Menu ngang

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

               Vì Chí Phèo và Thị Nở, tội bị coi là cụ Khổng động cỡn

                                                     Giáo sư Nguyễn Đình Chú

                                                                                                       
         Vài tuần nay, trên một số báo, kể cả báo mạng, có cuộc tranh luận chung quanh việc sách Giáo khoa Ngữ Văn lớp 11 phổ thông trung học trong khi chọn giảng tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao đã lược bỏ đoạn tả cảnh Chí Phèo và Thị Nở làm tình trong cảnh đêm trăng gió mát tại vườn chuối. Một bên thì cho rằng lược bỏ như thế là thiến tác phẩm, làm mất giá trị tác phẩm. Một bên thì bảo phải lược bỏ vì chưa phù hợp với tâm lý tiếp nhận của học sinh. Tôi xin không trực tiếp tham gia cuộc tranh luận này, mà chỉ muốn kể lại một sự thật đã xẩy ra với tôi từ câu chuyện tình của Chí Phèo và Thị Nở.
      Ấy là vào năm 1989, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp trước ngày nhập với Bộ Giáo dục để thành Bộ Giáo dục và đào tạo đã tổ chức biên soạn bộ đề thi dùng để tham khảo cho việc ra đề thi tuyển sinh đại học và cao đẳng hàng năm của các trường. Tôi và giáo sư Hà Minh Đức được mời làm chủ biên bộ đề thi môn Văn. Trong đó, ở câu II thuộc đề số 21, tôi đã ra như sau: “ Hãy phân tích và bình luận “ câu chuyện tình” giữa Chí Phèo và Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao". Tiếp đó, khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã dựa theo bộ đề thi, biên soạn sách Hướng dẫn ôn tập  Môn Văn (thi tốt nghiệp phổ thông trung học và vào các trường đại học cao đẳng) mà tôi cũng là tác giả về câu II của đề 21 đó với những ý chính như sau:
   -Văn chương và tình yêu là chuyện của muôn đời. Văn chương Việt nam ta bao đời nay đã để lại bao nhiêu mối tình hấp dẫn khác nhau…Nhưng tả một mối tình như “ mối tình” Chí Phèo –Thị Nở thì quả là chưa từng có.
   - Chưa từng có vì đây không phải là “mối tình” của những tài tử giai nhân, những kẻ “gia tư nghĩ cùng thường thường bậc trung”, những người bình thường, mà là “ mối tình”- cũng gọi là mối tình chứ sao- của hai kiếp người dưới đáy xã hội đương thời. “Anh”: Chí Phèo, con hoang bỏ rơi, dù sau đó có trở thành người nông dân lao động làm thuê thì cũng đã bị biến thành một thằng lưu manh trần trụi, mất cả nhân hình nhân tính. “Chị”: Thị Nở được trời ban tặng cho cái nhan sắc tới mức “ ma chê quỉ hờn”, lại thêm dở hơi và nòi hủi.
    - Vậy mà một “mối tình” đã xẩy ra với anh chị và cũng có đủ: có gió mát quạt hầu, có trăng thanh chứng kiến, có “say sưa”, có “run run”,có “rón rén”, có chuyện “ lắng lặng ngồi xuống bên sườn thị…, có chuyện “ chúng ngủ bên nhau”, có chuyện “ đặt bàn tay lên ngực” người tình, có chuyện “muốn làm nụng” với bạn tình …
    -  Điều đặc biệt quan trọng là chính “ mối tình” đó đã làm được một việc mà các vĩ nhân, kể cả Trời Phật Thánh Thần cũng không làm được nhưng Thị Nở thì có cái để làm được cho anh Chí biết lại thế nào là hạnh phúc , từ đó mà trở lại thèm khát lương thiện nhưng cuối cùng với Chi là thế nào, đã rõ.
      Qua câu chuyện tình chưa từng có đó, rõ là Nam Cao đã nói với người đọc muôn đời nhiều điều:
    + Xin đừng quên rằng ở những kiếp người không được xã hội coi là người nữa vẫn khao khát tình yêu như nhân loại vốn khao khát tình yêu và trong tình yêu vẫn có đủ kiểu, đủ cách như với loài người muôn thuở.
    + Xin hãy nhìn cho rõ ai đã phá hoại “tình yêu” của Chí Phèo và Thị Nở? Bà cô không chồng trái tính ấy ư? Không chỉ thế. Mà cón là cả cái xã hội thực dân nửa phong kiến đường thời bất lương tàn bạo.
    + Trong khi dựng lên mối tình Phèo – Nở này, ngòi bút của Nam Cao sắc lạnh, có vẻ như đùa cợt, như phũ phàng mà có người nghĩ là không nên có. Nhưng cứ đọc kỹ đi, sẽ thấy đàng sau đó vẫn là nước mắt, là cái nhìn nhân bản sâu thẳm hiếm có.
    Sách in ra, một số giáo viên luyện thi gặp tôi, khen đề ra và cách phân tích bình luận như thế là hay, mà không biết chính tôi là tác giả của các thứ đó. Nhưng chuyện lại đã xẩy ra tiếp sau. Bộ Đại học vào năm sau, chủ trương rút bớt bộ đề thi từ hơn 8 chục xuống 6 chục. Và trong buổi họp bàn chuyện rút bớt. ông bạn Hà Minh Đức vừa cười vừa nói về câu II đề 21, có người nói ông Chú là cụ Khổng  động cỡn. Nói cụ Khổng là bởi tôi vốn con nhà Nho chính hiệu,có ít nhiều Hán học, lại sống mà không hề có chút mang tiếng lăng nhăng nên một số anh em thường gọi vui là cụ Khổng. Nay ra đề thi như thế thì thành cụ Khổng động cỡn. Nghe ông bạn thân nói xong, tôi lập tức bảo ông gạch ngay cho tôi cái đề đó. Ông bạn hồn nhiên gạch ngay. Nhưng tôi lại lập tức giữ tay bút ông bạn lại và cũng vừa cười vừa nói: bút sa gà chết nha. Bây giờ ông có muốn giữ lại cái đề này tôi cũng không cho. Tôi chỉ nói rằng: ông là chuyên gia vừa là đi đầu vừa là hàng đầu về Nam Cao nhưng ông bỏ đề này thì tôi xin được nói hỗn là ông chẳng hiểu gì truyện Chí Phèo của Nam Cao. Cứ nghĩ mà xem, nếu tác phẩm Chí Phèo mà không có câu chuyện tình giữa Chí Phèo với Thị Nở thì còn gì là tác phẩm kiệt xuất nữa. Truyện Chí Phèo nếu đơn thuần phản ảnh qui luật tha hóa của người nông dân dưới chế độ thực dân nửa phong kiến  khốn nạn đương thời thì chỉ có thế thì cũng chỉ là một tác phẩm bậc trung. Nói xong, cả hai chúng tôi cùng cười xòa vì chúng tôi vốn là bạn thân quen ăn nói bộ bạ với nhau mà chưa bao giờ giận nhau.
     Chuyện thật đã xẩy ra với tôi từ câu chuyện tình của Chí Phèo và Thị Nở là thế, không biết có đáng gia nhập vào cuộc tranh luận hôm này chung quanh việc nên giữ hay nên lược bỏ cuộc làm tình trong câu chuyện tình trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11 phổ thông trung học. Chỉ xin nói thêm rằng không phải đến hai sách giáo khoa Ngữ văn lần này do giáo sư Trần Đình Sử làm tổng chủ biên và giáo sư Phan Trọng Luận làm tổng chủ biên mới lược bỏ, mà sách giáo khoa Văn lớp 11 trước đó tôi làm chủ biên (thuộc cả ba loại : thí điểm, cải cách, chỉnh lý hợp nhất), kể cả Hợp tuyển thơ văn Việt nam 1930- 1945, NXB Văn học 1963, cũng đã lược bỏ cuộc làm tình trong câu chuyện tình đó. Đúng là ở đây có chuyện ông có lý của ông bà có lẽ của bà. Thật khó dứt khoát một bề. Nhưng cần nhận ra rằng tâm lý tiếp nhận của học sinh vốn có liên quan tới tâm lý tiếp nhận của xã hội trước vấn đề được cho là nhạy cảm này hôm nay xem ra đã khác nhiều cách đây mươi lăm năm về trước. Điều quan trọng hơn chính là trình độ nhận thức sự sống con người vốn cũng có biến động từ đó là trình độ nhận thức tác phẩm của người làm sách và cùng là bản lĩnh của thầy cô giáo trước học sinh khi đụng tới vấn đề./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét