lĩnh. Các người nên sánh với họ. Các người con cháu phải cẩn thận giữ gìn gia pháp, lấy đạo hiếu để lập công. Ấy là con hiền cháu thảo của TA. Hoặc giả (trái lại), nếu ai gây đầu mối tranh giành nhau thì các ngươi phải làm biểu tâu lên triều đình về tội bất hiếu. Các ngươi hãy cùng nhau ghi nhớ lời dạy này của TA, không được quên !..."
         (Trích Di huấn của Cương quốc công Nguyễn Xí khắc trên bia đá, do ông Nguyễn Đình Điệp dịch, GS NGND Nguyễn Đình Chú hiệu đính, in trong Cương quốc công Nguyễn Xí, Tộc phả-Di huấn-Phụ lục, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Đình xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ấn hành năm 1993).
                Hầu hết Di huấn tập trung nói về đạo lý, về Hiếu, Nghĩa, Đức, Nhân…những giá trị cốt lõi làm người, qua đó khuyên dạy con cháu trui rèn, phấn đấu, tôn đắp gia tộc, gia phong, xứng đáng là công dân tốt trong cộng đồng xã hội. Từ chuẩn tắc dù không quy định thành văn, song nội dung Di huấn luôn đóng vai trò "Hiến pháp" của gia đình gia tộc, là "khuôn vàng thước ngọc" để con cháu làm theo. Ở phần giới thiệu Di huấn in trong cuốn Cương quốc công Nguyễn Xí-Tộc phả-Di huấn-Phụ lục, ghi: "Sau khi viết ra đã được dâng lên Vua Lê Thánh Tông xin xét duyệt, đóng dấu…". Về giác độ pháp lý, Di huấn mà được nhà Vua đích thân xem duyệt, phê chuẩn, đóng dấu (quốc ấn), thì đó là văn bản mang giá trị quốc gia. Được mang trong mình giá trị quốc gia, nghiễm nhiên là không dừng lại trong phạm vi lời dặn của tiền nhân gửi lại cho con cháu nội tộc nữa. Nói cách khác, bản Di huấn của Ngài sau khi được Vua xét duyệt, đóng dấu, đã trở thành sản phẩm tinh thần mang giá trị quốc gia, nội dung của Di huấn đã vượt ra ngoài khuôn khổ gia đình, dòng tộc. Có thể nói, sau khi được Vua xét duyệt, đóng dấu, giá trị của bản Di huấn đã phải gánh thêm một sứ mạng lớn lao, đó là: Những lời tâm huyết của vị đại thần "hai lần khai quốc" không những chỉ là tài sản của gia đình, dòng tộc; mà trở thành tài sản vô giá của quốc gia, được triều đình phổ biến rộng rãi trong muôn dân.
            Từ bấy đến nay đã 550 năm, độ dày thời gian quá đủ để bào mòn bia đá, riêng nội dung bản Di huấn của Cương quốc công vẫn sáng ngời giá trị kim chỉ nam, mãi là niềm tự hào của ước khoảng 2,5 triệu con cháu hậu duệ của Ngài đang sinh sống làm ăn khắp trong, ngoài nước. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì những khác lạ giữa bản Di huấn của Ngài với những bản Di huấn khác mà chúng tôi được tiếp cận. Đối chiếu các sự kiện, các biến cố, các quan hệ xã hội ghi trong Di huấn, với các tài liệu lịch sử (chính sử) thời Lê sơ, ta thấy Di huấn của Ngài phản ánh chính xác các sự kiện, các biến cố lịch sử ở nửa đầu TK 15. Bởi Cương quốc công là người trực tiếp trong hầu hết các vụ việc, là nhân vật lịch sử xoay chuyển thế cuộc, và sau khi trời yên biển lặng đã được lập lại, Ngài lặng lặng lui về hậu triều, ung dung tĩnh tại chép lại một cách trung thực, khách quan những điều mình chứng kiến, với sự minh triết nhìn nhận đánh giá của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng.
                      Sau đây là bài văn bia do Tiến sỹ Nguyễn Trực soạn sau 2 năm Ngài qua đời:
         "…Ông là người cứng rắn mà sáng suốt, dũng cảm mà nghĩa khí. Gặp lúc hữu sự, có thể dứt tình thân để đặt lợi ích của thiên hạ lên trên (nhắc lại sự kiện ông giả mù, đành lòng dậm chết người con trai út thứ 16 tên là Duy Tân bấy giờ mới mấy tháng tuổi, để cho bọn phản nghịch tin rằng mình "mù thật")…Lúc lâm bệnh nặng, ông được Vua sai sứ thần đem biếu tiền thuốc một ngàn quan và liên tiếp gửi lời dụ thăm hỏi. Ông mất giờ Thân ngày 30.10 niên hiệu Quang Thuận (1465), hưởng thọ 69 tuổi có lẻ.
          Nghe tin ông mất, Vua tiếc than, bỏ triều 3 ngày không ngự, ban nhiều tặng vật, cấp mọi thứ nghi trang tế lễ, một trăm quan tiền, và sai quan Hữu ty lo liệu mọi việc. Vua còn tặng ông danh hiệu THÁI SƯ CƯƠNG QUỐC CÔNG ĐẶC ÂN KHAI QUỐC. Từ xưa tới nay, người làm bề tôi mà lúc sống được phong, khi chết được tặng, văn ngợi ca vinh quang không dứt, thật không ai sánh nổi với ông. Một ngày trước khi phát dẫn, các quan đại thần đều hội nhau làm lễ và đến ngày 13.12 năm Bính Tuất (1466) thì an táng ông tại quê nhà huyện Chân Phúc, vốn là đất "thiên trụ" trước đó cũng đã chôn thân phụ của ông…"  (đất "thiên trụ": người xưa quan niệm là đất có thế vững chãi để phát đạt).
           Theo Tiểu dẫn của Hộ đồng họ tộc Nguyễn Đình: Sau khi viết xong Di huấn, Ngài dâng lên Vua Lê Thánh Tông và được Vua xét duyệt, đóng dấu. Hơn 300 năm sau các hậu duệ mới tiến hành khắc lời Di huấn của Ngài vào tấm bia đá đặt tại Đền thờ. Nhưng trong tấm bia này các hậu duệ lại bớt phần ghi về quá trình chiến đấu của Ngài trong phong trào Lam Sơn, mặt khác lại thêm vào một số điều xẩy ra trong phong trào khởi nghĩa Tây Sơn cuối TK 18 là chuyện Ngài không can dự. Vì sao các hậu duệ lại làm như vậy? Phải chăng là phòng khi trời thấp vẫn không phải đi còm, nên họ cố ý thêm "râu ông nọ" cho đẹp "cằm bà kia" nhằm mục đích "che đầu quân tử" và "mát mặt anh hùng". Sang đầu TK 20 khi tiến hành dịch văn bia ra quốc ngữ, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Đình đã lược bỏ phần ghi thêm vô lý ấy, việc làm sáng suốt này nhằm giữ gìn giá trị đích thực bản Di huấn lịch sử của Ngài.
               
           Qua Di huấn, các thế hệ con cháu không những biết về sự hy sinh cống hiến của hai anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí trong công cuộc giải phóng dân tộc ở đầu TK 15; cùng những việc "thâm cung" từng xẩy ra ở giai đoạn đầu triều Hậu Lê, mà còn biết được tình hình đại cục, đó là: Ngay sau thắng lợi của kháng chiến 10 năm chống quân xâm lược Minh, ở Đông Nam Á đã xuất hiện một Nhà nước quân chủ tập quyền hùng mạnh mang quốc hiệu Đại Việt. Có một triều Lê sơ đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc duy tân, xây dựng một Nhà nước phong kiến có hệ thống tổ chức mới. Hệ thống tổ chức Nhà nước ấy định ra các thang bậc giá trị, mà trong đó "phàm phần tử thờ Vua thì phải hết lòng trung" là tiêu chuẩn giá trị hàng đầu. Dù trong Di huấn của Ngài không nói thẳng ra nhưng các hậu sinh vẫn hiểu những phần tử thờ Vua trước hết là các Võ tướng, Văn tướng từng sát cánh với Lê Lợi "giết voi uống máu ăn thề", từng 10 năm "nếm trải trăm trận gian khổ". Sau ngày khải hoàn, những người "khai quốc công thần" được Lê Thái Tổ ưu ái đổi sang họ Vua, đó là các đại thần Lê Xí (Nguyễn Xí), Lê Liệt (Đinh Liệt), Lê Trãi (Nguyễn Trãi), Lê Chích (Nguyễn Chích)..vv....Và họ đều là "thần dân" trong mối quan hệ lệ thuộc với Hoàng đế-Hoàng thượng (tạm gọi là quan hệ Hoàng quyền-thần thuộc), một loại quan hệ lần đầu tiên xuất hiện trong đời sống xã hội Việt Nam.
         Nằm trong mối quan hệ "môi răng" ấy, Ngài biết được nhiều chuyện xẩy ra trong "thâm cung", toàn là những chuyện mà đối với hầu hết các đại thần thì "sống để bụng chết mang đi", riêng Ngài quê xứ Nghệ lại mượn Di huấn để "toạc móng heo" trước toàn dân thiên hạ. Dường như Ngài cũng biết, giữa một Nhà nước triều Lê sơ nhiều năm thịnh vượng, song Nhà nước phong kiến ấy vẫn là nơi tập quyền, Vua là cha của thiên hạ, là con Trời (Thiên tử), bộ máy từ triều đình đến làng xã vẫn là nơi dung dưỡng ý thức, quan hệ Vua-tôi, là thành trì của một lớp người thích sủng thần và nhiều hơn là "một thế giới" kẻ nịnh thần, tất cả khu trú trong cái guồng máy "chăn dân"-coi dân như súc vật ấy.
          Năm thế kỷ rưỡi sau chúng ta thử đặt mình trong quan hệ Hoàng quyền-thần thuộc và chọn một góc nhìn, càng trân trọng sự thật khách quan "mọc" ra từ sự cứng rắn mà sáng suốt, dũng cảm mà nghĩa khí của Ngài-một đại thụ tùng,bách sừng sững rợp bóng TK 15. Các Triều đại phong kiến Việt Nam có nhiều tùng, bách, song tùng, bách tới mức trong chuyện "riêng tư" gửi lại con cháu mà ròng ròng chuyện đại sự quốc gia, từ việc "cùng các đại thần văn võ xướng đại nghĩa, giết Đồn Ban, quét sạch cung cấm", đến việc rước Hoàng thượng từ Phan Đế về lên ngôi đại báu, nối tiếp truyền thống lớn lao…thì chỉ thấy ở Thái sư Cương quốc công mà thôi !
          Từ vị trí rường cột dưới 4 đời Vua, sau khi biển lặng sóng yên, Ngài chép ra sự thật cho dù sự thật ấy rất đau lòng. Đem những sự kiện Ngài chép trong Di huấn, đặt lên những sự kiện do người sau chép thành chính sử, ta có được sự kiện trùng khít chính xác từng xẩy ra nơi cung cấm. Với Ngài, để con cháu và muôn dân biết bản chất sự kiện do chính tay Ngài chép ra là cần thiết, cũng bởi mỗi khi sự thật đến được với muôn dân, thì chính lòng tin của muôn dân không cho phép những kẻ hại dân xuyên tạc, thậm chí đi ngược dòng lịch sử ! Rất tiếc ở thời ấy, và trong quan hệ Vua-tôi ràng buộc ấy, có được mấy người biết chọn đúng chỗ để gửi lòng tin của mình vào ý chí muôn dân-thành trì gìn giữ, bảo vệ, phát huy những giá trị lịch sử đích thực !
         Cảo thơm lần dở, qua Di huấn của Ngài chúng ta càng tâm phục, khẩu phục sự tường minh của Tâm lớn Trí cao, mong muốn làm tròn chức phận tướng Văn. Ngài không né tránh những chuyện "kinh thiên động địa" nơi thâm cung của triều Lê sơ, do đó Di huấn của Ngài đóng vai trò là văn bản chính thống mở toang bức màn "bí sử". Cảm phục cái "chất Nghệ" dũng quyết thường trực trong máu thịt của Ngài, bởi ngoài Vua ra không ai có thể yêu cầu một người đang ở ngôi sư phó, tước Á quận công, phải nói toạc móng heo những chuyện "thâm cung" mà thông lệ trở thành "bí sử". Chỉ có thể cắt nghĩa điều đó từ góc nhìn văn hóa về một CON NGƯỜI từng hết mình "đỡ mặt trời mà đặt lên cao", từ đó mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ của quốc gia Đại Việt.
           Như đã nói, Di huấn của Ngài không chỉ xoay quanh đạo làm người, mà còn đề cập nhiều chuyện đại sự quốc gia như việc "bè đảng riêng tây", đến việc "Lê Nghi Dân dấu kín lòng tà, ban đêm cùng Đồn (Phạm Đồn), Ban (Phan Ban) trèo tường vào cung điện giết Vua, cướp ngôi, xưng hiệu…" mà Ngài với trọng trách rường cột đã trực tiếp đảo ngược tình thế. Vậy nên Lê Thánh Tông vừa mới lên ngôi đã ví công lao của Ngài khác nào "đỡ mặt trời mà đặt lên cao". Mưu lược ấy thành công ấy chỉ có ở bậc Văn Võ song toàn.
           Xuất phát từ mục đích nước cường dân thịnh, từ nhu cầu tất yếu của quốc gia Đại Việt tiếp tục phát triển, lịch sử dân tộc mãi chói ngời việc Ngài đã chọn đúng "mặt trời" và đặt "mặt trời" đúng chỗ để quốc gia Đại Việt phát triển cực thịnh. Với cái Tầm cái Tâm sáng tựa Sao Khuê, sau khi chọn đưa minh vương "lên ngôi đại báu", Ngài cúc cung tận tụy sát cánh cùng minh vương mở ra một giai đoạn cực thịnh rạng rỡ của quốc gia Đại Việt-thời kỳ mà các sử thần thời Lê sơ gọi là "Thánh Tông trung hưng", một thời kỳ không mấy gặp trong lịch sử ngàn năm phong kiến. Công lao trời biển của Ngài chói ngời cùng sử vàng dân tộc.
           Ngài "sinh được 16 con trai và 8 con gái, tại thời điểm lập Di huấn Ngài còn 23 người con. Người con trai thứ 16 tên là Duy Tân sớm từ giã cõi trần vì Ngài "dứt tình thân để đặt lợi ích của thiên hạ lên trên", buộc lòng dẫm chết người con mới mấy tháng tuổi. 15 người con trai của Ngài đều theo đường binh nghiệp gồm: 1/ Sư Hồi (húy Nguyễn Đình Khôi). 2/ Nguyễn Sương (Phò mã). 3/ Nhật Huyền. 4/ Bá Kiệt. 5/ Kế Sài. 6/ Phùng Thời. 7/ Thúc Ngu. 8/ Tôn Cao (còn gọi là Tôn Ti). 9/ Cảnh Thanh. 10/ Trọng Đạt. 11/ Phúc Xà. 12/ Hữu Lượng. 13/ Đồng Dân. 14/ Nhân Thực. 15/Văn Chinh. Trong đó 7 người giữ chức vụ quan trọng của Triều đình ở Thăng Long, 8 người điều khiển 8 đạo quân trấn giữ các vùng trọng yếu trên khắp đất nước. Trong thời gian được giao trấn giữ vùng biển Đại Việt, con trưởng Thái úy Sư Hồi cùng vợ chồng người em trai thứ 5 Thái Bảo thượng trụ quốc Kế Sài (vợ là Phạm Thị Ngọc Ất) chiêu dân lập ấp, mở mang khai phá thêm vùng Thượng Xá, Vạn Lộc nay là Thị xã Cửa Lò. 8 người con gái của Ngài gồm: 1/ Ngọc Hỷ. 2/ Ngọc Lễ. 3/ Ngọc Minh. 4/ Ngọc Thái. 5/ Ngọc Biên. 6/ Ngọc Liễn (có bản chép là Ngọc Liên). 7/ Ngọc Kinh (có bản chép là Ngọc Quỳnh). 8/ Ngọc Bình.
                                                                                                ***
                   Khai mở trên 600 năm, dòng họ Nguyễn Đình xứ Nghệ là một trong những dòng họ lớn, mấy năm nay GS NGND Nguyễn Đình Chú là trụ cột của nhóm hậu duệ, được Hội đồng gia tộc cử ra thực hiện công trình Đại gia phả họ Nguyễn Đình. Tình cờ tôi gặp GS tại cuộc Hội thảo khoa học tổ chức ở TP Vinh để tìm hiểu thêm "dòng đời"-dòng họ Nguyễn Đình lớn mạnh, rậm rạp ngút ngát như đại ngàn cổ sinh. Bữa đó tôi mạnh dạn thông tin với GS về gốc gác một hậu duệ của Ngài, một Danh tướng duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh truy phong, đó là Liệt sỹ Phùng Chí Kiên (1901-1941), tên thật Nguyễn Vỹ, hậu duệ đời thứ 6 của Cụ Nguyễn Đình Liễn. Cụ Liễn nguyên quán huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh, khoảng đầu TK 19 Cụ ra lấy vợ quê xã Diễn Yên huyện Diễn Châu ở rể định cư tại đây, đến nay Chi họ Nguyễn Đình tại Diễn Yên chưa nối kết được với gia tộc họ Nguyễn Đình gốc Nghi Hợp để sung vào Đại gia phả.
                 Theo GS NGND Nguyễn Đình Chú, Đại gia phả họ Nguyễn Đình là công trình đồ sộ, 3 năm qua nhóm biên soạn tập trung cao độ, song cũng phải cuối năm nay hoặc đầu năm sau mới có thể tạm bằng lòng ấn hành.Tôi hình dung làng Thượng Xá là nơi khởi nguồn. Trên đường tới tương lai, dòng chảy ấy sinh sôi 15 Chi con đẻ trực hệ, và 3 Chi "dưỡng tử" (con nuôi) thuộc 3 họ Uông, Đặng, Chế là con cháu người Minh, người Chiêm, nguyên là binh lính của các đội quân xâm lược, về sau họ trở thành hàng binh của Ngài, được Ngài đưa về quê nuôi dưỡng.
                  Là trụ cột triều đình Ngài phải ở lại Thăng Long, việc cai quản giáo dưỡng số hàng binh này Ngài giao  cho các con Sư Hồi, Kế Sài (là 2 thuộc tướng trấn giữ từ xứ Nghệ tới biên cương phía nam Đại Việt). Đội ơn trời biển của Ngài mở cho đường sống, sau khi Ngài mất 3 Chi "dưỡng tử" đã cùng 15 Chi anh luôn keo sơn gắn bó, bình đẳng cùng nhau hương khói phụng thờ Ngài. Giờ đây con cháu hậu duệ của 3 Chi "dưỡng tử" vẫn tin rằng, với uy linh của Ngài, ở cõi vĩnh hằng Ngài vẫn luôn rộng lòng cưu mang họ như cách nay gần 600 năm đã từng cưu mang tổ tiên của họ /..       
                 



               
                 

               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét