NGUYỄN MẠNH ĐẨU
VÀ "NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI
GIAN"
Tác giả Phương
Hà
(Bài đăng ở
Văn hóa Nghệ An, số 215, ngày 25/2/2012)
Tôi đọc hồi ký
“Những
nẻo đường thời gian’’ của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu khi chưa hề biết ông. Nhưng với
gần 500 trang viết của tập hồi ký đã có thể nói là tôi đã hiểu ông khá nhiều,
như những người thân quen.
Nước ta trong
giai đoạn gần đây, xuất hiện khá nhiều hồi ký mà đa phần là của các tướng lĩnh
quân đội phản ánh sâu đậm một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Trong các
tập hồi ký đó, lần lượt các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và kế đó là
cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam được tái hiện, nhưng cuộc
chiến tranh biên giới Phía Bắc mùa xuân năm 1979 và bảo vệ chủ quyền biển đảo
Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc vẫn đang ít
được nói đến trong hồi ký của các tướng lĩnh.
Phần lớn các
hồi ký của các tướng lĩnh do các nhà văn thể hiện. Tuy là
hồi ký, nhưng ít nhiều mất đi một phần sự chân thật, bởi sự thật đã được soi
chiếu qua lăng kính của nhà văn. Trong hồi ký thấy quá nhiều điều giống nhau
làm cho bạn đọc nhàm chán.
“Những nẻo đường thời gian” của
Nguyễn Mạnh Đẩu thể hiện trong tám chương và đoạn kết. “Quê hương, gia đình và
thời thơ ấu” hay “Chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên” là những
chương sách mà ngòi bút của ông đã vẽ lại quê hương, một tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm, nên
thơ có, hào hùng có. Vẫn biết con người nào cũng sinh ra và lớn lên được nuôi
dưỡng bằng những mạch nước quê hương, bằng hạt lúa, củ khoai, bằng những dòng
sữa của mẹ và những câu hò, những câu hát dặm xứ Nghệ. Nhưng quê hương trong ông
thật thăm thẳm, khó quên. Mấy chục năm rồi, khi mái đầu đã bạc, mà hình ảnh nhà
thờ Nguyễn Xí - khai quốc công thần triều Lê, đền thờ Nguyễn Sư Hồi và nhiều di
tích lịch sử khác với dấu ấn lịch sử sâu đậm vẫn như hiển hiện trong ông, có
một mạch nguồn lịch sử chảy suốt đến thế hệ các ông. Mạch nước ngầm đó chảy
suốt trong “Những nẻo đường thời gian”
của ông thật sự lôi cuốn tôi !
Dấu ấn những
năm tháng chiến tranh mà ông từng trải từ một anh lính liên lạc nhanh nhẹn tháo
vát đến một chính tri viên đại đội đặc công hiện lên trong từng trang kí ức.
Ở đây toát lên hình ảnh những người lính
trung thành, tận tụy, dũng cảm, kiên cường trong chiến tranh khốc liệt khi mà
giữa cái sống và cái chết mỏng manh như sợi tóc. Họ đã suy nghĩ và hành động
như thế nào? Đã là người, ai không sợ chết? Đọc những chương này, chúng ta nhận
thấy nhiều điều bổ ích. Trên chiến trường, giữa cuộc chiến tranh khốc liệt,
không chỉ có tài thao lược của tướng lĩnh, mà chính mỗi người lính, mỗi người
chỉ huy cấp chiến thuật từ tiểu đội, trung đội, đại đội đều có vai trò to lớn
của nó. Sức mạnh của quân đội ta được nhân lên cấp số nhân khi cấp trên có chủ
trương đường lối chiến lược chính xác và cho phép cấp dưới chủ động tác chiến
khi thời cơ có đủ điều kiện. Nguyễn Mạnh Đẩu đã khắc họa thật chính xác và sinh
động hình ảnh của người chiến sĩ, người chỉ huy cấp chiến thuật. Có trận “Tao
Ngộ Chiến”, khi giáp mặt với địch, Nguyễn Mạnh Đẩu đã chủ động đề xuất đánh
ngay khi quân địch chưa ổn định đội hình. Trong trận đánh vào một cao điểm, với
cương vị là chính trị viên C20 đặc công, anh đã quyết định cho phép cán bộ,
chiến sĩ rút quân khi biết đã bị lộ, nếu đánh tiếp là tự sát. Một quyết định
đánh hay không đánh, rút lui để bảo toàn cho chính mình và đồng đội thật là
nghiệt ngã giữa danh dự và mất danh dự của người chiến binh, một đảng viên. Đọc
đoạn này, tôi chợt nhớ đến một chiến công của một người đồng hương cũng là đồng
đội với Nguyễn Mạnh Đẩu, ngày 30/07/1970, với một khẩu súng máy cao xạ 12,7 ly
anh đã bắn rơi 24 máy bay trực thăng, rơi tại chỗ 13 chiêc, 11 chiếc rơi cách
một vài km. Đấy là trận chiến ở cao điểm Cô Pung mà Người Anh hùng chưa được
tuyên dương Đặng Thọ Truật đã làm nên lịch sử. Trận đánh này như một điểm son
góp phần đập tan chiến thuật trực thăng vận của Mỹ - Ngụy. Nếu như không có những
bức ảnh kí ức nhìn cảnh máy bay trực thăng Mỹ bay như chuồn chuồn lúc sắp mưa, thì
những người không trực tiếp tại chiến trường như chúng tôi chỉ cho là bốc phét,
khó tin.
Những quyết
định đánh địch theo kiểu “Tao Ngộ Chiến” mà Nguyễn Mạnh Đẩu trực tiếp góp phần
nhỏ bé của mình vào chiến thắng lịch sử Đường Chín-Nam Lào thể hiện bản lĩnh của một người chỉ
huy cấp chiến thuật của quân đội ta; đồng thời cũng nói lên việc đào tạo, bồi
dưỡng về tư tưởng và kiến thức quân sự cho các cấp của quân đội ta lúc đó thật
là hoàn chỉnh.
Cuộc Tổng Tấn
công và nổi dậy Mậu Thân Xuân 1968 đã lùi vào dĩ vãng. Đã có nhiều cuộc hội
thảo, nhiều trang viết của các nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu quân sự, của
những tướng lĩnh trực tiếp chiến đấu viết về trận đánh lớn có tầm vóc chiến
lược đó. Thế nhưng khi đọc “Những nẻo đường thời gian”, người
lính Nguyễn Mạnh Đẩu đã cho chúng ta thấy thêm nhiều những sự thật về Mậu Thân lịch
sử này. Hồi đó, người lính trẻ Nguyễn Mạnh Đẩu cũng phơi phới cái nhìn về chiến
tranh như của nhà thơ quá cố Phạm Tiến Duật “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, cũng
như Anh hùng Lê Mã Lương một chiến sĩ cùng thời với anh “Cuộc đời đẹp nhất là ở
trên trận tuyến chống quân thù”. Khi ta tiến hành cuộc Tập kích chiến lược Mùa
xuân 1968 - cú đánh bất ngờ táo bạo và có vẻ liều lĩnh như một canh bạc cuối
cùng với mong muốn kết thúc sớm cuộc chiến tranh. Trong lúc đó, liên quân Mỹ và
các nước chư hầu: Nam Triều Tiên, Úc, Tân Tây Lan…còn 54 vạn 9 ngàn quân thiện
chiến được vũ trang đến tận răng với hơn một triệu quân Việt Nam Cộng hòa với
nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, từ chủ lực đến địa phương quân. Làm sao
họ lại để cho Việt Cộng tấn công như vào chỗ không người? Đó còn là một câu hỏi
lớn.
Di cảo của nhà thơ Chế Lan Viện có đoạn:
“ Mậu Thân, 2000 người xuống đồng
bằng
Chỉ một đêm còn sống sót có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó ?
Tôi !
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi lúc xung phong”
Chỉ một đêm còn sống sót có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó ?
Tôi !
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi lúc xung phong”
Khi dự một hội
thảo về Chiến thắng Mậu thân 1968 ở T78, tôi đã từng nghe một tổng kết cuả
chính Tổng Bí thư TW Đảng Nguyễn Văn Linh, trong chiến tranh, ông đã từng
giữ cương vị Bí thư TW Cục Miền Nam nói (đại ý): “Tập kích
chiến lược đợt 1 Mậu Thân là một quyết định đúng đắn và thắng lợi làm thay đổi
cục diện chiến lược, làm rung chuyển Lầu Năm Góc, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm
phán Pari. Nhưng tiếp tục kéo dài đợt 2, đợt 3 là sai lầm to lớn, hy sinh nhiều,
tổn thất nghiêm trọng về lực lượng, mãi đến năm 1970 ta vẫn chưa phục hồi sức
chiến đấu.” Nhớ lại nhận định của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, những trang
viết của Nguyễn Mạnh Đẩu càng làm cho chúng ta hiểu thêm sự thật mà những
người lính đã sống và chiến đấu ở giai đọan đó. Và càng hiểu, chúng ta càng
khâm phục ý chí, tình yêu và sức chiến đấu, chịu đựng phi thường của các anh.
Ở tập hồi ký
này đã làm cho người đọc, đúng ra là người đời, hiểu thêm về cái đẹp, cái cao
cả, nghĩa tình đồng đội của những người lính cách mạng. Nguyễn Mạnh Đẩu đã nhớ
và kể lại nhiều câu chuyện thật cảm động mà ông là người trong cuộc khi được
giao trọng trách là Cục trưởng Cục Chính sách của quân đội. Đây có lẽ là những
trang viết dễ khô khan vì những hoạt động đơn điệu, mặc dù nó không hề đơn giản.
Nguyễn Mạnh Đẩu và đồng chí của mình đã bao lần phải trăn trở day dứt vì chưa biết phải
làm gì, làm như thế nào để góp phần mình giải quyết chế độ cho hàng triệu quân
nhân đương tại ngũ trong hoàn cảnh kinh tế chung của cả nước cực kỳ khó khăn.
Hơn triệu liệt sĩ đã hy sinh, những Bà mẹ anh hùng, những thương binh thất lạc.
Đọc những trang hồi ức này của ông, tôi thấy không chỉ thương cảm về số phận
của những người lính sau chiến tranh mà còn toát lên một chữ tâm trong sáng và
một chữ tình nhân ái đáng khâm phục của những người lính, trong đó có ông. Nếu
không có cái tâm, cái tình đó, làm sao ông đã và đến thăm hầu hết những đồng
đội cũ còn sống, những gia đình đồng đội đã hy sinh. Là người lính chiến đấu,
ông đặt lợi ích của quân đội, của nhân dân lên trên, ông tham gia xây dựng các
quyết sách làm thay đổi những chính sách đã lạc hậu…
Hồi ký của ông
còn kể với người đọc những câu chuyện, những kỷ niệm thời ông làm Chính ủy
Trường Sĩ quan Lục quân I, và sau đó là Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật. Đó là những
trang viết chân thực và đem lại khá nhiều tư liệu thú vị.
Với tôi, có một điều thú vị riêng là vào thời
điểm đó tôi cũng có dịp làm quen với Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, Chính ủy
Trường Sỹ quan Lục quân II, bạn của Chính
ủy Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu. Có lần, ông Khai nói với tôi: “Làm Chính ủy khó
lắm ông ơi. Lính nó không đẻ được con trai nó cũng chửi vì chính sách một gia
đình chỉ có 1 hoặc 2 con”. Có người lính được ông bố trí cho vợ làm nuôi quân
trong Nhà trường, được cấp đất làm nhà, sinh được thằng con trai kháu khỉnh. Ngày tân gia cô vợ nói lời cảm ơn: “Nhờ thủ trưởng mà nhà em có thằng con
trai”. Thế đó, chuyện nhà binh mà thật đỗi đời thường. Nó gần gũi, thân thiết như cuộc đời mỗi người vì các ông
là người lính nhân dân, của nhân dân.
Thật vui, cả hai
ông này là người cùng huyện Nghi Lộc với tôi./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét