Menu ngang

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012


LẦN ĐẦU TIÊN TÔI BIẾT HỒ CHÍ MINH LÀ NGUYỄN ÁI QUỐC

                                                               Tác giả  Đặng Thọ Truật

            Giáo sư Trần Văn Giàu, Anh hùng Lao động, vào Đảng Cộng sản Pháp năm 1929, trở về nước hoạt động và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1933, tốt nghiệp Đại học Phương Đông ở Liên Xô. Năm 1941, vượt ngục Tà Lài cùng với các bác Dương Quang Đông, Tô Ký ... vận động khôi phục và trở thành Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ. Ngày 25-8-1945, Giáo sư Trần Văn Giàu và Xứ ủy đã lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền từ tay Phát xít Nhật. Giáo sư Trần Văn Giàu được Xứ ủy cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam Bộ. Ngày 2-9-1945, trong lễ mít tinh để nghe Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, nhưng do trục trặc kỹ thuật, để ổn định tình hình, bác Trần Văn Giàu đã nói vo gần 1 giờ đồng hồ. Sau khi nghe Giáo sư diễn thuyết, hàng vạn người tham dự mít tinh đã hô to “ủng hộ Việt Minh, ủng hộ chính phủ Trần Văn Giàu”.
Cuối năm 1945, đang làm Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, bác Trần Văn Giàu được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi ra Hà Nội. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã giao nhiệm vụ cho bác Trần Văn Giàu và bác Phạm Ngọc Thạch sang Thái Lan gặp Thủ tướng Luổng – pri – đi, nhờ họ giúp súng đạn cho Nam Bộ kháng chiến, giúp ta thành lập và huấn luyện các đội quân Việt kiều đưa về nước chiến đấu chống thực dân Pháp và chia lửa với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Tăng cường, đẩy mạnh, mở rộng mặt trận đối ngoại trên trường quốc tế để bè bạn giúp đỡ và hiểu đúng đắn cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Sau hòa bình 1954, Giáo sư Trần Văn Giàu gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp giáo dục đào tạo. Được tặng một căn nhà, Giáo sư đã bán lấy vàng, dành một ít để dưỡng già, còn lại góp 1000 lạng vàng lập quỹ khen thưởng những tác phẩm hay viết về lịch sử Cách mạng. Tuy đã gần 100 tuổi, sức khỏe có yếu đi, nhưng đầu óc vẫn sáng suốt, minh mẫn và nhiệt huyết Cách mạng tràn đầy. Trước đây, Xuân nào các báo, tạp chí cũng đều đặt bài của Giáo sư. Các cuộc hội thảo về lịch sử Cách mạng, Giáo sư đều có mặt để chỉ đạo hoặc đọc tham luận. Cuộc đời hoạt động Cách mạng của Giáo sư Trần Văn Giàu là tấm gương cho nhiều người Cộng sản các thế hệ noi theo.
Nhiều lần đến làm việc để lấy tài liệu viết bài hoặc đặt bài Giáo sư viết, tôi đã trở thành nhà báo thân quen. Một lần, nhân lúc Giáo sư vui vẻ tôi xin phép được hỏi :
          “Thưa Giáo sư, hồi ở ngoài Bắc, lúc còn thiếu niên, cháu nghe người ta truyền miệng rằng, năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội thì ở trong Nam bộ Giáo sư nói với mọi người: “Nước Việt Nam mới nếu Nguyễn Ái Quốc không làm Chủ tịch thì chỉ có Trần Văn Giàu mà thôi, không có Hồ Chí Minh nào hết. Họ còn tán thêm là bác rất giỏi nhưng kiêu lắm, có phải không ạ ?”.
Giáo sư Trần Văn Giàu cười, cười mãi, làm tôi cũng không hiểu ý ông thế nào. Một lát sau, ông bảo: “Chuyện này hồi ở ngoài Bắc tôi cũng có nghe, tưởng chỉ ở Hà Nội nói vui, chứ lúc đó cậu là con nít ở Khu 4 mà cũng biết được thì cũng lạ. Tôi buồn cười quá.”
Trở về thái độ nghiêm trang vốn có, Giáo sư nói : “Sự thật là thế này, ngày 02-9-1945, theo lệnh của Trung ương, chúng tôi tập hợp nhân dân tại nhà thờ Đức Bà để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập phát qua Đài phát thanh. Sau đó sẽ tổ chức diễu hành, một biển người, cờ và biểu ngữ, súng, gậy gộc, giáo mác. Nhưng chờ mãi đài phát thanh vẫn không bắt được sóng phát đi từ Thủ đô Hà Nội. Anh Năm Phúc (tức Dương Quang Đông) bảo tôi: “Giàu! Mày phải nói cái gì đi chứ. Không thì loạn mất.” Thế là tôi đứng trước hàng triệu đồng bào tuyên bố Cách mạng đã thành công, chính quyền đã về tay nhân dân, đồng bào phải ủng hộ chính quyền Cách mạng, kiên quyết trấn áp thù trong giặc ngoài để bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả Cách mạng và lao động sản xuất, xây dựng nếp sống mới. Trong lúc xuất thần, tôi phát biểu rất mạnh mẽ, sau này đối chiếu với Tuyên ngôn độc lập mà Bác Hồ đọc lại tại Quảng trường Ba Đình thì thấy nội dung của mình nói không có gì sai và ý tứ giống nhau. Bài nói của tôi hôm ấy được các báo ở Sài Gòn ngày hôm sau phát đi. Bây giờ vẫn còn lưu ở Thư Viện Quốc gia. Sau buổi mít tinh, đồng bào tổ chức diễu hành, thị uy rầm rộ.
Mít tinh xong, trước đông đảo anh em, đồng chí, tôi có hỏi anh Hoàng Quốc Việt & Ung Văn Khiêm là phái viên của Trung ương cử vào rằng: “Hồ Chí Minh là ai vậy ?” Anh Trần Huy Liệu cười và nói: “Ủa, anh không biết Hồ Chí Minh chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc à ? Ảnh đấy.” Lúc bấy giờ, tôi và anh em sung sướng quá reo lên: “Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc đồng bào ơi. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn sống. Nguyễn Ái Quốc chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế thì ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.
Nhìn tôi với ánh mắt thân ái, Giáo sư Trần Văn Giàu tâm sự: " Đồng chí ạ, tam sao thất bản mà. Nhiều chuyện người ta cứ tán thêm vào cho vui, riết rồi thành giai thoại, thanh minh cũng khó, nó cứ lan truyền trong dân gian mà một thời người ta tin là có thật. Có chuyện tán thêm theo xu hướng có lợi cho Cách mạng, cho nhân dân thì không sao. Nhưng có chuyện họ tán thêm có hại cho người khác, có hại cho Cách mạng, có hại cho nhân dân thì tệ quá. Câu chuyện của tôi là như vậy". Nhìn tôi bằng ánh mắt sáng quắc mà nhân ái, Giáo sư Trần Văn Giàu trầm ngâm: “Nhiều lần làm việc, đồng chí thấy tôi có phải là ông già kiêu ngạo không? Tôi thường hay nói với anh em, đại học là tự học. Tự học rất quan trọng, phải học suốt đời, bằng cấp chỉ là một chứng chỉ, nếu không tự học liên tục thì sẽ lạc hậu. Sự thật, tôi không hề kiêu ngạo. Tôi muốn các thế hệ trẻ của Việt Nam phải làm cho thế giới hiểu dân tộc ta là một dân tộc thông minh, tài giỏi, nhân nghĩa”.
Tôi nói với Giáo sư, cháu hỏi như vậy có phiền lòng bác không ? Giáo sư cười và vỗ vai tôi rồi nói : “Chân lý chỉ có một, sự thật là chân lý, cậu hỏi thẳng như vậy là tốt và bây giờ cậu đã biết chính xác một sự thật rồi đấy”./.

                                                               Tháng 10 - 2009
                            
                                                                          ĐTTr
                                    
                                                             


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét