Truyện ngắn NGÀY GẶP GỠ
Bao giờ cũng vậy, hễ về nhà là Hải
giành làm mọi việc trong gia đình. Thương vợ vất vả, đã nhiều lần Hải gợi ý với
Hà:
- Em ốm đau
vậy, anh thì cứ phải mải miết lo việc Công ty, chẳng giúp được gì. Thôi thì,
chúng mình chịu khó dè sẻn một chút, thuê một người Ô- sin, vừa đỡ đần em, vừa cho vui cửa vui
nhà.
Hà do dự:
- Không được đâu anh! Em gắng một
chút là ổn thôi mà. Thuê Ô- sin đỡ được mấy việc lặt vặt trong nhà, nhưng
dễ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp lắm. Anh chưa biết thôi. Nhiều gia đình
tan cửa nát nhà chỉ vì thuê Ô-sin đấy!
Nhưng rồi, bệnh khớp của Hà ngày càng
nặng hơn. Việc nhà bê trễ. Cuối cùng, đắn đo mãi, Hà cũng đành phải đồng ý tìm
thuê Ô- sin.
Cách đây hơn một năm, Hà cùng chồng đến
Trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm. Ngay từ lần gặp đầu tiên, không hiểu sao,
vợ chồng Hà đã có cảm tình với cô bé Huệ. Huệ mới 17 tuổi, có thân hình lẳn, da
trắng, gương mặt tươi tắn ưa nhìn, đôi mắt to đen láy luôn nhìn thẳng dưới hai
hàng lông mày cong hình cánh cung gọn ghẽ. Hơn thế, Huệ thật ngoan, tươi vui mà
ít nói, siêng năng, tinh tế và sáng dạ. Hơn một năm trước, vợ chồng Hải mua căn
hộ rộng hơn 100 mét vuông, tầng 10 của tòa nhà cao 19 tầng trong Khu đô thị mới.
Từ ngày có Huệ, nhà cửa lúc nào cũng sạch
sẽ ngăn nắp, gia đình vui vẻ ấm áp hẳn lên. Cả hai vợ chồng Hải đều thương quí
Huệ chẳng khác gì con cháu trong nhà. Nhiều người khách đến nhà chơi cứ ngỡ
rằng, Huệ là con gái của vợ chồng Hà. Quả thật, gương mặt và dáng đi của Huệ
cũng có nhiều nét giống Hải. Có người còn khen “Con gái giống cha, giàu ba họ”. Mỗi lần nghe vậy, vợ chồng Hà chỉ
cười vui, còn Huệ thì đỏ bừng mặt xấu hổ.
Ngay từ khi
nghe Trung tâm giới thiệu và qua những lời Huệ kể, chắp nối lại, Hà và Hải biết
sơ bộ rằng, Huệ quê ở một huyện thuộc tỉnh Đắc Lắc. Bố Huệ mất sớm. Nhà chỉ có
2 mẹ con. Tốt nghiệp phổ thông trung học, Huệ thi trượt đại học. Hoàn cảnh kinh
tế gia đình khó khăn, Huệ xin mẹ ra Hà Nội kiếm việc làm thêm, dành dụm tiền để
có cơ hội học tiếp. Suốt một tuần liền, Huệ đã đi gõ cửa nhiều nơi, nhưng vì vừa
học xong phổ thông, chưa có nghề ngỗng gì nên không nơi nào tiếp nhận. Cuối
cùng, Huệ đến Trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm, đăng ký và chờ đợi được mấy
ngày thì gặp vợ chồng Hà.
Trong bữa cơm
tối Thứ Năm, vợ chồng Hà nói với Huệ là mời mẹ Huệ ra Hà Nội chơi mấy ngày để
thêm phần gắn kết mật thiết giữa hai gia đình.
Sáng Chủ Nhật, theo hẹn, sau khi đã
gọn ghẽ việc nhà, Huệ xin phép Hà đi xe buýt ra bến xe Giáp Bát đón mẹ. Giữa
chốn đông nghịt người qua lại ngược xuôi, xe vào ra liên tục, Huệ cố len vào
bến đỗ của tuyến xe Hà Nội - Đắc Lắc. Khoảng gần 10 giờ trưa, một chiếc xe khách
đường dài lăn bánh vào sân đỗ. Chờ cho xe dừng hẳn, Huệ thấp thỏm nhìn. Từ xa,
thấy mẹ từ trên xe bước xuống khệ nệ xách cái túi du lịch, Huệ lao đến, miệng
ríu rít:
- Ối mẹ ơi, mẹ
ơi! - Huệ vui mừng ôm chầm lấy mẹ.
Đặt chiếc túi du lịch xuống đất, mẹ đẩy Huệ
ra, âu yếm nhìn con gái:
- Ôi con tôi! Xem ra, con phổng phao hơn,
trắng trẻo hơn đấy, Huệ ạ - Mẹ con mừng rỡ nói cười.
Huệ đỡ túi
trên tay mẹ, dẫn mẹ ra bến xe buýt về nhà.
Dọc đường, giữa
cảnh phố xá đông đúc tấp nập người xe như mắc cửi, Huệ lan man cố hình dung ra
cảnh tượng mẹ sẽ gặp hai bác chủ nhà. Biết nơi ăn, chốn ở, việc làm và nhất là
thấy thái độ đối xử của hai bác rất tốt với mình, chắc là mẹ sẽ mừng lắm. Đang
miên man trong dòng suy nghĩ, Huệ nhìn ra ngoài, xe đã đến bến dừng.
Sau khi dẫn mẹ
vào tòa nhà chung cư, bấm thang máy lên tầng 10, Huệ nhẹ nhàng đưa tay ấn
chuông. Cửa mở, trong bộ đồ nền nã lịch sự, Hà niềm nở vồn vã với mẹ Huệ:
- Ồ! Em chào chị Hạnh, mời chị vào
nhà. Nhà em có chút việc ra ngoài, sẽ về ngay thôi. Mời chị ngồi xuống đây xơi
nước.
- Dạ! Em chào chị Hà – Hạnh đáp lời Hà
với giọng trầm ấm, thân tình.
Nâng chén nước đon đả mời khách, Hà tiếp tục
ân cần hỏi:
- Chị đi đường xa, mất những hai ngày, có mệt
lắm không? Thế nhà cửa trong đó giao cho ai trông nom?
- Cám ơn chị! Cháu báo về là em thu xếp ra đây
ngay thăm gia đình ta. Thực ra, nhà cũng chẳng có gì đáng giá đâu chị. Ban ngày
khóa cửa, ban đêm có đứa cháu trai hàng xóm sang ngủ trông hộ nhà thôi. Thế nhà
mình, anh chị có khỏe không? - Hạnh vuốt
lại lọn tóc xõa ngang trán, tươi tỉnh nói với Hà.
- Chị Hạnh ạ, chắc
cháu Huệ đã nói về gia cảnh vợ chồng em rồi. Nhà em làm Giám đốc một Công ty
lớn, với bộn bề công việc. Hai năm nay, trong điều kiện kinh tế suy thoái, Công
ty càng khó khăn hơn. Quĩ thời gian của anh ấy dành hết cho công việc ở Công
ty. Còn em thì, trước đây sau hai lần sẩy thai, sức khỏe giảm sút. Trong dịp
tinh giản biên chế, em được cơ quan cho nghỉ việc theo “chế độ một cục”. Mấy
năm nay em lại bị bệnh viêm đa khớp. Thương nhà em bận rộn vất vả, em cố đảm đương việc nhà và chăm sóc anh ấy thật chu đáo, nhưng không làm nổi. May quá, có cháu Huệ
giúp. Vợ chồng em mừng lắm!
Trong lúc Hà
và Hạnh đang trò chuyện thân mật, Huệ vào bếp lo chuẩn bị cơm trưa. Bỗng có
chuông reo. Huệ hăm hở chạy ra mở cửa.
- Ơ, bác trai đã về. Cháu chào bác ạ. Thưa bác,
mẹ cháu ra rồi ạ, đang ngồi nói chuyện với bác gái trong nhà ạ! - Huệ niềm nở
tươi cười nói.
- Ờ, tốt quá. Thế
cháu đến bến xe, mẹ con gặp nhau ngay chứ - Vừa cởi giày và áo khoác ngoài, Hải vừa nói với Huệ.
Từ trong phòng
khách, Hà nói vọng ra:
- Anh đã về
đấy à. Mẹ cháu Huệ đang ngồi trong này, anh ạ.
Vừa bước vào phòng khách, Hải sững
sờ, như không tin vào mắt mình:
- Ơ, ơ, ơ kìa! Hạnh phải không? Trời ơi! Đúng là
Hạnh thật rồi! Mẹ của cháu Huệ lại là Hạnh sao?!
Hạnh run rẩy đứng
dậy. Quá bất ngờ, thay vì chào chủ nhà, Hạnh chỉ thốt lên được một mấy tiếng:
- Ôi! Anh Hải!
Là anh Hải thật sao?! Trời đất ơi! Sao lại thế này…! - Không nói thêm được lời
nào, Hạnh xa xẩm tối tăm, mặt mày tái xám cứ như người bị trúng gió, khuỵu
xuống sàn nhà.
- Ơ, ơ, ơ… Sao thế mẹ ơi! - Huệ hoảng hốt lao
đến ôm choàng lấy mẹ.
- Thôi chết! Thôi chết! Chị bị làm
sao thế này - Hà vội chạy lại đỡ và cùng Huệ dìu Hạnh lên giường.
Hải đứng như
trời trồng giữa nhà, ngơ ngác nhìn mọi người xoắn xuýt xoa bóp, xức dầu cho
Hạnh.
*
* *
Vào mùa xuân
ấy, cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, đang học năm thứ 4 của Trường Đại học
Bách khoa Hà Nội, Hải tình nguyện vào quân đội. Kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ mới, Tiểu đoàn tân
binh của Hải được điều động lên bổ sung cho một Sư đoàn đang chiến đấu bảo vệ
biên giới. Hải đã tham gia nhiều trận chiến đấu cam go, ác liệt để giữ vững
trận địa. Trong một trận đánh trả quyết liệt quân địch lấn chiếm tại một điểm
chốt ở sát đường biên, tiểu đội của Hải bị một quả pháo địch bắn trúng công sự.
Có hai chiến sĩ bị hy sinh tại chỗ. Hải bị vết thương vào chân, được đồng đội kịp
thời băng bó cấp cứu rồi chuyển ngay về Đội điều trị tiền phương, cách trận địa
chừng 40 cây số.
Chính tại Đội
điều trị này, Hải đã gặp Hạnh - cô nữ cứu thương tròn 20 tuổi xinh tươi đằm
thắm mới được động viên từ hậu phương lên. Thời gian Hải ở Đội điều trị chỉ vỏn
vẹn một tháng. Nhưng ngay từ ánh nhìn đầu tiên như một tiếng sét ái tình, ngọn
lửa tình yêu đã bừng lên trong trái tim hai người. Tiếp đó là những ngày đêm,
Hạnh chăm sóc Hải tận tình chu đáo, khi thì từng viên thuốc, mũi tiêm, khi thì
từng bát cháo, cốc sữa. Cứ thế, tình yêu ngày một thăng hoa, nồng nàn, sâu sắc.
Nhưng rồi vì vết thương, Hải phải chuyển xuống Quân y viện 108. Đôi bạn trẻ đã cắn
răng chịu đựng giờ phút chia xa trong sự nghẹn ngào, nuối tiếc. Nhiều đêm dài Hạnh
thao thức nhớ Hải đến cồn cào gan ruột.
Cuộc sống có
những điều xảy ra như vốn phải vậy. Qua mấy buổi họp kiểm điểm khá gay gắt tại
Đội điều trị, Hạnh dứt khoát không chịu nhận ai là bố của trẻ đang ngày một lớn
trong bụng. Sau kỳ sinh nở hơn 6 tháng, theo qui định chung, Hạnh được
đơn vị cho xuất ngũ về địa phương. Chia tay đơn vị, Hạnh không dám ôm con về
quê mà mua vé lên tàu đi thật xa tìm chỗ giấu mình, làm ăn sinh sống. Cuối
cùng, Hạnh xin được việc làm tại một Lâm trường ở tận Tây Nguyên.
Hơn một năm sau, khi chữa lành vết
thương và điều dưỡng ổn định sức khỏe, Hải được được quân đội cho xuất ngũ trở
lại Trường cũ học tiếp. Trước ngày về Trường, lần theo địa chỉ nhà Hạnh, Hải về
quê tìm nhưng gia đình tuyệt nhiên không hề hay biết. Sau này, nhiều lần Hải nhờ
bạn bè hỏi thăm, nhưng vẫn không ai biết. Thấm thoắt thời gian trôi nhanh, vậy
là, đã mười mấy năm rôi, Hải không hề có tin tức gì về Hạnh…
*
* *
Vừa tỉnh dậy, mở mắt nhìn quanh một lượt, khi
đã rành rẽ nhận ra mọi điều, Hạnh bồi hồi xúc động ngồi dậy kéo Huệ vào lòng,
giọng nghẹn ngào, thổn thức:
- Huệ ơi! Mẹ
xin lỗi con. Nhưng con phải giúp mẹ xin lỗi hai bác và xin phép hai bác đưa mẹ
về quê. Mẹ thấy trong người không được khỏe.
- Ôi mẹ ơi, mẹ
ơi! - Huệ lập cập ôm choàng lấy mẹ, ngơ ngác, lo lắng, nước mắt chảy dài trên
má.
Hải như sực
tỉnh, bước tới bên, nắm lấy bàn tay Hạnh. rồi quay sang giải thích với vợ:
- Hà ơi! Bất
ngờ quá, mười tám năm trời cách biệt. Có ngờ đâu gặp lại Hạnh trong hoàn cảnh
đột ngột thế này. Đây là người bạn gái năm xưa mà anh từng kể với em - người nữ
cứu thương từng chăm sóc anh tận tình khi anh bị thương năm xưa đấy!
Mọi người đều
sững sờ, ngỡ ngàng. Chưa ai kịp nói gì. Không khí trong căn phòng đột ngột lặng
ngắt như đặc quánh lại. Ai nấy tần ngần nhìn nhau chẳng thể nói nên lời…
Sau mấy phút
lấy lại sự bình tĩnh, Hà nhìn Hải rồi nhìn sang Hạnh, nghẹn ngào nói với giọng xúc
động, phá vỡ sự im lặng:
- Anh ạ! Chị Hạnh ạ! Mọi điều diễn
ra hôm nay đúng như hình dung của em. Tuy chưa gặp chị Hạnh, nhưng nói thật, em
đã cảm nhận sẽ có ngày này từ hơn một năm nay rồi. Sự thể là, hôm dọn nhà về
đây, tình cờ em có đọc được cuốn nhật ký đã úa màu thời gian của anh Hải. Anh
cất kỹ lưỡng, cẩn trọng lắm! Ban đầu em không có ý đọc vì em coi đó là những kỷ niệm
riêng của anh. Anh thường chia sẻ với em mọi điều nhưng chưa bao giờ nói đến
cuốn nhật ký. Cũng có thể có những điều anh không muốn chia sẻ hết. Em tôn
trọng điều đó. Nhưng rồi em nghĩ, mọi việc đã lùi xa về dĩ vãng rồi. Nếu có đọc
em sẽ hiểu về chồng mình hơn. Quả đúng như thế thật. Khi đọc xong, em càng tôn
trọng, thương yêu anh hơn. Thế rồi, sự xuất hiện bất ngờ của cháu Huệ. Có lẽ đó
là sự dun dủi của số phận. Anh thì bận và vô tư không để ý. Nhưng còn em, ngay
từ lúc đầu em đã linh cảm thấy có điều gì đó khang khác. Và rồi bằng ấy thời
gian Huệ ở đây, em càng thấy từ gương mặt, vóc dáng đến tính cách của Huệ - dẫu
là con gái - có nhiều nét giống bố Hải lắm. Em tin chắc là mình không thể bị
nhầm…Có đúng vậy không chị Hạnh ơi!
Dừng lại giây lát, như để xem thái độ của
mọi người - Hà nói tiếp:
- Anh ạ! Chị
Hạnh ạ! Mọi việc có lẽ là sự sắp đặt của số phận. Thật lòng em quá mừng vì con
đã gặp được bố. Em tôn trọng tình cảm xa xưa của anh chị. Em không hề ghen đâu.
Xin chị hãy nói với anh và với cháu Huệ điều gì đi - một điều gì đó thật thiêng
liêng - đừng ngại gì em cả!
Hải nhìn sang Huệ. Dường như lần
đầu tiên anh mới nhìn thấy cô bé và nhận ra cô bé bằng một linh cảm đặc biệt
của người cha. Huệ vẫn nắm tay mẹ, ngơ ngác hết nhìn sang bác Hải rồi lại nhìn
sang mẹ.
Dường như đã trấn tĩnh lại, Hạnh
đứng dậy, quay sang Hải và Hà, nói bằng giọng xúc động nhưng từ tốn:
-
Chị Hà ơi! Em vô cùng cảm động và biết
ơn chị! Chị là người phụ nữ có trái tim nhân hậu. Chị Hà cho phép em nói với
anh điều này: Anh Hải ơi! Con gái của anh đây! Con chính là giọt máu của anh,
kết quả của tình yêu năm xưa anh đã dành cho em đây! Con được gặp cha thế này là
em mãn nguyện lắm rồi!
Hải không cầm
lòng được. Trái tim anh tưởng như vỡ oà vui sướng. Hải ôm chầm lấy hai mẹ con
Huệ, rồi quàng tay ôm người vợ đang ý tứ đứng tách ra một bên. Hải thốt lên,
giọng nghẹn ngào:
- Hà ơi, anh cám ơn em đã mang con gái
về cho anh. Cám ơn Hạnh đã gìn giữ và cho anh điều quí giá và thiêng liêng nhất
trên đời! Anh không ngờ anh lại có được điều hạnh phúc quá lớn này. Huệ ơi! Bố
của con đây! Bố không ngờ có ngày bố được gặp con thế này.
Huệ oà khóc. Nước mắt giàn giụa trên
gương mặt xinh đẹp và vui sướng đến tột cùng của cô bé suốt tuổi thơ chỉ biết
có mẹ, lần đầu tiên được gọi tên cha, cảm nhận được tình cảm của người cha.
Nén xúc động, Hạnh bày tỏ với vợ chồng Hải:
- Từ khi chia tay anh về Quân y Viện 108, em không
nhận được tin tức gì về anh nữa. Phần em, sau khi một mình ôm con thơ lặn lội
vào tận Tây Nguyên, em hiểu anh cũng không có cách nào tìm em được. Những năm
sau đó, phần vì con còn quá bé bỏng, phần vì kinh tế vô cùng khó khăn, em không
sao kiếm nổi tiền mua vé tàu ra Bắc tìm cha cho con. Mãi đến năm con lên 4
tuổi, em cố gắng dành dụm, rồi vay mượn thêm. Hai mẹ con dắt nhau theo địa chỉ
tìm về quê anh. Đến đầu làng, hay tin anh đã yên bề gia thất được nửa năm nay
rồi, nhà ở đâu đó trên Hà Nội. Em ngậm ngùi gạt nước mắt lặng lẽ đưa con trở
lại núi rừng Tây Nguyên. Cứ thế, em một mình một bóng nuôi con và ở lại luôn trong
đó.
Lấy khăn tay chấm nước mắt, Hạnh bùi ngùi chia sẻ tiếp:
Lấy khăn tay chấm nước mắt, Hạnh bùi ngùi chia sẻ tiếp:
- Anh chị ạ. Con gái gặp được cha. Rồi em được
đến thăm nhà anh chị thế này là em mừng vô kể. Được tiếp xúc với chị Hà em hiểu
anh là người đàn ông thật may mắn và hạnh phúc. Xin đừng áy náy gì cho em. Bao
nhiêu năm nay em sống một mình đã quen rồi. Không muốn có sự thay đổi gì cho
riêng mình cả. Tự đáy lòng mình, em chúc cho anh chị và con gái của chúng ta
thật hạnh phúc.
Nói rồi, Hạnh đứng dậy:
- Thôi! Em xin phép anh chị, em về đây.
- Kìa
! Chị Hạnh! Sao vội vàng thế chị ơi. Chị nhất định phải ở lại. Hôm nay là ngày đoàn tụ mà! Em mời chị ở lại
chơi mấy ngày với con và vợ chồng em - Hà dang hai tay ôm lấy Hạnh giọng rưng
rưng đầy xúc động.
Gắng gượng dứt khỏi vòng tay Hà đang ôm
choàng lấy mình, Hạnh đưa mắt nhìn mọi người thay lời cáo biệt, rồi vội vàng
bước ra cửa.
Vịn tay vào cánh cửa, Hải nghẹn lòng không
nói nên lời, đưa mắt chới với dõi theo Hạnh mỗi bước dần xa…
Dãy hành lang toà nhà chung cư hun hút
chạy dài. Nắng chiều chiếu vào những ô cửa kính sáng lấp loá. Nước mắt Hạnh
nhoà đi. Qua làn nước mắt, Hạnh thấy những vạt nắng đậu dưới chân mình lung
linh, vỡ vụn như thuỷ tinh… ./.
NMĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét