ĐÔI ĐIỀU ĐƯỢC
BIẾT VỀ
TRIẾT GIA TRẦN
ĐỨC THẢO
Biết tôi ham đọc
sách, thích tìm hiểu nghiên cứu các chuyên để khoa học xã hội và nhân văn, GS
Nguyễn Đình Chú (với tư cách tham gia tổ chức và là người đầu tiên trình bày
tham luận khoa học) mời tôi đến dự Hội thảo khoa học quốc tế “Tư tưởng triết học
và giáo dục của Trần Đức Thảo” được tổ chức tại Đại học Sư phạm, ngày 7/5/2013.
Tôi vui vẻ nhận lời, bởi đây là một dịp hiếm được biết về Trần Đức Thảo - Triết
gia duy nhất của Việt Nam trên trường quốc tế - người mà GS Nguyễn Đình Chú (vốn
là học trò yêu, sau đó khi tốt nghiệp Đại học, đỗ thủ khoa, được Nhà trường giữ
lại làm trợ lý của Giáo sư Trần Đức Thảo) trọn đời kính trọng. Thêm nữa, tôi có
một người bạn thân là Tiến sĩ Triết học rất ngưỡng mộ về tài danh của Triết gia
Trần Đức Thảo. Mấy lần bạn tôi kể vắn tắt cho tôi nghe về giai thoại tranh luận
dang dở giữa Trần Đức Thảo và Jean Paul Sartre xoay quanh chủ đề Hiện tượng học
của Husserl với Chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác. Mặc dù chăm chú cố tiếp
thu, nhưng quả thật, trước những vấn đề học thuật lớn lao, với khả năng rất hạn
chế, tôi chẳng hiểu được mấy, ngoài niềm kính trọng tự hào về Triết gia Trần Đức
Thảo - một người Việt Nam xuất chúng trong giới học thuật thế giới.
Dù rất háo hức, nhưng là người trái nghề, tự
thấy mình lạc lõng, tôi khó thoát khỏi tâm lý tự ti, mặc cảm khi đến dự một cuộc
Hội thảo khoa học lớn. Thầy Nguyễn Đình Chú xuống tận sảnh tầng 1 đón tôi lên Hội
trường K1. Bước vào Hội trường, tôi tự chọn cho mình một chỗ ngồi thật khiêm nhường,
dĩ nhiên là ngồi trước các sinh viên Khoa Triết của ĐHSP. Tại đó, tôi nhìn bao
quát được toàn cảnh Hội trường, lặng lẽ theo dõi đầy đủ cuộc Hội thảo. Yên vị,
quan sát một lượt, tôi thấy Hội trường thật sang trọng, được bài trí rất hoành
tráng. Sự hiện diện của nhiều nhà khoa học sáng danh, nhiều Giáo sư, Tiến sỹ đầu
đàn, “là cây đa, cây đề” của giới triết học nước nhà, như: GS.TSKH Phạm Minh Hạc,
GS.TS Hoàng Chí Bảo, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, GS Hà Minh Đức, GS.TS Lê Hữu
Nghĩa, …cùng nhiều cán bộ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội càng làm cho tôi
“choáng, ngợp”. Không choáng ngợp sao được. Về phương diện triết học, tôi không
được đào tạo chuyên sâu, chỉ được học lõm bõm qua các bậc học. Và nhất là, tôi
không có học hàm, học vị gì. Ở đâu và bao giờ cũng vậy, chuyên ngành học thuật
có bao giờ dành chỗ cho hết thảy. Nói cách khác, tri thức không chia đều bình
quân cho mọi người. Người duy nhất mà tôi quen từ nhiều năm trước đang ngồi ở
hàng ghế đầu là GS.TS Lê Văn Quang, nguyên Chủ nhiệm Khoa Triết ở Học viện
Chính trị - Bộ Quốc phòng, nhưng vì ngồi từ xa mà tôi xét thấy không tiện gặp.
Cuộc Hội thảo được thể hiện trên 3 phần : Con
người và sự nghiệp Trần Đức Thảo; Tư tưởng triết học Trần Đức Thảo; Các lĩnh vực
khoa học khác trong tư tưởng Trần Đức Thảo. Có nhiều tham luận đề cập một cách
phong phú, sâu sắc trên từng khía cạnh của nhiều lĩnh vực, xoay quanh chủ đề Hội
thảo là “Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo”.
Với tôi, do nhiều
hạn chế vốn có, tôi chỉ nghe và đọc lại 3 tham luận mà tôi cho là hay nhất:
Tham luận đầu tiên của GS Nguyễn Đình Chú với nhan đề “Triết gia Trần Đức Thảo
- niềm tự hào của chúng ta”. Kế đến, tham luận của GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn: “
Trần Đức Thảo - một nhân cách, một nhà triết học tư duy không mệt mỏi”. Tiếp
theo, tham luận của GS Hà Minh Đức: “Nhớ thầy Trần Đức Thảo - một triết gia
thông thái, một nhân cách cao đẹp”. Qui định của Ban tổ chức là mỗi tham luận
chỉ được 10 phút, nhưng cả ba vị giáo sư đều trình bày quá thời gian. Thế mà
xem ra, cả người trình bày và người nghe vẫn cảm thấy thòm thèm.
Tham luận của
GS Nguyễn Đình Chú , Khoa Ngữ văn, phác thảo chân dung MỘT CON NGƯỜI được mệnh
danh là triết gia duy nhất của Việt Nam, một người Việt Nam có thanh danh lớn
nhất trên trường quốc tế về học thuật: Trần Đức Thảo. Tập trung thể hiện trên 5
phần: Trần Đức Thảo: người con xuất chúng của Bắc Ninh-Kinh Bắc, “cái nôi của
người Việt, của văn hóa Việt”. Trần Đức Thảo: một người Việt nam trọn đời yêu
nước với nhiều biểu hiện, đặc biệt là từ giã Pari hoa lệ để về nước tham gia
kháng chiến giữa những ngày gian khổ, ác liệt. Trần Đức Thảo: một lưu học sinh
làm vẻ vang cho Tổ quốc Việt Nam trên đất Pháp với tấm bằng thủ khoa thạc sĩ
triết học mà đến nay chưa có người thứ hai. Trần Đức Thảo: vị triết gia duy nhất
của Việt Nam trên trường quốc tế với những hành động, những tác phẩm nổi trội,
có ý nghĩa phát triển chủ nghĩa Mác theo hướng “duy vật biện chứng nhân bản”.
Trần Đức Thảo: người sáng lập bộ môn lịch sử triết học dưới chính thể Việt nam
dân chủ cộng hòa tại Đại học Sư phạm Văn khoa (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
Tại Đại học Sư
phạm, khóa học 1954 - 1957, thế hệ sinh viên hồi đó thật may mắn được thụ giáo
bởi những những nhà khoa học, những bậc danh sư - như một giàn sao sáng trên trời,
một đi không trở lại - như: Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Cao Xuân
Huy, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Khánh Toàn, Phạm Huy Thông, Trần Văn
Giàu, Nguyễn Lân, Nguyễn Lương Ngọc, Hoàng Xuân Nhị,…Các sinh viên thời đó mà
phần đông sau này đều thành danh trong sự nghiệp, nhiều người trở thành những
GS.TS tiêu biểu.
GS Nguyễn Đình
Chú - người có thâm niên 55 năm trên bục giảng Đại học Sư phạm, bồi hồi xúc động
đến nghẹn ngào kể lại những kỉ niệm của mình khi được học rồi tiếp đó là trợ lý
của thầy mình - Triết gia Trần Đức Thảo. Ông kể rằng, hồi đó tại Đại giảng đường
35 Lê Thánh Tông từ phòng chính cho đến chuồng gà hầu như hôm nào có giờ giảng
của Giáo sư Trần Đức Thảo thì đều chật ních và tĩnh lặng. Có hiện tượng lạ như
thế là vì tiếng đồn về Giáo sư quá lớn. Nào là đậu Thạc sĩ triết học của Escole
Normale ở phố Ulm - trường danh tiếng nhất của nước Pháp- thắng Jean Paul
Sartre trong cuộc tranh luận, bỏ Pari hoa lệ về nước tham gia kháng chiến. Theo
hồi tưởng của GS Nguyễn Đình Chú, thì Triết gia Trần Đức Thảo trên tư cách là một
nhà giáo, quả là một hiện tượng kỳ lạ chưa từng thấy trong ngành sư phạm. Thầy
Trần Đức Thảo có cá tính độc đáo, chỉ coi trọng chiều sâu học thuật, không câu
nệ bề ngoài - thậm chí bất chấp mọi khuôn mẫu, chuẩn mực mô phạm thường thấy
xưa nay của người thầy giáo trên bục giảng. Bởi thế, các đồng nghiệp, học trò
vô cùng yêu mến, kính trọng thầy mà nhận xét vui rằng: Thầy Thảo có bề ngoài
như là phi sư phạm nhưng thực chất lại là “đại siêu sư phạm”. Thầy Thảo thường
đến lớp trong tay không một mẩu giáo án, không ngồi ở ghế mà ngồi ghé mép bàn,
không hề nhìn sinh viên, chỉ nhìn ngược lên trần nhà giảng đường, mà tiếng nói
thì lúng búng, thỉnh thoảng tự mỉm cười. Thế mà cô cậu sinh viên nào cũng tỏ ra
mình hiểu. Nếu không thì tự nhận là mình dốt sao? GS Nguyễn Đình Chú cho rằng,
sở dĩ, ông có được những kết quả trong đời thì trước hết nhờ có sư phụ Trần Đức
Thảo. Bởi chính Thầy Trần Đức Thảo đã gieo vào mình một ám ảnh suốt đời phải
đeo đẳng và phấn đấu là sự thèm khát suy nghĩ, thèm khát một năng lực tư duy trừu
tượng khoa học, dù ít dù nhiều, cái mà thầy đã có. Mặc dù trong đời sống có nhiều
lĩnh vực khác nhau, nhưng nghiên cứu khoa học thì bao giờ cũng rất, rất cần đến
năng lực tư duy đó. Nói “đại siêu sư phạm” là thế. Không chỉ phát sáng cho học
trò mà cao hơn nữa là làm sao gieo được vào học trò một nỗi ám ảnh suốt đời để
học trò theo mình mà tự phát sáng dù ở lĩnh vực nào.
Kết luận bài viết,
sau khi nói lên vị thế của Triết gia Trần Đức Thảo, GS Nguyễn Đình Chú nhấn mạnh:
một đất nước muốn trở thành một đất nước hùng cường, sánh vai với năm châu thế
giới không thể không có triết học.
GS.TS Nguyễn Trọng
Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
Nam, trong bài tham luận: “Trần Đức Thảo, một nhà triêt học tư duy không mệt mỏi”
đã tập trung khắc họa chân dung và nhân cách của nhà triết học Trần Đức Thảo với
khả năng tư duy không mệt mỏi vì sự nghiệp khoa học. Ông là một nhà khoa học, một
trí thức biết dấn thân, biết vượt qua khó khăn, những sự thù nghịch để trọn đời
theo đuổi chân lý, đến với chủ nghĩa Mác - con đường đúng đắn để giải quyết vấn
đề cơ bản về phần lý luận khoa học để đấu tranh đòi tự do cho dân tộc. Sự nghiệp
và nhân cách của ông rất đáng được kính trọng, rất đáng được tôn vinh và thật sự
đã được tôn vinh dù có hơi muộn màng. Trước những năm 80 của thế kỷ XX, Trần Đức
Thảo (1917- 1993) được giới triết học phương Tây biết đến nhiều hơn những người
nghiên cứu và giảng dạy triết học ở Việt Nam đọc ông, biết đến các công trình của
ông và hiểu ông.
Theo GS.TS Nguyễn
Trọng Chuẩn, khi ông đang làm nghiên cứu sinh triết học tại Liên Xô (cũ), trong
một buổi báo cáo khoa học, một phụ nữ không quen biết đến ngồi cạnh và hỏi, ông
có phải là người Việt Nam không. Ông trả lời, vâng, đúng thế! Bà ta hỏi tiếp,
ông có quen nhà triết học Trần Đức Thảo không. Ông Chuẩn trả lời rằng, tôi có
biết nhưng chưa bao giờ được gặp ông ấy. Bà ta tỏ vẻ ngạc nhiên và nói ngay rằng,
tôi rất thích cuốn “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” của Trần Đức
Thảo bằng tiếng Pháp”. Hóa ra là, Trần Đức Thảo không chỉ được giới triết học
phương Tây mà cả giới triết học Liên Xô lúc bấy giờ cũng đã biết đến ông từ trước
đó.
Tiếc rằng, ở
trong nước có không ít người nghe đến tên ông Trần Đức Thảo nhưng lại chỉ biết
về ông như là người có liên quan đến vụ “Nhóm nhân văn”. Việc ông không được
nhiều người biết đến là do các công trình của ông dù được viết tại Việt Nam hay
được viết tại Pháp, rồi được dịch ra nhiều thứ tiếng khác và được xuất bản ở
các nước như Hunggari, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản,…Ngoài ra, cũng có thể,
suốt một thời gian dài ở nước ta những công trình nghiên cứu mang tính khoa học
đều bị coi là thứ xa xỉ, là xa lạ rời thực tế. Người ta chỉ chăm chăm vào những
cái gì mang tính minh họa hoặc thuyết minh. Hơn nữa, trong nhiều năm, việc công
bố hoặc truyền bá những gì dính dáng tới những người có liên quan đến vụ “nhân
văn” là điều tối kỵ và thậm chí không được phép. Những nguyên nhân cốt tử đó đã
không thể đưa các tác phẩm của Giáo sư Trần Đức Thảo đến với công chúng rộng
rãi cũng như những người giảng dạy triết học nhưng không thông thạo tiếng Pháp,
không trực tiếp sử dụng được Pháp ngữ.
Suốt trong nhiều
năm, từ cuối nhứng năm 50 cho đến cuối đời, nhà trí thức lớn Trần Đức Thảo dù bị
o ép và sống trong cảnh túng thiếu, không có chỗ để sách, không có nơi làm việc,
nhưng ông vẫn không ngừng công việc nghiên cứu của mình. Đặc biệt, từ đầu năm
1988, sau khi chuyển vào thành phố Hồ chí Minh, cuộc sống của ông càng khó khăn
hơn. Trong mọi khó khăn, Trần Đức Thảo không đánh mất mình. Suốt những năm sau
khi về nước, ông kiên trì theo đuổi các công trình nghiên cứu và nhờ đó các bài
báo, các công trình được đăng cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài.
Sự nghiệp và cuộc
đời của Trần Đức Thảo là sự nghiệp của một nhà khoa học biết dấn thân, biết vượt
qua những khó khăn, những sự thù nghịch để trọn đời theo đuổi chân lí.
GS Hà Minh Đức,
nguyên Viện trưởng Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham luận
báo cáo chủ đề: “Nhớ thầy Trần Đức Thảo, một triết gia thông thái, một nhân
cách đẹp”. Bài viết hồi tưởng lại những ấn tượng sâu sắc của một học trò đã trực
tiếp được Giáo sư Trần Đức Thảo giảng dạy các bài giảng Lịch sử tư tưởng triết
học. Cuộc đời Giáo sư Trần Đức Thảo dù gặp phải những vất vả, nhưng thầy không
hề oán giận, trách móc. Thầy vẫn lặng lẽ sống, chịu đựng, quan tâm đến nghiên cứu
khoa học, nhận những công việc được giao phó và hoàn thành có trách nhiệm. Với
tư cách là một nhân chứng lịch sử, GS Hà Minh Đức khẳng định tầm vóc trí tuệ và
nhân cách trong sáng của thầy mình - Giáo sư Trần Đức Thảo.
GS Hà Minh Đức
kể rằng, hồi đó, thầy Thảo dạy về triết học duy tâm chủ yếu là phương Tây. Giáo
trình dài nhưng phần nhập tâm nhiều hơn đối với sinh viên là triết học trước
Mác với các tác giả nổi tiếng như Kant, Phơbach, Hégel…Là một nhà duy tâm nổi
tiếng, Trần Đức Thảo bắt đầu từ đâu với triết học duy vật biện chứng. Nghe nói,
hồi đó có một vị lãnh đạo nói với GS rằng, anh không thể bước từ đỉnh của triết
học duy tâm sang đỉnh của triết học duy vật, mà phải đi xuống đã, rồi từ dưới
leo lên đỉnh cao của triết học duy vật. Mỗi khi thầy vào lớp, mọi người đứng dậy
chào, thầy khẽ gật đầu và bắt ngay vào giảng, tay cầm micro nói một hơi cho tới
giờ nghỉ. Thầy lên văn phòng một lúc rồi quay về lớp giảng tiếp một hơi cho đến
kết thúc. Không nói hùng hồn, hùng biện như các thầy Trần Văn Giàu và Trương Tửu
mà giọng nói đều đều không vội vàng, không vấp váp như nước trong nguồn chảy
ra. Phải có một tư duy hệ thống có logic chặt chẽ trong cấu tạo ý tưởng mới có
thể chuyển tải bài giảng dài không hề lệ thuộc vào sách vở. Có lúc một tay thầy
cầm micro, một tay đút túi quần, mắt như nhìn sinh viên mà không nhìn vào ai cụ
thể. Lớp cử ra hai người là Nguyễn Đình Chú và Phạm Hoàng Gia, hai sinh viên
thông minh, giỏi và chữ đẹp, viết nhanh để ghi lại lời thầy. Không có ghi âm hoặc
yếu tố nào hỗ trợ, hai sinh viên Nguyễn Đình Chú và Phạm Hoàng Gia được dành 2
ghế ở hàng đầu có đánh dấu phấn để tiện công việc. Về xem lại phần ghi chép và
gửi đến thầy, thầy chỉnh lí và cho in. Giờ học sau, cả lớp đã có bài giảng chu
đáo, kịp thời. Có người nói vui, thầy nào cũng như thầy Thảo thì việc viết sách
giáo khoa rất thuận tiện, mà chẳng tốn kém như bây giờ. Giáo trình Lịch sử tư
tưởng triết học đã ra đời như thế. Nhưng điều đáng quí là, đã tạo cho sinh viên
làm quen với tư duy trừu tượng. Một nhược điểm không dễ khắc phục với lối nghĩ
cảm tính và cảm nhận cụ thể. Quá trình khái quát hóa và trừu tượng hóa rất cần
cho học tập và nghiên cứu khoa học của mọi người. Người ta thường nhắc đến khả
năng trừu tượng hóa siêu việt của Hégel và sau này một số triết gia phương Tây
tiếp nối được.
Theo GS Hà Minh
Đức, từ Việt Bắc về Hà Nội, Giáo sư Trần Đức Thảo vẫn giữ được vốn quí triết học,
nhưng về chính trị thầy chưa trải nghiệm qua nhiều thử thách. Đúng lúc phong
trào Nhân văn giai phẩm xuất hiện, Giáo sư Trần Đức Thảo đã viết bài: Nỗ lực
phát triển tự do dân chủ (đăng Nhân văn số 32, 15-10-1956). Trong đó tác giả đề
cao, nhấn mạnh đến yêu cầu tự do phát triển cá nhân; phê phán những tư tưởng
làm hạn chế sự phát triển của xã hội như : quan liêu, bè phái, giáo điều, sùng
bái cá nhân. Kết quả là, Giáo sư Trần Đức Thảo bị ngừng giảng dạy, một số cuộc
họp trong Trường ĐHSP phê phán Giáo sư Trương Tửu và Giáo sư Trần Đức Thảo khá
nặng nề. Sau nhiều năm chịu đựng nhiều vất vả, nhưng Giáo sư Trần Đức Thảo
không hề oán hận, trách móc, thầy vẫn lặng lẽ sống và quan tâm đến nghiên cứu
khoa học.
Tháng 9-2000,
Giáo sư Trần Đức Thảo được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - đây là
sự giải tỏa, điều minh oan cho Thầy.
Giải thưởng Hồ
Chí Minh mà Nhà nước truy tặng Giáo sư Trần Đức Thảo là căn cứ trên hai công
trình khoa học tiêu biểu nhất của ông : “Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật
biện chứng” , “Tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức”.
Được biết, Triết
gia Trần Đức Thảo để lại cho đời hơn 15.000 trang viết bằng 3 thứ tiếng: Việt,
Pháp, Đức. Chỉ riêng công trình Danh mục về di sản của Giáo sư Triết học Trần Đức
Thảo do cố Tiến sĩ Cù Huy Chữ sưu tầm biên soạn cũng đã gần 700 trang. Có thể
nói, trên đất nước ta thật hiếm có được người như ông.
Sự nghiệp và
thanh danh của Triết gia Trần Đức Thảo to lớn như thế, nhưng nội dung triết học
cụ thể của ông là gì, thì đối với số đông học giới Việt Nam ta, xem ra lại là
điều không dễ dàng. Theo GS Nguyễn Đình Chú, một người muốn hiểu được một cách
tương đối thấu đáo về tư tưởng triết học của Triết gia Trần Đức Thảo, thì phải
phải hội đủ 4 điều kiện cần thiết là: Về ngoại ngữ, phải thành thạo tiếng Pháp
và tiếng Đức. Phải có trình độ nhất định về triết học thế giới - đặc biệt là
triết học phương Tây. Phải có hiểu biết tới mức cần thiết của khoa học tự nhiên
(cứ nhìn những sách tham khảo một cách uyên bác mênh mông của Triết gia sẽ thấy
phải như thế). Quan trọng hơn nữa là, phải có năng lực tư duy trừu tượng khoa học
như thế nào đó thì mới thâm nhập được vào tác phẩm của Triết gia, trong khi đất
nước mình vốn có thế mạnh về tư duy cụ thể mà nghèo về tư duy trừu tượng.
Về tài năng to
lớn của Giáo sư Trần Đức Thảo, có thể khái quát gọn trong một câu khẳng định của
Giáo sư Trần Văn Giàu: “Mình không có truyền thống triết học. Nếu có thể nói,
có một nhà triết học thì người đó không phải là Trần Văn Giàu - Trần Văn Giàu
là một giáo sư triết học hay nhà nghiên cứu triết học. Người đó chính là Trần Đức
Thảo”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét