Menu ngang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Kịch ngắn                                   LỰA  CHỌN

                                            ( Kịch ngắn: một màn, hai cảnh)
                       

Nhân vật :
Ông Đức - Đại tá quân đội, 54 tuổi
Bà Nhân  - vợ ông Đức , 51 tuổi
Lập - Trung úy, con ông Đức, 22 tuổi
Tâm -  người yêu của Lập, 21 tuổi
Thành - Trung đội trưởng

Cảnh 1
Tại nhà bà Nhân, ông Đức, mọi đồ đạc được sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp, giản dị. Trong nhà vắng vẻ, cửa vẫn mở.
Mở màn. Lập con bà Nhân mới tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 cùng người yêu về nhà báo cáo bố mẹ. Về đến nhà, thấy nhà vắng vẻ.
Lập : (Vui vẻ phấn chấn gọi) Bố, Mẹ ơi! Ơ! Cả nhà đi đâu nhỉ?
Tâm : (Ngắm khung ảnh) Anh Lập! Bức ảnh này hai bác chụp ngày cưới phải không anh ? Ôi đẹp quá ! Chúng mình bao giờ thế nhỉ?
Lập : Đúng đấy! Ảnh cưới của bố mẹ anh. Thế mà đã 30 năm rồi. Hơn 20 năm nay, bố anh luôn xa nhà, một mình mẹ anh nuôi anh khôn lớn. Vậy mà giờ đây anh lại phải sắp xa mẹ.
Tâm : Anh nói thế nghĩa là thế nào? Anh được phân công công tác ở Hà Nội. Tại sao lại phải xa mẹ, xa em? Hay là …
Lập : Không ! Anh đã nhận quyết định công tác ở Quân khu II rồi em ạ.
Tâm : Anh nói sao? Anh nhận công tác ở Tây Bắc à? Thật không? Là một học viên tốt nghiệp loại giỏi, có bố là Đại tá, công tác ở cơ quan Bộ Quốc phòng, tại sao anh lại không lựa chọn một nơi công tác tốt. Hay là anh mượn điều này để kiếm cớ xa em, phải không?
Lập : Kìa em, sao em lại nói thế?.... Em nên hiểu rằng, khi đã là sĩ quan quân đội, anh phải phục tùng sự phân công của tổ chức. Phía trước cần anh hơn. Anh cần về đơn vị cơ sở.
Tâm : Vậy như anh nói, ở phía sau này thì sao đây? Trong sự nghiệp chung, con người ta được sống bên nhau trong tình yêu thì hạnh phúc biết bao?

(Bà Nhân từ nhà hàng xóm trở về)
Bà Nhân : Lập con! Kìa cả Tâm nữa. Hai con về nhà lâu chưa?
Tâm : Cháu chào bác ạ.
Lập  : Con chào mẹ. Mẹ đi đâu về thế?
Bà Nhân : Ừ! Mẹ sang bên nhà hàng xóm có tý việc.
Lập : Mẹ ạ ! Con vừa tốt nghiệp loại giỏi, được phong quân hàm Trung úy. Tới đây con nhận công tác trên Tây Bắc mẹ ạ.
Bà Nhân :  (Giật mình) Con nói cái gì? Con nhận công tác tận ở Tây Bắc ư? Con đã nghĩ kĩ chưa? Nơi đó khó khăn gian khổ nhường nào? Con có biết không?
Đây là nguyện vọng của con hay là là tổ chức phân công? Con nói thật với mẹ đi để mẹ nói lại với bố con, may ra vẫn còn chưa muộn.
Tâm : Bác ạ. Cháu cũng rất buồn khi biết anh Lập nhận công tác ở Tây Bắc. Nhưng cháu nói thế nào, anh ấy cũng …
Lập : Kìa em !

(Lúc này có tiếng còi ô tô ngoài cổng. Ông Đức xuất hiện trong bộ quân phục quân hàm Đại tá, tay xách cặp, đeo kính trắng, gọng đen).
Lập : A! Bố đã về! Con chào bố!
Tâm : Cháu chào bác ạ.
Bà Nhân : Mình đã về đấy à.
Ông Đức : Chà, chà, hôm nay nhà mình vui quá nhỉ? Chào đồng chí Trung úy!
Lập : Kìa bố !
Ông Đức : Thì bây giờ con đã là sĩ quan quân đội rồi. Trường Sĩ quan Lục quân là chuẩn mực về Điều lệnh đấy nhé.
Bà Nhân : Thôi đi mình! Dù là úy, là tá gì đi nữa thì nó vẫn là con của chúng mình. Mình nhanh nhanh lên để vào bữa ăn chúc mừng các con.
Tâm : Có việc gì bác để cháu làm với. ( Tâm vào phía trong nhà)
Ông Đức : (Ân cần vui vẻ hỏi Lập) Thế nào Trung úy. Con đã nhận công tác rồi chứ?
Lập : Con đã nhận công tác ở Quân khu II rồi bố ạ.
Ông Đức : Tốt! Tốt lắm! Bố vừa đi họp về. Hiện nay các đơn vị cơ sở rất cần những sĩ quan trẻ đào tạo cơ bản ở Trường Sĩ quan Lục quân như con.
Bà Nhân : (Sững sờ) Kìa mình! Vợ chồng mình xa nhau mãi chưa đủ hay sao? Suốt 30 năm làm vợ, làm chồng, tôi và mình ở với nhau được bao lâu nào? Bây giờ chỉ có một đứa con trai, sao nỡ đẩy nó công tác ở những nơi xa xôi, hẻo lánh như vậy! Tôi xin mình hãy nghĩ đến tương lai của chúng nó. Và chúng mình cũng đã già rồi, rất cần nơi nương tựa.
Ông Đức : Kìa mình! Sao lại nghĩ tôi như thế? Lập, con hãy nói ý của con đi.
Lập : Thưa bố! Về phần mình, con sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Nhưng …
Ông Đức : Còn nhưng gì nữa. Con ạ, con người ta muốn trưởng thành thì phải trải nghiệm qua gian khó. Tuổi trẻ các con càng phải như vậy!
Tâm : (Đã ra phòng khách) Thưa bác! Bác có thể tạo điều kiện cho cháu và anh Lập gần gũi bên nhau. Chúng cháu thật sự không thể thiếu nhau!
Ông Đức : Cháu ạ. Bác rất hiểu và thông cảm với cháu. Nhưng theo bác nghĩ, nếu cháu đến với Lập bằng tình yêu chân thành sâu sắc, thì bác tin rằng mọi khó khăn cũng sẽ vượt qua thôi mà.
Bà Nhân : Kìa mình! Nhưng mà thằng Lập nó là ….
Ông Đức : Tôi hiểu, tôi hiểu! Chính vì điều đó mà hôm nay trong cái ngày hệ trọng này - ngày sẽ là bước ngoặt của cuộc đời con - tôi cần nói lên một sự thật. Nào, bây giờ mình vào nhà lấy cho tôi quyển anbum.
Bà Nhân : Mình cần quyển anbum để làm gì?
Ông Đức : Bà cứ mang ra đây cho tôi. (Bà Nhân vào nhà trong lấy quyển anbum đưa cho ông Đức).
Tâm : Anh Lập! Em cảm giác bác trai đang có điều gì quan trọng lắm.
Lập : (Im lặng gật đầu).
Ông Đức : Lập! Con nhìn vào đây. Bức ảnh này này.
Lập : (Chăm chú nhìn tấm ảnh) Ồ ! Tấm ảnh đẹp quá - Vợ chồng một sĩ quan trẻ.
Ông Đức : Con có phát hiện ra điều gì không? Ảnh người sĩ quan trẻ bị nhòa đi một ít. Đó chính là vết máu còn vương lại của anh ấy.
(Ông Đức chậm rãi kể) Các con ạ, chuyện là thế này. Bác Thành, người trung đội trưởng của bố năm xưa, sau khi tốt nghiệp thuộc loại xuất sắc của Trường Sĩ quan Lục quân, được cử đi học tiếp ở nước ngoài, nhưng bác ấy tình nguyện đi chiến đấu. Trước ngày đi chiến trường, bác Thành được tranh thủ về thăm gia đình. Nghe đâu bác gái đã có thai, chẳng biết là trai hay gái. Và …
 (Vào cảnh 2)

Cảnh 2
Quang cảnh nơi chiến trường, có tiếng súng nổ, khói lửa mù mịt. Xuất hiện một sĩ quan cầm súng ngắn và một chiến sĩ cầm súng AK đang chiến đấu quyết liệt. Một tiếng súng nổ, người sĩ quan bị thương, lảo đảo.
Chiến sĩ : (Chạy đến ôm chặt người sĩ quan và hô lên thảm thiết) Ôi ! Anh Thành! Anh Thành!
Anh Thành : (Nói thì thào trong khi bị thương ngực đẫm máu) Đức ơi! Ngày toàn thắng sắp đến rồi, nhưng với anh chắc là khó qua khỏi. Anh trao lại em tấm ảnh này. Mai đây trong ngày toàn thắng em nhớ tìm về nhà anh.
Chiến sĩ : Anh ơi! Anh không sao đâu. Vâng! Vâng! Em hứa …
(Cắt cảnh 2 chuyển về cảnh 1 . Ông Đức kể tiếp)

Ông Đức : Chiến tranh kết thúc, bố được cấp trên chọn về Trường Sĩ quan Lục quân học tập. Trên đường đi ra Bắc, bố đã tìm đến nhà bác Thành - một làng quê nghèo ven biển ở tỉnh Quảng Bình. Nhưng thật đau lòng! Cuối năm 1972, trong một trận oanh tạc của máy bay Mỹ, gia đình bị trúng bom chỉ còn sót lại một đứa con hơn một tuổi. Bố đã kể lại sự anh dũng hy sinh của bác Thành và những lời trăng trối của bác cho bà con ở quê nghe. Và bố đã xin phép địa phương và người thân đưa cậu bé về.
Bà Nhân : Kìa mình!
Tâm : Thế hai bác nuôi anh ấy ạ?
Bà Nhân : Hai bác hiếm hoi mà cháu.
Lập : Thế anh ây bây giờ ở đâu hở bố. Tại sao con không biết và chưa gặp bao giờ?
Ông Đức : Người con ấy chính là …chính là con, Lập ạ!
Lập : (Bàng hoàng sửng sốt) Không! Không! Sao lại thế này?
Bà Nhân : (Ôm choàng lấy con) Con! Con của mẹ! Đấy là sự thật, con ạ.
(Bà Nhân quay sang ông Đức) Mình ơi! Tôi rất sợ cái giờ phút này xẩy ra. Mình làm tôi mất đứa con rồi.
Ông Đức : Ô kìa! Sao mình lại nói thế, thì nó vẫn là con của chúng mình chứ sao.
Lập : Thưa bố mẹ! Con mãi mãi là con của bố mẹ đến trọn đời. Và con biết phải làm gì để xứng đáng với bố mẹ con, với bố mẹ.
Tâm : Anh Lập! Em đã hiểu. Anh hãy làm những gì theo đúng sự lựa chọn của mình.
Lập : Em ! …
Ông Đức : Các con ạ! Lớp lớp thế hệ học viên Lục quân là vậy. Họ sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ khi Tổ quốc cần.
Lập : Thưa bố mẹ, con xin nguyện sẽ kế tục xứng đáng truyền thống đó.
(Bà Nhân và Tâm cùng ôm choàng lấy Lập).

Hạ màn


                                                                         NMĐ





                                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét