Menu ngang

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020


ĐỌC TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ “ KẺ SĨ THỜI LOẠN ”CỦA NHÀ VĂN VŨ NGỌC TIẾN


Cuối đông năm Đinh Dậu (2017), nhà văn Vũ Ngọc Tiến chuyển cho tôi đọc tập bản thảo Tiểu thuyết lịch sử “ KẺ SĨ THỜI LOẠN ” của anh. Vậy là, trong mấy năm qua, sau “ SÓNG HẬN SÔNG LÔ”  và “ QUỶ VƯƠNG”, đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ ba về triều Lê tôi được anh trao tặng. Được biết, trước đó anh còn có 3 cuốn tiểu thuyết khác nữa về 3 nhà cải cách Khúc Hạo, Trần Thủ Độ, Đào Duy Từ đã in và tái bản nhiều lần, được Đài phát thanh thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đọc truyện đêm khuya 3 tháng liền trong năm 2008.
Tôi quen nhà văn Vũ Ngọc Tiến khoảng gần 10 năm nay, khi chúng tôi cùng tham gia Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình Liệt sĩ (gọi tắt là Trung tâm Ma Rin). Ở anh, toát lên một con người có kiến thức, vốn sống sâu rộng cùng với sự lịch lãm, tinh tế mà lại thẳng thắn, chân tình với mọi người.
Trong các tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, với cách viết rất riêng mới của anh, tôi đều chân nhận rằng, văn phong của anh trong sáng, chân thực, phong phú, thấm đẫm tình người, chứa đầy tư liệu lịch sử; Đồng thời, đồng hiện lên những mảng hiện thực đương đại với biết bao ngổn ngang tiêu cực, nghịch lý của xã hội. Với thái độ trách nhiệm công dân, anh trực diện phán ảnh, không hề né tránh. Bằng mạch văn nhẹ nhàng, trầm tĩnh xuôi chảy qua các dòng sự kiện lịch sử và đương đại, anh đã điềm nhiên đưa ra những tư liệu sống động, những luận bàn, đối thoại thẳng thắn mà khéo léo đủ gợi dẫn.
Tôi không phải là người nghiên cứu lịch sử; lại cũng không phải là nhà văn hoặc nhà lý luận phê bình văn học. Tôi chỉ là người lính suốt thời trai trẻ xông pha trận mạc, nhưng yêu thích văn học, ham đọc sách hoặc khi cao hứng thì viết văn, làm thơ. Sau khi đọc khá kỹ tập bản thảo tiểu thuyết “ KẺ SĨ THỜI LOẠN ” dày hơn 200 trang khổ A4 với kết cấu 8 chương của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, ở tư cách độc giả, tôi có đôi điều cảm nhận:
Trước hết, tôi hoan nghênh nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã chọn phương pháp khá mới lạ để viết tiểu thuyết lịch sử. Theo tác giả, đây là loại hình “Tiểu thuyết giáo trình” dùng tiểu thuyết để giảng về một phân kỳ lịch sử nên vừa có phần KỂ vừa có phần GIẢNG thông qua hồi ức hoặc lời thoại của các nhân vật xưa và nay. Cách viết này tuy chưa xuất hiện nhiều ở nước ta, nhưng thật sự hấp dẫn người đọc, dễ nhớ và dễ cảm thụ.
Như chúng ta đều biết và yêu thích, Tam quốc diễn nghĩa và Thủy Hử là hai kiệt tác văn học Trung Quốc của hai nhà văn vĩ đại La Quán Trung và Thi Nại Am. Nhiều năm qua, hai kiệt tác văn học đó đã được dựng thành những bộ phim sử thi rất hoành tráng, có giá trị cao cả về tư tưởng và nghệ thuật. Nó giúp cho các thế hệ người Trung Quốc hiểu sâu về lịch sử nước mình ở hai giai đoạn vô cùng phức tạp; đồng thời cho họ những bài học đắt giá về sự hưng phế của các triều đại, cách đối nhân xử thế ở đời. Thử nghĩ, nếu chỉ bằng phương pháp học lịch sử thông thường, làm sao dân nước họ có được những hiểu biết như thế?...
Thời nào cũng vậy, tri thức lịch sử là điều rất cần thiết cho mọi công dân. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, một thực tế là,sự hiểu biết về lịch sử của nhiều người là nông cạn, thậm chí có trường hợp rất ngô nghê khi nói về lịch sử. Trong các trường phổ thông nhiều học sinh ngại môn Lịch sử. Học sinh cho đó là môn phải học thuộc lòng với quá nhiều kiến thức về sự kiện, số liệu, nhân vật, nguyên nhân, diễn biến, kết quả... với bao nhiêu giai đoạn, thời kỳ. Vì thế, với môn Lịch sử các em cảm thấy thiếu hứng thú, học một cách thụ động. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục lịch sử cho rằng, Chương trình môn Lịch sử hiện hành ở bậc phổ thông nặng về kiến thức cụ thể hơn là kỹ năng, phương pháp phân tích, đánh giá nên việc kiểm tra và đánh giá cũng thiên về “trả bài” hơn thông hiểu, vận dụng, liên hệ thực tế. Điều đó, vô hình chung làm cho các em hiểu lịch sử đơn giản chỉ là nhớ những gì xảy ra trong quá khứ, những chuyện đã qua từ lâu, không liên hệ gì đến hiện tại và càng không có liên quan gì đến tương lai. Thiết nghĩ, đổi mới phương pháp dạy và học môn lịch sử là một vấn đề cực kỳ quan trong. Trong bối cảnh đó, viết tiểu thuyết lịch sử - coi đây như một cách dạy lịch sử - như nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã và đang làm là một việc rất có ý nghĩa, đáng trân trọng.
Trở lại với tiểu thuyết KẺ SĨ THỜI LOẠN , nội dung đề cập trong tiểu thuyết này thực ra là hai cốt chuyện được cài đan xen kẽ nhau sau từng chương. Anh Vũ Ngọc Tiến có nói rằng, câu chuyên thời đương đại như một “ chiếu nghỉ” cho độc giả khi leo lên bậc thang của câu chuyện lịch sử. Với tôi, mỗi câu chuyện có những sắc thái riêng, ý nghĩa riêng. Và cái “ chiếu nghỉ ” đó thật sự cũng không kém phần hấp dẫn người đọc - nhất là đối với bạn đọc trẻ.
Nhìn lại lịch sử nước nhà, số phận bất hạnh đã khiến dân ta chìm đắm trong các cuộc nội chiến lớn: chiến tranh Lê- Mạc (1527- 1592); Trịnh - Nguyễn phân tranh (1592- 1765),; chiến tranh Tây Sơn với các chúa Trịnh, chúa Nguyễn (1771- 1802). Theo đó, vào nửa cuối thế kỷ 18 chiến tranh liên miên giữa các thế lực Đàng Trong, Đàng Ngoài và Tây Sơn, khiến dân chúng một thời gian dài vô cùng cực khổ, chết chóc, loạn ly. Và ngay trong từng thế lực vẫn luôn luôn có các phe phái tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Bàn cờ quyền lực trong xã hội Đại Việt nửa cuối thế kỷ 18 với những liên minh và đối địch, tạm thời hay lâu bền, dựa trên căn bản quyền lợi thiết thân được tái hiện một cách phức tạp. Trong thời kỳ lịch sử đó, ngoài những nhân vật lịch sử tiêu biểu nhất như Nguyễn Huệ - Quang Trung, Nguyễn Ánh - Gia Long, thì đi liền theo đó phải kể đến sự xuất hiện nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh (1740- 1787). Và ông cũng chính là đối tượng phản ánh của tác giả cuốn KẺ SĨ THỜI LOẠN ...
Sự thật lịch sử là thế nào khi đánh giá về nhân vật lịch sử Nguyễn Hữu Chỉnh trong một thời kỳ hỗn mang phức tạp của đất nước; làm sao thật công minh, khách quan dựa trên những chứng cứ tư liệu lịch sử cụ thể?
Nguyễn Hữu Chỉnh quê ở làng Cổ Đan (nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) là người bộc lộ trí thông minh từ rất sớm, đến tuổi trưởng thành được học tập rèn luyện trở nên văn võ song toàn. Mặc dù rất giỏi giang và nuôi chí lớn, nhưng cuộc đời ông là cả một bi kịch, long đong lận đận. Bi kịch đời ông là sự nỗ lực bứt phá ra ngoài hoàn cảnh đi tìm minh chủ để thi thố tài năng và cũng đã lập nhiều công lớn. Song, ông luôn bị ngờ vực, đều không được tin dùng (hoặc chỉ tận dụng tài năng của ông khi cần thiết, nhưng vẫn đố kỵ, ngờ vực, sẵn sàng trừ khử ), để rồi nửa đường đứt gánh. Cuối cùng, vào năm 1787, tình thế buộc Nguyễn Hữu Chỉnh phải tự mình làm minh chủ, tự lập một con đường tự giải phóng năng lực và thực hành tham vọng chính trị của mình, dẫn quân Cần Vương về Thăng Long tạo ra một bước ngoặt lịch sử. Nhưng đáng tiếc, do không gặp thời, ông không thỏa nguyện, bị thất thế và phải ngậm oan, bị hành hình chết thảm. Cái chết của Nguyễn Hữu Chỉnh là bi kịch chung cho giới kẻ sĩ Bắc Hà giữa thời tao loạn, vận nước suy vi.
Từ xưa đến nay, khi đánh giá về Nguyễn Hữu Chỉnh, các nhà nghiên cứu lịch sử và phần đông người đời đều coi ông là nhân vật lịch sử khá phức tạp, mang tính 2 mặt “anh hùng & gian hùng” -  Trong đó mặt “ gian hùng ” và “ cơ hội ” được coi là nổi trội, chính yếu”. Sự thật lich sử là thế nào?!
Tôi thật sự tâm đắc khi đọc bài “ CON CẮT BIỂN” của Nguyễn Thị Chân Quỳnh. Có thể nói, đây là một bài viết công phu, có cái nhìn khách quan, toàn diện và phân tích kỹ về con người Nguyễn Hữu Chỉnh trên từng phương diện. Bằng sự viện dẫn đánh giá về Nguyễn Hữu Chỉnh của sử gia và những người đương thời như: Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Huệ, Vũ Văn Nhậm, … Thực ra, tất cả đều là những lời nói từ một phía, xuất phát từ sự đố kỵ, ghen ghét, nghi kỵ để rồi kết tội Nguyễn Hữu Chỉnh là bất trung, phản trắc, lật lọng. Nhưng khi xem xét các cứ liệu lịch sử - cả phát ngôn lẫn hành động của Nguyễn Hữu Chỉnh - ngay từ thời theo Quân Việp - Hoàng Ngũ Phúc, Quận Huy - Hoàng Đình Bảo và sau đó phò tá Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, rồi phò tá Vua Lê, thì chưa tìm thấy bất cứ chứng cứ nào thể hiện sự bất trung, phản trắc của ông. Có câu chuyện sau khi giành được Phú Xuân, Nguyễn Hữu Chỉnh hiến kế với Nguyễn Huệ thừa thắng tấn công đánh Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, thì Nguyễn Huệ do dự ngại ngần lo sợ sự chống đối của kẻ sĩ Bắc Hà. Trước tình cảnh đó, Nguyễn Hữu Chỉnh tỏ ra thực thà đến thành vụng về khi nói: "Nhân tài Bắc hà chỉ có mình tôi mà thôi". Ðó là sự thực, bằng cớ là vua Lê Chiêu Thống mấy lần phải triệu Chỉnh ra cáng đáng việc nước. Chính sự vụng về này, chứng minh Nguyễn Hữu Chỉnh chưa hề nghĩ đến chuyện bỏ Tây Sơn. Mãi tới khi anh em nhà Tây Sơn bí mật lẳng lặng quay về Nam, bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Thăng Long với ý định mượn tay các sĩ phu Bắc Hà trừ khử, thì tới bước đường cùng Nguyễn Hữu Chỉnh mới tự lựa chọn cho mình một lối khác. Như vậy là, từ đầu đến cuối, những người khác có âm mưu và hành động diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Còn lại, không có dấu hiệu Nguyễn Hữu Chỉnh có hành động “ gian hùng” chống lại các chủ cũ của mình cũng như đối với anh em nhà Tây Sơn và Vua Lê. Nhìn một cách tổng thể, Nguyễn Hữu Chỉnh là một viên tướng giỏi, văn võ song toàn, có công lớn trong việc phò giúp Tây Sơn đánh sập hai tập đoàn phong kiến Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, trước sau ăn ở có nghĩa khí không kém ai, hành động tàn nhẫn không hơn ai, song gặp toàn nghịch cảnh, suốt đời lận đận. Ðã không gặp thời, không thỏa chí nguyện, ngậm oan chết thảm mà còn bị người đời phỉ báng. Khách quan mà nói, lịch sử đối xử với Nguyễn Hữu Chỉnh là oan uổng, chưa công bằng.
Lịch sử diễn ra một lần, nhưng viết lại lịch sử, định vị giá trị của lịch sử - trong đó có những nhân vật là trung tâm lịch sử - thì lại diễn ra nhiều lần và có nhiều trường hợp có cách thể hiện trái chiều, đối nghịch nhau. Điều đó cũng là bình thường, dễ hiểu. Lệ thường, sự đánh giá sự kiện và con người lịch sử đều qua lăng kính và theo tâm thế chủ quan của người cầm bút. Mà nói chung, ở mọi thời đại, người viết sử đều là viết theo (tuân theo) ý chí của thế lực cầm quyền. Lịch sử là khách quan, công bằng. Để đạt được sự khách quan, công bằng khi đánh giá một sự kiện, một nhân vật lịch sử, trong nhiều trường hợp là không dễ chút nào. Có nhiều người bị oan khiên rất nhiều năm, sau đó mới được chiêu tuyết. Với độ lùi của thời gian, kết cục của lịch sử và những chứng cứ tư liệu lịch sử xác đáng, người ta có thể giũ bụi thời gian, gạt bỏ những định kiến hình thành từ nhà cầm quyền và cả trong giới sử học cũng như của dân chúng trong quá khứ.
Thành công của nhà văn Vũ Ngọc Tiến khi viết tiểu thuyết lịch sử ĐỜI KẺ Sĩ là đã dựng lên một bức tranh toàn cảnh có hồn và rất chi tiết về cuộc chiến, về sự tranh giành thế lực giữa các bên, với nhiều sự kiện lịch sử sống động, đa dạng phong phú và những nhân vật có tính cách, sở trường, sở đoản riêng. Điều đó làm cho người đọc cảm thấy thật sự hấp dẫn trên từng trang sách.
Cùng với quá trình tái hiện lịch sử, với cách viết 2 trong 1, tác giả Vũ Ngọc Tiến viết thêm cốt truyện ở thì hiện tại về cuộc tình éo le giữa trí thức Duy Thiện và nghệ sĩ Hoàng Lan. Họ đều xuất thân thân từ gia đình trí thức danh giá, đã có nhiều công lao đối với cách mạng. Toàn bộ cốt truyện ở thì hiện tại xoay quanh cuộc giải thoát cho Duy Thiện khỏi Viện tâm thần tỉnh H do Hoàng Lan và những người bạn thực hiện. Cặp đôi Duy Thiện - Hoàng Lan gắn bó với bao kỷ niệm từ thuở ấu thơ - một tình yêu học trò thơ mộng. Như một cơ duyên, năm 1966 học hết cấp 3 hai người cùng được phân công đi du học ở Nga. Trong hoàn cảnh mới, tình yêu của họ như được chắp cánh với những khát vọng và những dự định đẹp đẽ cho tương lai.
Bố Duy Thiện là học giả Nguyễn Hữu Đăng - hậu duệ của Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh - nhà trí thức danh tiếng có công tham gia sáng lập câu lạc bộ Khai Trí Tiến Đức hồi đầu thế kỷ 20 thời thuộc Pháp. Ông đã ủng hộ Chính phủ gần như toàn bộ tiền bạc của gia đình trong tuần lễ vàng năm 1946 và tình nguyện đưa cả gia đình lên Việt Bắc kháng chiến chống giặc.Trong chiến dịch thu đông năm 1947, giặc Pháp đã điên cuồng bắn chết cả hai ông bà và 5 đứa con lớn. Duy Thiện là đứa con út mới 20 tháng tuổi may mắn còn sống sót. Đến tuổi trưởng thành, Duy Thiện là một con người thông minh, vốn kiến thức phong phú sâu rộng, tính cách thẳng thắn, bộc trực. Sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Di truyền học ở Nga, về nước anh “ bị ” phân công làm việc trái nghề tại Trung tâm Khoa học Kỹ thuật nông lâm sản thuộc Ủy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh H và là người thực thi công việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của những con người dốt nát, bất tài, thực dụng.
Bước vào thời đất nước mở cửa, tỉnh H ồ ạt tiếp nhận đầu tư nước ngoài, các khu công nghiệp mọc lên, thêm chủ trương xây dựng mở rộng thị xã nâng cấp lên thành phố. Đi liền theo đó là sự cấu kết trục lợi tham nhũng của những người chủ trì trong bộ máy quyền lực, hình thành “ nhóm lợi ích ” - thực chất đó là băng nhóm maphia - thao túng cả chính trị và kinh tế ở địa phương với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nham hiểm.
Với sự hiểu biết và bản lĩnh của mình, Duy Thiện đã làm gửi đơn khắp nơi tố cáo tình trạng tham nhũng, ô nhiễm môi trường của tỉnh H. Hơn nữa, anh còn giúp nông dân làm văn bản đấu lý chính quyền trong việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Bởi thế, các thế lực “ lợi ích nhóm” coi Duy Thiện là một “ cái gai ”, một phần tử nguy hiểm cần phải dẹp bỏ. Họ đã vu khống anh bị bệnh điên và tống anh vào Bệnh viện Tâm thần. Từ người khỏe mạnh bình thường nhưng được cấp có thẩm quyền “ chỉ thị ” nhốt cách ly và “điều trị bằng các toa thuốc đặc hiệu”, thì Duy Thiện đích thị trở thành một người tâm thần nặng. Thực chất, Duy Thiện cũng là một mẫu bi kịch của một kẻ sĩ thời nay.
Hoàng Lan là con gái của học giả Hoàng Thiếu Bảo - một trí thức yêu nước, là Đại biểu Quốc hội và là Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc thành phố. Từ thuở thiếu thời Hoàng Lan đã xinh đẹp, càng lớn càng xinh đẹp, một vẻ đẹp kiêu sa như các tiểu thư quyền quý. Nhưng một tai nạn chính trị của gia đình đã ập đến, nó là biến cố như là sự đun đẩy của thời cuộc và số phận. Năm 1967, vị học giả danh tiếng Hoàng Thiếu Bảo bị oan khiên, bị bắt giam vì được cho là dính dáng đến một vụ án chính trị của thời đó.Thời gian học giả Hoàng Thiếu Bảo bị bắt giam và chết trong tù thì gia đình ông rơi vào sự khủng hoảng, hệ lụy trầm trọng, cay đắng xót xa. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaicovsky ở Nga, Hoàng Lan sang định cư ở Pháp rồi sau ở Mỹ và số phận đã xui khiến bà gặp được David Brown - chàng trai người Mỹ giàu có, tốt bụng, mê nhạc cổ điển và hết lòng thương yêu vợ. David Brown chết trong một vụ tai nạn máy bay khi đi làm từ thiện ở Châu Phi. Nhiều năm sau đó, Hoàng Lan được thừa kế khối tài sản khá lớn từ gia đình chồng, và bà vẫn kiên trì thực hiện tâm nguyện của chồng, trích nửa phần tài sản thừa kế làm từ thiện cho các nước nghèo ở châu Phi, Mỹ La Tinh. Lần này về nước bà đã tìm được Duy Thiện, hy vọng nối lại tình xưa. Bà cũng có nguyện vọng chuyển tiền về nước đầu tư một một dự án nhân đạo cho bệnh nhân dân nghèo và vài dự án kinh tế cho người thân... Sau biết bao biến cố trong cuộc đời, với khát vọng cháy bỏng, nay nhà trí thức Duy Thiện và nghệ sĩ- đại gia Hoàng Lan được may mắn tái ngộ trong ngập tràn hạnh phúc. Đấy là một kết cục có hậu.
Trên “ cái chiếu nghỉ ”- tức là nói về câu chuyện của thời đương đại - trong tiểu thuyết KẺ SĨ THỜI LOẠN ngoài nhân vật trung tâm là Duy Thiện, Hoàng Lan, nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã đưa ra nhiều mẫu nhân vật, nhiều sự kiện, nhiều chi tiết, nổi lên nhất là về sự tha hóa, biến chất của những cán bộ có chức có quyền với những âm mưu thủ đoạn tham nhũng kinh tế lẫn chính trị ở tỉnh H, gây cho nhân dân biết bao thiệt hại. Đó như sự cập nhật thông tin với những trang văn mang hơi hướng phóng sự điều tra các vụ án.
Bao giờ và ở đâu cũng vậy, đặc trưng của xã hội là sự đan xen giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa. Vấn đề là sự khác nhau về tính chất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng. Khi cái tốt thắng thế thì xã hội thịnh vượng. Ngược lại, khi cái xấu lên ngôi, thì xã hội suy vi. Thực tế cho thấy, cuộc đấu tranh giữa một bên là những người trung kiên vì lợi ích của nhân dân, của cộng đồng với phía bên kia là đại diện cho lợi ích nhóm, diễn ra quyết liệt, lâu dài, một mất một còn, mà nhiều khi chưa phân thắng bại.
Đôi điều cảm nhận của tôi về tiểu thuyết KẺ SĨ THỜI LOẠN là vậy. Những đánh giá về văn chương, học thuật xin nhường lời cho các nhà phê bình, lý luận văn học.
Chân thành cám ơn nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã gửi bản thảo cho tôi đọc trước khi ra mắt một tiểu thuyết hay, có nhiều ý nghĩa!

                                  Mỹ Đình, Tháng Chạp năm Đinh Dậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét